Phần I: Địa lý (Chương V)

Tài nguyên nước của Hà Nam được tạo nên bởi nguồn nước rơi từ mưa, nước từ các dòng chảy mặt và dòng chảy ngầm chuyển vào lãnh thổ Hà Nam.

Chương V THỦY VĂN

I. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CHÍNH VỀ THỦY VĂN Ở HÀ NAM

1. Hà Nam có nguồn tài nguyên nước rơi trung bình

Tài nguyên nước của Hà Nam được tạo nên bởi nguồn nước rơi từ mưa, nước từ các dòng chảy mặt và dòng chảy ngầm chuyển vào lãnh thổ Hà Nam.

Hà Nam có lượng mưa trung bình năm dao động từ 1.630mm đến 1.930 mm cung cấp cho bề mặt hứng nước 845 km2 một khối lượng tài nguyên nước rơi vào khoảng 1,602 tỷ m3. Dòng chảy mặt từ sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ hàng năm đưa vào lãnh thổ tối thiểu khoảng 14,050 tỷ m3. Dòng chảy ngầm chuyển qua lãnh thổ có hướng tây bắc - đông nam cũng bổ sung nước ngầm thường xuyên cho Hà Nam từ các lãnh thổ khác như Hà Tây, Hoà Bình. Nếu như tài nguyên nước ngầm khai thác chưa nhiều không cần bổ sung bằng các nguồn ngoài lãnh thổ, thì hàng năm tài nguyên nước đi vào lãnh thổ Hà Nam từ các nguồn là 15,652 tỷ m3 nước.

Kết quả tính toán cho thấy tài nguyên nước đổ vào từ dòng chảy mặt lớn gấp 9,36 lượng nước rơi.

Tài nguyên nước rơi bình quân mỗi người dân Hà Nam là 1.950 m3/người, thấp hơn mức bình quân cả nước (bình quân mỗi người của cả nước là 8.513 m3/ người). Sở dĩ như vậy vì một phần mật độ dân số của Hà Nam cao hơn mật độ dân số cả nước 4,1 lần.

Tài nguyên nước mưa tính theo bình quân đầu người không nhiều nhưng Hà Nam ở vào vị trí địa hình tương đối thấp, bề mặt lãnh thổ có nhiều ao, hồ, đầm chứa nước, lại có nhiều nước sông đổ vào, tài nguyên nước ngầm khá phong phú nên nhu cầu về nước cho sự phát triển kinh tế và đời sống là không thiếu.

Thành phố Phủ Lý - nơi giao nhau của 3 con sông Đáy - sông Châu - sông Nhuệ. Ảnh: ĐT

2. Hệ thống sông ngòi và kênh mương trên lãnh thổ Hà Nam

Sự cư trú của người Việt và quá trình khai thác đồng bằng sông Hồng để sản xuất nông nghiệp đã để lại dấu ấn sâu đậm là hệ thống sông đào và kênh mương dày đặc. Trừ các con sông lớn như sông Hồng, sông Đáy, sông Châu, thì các sông khác như sông Nhuệ, sông Sắt và các sông Nông Giang đều do con người đào đắp trong quá trình khai thác lãnh thổ để sản xuất nông nghiệp và mở rộng địa bàn cư trú.

Mật độ sông của Hà Nam 0,25 km/km2. Mật độ này thấp hơn so với mật độ của hệ thống sông Hồng (1km/km2) và sông Đáy (3,6 km/km2). Nhưng bên cạnh hệ thống sông, hệ thống kênh mương do con người tạo dựng lại rải khắp trên các cánh đồng và làng mạc, phục vụ nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Mật độ kênh mương ở những khu vực tập trung như Tiên Ngoại, phía tây núi Đọi, huyện Duy Tiên lên tới 7,2 km/km2 và còn mật độ trung bình cũng từ 5 đến 6 km/km2 và mật độ kênh mương thấp nhất cũng đạt được 3 km/km2.

3. Hà Nam có tài nguyên nước ngầm khá phong phú

Nước ngầm ở Hà Nam có trong nhiều tầng chứa nước và nhìn chung nước có chất lượng tốt đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của con người.

Lãnh thổ Hà Nam hình thành do sự bồi đắp trầm tích qua nhiều thời kỳ địa chất, từ trầm tích cacbonat dưới dạng đá vôi phân lớp dày đến trầm tích lục nguyên được bồi đắp bởi hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình. Các lớp trầm tích đó phần lớn là cát, cát sỏi, sạn, cát sạn xen với các tầng sét dày ít thấm nước nên bao chứa trong đó những thấu kính nước và những tầng chứa nước. Trầm tích biển là đá vôi tuổi Triat cũng dễ bị nước chảy hoà tan tạo thành các khe chứa nước, mạch chứa nước và động chứa nước ở dưới sâu. Hà Nam nằm ở vị trí hữu ngạn và hạ lưu sông Hồng; ngoại trừ phần đồi núi phía tây lãnh thổ, hầu khắp các khu vực đồng bằng đều có độ cao phổ biến từ 2 - 5 m thấp dần theo hướng đông bắc - tây nam; phần lãnh thổ này lại nằm kẹp giữa hai con sông lớn là sông Hồng và sông Đáy, tất cả đã trở thành điều kiện tốt để thành tạo và bổ sung nguồn nước ngầm cho lãnh thổ Hà Nam.

II. NHỮNG YẾU TỐ HÌNH THÀNH HỆ THỐNG THỦY VĂN

Hệ thống thuỷ văn Hà Nam được hình thành như ngày nay là do sự tác động chi phối và ảnh hưởng của hàng loạt các yếu tố.

1. Yếu tố khí hậu

Chế độ khí hậu mà cụ thể là chế độ mưa và chế độ bốc hơi đã chi phối trực tiếp đến nguồn nước của hệ thống thuỷ văn. Trên lãnh thổ Hà Nam, lượng mưa hằng năm khá phong phú đã góp phần cung cấp cho bề mặt hơn 1,6 tỷ m3 nước mỗi năm. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 tập trung vào các tháng 6, 7, 8, 9 đã làm cho hệ thống thuỷ văn đạt đến cao độ về dung lượng chứa. Hệ thống sông ngòi, kênh mương vận hành mạnh mẽ với sự trợ lực của các máy bơm nước làm cho lãnh thổ Hà Nam thoát khỏi cảnh úng ngập. Cột nước do mưa tạo nên trong thời kỳ này là từ 0,9 đến 1,2 m (đã trừ đi lượng bốc hơi). Mùa mưa ở Hà Nam nói riêng và vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung là mùa nước lên của sông Hồng vào tháng 6 đến tháng 9 hằng năm.

Trong khi chế độ mưa của khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ ảnh hưởng rõ rệt đến lũ của sông Hồng thì lượng mưa trên lãnh thổ các tỉnh Hà Tây, Hoà Bình và Hà Nam tác động rõ rệt đến chế độ lũ trên sông Đáy (tại thị xã Phủ Lý). Năm 2001 và 2002 nước sông Hồng bắt đầu lên cao vào tháng 6 thì nước trên sông Đáy tại Phủ Lý lại lên cao vào tháng 5 trùng hợp với lượng mưa tăng cao tại lãnh thổ các tỉnh trên vào tháng 5. Điều này phản ánh rõ rệt chế độ nước của sông bị chi phối bởi chế độ mưa trên lưu vực.

Các yếu tố khí hậu khác như nhiệt độ, độ ẩm, chế độ gió thông qua chế độ bốc hơi để tác động đến hệ thống khí hậu thuỷ văn. Bốc hơi nước hàng năm ở Hà Nam đã lấy đi khỏi lãnh thổ khoảng 714 triệu m3 nước. Những bề mặt chứa nước rộng, thoáng đãng thì nước bị bốc hơi nhiều nhất, sau đó đến thảm cây rừng nhiều tầng, rồi đến thảm thực vật trên đất nông nghiệp. Lượng bốc hơi cũng rất mạnh ở những sườn núi hút gió ở đông bắc hoặc đông nam thuộc vùng đồi núi phía tây lãnh thổ hoặc những dải đồi núi nổi lên trên đồng bằng các huyện Thanh Liêm, Duy Tiên. Nước mặt đất bốc hơi thông qua thực vật tự nhiên hay trồng trọt sẽ đem lại cho cuộc sống nhiều lợi ích hơn so với sự bốc hơi từ mặt đất hay mặt nước.

Như vậy trên một nền nhiệt cao nhưng độ ẩm lớn vào các tháng mùa mưa đã hạn chế phần nào sự bốc hơi từ mặt đất. Trong một năm ngoại trừ lượng nước đã mất đi do bốc hơi, lượng mưa đã cung cấp cho lãnh thổ Hà Nam khoảng 901,6 triệu m3 nước tham gia dòng chảy mặt, lưu giữ trong các ao, hồ, đầm và tham gia dòng chảy ngầm.

2. Yếu tố thổ nhưỡng, nham thạch

Khi nước mưa rơi sẽ dồn tụ xuống các khu vực thấp hay chuyển xuống các tầng sâu, tùy thuộc vào cấu trúc của thổ nhưỡng và nham thạch tầng mặt cũng như cường độ mưa. Khi lượng mưa và cường độ mưa như nhau, nếu tầng đất bề mặt dày và có khả năng thấm tốt thì dòng chảy gần như không phát sinh, khi tầng đất mặt chưa bão hoà nước. Nếu bề mặt cấu tạo bằng những nham thạch ít thấm nước, nước sẽ nhanh chóng bão hoà bề mặt và phát sinh dòng chảy chuyển nước đến nơi có địa thế thấp hơn. Nếu bề mặt là đá vôi mà quá trình caxtơ đã phát triển lâu dài như ở Hà Nam thì nước sẽ đi vào các khe nứt và hút vào các hang động sâu trong lòng đất khiến dòng chảy mặt thưa thớt.

Hà Nam vào những tháng ít mưa (từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau), lượng mưa không vượt quá cường độ thấm của mặt đất, nhất là ở những địa điểm đất có thành phần cơ giới chủ yếu là cát pha, thịt nhẹ, nên không tạo thành dòng chảy mặt. Ngược lại vào mùa mưa, lượng mưa lớn và cường độ mưa mạnh lớp thổ nhưỡng bề mặt nhanh chóng bão hoà (nhất là trong điều kiện mực nước ngầm không sâu), thì dòng chảy mặt phát sinh chuyển nước vào các mương, máng, ao, hồ đầm và ra sông. Khi lớp thổ nhưỡng bề mặt đã bão hoà nước, lượng mưa càng lớn thì dòng chảy mặt sẽ càng mạnh.

3. Yếu tố địa hình

Địa hình có tác dụng như một nhân tố phân phối lại các yếu tố khí hậu tạo nên sự đa dạng về nguồn năng lượng trong cảnh quan. Địa hình tác động đến dòng chảy thông qua 2 yếu tố là độ cao địa hình và dạng địa hình. Với cùng lượng mưa và cùng cường độ mưa nhưng diễn ra trên các dạng địa hình khác nhau sẽ có khả năng phát sinh dòng chảy khác nhau.

Nếu mưa trên dạng địa hình cao và dốc, nước sẽ nhanh chóng theo sườn hội tụ về các thung lũng và phát sinh dòng chảy mặt. Ngược lại dạng địa hình bằng và thoải sẽ tạo điều kiện để nước thấm sâu xuống mặt đất bổ sung cho dòng chảy ngầm. Các dạng địa hình lồi như đồi gò và núi, tạo địa thế tiêu thoát nước nhanh. Trái lại những dạng địa hình âm như ao, hồ, thung lũng, lòng chảo sẽ tạo điều kiện để lưu giữ nước hoặc tập trung nước thành dòng lớn hơn để chảy đi.

Các sườn đón gió ẩm mát đông nam từ biển, có điều kiện để mưa rơi nhiều hơn và dòng chảy phong phú hơn các sườn khuất gió đông nam.

Nhiệt độ giảm dần theo độ cao với mức 0,5 đến 0,60C cho 100 mét. Như vậy chiều cao càng cao nhiệt độ thì giảm dần, độ ẩm tăng lên và lượng mưa tăng theo. Độ cao tăng, độ dốc của lưu vực sông cũng tăng, thì cùng với sự gia tăng lượng mưa sẽ dẫn đến mạng lưới sông suối dày thêm. Tương quan đó tiếp diễn đến độ cao 2.000 m.

Vùng đồi núi phía tây tỉnh Hà Nam nằm theo hướng chuyển chung của dãy núi đá vôi Kim Bôi - Ninh Bình theo hướng tây bắc - đông nam tạo điều kiện cho gió đông nam thâm nhập sâu và gây mưa lớn. Mạng lưới dòng chảy ở đây tuy không nhiều do hiện tượng caxtơ tạo ra nhiều hang động đá vôi dẫn nước xuống sâu, song lượng mưa lớn ở khu vực này góp phần làm lấp đầy các ao, hồ và đầm lầy trước núi bằng các dòng chảy mặt tạm thời như ở các huyện Kim Bảng và Thanh Liêm. Đồng thời, sông Đáy chảy sát chân núi ở huyện Thanh Liêm cũng nhận được nguồn cấp nước dồi dào.

4. Yếu tố thực vật

Yếu tố thực vật tác động đến dòng chảy mặt, dòng chảy ngầm và mặt nước tĩnh (ao, hồ, đầm) vừa trực tiếp vừa gián tiếp thông qua thổ nhưỡng và địa hình. Với cùng một lượng mưa và thời gian mưa, nếu diễn ra trên thảm thực vật nhiệt đới nhiều tầng, bên dưới có lớp đất rừng dày với nhiều phân giải hữu cơ thì tác động của nó tới nguồn cấp nước và chế độ dòng chảy sẽ rõ rệt. Ở đây nước bốc hơi nhiều hơn do tổng diện tích mặt lá rộng. Lượng nước bốc hơi chiếm đến 20% tổng lượng mưa. Phần nước chuyển xuống các tầng nước sâu chiếm 46% nhờ bộ rễ của cây rừng, một phần nước rơi trên mặt đất rừng sẽ làm cho tầng đất mặt thấm ướt và giữ lại đến mức độ tối đa theo độ xốp đã có. Tầng đất càng dày độ lỗ hổng càng lớn thì sức chứa nước càng lớn. Như vậy thảm cây rừng đã làm tăng khả năng thấm nước và giữ nước, tăng cường lượng nước cho dòng chảy ngầm góp phần điều tiết dòng chảy cho mùa cạn. Thảm thực vật rừng cũng làm chậm quá trình tập trung nước bề mặt, hạn chế mức độ dữ dội của các trận lũ. Do sự tác động này mà xung quanh các hồ chứa nước các đập thuỷ điện người ta giữ gìn những rừng phòng hộ để phát huy tác động tích cực của các hồ chứa trong việc cung cấp nước tưới hoặc phát điện. Các dải rừng còn giữ lại và hạn chế được sự bồi lắng các sản phẩm bào mòn, xói mòn trôi xuống lòng hồ.

Với thảm cây trồng trên đất nông nghiệp, các thành phần phân phối nguồn nước tương tự như với thảm thực vật nêu trên, nhưng khối lượng nước chuyển xuống từng tầng đất sâu giảm nhiều so với thực vật rừng. Mức độ điều tiết của thảm thực vật nông nghiệp tới dòng chảy mặt và dòng chảy ngầm yếu hơn nhiều so với các thảm cây rừng. Tác động của thảm thực vật trên đất nông nghiệp đến dòng chảy (mặt và ngầm) phụ thuộc vào độ che phủ mà cây trồng tạo ra và như vậy phụ thuộc vào thời gian sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Khi mật độ che phủ đạt đến cao điểm (thường là lúc cây trồng ở giai đoạn đỉnh tăng trưởng), tác động phân phối dòng chảy do mưa cũng mạnh hơn và tầng đất bên dưới sẽ nhận được nhiều nước hơn đưa xuống các tầng đất sâu. Tác động trên làm giảm sự rửa trôi và bào mòn của nước mưa bề mặt. Những trận mưa lớn trên đất nông nghiệp khi không có cây trồng hoặc cây trồng chưa phát triển sẽ làm cho đất bạc màu và chua hơn, (do quá trình rửa trôi và bào mòn diễn ra mạnh). Với thảm cây trồng là lúa mà mặt đất đã có lớp nước che phủ thì nước mưa hầu hết được lưu giữ trên bề mặt để rồi tham gia chảy tràn bề mặt, bốc hơi thực vật, bốc hơi mặt nước và thẩm thấu sâu xuống đất cung cấp cho nước ngầm.

5. Sự tác động của con người

Hà Nam là một vùng đất có lịch sử khai phá và phát triển nông nghiệp diễn ra từ hàng nghìn năm. Trống đồng Ngọc Lũ (huyện Bình Lục) là dấu tích chứng minh cho sự phát triển của nền văn minh lúa nước lâu đời trên lãnh thổ Hà Nam.

Chinh phục mảnh đất chiêm trũng ở phía nam kinh đô để phát triển sản xuất nông nghiệp đi liền với việc cải tạo hệ thống thuỷ văn đã tạo nên sức mạnh và quyền lực của con người đối với vùng đất này. Khác với đồng bằng sông Cửu Long, nơi mà con người sống chung với lũ, ở đồng bằng Bắc Bộ nói chung và ở Hà Nam nói riêng, con người từng bước khống chế lũ lụt trên phương diện cục bộ (trong từng tỉnh, huyện) và cả trên phạm vi toàn vùng (bằng hệ thống đê điều và các hồ chứa lớn).

Tác động tích cực

Tài nguyên nước ở Hà Nam từng bước được điều tiết ngày càng hoàn thiện để phục vụ sản xuất, đời sống của cư dân. Để ngăn chặn những tác hại do lụt lội gây ra đe dọa các thành quả của lao động sáng tạo từ hàng nghìn năm, ngay từ đầu thiên niên kỷ thứ hai đã hình thành một hệ thống đê vững chắc ở Hà Nam dọc theo các con sông lớn như sông Hồng, sông Đáy và tiếp sau đó là đê sông Châu, sông Nhuệ, sông Sắt. Tổng chiều dài các tuyến đê lên tới 137 km, các tuyến đê bối dài tới 44,2 km góp phần bảo vệ các khu dân cư, các vùng đất bồi để sản xuất. Hệ thống kè đê bảo vệ bờ chống xói lở có chiều dài 3,5km, hệ thống mỏ kè nhằm hướng dòng nước vào trung tâm ngăn xói lở, bảo vệ các công trình dân sinh và đất bãi hai bên bờ sông.

Những tác động tích cực của con người còn thể hiện qua việc điều tiết, phân phối dòng chảy theo thời gian và theo không gian, đáp ứng các nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Đó là việc xây dựng hệ thống các kênh, mương đê tưới và tiêu nước; các đập giữ nước, các trạm bơm tưới, tiêu để thoát nước ra sông. Hệ thống mương tiêu đã làm cho lãnh thổ thoát khỏi cảnh úng ngập do một miền địa hình thấp, tự tiêu rất khó và lại có một mùa mưa tập trung có thể tạo nên cột nước từ 0,9 đến 1,2 m.

Hệ thống kênh dẫn nước còn có tác động tích cực nhằm đưa nước từ sông Hồng, sông Đáy, sông Châu, sông Nhuệ vào phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt trong những tháng mùa khô khi mà lượng mưa còn thấp hơn cả lượng bốc hơi.

Hệ thống kênh, mương để tưới, tiêu đã đưa mật độ dòng chảy mặt ở Hà Nam lên đến 9,5 km/km2. Đây là một giá trị rất tích cực, khó tìm thấy ở lãnh thổ thuộc các tỉnh khác.

Mạng lưới các hồ, ao tự nhiên và nhân tạo đã lưu giữ một lượng nước lớn để cung cấp cho dòng chảy ngầm và cho các hoạt động sản xuất, sinh hoạt trong mùa khô. Diện tích các ao hồ nhỏ, thùng đấu rộng đến 5.916 ha lưu giữ được khoảng 100 triệu m3 nước hàng năm.

Hệ thống kè bảo vệ bờ (tổng diện tích là 3.503 m2), kè mỏ (24 mỏ) đã cản phá tích cực sự đào xói của dòng chảy sông vào bãi bờ; nơi là đất canh tác, và là điểm cư trú của con người.

Diện tích đất có rừng ở Hà Nam tăng trong các năm (đặc biệt từ 396ha năm 1999 lên đến 1.532 ha năm 2003) đã hạn chế tính cực đoan của dòng chảy sông Đáy ở phía tây lãnh thổ của tỉnh. Phương thức canh tác nông - lâm kết hợp trên đất lâm nghiệp (đất dốc trên 200, tầng dày nhỏ hơn 10cm) đã góp phần chống xói mòn cho đất, tăng cường cho dòng chảy ngầm và sự thoát hơi từ đất.

Tác động tiêu cực

Đó là việc đưa các chất thải lỏng, chất thải rắn, chất thải khí chưa được xử lý loại bỏ các chất độc hại làm ô nhiễm môi trường nước; đó là việc làm cạn kiệt tài nguyên nước và để nước gây ra các sự cố môi trường...

Hà Nam hiện có 14.510 cơ sở công nghiệp (bao gồm các cơ sở của nhà nước, liên doanh, tư nhân và các làng nghề). Các cơ sở này đều sử dụng các hoá chất có chứa kim loại nặng như thuốc nhuộm, thuốc tẩy, hoá chất ngâm tẩm. Chất thải do các cơ sở này đưa ra mỗi năm đã làm ô nhiễm nước mặt ở các khu vực xung quanh.

Các làng nghề dệt, nhuộm, mây tre, sừng mỹ nghệ và các lò giết mổ làm cho nguồn nước bị ô nhiễm clo, sunfat, kim loại nặng và ô nhiễm bởi các hợp chất hữu cơ thải ra.

Ở Hà Nam hiện có tới 4.226 xí nghiệp chế biến thực phẩm, các hợp chất hữu cơ và một số lượng lớn vi khuẩn do các xí nghiệp này thải ra làm ô nhiễm nguồn nước các khu vực xung quanh.

Các chất thải khí như SO2, NO2, CO, co và bụi từ các nhà máy xi măng sẵn sàng làm ô nhiễm nguồn nước mặt trên một diện rộng và có thể gây mưa axit nếu mưa với cường độ nhỏ và kéo dài.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp làm ô nhiễm nguồn nước do sử dụng các chất bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng quá nồng độ, quá số lần cho phép. Điều này đã xảy ra nhất là đối với khu vực chuyên canh rau màu.

Các hoạt động chăn nuôi tập trung như nuôi lợn, trâu, bò, gà, vịt... không có những bể xử lý chất thải cũng sẽ làm ô nhiễm nguồn nước do các chất thải hữu cơ và đặc biệt do vi khuẩn Ecoli và Phecalcoli.

Sinh hoạt của con người nhất là tại những khu vực dân cư tập trung cũng dễ làm ô nhiễm nguồn nước do thải ra các chất tẩy rửa, nguồn rác hữu cơ và chất thải phân hữu cơ. Số liệu điều tra cho thấy, hiện tại Hà Nam có 48,3% hố xí hợp vệ sinh, số lớn còn lại đang là nguy cơ cao đe dọa ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm, nhất là trong điều kiện địa hình thấp dễ xảy ra úng ngập do mưa.

Dân cư tập trung ở các khu vực thị xã Phủ Lý, các thị trấn Kiện Khê, Vĩnh Trụ... do quá trình đô thị mạnh, dẫn đến một bề mặt không thấm nước ngày càng lan rộng, dẫn đến tình trạng dồn nước quá nhanh vào hệ thống mương tiêu và có thể gây nên úng ngập cục bộ hoặc úng ngập theo mương tiêu, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường đất và nước. Mặt khác sự tập trung đông dân cư trong điều kiện thiếu nguồn cấp nước đạt tiêu chuẩn khiến cho dân phải khai thác nước ngầm quá mạnh ảnh hưởng đến trữ lượng tĩnh của nước ngầm (như đã xảy ra ở thị xã Phủ Lý) và có thể gây nên sự lún dần của nền móng, ảnh hưởng mạnh đến các công trình ngầm kể cả các công trình dẫn nước.

Như vậy, hệ thống thuỷ văn chịu tác động mạnh mẽ của sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá của cư dân. Thành thử cần nhận thức đầy đủ, đánh giá đúng và đủ những tác động của mình tới môi trường nước, nhằm thiết lập một quan hệ hợp lý với tài nguyên nước, đảm bảo cho một sự phát triển bền vững.

III. CÁC HỢP PHẦN CỦA HỆ THỐNG THỦY VĂN

Hệ thống thuỷ văn của Hà Nam được cấu trúc bởi 3 hợp phần chính, đó là sông ngòi (dòng chảy bề mặt), ao, hồ, đầm (bề mặt nước tĩnh) và nước ngầm.

1. Sông ngòi

Có ba con sông lớn chảy vào lãnh thổ Hà Nam. Hai con sông xuất phát từ tỉnh cùng với các sông nhỏ (sông Châu) và hệ thống kênh, mương để tưới, tiêu làm thành một mạng lưới dòng chảy dày đặc, phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của cư dân trong tỉnh.

1.1. Sông Hồng

Trên địa phận Hà Nam, sông Hồng là ranh giới phía đông của tỉnh với tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình. Sông Hồng đi theo rìa đông tỉnh Hà Tây và đi vào rìa đông bắc của tỉnh Hà Nam ở địa phận thôn Hoàn Dương (xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên). Từ địa phận Mộc Bắc đến Trác Văn (cùng huyện Duy Tiên) sông chảy theo hướng tây bắc - đông nam, sau đó tạo ra một cung lồi ở xã Chân Lý (huyện Lý Nhân) với bán kính khoảng 3km, rồi lại tiếp tục chảy theo hướng tây bắc - đông nam, từ địa phận xã Nhân Thịnh đến xã Hoà Hậu (huyện Lý Nhân). Sông đi ra ở rìa đông - đông nam của lãnh thổ ở địa phận thôn Tảo Môn, xã Hoà Hậu (huyện Lý Nhân) để rồi tiếp tục làm ranh giới giữa tỉnh Nam Định và Thái Bình khi chảy ra đến biển.

Trên lãnh thổ Hà Nam, đoạn sông Hồng có chiều dài 38,6 km. Chiều dài lưu vực sông (đường chim bay từ nơi đổ vào đến nơi sông ra) là 31,7 km. Lưu vực sông trên lãnh thổ Hà Nam chưa được phân chia một cách rõ ràng do hệ thống mương tiêu nội địa xóa nhòa đi; song có thể coi phần lãnh thổ phía đông của Hà Nam giới hạn bởi quốc lộ 1A từ Duy Tiên đến thị xã Phủ Lý ra phía sông

Hồng, thuộc lưu vực sông Hồng tại Hà Nam. Trên lãnh thổ Hà Nam, sông có hệ số uốn khúc (hệ số của chiều dài sông chia cho chiều dài lưu vực) là 1,2 thấp hơn hệ số uốn khúc của toàn bộ dòng sông và thấp hơn nhiều so với sông Châu và sông Đáy (đoạn chảy qua lãnh thổ Hà Nam). Sông có lưu lượng thấp nhất vào mùa kiệt là 440 m3/s và có thể tới 750m3/s vào mùa lũ. Ở Hà Nam sông Hồng không có một chi lưu hay một phụ lưu nào rõ rệt. Phụ lưu sông Châu chỉ đổ nước vào sông Hồng khi trạm bơm tiêu Hữu Bị (xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân) hoạt động. Tuy nhiên, dọc theo đê của sông xuất hiện nhiều cống tiêu nước cho lãnh thổ như các cống Nhân Thịnh, Từ Đài và các trạm bơm đưa nước vào sông Hồng như trạm Hữu Bị và Như Trác... Sông cũng là một nguồn cung cấp nước tưới có nhiều phù sa bồi bổ cho đất trồng của Hà Nam. Nguồn nước tưới được cung cấp qua các cống Yên Lạc (xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên), cống Phương Trà, Phú Phúc ở Lý Nhân và đặc biệt là qua trạm bơm tưới tiêu Như Trác. Sông có vai trò tưới nước ở mức trung bình (Ka = 2,95 ).

Chế độ nước sông có hai mùa rõ rệt: mùa lũ thường bắt đầu từ tháng 6, chậm hơn mùa mưa một tháng và kết thúc vào tháng 10, đạt cao điểm vào các tháng 7 hoặc tháng 8. Mực nước cao nhất tại trạm Yên Lệnh - Hưng Yên (đối diện với xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên) trong vòng 13 năm trở lại đây đạt tới mức 7,8 mét (hệ cao độ quốc gia). Mực nước sông Hồng thấp nhất trong tháng mùa cạn (thường là tháng 1 hoặc tháng 2) chỉ còn 1,41 m.

Sông Hồng giữ vai trò tưới tiêu rất quan trọng đối với phần phía đông của lãnh thổ Hà Nam. Sông cũng tạo nên một dải bãi bồi màu mỡ với diện tích gần 10 nghìn ha, nước sông đã bồi đắp cho vùng đồng bằng phía đông của tỉnh qua hệ thống các cống lấy nước và các trạm bơm tưới trên đê sông Hồng.

Suốt theo chiều dài của sông Hồng ở Hà Nam là một tuyến giao thông đường thuỷ quan trọng. Tầu thuỷ và sà lan có trọng tải trên một nghìn tấn có thể đi lại thuận tiện, chuyên chở hàng hoá trong nội tỉnh và đến các tỉnh lân cận cũng như có thể nối với tuyến đường biển Bắc- Nam.

Nước sông Hồng có tính kiềm yếu (pH từ 7,4 - 8,5 ); hàm lượng cặn lắng đạt 61,7 mg/l, ngoài ra trong nước còn chứa một lượng đáng kể các ion NH4+, NO3-2 và NO2- đạt chất lượng về nước tưới khá cao.

Những phân tích cho thấy nước chưa bị nhiễm bẩn các chất hữu cơ, vi khuẩn hoặc những chất độc hại khác.

1.2. Sông Đáy

Là một nhánh của sông Hồng bắt nguồn từ Hát Môn, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây, chảy theo hướng tây bắc - đông nam đi vào lãnh thổ Hà Nam tại thôn Vĩnh Sơn (xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng). Trong địa phận huyện Kim Bảng, sông uốn khúc khá mạnh; nhưng hướng chính vẫn là tây bắc - đông nam. Từ Phủ Lý đến Thanh Liêm, sông chuyển thành hướng bắc - nam chảy về phía nam của tỉnh. Sông Đáy là ranh giới giữa Hà Nam và Ninh Bình bằng một đoạn chừng 2,6 km rồi đi ra khỏi lãnh thổ của tỉnh ở thôn Đoan Vĩ (xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm) gần trạm bơm Kim Thanh.

Trên lãnh thổ Hà Nam, sông Đáy có chiều dài 47,6 km; chiều dài lưu vực 35 km; tạo ra một hệ số uốn khúc là 1,36. Lưu vực sông trên địa phận tỉnh Hà Nam xác định khá phức tạp do hệ thống kênh tưới tiêu dày đặc, do sự đâm xuyên của các cống tưới tiêu qua các trục đường phân cách lớn. Nhìn chung lưu vực sông Đáy trên lãnh thổ Hà Nam bao gồm phần lãnh thổ của huyện Kim Bảng giới hạn bởi đường 21B hắt về phía tây và phần lãnh thổ của huyện Thanh Liêm giới hạn bởi đường 971 (từ thôn Bảo Lộc, xã Thanh Châu, thị xã Phủ Lý đến Đại Vương Hạ, xã Thanh Tuyền, huyện Thanh Liêm) hắt về ranh giới phía tây của tỉnh.

Tại Phủ Lý vào mùa lũ, sông Đáy có lưu lượng 7,98 m3/s và mùa kiệt có lưu lượng 2,59 m3/s. Mực nước cao nhất mà sông Đáy tạo ra ở Phủ Lý là 4,72 m (tháng 9 năm 1985), mực nước thấp nhất của sông là 0,39 m (tháng 4 năm 1963). Như vậy hàng năm sông có thể đem vào lãnh thổ khoảng chừng 0,17 tỷ m3 nước (hay 166,6 triệu m3).

Trên địa bàn Hà Nam, sông Đáy có các phụ lưu lớn là sông Nhuệ (đổ vào sông Đáy ở ngã ba sông gần cầu Hồng Phú, về phía bắc) và sông Châu (đổ vào sông Nhuệ rồi đổ vào sông Đáy ở ngã ba sông). Như vậy, lưu vực cung cấp nước cho sông Đáy ở tả ngạn là chủ yếu. Qua các trạm bơm trên bờ, sông có thể tiêu úng cho 24.196 ha ở phía hữu ngạn sông và 1.696 ha ở phía tả ngạn sông.

Ngoài vai trò tiêu nước, sông Đáy cũng cấp nước để tưới cho đồng ruộng vụ đông xuân và vụ đông qua hệ thống các cống lấy nước hoặc các trạm bơm kết hợp tưới tiêu như trạm bơm Quế, Thịnh Châu (huyện Kim Bảng), Nham Tràng và Kinh Thanh (huyện Thanh Liêm).

Nước sông Đáy có độ kiềm yếu ( pH từ 7,2 đến 8,27 ), bị ô nhiễm nitrit cao (hàm lượng NO2- từ 0,01 đến 0,99 mg/l ), ô nhiễm vi khuẩn cao (tổng số vi khuẩn hiếu khí là 7,7 tỷ con/100ml); mức độ bị ô nhiễm amoniac, ô nhiễm các hợp chất hữu cơ là không đáng kể.

Ngoài chức năng tưới tiêu cho phần lớn lãnh thổ sông Đáy còn có tác dụng phân lũ cho sông Hồng khi mực nước sông Hồng vượt mức báo động số 3 tại Hà Nội (nghĩa là vượt quá 11,5 m).

Sông Đáy cũng tạo ra một tuyến đường thuỷ quan trọng để vận chuyển vật liệu xây dựng và các mặt hàng cồng kềnh khác từ Hà Nam đi các tỉnh lân cận.

1.3. Sông Nhuệ

Là một con sông đào dẫn nước sông Hồng từ Thụy Phương (huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội) đi vào lãnh thổ Hà Nam bằng đường ranh giới 1,7 km giữa xã Duy Hải (huyện Duy Tiên) với xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây). Sông Nhuệ thuộc địa phận Hà Nam có chiều dài 14,5 km và đổ vào sông Đáy ở thị xã Phủ Lý. Trên lãnh thổ Hà Nam, sông gần như chảy thẳng theo hướng bắc - nam và uốn khúc rất ít (hệ số uốn khúc là 1,2).

Lưu vực sông Nhuệ có diện tích là một dải hẹp giới hạn bởi quốc lộ 1A từ Duy Tiên đến thị xã Phủ Lý hắt ra sông và phần lãnh thổ bên phải giới hạn bởi đường 21B và đường 977 trên địa phận huyện Kim Bảng.

Dọc theo đê bờ đông sông Nhuệ (đê Hoàng Đông) và bờ tây sông Nhuệ (đê Hoàng Tây) có nhiều cống để lấy nước và tiêu nước cho lưu vực sông. Các cống theo đê Hoàng Đông chủ yếu là các cống tiêu nước (8 cống), ngoài ra có 2 cống lấy nước. Ngược lại các cống theo bờ tây sông Nhuệ chủ yếu là lấy nước tưới (10 cống), có 2 cống tiêu nước cho lưu vực phía đông.

Sông Nhuệ có vai trò quan trọng trong việc tưới tiêu cho 2 huyện Kim Bảng và Duy Tiên.

Chế độ nước sông Nhuệ chịu ảnh hưởng của chế độ nước sông Hồng và chế độ mưa của lưu vực tại Hà Nội, Hà Tây. Nhìn chung mùa lũ trên sông bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào tháng 10. Mùa cạn của sông bắt đầu từ tháng 11 và kết thúc vào tháng 4 năm sau.

Nước sông Nhuệ có đặc tính kiềm yếu (pH từ 7,4 đến 8,2) bị ô nhiễm chất hữu cơ, nhiễm bẩn nitơ, nhiễm bẩn sắt cao và nhất là nhiễm khuẩn rất cao (tổng số vi khuẩn kỵ khí 4,8 tỷ con/100 ml), đặc biệt các vi khuẩn có nguồn gốc từ phân hữu cơ cũng gây ô nhiễm ở mức cao (số colifom gấp 24 lần, số Phecalcolifom gấp 9.300 lần tiêu chuẩn cho phép).

Tình trạng ô nhiễm này đã gây thiệt hại nặng nề cho nghề nuôi cá lồng trên sông. Ngoài ra việc sử dụng nước để tưới ruộng cũng cần được xử lý thích hợp (pha loãng với nước đồng, bón thêm các chất khử trùng và trung hoà chất độc), nếu không sẽ gây ô nhiễm liên đới đến các sản phẩm nông nghiệp nhất là rau màu, ngoài ra còn gây ô nhiễm nguồn nước ngầm trong khu vực.

1.4. Sông Châu

Sông Châu khởi nguồn trong lãnh thổ Hà Nam. Sông thu nhận nguồn nước bề mặt của các xã Trác Văn (huyện Duy Tiên), Chính Lý, Hợp Lý (huyện Lý Nhân) đến Văn Bút của xã Trác Văn và Thủy Cơ xã Yên Nam (huyện Duy Tiên). Ở Lệ Thủy (xã Trác Văn), sông nhận được một hợp lưu là sông Nông Giang từ bắc Duy Tiên chảy về. Đến An Mông (xã Tiên Phong, huyện Duy Tiên) sông chia thành 2 nhánh. Một nhánh làm ranh giới giữa huyện Duy Tiên và huyện Bình Lục trên đường chảy theo hướng đông - tây ra thị xã Phủ Lý. Một nhánh làm ranh giới giữa huyện Lý Nhân và huyện Bình Lục theo hướng tây bắc - đông nam rồi giữa huyện Lý Nhân với huyện Mỹ Lộc (tỉnh Nam Định), sau đó chảy ra trạm bơm tưới tiêu Như Trác gần đê sông Hồng. Trên đường chảy qua, sông phát sinh một chi lưu gần thôn Giếng Bông (xã Đồng Du, huyện Bình Lục), là khởi nguồn của sông Sắt chảy về phía nam. Sông Châu có chiều dài 58,6km chảy quanh co uốn lượn trong phần đông lãnh thổ của tỉnh Hà Nam.

Do sông có 2 cửa thoát là Phủ Lý và Hữu Bị nên độ uốn khúc của sông cũng chia thành 2 phần, đoạn từ Nga Thương đến Hữu Bị, sông có độ uốn khúc là 2; đoạn từ Nga Thương đến Phủ Lý, sông có độ uốn khúc là 1,7. Đây là con sông có độ dài và độ uốn khúc lớn nhất trong tỉnh.

Sông Châu có vai trò quan trọng trong việc tưới tiêu phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của cư dân hai bên bờ sông. Chính vì vậy, chế độ nước của sông được điều tiết một cách chặt chẽ qua hệ thống cống trên đập Phủ Lý, đập Vĩnh Trụ và trạm bơm Hữu Bị.

Trong mùa mưa, sông giữ vai trò tiêu nước là chính, nước của sông qua các cống trên đập Phủ Lý thoát vào sông Nhuệ rồi ra sông Đáy, đồng thời trạm bơm Hữu Bị tiêu nước sông Châu đổ vào sông Hồng, về mùa cạn, sông lại được cấp nước tưới từ sông Hồng qua hệ thống cống Mộc Nam, qua kênh dẫn nước đến sông Nông Giang rồi vào sông Châu cung cấp cho các trạm bơm tưới hai bên bờ sông. Do được điều tiết tốt chế độ nước, sông Châu khá điều hoà, các phương tiện giao thông đường thuỷ có thể đi lại quanh năm.

Những phân tích mẫu nước trên sông Châu cho thấy: nước có độ kiềm yếu, nước bị ô nhiễm amôniac, nitrit; ở khu vực đập Vĩnh Trụ nước còn bị nhiễm khuẩn cao.

1.5. Sông Ninh (Ninh Giang)

Sông Ninh khởi nguồn từ bờ hữu sông Châu, tại địa phận thôn Thanh Trực (xã An Ninh, huyện Bình Lục). Dòng sông làm thành ranh giới ở phía nam và đông nam của huyện Bình Lục với các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên của tỉnh Nam Định. Sông đi ra khỏi huyện Bình Lục ở địa phận thôn Lan, xã An Lão, đi vào huyện Ý Yên và đổ vào sông Đáy tại đây.

Sông Ninh có chiều dài 29,5 km, trên một khoảng cách lưu vực 17,5 km, tạo nên độ uốn khúc 1,65. Đây là con sông uốn khúc mạnh (chỉ sau sông Châu) ở Hà Nam. Trên đường đi ở địa phận huyện Bình Lục, sông Ninh chia nước vào sông Luyện, sông Dương và nhận nước từ sông Sắt đổ vào:

-    Sông Sắt khởi nguồn từ sông Châu, chảy hướng bắc - nam, đổ vào sông Ninh tại địa phận thôn Mai Động (xã Trung Lương) đối diện bên kia là thôn Giải Đông (xã An Đổ, huyện Bình Lục).

-   Sông Luyện (hay Luyện Giang) dài 6km, lấy nước từ sông Ninh tại địa phận thôn Duy Dương, xã Trung Lương (gần cầu Họ) rồi chảy vào địa phân các xã Trung Lương, An Nội, Bối Cầu, Hưng Công (huyện Bình Lục).

-   Sông Dương (hay Dương Giang, sông Gừng) dài 3,5km, lấy nước sông Ninh tại địa phận thôn Tiêu Thượng (xã Tiêu Động) đối diện bên kia là thôn Giải Đông (xã An Đổ, gần chợ Dầm). Sông Dương làm nên ranh giới giữa xã Tiêu Động với xã An Đổ và giữa xã An Đổ với xã La Sơn (huyện Bình Lục).

Mặc dù sông Ninh chia nước vào sông Luyện và sông Dương, nhưng trên đường đi sông cũng nhận được thêm nước từ các mương, ngòi tiêu nước trên địa bàn của phần lớn các xã trong huyện Bình Lục đổ vào. Lưu vực sông Ninh trên lãnh thổ Hà Nam thuộc phạm vi huyện Bình Lục, được giới hạn bởi đường 974 và 976 bắt đầu từ ngã ba An Dân (xã Tràng An) hắt về hữu ngạn sông Ninh, có diện tích vào khoảng 118,4km2.

Chế độ nước sông Ninh phụ thuộc vào chế độ mưa trên lưu vực thuộc huyện Bình Lục và phần phía bắc các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản và Ý Yên của Nam Định. Do vậy chế độ nước sông Ninh cũng có hai mùa. Mùa cạn bắt đầu từ tháng 11 và kết thúc vào tháng 5 năm sau. Mùa lũ bắt đầu vào tháng 6 và kết thúc vào tháng 9.

 Ở địa phận xã Vũ Bản và An Nội sông không có đê mà chỉ có con bối chạy dài dùng làm đường liên xã. Sau khi nhận được nước từ sông Sắt, trên bờ hữu sông Ninh nhân dân ở đây đã xây dựng hệ thống đê nối với đê sông Sắt, chạy dài tới thôn Dương (xã An Lão), ngăn không cho nước sông chảy vào đồng trong mùa mưa lũ. Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, sông Ninh là con đường tiếp tế quan trọng về lương thực, vũ khí và nhân lực đến các vùng tự do phục vụ cho cuộc kháng chiến.

Hiện nay sông Ninh đóng vai trò tiêu nước quan trọng trong mùa mưa lũ, trên dải đồng bằng thấp trũng của huyện Bình Lục. Ngược lại về mùa khô, sông Ninh cũng nhận được nguồn cấp từ sông Hồng qua trạm bơm Như Trác đưa vào sông Châu, sông Sắt (đoạn từ đập Vĩnh Trụ đến trạm bơm Hữu Bị, Hoà Hậu) phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Nước trên sông Ninh cũng bị ô nhiễm bởi lượng vi khuẩn, lượng Amon (NH4+) và lượng nitrit (NO2-) vượt quá tiêu chuẩn nước sinh hoạt.

1.6. Sông Sắt

Là một chi lưu của sông Châu, sông Sắt khởi nguồn ở bờ hữu gần cầu An Bài (xã Đồng Du, huyện Bình Lục). Trên lãnh thổ thuộc huyện Bình Lục sông chảy theo hướng bắc - nam làm thành ranh giới giữa các xã Đồng Du với Hưng Công, An Mỹ với Bối Cầu và Trung Lương, An Đổ với Trung Lương của huyện Bình Lục. Sông Sắt đổ nước vào sông Ninh ở cửa sông gần thôn Giải Đông (xã An Đổ) đối diện bên kia là thôn Mai Động, xã Trung Lương.

Sông Sắt dài 9,75 km chỉ uốn khúc rất nhỏ ở gần cầu Sắt (Hệ số uốn khúc của sông là (9,75/9,25 = 1,05). Theo Địa dư huyện Bình Lục, sông Sắt được đào vào năm 1903. Trước đây sông Sắt còn có tên là sông Mới.

Chế độ nước của sông theo chế độ mưa trên lưu vực. Mùa lũ bắt đầu từ tháng 6, kết thúc vào tháng 10. Mùa cạn bắt đầu từ tháng 11 và kết thúc vào tháng 5 năm sau.

Sông Sắt giữ vai trò tiêu nước cho sông Châu và phần lưu vực trong huyện Bình Lục là chính. Bờ hữu ngạn sông có đê ngăn nước sông tràn vào đồng trong mùa mưa lũ.

Ngược lại mùa cạn sông lại là nguồn cung cấp nước cho phần phía bắc và phía nam của huyện Bình Lục và huyện Thanh Liêm qua một hệ thống kênh đào theo hướng đông tây.

Các phân tích mẫu nước cho thấy: nước sông Sắt trung tính bị nhiễm bẩn cao bởi vi khuẩn, bởi amôniac. Vì thế sông Sắt chỉ dùng cho tưới tiêu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Ngoài các sông chính đã nêu ở trên, trong lãnh thổ Hà Nam còn có các sông khác như sông Nông Giang ở phía bắc huyện Duy Tiên (ranh giới với huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây) dài chừng 12,5 km, sông Nông Giang ở xã Hoà Hậu (huyện Lý Nhân) dài chừng 5,5 km, sông Long Xuyên trên lãnh thổ huyện Lý Nhân, sông Biên Hoà trên lãnh thổ hai huyện Bình Lục và Thanh Liêm dài chừng 15,5 km. Những sông này tạo nên mạng lưới dòng chảy phong phú góp phần tiêu nước và cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của cư dân.

2. Ao, hồ, đầm

Ao, hồ, đầm là một bộ phận quan trọng trong hệ thống thuỷ văn ở Hà Nam. Tuy chỉ chiếm 7,6% diện tích tự nhiên của tỉnh nhưng chúng lưu giữ một khối lượng nước khá lớn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của con người trong sản xuất và đời sống. Lượng nước mặt được lưu giữ này góp phần giảm tốc độ của dòng chảy mặt, đồng thời cải thiện vi khí hậu trong mùa hè oi bức, tăng cường đa dạng sinh học của cảnh quan nông thôn.

Ao, hồ, đầm lớn còn là nguồn cung cấp nước ngầm quan trọng theo nguyên tắc thẩm thấu thẳng đứng và thẩm thấu ngang.

Trên lãnh thổ Hà Nam, mặt nước tĩnh của ao, hồ, đầm có thể phân ra các dạng sau:

2.1. Ao, hồ nhỏ

Các ao, hồ nhỏ hình thành trong quá trình vượt đất làm nền cho công trình đường sá kênh, mương, cầu cống, nhà ở. Do đặc điểm địa hình đồng bằng Hà Nam thấp (ở mức phổ biến từ 1,5 đến 5 mét) cho nên để có được nền đất cao cho các công trình hầu hết phải vượt đất tôn nền, từ đó hình thành nên những ao, hồ, thùng đấu. Theo điều tra, có trên 50% số các hộ nông nghiệp có ao, hồ nhỏ trên đất thổ cư.

Hầu hết các ao này có diện tích nhỏ hơn 0,4 ha (tức là dưới 10 sào Bắc Bộ) với độ sâu từ 1,2 đến 1,5 mét. Chúng lưu giữ nước trong mùa mưa để rồi sử dụng theo các chức năng khác nhau (nuôi cá, thả rau, bèo, tạo nguồn nước tưới cho ruộng, vườn, tạo cảnh quan thuỷ sinh trong các công trình văn hoá). Diện tích ao, hồ loại nhỏ trong toàn tỉnh là 3.248 ha (chiếm 50% tổng diện tích ao, hồ) tập trung nhiều ở các huyện Lý Nhân (832 ha), Duy Tiên (778 ha), Kim Bảng (367 ha) và Phủ Lý (92 ha).

2.2. Hồ, đầm và các thùng đấu lớn

Cũng như các ao, hồ nhỏ các thùng đấu hình thành do con người trong quá trình đắp đê làm bối, làm đường, làm kênh dẫn nước, khai thác đất làm vật liệu xây dựng. Các thùng đấu, hồ, đầm loại này có diện tích dưới 5 ha và lớn hơn 0,4 ha. Các thùng đấu thường sâu hơn, lưu giữ nước hầu như quanh năm để nuôi trồng thuỷ sản hay cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp trong mùa khô.

Loại hình mặt nước tĩnh vừa kể trên có diện tích 2.668 ha chiếm 41% tổng diện tích các ao, hồ, đầm, thùng đấu. Các thùng đấu này tập trung chủ yếu ở huyện Thanh Liêm (868 ha) và huyện Duy Tiên (508 ha); ở huyện Kim Bảng và thị xã Phủ Lý chúng có diện tích nhỏ hơn.

Hầu hết các thùng đấu, thùng đào, đầm và ao hồ nêu trên đều thuộc quyền quản lý của UBND huyện, xã hay hợp tác xã. Chúng được giao cho các hộ xã viên quản lý và sử dụng theo hình thức đấu thầu trong thời hạn 5, 10, 15 năm với các chức năng như nuôi cá, phục vụ nước tưới.

Nguồn nước của các ao, hồ, đầm trên là do mưa hoặc do các công trình thuỷ nông cung cấp.

2.3. Mặt nước có diện tích lớn

Đó là những hồ, đầm loại có diện tích trên 5 ha, hình thành một cách tự nhiên từ các thung lũng dưới chân đồi núi hoặc do sự cố vỡ đê tạo ra (như ở huyện Lý Nhân). Loại hình này bao gồm các hồ, vực có độ sâu hơn 1,7 mét. Huyện Kim Bảng có nhiều hồ chứa nước tự nhiên như hồ Tam Chúc thuộc xã Ba Sao diện tích tới 69 ha; các hồ tự nhiên còn lại nằm rải rác trong các xã như Thanh Sơn, Liên Sơn và Khả Phong. Ở huyện Lý Nhân các hồ lớn phân bố dọc theo hai bên bờ đê sông Hồng. Phần nhiều các hồ chứa lớn tập trung nhiều ở huyện Lý Nhân (396 ha) sau đến huyện Kim Bảng (120 ha).

Nước trong các hồ không bị ô nhiễm nhiều vì quá trình tự làm sạch ở đây đã giảm thiểu những chất độc hại phát sinh từ tự nhiên hoặc từ hoạt động của con người.

3. Nước ngầm

Hà Nam là vùng đồng bằng nằm trước những dãy núi đá vôi chạy theo hướng tây bắc - đông nam từ Mộc Châu (tỉnh Sơn La) đến Tân Lạc (tỉnh Hoà Bình), rồi đến Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình). Hà Nam cũng nằm ở vị trí trung chuyển của đồng bằng châu thổ Bắc Bộ theo hướng thấp dần từ tây bắc xuống đông nam, phù hợp với hướng chảy của thung lũng sông Hồng ra biển Đông.

Lãnh thổ Hà Nam gần như là một dải đồng bằng kẹp giữa thung lũng sông Hồng và sông Đáy; chỗ hẹp nhất có khoảng cách 16,5 km. Độ cao phổ biến của dải đồng bằng là khoảng 5 mét so với mực nước biển.

Lãnh thổ Hà Nam nói riêng và đồng bằng Bắc Bộ nói chung trước đây hàng trăm triệu năm vốn là một vùng được phù sa biển, sông bồi đắp cao dần lên để có hình dáng như ngày nay, những lớp trầm tích đá vôi, sét, cát, á cát, cát sạn,... đã minh chứng cho điều này.

Vị trí tương quan với một lịch sử hình thành lãnh thổ như trên đã dẫn đến một cấu trúc nền móng rất thuận lợi cho việc tàng trữ và luân chuyển nước ngầm. Những khảo sát tài nguyên nước ngầm của Đoàn Trọng Cảnh và những cán bộ khác (thuộc trường Mỏ Địa chất) cho thấy: sâu xuống lòng đất tại Hà Nam có tới 5 địa tầng chứa nước; tính từ mặt đất trở xuống là các địa tầng sau:

a)                       Tầng chứa nước lỗ hổng trầm tích hỗn hợp sông, biển và đầm lầy; hệ tầng Thái Bình hình thành cách ngày nay gần 500 nghìn năm (tuổi Holoxen).

b)                       Tầng chứa nước lỗ hổng trầm tích hỗn hợp biển, đầm lầy; hệ tầng Hải Hưng hình thành cách ngày nay trên 500 nghìn năm (tuổi Holoxen).

c)                       Tầng chứa nước lỗ hổng trầm tích lục địa, hệ tầng Hà Nội hình thành cách ngày nay từ 500 nghìn năm đến 750 nghìn năm (tuổi Pleistoxen).

d)                      Tầng chứa nước lỗ hổng, vỉa - lỗ hổng thuộc trầm tích Pleistoxen dưới, hình thành cách ngày nay khoảng trên dưới một triệu năm.

e)                       Đới chứa nước khe nứt cacxtơ, hệ triat, điệp Đồng Giao hình thành cách đây từ 185 triệu năm đến 225 triệu năm.

Các tầng, đới chứa nước kể trên hình thành và bảo tồn nhờ những lớp trầm tích không thấm nước, ít thấm nước che chắn bên trên và bên dưới có thành phần là sét, cát bột kết và đá vôi ở dưới đáy.

Trong 5 tầng chứa nước ngầm đã nêu thì có 2 tầng có trữ lượng lớn và có điều kiện khai thác tương đối thuận lợi đó là:

+ Tầng chứa nước lỗ hổng Holoxen, hệ tầng Thái Bình.

Thành phần chính của tầng chứa nước này là cát mịn dưới dạng các thấu kính cát, cát pha có diện tích nhỏ, phân bố trong các lớp sét, sét pha đa nguồn gốc. Thấu kính cát, cát pha nói trên có chiều dày từ 2 đến 9 mét, nằm sâu cách mặt đất từ 8 đến 15 mét. Mực nước tĩnh trong tầng chứa nước này lên cách mặt đất từ 1 đến 3 mét. Modul tiềm năng khai thác là: MKT = 245 m3/ngày - đêm/ km2.

Nguồn bổ cập chính cho nguồn chứa nước này là nước mưa và nước mặt thẩm thấu theo chiều thẳng đứng. Chính vì vậy, mực nước cao nhất của tầng chứa nước này vào tháng 9 (mùa mưa) và thấp nhất vào tháng 1 hoặc tháng 2. Biên độ dao động giữa hai mùa từ 1 đến 1,5 mét.

Tầng chứa nước vừa trình bày phân bố rộng khắp dưới nền đồng bằng tỉnh Hà Nam.

+ Tầng chứa nước lỗ hổng tuổi Pleistoxen, hệ tầng Hà Nội.

Thành phần thạch học chủ yếu của tầng chứa này là cát hạt thô, sạn, sỏi. Chiều dày của tầng chứa trung bình vào khoảng 28,4 mét ở các huyện Bình Lục và Lý Nhân, độ dày của tầng chứa nước từ 10 đến 15 mét.

Mực nước của tầng chứa nước lỗ hổng tuổi Pleistoxen, luôn thấp hơn mực nước của tầng chứa nước tuổi Holoxen. Modul tiềm năng khai thác của tầng này đạt 426,8 m3/ngày - đêm/km2. Tầng chứa nước lỗ hổng tuổi Pleistoxen phân bố tập trung thành một thấu kính nước nhạt có diện tích 146 km2. Thấu kính này bao chiếm phần lãnh thổ phía bắc của tỉnh, bao gồm các xã Phù Vân, Lam Hạ, Châu Sơn (thị xã Phủ Lý), Tiên Hiệp, Tiên Hải, Đọi Sơn, Châu Giang, Yên Nam, Chuyên Ngoại, Trác Văn (huyện Duy Tiên), các xã Liêm Tuyền, Thanh Tuyền (huyện Thanh Liêm) và các xã Văn Lý, Hợp Lý, Chính Lý (huyện Lý Nhân). Trữ lượng nước của thấu kính này đạt tới 17.902.340 m3/ngày - đêm.

Nguồn gốc của tầng chứa nước này là nước nhạt được chôn vùi và có sự bổ sung của nước trẻ thẩm thấu. Chúng không có mối quan hệ thuỷ lực trong vùng với nước mặt sông Hồng và sông Đáy.

Nhìn chung, nước ngầm trong tầng chứa nước tuổi Pleistoxen có chất lượng tốt, có thể khai thác sử dụng trong sinh hoạt. Nếu khai thác dùng để ăn uống thì phải xử lý loại bỏ các chất cặn lắng (ở vùng Nhật Tân huyện Kim Bảng ở vùng Thanh Hà huyện Thanh Liêm), xử lý loại bỏ amon (ở Hoà Mạc, Đồng Văn huyện Duy Tiên và ở Thanh Hà huyện Thanh Liêm) và xử lý loại bỏ sắt ở tất cả các điểm khai thác.

+ Tầng chứa nước khe nứt cacxtơ trong trầm tích đá vôi tuổi Triat.

Đây là tầng chứa rất giàu nước với chất lượng tốt, tầng chứa nước này có nhiều hệ thống mạch lộ phong phú. Tiềm năng nước hang động rất lớn chứa trong các hang lớn như: hang Động Sơn xã Thanh Sơn, hang Hồ Trứng, hang Cá, hang Tối xã Bút Sơn, hang Vồng xã Khả Phong thuộc huyện Kim Bảng. Các hang này đều chứa nhiều nước, chất lượng nước tốt, đủ khả năng đáp ứng cho các nhu cầu ăn uống và sinh hoạt của cư dân, tuy nhiên điều kiện khai thác còn khó khăn.

4. Sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước ở Hà Nam

Nước là một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, nước tham gia vào nhiều quá trình sản xuất và đời sống của con người. Tài nguyên nước không được quản lý và chế ngự tốt, cũng có thể gây nên hiểm họa khôn lường.

Việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước dựa trên đặc tính phân bố trong không gian và theo tính chất thuỷ động lực của tài nguyên nước. Do vậy có các loại hình khai thác, sử dụng cũng như bảo vệ tài nguyên nước sau đây:

a) Sử dụng và bảo vệ dòng chảy và các mặt nước tĩnh: Như đã nêu ra ở trên, tài nguyên nước trong dòng chảy mặt ở Hà Nam là rất phong phú: nguồn đến khoảng 14 tỷ m3 nguồn phát sinh tại địa bàn khoảng 0,88 tỷ m3. Với mật độ sông ngòi khá dày đặc (0,25 km/km2), mật độ kênh mương tưới tiêu là 6,7 km/km2. Như vậy, cả mạng lưới tự nhiên và mạng lưới nhân tạo mật độ dòng chảy bề mặt chiếm từ 7 đến 7,5 km/km2. Đây là điều kiện thuận lợi để cư dân sử dụng tài nguyên nước ở khắp mọi nơi, phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.

Trên thực tế các dòng chảy này đã được sử dụng để tưới tiêu cho đồng ruộng thông qua các cống tự chảy, qua các trạm bơm trên bờ sông (tưới, tiêu động lực).

Trên một chiều dài 38,621km đê phía hữu sông Hồng có tới 10 cống (trong đó có 8 cống tưới, 2 cống tiêu). Có những cống rất lớn phục vụ tưới tiêu động lực qua các trạm bơm như trạm Hữu Bị, Như Trác.

Nhờ được tưới nước sông Hồng mà đồng ruộng Hà Nam (nhất là các đồng lúa của huyện Duy Tiên) được bồi đắp một lớp phù sa làm tăng thêm hiệu quả sản xuất nông nghiệp cũng như góp phần san lấp dần những khu ruộng trũng.

Trên chiều dài 49,5km đê bờ tả sông Đáy có tới 22 cống dưới đê trong đó có 12 cống tiêu và 10 cống tưới, có những cống lớn phục vụ tưới tiêu động lực qua các trạm bơm như Nham Tràng, Kinh Thanh, Hữu Bình.

Nhờ hệ thống cống, trạm bơm và các đập điều tiết mà toàn bộ phần phía đông lãnh thổ (phía bắc từ quốc lộ 1A đến sông Hồng, phía nam từ sông Đáy đến sông Hồng) được cấp nước và tiêu nước thuận lợi, hỗ trợ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp và các hoạt động khác của cư dân.

Các tuyến đê Hoàng Đông (dài 9km trên bờ đông sông Nhuệ) và Hoàng Tây (dài 10,5km trên bờ tây sông Nhuệ) cũng có 23 cống tưới tiêu nước phục vụ cho nội đồng.

Hệ thống dòng chảy mặt ở Hà Nam còn được sử dụng trong giao thông đường sông với tiện ích là siêu trọng và tiết kiệm nhiên liệu. Đường sông ở Hà Nam có mạng lưới phong phú toả khắp các miền trên lãnh thổ của tỉnh với chiều dài trên 200 km. Trên sông Hồng và sông Đáy ở Hà Nam có gần 100 km đường sông. Tuyến sông Hồng có thể đảm bảo cho tàu khoảng 1.000 tấn hoạt động. Tuyến sông Đáy, các xà lan vài trăm tấn có thể hoạt động.

Nước của các dòng chảy mặt còn là nguồn cung cấp cho các nhà máy nước để xử lý, tạo nguồn nước sạch đạt tiêu chuẩn cung cấp cho các khu đô thị lớn như các nhà máy nước ở thị xã Phủ Lý, thị trấn Quế, thị trấn Hoà Mạc.

Nước của dòng chảy mặt còn cung cấp cho các ao, hồ trong mùa khô hạn nhằm lưu trữ nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.

Hệ thống dòng chảy mặt cũng là nơi nuôi dưỡng các sinh vật thuỷ sinh tự nhiên và nuôi trồng rau muống, rau rút, cá giăng lưới, cá lồng, cá quây...

Ngoài ra, còn phải nói đến những tác hại của hệ thống các sông lớn ở Hà Nam như sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Châu. Vào mùa nước lũ lượng nước lên cao, dòng chảy mạnh từng đe dọa rất nghiêm trọng thành quả lao động và đời sống của cư dân. Để ngăn chặn những tác hại này, các hệ thống đê dọc theo sông đã hình thành và hàng năm phải được quan tâm tôn tạo.

Đê phía hữu sông Hồng cao 10,6 mét (ở xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên) xuôi xuống 9,354 mét (ở xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân) và giảm xuống còn 8,09 mét (ở xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân).

Đê sông Đáy cao 8,52m (ở xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng) xuôi xuống còn 6,6 m (xã Kiện Khê huyện Thanh Liêm) và xuống 6,32m (ở xã Thanh Hải huyện Thanh Liêm).

Tuyến đê sông Nhuệ cao từ 6m xuôi xuống 5,3m. Đê bắc sông Châu cao từ 6m xuôi xuống 5m. Đê nam sông Châu cao từ 6 mét xuôi xuống 4,5m. Đê sông Sắt cao từ 4m xuôi xuống 3,2m.

Để bảo vệ khu dân cư và đất canh tác trên bãi bồi ven các con sông còn có các đê bối. Dài nhất là đê bối bờ hữu sông Hồng dài 22,5km, cao 7,5m xuôi xuống 6,2m. Đê bối bờ tả sông Đáy dài 21,7km, cao từ 5m xuôi xuống còn 3m.

Các mái kè, tường kè trên sông cũng góp phần vào bảo vệ bờ đê, bảo vệ các công trình trong đê. Dài nhất là mái kè trên sông Đáy lên tới 3.000m, lớn nhất là tường kè thị xã Phủ Lý dài đến 4.500m, cao trên 5m. Tường kè ở thị trấn Quế cũng dài tới 1.200m.

Các mỏ kè có tác dụng đẩy dòng nước ra giữa sông không cho chúng đào xói bãi bờ và chân đê, bờ hữu sông Hồng thuộc địa phận tỉnh Hà Nam có 27 mỏ kè trong đó có những mỏ kè lớn dài tới 60m, gốc mỏ cao 6m xuôi xuống mũi mỏ là 5m.

Để bảo vệ hệ thống dòng chảy mặt, tạo nên tác dụng nhiều mặt cho sản xuất và đời sống cư dân, các cơ quan và tổ chức hữu trách đã tiến hành nhiều biện pháp bảo vệ như:

-   Hạn chế sự xâm lấn tới dòng chảy của sông do các công trình trên bờ lan tới như kè bờ làm ao, kè bờ làm vườn, hoặc giăng lưới quá rộng để thả cá. Để khơi thông dòng chảy trên sông, nhiều cầu lớn đã được xây dựng như cầu Câu Tử, cầu Khả Phong (huyện Kim Bảng).

-   Quản lý chặt chẽ việc khai thác cát ở lòng sông dẫn đến sự thay đổi đột ngột hướng của dòng chảy gây xói lở bờ bãi ven sông.

-   Tiến hành nạo vét các con sông bao quanh thị xã để hạn chế sự tích tụ rác rưởi, cát bùn gây ách tắc dòng chảy.

-   Di dân ra khỏi khu vực thường xuyên sạt lở và có nguy cơ xảy ra sạt lở cao.

-   Sử dụng các công nghệ mới nhằm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi đổ vào sông.

Hệ thống dòng chảy mặt nhất là hệ thống sông đã làm đẹp cảnh quan của lãnh thổ Hà Nam mang đến một khung cảnh mềm mại tươi mát, là bộ phận quan trọng điều hoà vi khí hậu cho các khu dân cư ven bờ. Sử dụng hợp lý và bảo vệ hệ thống sông ngòi không những là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của từng thành viên trong cộng đồng dân cư trên lãnh thổ.

+ Sử dụng và bảo vệ các ao, hồ, đầm

Diện tích ao, hồ, đầm ở Hà Nam chiếm 7,6% diện tích tự nhiên.

Các ao, hồ, đầm được sử dụng theo nhiều mục đích khác nhau.

-   Lưu giữ nước bề mặt đê phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt của cư dân. Đó thường là bề mặt nước lớn do các tổ chức như huyện, xã, thôn quản lý.

-   Sử dụng để nuôi trồng thuỷ sản và một số thuỷ cầm (thả cá, nuôi vịt, ngan, thả rau, trồng sen...), các ao, hồ nhỏ do các hộ gia đình quản lý và sử dụng.

-   Các ao, hồ giữ nước làm đẹp cảnh quan môi trường cải thiện vi khí hậu của các thôn, xóm, công sở, công trình văn hoá.

-   Các đầm ngập nước theo mùa hoặc ngập nước thường xuyên không sâu lắm thường dùng để luân canh lúa, hoặc thả cá hay trồng sen.

Xuất phát từ đặc điểm nguồn cung cấp cho ao, hồ, đầm cũng như mục đích của con người trong việc sử dụng chúng, nên việc bảo vệ cũng khác nhau nhưng tập trung vào một số biện pháp chính sau:

-   Cần xử lý nước thải ô nhiễm trước khi đổ vào ao, hồ, đầm bằng các công nghệ có hiệu quả, bằng các bể ga, bằng các biện pháp hoá học, lý học và sinh học.

-   Tận dụng triệt để quá trình tự làm sạch của ao, hồ, đầm bằng các cây trồng vật nuôi, các thực vật và động vật sơ cấp. Bên cạnh đó cần có nguồn cấp nước sạch để lưu thông nước trong các ao nhỏ, nhất là những ao có vai trò làm đẹp cảnh quan văn hoá, điều hoà vi khí hậu khu dân cư.

-   Sử dụng những công trình, những qui trình, những kỹ thuật sạch và an toàn trong sinh hoạt và trong sản xuất để không thải các chất ô nhiễm ra môi trường nhất là vào mùa nước như các công trình xử lý nước thải, các bể bioga, hố xí hợp vệ sinh. Các truồng trại chăn nuôi được xây dựng trên bờ ao, hồ phải được xử lý phân rác bằng các bể khí bioga, không sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng, phân bón vô cơ vượt quá liều lượng cho phép. Cần khơi thông, nạo vét cống rãnh và các ao hồ nhỏ trong các khu dân cư nhằm để tăng cường khả năng tự làm sạch và tăng nguồn phân bón vi sinh cho cây trồng.

b) Sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước ngầm

Nhu cầu nước sạch dùng trong sinh hoạt và sản xuất ngày càng tăng, mặt khác do điều kiện đời sống vật chất tinh thần tăng lên, con người nhận thức ngày càng đầy đủ hơn về môi trường và những nguy cơ tiềm ẩn của nó, trong đó có việc sử dụng nước không đảm bảo độ an toàn cho phép. Xuất phát từ thực tế trên, dân cư nhất là dân cư thuộc khu vực nông thôn kể cả các khu vực thị trấn, thị tứ và các cơ sở kinh tế xã hội khác, sử dụng nước ngầm ngày càng tăng lên.

Những điều tra của Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường Bộ Quốc phòng cho thấy: năm 2000 trong 106 xã, thị trấn của Hà Nam đã xây dựng 57.419 giếng khoan, 41.720 giếng đào và hàng nghìn bể chứa nước mưa. Con số trên đã phản ánh nguồn nước để uống và sinh hoạt của dân cư chủ yếu khai thác từ nước ngầm chứa trong các tầng chứa nước tuổi Holoxen và Pleistoxen. Tầng chứa nước thứ nhất thường được khai thác dưới dạng giếng đào sâu 4 đến 5 m hoặc các lỗ khoan sâu 8 đến 15m. Chất lượng nước của tầng chứa này qua phân tích nhiều nơi đã bị ô nhiễm amoni, nitorit, vi sinh vật.

Khi nhu cầu nước sinh hoạt và ăn uống tăng lên, các giếng đào sử dụng lâu năm có thể bị cạn kiệt nước. Để có nước sạch đủ dùng, phần lớn các hộ dân đã sử dụng nước của tầng chứa Pleistoxen qua các lỗ khoan sâu 45 đến 60 m để có nguồn cung cấp từ 3,6 m3/giờ đến 15, hoặc 20 m3/giờ. Những kết quả phân tích nước ở tầng Pleistoxen cho thấy độ pH, hàm lượng ôxi cho các nhu cầu sinh hoá, hàm lượng Na, S04-2, hàm lượng kim loại nặng ở hầu hết các địa điểm đạt tiêu chuẩn nước uống và sinh hoạt khu vực nông thôn. Tuy nhiên nhiều mẫu nước ngầm đã bị nhiễm sắt với hàm lượng gấp từ 2 đến 6 lần tiêu chuẩn cho phép, hàm lượng cặn lắng còn cao, hàm lượng amon và nitrit đã tới mức gây ô nhiễm.

Nước ngầm tầng chứa nước tuổi Holoxen (tầng trên cùng) trong các làng nghề bị ô nhiễm nặng hơn bởi các hợp chất hữu cơ lượng amon, nitrit có nguồn gốc từ phân rác do con người thải ra. Nhiều nơi nước còn bị nhiễm độc thuỷ ngân gấp từ 1 đến 141 lần tiêu chuẩn cho phép.

Hàm lượng clo ô nhiễm cũng vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,8 (ở xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng) đến 16,3 (ở Hoà Ngãi, xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm).

Để bảo vệ tài nguyên nước ngầm phục vụ tốt nhất cho việc cung cấp nước tập trung và phân tán của dân cư cần tiến hành những biện pháp sau:

+ Ngăn chặn sự ô nhiễm do thẩm thấu nước mặt, và như vậy, cần loại bỏ những nguyên nhân gây ô nhiễm tầng chứa nước Holoxen có nguồn gốc từ nước thải, khí thải, và chất thải rắn do con người gây ra.

+ Ngăn chặn việc đổ các phế thải, chất thải rắn và chất thải lỏng chưa được xử lý ra môi trường. Xây dựng các bể lọc nước đúng tiêu chuẩn để loại bỏ sắt, các chất cặn lắng, các vi khuẩn gây bệnh và các chất khử có trong nước từ giếng khoan.

+ Xây dựng các công trình sản xuất và dân sinh phù hợp với các tiêu chuẩn công nghệ môi trường, quản lý và xử lý tốt phân, rác thải, chất thải bệnh viện, không để cho các vi khuẩn nguy hiểm gây ô nhiễm nguồn nước.

+ Đối với các giếng khoan khai thác nước ở tầng chứa Pleistoxen nếu không tiếp tục sử dụng (do di chuyển chỗ ở, do cạn kiệt vì thời gian khai thác quá dài, vì cần thay đổi địa điểm thuận lợi), cần được bịt kín bằng đất sét, xi măng hoặc các vật liệu không thấm nước tới các độ sâu an toàn để không gây ô nhiễm cho nguồn nước ngầm từ các lỗ hổng, hốc này.

(Còn nữa)

Điện tử

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.