kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Phần I: Địa lý (Chương XXXI)

Phần I: Địa lý (Chương XXXI)

Chương XXXI: VĂN HỌC HÀ NAM

VĂN HỌC DÂN GIAN

Khái quát về văn học dân gian Hà Nam

Văn học dân gian Hà Nam là một bộ phận cấu thành nền văn hoá Hà Nam, đây là một bộ phận khá đồ sộ với một số lượng tác phẩm văn học dân gian khá lớn bao gồm đủ các thể loại, thể tài khác nhau, phản ánh cuộc sống muôn màu muôn vẻ của nhân dân Hà Nam từ bao đời nay.

Hà Nam là một tỉnh đất không rộng, người không đông, và xét về phương diện lịch sử hành chính, Hà Nam được thành lập từ năm 1890. Song về phương diện văn hoá, nghệ thuật thì mảnh đất Hà Nam có lịch sử dài lâu, là một trong những vùng đất có sự hình thành văn hoá cổ xưa nhất của đất nước ta. Điều này đã được phản ánh qua rất nhiều tư liệu khảo cổ được phát hiện ở nơi đây, cũng như qua các tác phẩm văn học dân gian.

Nhìn chung, văn học dân gian Hà Nam là những tác phẩm mang tính địa phương, mang những nét đặc sắc riêng rất rõ rệt, đồng thời những tác phẩm này cũng vẫn mang cả những nét chung điển hình của văn học dân gian cả nước, đặc biệt là nét chung của văn học dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Văn học dân gian Hà Nam gồm nhiều thể loại. Các thể loại của văn học dân gian như truyền thuyết, tục ngữ phương ngôn, ca dao, dân ca, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, vè... đều tồn tại và phát triển ở Hà Nam.

Các thể loại tự sự của văn học dân gian Hà Nam, có số lượng khá đa dạng, gồm truyền thuyết (truyền thuyết lịch sử, truyền thuyết địa danh, truyền thuyết về các anh hùng văn hoá); truyện cổ tích (bao gồm truyện cổ tích thần kỳ, truyện cổ tích sinh hoạt), truyện ngụ ngôn, truyện trạng, truyện cười...

Trong các thể loại tự sự dân gian Hà Nam, truyền thuyết phải được coi như một thể loại chủ lực. Số lượng các tác phẩm truyền thuyết của Hà Nam đã được sưu tầm đến nay là khá lớn, khá tiêu biểu với khoảng vài trăm đơn vị truyện. Thí dụ truyền thuyết về Nguyệt Nga công chúa, về Chử Đổng Tử và Tiên Dung ở huyện Duy Tiên, nhóm truyền thuyết về Triệu Quang Phục ở huyện Lý Nhân, nhóm truyền thuyết về các nữ tướng của Hai Bà Trưng trên đất Thanh Liêm, Bình Lục. Đặc biệt Hà Nam lại có vùng văn hoá dân gian tiêu biểu mà cả nước đều biết đến, đó là vùng văn hoá dân gian Liễu Đôi. Số lượng các tác phẩm truyền thuyết của vùng văn hoá dân gian này cũng khá phong phú, điển hình như các truyện Truyện chàng trai họ Đoàn, Truyện bà áo the, Truyện ông gác cổng, Truyện ông Tía, Truyện ông Trạng Vật, Cung Đặng Cung Lường, Nàng Liên Nương... Ngoài ra còn các mảng truyền thuyết của các vùng khác trong Hà Nam như Truyền thuyết về nữ tướng Lê Chân, Truyền thuyết về núi Cấm đền Trúc, Truyền thuyết về Ao Long - Động Thuỷ, Truyền thuyết về Bát Cảnh Sơn... của Kim Bảng; các truyền thuyết về Nguyệt Nga công chúa, truyền thuyết về Trạng Sấm... của Duy Tiên; truyền thuyết về Mỵ Ê, truyền thuyết về Vũ Thị Thiết (được chép trong Truyền kì mạn lục) của Nguyễn Dữ - hai nhân vật liệt nữ nổi tiếng của Hà Nam; và truyền thuyết về nhân vật Vũ Cố của Thanh Liêm...

Bát Cảnh Sơn không chỉ nổi tiếng là danh thắng mà còn nổi tiếng về người Hiền tài. Đây cũng là vùng đất phát tích truyện Trầu Cau.

Có thể khẳng định rằng, đất Hà Nam là đất của truyền thuyết. Hoàn cảnh và điều kiện lịch sử nơi đây đã tạo điều kiện đầy đủ cho thể loại truyền thuyết dân gian nở rộ. Cả về số lượng, chất lượng lẫn tầm vóc, truyền thuyết dân gian Hà Nam có thể so sánh với các vùng truyền thuyết dân gian nổi tiếng khác của cả nước như vùng truyền thuyết Hoa Lư của Ninh Bình, vùng truyền thuyết Lam Sơn của Thanh Hoá, vùng truyền thuyết Luy Lâu - Thuận Thành về Lạc Long Quân - Âu Cơ, về Nhữ Nương, Tứ Pháp của Bắc Ninh, vùng truyền thuyết về Hùng Vương của Phú Thọ, vùng truyền thuyết về Sơn Tinh Thuỷ Tinh của vùng Ba Vì - Hà Tây... Sự góp mặt của truyền thuyết Hà Nam, nhất là các mảng truyền thuyết về Lê Hoàn, Lê Chân, Lý Thường Kiệt, mảng truyền thuyết về hội vật võ Liễu Đôi đã đem đến cho loại hình tự sự dân gian Hà Nam một giá trị tinh thần lớn lao.Việc nghiên cứu, sưu tầm và hệ thống lại mảng truyền thuyết này của Hà Nam sẽ góp phần vẽ lên diện mạo của vùng văn học dân gian Hà Nam.

Tiếp theo thể loại truyền thuyết là thể loại truyện cổ tích của văn học dân gian Hà Nam. So với thể loại truyền thuyết thì thể loại truyện cổ tích Hà Nam không phong phú bằng kể cả về số lượng và thể tài. Truyện cổ tích Hà Nam chủ yếu tập trung ở vùng văn hoá dân gian Liễu Đôi với một số lượng có thể chiếm tới ba phần tư số lượng truyện cổ tích đã được sưu tầm, tập hợp hiện nay trong toàn tỉnh trong đó số lượng truyện thần kỳ chiếm nhiều hơn, có thể kể tới các truyện như Truyện chàng đoạt dao của ngài Bắc Đẩu, Nàng trăm đời ngàn kiếp, Thần túc đúc vàng... (Khảo sát văn hoá truyền thống Liễu Đôi. Nxb VHDT, H, 1995), Truyện trầu cau, Sự tích Thánh Ông, Sự tích núi Cấm và núi Ngùa (Truyện dân gian Kim Bảng. Nxb VHDT, H, 2003). Còn truyện cổ tích sinh hoạt chiếm số lượng rất ít, thí dụ như truyện Vợ chàng Trương kể về người thiếu phụ ở Nam Xương vì chung thuỷ với chồng con mà bị chết oan, được chuyển hoá từ truyền thuyết về liệt nữ Vũ Thị Thiết... Sự có mặt của thể loại truyện cổ tích đã khiến cho văn học dân gian Hà Nam phong phú và đặc sắc thêm lên, phản ánh được nền văn học dân gian Việt Nam nói chung và văn học dân gian Hà Nam nói riêng.

Trong văn học dân gian Hà Nam, thể loại truyện ngụ ngôn có số lượng tương đối phong phú với vài chục tác phẩm có nội dung đề tài đặc sắc và đều tập trung ở vùng văn hoá Liễu Đôi. Nói chung các câu chuyện ngụ ngôn được lưu truyền ở đây đều ngắn gọn, hấp dẫn, phản ánh được nét đặc trưng của thể loại truyện ngụ ngôn. Những tác phẩm tiêu biểu là các truyện như: Chèo bẻo đánh quạ, Kiến chạy lụt, Nhện tơ phất ngọn cờ đào, Truyện oan của nàng Ngoé Cốm, Đĩ Cua hiếu nghĩa... Nét riêng của truyện ngụ ngôn Hà Nam so với truyện ngụ ngôn các vùng khác là nó được sáng tác hoàn toàn bằng thơ, đặc biệt là thể thơ lục bát, hầu như không có tác phẩm nào được sáng tác bằng văn xuôi. Điều này tạo điều kiện cho ngụ ngôn Hà Nam được dễ nhớ, dễ thuộc, dễ sáng tác và dễ lưu truyền cho đến ngày nay.

Trong văn học dân gian của Hà Nam còn có thể loại truyện Trạng, đó là dạng truyện Trạng Lợn, tương truyền phát tích từ đất Mạnh Chư của huyện Bình Lục. Điều đặc biệt ở đây là truyện Trạng Lợn của Hà Nam mang trong nó sự chuyển hoá giữa truyện cười và truyện trạng. Câu chuyện hoàn toàn diễn tiến và phát triển trên cơ sở những cái may mắn một cách tình cờ, ngẫu nhiên chứ nhân vật chính của truyện không hề có tài cán gì.

Trong văn học dân gian của Hà Nam còn có một thể loại nữa đó là giai thoại dân gian. Mảng giai thoại về cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến là mảng giai thoại phổ biến chủ yếu nhất của Hà Nam, ngoài ra còn có các mảng giai thoại về các nhân vật lịch sử văn hoá, khoa bảng khác của Hà Nam nhưng thực sự không được phổ biến bằng...

Về thể loại tự sự của văn học dân gian Hà Nam, cũng có nhiều truyện kể dân gian không thuộc vào một thể loại nào nhất định, ví như truyện Ông thần đổ, Truyện bà Khổng ôn, Truyện mái tóc biết khóc biết cười, Truyện cái khiên... Đây chính là những tác phẩm truyện kể dân gian mang tính chất giáp ranh giữa hai thể loại truyền thuyết và cổ tích.

Về các thể loại trữ tình của văn học dân gian Hà Nam thì ca dao là thể loại có số lượng khá lớn với hàng trăm câu ca dao có hình thức thơ lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể, phản ánh nhiều khía cạnh hiện thực đời sống và thế giới tinh thần các cư dân nông nghiệp lúa nước của Hà Nam.

Cùng với ca dao và gắn liền với ca dao là dân ca, thể loại này cùng tồn tại và vận động, phát triển, lưu truyền trên cơ sở hình thức thơ lục bát, nhất là trên cơ sở đối đáp ứng tác. Thí dụ như dân ca hát Dậm Quyển Sơn, hát Lải Lèn (thuộc tiểu loại dân ca nghi lễ), hát Trống quân Thanh Liêm (thuộc loại dân ca giao duyên). Xét nhiều mặt, cả hát Dậm Quyển Sơn lẫn hát Trống quân trên thuyền Thanh Liêm đều có những nét đặc thù riêng so với dân ca đồng bằng Bắc Bộ và cả nước.

Về thể loại tục ngữ phương ngôn của Hà Nam thì thể loại này có tới vài trăm câu kết cấu theo kiểu vần điệu hô ứng, đối ngẫu. Trong phương ngôn, các tác giả dân gian thường nêu nhận xét cô đọng về đặc sản ẩm thực, về cảnh quan, về phong tục ở một số địa phương cụ thể. Hiện thực đời sống của người dân Hà Nam hàng ngàn đời nay đã được đúc kết tối đa trong những câu phương ngôn tục ngữ, ngắn, gọn, dễ nhớ, dễ thuộc.

Về thể loại vè của Hà Nam, ở văn học dân gian vùng Liễu Đôi có khá nhiều vè. Đó là các tác phẩm Bách nhân - bách thần, Vè xã Lãi, Hội vật Liễu Đôi, Gái làng Sấu, Chín cô chưa chồng... khoảng trên dưới hai chục tác phẩm. Con số đó có ý nghĩa lớn, và chỉ khi nào trong dân gian xuất hiện nhiều thói hư tật xấu, giai cấp thống trị hết vai trò lịch sử thì vè mới xuất hiện nhiều để phê phán. Nhờ có thể loại vè, văn học dân gian Hà Nam đã đả phá, phê bình kịp thời những mặt xấu, thói hư của xã hội, nhằm để giúp cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn theo lý tưởng thẩm mỹ của tác giả dân gian.

Văn học dân gian Hà Nam nhìn chung có một khối lượng lớn các tác phẩm, trong đó bao gồm hầu hết các thể loại từ truyền thuyết, truyện cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười, ca dao, dân ca, tục ngữ phương ngôn, vè...

Các thể loại văn học dân gian Hà Nam hầu như đều gắn bó chặt chẽ với lễ hội dân gian của vùng Hà Nam. Đó là lễ hội vật võ Liễu Đôi, lễ hội về Đinh Lê tại Bảo Thái, huyện Thanh Liêm, ở Kim Bảng, đó là lễ hội đền Mẫu cửa rừng Lạt Sơn, lễ hội đền Trúc, lễ hội chùa Bà Đanh, lễ hội chùa Bà Bến. Ở Duy Tiên, đó là lễ hội đền Lảnh, lễ hội đình đá An Mông, lễ hội Đọi Sơn... Các lễ hội với nội dung đề cao tinh thần thượng võ, đề cao chủ nghĩa yêu nước, tự hào dân tộc đã ảnh hưởng đến sự hình thành nội dung các thể loại văn học dân gian Hà Nam. Kết quả là các truyền thuyết lịch sử chiếm số lượng lớn hơn cả, rồi đến cổ tích rất phong phú. Do sức hút của lễ hội, một số truyện vốn có nguồn gốc cổ tích cũng bị truyền thuyết hoá.

Tục ngữ, phương ngôn ca dao, dân ca vốn là các thể loại văn vần của văn học dân gian Hà Nam cũng có một số lượng phong phú, mang đậm tinh thần thượng võ và cảm hứng anh hùng. Trong số các câu phương ngôn, tục ngữ có nhiều câu có nội dung nói về hội vật võ Hà Nam.

Tóm lại, các thể loại của văn học dân gian Hà Nam gồm có: 1. Ca dao, tục ngữ, phương ngôn; 2. Vè; 3. Ngụ ngôn; 4. Truyện cười; 5. Truyện trạng; 6. Truyền thuyết và truyện cổ tích.

Sau đây là một số khảo sát, giới thiệu về một vài thể loại tiêu biểu của văn học dân gian Hà Nam.

I. CA DAO, TỤC NGỮ, PHƯƠNG NGÔN HÀ NAM

Ca dao, tục ngữ, phương ngôn Hà Nam nhìn chung rất phong phú về số lượng và nội dung phản ảnh. Bởi đây là vùng đất lâu đời, dân cư ổn định, phong tục tập quán có truyền thống, nên những nét chung của các chủ đề lớn trong văn học dân gian cả nước cũng tất yếu được phản ánh trong diện mạo nội dung của văn học dân gian Hà Nam, đồng thời cũng được phản ánh trong ca dao, tục ngữ, phương ngôn ở đây cũng có những sắc thái nội dung và nghệ thuật mang những nét riêng (do điều kiện tự nhiên và xã hội nơi đây quy định) và nó sẽ góp phần tô điểm thêm cho những giá trị nội dung, nghệ thuật của văn học dân gian cả nước.

Dưới đây là những nội dung của bộ phận ca dao, tục ngữ, phương ngôn Hà Nam.

1. Ca dao, tục ngữ, phương ngôn phản ánh tình yêu quê hương đất nước

“Hà Nam là mảnh đất nhỏ trong địa bàn Tổ quốc bao la, tục ngữ ca dao Hà Nam có những tính chất chung của toàn dân tộc và lại có màu sắc địa phương. Thiên nhiên, lịch sử và cuộc sống con người nơi đây so với cả nước có những điểm đồng tiểu dị. Đừng tìm trong Hà Nam những gì thật khác biệt, thật độc đáo. Có những câu vay mượn từ trung du đồng bằng khu 4, có tên người, tên đất ở nơi khác, đã sửa đi cho hợp với đất mình, cảnh mình, có những đoạn nối vào một đoạn nào sẵn có, cho hợp cảnh hợp người. Nhưng nhiều nhất vẫn là những câu từ Hà Nam mà ra, đọc lên thấy rõ xuất xứ, đậm đà phong vị, vẽ lên cả khung cảnh rõ rệt, không pha trộn. Có những câu xuất xứ từ Hà Nam, dần dần đã lan sang cả phần lân cận, thành của cải chung và được các vùng khác nhắc nhở, pha phách và biến dạng đi đôi chút” (Ca dao, tục ngữ Nam Hà, Ty văn hoá Hà Nam, 1975).

Chính những câu ca dao, tục ngữ, phương ngôn “đậm đà phong vị, vẽ lên khung cảnh rõ rệt, không pha trộn” của Hà Nam đã nói lên tình yêu quê hương đất nước của người dân nơi đây:

Non xanh nước biếc hữu tình

Lúa đồng bát ngát, rung rinh bốn mùa

Đền Lăng, thờ đức vua Lê

Ngắm nhìn núi Cõi khác chi con rồng

Vờn thêu một dải uốn cong

Kìa con thiên mã đang lồng về Nam

Một dòng nước nhỏ xanh lam

Một ngôi chùa nhỏ nằm ngang lưng trời.

Đây là bài ca dao nói về vùng nửa đồi nửa đồng bằng của hai huyện Thanh Liêm, Kim Bảng của Hà Nam, có nhiều cảnh đẹp. Ở đây có con sông Đáy nước chảy trong xanh, vòng quanh các triền núi đá vôi 99 ngọn, có chùa Bà Đanh (ở xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng), có Kẽm Trống mà bài thơ của bà Hồ Xuân Hương làm cho thêm nổi tiếng, có núi Chanh Chè... Chính con mắt của người Thanh Liêm, Kim Bảng đã nhìn ra đất nước núi sông ấy không chỉ đẹp đẽ và hấp dẫn mà còn rất linh thiêng, oai linh, bởi núi Cõi chính là nơi có đền thờ và lăng Lê Đại Hành (thuộc xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm).

Hoặc như bài ca dao

Núi Đọi ai đắp mà cao

Ngã ba sông Lệnh ai đào mà sâu

Rẽ, Guột ai bắc nên cầu

Con sông Lục Đầu ai chở đò ngang.

đã ca ngợi núi Đọi ở xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, một thắng cảnh của Hà Nam. Ngã ba sông Lệnh là nơi phân lưu của dòng sông Hồng vào sông Châu thuộc địa phận xã Yên Lệnh (nhánh sông này nay đã bị lấp). Rẽ, Guột là hai địa danh chỉ cầu Rẽ và cầu Guột nằm trên đường quốc lộ Hà Nội - Hà Nam.

Địa danh của khắp Hà Nam đều được ca dao ca ngợi:

Quyển Sơn vui thú nhất đời

Dốc lòng trên dậm, dưới bơi ta về

Đôi bên núi tựa sông kề

Ngược xuôi tiện nẻo, lắm nghề làm ăn.

Quyển Sơn thuộc xã Thi Sơn (huyện Kim Bảng). Quyển Sơn nằm trên bờ sông Đáy, tựa lưng vào dãy núi lớn. Cảnh trí đẹp. Nơi đây có tục hát Dậm là một điệu hát múa dân gian rất cổ và tục bơi chải vào dịp đầu xuân.

Hoặc như câu:

                           -An Đổ xã lớn vô chừng

                           Bảng vàng bia đá lẫy lừng ngàn thu.

Câu ca dao này đã ngợi ca xã An Đổ, thuộc Bình Lục xưa bao gồm các làng Vị Thượng, Vị Hạ và một phần xã An Đổ ngày nay - Vị Thượng, Vị Hạ nay thuộc xã Trung Lương là quê hương nhà thơ Nguyễn Khuyến (1835 - 1909). Trong bài “Phong thổ Bình Lục'' của Vũ Đăng Tiên cũng có đoạn:

An Đổ xã lớn vô chừng

Bảng vàng bia đá lẫy lừng thơm tho

Thơ lưng túi, rượu lưng hồ

Thuốc viên chào khách, sải đò nên thân.

Nhiều cảnh sắc của Hà Nam cũng được ca dao ca ngợi dưới nhiều dáng vẻ khác nhau:

-Đôn Thư rất tốt ruộng đồng

Ai ai cũng muốn lấy chồng Đôn Thư

Đôn Thư lợp nón khuôn vòng

Ai ai cũng muốn lấy chồng Đôn Thư.

(Đôn Thư nay thuộc xã Trịnh Xá, huyện Bình Lục)

-Hoà Mạc ruộng đất phì nhiêu

Nhiều mía, nhiều đỗ lại nhiều ngô khoai

-Hoà Mạc đất rộng người đông

Có bãi tươi tốt, có đồng bao la

Đất bãi trồng đậu, trồng cà

Đất đồng cày cấy thật là vui thay

(Hoà Mạc nay thuộc thị trấn Hoà Mạc, huyện Duy Tiên)

-Đại Hoàng phong cảnh hữu tình

Của nhiều, đất rộng, gái xinh, trai tài

(Đại Hoàng thuộc xã Nhân Hậu, huyện Lý Nhân)

Những vùng đất phì nhiêu, tươi tốt của quê hương Hà Nam luôn xuất hiện trong ca dao bằng những lời ca ngợi, tự hào, yêu mến:

-Chẳng đẹp cũng cảnh quê nhà

Từ Đài, Yên Mỹ, Lỗ Hà ngoài đê

Tháng tám nước cả đổ về

Ruộng nương đất cát tràn trề phù sa

Trong đê có thôn Quan Phố

Lúa, khoai, ngô, đỗ bốn mùa xanh tươi.

Những địa danh trên là kể về bốn thôn Từ Đài, Yên Mỹ, Lỗ Hà, Quan Phố đều thuộc xã Chuyên Ngoại của huyện Duy Tiên.

Trong kho tàng ca dao Hà Nam, có một khối lượng lớn các câu ca ngợi đặc sản, của địa phương, những làng nghề truyền thống:

Cầu Không thì lắm vịt con

Đại Hoàng chuối ngự ai buôn cũng lời

Cầu Không thuộc xã Chung Lý (huyện Lý Nhân) có nghề ấp vịt con. Xã Đại Hoàng nay thuộc xã Nhân Hậu (huyện Lý Nhân) trồng nhiều chuối ngự (chuối tiến vua) nổi tiếng thơm ngon.

-Văn Quan, Đồng Thuỷ ngô khoai

Tào Nhai mật mía kém ai bao giờ.

Văn Quan nay thuộc xã Văn Lý (huyện Lý Nhân). Đồng Thuỷ nay thuộc xã Nhân Thịnh (huyện Lý Nhân) đất trồng mía, có nghề kéo mật mía và có nhiều lò nấu mật. Nhiều câu ca dao đã liệt kê được ra rất nhiều nghề của các địa phương trong tỉnh:

Cao Đài thì đóng cối xay

Dần, sàng, rổ rá về ngay Vạn Đồn

Làng Vọc bánh đúc bánh hòn

Làng Xá bắt ốc đi mòn đôi chân

Làng Nguộn làm bút làm cân

Làng La dệt vải tinh quân mọi nghề.

Hoặc như:

Quan Nha đan thúng đan sàng

Lôi Hà làm bún, làng Chuông đan thuyền.

Quan Nha thuộc xã Yên Bắc, Lôi Hà thuộc xã Trác Văn, làng Chuông thuộc xã Chuyên Nội, Duy Tiên.

Chợ Đầm bán những ngô khoai

Chợ Họ toàn bán những loài rau dưa

Gạo trắng bán chẳng ai mua

Đậu lạc thì thừa ngô thiếu giành nhau.

Các địa phương trên đều thuộc Bình Lục là nơi đất thuần nông nghiệp nên những sản phẩm như rau dưa, đậu, lạc đều hết sức dư thừa.

Trong bộ phận ca dao này của Hà Nam cũng không hiếm những bài mang công thức chung của ca dao đồng bằng Bắc Bộ có nội dung kể về nghề nghiệp cùng với các địa phương nổi tiếng có nghề nghiệp ấy:

Cô kia cắp nón đi đâu

Có về Nội Rối làm dâu thì về

Nội Rối có cây bồ đề

Có ao thả cá, có nghề đan rong.

(Nội Rối thuộc xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân)

Nhất cao là ngọn núi Vồng

Nhất rộng làng Quyển, nhất đông chợ Dầu

Nhất đẹp em gái Bù Nâu

Cứng cổ Đanh Xá, cơ cầu Quyển Sơn.

(Núi Vồng ở phía tây thuộc huyện Kim Bảng. Làng Quyển Sơn thuộc xã Thi Sơn, chợ Dầu ở gần Tượng Lĩnh, thôn Bù Nâu tức thôn Mã Não xã Ngọc Sơn, con gái Mã Não đẹp. Đanh Xá thuộc xã Ngọc Sơn, con gái gan góc già dặn. Con gái Quyển Sơn tằn tiện tháo vát).

Ca dao Hà Nam còn kể về những lễ hội lớn của Hà Nam:

Nhất vui là hội Trần Thương

Đủ đình đủ đám thập phương tiếng đồn.

Đây là nói về hội làng Trần Thương thuộc xã Nhân Đạo (huyện Lý Nhân), hàng năm hội mở rất lớn từ ngày 15 tháng 8 đến ngày 21 tháng 8 âm lịch để giỗ Trần Hưng Đạo, ở đây có đền thờ Trần Hưng Đạo, quanh năm khách thập phương đến hương khói.

Phương ngôn Hà Nam cũng nhắc tới địa danh Trần Thương này để ghi nhận công lao của vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Địa danh Trần Thương vốn là nơi đặt kho lương của nhà Trần trong giai đoạn chống quân Nguyên Mông, ở đây có mộ Trần Hưng Đạo nhưng chắc là mộ giả hoặc là sinh phần của ông, sau khi mất, nhân dân đắp lên thành mộ để tỏ lòng tưởng niệm, lâu đời người ta tưởng nhầm là ông mất và chôn ở đó.

Cùng với những câu ca ngợi hội đền Trần Thương, ca dao Hà Nam còn nói tới nhiều lễ hội lớn khác của vùng, của địa phương này:

Đông Quan mở hội vui thay

Thi văn thi vẽ lại bày cờ tiên

Sân đình nhạc múa đôi bên

Dưới sông chèo hát lại dìm bóng trâu

Bắt dê, bắt vịt, leo cầu

Leo dây múa rối trò bày

Kẻ hay đáo đĩa, người tài đánh đu...

Làng Đông Quan thuộc xã Nhân Nghĩa (huyện Lý Nhân) cứ ba năm lại mở hội một lần vào trung tuần tháng ba âm lịch, có rất nhiều trò vui được mở ra trong ngày hội lễ.

2. Ca dao, tục ngữ, phương ngôn Hà Nam phản ánh đời sống lao động sản xuất và phản ánh chủ đề tình yêu nam nữ

Trong ca dao Hà Nam, đời sống của người dân được thể hiện ra khá rõ nét. Đó là đời sống của đại đa số người dân nghèo sống chủ yếu về nghề làm ruộng, nghề chài lưới trên sông, nghề chèo thuyền và buôn bán nhỏ.

Giời mưa ướt áo nâu sồng

Em đi cấy lúa quãng đồng đường xa

Mong sao trời giúp cho ta

Mùa này lúa tốt bằng ba mọi mùa.

Hệ thống những bài ca nói về đời sống người dân lao động nông nghiệp Hà Nam là hết sức phong phú, nhằm phản ánh chân thực và hết sức cụ thể cuộc sống lao động thường ngày, những mối quan tâm của con người đối với thiên nhiên, với điều kiện tự nhiên nơi đây:

-Tay mang cái bị cái liềm

Theo anh vác hái ra miền xứ Đông

Lạy giời cho tốt lúa đồng

Để đi làm mướn kiếm công ngày mùa

-Anh trồng chị cấy em van

Mưa hoà gió thuận bội phần tốt tươi

Khai hoa kết quả hẳn hoi

Cả nhà sung túc yên vui tháng ngày

-Ai ơi nhớ lấy câu này

Tằm nuôi ba lứa, ruộng cày quanh năm

Nhờ trời hoà cốc, phong đăng

Cấy lúa lúa tốt, nuôi tằm tằm tươi...

Đặc biệt trong kho tàng ca dao, tục ngữ, phương ngôn Hà Nam, khi nói về đời sống của người dân trong vùng, hình ảnh những chàng trai tài giỏi, những cô gái đảm đang đã hiện lên rất rõ nét, góp phần giúp ta hình dung được cuộc sống của những con người bằng xương bằng thịt ở các làng xóm ở quê hương Hà Nam.

Những chàng trai, cô gái của đất Hà Nam đều là những người có nết tốt, làm ruộng giỏi, làm nghề phụ, buôn bán giỏi:

Gái làng Chủ đủ mọi nghề

Xong nghề cày cấy lại nghề cửi tay

Cất lên giọng hát là hay

Khiến trai thiên hạ phải bay mất hồn.

Ai đi đâu đấy hỡi ai

Ghé qua Ngọc Lũ thăm trai làng này

Anh Khoa cốt cự tay cày

Bảy sào đất ải một ngày ngại chi

Ngọc Lũ lại có anh Thi

Bừa ngày một mẫu ai bì được sao

Ngọc Lũ lại có anh Tào

Hai tay ba bếp nồi nào cũng ngon

Gái làng dù có mấy con

Dù đẹp, dù giòn vẫn muốn lấy ba anh.

Làng Chủ và Ngọc Lũ đều thuộc xã Ngọc Lũ (huyện Bình Lục), cả hai bài ca trên đều nhắc đến những nhân vật được nhân dân yêu mến và ca ngợi vì họ là những người lao động giỏi của thôn mạc ruộng đồng. Quần chúng đã nhắc nhở đến tên tuổi và việc làm của những con người này với một niềm tự hào đặc biệt.

Họ là những cô gái đảm đang chăm chỉ, chịu thương chịu khó, hết lòng vì cha mẹ, chồng con:

Em là con gái xứ Nam

Chăm nghề cày cấy sang làm xứ Đông

Đồn rằng xứ Bắc công cao

Trốn cha, trốn mẹ, trốn chồng mà đi.

Họ là những chàng trai khôn, những cô gái hiền:

Nhất ngon là bánh Ngãi Chiền

Trai thôn Đọ Xá, gái hiền Tất Khê.

Ngãi Chiền (nay là thôn An Hà, xã Thanh Hà và Tất Khê (xã Thanh Bình), cả hai đều thuộc huyện Thanh Liêm của Hà Nam.

Đồng thời họ cũng chính là những người con gái bình thường của bao làng xóm quê hương Hà Nam:

Có lấy con gái làng Đông

Cái ngực thì đẫy cái mông thì tròn

Có lấy con gái làng Non

Chỉ được cái việc đánh con ăn quà

Có lấy con gái làng Nga

Chân tay lam lũ ăn quà quanh năm

Có lấy con gái làng Chằm

Ăn cơm xó bếp lại nằm hè sau

Có lấy con gái làng Lau

Đã giỏi hát đúm lại màu trẻ trung

Có lấy con gái làng Đùng

Trèo lên thì tới tận cùng non xanh

Có lấy con gái làng Chanh

Đã khéo làm lụng lại hiền lành dễ ưa.

Làng Đông ở đây chính là làng Sấu Đống (xã Liêm Túc), làng Non thuộc xã Thanh Lưu; làng Nga, làng Chằm, làng Lau thuộc xã Liêm Thuận; làng Đùng, làng Chanh thuộc xã Liêm Sơn (huyện Thanh Liêm).

Cùng với những bài ca dao về các chàng trai cô gái Hà Nam như trên, khát vọng hạnh phúc của người lao động Hà Nam đã thể hiện khá rõ nét ở rất nhiều bài ca dao khác:

Non cao, cao mấy từng mây

Anh đi bên ấy, bên này em trông

Bao giờ lúa chín vàng bông

Anh về gặt hái gánh gồng cùng em

Rủ nhau bước xuống ruộng vàng

Nơi rộn tiếng hát, nơi vang tiếng cười

Những trông lúa chín mà vui

Bông ngã bông cúi, bông thời gió lay

Lưỡi liềm bán nguyệt cầm tay

Lúa vàng nghìn gốc muôn cây thu về

Bõ khi mưa nắng dãi dề

Bõ công dậy sớm thức khuya bấy chầy

Trồng cây ăn qua có ngày

Đất kia đâu phụ công này mà lo.

Người dân Hà Nam luôn mơ ước về một cuộc sống, một gia đình đầm ấm, đói no có vợ có chồng:

Kể chi trời rét đồng sâu

Có chồng có vợ rủ nhau cày bừa

Bây giờ trời đã hồ trưa

Chồng vác lấy bừa, vợ dắt lấy trâu

Một đoàn chồng trước vợ sau

Trời rét mặc rét, đồng sâu mặc đồng.

Đối với họ thì cuộc sống thiếu thốn về vật chất là không đáng sợ và vợ chồng sẽ cùng nhau vượt qua mọi cảnh cơ cực để có được hạnh phúc gia đình. Đây là một quan niệm đúng và rất đáng ngợi ca:

Rạng ngày vác cuốc ra đồng

Tay cầm mồi lửa tay ròng thừng trâu

Ruộng đồng nước cả bùn sâu

Suốt ngày cùng với con trâu cày bừa

Việc làm chẳng quản nắng mưa

Cơm ăn đắp đổi muối dưa tháng ngày

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Biết ơn kẻ cấy người cày với nao.

Có thể nói ca dao phản ánh đời sống lao động và thể hiện chủ đề tình yêu của Hà Nam đã ghi nhận chân thực về con người và thiên nhiên, môi trường lao động sản xuất nơi đây. Ngôn ngữ của những lời ca dao khá chau chuốt, mang tính khuôn mẫu truyền thống của ca dao đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời cũng mang những nét riêng độc đáo của Hà Nam; chứa đựng sức sống, tính cách và khát vọng ước mơ về hạnh phúc, về tình yêu và gia đình của người dân nơi này.

3. Ca dao, tục ngữ, phương ngôn Hà Nam phản ánh tinh thần chống phong kiến

Ca dao, tục ngữ, phương ngôn Hà Nam có nhiều câu ghi lại tinh thần chống phong kiến, tinh thần đấu tranh, phê phán những quan lại địa phương hà hiếp, áp bức dân lành. Trong những câu ca này, chân dung của các tầng lớp quan lại phong kiến nói chung, các đại diện của hệ thống quan lại, cường hào ác bá địa phương nói riêng đều hiện ra rõ rệt với những đường nét tính cách của chúng.

Trước hết, người dân Hà Nam đã nhận thức hết sức đúng đắn về hình ảnh của những vị vua chân chính, có công với nước:

Rồng đen lấy nước thì mưa

Rồng vàng lấy nước thì vua đi cày.

Câu ca dao này lưu truyền ở vùng Hà Nam nhằm ghi nhớ về sự tích vị vua Lê Đại Hành đi cày với nhân dân ở vùng Đọi Sơn của huyện Duy Tiên, sau khi ông cùng quân dân Đại Cồ Việt đánh thắng quân Tống.

Họ ghi nhận những sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn đối với vận mệnh của đất nước, với tinh thần khẳng định:

Bao giờ vua ngự chùa Đùng

Làng Đồi Ngang mới hết vận anh hùng khúc lươn.

Chùa Đùng ở làng Đùng thuộc xã Liêm Sơn (huyện Thanh Liêm). Vào thời Trần, vua Nghệ Tôn đã vào trú ẩn tại đây, khi Chế Bồng Nga (Chiêm Thành) đem quân đi đánh Thăng Long.

Họ đứng trên quan điểm lịch sử để nhận định, phê phán các hiện tượng của xã hội phong kiến:

Từ ngày Cảnh Trị lên ngôi

Khoai chửa mọc chồi đã nhổ lên ăn.

Câu này, người dân nơi đây nhằm nói về đời Cảnh Trị tức đời Lê Huyền Tông (1663 - 1671) khi mọi quyền hành đều nằm trong tay chúa Trịnh, vua Lê chỉ ngồi làm vì, quan lại thì tham nhũng, đời sống nhân dân rất cơ cực.

Người dân Hà Nam cũng nhằm đả phá vào chính sự rối ren thời Minh Mệnh, Tự Đức qua những câu ca dưới đây:

Trên trời có ông sao tua

Ở dưới hạ giới có vua trị vì

Nghe rằng thất đức thất uy

Cho nên giặc nổi như ri ngoài đồng

Giặc nổi tỉnh Bắc tỉnh Đông

Còn các tỉnh khác cũng không yên rồi

Đồn rằng mấy tỉnh Đằng ngoài

Nó bắt theo đạo rụng rời chân tay.

Qua ca dao, tục ngữ, phương ngôn, người dân Hà Nam đã phê phán xã hội phong kiến với nền chính sự không ổn định, các vị vua không thực hiện được vai trò, quyền uy của mình để xây dựng đất nước. Đồng thời họ cũng vạch mặt chỉ tên những quan tham ô lại của các địa phương, từ quan trên đến các chức dịch trong làng:

Đốc Bắc nổi tiếng thôn nhà

Ba mươi mốt nhật đem quà hiến quan

Về làng lên mặt nghênh ngang

Ai mà chống lại thì tan cửa nhà.

Đốc Bắc chính là một tên cường hào ác bá, người làng Vị Thượng thuộc xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam xưa. Đây chính là bọn đục nước béo cò, biển lận, gian tham, chúng không từ một thủ đoạn bòn rút nào:

Trời ơi có thấu tình chăng

Mấy người đi đẻ mấy thằng ăn no

Ai về tôi gửi cái mo

Lý Nhưng có thiến thì cho nó dùng

Lý Nhưng ơi hỡi Lý Nhưng

Tưởng là ông hoá là thằng ăn dơ.

Lý Nhưng là tên lý trưởng nổi tiếng đục khoét ở thôn Đại Hoàng xưa, nay thuộc xã Nhân Hậu (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Lệ thường, người đến lấy giấy khai sinh cho con phải nộp số tiền giấy mực, Lý Nhưng bắt dân phải nộp số tiền gấp 10 lần số tiền qui định để bỏ túi biển thủ.

Ca dao Hà Nam còn chỉ ra những tên phú hộ, ác bá, bóc lột người làm mướn:

Trời ơi có thấu tình chăng

Tôi đi làm mướn tàn trăng mới về

Bá Bính nó ác mới ghê

Tôi làm vi chẳng có tính công

Mỗi tháng trả được dăm đồng

Không đủ nấu cháo cho chồng con ăn.

Bá Bính là tên địa chủ đại cường hào gian ác ở thôn Đại Hoàng. Bọn chúng không những ác mà còn là một lũ tham lam:

Con sáo nó đậu cành tre

Nó hót như tiếng nước khe rĩ rền

Nó khen cái nết Lý Quyền

Cái tính của cụ Xa Duyên trong làng

Lại còn cả chú hương Chàng

Ba người cùng một tỉnh hoang thế này

Vào hàng khoai luộc xoa tay

Chẳng cần bóc vỏ tống ngay vào mồm

Nhai thì mắt trợn mang phùng

Uống thì ùng ục như tuồng vũ phu.

Mấy tên được kể đến trong bài này đều là bọn cường hào tham ăn tục uống ở làng Liên Minh, huyện Thanh Liêm xưa.

Người dân Hà Nam hết sức bất bình với những quan lại, phú hộ như trên; họ đã thể hiện thái độ phản kháng đối với mọi thói xấu cùng với sự dốt nát, hợm hĩnh của chúng:

Văn phú vào đám đại trà

Quan viên quan lão la đà no say

Lủi thủi chị em ta đây

Vùi lưng bắt ốc cũng say lo gì.

Thôn Văn Phú nay thuộc xã Mỹ Thọ (huyện Bình Lục). Xưa kia bọn quan viên làng Văn Phú dốt nát nhưng thường tán thưởng về cái tên Văn Phú của làng: “Đa văn vi phú” để mà ngông nghênh, ngạo mạn. Nhưng làng Văn Phú xưa nghèo vẫn hoàn nghèo bởi lũ quan viên chỉ quen đục khoét, ăn uống la đà... Người dân Văn Phú sống nhờ đồng ruộng chỉ có “vùi lưng bắt ốc”. Câu ca dao phản ánh thái độ của nhân dân ngược hẳn với lối nghĩ của bọn quan viên.

Ca dao Hà Nam còn tố cáo vạch mặt tên cường hào địa chủ giả nhân giả nghĩa, với thủ đoạn nhận con nuôi để bóc lột sức lao động của những người ở đợ một cách tinh vi:

Ở đây vui thú thế này

Về nhà bác mẹ tính ngày tra công

Một công là ba mươi đồng

Ba công tiền rưỡi, bốn công hai tiền

Về nhà cha đánh mẹ nghiền

Mày đi làm mướn để tiền ở đâu?...

Ngày xưa bọn địa chủ ở Hà Nam, nhất là ở vùng Duy Tiên thường nuôi con nuôi, nhưng thực chất chỉ là nuôi người ở không công cho chúng. Những ngày rỗi việc, chúng cho con nuôi đi làm thuê lấy tiền về nộp cho chúng và chúng thường tính toán chi li, tra hỏi tiền công từng ngày của những người ở đợ này.

Tiêu biểu cho tinh thần chống phong kiến của người dân Hà Nam, trong ca dao, tục ngữ, phương ngôn người Hà Nam luôn tỏ thái độ phê phán hết thảy từ lớn đến bé trong hàng ngũ quan quyền:

Quan xứ Nghệ, lính lệ Điệp Sơn.

Đây là câu phương ngôn ám chỉ tên Lê Hữu Tích người xứ Nghệ, làm tri huyện huyện Duy Tiên, là một tên quan gian ác và khét tiếng tham nhũng. Dưới tay hắn còn có một tên lính lệ người xã Điệp Sơn được hắn tin dùng. Tên lính này ỷ thế chủ nên thường làm nhiều điều càn rỡ, tàn ác khiến nhân dân căm giận.

Ca dao, tục ngữ, phương ngôn Hà Nam còn phản ánh thái độ của nhân dân lên án tệ mua quan bán tước trong chế độ phong kiến xưa kia, đã đẻ ra một tầng lớp những kẻ vô dụng, nhiễu nhương:

Cai xã Hạ như rạ Tứ Trùng.

Chức cai xã được bọn lý dịch trong làng rao bán như là để phân ngôi thứ đình trung chứ không có quyền hành, ai có tiền đều mua được, nên cai xã ở xã Hạ đã nhiều như rạ ở cánh đồng Tứ Trùng - một cánh đồng rất rộng, rất tốt ấy.

Tóm lại, ca dao Hà Nam có một nội dung hết sức phong phú, chứa đựng nhiều mặt tâm tư tình cảm của người dân nơi đây, thể hiện tình yêu quê hương và thái độ tôn trọng những con người của vùng đất này; đồng thời ca dao phản ánh đời sống lao động sản xuất của địa phương, cũng như nói lên một tinh thần phản kháng chế độ phong kiến xưa cùng với những hủ tục, những quan lại, địa chủ hà hiếp bóc lột dân lành. Kho tàng ca dao, phương ngôn, tục ngữ Hà Nam đã nói lên được một cách tương đối trọn vẹn đời sống tinh thần của người dân Hà Nam và là một vốn quý cần được tôn trọng và giữ gìn.

II. VÈ

Trong số các thể loại văn học dân gian của Hà Nam, vè Hà Nam có một số lượng khá phong phú và nội dung đề cập tới nhiều chủ đề của cuộc sống người dân lao động nơi đây.

Ở Hà Nam có những bài vè nói về địa dư, địa lý như vè Địa dư tỉnh Hà Nam, Vè thổ ngơi (vùng Thanh Liêm và phụ cận) và những bài vè nói về các món ăn, các sản vật, các giống chim, cá, đặc sản của địa phương như Vè món ăn, Vè chim, Vè cá, Vè cây, Vè lá... Còn ở vùng văn hoá dân gian Liễu Đôi nổi tiếng của Hà Nam thì lưu truyền những bài vè như Chuyện xưa hội vật vẽ, Chín cô chưa chồng, Bổi, ông Thủ Hãng, Vè Xã Lãi với Xã Lãi hát ví, Xã Lãi bắt tà, Quan Ngự làng Vĩ, Ông Tú Gòn.... Những bài vè này kể chuyện làng, chuyện xóm, kể những chuyện được toàn dân quan tâm. Qua đó ta thấy, tuy những người nông dân ở đây sống nghèo khổ, song họ luôn lạc quan, yêu đời.

Ngoài ra vè Hà Nam cũng đề cập tới các chủ đề đả kích, châm biếm quan lại, lính Tây... như các bài vè Vè Lý lĩnh, Vè lính tập, Bắt phu năm Kỷ Mão (1939), Đề lại Kim Bảng, Đại Hoàng thế sự, Vè Cựu Quảng...

1.   Phong tục sinh hoạt vè của Hà Nam

Thể loại vè của Hà Nam, như trên đã nói, thực sự vô cùng phong phú. Bởi ở đây tự ngàn xưa đã lưu truyền tục lệ hát vè. Đối với vùng đất này thì “Quả có mùa, vè đua vô chạp”, nghĩa là thi hát, thi kể vè bất kể mùa vụ thời gian. Chính tục vè nối đêm, vè con cúi, vè vận thừng... đã làm nẩy sinh những bài vè dài, có dung lượng nội dung lớn như Vè bà Nàng, Vè ông cả Nhiễu, Vè ông Tư Biền...

Đã có những lời ca nói về những tục vè này như:

Vè bà Nàng thuộc được mấy thiên?

Chuyện ông cả Nhiễu, chuyện ông Tư Biền

Năm canh đọc chừng mấy tối?...

Đó là những lời ca nói về tục vè nối đêm, vè con cúi:

Con cúi một gang

Vè nàng trăm trượng

Rồi tục vè vận thừng, vừa ca vừa vận thừng, vận chão:

Ba quả nòng hong phải lòng một kiếp.

Nòng hong là quả thừng bằng lạt giang mỏng chắp nối, vặn lại quấn thành qua tròn để người ta vặn thành những dây thừng, dây chão. Trong khi làm ra các sản phẩm phục vụ đời sống, người Hà Nam đã vừa làm vừa sáng tạo ra các tục hát như hát dân ca, tục thi vè để giảm nhẹ lao động, và cho tinh thần thêm sảng khoái, yêu đời.

Ngoài tục vè con cúi, vè vận thừng, còn có tục vè gõ lưới. Vè gõ lưới là tục vè rất cổ của Hà Nam. Mở đầu bài cũng như các tiết đoạn, bao giờ cũng có các điệp khúc:

Gập gà gập gập! Gập thùm gập thùm.

Đó là tiếng gõ xuống sạp thuyền và đập sào xuống nước để đuổi cá vào lưới, vè làm tăng nhịp điệu tiết tấu của công việc lao động. Cùng một lúc, con người Hà Nam đã vừa sáng tạo ra văn nghệ lại vừa đạt được mục đích lao động của mình. Theo điệu vè gõ lưới này, ở vùng Liễu Đôi đã truyền tụng bài vè Chín cô chưa chồng ca ngợi, bình phẩm về 9 cô gái. Bởi đất Liễu Đôi xưa vốn là vùng chiêm trũng, quanh năm bốn bề nước cả, nên nghề chài lưới đã là nghề nghiệp chính của dân trong vùng. Cho nên, những bài vè ở đây tuy đề cập tới nhiều nội dung khác nhau, song những điệu vè thì luôn luôn gắn chặt với nghề nghiệp và phục vụ cho nghề nghiệp đó là nghề chài lưới. Âm điệu và điệp khúc:

Gập gà gập gập! Gập thùm gập thùm!

là nét rất đặc trưng của tục vè gõ lưới của Hà Nam.

2.   Nội dung vè Hà Nam

a.                  Vè địa dư:

Hà Nam có bài vè Địa dư tỉnh Hà Nam là bài vè dài hàng trăm câu. Nét đặc sắc của bài vè là các tác giả dân gian Hà Nam đã sáng tác ra một bài vè nhằm giới thiệu cho mọi người biết tới một Hà Nam với nhiều cảnh đẹp, nhiều nét riêng và nhiều sự kiện lịch sử, nhiều sản vật địa phương vô cùng phong phú:

Hà Nam đích thực tỉnh nhà

Trước là phủ lỵ sau ra tỉnh đường

Phủ lỵ nay về Nam Xang

Đặt nơi cai trị ở làng Nga Khê

Huyện Duy Tiên mới đi về

Đóng ngay chợ Đệp đi về sông Châu...

Trong bài vè này, các cảnh đẹp của Hà Nam đều được giới thiệu ngợi ca kỹ lưỡng đến từng chi tiết. Thí dụ như:

Tam Tinh có đá lạ đời,

Đêm thanh sáng quắc góc trời như sao.

Tam Tinh là chữ Hán, tên nôm là Ba Sao nhằm chỉ một ngọn núi cao ở phía tây bắc xã Ba Sao, vách núi này có ba tảng đá tròn, mỗi tảng to bằng cái nia. Tương truyền xa xưa ba tảng đá này thường phát sáng, ánh sáng của chúng chiếu tới tận thôn Cốc Ngoại. Vùng Ba Sao có huyệt đế vương. Do vậy, tên phù thuỷ Cao Biền xưa đã tìm cách để đốt phá ba ngọn thạch tinh, yểm trừ linh khí nước ta. Hiện nay dưới chân núi có ba ngôi đền gọi là đền Ba Sao.

Bài vè còn giới thiệu cảnh đẹp Bát Cảnh:

Gần đây Bát Cảnh non cao

Mênh mông nước bạc ì ào sóng xô

Bát Cảnh còn có tên là núi Bát Tiên. Núi thuộc đất Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, tương truyền có 99 ngọn, vòng quanh vài chục dặm. Trên núi có chùa Vân Mộng, cảnh thanh u đẹp đẽ. Chúa Trịnh Doanh cho rằng núi sông nơi này giống với cảnh Tiêu Tương bên Trung Quốc, nên đặt tên cho núi này là núi Tiêu Tương dựng hành cung ở đấy để du lãm, núi này là thắng cảnh của Sơn Nam trấn xưa.

Bài vè giới thiệu cảnh đẹp Quyển Sơn:

Quyển Sơn non nước hữu tình

Có cỏ thi mọc hiển linh lạ thường.

Theo tương truyền, ở Quyển Sơn thuộc xã Thi Sơn (huyện Kim Bảng), xưa có loài cỏ thi, được xem là linh thảo, người ta tìm cỏ này lấy may và làm vật bói toán. Núi Quyển Sơn thời Lý có tên là núi Cấm. Vì Lý Thường Kiệt đã đóng quân tại đây trong cuộc chinh phạt Chiêm Thành.

Có bài vè giới thiệu cảnh đẹp núi Đọi:

Núi Đọi hình thế lạ nhường

Đoàn rồng chiều bão huyện đường Duy Tiên

Tòa chùa sửa đổi bao phen

Bia thơ Hồng Đức còn truyền dấu xưa

Toà chùa ở đây là chỉ chùa Đọi, thời Lý Nhân Tông cho dựng bia chùa Đọi gọi là bia Sùng Thiện Diên Linh, giặc Minh đập đổ mất, sau Lê Thái Tổ lại cho dựng bia, Lê Thánh Tôn (Hồng Đức) lên chơi núi đã có thơ vịnh núi này.

Trong kho tàng vè của Hà Nam có bài Vè thổ ngơi lưu truyền ở vùng Thanh Liêm và phụ cận. Đây cũng là một bài vè địa dư nổi tiếng, thuộc loại vè dài, chưa được sưu tầm hết. Bài vè đã đưa người nghe đi thăm một vòng các làng xã của huyện Thanh Liêm và vùng phụ cận, giới thiệu sơ lược cho mọi người biết một số đặc điểm của vùng này:

Muốn quạt mát thời lên núi Bồ Đề

Muốn vào thung tắm thời về làng Thong

Núi Bồ Đề nằm trong hệ thống núi của huyện Thanh Liêm ở phía tây làng Chanh Thượng xã Liêm Sơn. Theo truyền thuyết thì ông Bồ Đề dùng quạt thần đứng trên núi quạt thành gió bão thổi bay quân giặc xâm lược. Làng Thong thuộc xã Thanh Tâm, làng này ở trong vùng núi đất Thanh Liêm, có nhiều thung lũng, nhiều khe suối nước trong mát.

Trong số những bài vè địa dư có bài vè Bách Thần - Bách Nhân (có người còn gọi là bài vè Bà Nàng) - một bài vè rất có giá trị. Gọi là vè Bà Nàng vì có người giải thích rằng bài vè do một bà tên là Bà Nàng đặt ra. Đây là một bài vè dài một phần kể về các vị thần sông thần núi, hay nói một cách khác thì đây chính là danh mục các câu chuyện cổ của vùng đất Hà Nam này, còn một phần khác của bài vè là kể về các phong tục cổ truyền của Hội vật võ Liễu Đôi:

Đi đâu chẳng tới làng Đông?

Xem gái đánh cồng

Xem trai vật võ...

Theo các cụ ở địa phương, xưa kia, bài vè này, chỉ được đem ra đọc trong những ngày lễ thánh. Khi đọc, người ta phải đốt hương trầm, thắp đèn trên án thờ, người nghe ngồi trang nghiêm, người đọc bước ra cất tiếng đọc như hát, lúc như hát tuồng khi như đọc văn tế.

Nội dung của bài vè chủ yếu kể về sự tích các thần, trăm thần, trăm sự tích và cả bài vè là một câu chuyện dài tóm tắt hàng trăm truyện cổ có giá trị đã ngàn đời nay được lưu truyền trên đất Hà Nam:

Này nàng áo xanh

Này nàng áo tía

Này đê mười vía

Này kiếm năm làng

Này giáo ba thang

Này nàng trăm sắc

Này chàng đánh giặc...

Bài vè Bách Thần - Bách Nhân cùng với các bài vè địa dư khác kể cho người nghe hàng trăm địa danh, địa chỉ nổi tiếng của Hà Nam xưa.

b.                  Vè sinh hoạt

Đây là một bộ phận vè tương đối phong phú trong thể loại vè của Hà Nam, được đông đảo nhân dân trong vùng ưa thích và lưu truyền, sáng tác tới hàng nghìn câu mà đến nay chưa được sưu tầm hết. Trước hết, đó là những bài vè cây, vè lá kể về các loài cây, loài lá, mỗi loài lại tượng trưng cho một thân phận, một kiếp sống khác nhau, đưa đến cho người nghe, người kể vè những liên tưởng về chính cuộc đời của người dân lao động như các bài vè Tầm gửi, Bòng Bong, Mít, Mái (cây mây), Đa sung, Núc Nác, Bèo... Đó là các bài vè đại loại với những lối mở đầu:

Ve vẻ vè ve

Có ai nghèo ngặt

Như nhà Bòng Bong

Lá xác thân còng

Héo ha héo hắt

Hay như:

Ve vẻ vè ve

Tôi vè tôi kể

Về con nhà Bèo

Cái số đã nghèo

Lại đèo cái khổ

Và với cách kết thúc như:

Trách trời cắc cớ

Sao nỡ sinh chi

Phận bèo khốn khổ

Đó còn là các bài vè chim, vè cá kể về các loài chim, loài cá với nhiều tính cách khác nhau: khôn ngoan, ngu ngốc, anh hùng, hảo hán, tham lam, tàn ác, nịnh bợ... Các bài vè này cũng nhằm nói tới những loại người khác nhau trong xã hội. Ví như các bài vè về loài chim: Chim Le, Chim Trả, Chim Vạc, Cò, Cò Cộc, Chim Dẽ Giun, Cú, Chim Mồi, Quạ, Diều Hâu, Đềnh Đềnh...

Bài vè Chim Sâu:

Nhà chim thứ bậc dưới trên

Trăm loài trăm sự kể nên tình đầu

Trước là kể sự chim Sâu

Làm ăn lấm đầu, lấm mắt, lấm tai...

Hay các bài vè về loài cá: Vè cá Chuối, cá Thiểu.

Với lối kể nhẹ nhàng, ngắn gọn, dễ thuộc, dễ nhớ và với một lối phản ánh, mô tả rất đặc biệt bằng cách liên tưởng, so sánh với các loài chim, loài cá, những bài vè chim, vè cá hay vè cây, vè lá này đã có sức sống lâu bền trong đời sống văn hoá tinh thần người dân Hà Nam qua nhiều thế kỷ.

Như chúng ta đã biết, Hà Nam còn nổi tiếng với vùng văn hoá dân gian Liễu Đôi và trong kho tàng văn học dân gian vùng này, thể loại vè cũng chiếm một số lượng tác phẩm đáng kể. Thí dụ như các bài vè Chuyện xưa hội vật võ, Chín cô chưa chồng, Bà Bổi, Ông Thủ Hãng, Vè xã Lãi với các bài vè Xã Lãi hát ví, Xã Lãi bắt tà, Vè Quan Ngự làng Vĩ, Vè ông Tú Gòn, Vè Ký Lĩnh... Những bài vè này không chỉ lưu truyền ở vùng Liễu Đôi mà đã trở nên nổi tiếng khắp tỉnh Hà Nam. Nội dung các bài vè là sự phản ánh những sự việc, sự kiện đáng ghi nhớ xảy ra trong sinh hoạt đời sống thường ngày của người dân trong vùng.

Bài vè Chuyện xưa hội vật võ đã ghi lại sự kiện xảy ra trong ngày hội vật võ ở giai đoạn kháng chiến chống Nguyên-Mông đời Trần.

Với những dấu mốc thời gian, sự kiện rõ ràng, với lối kể mộc mạc không khoa trương, phóng đại, bài vè đã kể về một chàng trai kỳ lạ:

Nguyên là tướng trận

Vạch trời tức giận

Thất thế tan quân

Về hội tuyển dân

Quyết phen rửa hận

Chàng trai - vị tướng đã thay hình đổi dạng để đi tìm người tài giỏi trong hội vật võ Liễu Đôi để diệt trừ giặc Phạm Nhan.

Tục ngữ ở đất Liễu Đôi còn truyền câu:

Lồi thà lồi thồi như bà Bổi không bằng.

Câu tục ngữ này gắn với bài vè Bà Bổi đã kể về một mẫu người đảm đang, luôn tất tả bận rộn mang những nét tượng trưng cho hình ảnh người phụ nữ nông thôn xưa đảm đang của vùng đất Liễu Đôi nói riêng và Hà Nam nói chung:

Nào gà, nào chó, nào mèo

Bọn chúng nhung nhúc mà trèo lên nhau

Cho ăn xong bà mới lấy gàu

Ra đồng tát nước trắng đầu đồng Ngâu

Tát xong bà lại xoay trần

Vần bờ lớn, vần bờ bé, để lần tìm cua

Qua bài vè Bà Bổi ta bắt gặp người phụ nữ đảm, thì qua bài vè Ông Thủ Hãng ta lại gặp người đàn ông tài giỏi, xứng đáng là người vật võ Liễu Đôi lạc quan, hào hiệp và sẵn sàng trừ gian cứu nạn:

Bây giờ tôi kể lại luôn

Ông Hãng năm ấy vào Đuồn vật chơi

Ông vừa mới tới đến nơi

Xứ Đuồn liền cử ngay người địch nhau

Ông vừa quay trước quay sau

Bê ngay cái phản tám ông bầu ngồi trên...

Đặc biệt cho vùng Liễu Đôi có bài Vè Xã Lãi gồm một loạt các bài vè độc đáo là sáng tác của nhiều người về nhiều mặt sinh hoạt của một nhân vật đặc biệt, đó là ông Xã Lãi. Cho đến nay đã có đến gần 1.000 câu vè về Xã Lãi được sưu tầm. Và theo các cụ ở địa phương thì không thể ghi hết được các câu vè về Xã Lãi, vì “Vè Xã Lãi, rãi tự nhiên”, có nghĩa là vè sinh ra tự trời, rãi ra khắp trời”.

Nhân dân trong vùng rất yêu thích Vè Xã Lãi. Người ta kể Vè Xã Lãi trong các cuộc thi vè nối đêm qua các cuộc hội hè đình đám, lấy Vè Xã Lãi hát giao đấu để gây sức hấp dẫn cho cả đêm chèo và người ta còn lấy Vè Xã Lãi dựng thành tiết mục “hề chèo Xã Lãi”. Tục ngữ, ca dao, dân ca của địa phương có nhiều câu nhắc tới Vè Xã Lãi, chứng tỏ sức lưu truyền và vị trí của nó trong sinh hoạt văn hoá dân gian ở đây:

                     Ăn cơm đầu hè, nghe vè Xã Lãi

                     Cười kể Xã Lãi, cãi kể Tam Thiên.

Vè Xã Lãi gồm các phiến đoạn dài ngắn khác nhau như Xã Lãi hát ví, Xã Lãi bắt tà... với các thủ pháp khoa trương, phóng đại nhằm gây cười, mua vui và đặc biệt là để đả kích châm biếm bọn quan lại phong kiến, lên án cái ác, cái xấu xa và ca ngợi những con người lao động...

Vè Hà Nam còn ngợi ca những vị anh hùng của quê hương như bài vè Quan Ngự làng Vĩ, Ông Tú Gòn, Vè Ký Lĩnh...

Bài vè Quan Ngự làng Vĩ kể về viên Ngự sử Lê Văn Mai người làng Vĩ Khách, xã Liêm Túc, đậu tiến sĩ (?) làm quan thời Tự Đức triều Nguyễn. Đây là nhân vật đã đi vào cả tục ngữ, ca dao:

-                           Thần đồng làng Vĩ, kẻ sĩ làng Mai

-                           Ai lên Sấu, Vĩ thì lên

Xem ông quan Ngự, tài hiền Đinh Công

-                           Làng Vĩ có đường Thần Đồng

Có ông quan Ngự nổi cồng đánh Tây.

Bài vè kể rằng: ông Ngự Mai học giỏi lừng danh, thi đỗ và làm quan tại triều khi còn rất trẻ. Tây sang cướp nước ta, triều Nguyễn phải đầu hàng, ông Ngự bỏ quan về quê chiêu mộ quân sĩ, rèn gươm giáo, rồi cùng ông Đinh Công Tráng đánh giặc Tây cứu nước. Khi cuộc khởi nghĩa của Đinh Công Tráng thất bại, có người cho rằng ông Ngự Mai đã đem quân vào vùng núi đá Bồng Lạng tiếp tục đánh Tây và về sau không ai biết ông đi đâu nữa. Nhân dân trong vùng hết sức thương tiếc:

Ông Đinh Công thất cuộc

Ông Ngự Công về làng

Đào đất giấu gươm vàng

Đi vào vùng sơn ngự

Thời Tây, thời tác

Ai ai cũng ngơ ngác

          Đinh Công đâu?

           Mai Công đâu?

Bài vè ông Tú Gòn kể về Tú tài Lê Văn Tốn người làng Gòn nay là làng Truật, xã Liêm Sơn. Ông là người văn võ toàn tài, từng lừng danh ở Hội vật võ Liễu Đôi. Là người có nghĩa khí và giàu lòng yêu nước, ông Tú Gòn đã tụ tập bè bạn, chiêu mộ nghĩa quân, hưởng ứng phong trào Cần Vương, văn thân Hà Nam - Nam Định và cùng với nghĩa quân của ông Đinh Công Tráng đánh Tây trên cả một vùng rộng lớn từ Bồng Lạng ra Kẻ Non, rồi lên tận Phủ Lý, xuống tới Ý Yên.

Bài vè chủ yếu kể lại những hoạt động chiến đấu, những chiến công diệt Tây của Tú Gòn tại vùng xứ đạo Kẻ Non, (nay là làng Non, xã Thanh Lưu) với những hình ảnh lẫm liệt:

Ông Tú làng Gòn

Cầm cái giáo đỏ...

Thằng Tây đứng bên

Tú Gòn đâm chết

Giáo rút không ra

Tú vùng, Tứ chém

Năm thằng chết ba

Máu đổ oà oà

Như là vò thủng

Ca ngợi khí phách của Tú Gòn, bài vè đồng thời nói về cái chết thương tâm của ông cùng sự tiếc thương của mọi người dân trong vùng đối với vị anh hùng của mình:

Tính năm Tú mất

Tháng Chạp năm Mùi

Tổng mạc bùi ngùi

Đốt hương thờ ông Tú

Cùng một nội dung ca ngợi những vị anh hùng như trên, bài Vè Kỷ Lĩnh kể về ông Thiên Bộ Lĩnh người họ Đoàn ở Liễu Đôi, ông là người cùng thời và cũng là lớp người yêu nước chống Tây cùng với những Đinh Công Tráng, Ngự Mai, Tú Tốn... Bài vè đã miêu tả lại những sự kiện quan trọng trong đời Ký Lĩnh, một người có tài vật võ và đã đem sức khoẻ hơn người đó đi diệt trừ quân bất lương gian ác và tụ nghĩa để đánh Tây:

Ký Lĩnh tụ tập binh cơ

Một phen nổi trống phất cờ đánh Tây.

... Một tay Ký Lĩnh vung gươm

Chém bay cái sọ của thằng quan hai

Tây nào Tây ấy chạy dài...

c.                   Vè đả kích, tố cáo:

Vè Hà Nam còn lưu truyền những bài vè Vè cố Tây khuyến đạo, Vè lính tập, Vè bắt phu năm Kỷ Mão, Đề lại Kim Bảng, Vè Cựu Quảng... nhằm bày tỏ thái độ phản đối của nhân dân đối với việc truyền đạo của thực dân Pháp, đối với việc bắt phu bắt lính, và đối với tầng lớp đề lại làm tay sai cho Tây ở Hà Nam.

Vè cố Tây khuyến đạo đã vẽ nên hình ảnh những cố đạo Tây:

Cố Tây cao lớn làm sao

Cố Tây đi vào trẻ nhỏ đi ra

Trẻ hãi cố, trẻ tránh xa

Hễ mà cố đến, trẻ pha lối ngoài.

Vè lính tập vẽ nên hình ảnh những người lính Việt do Tây mộ, bắt để bổ sung vào quân đội của chúng:

Quan Tây bắt lính anh phải đi xa

Khi ở Hà Nội, khi ra Hải Phòng

Anh không nói ra thì đau đớn trong lòng

Vợ con có biết vân mòng là đâu...

Vè Bắt phu năm Kỷ Mão (1939) đã nói về cảnh khổ cực của người dân Hà Nam trong nạn bắt phu, bắt lính để phục vụ cho cuộc chiến tranh 1939-1945:

Tù và nó rúc tu tu

Quát hò, giục giã bắt phu nộp cùng

Làng nước nghe chuyện hãi hùng

Công việc bỏ hết, chạy vung chạy quàng.

Vè Đề lại Kim Bảng là một bài vè được lưu truyền hết sức rộng rãi ở Hà Nam cách đây khoảng 90 năm, nhằm đả kích, tố cáo một tay thông lại già là Nguyễn Cự và một tay thày cò tên là Nguyễn Liễu, cả hai tên này thông đồng với nhau để đục khoét dân lành:

Hà Nam Kim Bảng huyện thành

Có tên Nguyễn Cự đáng danh lại già

Thày tớ nó vốn dòng lão lại

Thông với nhau đơn kiện giấy khai

Kẻ trong đã có người ngoài

Bày mưu tính chước hại người lương dân.

Vè Đại Hoàng thế sự đã kể lại đủ mọi việc mà kỳ hào lý mục của một làng xã xưa bày đặt ra để bắt dân lành đóng góp, nhân đó bọn chúng “đục nước béo cò”.

Vè Cựu Quảng cho thấy chính trong cảnh nhiễu nhương của các quan lại làng xã xưa đã sản sinh ra những nhân vật như Cựu Quảng - phó lý làng Đại Hoàng, cùng thòi với những Bá Kiến, Lý Cường (nhân vật của Nam Cao).

... Đại Hoàng có một Cựu ta

Mặt người bụng chó, thói ma

Tên là Cựu Quảng thật là xấu thay.

Vè ở mùa là những lời than thân của người nông dân nghèo trong thân phận kẻ đi ở mùa, ở đợ - tình cảnh phổ biến của người dân Hà Nam khi xưa:

... Bảo nhau ta đến nhà giàu

Trình diện làm mướn theo trâu ở mùa

Hết cày rồi lại sang bừa

Một ngày một bữa cơm trưa ngoài đồng

Thân tôi vất vả hàn vi

Vì chưng tôi đói nên mới đi ở mùa!

Có thể nói, vè trong số các loại văn học dân gian của Hà Nam là một thể loại có số lượng khá lớn và nội dung phong phú. Nó chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Hà Nam xưa, và ngày nay vè Hà Nam vẫn có một giá trị to lớn, là tài sản tinh thần quý báu của nhân dân toàn tỉnh.

Có một tác phẩm thơ ca lớn của văn học dân gian Hà Nam vẫn được xếp vào thể loại vè, đó là tác phẩm Hoàn vương ca tích. Song xét về mặt nội dung cũng như dung lượng phản ánh của tác phẩm này, có lẽ nên gọi đó là một tác phẩm truyện thơ. Đây là một sản phẩm khá độc đáo chỉ có ở văn học dân gian Hà Nam, là bài ca dài kể về sự tích vua Lê Hoàn với hơn một ngàn câu thơ. Cái quý của tác phẩm là đã miêu tả, kể lại một cách khá chân thực về một thời kỳ lịch sử cách xa chúng ta hơn nghìn năm. Nhiều sự việc, nhiều biến cố của tác phẩm đã lý giải khá minh bạch những vấn đề của lịch sử. Một tác phẩm có giá trị như Hoàn vương ca tích rất cần được xem xét nghiên cứu kỹ thêm trong thời gian tới.

              III. NGỤ NGÔN

Truyện ngụ ngôn cũng là một thể loại phát triển của văn học dân gian Hà Nam.

Xét về mặt kết cấu và dung lượng, truyện ngụ ngôn có kết cấu và dung lượng ngắn và gọn hơn so với truyện cổ tích; xét về mặt thể văn, thì truyện cổ tích, truyện cười hay truyền thuyết thường được kể bằng văn xuôi còn ở ngụ ngôn thì có khi truyện được kể bằng văn xuôi, lại có khi được kể bằng văn vần. Truyện ngụ ngôn của Hà Nam, tập trung đậm đặc nhất là ở vùng Liễu Đôi (huyện Thanh Liêm), đa số là những truyện ngụ ngôn dài, đặc biệt hầu như hoàn toàn được kể bằng văn vần. Xét về hệ thống nhân vật ngụ ngôn Hà Nam thường có nhân vật là những con vật. Đó là cả một thế giới loài vật vô cùng sinh động như: Chèo Bẻo, Kiến, Nhện Tơ, Nàng Ngóe Cốm, Đĩ Cua, Diện Trai thục nữ, Thày đồ ếch, vợ chồng Cua Rốc, cái Niễng, cái Chuối, ả Cò... Hệ thống những nhân vật này tượng trưng cho nhiều lớp người khác nhau ở ngoài cuộc đời thực, mang dáng dấp, phong cách, nếp cảm, nếp nghĩ của người dân đồng chiêm nước trũng Hà Nam.

Ý tưởng toát lên từ toàn bộ những câu chuyện ngụ ngôn của Hà Nam là nhằm bộc lộ tư tưởng, truyền bá kinh nghiệm, hoặc răn dạy đạo lý, ca ngợi con người một cách bóng gió, gián tiếp, mượn vật để nói người. Hai tiếng ngụ ngôn: Ngụ nghĩa là gá gửi, ngôn nghĩa là lời nói. Khi “lời nói có ngụ ý” được thay bằng “câu chuyện có ngụ ý” thì ta sẽ có được một câu chuyện ngụ ngôn. Vì vậy có thể khẳng định rằng truyện ngụ ngôn Hà Nam đã là những truyện ngụ ngôn đích thực cả về nghĩa đen và nghĩa bóng.

Truyện ngụ ngôn Hà Nam thể hiện tài năng, trí tuệ, tâm hồn đa dạng, phong phú và sức tưởng tượng khá sắc sảo của người dân lao động vùng đất này.

Câu chuyện Chèo bẻo đánh quạ với ba trăm rưỡi câu thơ viết về thế giới loài chim, viết về cuộc đấu tranh sinh tồn của chúng đã đem đến cho người kể người nghe những suy nghĩ, những nhận xét, những liên tưởng về cuộc đấu tranh trong xã hội loài người. Thế giới loài chim đã được mô tả với những kẻ hung bạo, hiểm ác như Quạ, hèn nhát như Bồ Cu, ích kỷ như Chim Ngói, khiếp nhược như Vạc, trốn tránh trách nhiệm như Lềnh Đềnh. Nhưng trong thế giới ấy cũng lại có những Sáo Sậu, Vàng Anh, Chìa Vôi, Bạc Má tốt bụng, yêu thương, nhân hậu và đoàn kết, lại có cả những tấm gương kiên cường bền bỉ như Chèo Bẻo. Tất cả đã hiệp sức để chống lại kẻ ác, kẻ bất nhân hiểm độc như Quạ.

Truyện ngụ ngôn Hà Nam, như truyện Kiến chạy lụt, cho ta thấy cảnh lụt lội đặc trưng của vùng đồng nước:

Kiến con tha cám đầy đàng

Kiến mẹ lăn lóc lộn quàng lộn xiên

Nước đang ỳ ọp dâng lên

Vỡ đê ì ạch ở miền nào đây?

Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa tốt và xấu, giữa chính nghĩa và gian tà cũng diễn ra trong truyện Kiến chạy lụt khi họ hàng nhà Kiến đồng lòng chống lại Rết độc ác, lừa lọc:

Trăm họ nhà Kiến rùng rùng

Bâu vào người Rết để cùng nghiến răng

Rết co, Rết quãy, Rết quăng

Họ hàng nhà Kiến hàm răng nghiến đều

Kiến bâu mỗi lúc một nhiều

Vừa giãy vừa chạy Rết liều thoát thân

Hoặc như trong câu chuyện Võ Tầm Sét nhân vật Cá Rô Tầm Sét đã anh dũng chiến đấu đến cùng để chống lại Rái Cá hung ác, bảo vệ cuộc sống cho muôn loài cá dưới nước. Hình ảnh Cá Rô Tầm Sét được khắc họa trong câu chuyện như hình ảnh của một người anh hùng:

Tầm Sét luyện tập chẳng ngơi

Lăn ngang, lách dọc cho người dẻo dang

Với ý chí quật cường, Cá Rô Tầm Sét đã tiêu diệt được Rái Cá, cứu nhân độ thế.

Truyện Nhện Tơ phất ngọn cờ đào mô tả cuộc chiến đấu của Nhện Tơ chống lại tội ác, ngục tù giam hãm của Tò Vò.

Nội dung của những câu chuyện ngụ ngôn trên nói về thế giới loài vật nhưng đồng thời cũng phảng phất hình bóng của những cuộc khởi nghĩa nông dân dưới thời phong kiến suy tàn.

Hình ảnh của Nhện Tơ cũng giống như hình ảnh của Cá Rô Tầm Sét. Trăm ngày nung luyệt đã quen

Nhện Tơ đủ sức đứng lên báo thù

Một ngày địa ngục âm u

Bỗng nhiên nổi gió ù ù ghê thay

Nhện vàng Nhện đỏ một bầy

Nhện Tơ liền mới phất ngay cờ đào

Ngụ ngôn Hà Nam cũng đề cập tới hình ảnh người bình dân bé nhỏ bình thường, phải chịu sự ức hiếp của những kẻ cường quyền thông qua hình ảnh các con vật yếu đuối như Ngoé Cốm trong Truyện oan của nàng Ngoé Cốm. Những lệ làng, hủ tục, những cảnh nhiễu nhương của tầng lớp hào lý, quan lại xưa được diễn tả thật sinh động qua cảnh làng phạt vạ nàng Ngoé Cốm, đánh đập tàn nhẫn và đuổi nàng ra khỏi làng khi Ngoé Cốm vì bị Ếch ộp ức hiếp mà mang thai:

Lôi con Ngoé Côm bụng trương

Đánh cho một trận, rung chiêng gọi làng

Thôi thì Ngoé Cốm tan hoang

Áo quần tơi tả, ruột gan rối bời

Rồi cảnh lý dịch trong làng thật là gớm ghiếc khi thi nhau ăn phạt vạ:

Lão ộp tha thướt áo khăn

Uống rồi lại nhắm lại ăn gan gà

Câu chuyện được tiếp diễn khi kể về việc Ngoé Sọc em trai của Ngoé Cốm phất cờ chiêu binh để trả thù Ếch ộp, giải oan cho chị Ngoé Cốm. Ngoé Sọc hảo hán, nhưng trẻ người non dạ, vì cả tin nên đã bị sa vào cái bẫy nham hiểm lừa lọc của Ếch ộp và Chão Chuộc. Kết cục Ngoé Sọc đã phải lao đầu vào đá tự vẫn. Câu chuyện như là một bài học cảnh báo cho sự mất cảnh giác, một kinh nghiệm thất bại của một cuộc khởi nghĩa nông dân manh nha và tự phát.

Những nhân vật bé nhỏ đó còn là Đĩ Cua trong câu chuyện ngụ ngôn Đĩ Cua hiếu nghĩa. Vì mẹ già bệnh nặng Đĩ Cua phải vượt đường xa lên Đồng Giang xứ Lạng lấy thuốc thần về để cứu mẹ. Trên đường về Đĩ Cua đã gặp bao gian lao, bao kẻ lừa lọc như mụ Ếch, lão Chuột Cống, ả Sít. Rồi mẹ chết, Đĩ Cua bị sa cơ, bị quận công Cua Đá ép duyên. Nhưng Đĩ Cua đã gặp được chàng Cua Gạch, một tay “sức cợ can trường”, và cùng nhau phất cờ chống lại Cua Đá. Trải bao nguy hiểm, khó khăn, cuối cùng giang sơn đã về một mối trong tay Cua Gạch:

Lưỡi gươm chàng mới chém ngang

Cua Đá bắn nảy hai càng hai thân

Quân binh tứ phía rầm rầm

Kiệu chàng Cua Gạch ầm ầm tung

Nhiều nhân vật nhỏ bé, nghèo khổ khác cũng được mô tả, ca ngợi... tượng trưng cho những tính cách sống hào hiệp giàu nghĩa khí, sẵn sàng xả thân trừ ác, cứu nạn. Đó là nhân vật Cóc trong truyện ngụ ngôn Cóc cứu nạn, Cóc đã xả thân mình, không ngại hiểm nguy để cứu họ hàng nhà Ngoé trước sự tấn công của Rắn Hổ Mang:

Cóc rằng quyết phải giao phong

Đã vì nghĩa cả, quyết không sợ gì

Hổ Mang phun độc phì phì

Phồng mang trợn mắt uy nghi rung đầu

Cóc kia há miệng nghinh chầu

Phóng vào đợp gọn cái đầu Hổ Mang

Đó còn là nhân vật Cua trong Cầy và Cua đã biết dùng ý chí để đứng lên tự bảo vệ, quyết tâm lấy yếu chống mạnh, lấy nhỏ địch lớn để dạy cho những kẻ quen thói ăn hiếp như loài Cầy một bài học nhớ đời:

Cua rằng: “Cái nghĩa ở đời

Cậy to hiếp nhỏ, tội trời chẳng tha...”

Đấy cũng là gia đình Chuột Chù lương thiện bị oan khổ do nạn “cướp ngày” trong Chuột Chù bị nạn. Câu chuyện là một tiếng nói tố cáo mạnh mẽ và sâu sắc chế độ quan lại thối nát cũ và là lời bênh vực, đồng tình, xót thương cho những số phận dân đen nghèo khổ qua sự mô tả chân thực và cảm động cảnh oan khuất của Chuột Chù do bị Chuột Cống hãm hại.

Truyện ngụ ngôn Hà Nam còn lên tiếng tố cáo mạnh mẽ những nhân vật thuộc tầng lớp quan lại hám danh, hám lợi, tham lam, nham hiểm và độc ác thông qua những hình ảnh điển hình tiêu biểu như ông Cốc quận công trong truyện ông Cốc quận công, vương công Trắm trong Tôm mừng thọ vương công Trắm, Cầy trong Cầy và Cua, Rắn trong Cái Rắn tìm mồi, Quạ trong Võ chị ả Cò. Người dân Hà Nam đã đặt ra những câu chuyện này để tỏ thái độ căm ghét, khinh bỉ bọn quan lại, quý tộc phong kiến tham lam, phê phán bọn người xu phụ, nịnh bợ, chê bai đả kích bọn vô liêm sỉ, thiếu đạo đức, có lối sống thấp hèn, thực dụng...

Ngoài ra, ngụ ngôn Hà Nam còn có một bộ phận lớn các câu chuyện kể ghi lại những phong tục tập quán, những lối sống, cách sinh hoạt truyền thống tốt đẹp của địa phương, đồng thời phê phán những thói xấu, những hủ tục có ảnh hưởng không tốt đến thuần phong mỹ tục của quê hương. Đó là câu chuyện về Diện Trai thục nữ, nàng Diện Trai:

Xuân xanh mười tám, đôi mươi

Tiếng thơm đã nức, nét người thướt tha

nàng đã cho những kẻ trai lơ (như Cò Ca) một bài học:

Nhìn quanh chỉ có một ta

Cò liền mới mổ để mà ghẹo chơi

Không ngờ Trai khép ngay thôi

... Cò Ca cố rút mỏ ra

Càng giãy thì lại càng đà chặt hơn

Và cho cả những kẻ mũ cao áo dài (như quan Quạ) một lời cảnh cáo:

Quan Quạ mũ áo loay hoay

Chết thật! Quan cũng thế này nữa dân?

Quạ giãy đôi cánh ầm ầm

Càng giãy Trai lại càng găm chặt vào.

Nàng Diện Trai đã là một tấm gương sáng:

Tin đồn xa, tin lại đồn gần

Diện Trai thục nữ muôn phần chính chuyên.

Câu chuyện về Vợ chồng Cua Rốc cũng nói lên tình cảm chung thuỷ gắn bó của đôi vợ chồng Cua, sống với nhau có ân nghĩa và giàu tình thương. Đó chính là cách sống, là đạo lý, đạo đức của những đôi vợ chồng mẫu mực, đáng ngợi ca xưa nay.

Câu chuyện về Cá Chuối dạy con cũng hàm ý nói về những nhận thức đúng đắn trong việc nuôi dạy con cái của người dân Hà Nam nói riêng và người Việt Nam nói chung, “dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”. Hình ảnh cá Chuối mẹ nuôi đàn con tận tụy, không tiếc công tiếc sức, nuông chiều chăm bẵm con cũng là hình ảnh của bao bà mẹ nông thôn xưa. Song vì quá nuông chiều con mà đàn con đã trở nên vô tình và bất hiếu, người mẹ Chuối phải chịu hậu quả. Câu chuyện thật cảm động và cũng xót xa, giúp người nghe, người kể rút ra được bài học sâu sắc.

Những cảnh Thầy đồ Ếch, Đám cưới Chuột, Chuyện cái Niễng làm thuê... rất đặc trưng cho xã hội xưa đã được ngụ ngôn Hà Nam đặc tả thật là sinh động. Truyện vừa nhằm kể lại, vừa nhằm phê phán những người, những cảnh còn lạc hậu, những hủ tục còn đè nặng lên thân phận người dân. Đồng thời truyện hướng tới những suy nghĩ tích cực, vươn tới những cảnh sống mới, những ước mơ hạnh phúc chung cho tất cả mọi người.

Ngụ ngôn Hà Nam xứng đáng là một mảng di sản quý giá trong kho tàng văn học dân gian Hà Nam.

Truyện ngụ ngôn Hà Nam thể hiện tài năng, trí tuệ tâm hồn văn học khá sắc sảo của người dân lao động vùng đất này. Qua từng câu chuyện, cả thế giới đã hiện ra sinh động với những nhân vật cua, cò, trai, cá, ong, kiến, ốc, cóc, ngóe... Đó cũng chính là con người, là tình đời, là cuộc sống thực. Đó có thể là những cảnh kể về “niềm vui cưới xin, trong Đám cưới chuột; là niềm vui sinh nở, qua đám mừng vợ Chèo Bẻo ở cữ, trong truyện Chèo Bẻo đánh Quạ; hay là nỗi đau mất con trong truyện Cái Rắn tìm mồi, là nỗi buồn héo hắt vì bệnh tật của mẹ Cua trong truyện Đĩ Cua hiếu nghĩa...” (Khảo sát văn hóa truyền thống Liễu Đôi).

Những con cóc, con cua, con rô, con cá... trong hàng loạt truyện ngụ ngôn của đất Hà Nam đều tượng trưng cho những người bình dân, đời sống vất vả quanh năm, nhưng lại chính là những con người rất giàu nhân nghĩa, biết xả thân vì nghĩa lớn, biết bênh vực kẻ yếu và những người nghèo khó. Điều này phản ánh truyền thống đạo đức của nhân dân ta “lá lành đùm lá rách”, phản ánh tình làng nghĩa xóm lâu đời của nông thôn Việt Nam xưa. Những câu chuyện ngụ ngôn này của Hà Nam, chắc chắn cũng tuân theo quy luật phát sinh, phát triển chung của thể loại truyện ngụ ngôn Việt Nam ra đời chủ yếu vào thời kỳ phong kiến suy tàn, thời kỳ mà xã hội đầy rẫy bất công cùng những điều oan ức và sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Ngụ ngôn của Hà Nam đã thể hiện một cách rõ nét nhất tinh thần phê phán, tinh thần tố cáo, phản đối cái ác, cái xấu, cái bất công của xã hội đương thời.

IV. TRUYỆN CỔ HÀ NAM

Trong kho tàng văn học dân gian Hà Nam, thể loại truyện cổ (truyền thuyết, truyện cổ tích) có tới hàng trăm bản kể với những truyện khá độc đáo, có tính hình tượng nghệ thuật cao, chất trữ tình sâu đậm và có nội dung ca ngợi, khắc họa tính cách, đặc trưng của nhân dân Hà Nam.

Có những truyện cổ dân gian của Hà Nam thuộc dạng những truyền thuyết giải thích sự ra đời của những hội lễ, những phong tục đặc sắc của địa phương. Đó là các truyện như: Pho tượng trôi, Sự tích Thánh Tiên, Truyện chàng trai họ Đoàn... Truyện Pho tượng trôi có nội dung tóm tắt như sau:

“Truyện rằng xa xưa trẻ chăn trâu vùng Liễu Đôi, Thanh Liêm vớt được trên cánh đồng chiêm trũng quê hương pho tượng có dáng hình một đô vật sắp vào “tay tư”. Thấy hay hay, lũ trẻ xúm vào vật nhau với pho tượng. Nhưng tượng chỉ có một ông, nên chúng xoay ra vật nhau cho ông tượng xem. Vật rồi thì sức khỏe được tăng lên gấp bội. Người lớn nghe truyện, thử vật xem sao, quả nhiên thấy ứng nghiệm. Dân Liễu Đôi bèn thờ ông tượng này và hàng năm mở hội vật võ. Hội bắt đầu từ đấy”.

Câu chuyện trên nhằm giải thích Hội vật võ Liễu Đôi không phải là một hội đua tài đoạt giải như những hội hè thường thấy, mà đây chính là một hội truyền thống mà điểm xuất phát của nó  là từ lịch sử dựng nước và giữ nước oanh liệt. Truyện đề cao Hội vật võ Liễu Đôi là một tục lệ tiêu biểu, là trường rèn luyện sức khỏe, ý chí kiên cường, mạnh mẽ cho mọi thế hệ, cũng nhằm gây nuôi, bảo tồn một truyền thống văn hóa cao đẹp của quê hương.

Truyện Sự tích Thánh Tiên có hai dị bản như sau:

Truyện thứ nhất:

“Ngài Thánh Tiên được trời cho gươm báu, Ngài vốn rất mê võ vật nên hàng năm cứ mỗi mùa xuân đến Ngài lại mang gươm báu ra múa cho lửa bốc ngút trời, báo hiệu cho bốn phương về Liễu Đôi vui vật võ. Đất nước có giặc ngoại xâm từ phương Bắc kéo tới, Ngài dựng cờ cùng trăm họ mang gươm đi đánh giặc. Giặc tan, đất nước thanh bình, Ngài xuất trần. Cũng đêm Ngài xuất trần, ở cánh Nương Cửi (thuộc đất Liễu Đôi, nay là nơi đóng dóng của Hội vật võ) có một ngọn lửa lạ bốc ngút trời. Người ta ra đó xem thì thấy một thanh gươm đang phát hỏa. Biết là gươm Ngài gửi lại cho con cháu sau này đánh giặc, dân Liễu Đôi rước về thờ, và hàng năm mở Hội vật võ kỷ niệm Ngài gọi là Hội Thánh Tiên”.

Truyện thứ hai:

“Ở cánh Nương Cửi, một hôm bỗng có ngọn lửa lạ bốc ngút trời. Người ta ra đó xem thì thấy có một thanh gươm báu đang phát hỏa. Lửa tắt, trai tài gái giỏi cả vùng không ai nhấc nổi gươm. Bấy giờ ở Liễu Đôi có chàng trai họ Đoàn (có người nói là họ Đào) và cô gái họ Bùi là hai người có tài vật võ nhấc bổng gươm lên được.

Hai người kết thành lứa đôi. Giặc Tàu kéo sang xâm lăng đất nước ta. Hai người cùng ra quân đánh giặc, và đánh thắng nhiều trận. Nhưng rồi trong một trận, chàng bị tàn hồn quân xâm lược hóa thành “con quỷ đỏ mỏ” bay che trước mặt nên bị trúng giáo giặc mà ngã ngựa hy sinh. Nữ tướng họ Bùi cũng uất lên mà chết. Dân nhớ ơn tôn chàng là Thánh và nàng là Tiên, hàng năm mở hội vật võ kỷ niệm, gọi là Hội Thánh Tiên”.

Nội dung hai truyện tuy có khác nhau chút ít, nhưng đều xoay quanh câu chuyện về gươm báu và ngọn lửa thiêng ở đất Nương Cửi, nói về Thánh Tiên và nữ tướng họ Bùi đánh giặc ngoại xâm, việc Thánh Tiên thoát trần và hy sinh nhằm giải thích về nguyên nhân sinh ra Hội vật võ truyền thống Liễu Đôi.

Truyện Chàng trai họ Đoàn kể về nhân vật là chàng trai Liễu Đôi đầy chí khí, khát khao có được vũ khí để giết giặc bảo vệ đất nước, ở truyện Chàng trai họ Đoàn thanh gươm với ngọn lửa thiêng, lại thêm cả tấm khăn đào xuất hiện rực rỡ và đúng vào lúc có giặc phương Bắc. Và cũng ở truyện này, khu Nương Cửi đã trở thành khu đất Thánh, vì gươm thiêng, lửa lạ xuất hiện ở đấy và còn vì nó là mảnh đất màu nhiệm, khi lấy đất ấy xoa lên người thì vết thương liền miệng, máu ngừng chảy, gươm giáo của giặc không sao chạm được vào người.

Hình tượng chàng trai họ Đoàn trong truyện là hết sức bi hùng đượm màu sắc trữ tình sinh động. Nhân dân ở đây vốn yêu cái đẹp, hướng về cái đẹp nên toàn bộ nội dung câu chuyện Chàng trai họ Đoàn là nhằm gửi gắm tình cảm yêu quý cùng lòng tự tôn, tự hào của nhân dân Hà Nam về quê hương, về những người con trai, con gái của quê hương mình. Với óc sáng tạo tuyệt vời, dân gian đã tô điểm nên những hình tượng thật là lung linh, đẹp đẽ.

Trong kho tàng truyện cổ dân gian Hà Nam còn có nhiều câu chuyện hấp dẫn và lý thú khác. Đó là các truyện Truyện nàng Vú Thúng, Nàng Trăm sắc, Nàng hát làm quay muôn giáo, Truyện đống Giải (Hay là Sự tích đống chải đầu), Truyện Hồ Giải Yếm, Truyện Bà Áo the, Truyện ông Mổ bụng, Truyện ông Rút sườn, Truyện đánh giặc bằng cái móng tay, Truyện người đơm đó được gươm vàng, Truyện cánh tay thần chỉ gươm mười thước, Truyện ông thần Đổ, Truyện mái tóc biết khóc biết cười, Truyện may áo cho chồng bằng hơi thở ấm, Truyện cái khiên, Truyện ông Trạng Vật, Truyện ông gác cổng, Truyện ông Tía, Truyện cầu làng Sủi, Truyện ông Đô mười vía, Truyện ông đốt đuốc, Truyện người mài gươm, Truyện ông Nhấc bổng, Truyện cái đấu, Truyện ông Cào gò đống, Truyện bà Khổng Ôn, Truyện chàng đoạt dao của ngài Bắc Đẩu, Truyện Điểu Ma Vương... Những câu chuyện này đã tôn thêm giá trị cho văn học dân gian Hà Nam với những nội dung yêu nước, anh hùng. Nhiều nhân vật của những câu chuyện này như nàng Vú Thúng, nàng Trăm sắc, bà Áo The, bà chúa Binh, ông Thở gió, ông Mổ bụng, ông Rút sườn, ông Đốt đuốc, ông Nhấc bổng... đều là những con người yêu nước quật cường, vì đất nước đứng lên và trở thành những nhân vật anh hùng, nữ kiệt.

(Còn nữa)

Điện tử

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy