CHƯƠNG XXXV
THỂ DỤC THỂ THAO
Là một tỉnh nằm ở châu thổ sông Hồng, người dân Hà Nam ngoài việc cần cù lao động, chống chọi với thiên nhiên còn tích cực tham gia các hoạt động thể thao. Các môn thể thao như cờ tướng, kéo co, bơi chải, bơi thuyền thúng, bơi lội, thi pháo đất, thi lấy nước ngoài sông về nấu cơm, thi giằng cầu, vật dân tộc, võ dân tộc, chọi gà khá phát triển và có ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Những hoạt động trên thường gắn với một lễ hội nào đó của xã, tổng hay huyện, cũng có khi được tổ chức vào những ngày nhàn rỗi ở nông thôn và mang đậm sắc thái của những hoạt động văn hoá truyền thống.
Ở Lý Nhân hàng năm có mở hội thi lấy nước ngoài sông về nấu cơm. Hội thi thường được tổ chức tại các sân đình làng. Người tham gia dự thi phải chạy ra sông lấy nước mang về đủ để vo gạo, rửa nồi và nước để nấu cơm. Người tham gia hội thi vừa phải nhanh nhẹn (chạy) vừa phải khéo léo để nước không bị đổ. Người thắng cuộc sẽ là người nấu cơm nhanh nhất và ngon nhất. Hội thi diễn ra trong tiếng reo hò cổ vũ của nhân dân hai bên đường và tại sân đình làng.
Ở huyện Bình Lục lại có các hội thi thuyền thúng trên sông khá độc đáo. Người thi một mình ngồi trên chiếc thuyền thúng bơi đến đích và trong quá trình vật lộn trên sông nước ấy, “vận động viên” dứt khoát phải một lần làm chìm thuyền rồi vực dậy để bơi tiếp. Nếu thuyền thúng nào dù có tới đích mà chưa một lần chìm thuyền thì kết quả sẽ không được công nhận. Hấp dẫn nhất là lúc “vận động viên” tự làm chìm thuyền rồi loay hoay trèo lên thuyền rồi bơi thuyền về đích. Môn thi này đòi hỏi vận động viên phải có sức khỏe để bơi thuyền lại phải khéo léo, biết cách làm chìm thuyền rồi nhanh chóng vực thuyền dậy, lên thuyền để về đích.
Ở làng Lau (xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm) có tục tung cầu vào ngày 3 Tết Nguyên Đán. Quả cầu bằng gỗ sơn đỏ được để lên bệ thờ cúng tế. Cúng xong thì tiên chỉ của làng giao cầu chuẩn bị tung lên và đọc:
“Quả cầu làng ta
Nhân đa vật thịnh
Ngoài đồng lúa tốt
Trong làng tốt cau
Nào anh em ta, tung quả cầu,... ”
Tất cả người đứng xem đều đồng thanh hô: “ấy ơ”. Cụ tiên chỉ đọc xong liền tung cao quả cầu cho trai làng bắt rồi tung truyền cho nhau. Ai bắt được quả cầu được coi là người được hưởng may mắn cả năm.
Làng Lê (nay là làng Lác Triều, xã Thanh Hương, huyện Thanh Liêm), xưa nay vẫn giữ được tục “trục quyên” nghĩa là đuổi chim cuốc. Hàng năm vào ngày 5 tháng 5 (Tết Đoan ngọ), cả làng ra đình lễ thánh rồi đuổi bắt chim cuốc. Ai đuổi bắt được cuốc vào ngày lễ thánh trước nhất thì coi như là người may mắn cả năm. Nhà nào không bắt được thì coi là điềm xúi quẩy. Còn ở làng Cái La (thuộc xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm) có tục đua đánh cồng. Hàng năm cứ vào ngày 5 tháng giêng, các nơi quanh vùng khiêng cồng đến thi và có trao giải. Cồng đánh lên phải vang, to, đòi hỏi người đánh cồng phải khoẻ và có kỹ thuật. Trò chơi này có từ thời vua Lê Đại Hành. Theo truyền thuyết thì vua Lê Đại Hành được thuỷ thần cho một chiếc cồng lớn ở giữa sông. Một chàng trai có sức khoẻ vô địch đã kéo được cồng vào cho vua. Chàng trai ấy được vua giao cho giữ chiếc cồng, gọi là thủ cồng. Chàng trai đánh cồng thúc quân trong các trận chiến đấu chống giặc. Giặc bắt được chàng, chúng chặt cánh tay đánh cồng của chàng cho hả giận. Còn một tay, chàng trai nâng cồng lên dùng đầu để đánh cồng. Đánh nhiều quá, mạnh quá, thành ra vỡ đầu mà chết. Để tưởng nhớ ông, hàng năm ở đây có tục thi đánh cồng.
Hà Nam là mảnh đất có truyền thống thượng võ, xưa có nhiều lò võ, vật nổi tiếng. Nhiều làng xã hàng năm thường mở hội võ vật đua tài, luyện sức mà hội vật Liễu Đôi (Liêm Túc - Thanh Liêm) là một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu. Trong khi có những hội thi đấu ở Hà Nam chỉ còn là âm vang của một thời xa xôi, thì hội võ vật Liễu Đôi vẫn có sức sống bền dai nhất. Hội ra đời từ bao giờ không rõ, nhưng xưa nay hội này chưa bao giờ đứt mạch dù mưa gió, bão táp, dù giặc giã, lửa đạn nếu không mở được hội lớn thì Liễu Đôi vẫn giữ lệ nổi trống, đốt keo và vật năm keo trai rốt trình làng lễ thánh!
Võ vật rèn luyện để giữ non sông bền vững muôn đời, tuyên ngôn như vậy, nên hội có sức thu hút lớn và là nơi hội tụ sức mạnh của nhân dân và của quân đội để chuẩn bị đánh giặc cứu nước. Hội Liễu Đôi là hội thượng võ, nhưng võ vật ở đây là đua tài mang tính văn hoá, thể thao, đậm chất nhân văn. Người thi đối xử với nhau rất văn hoá, đằm thắm và cảm thông. Độc đáo của võ vật Liễu Đôi là con gái Liễu Đôi cũng dám ra xới vật thi tài cùng con trai và phần thưởng là thắng hay thua các cô cũng chiêu đãi một chầu đàn hát gọi là mừng anh.
Ngoài hội võ vật Liễu Đôi, ở Hà Nam còn nhiều địa phương tổ chức hội vật vào dịp tháng giêng hàng năm. Đó là hội vật ở làng Phương Xá, xã Đồng Hoá, làng Mã Não xã Ngọc Sơn của Kim Bảng, lò vật ở xã Hợp Lý (huyện Lý Nhân), lò võ An Bài (huyện Bình Lục).
Võ quyền làng Sở, làng Đọ (nay là xã Tiêu Động, huyện Bình Lục) đã từng gây sóng gió ở hội vật Liễu Đôi.
Hà Nam xưa, từ tháng 6 đến tháng 9 trở đi là nước ngập. Ở nơi khác nhau, người ra hội hè đông đủ, còn Hà Nam bốn bề thôn xóm nghe sóng vỗ, cuộc sống im lặng sau lũy tre làng, trong những thôn xóm nhấp nhô nửa chìm, nửa nổi, người Hà Nam tìm cho mình một hình thức hoạt động thi đấu riêng, đó chính là đua thuyền. Đối với hội đua thuyền thì được mở hầu hết ở các địa phương ven sông Đáy, sông Châu, ở Lý Nhân vào dịp đầu xuân, làng Đọ mở hội đua thuyền, làng Chiền thi đua ngựa giấy.
Thôn An Bài (xã Đồng Du, huyện Bình Lục) nổi tiếng là nơi khai sinh lò võ cổ truyền, lò võ ấy chuyên về thế gậy ngang, gậy dài 7 thước ta (2,25m) được làm bằng tre đực chọn lọc cẩn thận, vừa tay nắm. Võ sinh trước khi nhập môn phải dành một thời gian nhất định để rèn luyện sức khoẻ, độ dẻo dai, nhanh tay, nhanh mắt. Đầu tiên là mức cho trơn mái, còn gọi là thạo gậy, sau đó đếm nhịp một, nhịp ba, nhịp bẩy, học các đường gậy ngang, dọc, giương đông kích tây... Thành thạo bài này rồi mới học bài biểu diễn. Đây chính là bài toàn diện nhất, đẹp nhất, đầy đủ các động tác, các miếng.
Hàng năm, vào đầu tháng tám An Bài tổ chức thi đấu võ trong làng. Giải thưởng chỉ là mấy đồng tiền xanh hoặc 7 vuông nhiễu điều mà cả người thi đấu và người xem đều hào hứng. Trong kháng chiến chống Pháp, bộ đội địa phương huyện Bình Lục đã tổ chức các buổi thi đấu đánh gậy cùng đao, kiếm, khiên, roi.
Ngày nay lò võ An Bài đã dần mai một nhưng vẫn còn đó âm thanh của môn võ gậy nổi tiếng một thời còn in đậm trong nhân dân Cát Lại.
Từ ngày hoà bình lập lại đến nay, thể thao Hà Nam tiếp tục phát huy truyền thống từ những năm hoạt động dân gian như võ vật, bơi lội, cờ tướng để phát triển những môn thể thao mới. Những năm từ 1954 - 1960 phong trào thể thao phát triển rộng khắp trong các cơ quan, xí nghiệp, trường học. Toàn tỉnh có hơn 8.000 người thường xuyên luyện tập thể dục và 3.124 vận động viên thể thao. Đến giai đoạn 1961 - 1965 tỉnh tăng cường các hoạt động thể dục thể thao nhằm xây dựng cuộc sống vui khoẻ hạnh phúc. Lò vật ở Hợp Lý (Lý Nhân) và Liễu Đôi (Thanh Liêm) đã cung cấp vận động viên cho đội tuyển Quốc gia. Năm 1964 đội bóng chuyền nữ của thôn Bảo Thôn (Phủ Lý) đã đạt vô địch trong phong trào thể thao quần chúng.
Toàn tỉnh đã có 110.000 người luyện tập TDTT thường xuyên, nhiều đội bóng đá, bóng chuyền nghiệp dư được thành lập. Nhiều sân bóng đá, bóng chuyền được xây dựng để luyện tập và thi đấu. Hầu hết các xã đều thành lập Ban thể dục thể thao, trong đó 50% hoạt động thường xuyên, toàn tỉnh có 12.844 người rèn luyện thể thao theo tiêu chuẩn cấp I, cấp II.
Bước vào thời kỳ đổi mới TDTT Hà Nam đã có nhiều khởi sắc: 16% dân số luyện tập TDTT thường xuyên, gần 10% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao, các địa phương, đơn vị tích cực đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động thể thao. Tháng 5 năm 2002 đại hội TDTT tỉnh Hà Nam lần thứ nhất diễn ra sôi nổi, thu hút tới hơn 4.000 người tới dự lễ khai mạc. Tham gia dự đại hội còn có 27 đoàn diễu hành biểu dương lực lượng với 2.500 người, 1.200 học sinh Trường Cao đẳng sư phạm và Trường trung học phổ thông Phủ Lý A đã biểu diễn chương trình đồng diễn chào mừng. Đại hội tổ chức 10 môn thi đấu là: vật, bơi lặn, cờ vua, cờ tướng, điền kinh, bóng đá nữ, cầu lông, bóng đá nam thu hút gần 2.000 vận động viên tham dự. Kết quả ban tổ chức đã trao 208 giải cá nhân, 36 giải đồng đội, 32 giải về môn thi.
Đoàn thể thao Hà Nam tham gia thi đấu tại đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 4 có 63 huấn luyện viên, vận động viên thi đấu ở 5 môn: vật, bóng đá, lặn, điền kinh và cờ. Kết quả đã giành được 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 4 huy chương đồng, xếp thứ 34/64 đơn vị tham gia.
Hoạt động thể dục thể thao trong trường học cũng được quan tâm. Trong quý III năm 2002, đoàn vận động viên của Sở Giáo dục-Đào tạo của tỉnh thi đấu tại thành phố Huế đã đạt 19 huy chương các loại, trong đó có 13 huy chương vàng, 5 huy chương bạc và 1 huy chương đồng. Phong trào thể dục thể thao trong công nhân viên chức cũng ngày càng phát triển rộng rãi, mang tính tập luyện sức khoẻ tự giác, chất lượng tập luyện được nâng lên rõ rệt.
Những năm qua, Hà Nam đã chú trọng đào tạo vận động viên ở một số môn thể thao như: Bóng đá nữ, bóng chuyền nữ, cờ, vật nam, vật nữ, điền kinh, bơi lặn. Quý III năm 2002, Hà Nam tham gia 5 giải toàn quốc đạt 26 huy chương, trong đó có 6 huy chương vàng, 7 huy chương bạc và 13 huy chương đồng.
Trong 5 năm qua Hà Nam đã đạt được 300 huy chương các loại đã đóng góp nhiều thành tích cho đội tuyển quốc gia: bóng đá nữ, bóng chuyền và cờ vua. Có 1 huy chương bạc cờ vua trẻ Châu Á, 3 huy chương vàng và 1 huy chương đồng Đông Nam Á. Các giải thi đấu thể thao cấp tỉnh sôi nổi hấp dẫn, thu hút nhiều vận động viên là giải cầu lông, cúp truyền hình với 7 nội dung thi đấu. Tham dự giải này có từ 25 đến 31 đơn vị với 200 vận động viên xuất sắc trong đó có 30% là vận động viên trẻ. Giải bóng đá công nhân viên chức thường có từ 6 đến 8 đội tham dự. Giải vật thượng võ mùa xuân với 2 nội dung: vật tự do và vật dân tộc. Giải thi đấu cờ tướng, cờ vua, giải việt dã. Ngoài ra vào các dịp các ngày lễ, ngày kỷ niệm thành lập ngành đều tổ chức thi đấu giao hữu một số môn thể thao như: cầu lông, bóng bàn...
Ngành giáo dục hàng năm tổ chức thi học sinh giỏi môn TDTT và thường là các môn: điền kinh, cầu lông, bơi lặn.
Hiện tại Hà Nam có 16% dân số huyện tập thể thao thường xuyên, số gia đình thể thao đạt 9,2 đến 9,5%, số giải thể thao cấp tỉnh có 24 cuộc, có 930 nhóm, câu lạc bộ thể dục thể thao, có hơn 230 cuộc thi đấu thể thao cấp huyện và cấp cơ sở. Có gần 100 vận động viên trẻ được đào tạo tập trung, trong đó có 28 vận động viên đạt đẳng cấp quốc gia (kiện tướng, dự bị kiện tướng và cấp I) kinh phí dành cho thể thao đạt hơn 2,4 tỷ đồng.
Về cơ sở vật chất cho TDTT: Hà Nam hiện có 4 sân tenit, 2 bể bơi (1 ở Phủ Lý và 1 ở Duy Tiên); 2 sới vật (1 ở Bình Lục, 1 ở Thanh Liêm); 1 nhà thi đấu đa năng, 16 nhà thi đấu của các huyện và sở ban, ngành. Ngoài ra còn hàng chục sân bóng đá, bóng chuyền, hàng trăm sân cầu lông và hàng trăm sân bóng bàn, các phong trào thể dục thể thao trong trường học, trong công nhân viên chức, trong đoàn viên thanh niên, lực lượng vũ trang và người cao tuổi phát triển cả bề rộng lẫn bề sâu.
Nhiều xã trong tỉnh có phong trào thể dục thể thao phát triển mạnh. Xã Bình Nghĩa (huyện Bình Lục) là một điểm sáng về phát triển thể dục thể thao toàn diện, vì sức khoẻ của nhân dân. Từ năm 1997 đến nay, xã Bình Nghĩa đầu tư hàng tỷ đồng cho việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho văn hoá thể thao. Xã Bình Nghĩa hiện có 1 hồ bơi với diện tích hơn 3.000m2, 2 sân bóng đá với diện tích 14.000m2, 5 sân bóng mini, 4 sân bóng chuyền và 10 sân cầu lông đủ tiêu chuẩn thi đấu ở khu Trung tâm xã và các khu vực thôn xóm. Mỗi năm ngân sách xã đầu tư 50 triệu đồng vào việc nâng cấp, tu sửa cơ sở vật chất và tổ chức các giải thi đấu thể thao. Xã có CLB bóng đá và CLB bơi lặn với 100 hội viên. Nhiều gia đình cả 3 thế hệ cùng tham gia môn bơi lặn ở Bình Nghĩa phát triển mạnh mẽ nhất thu hút đông đảo lực lượng thiếu nhi. Năm 2002, Bình Nghĩa tổ chức thi đấu bóng đá với sự góp mặt của 17 đội bóng của tất cả các thôn xóm, tham gia giải cầu lông, giải chạy việt dã do huyện tổ chức. Bình Nghĩa có 12 vận động viên thi đấu ở các môn bóng đá nữ, bơi lặn, bơi chải đạt giải nhất tỉnh Hà Nam, đồng thời giành 13 huy chương vàng, 4 huy chương bạc ở bộ môn bơi lặn trong giải bơi lặn các tỉnh vùng duyên hải tổ chức tại Thái Bình và giải học sinh, sinh viên toàn quốc tại thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1998 đến nay các vận động viên của 2 câu lạc bộ đã mang về cho Bình Nghĩa 71 huy chương các loại, trong đó có 20 vàng, 24 bạc, 27 đồng tại các giải đấu quốc gia.
Xã Châu Giang (huyện Duy Tiên) cũng là xã phát triển thể dục thể thao tiêu biểu của Hà Nam. Xã có 16 thôn, xóm với 13.419 khẩu. Những năm đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong xã được cải thiện và nâng cao nên phong trào thể dục thể thao vì sức khoẻ của nhân dân cũng được coi trọng phát triển. Xã đã đề ra chỉ tiêu là phải có 20% dân số tham gia hoạt động thể dục thể thao thường xuyên. Từ năm 1994 xã đã có chủ trương dành 4ha đất nông nghiệp cho thể thao, xã phối hợp với nhân dân xây dựng 8 sân bóng đá, 12 sân bóng chuyền, 48 sân cầu lông. Do nhu cầu luyện tập thể dục thể thao rất lớn, nên nhiều cá nhân trong xã đã dành đất để làm sân bãi. Việc làm sân vận động ở Châu Giang cũng đã được thực hiện một cách sáng tạo: xã đem máy cầy của HTX cầy toàn bộ mặt sân, bơm nước vào và cho máy lồng bừa cán phẳng, do đó sân vừa đẹp lại vừa tiết kiệm kinh phí. Có sân bãi, lại được UBND xã đầu tư cho thể dục thể thao mỗi năm 20 đến 30 triệu đồng nên số người tham gia thể dục thể thao ngày càng đông. Xã có gần 3000 người thường xuyên luyện tập các môn thể dục dưỡng sinh, múa kiếm, chạy, đi bộ, cầu lông, bóng đá, bóng chuyền. Ngoài ra, hoạt động thể thao còn là hoạt động thường xuyên của gần 2.000 học sinh trong các trường học, cấp học trong xã. Toàn xã có gần 1.200 gia đình luyện tập thể thao thường xuyên. Xã Châu Giang có 16 thôn thì có 15 câu lạc bộ thể dục, 1 sới vật và 14 câu lạc bộ cầu lông. Xã thường xuyên tổ chức các giải thi đấu thể thao cuốn hút hàng trăm vận động viên, hàng nghìn người tham gia cổ vũ. Môn cầu lông đã được xã hội hoá ở mọi lứa tuổi, mọi gia đình và thôn xóm.
(Còn nữa)
Điện tử