kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Phần I: Địa lý (Chương VI)

Phần I: Địa lý (Chương VI)

Thổ nhưỡng hay là đất là lớp phủ trên mặt của vỏ trái đất được tạo thành từ quá trình phong hoá đá gốc, quá trình bồi lắng phù sa sông, biển (và cả bồi lắng do gió), kết hợp với sự tác động của sinh vật, khí hậu, địa hình và của bản thân con người.

Chương VI

THỔ NHƯỠNG

Thổ nhưỡng hay là đất là lớp phủ trên mặt của vỏ trái đất được tạo thành từ quá trình phong hoá đá gốc, quá trình bồi lắng phù sa sông, biển (và cả bồi lắng do gió), kết hợp với sự tác động của sinh vật, khí hậu, địa hình và của bản thân con người.

I. CÁC YẾU TỐ HÌNH THÀNH ĐẤT

Đất được tạo thành từ sự tác động của năm yếu tố chính là: Mẫu chất, khí hậu, địa hình, sinh vật và tác động của con người.

1.   Các mẫu chất hình thành đất

Quá trình phong hoá và quá trình bồi lắng; đã đưa đến các mẫu chất khác nhau để hình thành đất. Ở Hà Nam, các mẫu chất hình thành đất có các loại sau:

1.1 Mẫu chất từ đá

Đó là lớp bở rời phong hoá trên đá vôi, phiến thạch sét, cát kết và cát bột kết.

Mẫu chất đá vôi ở Hà Nam chiếm một diện tích không lớn. Hiện nay phần lộ trên bề mặt chỉ có 2.890 ha, nhưng những mẫu chất phong hoá từ đá vôi lại có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để tạo nên nhóm đất đồi núi thấp phía Tây của tỉnh. Đồng thời các mẫu chất đã tạo nên đất tích tụ ở sườn và chân đồi, núi. Đá vôi ở Hà Nam có màu xám trắng đến xám đen, hàm lượng vôi CaO trên 50%, MgO từ 0,35 đến 0,61%, ngoài ra còn có SiO2, Al2O3, Fe2O3, P2O5, K2O.

Trong mẫu chất phong hoá từ đá vôi thì vôi (CaO) hay canxit (CaCO3) bị hoà tan và mang đi và để lại cát (thạch anh- SiO2) 11,6%, gơ tít (FeOOH) đến 21,9%, và đặc biệt là khoáng sét (nếu phong hoá chưa triệt để là caolinit) chiếm đến 41,6% và các ôxýt: MnO2, AI2O3, P2O5.

Từ mẫu chất trên nên đất hình thành trên đá vôi thường có thành phần cơ giới nặng, thành phần sét chiếm từ 35 đến 71%; hàm lượng lân (P2O5) khá, hàm lượng kali trung bình (từ 0,9 đến 1,6%), độ xốp 49,5%.

Ngoài mẫu chất phong hoá từ đá vôi còn có các mẫu chất phong hoá từ phiến thạch sét, cát bột kết và cát kết như ở núi Đọi, núi Điệp (huyện Duy Tiên), núi An Lão (huvện Bình Lục), dãy núi Cô Tiên - Núi Đùng, một số núi đồi Thanh Tân, Thanh Nghị, Thanh Hải (huyện Thanh Liêm) và ở Ba Sao (huyện Kim Bảng). Trong điều kiện nhiệt đới nóng ẩm, các đá trên bị phong hoá mạnh tạo nên một lớp đất sâu dày. Các thành phần khoáng từ nghèo nàn (cát kết) đến phong phú (phiến thạch sét và cát bột kết).

1.2. Mẫu chất phù sa

Mẫu chất phù sa là vật liệu cơ bản để bồi đắp nên phần đồng bằng ở Hà Nam (chiếm 83,8% diện tích tự nhiên). Tuỳ theo vị trí trung lưu hay hạ lưu, tuỳ theo tốc độ dòng chảy trên sông mà mẫu chất phù sa để lại trên bãi bồi có thành phần cơ giới và tính chất lý học, hoá học khác nhau, độ phì khác nhau.

Ở Hà Nam trên bãi bồi của sông Hồng, mẫu chất phù sa có thành phần cơ giới chủ yếu là cát mịn có tỷ lệ từ 46 đến 54%, sau đó đến sét 22 - 26%, thành phần cát thô chỉ chiếm 2,6 đến 3,5%. Mặt khác trong mẫu chất phù sa đã có thành phần hữu cơ có nguồn gốc từ sự phân huỷ xác sinh vật chiếm 0,83 đến 1,03% và đã có một lượng đáng kể đạm, lân, kali. Như vậy các mẫu chất phù sa đã có đầy đủ điều kiện để cỏ cây phát triển và nó đã là một loại đất trồng quý của các hộ nông nghiệp ven sông.

Từ những phân tích đối chiếu trên, chúng ta thấy mẫu chất (phong hoá từ đá gốc hay từ phù sa bồi lắng) có tác động chi phối đến các đặc tính cơ giới, lý học và hoá học của đất. Nó tạo ra những nền tảng vật chất đầu tiên để từ đó tác động của sinh vật, của địa hình, của khí hậu, của con người làm cho đất luôn phân hoá, luôn biến chuyển để có các đặc tính như ngày nay.

Một cơ sở sản xuất vôi ở thị trấn Kiện Khê, Thanh Liêm. Ảnh: T.L

2. Sự tác động của khí hậu

Khí hậu tác động mạnh đến sự hình thành đất. Vì ánh sáng, nhiệt độ, lượng mưa, độ bốc hơi tác động trực tiếp lên đá gốc, phân huỷ đá gốc để tạo thành lớp bở rời trên mặt đá gốc mà chúng ta gọi là mẫu chất như đã nói ở trên.

Các mẫu chất hình thành trên đá là kết quả tác động của các yếu tố khí hậu và chế độ khí hậu với đá gốc.

Trên mẫu chất phù sa do sông bồi tích ở một địa điểm nhất định cũng phụ thuộc vào điều kiện khí hậu, điều đó được thể hiện qua chế độ thuỷ văn của nước sông. Năm mưa nhiều, lưu vực bị rửa trôi, bào mòn mạnh. Các vật liệu sỏi, sạn, cát, limông, sét và các chất hữu cơ phân huỷ bị mang đi nhiều hơn và sẽ bồi đắp trên lòng sông, bãi bồi, những vật liệu thô hơn và dày hơn so với năm mưa ít, lưu lượng của dòng sông nhỏ.

Khi các mẫu chất đã chuyển thành đất (nghĩa là đã có cây cỏ nảy sinh và phát triển) khí hậu vẫn tiếp tục tác động trực tiếp đến đất và gián tiếp qua sinh vật (chủ yếu là thực vật), thuỷ văn (chế độ nước trong đất) và địa hình.

Sự tác động trực tiếp của ánh sáng nhiệt độ, lượng mưa, lượng bốc hơi làm tầng đất tiếp tục biến đổi về lý tính và hoá tính. Với đất đai hình thành trên đá vôi, phiến thạch sét, cát kết ở khu vực đồi núi thấp phía tây của tỉnh, chế độ khí hậu nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều làm đất tiếp tục bị mất đi các cation, kiềm, kiềm thổ, dẫn đến sự tích luỹ sắt nhôm dưới dạng các ô xít sắt, nhôm như F2O3, AI2O3 và cát thạch anh (SiO2), hình thành nên loại đất đỏ vàng ở khu đồi núi thấp. Sự phong hoá mạnh mẽ các đá phiến thạch sét, cát kết, cát bột kết trên nền đá vôi đã tạo nên tầng đất dày đến 2 hay 3 mét (vết lộ khai thác đất đá san nền ở Ba Sao).

Sự tác động của khí hậu qua một chế độ mưa tập trung như ở Hà Nam (mùa mưa chiếm tới 70 - 80% tổng lượng mưa cả năm) đã làm cho đất vàm cao ở đồng bằng bị rửa trôi mạnh. Đất đồi núi bị bóc mòn lớp đất ở đỉnh và sườn tích tụ về chân đồi, chân núi. Điều đó dẫn đến đất càng cao càng dễ bị chua và thành phần cơ giới là cát dần dần chiếm ưu thế. Các vật liệu như limong, sét, cation kiềm, kiềm thổ thiếu vắng dần do nước mang đi và tích tụ nơi địa hình thấp trũng.

Tác động của một mùa khô dài, trong khi mực nước cách mặt đất không xa dẫn đến sự thẩm thấu lên bề mặt và bay hơi, dung dịch đó chứa các ion sắt, nhôm sẽ được chuyển lên bề mặt làm thành kết von sắt, mangan xung quanh các hạt cát, sét, sỏi sạn. Có khi sự kết von gắn kết với nhau tạo thành những tầng đá ong chặt, hạn chế sự phát triển của rễ cây, hạn chế các quá trình trao đổi dung dịch, nước của tầng đất mặt với các tầng bên dưới. Cây và đất dường như bị chết trong mùa khô nóng.

Sự thoái hoá đất như trên do khí hậu nhiệt đới nóng ẩm có mùa khô rõ rệt đã có ở hai huyện Kim Bảng và Thanh Liêm với diện tích chừng 6,581 ha (thông báo hiện trạng môi trường Hà Nam 1998, Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nam).

3. Sự tác động của địa hình

Địa hình đóng vai trò như một yếu tố chi phối năng lượng ngoại sinh (các vận động và hiện tượng phát sinh do năng lượng mặt trời). Hầu hết đồi núi thấp ở phía tây và những đồi núi thấp trên đồng bằng của tỉnh chạy theo hướng bắc nam. Vai trò sườn đông, sườn tây ảnh hưởng rõ rệt đến sự hình thành và phát triển của đất.

Ở sườn đông, thực vật đón nhận ánh sáng, lượng mưa và độ ẩm nhiều hơn dẫn đến sự phong hoá đá mạnh hơn; hình thành tầng đất dày với một quần thể sinh vật phong phú. Xác phân huỷ của chúng nhiều hơn đã làm cho đất sườn đông tốt hơn đất ở sườn tây. Sự phong hoá này cũng làm cho bậc thềm dưới 50 mét ở sườn đông mở rộng nhiều so với sườn tây.

Những dạng địa hình trũng của các lòng chảo là nơi đất đai được tích đọng nhiều các sản phẩm của sự rửa trôi, bào mòn. Nơi đây quá trình tích lũy sét, limông, các cation kiềm, kiềm thổ làm cho đất ít chua hơn so với đỉnh và sườn. Những nơi xác thực vật tích đọng nhiều, khi phân huỷ đã tạo nên những lớp than mùn dày đến hàng vài mét và lúc này đất trở nên chua như khu vực đầm Tay Ngai, Ba Sao (huyện Kim Bảng)...

Tác động của địa hình đến sự phân hoá của đất đai trên đồng bằng ở Hà Nam cũng rất rõ nét.

Địa hình vàn cao quá trình rửa trôi đã làm cho đất có thành phần cơ giới chủ yếu là cát thô, cát mịn, sét và limông chiếm tỷ lệ nhỏ, do vậy đã hình thành lên loại đất thịt nhẹ hay cát pha. Loại đất trên có diện tích lớn nhất ở huyện Thanh Liêm (1.195 ha).

Ngược lại địa hình trũng là nơi tích đọng nhiều các phần tử sét, limông, bùn, xác thực vật phân huỷ dẫn đến tỷ lệ sét trong đất cao, tạo nên loại đất thịt nặng. Đó là đất trên những cánh đồng chiêm trũng của các huyện Duy Tiên, Lý Nhân. Diện tích đất thịt nặng của hai huyện trên là 11.278 ha, chiếm 21,7% trên tổng số 51.820 ha đất nông nghiệp của tỉnh (kể cả diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, số liệu thống kê).

4. Sự tác động của sinh vật

Sự nảy sinh các loài thực vật trên mẫu chất là dấu hiệu đánh giá mẫu chất phong hoá từ đá vôi, đá phiến, cát kết và mẫu chất phù sa đã chuyển thành đất. Sự phát triển của sinh vật có ý nghĩa rất lớn trong việc hình thành tính chất lý học, hoá học và hàm lượng các chất dinh dưỡng, cả thành phần cơ giới của đất.

Trước hết các vi sinh vật tự dưỡng đã lấy những hợp chất vô cơ trong mẫu chất phong hoá để xây dựng nên tế bào của chúng. Khi chúng chết đi tế bào của chúng bị phân huỷ tạo thành những hợp chất hữu cơ đầu tiên trong đất, từ đó các sinh vật dị dưỡng phát triển. Tiếp sau đến rêu, địa y, các thực vật bậc cao hơn tiếp tục cải tạo các mẫu chất, tiếp tục cải tạo bề mặt đá ẩm để tạo ra lớp vỏ phong hoá dầy thêm. Chúng chết đi lại bồi bổ cho lớp phong hoá các hợp chất hữu cơ lớn hơn để rồi các vi sinh vật dị dưỡng phân huỷ thành mùn, các chất khoáng tạo điều kiện cho các sinh vật bậc cao phát triển và cứ thế đất mới nảy sinh. Ngày nay, trên nền tảng của giới sinh vật đã phát triển phong phú, đa dạng và đạt đến điểm cao, lớp vỏ phong hoá hay các mẫu chất chuyển thành đất nhanh hơn nhờ rễ, lá, quả, hạt... của các thực vật bậc cao đã phân tán, phát tán theo gió, theo nước, theo trọng lực gieo vào các mẫu chất đó những mầm sống thực vật, quá trình ấy đã góp phần cải tạo và chuyển đổi nhanh chóng các mẫu chất trên thành đất.

Hiện tại hệ sinh thái rừng nhiệt đới là nơi diễn ra sự trao đổi chất mạnh mẽ nhất giữa các thành phần sống (cây rừng, động vật, vi sinh vật) và các thành phần vô sinh (chất khoáng, mùn, nước, khí cacbonic, ánh sáng...). Kết quả để lại của vòng chu chuyển vật chất này là đất ngày càng phát triển về tầng chiều dày và tỷ lệ các chất khoáng, chất mùn tồn tại trong đất ngày càng nhiều. Cùng với nó là một hệ sinh thái đất (các chất vô cơ, các vi sinh vật, thực vật bậc thấp, động vật trên mặt đất) hoạt động mạnh mẽ làm nền tảng cho các thực vật và động vật bậc cao phát triển. Đất có thảm cỏ, hàng năm trên 1 ha có thể được cung cấp 100kg đạm, 200kg kali (ở dạng K2O) và 35 kg là (ở dạng P2O5) và nhiều các chất khoáng khác.

Thảm thực vật trên đất che chắn cho đất không bị xói mòn do tác động của mưa, của dòng chảy mặt, giữ cho đất mặt thường xuyên ẩm, tơi xốp là điều kiện tốt để các vi sinh vật đất phân huỷ chất hữu cơ và tạo nên lớp thảm mục dày, góp phần cải tạo đáng kể đất rừng và chế độ thuỷ văn của lưu vực.

Các động vật bậc thấp (như giun, dế, kiến, mối, các côn trùng) đã thúc đẩy nhanh sự chuyển hoá của thảm mục thành mùn và các chất khoáng nhờ quá trình tiêu hoá thân, rễ, lá, thực vật mục nát.

Các động vật bậc cao (như chuột, nhím, thỏ, chim...) làm cho đất bị xáo trộn với nhiều lỗ hổng nhiều vết đào xới khiến đất trở nên tơi xốp hơn, thoáng khí hơn tạo điều kiện cho vi sinh vật đất hoạt động mạnh tăng cường lượng đạm và lượng mùn cho đất.

Trong những năm gần đây với nhiều chương trình dự án nhằm phủ xanh đất trống đồi núi trọc, diện tích rừng của Hà Nam đã tăng lên rõ rệt. Đến năm 2000 độ che phủ rừng trên đất lâm nghiệp đạt 87,6%. Duy trì và phát triển diện tích rừng (bao gồm cả rừng tự nhiên và rừng trồng) chắc chắn đất đồi núi phía tây sẽ được cải thiện rõ rệt, đồng thời dải đất đồng bằng chân núi đất đai ngày càng trở nên màu mỡ thuận lợi để cây trồng phát triển và cho năng suất cao.

Sự tác động của sinh vật đặc biệt là cây trồng, vật nuôi trên đất nông nghiệp ở Hà Nam được thực hiện thông qua các hệ canh tác của con người và đây thực sự là sự tác động của con người lên đất canh tác.

5. Sự tác động của con người

Năm 1990, bình quân đất nông nghiệp của Hà Nam là 7.27m2/1 người dân (2 sào Bắc Bộ/người). Đến năm 2000, bình quân đất nông nghiệp trên đã chỉ còn 1,8 sào/1 người dân; năm 2003 là 1,76 sào/1 người dân. Mức độ giảm bình quân đất nông nghiệp trong vòng 10 năm là 82m2/1 người dân. Tốc độ giảm như vậy là khá nhanh.

Nhưng những nhu cầu về nông sản của dân cư lại tăng nhanh khiến cho diện tích đất gieo trồng từ năm 1990 đến năm 2000 tăng 115% (năm 2000 diện tích gieo trồng đạt 99.887 ha). Điều đó chứng tỏ sự tác động của con người vào thổ nhưỡng ngày càng tăng.

Sự tác động đó thể hiện ở chỗ, mạng lưới tưới tiêu ngày càng hoàn thiện. Tính đến năm 1998, diện tích gieo trồng chủ động tưới, tiêu nước của tỉnh Hà Nam đạt 80%. Trong đó huyện Thanh Liêm diện tích gieo trồng chủ động tưới, tiêu đạt từ 90 đến 93,3%.

Hệ thống tiêu nước đã giúp cho 90% diện tích đất nông nghiệp và đất ở được tiêu nước nhanh khi mưa lũ và chỉ còn 6% tiêu nước chậm. Bằng chế độ tưới, tiêu tốt Hà Nam đã đưa một diện tích lớn ngập úng vào 2 vụ lúa chắc ăn. Mặt nước nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả cao cho sản xuất nông nghiệp.

Hệ thống đê được hình thành cách đây hàng nghìn năm và đến nay cũng luôn được quan tâm, tu bổ cải tạo đảm bảo cho sản xuất và sinh hoạt của cư dân nội đồng an toàn hơn.

Đất đồng bằng tuy không còn đón nhận được lớp phù sa trên diện rộng nhưng trong nội đồng, qua hệ thống cống trên đê và các trạm bơm trên bờ sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ, đất nội đồng vẫn được cung cấp một nguồn nước tươi mát với nhiều phù sa lắng đọng.

Do đất nông nghiệp bình quân trên mỗi người dân thấp và có xu hướng giảm nên quá trình thâm canh, tăng vụ tiến hành mạnh mẽ ở nhiều địa phương. Qua việc tăng cường lượng phân bón hữu cơ và phân vi sinh cho cây trồng, đất nông nghiệp cũng đã được cải tạo đáng kể về thành phần cơ giới, độ xốp, hàm lượng mùn, hàm lượng đạm, lân, kali. Khả năng hấp thụ của các keo đất tăng lên.

Đất hai vụ lúa ở Hà Nam mỗi năm thường được bón 450 - 500kg phân hữu cơ, 15 - 17 kg đạm Urê, 28 - 40kg supephotphat hay tetmophốtphát, 7,2 - 12kg kaliclorua cho một sào Bắc Bộ.

Đối với đất trồng ba vụ khối lượng phân bón nêu trên tăng gấp 1,2 đến 1,5 lần.

Với lượng phân bón như vậy đất nông nghiệp của Hà Nam đã và đang từng bước tăng độ phì nhiêu, góp phần tăng năng suất và hiệu quả của cây trồng.

Ngoài ra với chế độ luân canh mà con người áp dụng trên đất nông nghiệp đã cải tạo độ tơi xốp, hàm lượng mùn và các khoáng chất trong đất. Đất 3 vụ với công thức luân canh: lúa sớm - lúa mùa sớm - cây vụ đông (ngô, rau đông, khoai tây, khoai lang, dưa chuột, đậu, lạc) sẽ có giá cải tạo đất lúa rõ rệt và làm cho năng suất, chất lượng lúa đông xuân thường cao hơn vụ mùa. Đồng thời các cây trồng như đậu tương, lạc, khoai tây góp phần đáng kể tăng cường lượng đạm cho đất bằng các vi khuẩn cố định đạm từ không khí có trong rễ cây.

Với đất hai vụ lúa vàn trũng, việc cày ải vụ đông cũng góp phần cải tạo đất rất nhiều. Nhờ phơi nắng, phơi gió quá trình thối mục xác sinh vật diễn ra hoàn toàn và chúng bị ôxy hoá thành các khoáng chất cung cấp cho cây trồng vụ sau. Đồng thời cày ải vụ đông còn giải thoát khí độc CH4, H2S, NH3 đối với cây trồng và hệ sinh vật đất. Nó cũng làm giảm độ chua gây nên từ các axit mùn và sự phân huỷ hữu cơ. Đây là một kinh nghiệm quý giá trong canh tác nông nghiệp mà cha ông ta đã từng nói: “Một hòn đất nỏ bằng một giỏ phân”.

Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên cũng còn không ít những hoạt động thiếu cơ sở khoa học, chạy theo lợi ích trước mắt đã dẫn đến những hậu quả như đất bị xói mòn, đất bị đá ong, đất bị chua đi và đất tích đọng các hoá chất độc hại.

Trên vùng đồi núi thấp phía tây thuộc huyện Kim Bảng và Thanh Liêm, vào mùa mưa, hiện tượng xói mòn vẫn diễn ra trên đất đồi nương, trên sườn và đỉnh đồi núi, nơi thảm thực vật bị tàn phá. Sự xói mòn cũng còn xảy ra trên các đồi núi thấp ở đồng bằng, nơi lớp phủ thực bị chặt phá. Báo cáo môi trường năm 1996 cho biết diện tích này chiếm gần 8.000 ha.

Đất ở chân đồi núi thấp hình thành trên sự tích tụ những sản phẩm bào mòn và rửa trôi của đỉnh và sườn lại dễ bị kết von, hoặc đá ong hoá do mực nước ngầm dâng cao trong mùa khô và sự thiếu vắng của một lớp phủ thực vật trên đó. Đất bị kết von và đá ong hoá sẽ giảm đáng kể khả năng sinh trưởng và phát triển của thực vật tự nhiên cũng như cây trồng. Loại đất này ở Hà Nam có diện tích lên tới 11.596 ha (Báo cáo về môi trường, Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nam).

Sự giảm sút độ che phủ thực vật ở đỉnh, sườn đồi núi thấp và ngay trên các vàn cao vào mùa mưa lũ làm cho lượng mùn ít được tích luỹ, các cation kiềm, kiềm thổ bị rửa trôi nhiều khiến cho đất đỏ, đỏ vàng trên phiến thạch sét, cát kết, cát bột kết chua đi khá nhiều. Độ pH chỉ còn 4,5 đến 5,5. Thậm chí đất đồi thấp trồng chè và sắn ở Thanh Liêm, độ chua ở mức 3,7 - 4,5.

Trên đất vàn thấp, đất trũng thường xuyên ngập nước hoặc chứa nhiều thân xác thực vật phân huỷ đất cũng bị chua đi và bị glây (Fe2O3 đỏ vàng chuyển thành FeO màu lam do tác động của vi khuẩn hiếm khí trong đất). Lối thu hoạch bỏ lại rạ lúa trên cánh đồng hiện nay dẫn đến sự thối rữa, thối nát các chất hữu cơ trong điều kiện hiếm khí (ngậm nước) là nguyên nhân sinh ra CO2, H2S, CH4 làm đất chua đi rõ rệt.

Đất trồng lúa hai vụ cũng bị chua đi do bón phân vô cơ nhiều, không cân đối với lượng phân bón hữu cơ. Những trắc nghiệm cho thấy với tỷ lệ bón phân như hiện nay trong 4 năm canh tác, độ chua của đất sẽ tăng lên gần 1. Các khí thải độc hại như CO2, SO2, NO, NO2 do quá trình sản xuất nông nghiệp, do đốt cháy nhiên liệu thải vào không khí..., khi mưa xuống sẽ gây chua đất nghiêm trọng.

Đất nông nghiệp của Hà Nam có độ chua dưới 4,5 (đất rất chua) là 13.433 ha (chiếm khoảng 28% đất canh tác), trong đó hai huyện Thanh Liêm và Bình Lục có diện tích đất chua lớn hơn cả (5.300 ha và 4.003 ha). Đất nông nghiệp bị chua (từ 4,5 - 5,5 ) là 27.778 ha chiếm 59% đất canh tác. Loại đất này có ở tất cả các huyện trong tỉnh với diện tích từ 3.000 ha đến trên 7.000 ha (Báo cáo hiện trạng môi trường năm 1998).

Sử dụng nhiều phân vô cơ trong canh tác nông nghiệp dẫn đến tình trạng đất càng bị chua và làm nghèo các ion bazơ, tăng lượng nhôm, sắt, mangan di động gây hại cho cây trồng, nhất là ngũ cốc, động vật nước ngọt, ngoài ra đất càng chua hoạt tính của các vi sinh vật trong đất ngày càng giảm. Sử dụng nhiều phân hoá học còn làm giảm sút chất lượng nông sản do sự tích luỹ nitơrat trong củ, quả dễ gây ung thư cho người.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nam, thuốc trừ sâu, trừ bệnh cho cây trồng vật nuôi sử dụng mỗi năm một tăng. Từ năm 1997 đến 1999 lượng thuốc trên đã sử dụng tăng từ 60 đến 80 tấn. Các hộ nông nghiệp còn dùng thuốc diệt cỏ, diệt chuột trong nhiều trường hợp đã gây tử vong cho con người.

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ nhiều về số lượng, số lần đã dẫn đến ô nhiễm không khí nhất là môi trường đất. Sự tồn tại của chất hữu cơ chậm phân huỷ (từ 6 tháng đến 2 năm) đã phá huỷ hệ sinh thái đất vốn giữ vai trò quan trọng trong việc tạo nên độ phì của đất. Những tồn đọng về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, thực phẩm đã gây nguy hại cho người tiêu dùng. Sản phẩm rất khó được chấp nhận trên thị trường và gây thiệt hại trở lại cho người sản xuất.

II. CÁC LOẠI ĐẤT, TÍNH CHẤT VÀ HIỆN TRẠNG SỬ DỤNG HIỆN NAY

Theo nguồn gốc hình thành đất trên cơ sở các mẫu chất phát triển thành đất, theo tính chất chi phối của địa hình trong quá trình hình thành, đất ở Hà Nam có ba nhóm chính sau:

Nhóm đất phù sa đồng bằng độ cao trung bình  <    10m, độ dốc 30

Nhóm đất đồi độ cao 10 -100m dốc > 30

Nhóm đất núi độ cao trên 100m, bề mặt dốc đến rất dốc.

1. Nhóm đất đồng bằng

Nhóm đất này hình thành trên cơ sở phù sa đệ tứ của sông Hồng, thường có độ cao tuyệt đối từ 0,4 - 5m so với mực nước biển. Độ dốc tối đa từ 0 - 30, một số ít có độ dốc từ 3 - 80. Trải qua hàng nghìn năm khai thác sử dụng của con người, cùng với việc hình thành hệ thống đê sông, gây nên sự phân hoá cục bộ trên đồng bằng và đã tạo nên các loại đất khác nhau.

1.1. Đất phù sa được bồi hàng năm ven sông

Chủ yếu nằm ngoài đê sông Hồng, ngoài ra ở ngoài đê sông Đáy, sông Châu, một số ít trên sông Nhuệ. Đây là loại đất thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến trung bình, độ phì cao. Hàm lượng chất hữu cơ từ 0,53 đến 1,03%, đạm tổng số là 0,06%, kali dễ tiêu từ 5 đến 8,25mg/100g, cation trao đổi tổng số là 8,71mg đương lượng/100g. Dung lượng hấp thụ khá 63,1%. Loại đất phù sa được bồi hàng năm hình thành trên đất bãi bồi hàng năm ở ven sông. Do được bồi đắp hàng năm nên các bãi bồi cứ cao dần và hiện nay thường đạt độ cao 5 đến 7 mét (hơn cả độ cao đất nội đồng). Diện tích đất phù sa được bồi hàng năm là 10.292 ha, chiếm 12% diện tích tự nhiên. Trên đất phù sa được bồi hàng năm, các cây công nghiệp (như mía, đay, lạc...), cây nông nghiệp (ngô, khoai, lúa...) cho năng suất cao, chất lượng tốt. Loại đất trên được phân bố tập trung ở các xã ven sông Hồng, sông Châu, sông Đáy.

1.2. Đất phù sa không được bồi, ít chua trong đê

Loại đất này phân bố trên dải đồng bằng dọc theo sông Đáy và sông Châu, chúng bao chiếm một diện tích rộng đến 21.970 ha, chiếm 26,1% diện tích tự nhiên của tỉnh.

Đất có màu nâu, nâu vàng hoặc nâu xẫm, thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến thịt nặng, hàm lượng mùn từ 1,27 đến 2,34%. Lân dễ tiêu từ 10,08 đến 31,1 mg/100g, kali dễ tiêu từ 7,53 đến 13,56 mg/100g, lượng bazơ hấp thụ trao đổi từ 4,13 đến 6,01 mg đương lượng/100g, độ no bazơ từ 26 đến 41%, độ chua pH từ 5,4 đến 5,9. Có nơi tầng glây xuất hiện ở độ sâu 30 - 50cm. Đất nằm dọc hai bên bờ sông Đáy, sông Châu có khả năng tiêu thoát nước tốt. Trên đất vàn cao và đất vàn tiêu thoát nước tốt thường làm 3 vụ. Trên vàn thấp bố trí 2 vụ, nơi đất trũng thường kết hợp canh tác lúa - cá.

1.3. Đất phù sa không được bồi có glây chua

Loại đất này chiếm diện tích lớn nhất trong số các loại đất. Nó có diện tích 23.740ha, chiếm 28,2% diện tích tự nhiên của tỉnh, phân bổ trong ba khu vực chính của tỉnh như ở các xã phía đông của huyện Duy Tiên và phía tây của Kim Bảng dọc theo quốc lộ 1A đến địa phận Phủ Lý.

 

+ Khu vực bắc Thanh Liêm và bờ tả sông Đáy.

 

+ Khu vực Bình Lục từ xã Hưng Công, Bối Cầu đến An Nội, Vũ Bản.

 

Khu vực này thường có địa hình vàn thấp đến trũng. Đất bị glây từ trung bình đến mạnh.

 

Đất có màu nâu vàng, cam xỉn đến vàng xám. Thành phần cơ giới thịt nặng (limong và sét chiếm từ 41 đến 54%).

Đất có lượng mùn từ 1,32 đến 2,83%, đạm từ 0,04 đến 0,24%, lân dễ tiêu từ 1 đến 8,8mg/100g, kali từ 5 đến 30mg/100g. Tổng lượng bazơ hấp thụ từ 5 đến 7,23mg đương lượng/100g. Độ no bazơ 42 đến 48%. Đất chua pH từ 4,9 đến 5,5. Nhiều nơi độ sâu 25cm đã gặp tầng glây.

Loại đất này thường gặp trên các địa hình vàn thấp, trũng, tiêu nước kém, mực nước ngầm ở nông. Đất thường dùng để cấy lúa 2 vụ.

1.4. Đất phù sa không được bồi trung tính có glây

Loại đất này có diện tích là 4.970 ha, chiếm 5,9% diện tích tự nhiên (STN) của tỉnh. Đất phân bố ở đông bắc của huyện Duy Tiên trên các xã Mộc Nam, Châu Giang và phần bắc huyện Lý Nhân thuộc địa bàn các xã Đạo Lý, Đức Lý, Bắc Lý... Đất có mầu nâu, thành phần cơ giới lớp đất mặt từ thịt trung bình đến thịt nặng. Lớp glây thường xuất hiện ở độ sâu dưới 30cm, đôi chỗ nông hơn.

Đất ở đây được cấp nước tưới thường xuyên từ sông Hồng qua các cống Mộc Nam, Vũ Điện... chính vì vậy đất khá mầu mỡ, độ chua pH từ 6 - 7. Đất được sử dụng cấy hai vụ cho năng suất cao.

1.5. Đất phù sa không được bồi thường đọng nước

Loại đất này phân bố tập trung ở phía nam của tỉnh thuộc địa bàn huyện Bình Lục (từ Tràng An, Đồng Du đến Tiêu Động, An Lão) và phía đông huyện Thanh Liêm từ xã Thanh Tuyền đến xã Thanh Tân. Đất phù sa không được bồi đọng nước có diện tích 17.170 ha chiếm 20,4% STN của tỉnh.

Đất có mầu nâu vàng, thành phần cơ giới từ thịt đến thịt pha sét. Đất ít mùn, hàm lượng mùn 1 đến 1,21%; đạm tổng số 0,06 đến 0,157 mg/100g; lân dễ tiêu từ 3 đến 14mg/100g; kali dễ tiêu từ 3,2 đến 6mg/100g; tổng lượng bazơ trao đổi từ 4,12 đến 5,09mg đương lượng/100g; đất đói bazơ (tổng lượng bazơ trao đổi từ 36 đến 45%), đất chua (pH = 4,9) đến hơi chua (pH = 5,8). Đất thường bị glây ở tầng thứ hai (độ sâu từ 30 đến 80 cm).

Loại đất này ở địa hình thấp nhất của đồng bằng. Ngày nay, nhờ hệ thống mương tiêu ngày càng hoàn thiện, đất phần lớn đã được thoát nước để cấy lúa hai vụ, hoặc kết hợp một vụ lúa một vụ cá cho hiệu quả cao hơn.

1.6. Đất than bùn

Ở những lòng chảo giữa núi và trước núi (quá trình đầm hoá phát triển tạo nên loại đất than bùn). Nơi đây ứ đọng những sản phẩm bào mòn từ các núi đồi xung quanh. Các lòng chảo được đầy dần lên do các sản phẩm bào mòn tích đọng và xác thực vật đầm lầy như rong rêu, cỏ sậy, sen, súng hàng năm chết đi tích lớp lên. Trong điều kiện ngập nước thường xuyên, sự phân huỷ xác thực vật dẫn đến hình thành loại đất than bùn. Đất than bùn có diện tích 282ha chiếm 0,33% STN của tỉnh phân bố trong các đầm lầy ở Ba Sao, Khả Phong huyện Kim Bảng.

Đất than bùn có mầu đen, ướt thì nhão, thành phần cơ giới là sét hay thịt nặng, hàm lượng mùn rất cao 29,8%, đạm tổng số 1,58 đến 2,22%. Lân dễ tiêu từ 1,92 đến 3,53 mg/100g, kali dễ tiêu từ 7,5 đến 12mg/100g. Tổng lượng bazơ hấp thu đến 16,8 mg đương lượng/100g. Độ no bazơ của đất từ 26 đến 44,4%. Đất chua với độ pH từ 5,2 đến 5,3. Lớp đất than bùn dày từ 0,5 đến 1,5m, nằm trên lớp sét màu xám đến xám trắng.

Đất than bùn trồng lúa năng suất thấp và canh tác khó khăn. Hiện tại đang được cải tạo để nuôi trồng thuỷ sản. Các đầm, hồ trước núi được cải tạo và xây dựng thành khu du lịch sinh thái (như ở Khả Phong). Than bùn có hàm lượng các chất hữu cơ cao đã được khai thác làm phân vi sinh và chất đốt.

2.       Nhóm đất đồi, núi thấp trên phiến thạch sét, cát bột kết, cát kết

Đất phân bố ở phía tây các huyện Kim Bảng và Thanh Liêm trên các đồi, núi thấp được bao phủ chủ yếu là phiến thạch sét xen lẫn cát kết, cát bột kết. Đất đồi, núi thấp phân bố ở độ cao phổ biến từ 50 đến dưới 200m, có địa hình bề mặt trơn tru, mềm mại không gồ ghề thành vách như những núi đá vôi. Nhóm đất này có diện tích 2.860 ha chiếm 3,4% diện tích tự nhiên và chia thành 3 loại.

2.1. Đất feralit đỏ vàng trên đá phiến sét, cát bột kết và cát kết

Quá trình phong hoá các đá trên hình thành các loại đất đỏ vàng có tầng dày trên 1m.

Đất đỏ vàng hình thành trên phiến thạch sét chiếm đa số, chúng có tầng đất dày hơn và độ phì cao hơn.

Loại đất này phân bố trên các đồi núi thấp thuộc các xã Ba Sao, Thi Sơn, Liên Sơn (huyện Kim Bảng) và các xã Thanh Tân, Thanh Nghị, Thanh Hải, Thanh Lưu và Thanh Tâm (huyện Thanh Liêm).

Đất feralit đỏ vàng còn phân bố trên núi Đọi, núi Điệp của huyện Duy Tiên, núi An Lão của huyện Bình Lục.

Đất có mầu đỏ vàng đến nâu vàng, thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến thịt nặng, tầng đất dày đến 1,2m. Đất có hàm lượng mùn giảm từ trung bình (ở tầng đất mặt) đến nghèo (ở tầng sâu hơn 20cm). Hàm lượng lân dễ tiêu rất nghèo; hàm lượng kali trung bình ở tầng đất mặt và nghèo ở tầng dưới 20cm. Hàm lượng bazơ hấp thụ từ 2,6 đến 4,5mg đương lượng/100g. Đất rất đói bazơ. Đất chua đến hơi chua.

Đất đỏ vàng trên phiến thạch sét, cát bột kết, cát kết ở Hà Nam có tầng đất dầy đến rất dầy. Tuy rằng còn có đá lẫn, đá trồi, song nhìn chung đất khá tốt hầu hết đã được khai phá trồng chè, trồng sắn hay các cây ăn quả. Nơi có địa hình thoải đã được khai phá làm nương trồng ngô, đậu.

2.2. Đất feranit biến đổi do trồng lúa nước

Đất có ở đồng bằng trước dãy núi từ Cô Tiên đến núi Đùng (huyện Thanh Liêm) và khu vực đồng bằng Do Lễ, Liên Sơn (huyện Kim Bảng). Đất có thành phần cơ giới thịt trung bình, bị rửa trôi, xói mòn khá mạnh do nước mưa trên núi trượt xuống. Đất có kết von sắt nhôm, độ phì thấp.

2.3. Đất feranit tầng mỏng bị xói mòn mạnh

Đất được hình thành từ mẫu chất phiến thạch sét, cát kết, cát bột kết nhưng do ở địa hình dốc trên 250, độ che phủ thực vật kém nên bị xói mòn rửa trôi mạnh. Tầng đất mỏng với chiều dày nhỏ hơn 30cm. Đất có diện tích chừng 430,5ha phân bố rải rác trong các xã Liên Sơn, Thanh Nghị, Thanh Tân của huyện Thanh Liêm và ở Ba Sao thuộc huyện Kim Bảng.

Đất feralit tầng mỏng thành phần cơ giới thịt pha cát có mầu nâu đến nâu vàng, thành phần cơ giới là thịt nhẹ. Đất có rất ít mùn, đạm và lân dễ tiêu nghèo (5mg/100g), kali dễ tiêu cũng nghèo (nhỏ hơn 5mg/100g). Đất rất đói bazơ và chua.

Do những đặc tính trên nên đất ít được sử dụng để trồng cây nông nghiệp mà chỉ dùng vào việc trồng cây lâm nghiệp để chống xói mòn, bảo vệ và tăng thêm độ dày của đất.

3. Nhóm đất trên núi đá vôi

Đất có màu nâu nhạt, nâu đỏ đến nâu đen, phân bố ở thung lũng, sườn, rải rác trong các hốc đỉnh núi đá vôi. Chúng có diện tích chừng 7.400ha chiếm 8,8% STN. Phân bố tập trung ở khu vực núi đá vôi thuộc hai huyện Kim Bảng và Thanh Liêm cũng có thể chia ra một số loại sau:

3.1. Đất thung lũng dốc tụ của núi đá vôi

Đất có màu nâu nhạt, thành phần cơ giới sét pha có kết cấu cục, có kết von nhỏ. Đất chua, hàm lượng mùn khá và có rất no bazơ (độ no bazơ đến 99%). Đất thường có độ dốc không quá 250. Đây là loại đất mầu mỡ, tuy nhiên rất dễ thiếu nước vào mùa khô. Đất thích hợp cho các loại cây ăn quả chịu khô hạn tốt như dứa, mít...

3.2. Đất đỏ nâu ở sườn và chân núi đá vôi

Đất có màu đỏ nâu do chứa ít nước hơn ở thung lũng. Tầng dầy của đất thay đổi tùy sườn dốc hay dốc mạnh. Đất được hình thành từ các sản phẩm sườn tích và lũ tích. Đất khá nhiều mùn, giầu bazơ (độ no bazơ đạt 90%). Tuy nhiên, đất còn nhiều đá lẫn, đôi chỗ đá gốc nổi lên.

Đất được trồng một số cây ăn quả và cây lâm nghiệp chịu hạn tốt.

3.3. Đất đá vôi nâu đen

Đất phân bố trên sườn và đỉnh các núi đá vôi. Đất không tạo thành tầng mà rải rác trong các hang hốc, khe... Đây là nơi chứa đựng một quần thể thực vật rất phong phú và phát triển mạnh mẽ vào mùa mưa.

Đất khó sử dụng trong canh tác nông - lâm nghiệp, nên bảo vệ lớp phủ thực vật, để khai thác các cây thuốc đặc dụng.

III. SỬ DỤNG VÀ BẢO VỆ TÀI NGUYÊN ĐẤT

Đất được hiểu dưới giác độ thổ nhưỡng nói riêng hay đất đai nói chung là một tài nguyên quý giá cần được sử dụng có hiệu quả, cần giữ gìn bảo vệ tốt làm cơ sở cho sự phát triển bền vững của lãnh thổ.

Trong những năm gần đây, do sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn liền với việc phát triển đô thị và các loại hình dịch vụ, một bộ phận quan trọng đất nông nghiệp đã chuyển sang đất ở như đất đô thị, đất ở nông thôn và đất chuyên dùng cho các cơ sở công nghiệp, các khu công nghiệp và cho giao thông.

Sự dịch chuyển trong tài nguyên đất đai ở Hà Nam từ năm 1995 đến năm 2000 như sau:

- Đất nông nghiệp (không tính mặt nước nuôi trồng thuỷ sản) giảm 899,7 ha;

- Đất lâm nghiệp tăng 9.042 ha; năm 2000 đạt 9.437 ha; 2003 đạt 9.628 ha

- Đất nuôi trồng thuỷ sản tăng 322,7 ha; năm 2000 đạt 4.507,7 ha; năm 2003 đạt 4.660 ha.

- Đất chuyên dùng tăng 513 ha; năm 2000 đạt 11.615 ha; năm 2003 là 12.043 ha.

- Đất ở tăng 194,3 ha; năm 2000 đạt 4.282,3 ha; năm 2003 là 4.383 ha.

Đối chiếu với qui hoạch phát triển kinh tế xã hội của Hà Nam đến năm 2010 thì:

- Đất nông nghiệp (bao gồm cả mặt nước nuôi trồng thuỷ sản) sẽ tiếp tục giảm.

- Đất lâm nghiệp đã vượt so với diện tích qui hoạch là 1.500 ha (một phần do qui đổi cây trồng phân tán).

- Đất ở tiếp tục tăng

- Đất chuyên dùng tiếp tục tăng.

Tình hình sử dụng đất đai nêu trên cho thấy đã có một bộ phận quan trọng đất nông nghiệp chuyển sang đất chuyên dùng, tốc độ bình quân mỗi năm từ 1995 đến năm 2000 là 117,8 ha.

Sử dụng đất để sản xuất nông, lâm nghiệp khác hẳn loại hình sử dụng đất để ở và đất chuyên dùng ở chỗ: một bên thì chú ý tới độ phì của đất là chính, còn một bên thì chú ý tới vị trí của đất đai là chính.

Xuất phát từ đặc điểm bình quân đất nông nghiêp trên đầu người ở Hà Nam (16 người/ha hay 625 m2/người năm 2000) thấp hơn hai lần so với mức bình quân của cả nước và thấp hơn bốn lần so với mức bình quân của thế giới (năm 2000 thế giới 4 người/ha), con đường thâm canh cây trồng vật nuôi trong đó có việc kết hợp nông nghiệp với lâm nghiệp, kết hợp nuôi trồng trên cạn với nuôi trồng dưới nước là chìa khoá giải quyết những nhu cầu về nông sản cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở Hà Nam.

Trong nhiều năm qua để sử dụng đất nông nghiệp một cách có hiệu quả, đáp ứng các nhu cầu về nông sản ngày một nâng cao về số lượng và chất lượng, Hà Nam đã chọn con đường thâm canh và mở rộng diện tích ở những nơi đất có khả năng nông nghiệp bằng việc không ngừng hoàn thiện hệ thống tưới tiêu cùng với nhiều biện pháp thâm canh khác.

Hệ thống sông ngòi, kênh, mương, cống, đập... từ các thế hệ trước để lại đến nay vẫn luôn được tôn tạo, bảo vệ và bổ sung. Mật độ hệ thống kênh mương vùng đồng bằng đạt đến 7km/km2. Kết hợp với hệ thống các trạm bơm tưới tiêu bố trí rộng khắp cùng với hệ thống cống lấy nước tưới, tiêu- ra sông, Hà Nam đã thực sự lấy thuỷ lợi là biện pháp hàng đầu để thâm canh nông nghiệp nhằm sử dụng đất đai ngày càng có hiệu quả hơn. Nhờ hệ thống thủy lợi hoàn thiện đó: 80,81% diện tích gieo trồng được chủ động nước tưới, 64% diện tích đất nông nghiệp tiêu thoát nước tốt.

Hệ thống thuỷ lợi hoàn thiện đã giúp người dân Hà Nam tự chủ trong lao động, sản xuất của mình trên mảnh đất đồng bằng phù sa thấp trũng và do vậy tự chủ được cuộc sống của mình trước thiên nhiên.

Hệ số sử dụng đất nông nghiệp ở Hà Nam từ 1995 đến năm 1997 là 2,1 lần, đến năm 2000 đã đạt đến 2,3 lần.

Để sử dụng đất nông nghiệp có hiệu quả, người nông dân Hà Nam còn chú trọng đến việc đầu tư phân bón. Trên đất hai vụ lúa một năm 1 sào đất thường được bón 480 đến 500kg phân chuồng, đạm urê từ 15 - 17,5kg, phân lân từ 28

-   40 kg, phân kali từ 7 - 15kg, supephốtphát, técmôphốtphát và nhiều lượng phân bón hoá học khác tăng lên hàng năm. Lượng phân bón trên chưa vượt quá ngưỡng mà những phân tích nông hoá thổ nhưỡng cho phép với lúa 2 vụ.

Cho tới nay nông dân phần nào đã nhận thấy tác hại của việc bón nhiều phân vô cơ nhưng thiếu phân hữu cơ. Tác hại đó là đất trở nên cứng hơn (giảm độ tơi xốp), bị chua đi và cuối cùng là chất lượng nông sản thấp, bảo quản khó khăn nên người tiêu dùng khó chấp nhận.

Chính vì thế mà lượng phân bón vi sinh (dựa trên những vật liệu hữu cơ trong than bùn) đã sử dụng tăng lên đáng kể thông qua các cơ sở chế biến.

Đàn bò tăng 3.650 con, đàn lợn tăng 32.500 con, đàn gia cầm tăng 606.300 con từ năm 1997 đến năm 2000 (đến năm 2003 vẫn theo chiều hướng trên) sẽ là cơ sở để đảm bảo nguồn phân bón hữu cơ cho đất nhằm đáp ứng nhu cầu của cây trồng và tăng năng suất chất lượng sản phẩm.

Hà Nam có 312.995 lao động trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp. Bình quân hàng năm lao động cho 1 ha nông nghiệp, với mức độ thuỷ lợi hoá như hiện nay, mức độ sử dụng cơ giới trong sản xuất nông nghiệp cũng tăng lao động trong nông nghiệp dần dần chuyển vào các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Lao động nông nghiệp còn lại đã được đào tạo về kỹ thuật thâm canh, nuôi trồng các giống cây con mới, đặc biệt đã được đào tạo về phương pháp phòng trừ dịch bệnh tổng hợp (IPM). Những kiến thức đó đã giúp người dân nơi đây có những can thiệp hợp lý vào đất đai nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.

Các giống cây con mới đưa vào sản xuất nông nghiệp đã phát huy hiệu quả cao qua việc sử dụng đất nông nghiệp. Các giống lúa lai F1, CR 203, DT10, tạp giao, thần nông và các giống gia cầm, gia súc mới được sử dụng ngày càng nhiều (như: vịt siêu trứng, ngan siêu thịt, lợn lai, bò sữa, dê bách thảo, cá chim trắng, trắm Ấn Độ, chép 3 màu) góp phần tăng năng suất của ngành chăn nuôi và trồng trọt.

Chế độ luân canh lúa màu đã được áp dụng đang góp phần đáng kể vào việc nâng cao thu nhập của người dân và cải thiện đất nông nghiệp. Diện tích các cây trồng đó đã tăng nhanh trong vòng 3 năm từ năm 1997 đến năm 2000 như: đậu tương tăng 188%, lạc tăng 139%. khoai tây tăng 240%, ngô đông tăng 147%.

Trên đất trũng mô hình lúa - cá, sen - cá, chuyên cá đã thực sự phát huy tác dụng và hiệu quả trong việc canh tác đất trũng. Mặt khác nhờ có chính sách giao đất lâu dài cho hộ nông dân, cùng với quyền sử dụng, thừa kế, chuyển nhượng là cơ sở tốt để xây dựng các mô hình trang trại nông nghiệp, phát huy được nhiều nguồn lực sẵn có để phát triển.

Đất lâm nghiệp cũng được giao cho các hộ nông dân sử dụng lâu dài qua các hợp đồng giao đất, giao rừng cho chính quyền địa phương. Nhờ được Nhà nước hỗ trợ đầu tư hợp lý cũng như công tác quản lý bảo vệ đất lâm nghiệp và rừng từ cơ sở, trong các năm từ 1998 đến 2000, diện tích rừng trồng của Hà Nam tăng 4,3 đạt tới 1.684,3 ha. Diện tích rừng tự nhiên (có rừng phòng hộ) được khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển đạt 7.752,7 ha.

Các cây rừng được trồng nhiều nhất là thông, keo lá tràm, lát hoa đã tỏ ra thích nghi và cho hiệu quả cao. Ngoài ra, mô hình nông - lâm kết hợp như kết hợp cây rừng và cây ăn quả như: vải chua, vải thiều, na dai; kết hợp với chăn nuôi bò, dê, ong, gia cầm, đã phát huy đầy đủ ưu thế của hệ sinh thái nông - lâm nghiệp trên đất đồi rừng.

Nhờ có việc khoanh vùng, bảo vệ và quản lý tốt, chức năng phòng hộ của rừng đối với đất nông nghiệp và các công trình dân sinh càng thể hiện rõ hơn. Ở Hà Nam cũng thành lập nhiều khu du lịch sinh thái gắn với việc tôn tạo các di tích văn hoá, điều đó đã và sẽ đem lại một nguồn thu nhập đáng kể từ hoạt động du lịch.

(Còn nữa)

Điện tử

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy