CHƯƠNG XXXIV
PHÁT TRIỂN Y TẾ VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE
I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH Y TẾ HÀ NAM
Từ xa xưa người dân Hà Nam đã biết chữa các loại bệnh thông thường bằng các loại cây, lá dược thảo sẵn có tại địa phương theo kinh nghiệm dân gian. Thông thường ở các làng đều có những người biết hoặc có kinh nghiệm ít nhiều về chữa các loại bệnh như cảm nắng, cảm lạnh, tiêu chảy, bỏng, mụn nhọt hay bệnh cam, sài ở trẻ nhỏ,... Trong làng thường cũng có người biết đỡ đẻ gọi là bà mụ. Việc chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ chủ yếu là tại nhà, dựa vào gia đình, họ tộc và sự giúp đỡ của cộng đồng làng xóm. Điều này đã trở thành truyền thống mang giá trị đạo đức nhân văn.
Thời phong kiến đã xuất hiện các thày lang, thày thuốc làm nghề đông y dược, khám chữa bệnh chuyên nghiệp theo hiểu biết hoặc kinh nghiệm gia truyền đối với một hoặc một vài loại bệnh nhất định. Phương pháp chữa bệnh chủ yếu là bằng các phương pháp đông y như quan sát, bắt mạch, kê đơn. Dược liệu chủ yếu vẫn là các cây thuốc sẵn có trong tự nhiên hoặc có nguồn gốc từ một số loại động vật, được bào chế bằng các phương pháp thủ công truyền thống.
Việc bào chế thuốc cũng như việc khám chữa bệnh của họ dựa rất nhiều vào kinh nghiệm tích luỹ được cùng với những bài thuốc gia truyền được bổ sung thêm từ đời này sang đời khác. Sự xuất hiện của những thầy lang, thầy thuốc làm nghề chuyên nghiệp đã làm tình hình chữa bệnh được cải thiện thêm nhiều. Nhiều người có kinh nghiệm hay có những bài thuốc khá độc đáo chữa được một số bệnh nan y thời bấy giờ như: trúng độc, rắn độc cắn, gẫy xương, kiết lỵ, phong hàn, một số chứng bệnh về dạ dày, gan, thận,... Trong các tổng, huyện hay một vùng thường có một vài thầy lang, thầy thuốc chữa bệnh khá nổi tiếng.
Song ngay từ thời phong kiến, ở Hà Nam cũng đã có những làng làm nghề y, dược được nhiều nơi biết đến. Từ thế kỷ XVII ở thôn Nhã Lai, xã Khả Trang huyên Bình Lục, phủ Lý Nhân (nay thôn An Thái, xã An Mỹ, huyện Bình Lục) đã có nghề chuyên chữa trị bệnh phụ khoa, bệnh vô sinh ở phụ nữ. Làng nghề này chữa bệnh theo phương châm Nam dược trị nam nhân mà Tuệ Tĩnh đã khởi xướng từ thế kỷ XIV. Tuy các bài thuốc được bào chế sử dụng rất đa dạng song người ta vẫn nhận thấy là từ một nguồn gốc có tính gia truyền.
Người tạo lập ra nghề này ở thôn An Thái là vợ chồng cụ Thái Văn Lập và Nguyễn Thị Lệ. Cụ Lập quê ở Quang Tó, huyện Thanh Oai (Hà Tây), là một nho sinh nghiên cứu về y học dân tộc. Cụ rời quê đến lập nghiệp ở Khả Trang bằng nghề dạy học và làm thuốc theo kiểu nho y kết hợp chuyên về điều trị bệnh phụ khoa. Còn cụ bà Nguyễn Thị Lệ quê ở làng Lương Ý xã Cổ Trang (nay là thôn Lương Ý, xã Mỹ Tho, huyện Bình Lục). Cụ bà là mụ vốn nổi tiếng trong vùng. Hai cợ chồng cụ đã cùng nhau nghiên cứu điều trị bệnh phụ khoa để điều trị bệnh vô sinh của nữ. Nhưng hai cụ lại không có con trai nên truyền cho con giái. Sau này việc truyền nghề cho con giá trở thành truyền thống của làng, mãi gần đây mới được truyền cho con dâu.
Hà Nam hiện nay còn nhiều lương y với những bài thuốc gia truyền nổi tiếng như lương y Đỗ Văn Quyền và lương y Lại Văn Xứng cùng ở thị xã Phủ Lý.
Lương y Đỗ Văn Quyền có bài thuốc gia truyền từ hiệu thuốc Quảng Thành đã bốn đời truyền lại đến nay khoảng 150 năm chuyên trị các bệnh tiêu hóa cho trẻ em rất có hiệu quả, thậm chí nhiều ca bệnh nan y đã dược chữa khỏi.
Lương y Lại Văn Xứng theo nghề gia truyền của dòng họ có bài thuốc nổi tiếng điều trị bệnh gãy xương, bong gân, sai khớp, viêm khớp.
Trên đất Hà Nam cũng có nhiều loại cây làm thuốc và dược liệu có giá trị, nhất là ở các vùng rừng núi phía tây bắc thuộc huyện Kim Bảng, Thanh Liêm. Các loại dược liệu như cây bách bộ, hoài sơn, sâm nam, cam thảo, ích mẫu, bạc hà hay các dược kiệu từ mật gấu, mật ong, mỡ trăn… là những dược liệu quý để chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Riêng cây bách bộ ở Việt Nam có 6 loài thì đều có ở Hà Nam. Trong đó có 3 loài leo quấn, thường gọi là bách bộ thân dây. Chiều dài của thân từ 2-10m, củ mẫm chiều dài củ từ 60-100cm, màu trắng ngà, có lõi giữa đường kính củ từ 1,5-2cm. Củ chùm, mỗi chùm có từ 30-100 củ. Từ lâu nhân dân đã dùng củ của loài bách bộ này để trị ho và giun đũa. Loài bách bộ thân đứng có đặc điểm chung là thân đứng, chiều cao của thân từ 20 đến 40cm, có thể phân nhánh hoặc không phân nhánh tuỳ loài. Củ chùm mỗi chùm tới 10 củ, mỗi củ dài tới 20cm, đường kính củ to nhất tới 5cm, da củ màu trắng ngà, có lõi giữa. Nhân dân dùng củ này để trừ mối.
Đặc biệt, ở Hà Nam còn có một loài bách bộ mới được phát hiện thấy lần đầu tiên ở Việt Nam. Loài này có thân đứng, chiều dài tối đa khoảng 80cm, da màu xanh lục. Cây có dạng bụi, phân nhánh từ gốc, mỗi bụi có từ 4-6 nhánh và là loại thực vật thường xanh lâu năm, thường có ở ven suối, nơi có nhiều sỏi cát và dưới tán cây. Củ chùm, mỗi chùm có từ 8 đến 15 củ, dài tối đa là 60cm, thon hai đầu, da củ màu xám tro, có lõi giữa. Loài bách bộ này hiện đang được nghiên cứu và có khả năng điều chế các chất dẫn xuất ngăn ngừa ung thư máu và gan. Ngoài ra, ở Hà Nam còn có nhiều loại cây dược liệu khác mà từ xưa đã được dùng khá phổ biến trong việc chăm sóc sức khoẻ, chữa các loại bệnh thông thường trong dân cư.
Đến thời Pháp thuộc, việc chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ của dân cư ở Hà Nam vẫn chủ yếu theo các cách thức truyền thống. Tuy nhiên, do giao lưu kinh tế, văn hoá giữa các địa phương, các vùng ngày càng mở rộng nên các kinh nghiệm phòng chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cũng có sự giao thoa rộng rãi hơn. Trước năm 1930, người Pháp đã xây dựng ở Hà Nam một bệnh viện quy mô khoảng 20 - 30 giường bệnh với 4 dãy nhà chia thành các khu: Khu khám bệnh, khu điều trị cho đàn ông, khu điều trị cho đàn bà, phòng mổ, phòng băng bó và khu hộ sinh. Một số phương pháp chữa bệnh tây y và thuốc tây dược bắt đầu được du nhập và sử dụng vào điều trị bệnh. Tuy vậy, cơ sở và thiết bị y tế vẫn rất nghèo nàn, ít ỏi. Cả bệnh viện mới có một bác sỹ người Pháp.
Từ năm 1930 trở đi, mỗi huyện mới có một trạm xá với một y tá và một nữ hộ sinh. Năm 1932 mới huấn luyện được 32 bà mụ đỡ đẻ phân phối về các làng đông người. Song nhìn chung, bệnh viện và các cơ sở y tế này chủ yếu phục vụ người có quyền lực và giàu có, trạm xá làm nhiệm vụ phát thuốc và tiêm. Lực lượng y tế mỏng, không đủ khả năng phòng ngừa, ngăn chặn các loại dịch bệnh. Vệ sinh phòng bệnh và sức khoẻ của người dân không được chăm lo. Đa số nhân dân trong tỉnh sử dụng nước sinh hoạt từ sông ngòi, ao đầm. Nhiều dịch bệnh lớn phát sinh đe dọa cuộc sống của người dân nghèo khổ.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, công tác y tế, vệ sinh phòng bệnh được quan tâm và phát triển. Ngày 14-9-1947, Hội Hà Nam Y Dược được thành lập. Hội tiến hành nghiên cứu cây thuốc nam thay cho thuốc bắc và thuôc tây dược, phục vụ cho nhu cầu chữa bệnh của nhân dân. Hội có hơn 1.000 hội viên ở khắp các cơ sở trong tỉnh. Sau một thời gian hoạt động, hội đã bào chế được 142 loại thuốc chuyên trị các bệnh đau mắt, tả, lỵ, ghẻ, lở, đau bụng phục vụ nhân dân với giá cả phù hợp.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ngành y tế cũng tăng cường hoạt động, tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh, tổ chức tiêm phòng, hướng dẫn cách dùng thuốc, xây dựng nhiều trạm xá. Toàn tỉnh đã xây dựng được 11 nhà hộ sinh, mỗi huyện có một y tá. Hội bảo trợ hài nhi, sản phụ được thành lập để giúp đỡ sản phụ nghèo và cùng với ngành y tế đào tạo được 67 nữ hộ sinh. Trong thời kỳ này, do điều kiện sống, sinh hoạt khó khăn nên ở nhiều nơi trong tỉnh xuất hiện bệnh đậu mùa. Để dập tắt dịch, ở các huyện, cán bộ y tế tích cực phát thuốc, tiêm phòng. Tỉnh còn mở nhiều lớp đào tạo cán bộ cho ngành y tế, xây dựng được một số nhà hộ sinh, chữa khỏi cho nhiều phụ nữ bị bệnh do tội ác của địch gây ra.
Thời kỳ 1954 - 1965, với tinh thần “chữa bệnh như cứu đói”, tỉnh đã chỉ đạo ngành y tế Hà Nam sử dụng mọi phương tiện, thuốc men tập trung cứu chữa cho hàng ngàn người mắc các bệnh sốt rét, tả, lỵ, da liễu. Kịp thời dập tắt các đợt dịch cúm ở Bình Lục, Ý Yên, dịch sởi ở Kim Bảng, Ý Yên và gần 12.000 người mắc bệnh tả, thương hàn ở thị xã Phủ Lý và một số huyện. Phong trào vệ sinh phòng bệnh được phát động rộng rãi và đã đạt được kết quả bước đầu.
Năm 1958 Bộ Y tế tặng cờ vệ sinh phòng bệnh khá nhất cho xã Yên Hà. Ở đây cứ 41 người có 1 cán bộ y tế hoặc vệ sinh viên, 4 nhân khẩu có 1 bể hoặc chum vò vại chứa nước, 5 người có 1 hố xí hợp vệ sinh. Nhân dân có thói quen uống nước chín. Đến năm 1960, Hà Nam có 7 xã thuộc huyện Duy Tiên, 11 xã thuộc Lý Nhân và 8 xã thuộc Bình Lục đã nghiên cứu chỉ thị của Trung ương về phát động phong trào thể dục vệ sinh. Hầu hết các xã đã đắp được đường rộng 3 thước. Nhân dân phá hàng trăm hố xí cũ để xây lại theo quy cách mới, hợp vệ sinh.
Năm 1962 trạm vệ sinh phòng dịch của tỉnh được thành lập. Thời kỳ này các cơ sở đông y dược tư nhân đưa vào tổ chức hợp doanh và hợp tác xã (HTX). Mạng lưới y tế được củng cố và mở rộng. Bệnh viện tỉnh hoàn thành và đưa vào sử dụng gồm 200 giường bệnh. Trong 3 năm (1958 - 1960), toàn tỉnh xây dựng được 118 trạm y tế dân lập, 3.434 tủ thuốc của HTX gấp 5,5 lần so năm 1957. Xây dựng 10 cơ sở quỹ y tế dân lập. Các chi hội Đông y dược được thành lập, bước đầu áp dụng Đông - Tây y kết hợp trong phòng bệnh và chữa bệnh.
Ngành y tế cũng đã đào tạo, bồi dưỡng cho 1.719 cán bộ y tế, trong đó có 61 thày thuốc chuyên khoa mắt. Việc khám và điều trị cho nhân dân có rất nhiều tiến bộ, hạn chế tử vong. Các bệnh sốt rét, đau mắt hột, lao từng bước được khắc phục. Phong trào vệ sinh phòng dịch đã đi vào chiều sâu nhất là phong trào sạch đường làng ngõ phố, tốt ruộng đồng đã căn bản giải quyết tình trạng mất vệ sinh về phân, nước, rác. Ý thức ăn chín, uống sôi, ở vệ sinh, dùng nước sạch trở thành nếp sống mới trong nhân dân. Đã có 80% số xã có phong trào làm hố xí 2 ngăn. Toàn tỉnh làm 1.977 giếng nước ăn, trong đó 7,8% là giếng khơi. Các xã Yên Hà, Mộc Bắc (Duy Tiên), Liên An (Bình Lục), Thanh Hà, Thanh Bình (Thanh Liêm), Khả Phong (Kim Bảng), Chính Lý và Nhân Hậu (Lý Nhân) là những điển hình về phong trào vệ sinh của tỉnh. Đến năm 1960 có 90% số dân trong tỉnh được chủng đậu và tiêm phòng dịch bệnh.
Những đợt dịch bệnh xảy ra được dập tắt kịp thời. Công tác vệ sinh phòng bệnh và bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em được coi trọng. Việc nghiên cứu và sử dụng dược liệu hiện có của địa phương để điều trị bệnh cũng được mở rộng. Phong trào xây dựng các công trình vệ sinh tiếp tục được nhân dân đầu tư. Nhiều nhà hộ sinh, nhà trẻ được xây mới.
Năm 1963, mạng lưới y tế vệ sinh tiếp tục được mở rộng. Ngành đã tăng cường hướng dẫn phòng và chữa bệnh cho nhân dân, nhất là các bệnh phát sinh theo mùa, nhanh chóng dập tắt dịch bệnh. Nhân dân đã đào được 2.202 giếng khơi, làm 15.553 nhà tiêu hợp vệ sinh. 24.600 cháu được tiêm phòng, 24.000 người được chủng đậu. Y tế các cấp đã khám chữa bệnh cho 55.000 người, điều trị cho 16.180 người, chữa khỏi bệnh cho 55.000 người. Năm 1964, ngành y tế đã tổ chức tiêm phòng tả, thương hàn, bại liệt, bạch hầu cho hàng chục nghìn trẻ em. Ngành cũng đã đào tạo và bồi dưỡng được 42 y sĩ, 71 y tá hộ sinh, 113 người làm công tác y tế. Đây là lực lượng quá độ để làm cơ sở cho phát triển y tế sau này. Vào thời điểm này 94% số xã trong tỉnh đã xây dựng trạm y tế hộ sinh.
Giai đoạn 1965 - 1975 là giai đoạn chiến tranh phá hoại miền Bắc (1965- 1968) và 1971 - 1972. Y tế Hà Nam tiếp tục củng cố mạng lưới y tế xã. Gần 100% trạm xá xã có y sĩ phụ trách, số bệnh viện, giường bệnh tăng nhanh, phong trào làm 3 công trình vệ sinh: giếng nước, nhà tắm và hố xí phát triển. Các xã ở Duy Tiên đã xây dựng được phòng khám phụ khoa. Các xã Nhân Bình, Nhân Mỹ (Lý Nhân) trở thành điểm điển hình về công tác y tế cơ sở, làm tốt công tác cấp cứu phòng không, bào chế các bài thuốc nam thông thường phát không cho nhân dân. Trạm y tế xã Đại Cương (Kim Bảng) trở thành lá cờ đầu của y tế cơ sở toàn miền Bắc trong công tác khám, điều trị, xây dựng phong trào và chữa bệnh bằng thuốc nam. Thời kỳ này bình quân cứ 1 vạn dân có 4,8 y, bác sĩ và 28,7 giường bệnh. Công tác bảo vệ bà mẹ, trẻ em được chú ý, đã khám thai cho 86.305 người và khám phụ khoa cho 108.890 lượt người.
Giai đoạn từ 1986 đến nay sự nghiệp y tế tiếp tục được củng cố và phát triển cả về mạng lưới, cơ sở vật chất kỹ thuật lẫn đội ngũ cán bộ phục vụ khám chữa bệnh. Theo thống kê năm 1991, toàn tỉnh có 137 cơ sở y tế gồm các bệnh viện tỉnh, huyện, phòng khám đa khoa khu vực, trạm điều dưỡng, trại phong và trạm y tế xã, phường. Năm 1993 tăng hai phòng khám đa khoa khu vực, nâng tổng số cơ sở y tế lên 139 và năm 2000 con số này là 144. Tổng số giường bệnh năm 1991 toàn tỉnh có 2.169 giường, năm 1995 là 2.027, năm 1999 là 2.152 giường và năm 2001 tăng lên 2.217 giường.
Số cán bộ y tế cũng tăng qua các năm: năm 1991 có 1.121 người, năm 1995 có 1.594 người, năm 2001 có 1.744 người trong đó ngành y bác sĩ và trên đại học có 308 người, y sĩ kỹ thuật viên có 544 người, y tá và hộ lý 624 người. Ngành dược có 268 người, trong đó dược sĩ cao cấp 68 người, dược sĩ trung cấp 59 người và dược tá 141 người. Hiện nay 116/116 xã, phường đều có trạm y tế, nhiều trạm đã có y, bác sĩ và kỹ thuật viên y tế.
Kết quả khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân những năm gần đây được nâng cao rõ rệt. Năm 1997, ngành y tế đã tổ chức thực hiện các chương trình y tế quốc gia, 12 chương trình chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Trong năm không có dịch lớn xảy ra, duy trì thực hiện tốt các đợt tiêm chủng: tiêm chủng mở rộng đạt 98,6%; tiêm phòng cho phụ nữ có thai đạt 80%; tổ chức điều trị bệnh nhân sốt rét được 16.600 lượt người đạt 127%, không có tử vong do sốt rét. Trong năm tổ chức tốt chương trình phòng chống các rối loạn do thiếu Iốt, tỷ lệ gia đình dùng muối lốt ở các xã miền núi đạt 94% và các xã đồng bằng là 100%. Công tác bảo vệ bà mẹ trẻ em - KHHGĐ đã kiện toàn tổ chức từ tỉnh đến cơ sở, phối kết hợp với các ban ngành hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 1997 chủ yếu như số lần khám phụ khoa đạt 101%, khám thai đạt 99,7%, đặt vòng đạt 91,7%, uống thuốc tránh thai đạt 216% so với kế hoạch đề ra. Số lần khám bệnh cho nhân dân toàn tỉnh đạt 107,8%, ngày điều trị nội trú đạt 96,5%, công suất giường bệnh tuyến tỉnh đạt 96,3%, tuyến huyện đạt 97%.
UBND tỉnh cũng đã phê duyệt dự án xây dựng trung tâm y tế dự phòng, trung tâm bảo vệ bà mẹ trẻ em- KHHGĐ, Trung tâm Da liễu, Trung tâm Phòng chống mù loà, Trung tâm Kiểm dịch dược phẩm, Bệnh viện Lao và trụ sở mới của Sở y tế tỉnh.
Năm 1998 trên địa bàn tỉnh không có dịch lớn nào xảy ra. Bệnh thương hàn, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản B tản phát ở một số huyện đã được phát hiện và dập tắt kịp thời. Các chương trình y tế quốc gia, chăm sóc sức khoẻ bảo đảm duy trì và mở rộng đạt 98,7%, tỷ lệ uống vitamin A và vác xin bại liệt đạt 100%, 87% phụ nữ có thai được tiêm phòng uốn ván. Nếu năm 1997 trên địa bàn tỉnh phát hiện được 4 trường hợp nhiễm HIV thì năm 1998 con số này là 15 ca. Công tác chăm sóc bảo vệ bà mẹ trẻ em - KHHGĐ tiếp tục hoạt động có hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 32%.
Công tác khám chữa bệnh có những tiến bộ rõ rệt. Bệnh viện tuyến tỉnh, huyện được nâng cấp cơ sở cũng như trang thiết bị, những quy chế về chuyên môn, về quản lý bệnh viện được thực hiện khá tốt. Đã từng bước nâng cao chất lượng khám và điều trị, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, những ý kiến phàn nàn của người bệnh ngày càng giảm. Công suất sử dụng giường bệnh tuyến tỉnh đạt 97,8%, tuyến huyện đạt 95%. Thực hiện thu một phần viện phí.
Cũng năm 1998, ngành đã khám và điều trị miễn phí cho trẻ em dưới 5 tuổi và người nghèo số tiền là 549.270.000 đồng. Công tác dược đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho phòng, chữa bệnh với chất lượng đảm bảo, giá cả phù hợp. Năm 1998 tổng giá trị sản xuất thuốc đạt 16 tỷ đồng. Ngành cũng thường xuyên kiểm tra giám sát chất lượng thuốc trên địa bàn.
Đến năm 1999, ngành y tế tỉnh đã kiện toàn tổ chức từ tuyến tỉnh đến y tế cơ sở theo nghị định 01/CP của Chính phủ ngày 5-1-1998. Thực hiện quản lý ngành một cách toàn diện, từ đó tập trung được các nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí tạo nên sức mạnh to lớn để phát huy nội lực trong quá trình chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ. Y tế xã, thôn, xóm được củng cố và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động.
Công tác phòng chống dịch bệnh được chú trọng và tập trung chỉ đạo, trong năm không có dịch lớn xẩy ra, không có ngộ độc thức ăn, không có tử vong do sốt rét. Các chương trình y tế quốc gia, chăm sóc sức khỏe ban đầu duy trì có hiệu quả: tiêm chủng mở rộng đạt 98,7%, tiêm AT cho phụ nữ có thai đạt 94,25%. Chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng lên, công suất sử dụng giường bệnh toàn tỉnh đạt 92,3%. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi còn 34,9%. Trong năm không có tử vong mẹ. Tai biến sản khoa giảm rõ rệt, không có tai biến vỡ tử cung. Đảm bảo an toàn các dịch vụ KHHGĐ. Các cơ sở dược đã cung ứng đủ nhu cầu thuốc đảm bảo chất lượng, thống nhất giá xuất thuốc cho các đơn vị khám chữa bệnh trong toàn tỉnh. Đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, thực hiện miễn phí cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi.
Năm 2000 cũng không có dịch bệnh lớn nào xảy ra trên địa bàn tỉnh. Công tác tiêm chủng mở rộng đạt 98,9%, tiêm vắc xin phòng viêm gan B đạt 98%, tiêm phòng bệnh cho phụ nữ có thai đạt 93,5%. Tỷ lệ hộ gia đình dùng muối i- ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh là 90%. Các cơ sở y tế đã khám và điều trị cho 4.637 lượt người có các rối loạn do thiếu lốt, 100% các cơ sở y tế xã có đủ phác đồ và thuốc điều trị sốt rét miễn phí. Trong năm không có tử vong do sốt rét. Việc phòng chống dại: Đã tiến hành tiêm cho 1.598 lượt người nghi bị bệnh súc vật dại cắn vì vậy không có bệnh nhân nào mắc bệnh dại.
Về khám chữa bệnh, tuyến tỉnh khám và điều trị cho 121.847 lượt bệnh nhân bằng 104,5%, tuyến huyện khám và đều trị cho 1.076.000 lượt bệnh nhân bằng 107,6%. Tổng số ngày điều trị tuyến tỉnh đạt 98,3%, tuyến huyện đạt 97,4%. Công suất sử dụng giường bệnh tuyến tỉnh đạt 98,3%, tuyến huyện đạt 97,4%. Các cơ sở: Bệnh viên đa khoa, trung tâm y tế Bình Lục, Duy Tiên là những đơn vị có nhiều thành tích trong việc cứu chữa người bệnh. Trong quá trình điều trị đã hạn chế được các tai biến do nhiễm khuẩn, dùng thuốc. Công tác đình sản - KHHGĐ: Có 520 ca đình sản, 21.615 ca đặt vòng mới đạt 108%, 17.629 người sử dụng bao cao su đạt 106,5%, 12.681 người sử dụng viên thuốc tránh thai đạt 105,4%. Tỉ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai là 72,5% tăng 4% so 1999. Năm 2000 tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên là 1,2%, tỷ lệ giảm sinh đạt 0,6%, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm 2%. Trong năm uỷ ban Dân số kế hoạch hoá gia đình đã cung cấp 1.059 gói đẻ sạch, cung cấp viên sắt và tư vấn khám thai cho 1.059 bà mẹ mang thai, khám phụ khoa cho 18.408 lượt người bằng 107%.
Cũng trong năm 2000, Hà Nam tổng kết 10 năm phòng chống đại dịch HIV/AIDS (1991 - 2000). Nếu như năm 1996, Hà Nam mới phát hiện 1 trường hợp nhiễm HIV thì đến năm 2000, con số này là 204, trong đó có 4 trường hợp tử vong. 74% thanh niên trong độ tuổi từ 20-29 mắc căn bệnh này trong số 204 trường hợp nhiễm HIV chủ yếu là do tiêm chích ma túy, đi làm ăn xa và phần đông là đối tượng phạm nhân đang thụ án trong trại giam. Cũng ở thời điểm này Hà Nam có 39 xã, phường, thị trấn có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cao.
Năm 2001 ngành y tế Hà Nam có 10 sự kiện nổi bật, đó là:
1. Không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn, không có ngộ độc thức ăn.
2. Tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết được chế độ bảo hiểm xã hội cho cán bộ công tác tại trạm y tế cơ sở.
3. Chất lượng khám chữa bệnh và y đức không ngừng nâng lên.
4. Tập trung đầu tư trang thiết bị từ tỉnh đến cơ sở.
5. Làm tốt công tác đào tạo đội ngũ cán bộ: Tuyển sinh đào tạo lớp điều dưỡng trung học đầu tiên của tỉnh, đào tạo cho cán bộ y tế cơ sở, giải đi đào tạo thạc sỹ, chuyên khoa I, II và bác sĩ chuyên tu cho tuyến xã.
6. Hoạt động y tế cơ sở có nề nếp, đồng đều chất lượng ngày một nâng cao.
7. Xây dựng xong chiến lược CSSKND giai đoạn 2001-2010 của tỉnh. Xây dựng kế hoạch CCSKSS giai đoạn 2001-2005. Xây dựng kế hoạch quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2001-2005.
8. Hạ thấp tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi còn dưới 30%.
9. Duy trì thực hiện tốt các mục tiêu y tế quốc gia. Duy trì tốt kết quả thanh toán bại liệt và loại trừ bệnh phong.
10. Đảm bảo đủ thuốc thiết yếu không có thuốc giả lưu hành trên địa bàn.
Cũng trong năm 2001, Hà Nam tổng kết 10 năm (1991-2000) công tác phòng chống sốt rét qua 10 năm, số người mắc sốt rét ngoại lai liên tục giảm (số người mắc sốt rét năm 2001 giảm 81% so với năm 1991 và giảm 45% so với năm 1995). Năm 2000 tỷ lệ người mắc sốt rét/1.000 dân là 1,7, số người mắc sốt rét nặng, sốt rét ác tính thấp (mỗi năm chỉ có một vài bệnh nhân). Trong 10 năm Hà Nam không có sốt rét nội địa và không có dịch sốt rét. Trong 8 năm liên tục từ 1993-2000 Hà Nam không có tử vong do sốt rét.
Công tác giám sát bệnh nhân ở cả 3 tuyến đều làm tốt nên đã quản lý và phát hiện kịp thời bệnh nhân mang ký sinh trùng sốt rét. Toàn tỉnh có 61% số xã, 100% phòng khám đa khoa khu vực có bác sĩ để khám và điều trị bệnh nhân và triển khai các hoạt động phòng chống sốt rét được cung cấp và sử dụng tại các trạm y tế đều được cung cấp miễn phí. Việc phun tẩm hoá chất diệt muỗi nhằm bảo vệ cho nhân dân không ngừng tăng qua các năm (năm 1997 số dân được bảo vệ là 38.000 người; năm 2000 là 100.201 người).
Năm 2002 ngành y tế tiếp tục trong thế ổn định và phát triển khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Toàn ngành đã hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch. Trong năm không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn, không có sốt rét ác tính và chết do sốt rét. Các chương trình y tế quốc gia tiếp tục được duy trì và nâng cao chất lượng. Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt hơn 98,7%, cho trẻ uống vitamin A đạt 100%. Tình trạng sức khoẻ bà mẹ trẻ em được cải thiện tốt hơn. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 27,5%.
Ngành Y tế Hà Nam đã làm tốt công tác quản lý các bệnh xã hội như lao, bệnh phong, tâm thần và mổ giải phóng mù loà cho bệnh nhân. Tiếp tục duy trì kết quả thanh toán bệnh bại liệt và loại trừ bệnh phong. Công tác vệ sinh phòng bệnh đã được tăng cường, chất lượng hoạt động khá hơn. Nhận thức về vệ sinh phòng bệnh của người dân được nâng lên rõ rệt. Chất lượng khám chữa bệnh tốt hơn, bệnh nhân đến các cơ sở y tế điều trị ngày một đông hơn. Công suất sử dụng giường bệnh đạt 95%. Đã áp dụng một số kỹ thuật cao trong điều trị, hạn chế chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Tinh thần điều trị, hạn chế chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Tinh thần thái độ phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn. Thuốc phục vụ cho phòng bệnh và chữa bệnh được đáp ứng đầy đủ. Không phát hiện có thuốc giả trên địa bàn.
Chất lượng hoạt động của y tế cơ sở được nâng lên rõ rệt về quản lý điều hành và thực hiện chuyên môn. Đội ngũ cán bộ tiếp tục kiện toàn cả về số lượng và chất lượng. Phong trào học tập đã phát triển mạnh mẽ nhất là y sỹ đi học bác sĩ để về công tác tại trạm y tế xã. Tỷ lệ bác sĩ công tác tại trạm đạt 60%. Trong năm 2002 ngành đã tiến hành 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, nhiều đề tài cấp ngành và cấp cơ sở, đồng thời tham gia một số đề tài cấp bộ. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ y tế còn thiếu nhất là cán bộ dược sĩ đại học, bác sĩ xã, các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường còn nhiều vấn đề bức xúc.
Mạng lưới y tế cơ sở hiện nay đã từng bước được củng cố và hoàn thiện, đã thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân. Việc xã hội hoá công tác chăm sóc sức khoẻ được các cấp, các ngành quan tâm. Các chương trình mục tiêu y tế Quốc gia triển khai đạt chất lượng cao; không để dịch lớn xảy ra, giảm tỷ lệ mắc bệnh và chết do các bệnh dịch nguy hiểm gây nên; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em và chết mẹ. Chất lượng khám chữa bệnh đã được nâng lên, đã thanh toán bại liệt, loại trừ bệnh phong, đội ngũ cán bộ y tế được quan tâm đào tạo, đào tạo lại nhằm không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dần được hoàn thiện; sức khoẻ người dân dần được nâng lên. Điều đó được thể hiện qua các số liệu sau:
Nhân lực tuyến huyện/thị.
Đội ngũ cán bộ y tế theo huyện/thị
Đội ngũ cán bộ | Số lượng | Tỷ lệ (%) |
Bác sỹ | 133 | 24,50 |
Y sỹ | 163 | 30,00 |
Dược sỹ trung học | 14 | 2,60 |
Dược tá | 11 | 2,00 |
Y tá trung cấp | 111 | 20,44 |
Nữ hộ sinh trung học | 27 | 5,00 |
Đại học, trung học khác | 21 | 3,90 |
Công chức khác | 63 | 11,60 |
Cộng | 543 | 100 |
Nhìn chung đội ngũ cán bộ tương đối ổn định về số lượng, chất lượng nhưng cơ cấu chủng loại chuyên môn không cân đối: cán bộ có trình độ chuyên môn sâu còn ít, nhất là bác sỹ chuyên khoa cấp 1 (có 24), thiếu dược sỹ đại học, số cán bộ y sỹ chiếm tỷ lệ cao (28%), cán bộ y tá trung cấp, nữ hộ sinh trung cấp còn thấp (4,64%), một số trung tàm y tế không có bác sỹ chuyên khoa sản nhi do vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám chữa bệnh và chỉ đạo chuyên môn kỹ thuật cho tuyến trước.
Nhân lực tuyến y tế xã/phường
Tình hình nhân lực y tế xã, phường
Huyện/thị | Số xã | Xã có bác sỹ | Xã có nữ hộ sinh y sỹ sản nhi | Xã có dược tá kiêm nhiệm | Xã có y học cổ truyền | Tổng số thôn | Nhân viên y tế thôn, xóm |
Thanh Liêm | 20 | 20 | 20 | 30 | 3 | 191 | 212 |
Bình Lục | 21 | 9 | 21 | 21 | 6 | 254 | 268 |
Duy Tiên | 21 | 7 | 21 | 21 | 0 | 184 | 210 |
Kim Bảng | 19 | 13 | 19 | 19 | 3 | 198 | 167 |
Lý Nhân | 23 | 20 | 23 | 23 | 3 | 334 | 334 |
TX. Phủ Lý | 12 | 4 | 12 | 12 | 0 | 152 | 174 |
Toàn tỉnh | 116 | 73 | 116 | 116 | 15 | 1.313 | 1.365 |
Tổ chức y tế cơ sở tuyến xã, phường hiện nay đang thực hiện theo quyết định 58/TTg ngày 03/02/1994 của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy không có biên chế cho cán bộ làm công tác y học cổ truyền và công tác dược. Đến nay tỷ lệ xã có bác sỹ công tác tại trạm y tế là 63%. 100% số xã có nữ hộ sinh trung học hoặc y sỹ sản nhi, 95% số xã có dược tá hoặc dược tá kiêm nhiệm, 15,5 % số xã có lương y hoặc y sỹ đa khoa. Hiện nay có 1.365 y tế thôn, song tỷ lệ số thôn có nhân viên y tế đạt 1.268/1.313 (96,6%) huyện Kim Bảng còn 33 thôn chưa có nhân viên y tế. Tổ dân phố chưa có cán bộ y tế. Tỷ lệ cán bộ y tế xã có trình độ sơ cấp còn chiếm tỷ lệ cao. Bên cạnh đó cán bộ tuổi cao tương đối nhiều. Trình độ quản lý và tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương, của trưởng trạm y tế còn hạn chế. Bác sỹ xã chưa phát huy được nghiệp vụ, chuyên môn với khả năng đào tạo của mình.
Đội ngũ cán bộ làm công tác y tế đã được nâng lên thông qua công tác tổ chức đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như tổ chức quản lý. Tính đến năm 2000:
- Tỷ lệ bác sỹ/10.000 dân: 3,91.
- Tỷ lệ dược sỹ đại học/10.000 dân: 0,5.
- Tỷ lệ bác sỹ công tác tại trạm y tế và bác sỹ tăng cường đạt: 63,2 %.
- Tỷ lệ trạm y tế có dược tá kiêm nghiệm: 75%.
- Tỷ lệ nữ hộ sinh trung học, y sỹ sản nhi tại trạm y tế: 100%.
- Tỷ lệ cán bộ y tế thôn bản: 96,68%.
- Hành nghề y tư nhân có giấy phép: 63 người.
- Hành nghề dược sỹ có giấy phép: 174 người.
- Hành nghề y học cổ truyền dân tộc có giấy phép: 79 người.
Với chế độ chính sách hiện nay cán bộ y tế còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu biên chế cho cán bộ y học cổ truyền và dược. Cán bộ y tế chưa được là cán bộ công chức. Bác sỹ xã chưa phát huy được do thiếu phương tiện trang thiết bị điều kiện làm việc và cung cấp thông tin. Chế độ tiền lương thấp, không có chế độ đặc thù... Số cán bộ có thời gian công tác liên tục trên 20 năm (tính trước năm 1995) đến tuổi nghỉ hưu chưa được giải quyết chế độ nghỉ bảo hiểm xã hội.
Trang thiết bị y tế huyện/thị.
Trung tâm y tế huyện/thị đã được trang bị hầu hết các trang thiết bị cơ bản như: Máy Xquang, siêu âm, máy điện tim, máy tạo ôxi, máy gây mê, sinh hoá... nhưng số lượng chủng loại còn thiếu, chưa đồng bộ, nhất là các dụng cụ khám chuyên khoa như mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng... Hiện nay chưa bệnh viện của trung tâm y tế nào có lò đốt xử lý chất thải rắn và hệ thống xử lý chất thải lỏng.
Theo quyết định số 437/QĐ - BYT ngày 20/02/2002 của Bộ Y tế quy định TTB y tế huyện/thị về chủng loại, số lượng trang thiết bị của các trung tâm y tế chưa đảm bảo đầy đủ.
Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị tuyến xã/phường.
Cơ sở hạ tầng đã có bước phát triển thông qua việc đầu tư của dự án dân số, nhiều xã có nhà mái bằng. Tuy vậy xã đạt chuẩn về quy mô, diện tích, thiết kế phòng chưa nhiều, nhà cửa chưa đảm bảo để đạt chuẩn quốc gia. Số trạm cần phải sửa chữa một phần và xây dựng mới để đạt chuẩn là 91/116.
Huyện, thị | Số xã | Số trạm y tế cần xây mới | Số trạm y tế cần cải tạo | Số trạm y tế đạt chuẩn |
Duy Tiên | 21 | 0 | 20 | 1 |
Kim Bảng | 19 | 2 | 10 | 7 |
Lý Nhân | 23 | 0 | 19 | 4 |
Bình Lục | 21 | 1 | 11 | 9 |
Thanh Liêm | 20 | 0 | 16 | 4 |
TX.Phủ Lý | 12 | 1 | 11 | 0 |
Toàn tỉnh | 116 | 4 | 87 | 25 |
+ Tổng số trạm y tế đang bị xuống cấp cần xây dựng mới hoàn toàn là 4 trạm gồm:
- Bình Lục có 01 trạm: Trạm y tế thị trấn Bình Mỹ (hiện đang ở nhờ).
- Kim Bảng 02 trạm: Trạm y tế Ba Sao (phải chuyển địa điểm mới vì hiện tại trạm thuộc vùng phân lũ), trạm y tế Kim Bình (thuộc đất nhà chùa không phù hợp).
- Thị xã Phủ Lý có 01 trạm y tế phường Quang Trung (do diện tích quá trật hẹp)
+ Tổng số trạm cần phải sửa chữa một phần và xây dựng mới cho đủ số gian theo quy định của chuẩn Quốc gia về y tế xã của Bộ Y tế là 87 trạm y tế
+ Tổng số trạm y tế đăng kí đạt chuẩn quốc gia năm 2003 theo quy định của Bộ Y tế là 25 trạm.
- Bình Lục: Trạm y tế xã La Sơn, Đồng Du, Bình Nghĩa, Tràng An, An Lão, An Đổ, An Mỹ, An Ninh, Hưng Công.
- Kim Bảng: Trạm y tế Thi Sơn, Thanh Sơn, Tượng Lĩnh, Nguyễn Uý, Đại Cương, Lê Hồ, Tân Sơn
- Duy Tiên: Trạm y tế xã Châu Giang.
- Thanh Liêm: Trạm y tế xã Thanh Tâm, Thanh Lưu, Liêm Túc, Liêm Sơn.
- Lý Nhân: Trạm y tế xã Nhân Chính, Đồng Lý, Đức Lý, Nhân Nghĩa.
Đặc biệt phòng sản, phòng khám phụ khoa của nhiều xã chưa đạt yêu cầu vệ sinh và chất lượng để hoạt động. Trang thiết bị cho tuyến xã mới đáp ứng nhu cầu tối thiểu, nhiều xã chưa có dụng cụ khám chuyên khoa. Trang thiết bị của tất cả các xã đều cần được cấp bổ sung. Tỷ lệ các trạm y tế có điện thoại là 57% (66/116).
Hiện nay công tác vệ sinh phòng bệnh của ngành Y tế Hà Nam đạt được thành tựu đáng kể. Trong nhiều năm không có dịch lớn và ngộ độc thức ăn lớn xảy ra. Các vụ dịch lưu hành như thương hàn, viêm não được khống chế. Đặc biệt các chương trình y tế Quốc gia được triển khai có hiệu quả. Đã thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, loại tiêm chủng mở rộng. Chương trình tiêm chủng mở rộng là chương trình được coi là thành công lớn nhất của việc thực hiện chương trình y tế tại cộng đồng. Đã xuất hiện mô hình về vệ sinh môi trường tại Lý Nhân, Kim Bảng.
Tuy vậy vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh lao động còn nhiều bức xúc. Tỷ lệ hố xí hợp vệ sinh mới đạt 37,4%, tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch là 52%. Nguy cơ tiềm ẩn các bệnh dịch (đặc biệt cần lưu ý các bệnh dịch lây qua đường tiêu hoá, HIV/AIDS, SARD), ngộ độc thức ăn vẫn rất cao do tập quán của người dân, ô nhiễm môi trường... tác động. Nhiều nơi chưa có hệ thống xử lý rác, hoá chất trừ sâu. Đặc biệt phân trâu bò còn ở đường làng. Số học sinh bị cận thị học đường còn chiếm tỷ lệ cao. Chương trình nha khoa đã triển khai tại các trường học, song các bệnh về răng miệng trong học sinh còn khá phổ biến do chưa thay đổi được hành vi trong cách bảo vệ răng miệng. Phần lớn nhà trường chưa có cán bộ y tế hoặc chưa thực hiện phối hợp với y tế xã chăm lo bảo vệ sức khoẻ cho học sinh. Chưa triển khai được chương trình phòng chống tai nạn, thương tích trong cộng đồng.
Chất lượng khám chữa bệnh đã nâng lên, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại y tế cơ sở đông hơn. Việc quản lý tại y tế cơ sở cũng như việc thực hiện các quy chế chuyên môn được duy trì, đạt hiệu quả thông qua tăng cường công tác tự kiểm tra của đơn vị cũng như của ngành như quy chế trực cấp cứu 24 giờ/ ngày, người bệnh đến cấp cứu đã được khẩn chương khám xét, xử lý kịp thời, quy chế thực hiện chăm sóc người bệnh toàn diện có phân công cụ thể cho từng bác sĩ, y tá điều dưỡng, hộ lý; thực hiện quy chế chống nhiễm khuẩn;... Y đức của cán bộ y tế được nâng lên, giảm bớt sự kêu ca phàn nàn của người bệnh. Những đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em được quan tâm đúng mức, một số huyện đã tổ chức khám và quản lý sức khoẻ cho các cụ trên 80 tuổi. Song công tác khám chữa bệnh mới tập trung vào khám phát hiện và giải quyết được bệnh thông thường, tỷ lệ khám đạt 0,6 lần/người/năm...
Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng thực hiện 4/6 huyện nhằm phục hồi sớm, hạn chế di chứng tàn phế cho người bệnh (huyện Duy Tiên và thị xã Phủ Lý chưa triển khai)
Về y học cổ truyền, hiện nay mới có 18/116 xã có lương y hoặc y sỹ y học cổ truyền tại trạm y tế xã, 43 xã có cán bộ bổ túc kiến thức y học cổ truyền. Tuy nhiên 40% số trạm y tế có phòng chẩn trị đông y nhờ việc lồng ghép với chi hội đông y xã, phường. Tỷ lệ bệnh nhân được khám chữa bệnh bằng ghép hoặc phối hợp giữa y học hiện đại với ghép đạt > 20%. Hiện nay 97% số xã có vườn thuốc nam, song số xã đó mới đạt về diện tích, nhưng số lượng, cơ cấu cây thuốc còn ít.
Công tác chăm sóc sức khoẻ trẻ em được thực hiện tương đối tốt. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 7 loại vác xin (lao, sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B) đạt trên 98%. 100% trẻ em từ 6-36 tháng tuổi được uống vitamin A mỗi năm 2 lần. Trên 90% trẻ em dưới 2 tuổi được theo dõi tăng trưởng hàng tháng và trên 90% trẻ em 2 đến 5 tuổi được theo dõi tăng trưởng 2 lần/năm. Chương trình phòng chống ỉa chảy, nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính được triển khai ở tất cả các xã. Tuy vậy tỷ lệ trẻ em bị nhiễm giun đường ruột, các bệnh về răng miệng còn cao, do môi trường và ý thức vệ sinh kém.
Tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai 3 lần đạt trên 80%, trên 90% phụ nữ có thai được tiêm phòng uốn ván, 100% phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế, hoặc đẻ tại nhà nhưng có cán bộ y tế đỡ đẻ, tỷ lệ chết mẹ giảm hẳn còn 0,4%, tuy vậy tỷ lệ nạo phá thai còn cao, trẻ em dưới 05 tuổi suy dinh dưỡng 26%.
Ngành y tế Hà Nam đã cung cấp đầy đủ thuốc cho nhân dân, nhất là thuốc thiết yếu, đảm bảo chất lượng, phục vụ kịp thời cho công tác CSSKBĐ cũng như điều trị người bệnh, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn. Việc chấp hành quy chế dược chính của Bộ Y tế ban hành đã đi vào nề nếp. Làm tốt công tác kiểm định chất lượng thuốc, hạn chế tới mức thấp nhất thuốc giả, thuốc kém phẩm chất lưu hành trên địa bàn. Đến nay 100% số xã có tủ thuốc, thuốc đáp ứng cho người dân tới tận thôn xóm. Tuy vậy việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý còn yếu. Giá thuốc đang là vấn đề bức xúc hiện nay theo trào lưu chung của cả nước.
Dự phòng tích cực và chủ động là quan điểm xuyên suốt trong quá trình hoạt động của ngành y tế, được đẩy mạnh trên tất cả các lĩnh vực: Vệ sinh phòng bệnh, phòng chống dịch. Trong 5 năm qua trên địa bàn tỉnh Hà Nam không để dịch lớn xảy ra, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch được khống chế. Nhờ làm tốt công tác tiêm chủng mở rộng nhiều bệnh có vác xin tiêm chủng ở trẻ em được thanh toán hoặc loại trừ. Đặc biệt tỉnh Hà Nam được Nhà nước công nhận thanh toán bại liệt trong năm 2000.
Nhận thức của nhân dân về vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh dinh dưỡng được nâng lên. Tỷ lệ hộ gia đình dùng nước sạch là 52%, 100% trẻ em dùng muối lốt. Bệnh khô mắt ở trẻ em được loại trừ, tỷ lệ bướu cổ ở học sinh còn 21%.
- Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 98%, tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai đạt 95%.
- Tính đến năm 2000, đã giám sát phát hiện được 174 người nhiễm HIV (trong đó có 105 tù nhân là đối tượng tỉnh khác), tử vong 4 người.
- Trong 5 năm qua không có dịch sốt rét xay ra, không có tử vong do sốt rét.
Mạng lưới chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ BMTE - KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở được củng cố và hoạt động có hiệu quả. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 39% (năm 1996) xuống còn 32% (năm 2000), tỷ lệ trẻ sơ sinh có cân nặng < 2.500g giảm từ 9,6% xuống còn 6,8%, tỷ suất chết trẻ <1 tuổi giảm từ 9,4% xuống còn 8,9%, tỷ suất chết sơ sinh giảm từ 5,9% xuống còn 5,0%, tỷ suất chết trẻ < 5 tuổi giảm từ 13,2% xuống còn 12,6%, tỷ suất chết mẹ giảm từ 0,6% xuống còn 0,2%. Các tai biến sản khoa, bệnh phụ khoa giảm dần, sức khoẻ bà mẹ và trẻ em đã từng bước được cải thiện.
Hệ thống khám chữa bệnh được sắp xếp hợp lý. Trong 5 năm qua, chất lượng khám chữa bệnh đã được nâng lên, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện đông hơn. Việc chấp hành các quy chế bệnh viện được duy trì đạt hiệu quả. Thực hiện 12 điều quy định về y đức có nhiều tiến bộ. Thực hiện thu một phần viện phí, bảo hiểm y tế đúng đối tượng, đúng chính sách.
Công suất sử dụng giường bệnh ở tuyến tỉnh đạt từ 96,3% (năm 1996) lên 98,3% (năm 2000), tuyến huyện từ 42% lên 97,4%. Số lần khám bệnh, năm 1996 đạt trung bình khám 1,2 lần/người/năm đến năm 2000 đạt 1,5 lần/người/năm. Chương trình phục hồi chức năng được chú trọng triển khai không những tại bệnh viện mà còn được triển khai tại cộng đồng nhằm phục hồi sớm, hạn chế di chứng tàn phế cho người bệnh.
Công tác giám định y khoa đã làm đúng chế độ, đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng, đã giám định 5 năm được: 5. 580 người.
Ngành y tế đã duy trì thực hiện tốt công tác phòng chống lao, phòng chống bệnh tâm thần, bệnh phong, đặc biệt trong những năm 1997 đến năm 2000 đã áp dụng thành công kĩ thuật mới mổ lấy thủy tinh thể ngoài bao và đặt thuỷ tinh thể nhân tạo hậu phòng cho gần 2.000 trường hợp trả lại ánh sáng, sức lao động cho người bệnh. Phẫu thuật mộng, quặm cho hàng ngàn trường hợp. Số người bị bệnh lao, tâm thần được phát hiện sớm và điều trị tích cực tại cộng đồng. Năm 2000 Hà Nam được công nhận loại trừ bệnh phong trên quy mô cấp tỉnh.
II. CÁC CƠ SỞ Y TẾ VÀ CƠ SỞ ĐÀO TẠO TIÊU BlỂU CỦA NGÀNH Y TẾ HÀ NAM
• Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam
Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam nằm trên diện tích 28.000 m2. Bệnh viện có quy mô 400 giường bệnh, với 385 cán bộ công nhân viên, trong đó có 102 có trình độ đại học và trên đại học y, dược, 3 đại học chuyên ngành khác, còn lại là cán bộ trung cấp, hộ lý, lái xe và bảo vệ. Bệnh viện có 18 khoa lâm sàng và cận lâm sàng, 5 phòng chức năng, về trang bị khám chữa bệnh: 6 năm qua bệnh viện đã đầu tư 4,2 tỉ đồng mua sắm thiết bị hiện đại phục vụ khám chữa bệnh như máy Xquang tăng sóng truyền hình cao tần điều khiển từ xa, máy xét nghiệm tế bào tự động với 18 thông số, máy sinh hoá xét nghiệm 28 thông số, 3 máy siêu âm làm 3 chức năng: Tim mạch, gan mật thận, tiết niệu và sản phụ khoa, máy nội soi có hình ảnh, máy điện não đồ. Trong tương lai không xa, bệnh viện sẽ tiếp tục trang bị máy chụp C.T. và máy chạy thận nhân tạo.
Từ ngày thành lập đến nay, ngoài việc đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh chăm sóc sức khoẻ của cán bộ, nhân dân, rèn luyện y đức, bệnh viện còn tập trung nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho cán bộ học tập nâng cao trình độ. Bệnh viện đã có 40 bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II và cao học. Công tác nghiên cứu khoa học: Nhiều năm trở lại đây, mỗi năm bệnh viện có 4 đến 5 đề tài cấp ngành, 10 - 17 đề tài cấp cơ sở ngoài ra còn có đề tài cấp tỉnh, đề tài nhánh cấp Nhà nước. Từ năm 1997 đến nay, bệnh viện đã được đầu tư nâng cấp khu khám bệnh, khu điều trị, khu xử lý nước thải, khuôn viên với kinh phí gần 30 tỷ đồng. Bệnh viện đã có quyết định của Bộ Y tế về việc nâng cấp từ quy mô 400 giường bệnh lên 450 giường bệnh. Như vậy bệnh viện sẽ thành lập thêm 5 khoa nữa là: Hồi sức và chống độc, cấp cứu tổng hợp, nội tim mạch, nội thần kinh, tiêu hoá và hô hấp tổng hợp, ung bướu cùng với 1 phòng vật tư kỹ thuật tách ra từ khoa dược.
Năm 1997, bệnh viện khám và điều trị cho 73.162 lượt người, con số này của năm 1998 là 93.000. Công suất sử dụng giường bệnh của năm 2002 là 109% với trên 20.000 lượt bệnh điều trị ngoại trú, tổng số ngày điều trị nội trú 160.000 ngày, các khoa, phòng có tỷ lệ khám cao là: khoa ngoại, đông y, khoa tai mũi họng, khoa nội, khoa khám bệnh. Tỷ lệ tử vong được hạn chế ở mức 0,48%. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bệnh viện còn thường xuyên quan tâm giữ gìn, đảm bảo vệ sinh, môi trường y tế. Từ 2001 hệ thống xử lý nước thải trị giá gần 2 tỷ đồng đã được đưa vào sử dụng, mỗi ngày xử lý hàng trăm khối nước thải. Bệnh viện đang tích cực đề nghị Bộ Y tế, UBND tỉnh cho xây dựng lò xử lý chất thải y tế, góp phần xây dựng bệnh viện đạt tiêu chuẩn xanh - sạch - đẹp, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
• Bệnh viện tâm thần Hà Nam
Bệnh viện Chuyên khoa tâm thần Hà Nam được thành lập từ năm 1976. Gần 30 năm xây dựng và trưởng thành, sau vài lần đổi tên do sáp nhập và chia tách tỉnh, đến năm 1997 khi tỉnh Hà Nam được tái lập lại, bệnh viện được xây dựng theo mô hình trạm - bệnh viện lồng ghép như hiện nay. Công tác chỉ đạo tuyến của trạm tâm thần đã được thực hiện có nề nếp và thường xuyên củng cố hoàn thiện. Mạng lưới cán bộ chuyên trách từ tỉnh xuống huyện - xã được chỉ đạo hoạt động nhịp nhàng ở 100% xã, phường, trị trấn. Do vậy số người bệnh tâm thần đang điều trị ngoại trú tại cộng đồng được quản lý, chăm sóc chu đáo góp phần đích thực cho hạnh phúc mỗi gia đình người bệnh. Kết quả này được ghi nhận và đánh giá cao tại hội thảo toàn quốc về chăm sóc sức khoẻ tâm thần cộng đồng tháng 9-1998
Để tăng cường chất lượng quản lý sức khoẻ tâm thần tại cộng đồng, hàng năm trạm - bệnh viện đã tổ chức tập huấn cho cán bộ phụ trách chuyên khoa thuộc các trung tâm y tế huyện thị và các phòng khám khu vực trong tỉnh. Năm 1999 đã tổ chức đợt điều tra dịch tễ lâm sàng bệnh viện tâm thần phân liệt và một số loại thần kinh khác tại Nhân Mỹ (Lý Nhân) theo chương trình quốc gia về quản lý sức khoẻ tâm thần tại cộng đồng.
Bệnh viện tâm thần Hà Nam có quy mô 100 giường bệnh điều trị nội trú với 4 phòng chức năng, 3 khoa cận lâm sàng và 3 khoa lâm sàng. Bệnh viện có 75 cán bộ công chức, trong đó có 11 bác sĩ chuyên khoa, 5 y sĩ chuyên khoa và 33 điều dưỡng viên. Bên cạnh việc điều trị nội trú, mô hình quản lý, chăm sóc sức khoẻ bệnh nhân tâm thần và động kinh ở cơ sở được duy trì tốt ở 100% tuyến xã, huyện (trong khi mô hình này mới được triển khai tại 40% số huyện thị, 25% số xã phường trên phạm vi cả nước). Mạng lưới cán bộ chuyên môn được củng cố để theo dõi, cấp thuốc và điều trị cho hơn 3.700 bệnh nhân tâm thần trong tỉnh. Do được quản lý giám sát, điều trị tại nhà nên tỷ lệ bệnh nhân tái phát giảm 40%.
Trong điều trị nội trú, bệnh viện đặc biệt quan tâm giải quyết những ca cấp cứu tâm thần và động kinh nặng mà tuyến cơ sở không giải quyết được. Ngoài ra bệnh viện còn là nơi giám định sức khoẻ theo yêu cầu của cơ quan pháp luật, công suất sử dụng giường bệnh năm 1997 đạt 107%, năm 1998 107,4%, từ năm 1999 trở lại đây chỉ tiêu giường bệnh tăng thêm, song công suất vẫn đạt 100,4%.
Bệnh viện xây dựng kế hoạch đào tạo và tự đào tạo. Bệnh viện có 4 điều dưỡng viên đang theo học cử nhân tại chức; 2 bác sĩ và 3 y sĩ học chuyên khoa tâm thần tại Trung ương. Công tác nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học vào khám chữa bệnh đã thu hút tập thể thầy thuốc ở đây. Năm 1998 có 2 đề tài, năm 1999 hoàn thành 4 đề tài cấp cơ sở. Gần 30 năm qua đã có 8 cán bộ y, bác sĩ được tặng Huy chương vì sức khoẻ nhân dân. Năm 2001, bệnh viện chính thức được Bộ Y tế, Công đoàn y tế Việt Nam công nhận đạt tiêu chuẩn Bệnh viện tình thương.
Bệnh viện đang từng bước cải tạo, nâng cấp điều kiện cơ sở vật chất như: xây dựng hệ thống nước sạch đạt tiêu chuẩn, trang bị máy điện quang, máy điện não đồ, máy sốc điện, hệ thống máy giặt, vắt tự động và thời gian tới sẽ được trang bị máy lưu huyết não trị giá 400 triệu đồng từ dự án chăm sóc sức khoẻ tâm thần cộng đồng.
• Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nam
Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nam được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 trung tâm: Trung tâm vệ sinh dịch tễ và trung tâm phòng chống sốt rét, bướu cổ tách ra từ Nam Hà với hàng loạt những khó khăn ban đầu của một tỉnh mới tái lập. Từ năm 1997 đến nay, Trung tâm y tế dự phòng đã có bước phát triển cùng với sự lớn mạnh của ngành y tế Hà Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Trung tâm đã có đủ các điều kiện cơ bản về con người, cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật, có khả năng thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực y tế dự phòng tuyến tỉnh.
Trước hết là khống chế và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Hàng năm không để xảy ra dịch lớn nào trên địa bàn, trong khi các yếu tố về tự nhiên, xã hội luôn có nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm thành dịch bất cứ lúc nào. Công tác phòng chống HIV/AIDS, sốt dengue/ sốt xuất huyết dengue, sốt rét... luôn được coi trọng hàng đầu, hệ thống giám sát chủ động bệnh truyền nhiễm được củng cố thường xuyên, phương tiện kỹ thuật được tăng cường, thuốc và vật tư luôn đảm bảo đủ cơ số phòng chống dịch kịp thời. Chương trình tiêm chủng mở rộng đạt 98,7%/năm, tiêm vắc xin phòng uốn ván cho phụ nữ có thai đạt trên 95%.
Công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh trường học được cải thiện, y tế lao động được tăng cường, sức khỏe người lao động được bảo vệ và nâng cao.
Công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có nhiều tiến bộ. Năm 2001, mô hình phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tiêu hoá được xây dựng tại 3 xã An Mỹ (Bình Lục), Thanh Tân (Thanh Liêm), và Nhật Tựu (Kim Bảng) có kết quả bước đầu rất quan trọng góp phần làm giảm ngộ độc do ăn uống. Các hoạt động phòng chống thiếu chất dinh dưỡng được triển khai thực hiện có hiệu quả và duy trì bền vững. Tỷ lệ bướu cổ học sinh (8-10 tuổi) giảm dưới 8%. Không còn trẻ em bị loét giác mạc do thiếu vitamin A. Tình trạng thiếu máu do thiếu sắt được cải thiện rõ rệt. Nhận thức và kiến thức thực hành dinh dưỡng của nhân dân mà nhất là các bà mẹ có con dưới 5 tuổi được nâng cao rõ rệt.
Công tác nghiên cứu khoa học được tăng cường, nhiều đề tài được nghiên cứu, ứng dụng, tổng kết vào lĩnh vực y tế dự phòng. Công tác đào tạo được chú trọng việc đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ, chuyên khoa, chuyên ngành nhằm đáp ứng cho sự nghiệp CNH - HĐH. Công tác tập huấn cho cán bộ y tế thôn, xóm, xã đã hoàn thành cơ bản. Đây là cơ sở nhằm nâng cao cả về số lượng và chất lượng của chương trình y tế trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Công tác xét nghiệm đã từng bước đảm bảo cho yêu cầu phục vụ nhiệm vụ phòng chống dịch, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và các lĩnh vực khác. Hiện nay các xét nghiệm HIV, viêm gan vi rút B, viêm não Nhật Bản B, vi rút sốt dengue được thực hiện hàng ngày tại trung tâm.
• Trung tâm phòng chống mù loà Hà Nam
Trung tâm phòng chống mù loà Hà Nam được thành lập ngay sau khi chia tách tỉnh với nhiệm vụ: Chăm sóc mắt ban đầu cho nhân dân, phòng chống mắt hột và biến chứng của nước; quản lý, phát hiện, phẫu thuật bệnh đục thuỷ tinh thể, giải phóng mù loà cho nhân dân; đào tạo huấn luyện đội ngũ chuyên khoa cho các tuyến trước biết làm công tác chăm sóc mắt ban đầu; đúc rút, tổng kết và nghiên cứu khoa học; tuyên truyền để nhân dân hiểu biết rộng rãi phòng chống các bệnh về mắt như khô mắt do thiếu vitamin A, đau mắt đỏ, tai nạn chấn thương mắt trong lao động, bệnh glocom…
Tuy cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu, đội ngũ cán bộ chuyên sâu cũng thiếu, song đội ngũ cán bộ chỉ với 9 người đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc. Công tác mổ giải phóng mù loà được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Trung tâm đã cử cán bộ cùng với Trung tâm y tế huyện, thị xuống các xã, thôn để điều tra nắm tình hình số bệnh nhân mù loà rồi xây dựng kế hoạch khám điều trị. Trung tâm đã tranh thủ sự giúp đỡ của Viện mắt TW, cùng kinh phí tài trợ của chương trình CBM (CHLB Đức) và chương trình sightfirst (Mỹ - Thái Lan hợp tác) với tổng giá trị đầu tư 33.400 USD trong 2 năm 1998 -1999. Với chương trình này Trung tâm đã được trang bị 4 bộ dụng cụ mổ vi phẫu, 2 máy hiển vi hậu phẫu, 1 máy sinh hiển vi khám bệnh và 400 thuỷ tinh thể nhân tạo. Những trang thiết bị này đã giúp Trung tâm mổ được 810 ca trong năm 1998, trong đó có 410 ca được phẫu thuật đục thuỷ tinh thể. Đối với 217 ca được đặt thuỷ tinh thể nhân tạo thì có 150 ca miễn phí (khoảng 50 triệu đồng). Ngoài ra tất cả các bệnh nhân phẫu thuật thuỷ tinh thể đều được miễn phí. Số bệnh nhân phẫu thuật mộng: 285 ca, phẫu thuật quặm: 123 ca. Điều đáng nói là 100% số bệnh nhân mổ đục thuỷ tinh thể, mổ mộng, mổ quặm... sau khi kiểm tra lại thị lực đều tăng.
Song song với công tác giải phóng mù lòa, công tác phòng chống bệnh mắt hột cho học sinh trong nhà trường được Trung tâm rất chú ý. Lãnh đạo Trung tâm đã thực thi nhiều giải pháp để tạo nguồn thuốc cấp đến từng học sinh. Trong 2 năm đã cấp phát thuốc cho 14.000 người và điều trị dự phòng khô mắt cho 6.000 người. Năm 1998 Trung tâm đã nghiên cứu thành công 2 đề tài mổ lắp đặt thủy tinh thể nhân tạo trên mắt đã mổ thiên đầu thống, 2 đề tài này đã ứng dụng và thành công ở 200 ca mổ tại các cơ sở.
Năm 1999, Trung tâm đã mổ cho hơn 20 trường hợp là gia đình chính sách, trong đó có 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trung tâm Phòng chống mù loà Hà Nam xứng đáng là địa chỉ mang lại ánh sáng niềm tin cho người bệnh.
Hội y học cổ truyền Hà Nam
Hội y học cổ truyền Hà Nam thành lập năm 1957. Gần 50 năm qua, Hội không ngừng lớn mạnh cả về số lượng hội viên và chất lượng khám chữa bệnh. Hội y học cổ truyền Hà Nam nhận thức rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước về kết hợp giữa y học hiện đại và y học dân tộc để chăm sóc sức khoẻ cho cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 552 hội viên ở 42 chi hội. Cả 6 huyện thị đều có tổ chức hội và 6 phòng chẩn trị. Số chi hội được lồng ghép với trạm y tế mới có ở 24 xã phường, thị trấn. Tỉnh hội cùng Sở Y tế đã duyệt cho 76 lương y được hành nghề y học cổ truyền trong toàn tỉnh.
Gần 50 năm qua, Hội đã khám và điều trị cho hàng triệu lượt người. Năm 2000 đã có 206.622 lượt người đến khám và điều trị bằng y học cổ truyền. 3 tháng đầu năm 2001, Hội y học cổ truyền tỉnh đã khám và điều trị cho 35.650 lượt bệnh nhân, trong đó 70% số bệnh nhân được dùng thuốc, 30% được điều trị bằng xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, vật lý trị liệu kết hợp với dùng thuốc. Các chứng bệnh được chữa khỏi nhiều nhất là: Đau vai, toạ cốt phong, tiêu chảy, cam sài ở trẻ em và phụ khoa. Cũng trong 3 tháng đầu năm 2001, Hội y học cổ truyền còn thu mua 9.500kg dược liệu phục vụ công tác điều trị và khám, chữa cho nhiều đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế.
Hội cũng đã công bố hàng trăm bài thuốc tâm đắc, sưu tầm nhiều cây thuốc và vị thuốc quý trên địa bàn tỉnh để phục vụ cho công tác điều trị. Các hội viên cao tuổi đã dịch thuật 7 bộ sách quý của các danh y nhằm đáp ứng cho việc bồi dưỡng nâng cao kiến thức của hội viên. Thực hiện 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, mở 12 lớp từ truyền thị đến nâng cao và chuẩn hoá lương y đa khoa. Từ chỗ cả tỉnh chỉ có 1 đến 2 bác sĩ chuyên khoa y học dân tộc đến nay toàn tỉnh có hơn 30 bác sĩ chuyên khoa y học dân tộc và 50 lương y chuẩn hoá cao cấp mới ra trường. Hà Nam cũng đã thành lập Bệnh viện Đông y với quy mô 40 giường bệnh.
Cùng với việc củng cố phát triển tổ chức, hội y học cổ truyền các địa phương trong tỉnh còn tích cực trồng cây dược liệu. Những năm 80 của thế kỷ XX, xã Bồ Đề (Bình Lục) là xã có diện tích trồng cây dược liệu lớn nhất, với 15 ha, cung cấp dược liệu cho xí nghiệp dược phẩm của huyện, ở Thanh Liêm có 13/20 xã có vườn thuốc nam, trong đó có 2 vườn thuốc nam hoàn chỉnh theo quy định của Bộ Y tế là Trạm xá xã Liêm Túc và xã Thanh Tuyền. Ngoài ra còn các vườn thuốc nam ở Đồng Lý (Lý Nhân), Đồng Du (Bình Lục), Thanh Sơn, Đại Cương (Kim Bảng) và 2 vùng chuyên canh lớn ở Kim Bảng và Thanh Liêm đã có quy hoạch trồng và lưu giữ các nguồn gen một số cây thuốc quý hiếm. Xã Đồng Du có tới 90% số hộ trồng từ 3 đến 5 cây thuốc nam trong vườn. Năm 2002 Đồng Du có 957 bệnh nhân được điều trị bằng đông y.
Các thầy thuốc đông y tại các cơ sở khám chữa bệnh đều tích cực sử dụng thuốc nên nhiều bệnh nhân đã được điều trị có hiệu quả bằng các bài thuốc đông y, điển hình như liệt dây thần kinh ngoại biên, dị ứng thời tiết, viêm đại tràng, đau dây thần kinh toạ... Hội đã kết hợp với Sở Y tế để kiểm tra, quản lý việc hành nghề y dược tư nhân bằng đông y, giáo dục thuyết phục hội viên, lương y thực hiện y đức của người thầy thuốc để rèn luyện, tu dưỡng phấn đấu góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
• Trường Trung học Y tế Hà Nam
Trường Trung học Y tế Hà Nam được thành lập theo Quyết định số 770/QĐ- UB ngày 26 - 8 - 1999 của UBND tỉnh Hà Nam. Trường có nhiệm vụ đào tạo cán bộ y tế có trình độ trung cấp và sơ cấp theo kế hoạch; bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ cán bộ y tế tỉnh nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và bổ túc kiến thức quản lý đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ; tổ chức nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ về y tế trong hoạt động dạy và học; liên kết với các trường đại học, cao đẳng tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu và nâng cao nghiệp vụ quản lý.
Trường hiện có 2 phòng chức năng và 2 tổ bộ môn, khu giảng đường lý thuyết và thực hành 4 tầng với 3.080 m2 sàn gồm 7 giảng đường lý thuyết và 9 phòng thực hành, ngoài ra còn phòng học ngoại ngữ, phòng vi tính với 30 máy. Khu hiệu bộ 2 tầng với 720m2 sàn. Khu ký túc xá 3 tầng với 97 m2 sàn. Tổng số vốn xây dựng cơ bản là 12 tỷ đồng. Năm 2000 nhà trường bắt đầu công tác đào tạo với 27 cán bộ công nhân viên, trong đó có 11 người có trình độ đại học và trên đại học. Nhà trường đã đào tạo được 54 dược tá, 50 điều dưỡng viên trung học, 53 điều dưỡng viên sơ học. Liên kết với trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, đào tạo nâng cao nghiệp vụ giáo viên có 27 bác sĩ, đào tạo 81 bác sĩ trưởng trạm y tế xã về công tác quản lý; 46 người được đào tạo kiến thức y học dân tộc, đào tạo lại nhân viên y tế thôn bản cho 979 người. Liên kết với trường Trung học Dược (Bộ Y tế) đào tạo 52 học sinh lớp dược sĩ trung cấp hệ tại chức. Kết quả thi tốt nghiệp đạt 100%, trong đó 75% khá giỏi. Nhà trường sẽ có 350 học sinh vào năm 2005 và 600 học sinh vào 2010
Công ty cổ phần Dược Hà Nam
Tiền thân là Công ty dược phẩm Hà Nam, được thành lập ngày 3-5-1997 trên cơ sở sáp nhập Công ty dược Phủ Lý và bộ phận chia tách của Công ty dược phẩm Hà Nam. Công ty có nhiệm vụ sản xuất kinh doanh thuốc chữa bệnh hoá chất dược liệu, tinh dầu và vật tư trang thiết bị y tế. Ngày 18-9- 2002, Công ty chuyển đổi thành công ty cổ phần. Hiện tại Công ty có 213 cán bộ, công nhân viên, trong đó có 20 người có trình độ đại học dược và đại học khác, 32 người có trình độ trung cấp còn lại là sơ cấp, công nhân kỹ thuật.
Công ty hiện có 22 mặt hàng thuốc được phép phân phối trong toàn quốc; trong đó có nhiều loại thuốc có chất lượng tốt như: bổ phế chỉ khái lộ, viên thuốc giun quả núi, becberin BM, phong thấp hoàn, viên ngậm bạc hà, thuốc xịt mũi côn den, cao ích mẫu, cốm can xi... Công ty có nhiệm vụ cung ứng thuốc cho các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn. Ngoài ra Công ty còn có 190 đại lý bán lẻ ở thị xã Phủ Lý, huyện Thanh Liêm và huyện Lý Nhân. Năm 2002 lĩnh vực lưu thông đạt doanh thu 14 tỷ, và 4 tháng năm 2003 đạt 4 tỷ. Từ năm 1997 đến nay Công ty đã thu mua một lượng khá lớn nguồn dược liệu ở địa phương, thu mua và sử dụng 100 tấn cây ích mẫu, 50 tấn bạc hà diệp, 1 tấn tinh dầu bạc hà. Phương hướng của Công ty trong những năm tới là tăng cường sản xuất công nghiệp nhất là những mặt hàng đông dược, đầu tư thêm máy móc nhà xưởng, nâng cấp mẫu mã bao bì để tạo thương hiệu có uy tín trên thị trường, lập dự án xin đầu tư khu sản xuất thuốc đông dược theo tiêu chuẩn ASEAN và kho thuốc theo tiêu chuẩn Quốc tế, tăng cường nguồn lực con người và vươn tới thị trường các tỉnh phía Nam.
• Bệnh viện huyện Kim Bảng
Với đội ngũ 17 bác sỹ, 2 dược sỹ cao cấp, 28 y sỹ, 34 y tá, 5 nữ hộ sinh, 2 dược sỹ trung cấp, 2 lương y, hàng năm bệnh viện Kim Bảng đã khám cho hơn 180.000 lượt người và điều trị cho gần 13.000 người, công suất sử dụng giường bệnh đạt từ 84 đến 90%. Bệnh viện cũng tiến hành khám và điều trị miễn phí cho hàng trăm lượt bệnh nhân nghèo. Nhiều năm trở lại đây Bệnh viện có rất nhiều nỗ lực, cố gắng giảm những thủ tục phiền hà cho bệnh nhân và tăng cường ý thức trách nhiệm trong việc khám chữa bệnh, đặc biệt là đối với người nghèo và đối tượng chính sách. Tinh thần thái độ phục vụ của đội ngũ thày thuốc ở đây để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân. Nhiều bệnh nhân đi tuyến trên khám xác định rõ bệnh rồi xin về bệnh viện điều trị.
Ngoài việc đưa máy siêu âm, máy điện tâm đồ và các trang thiết bị hiện đại khác để khám và điều trị, Bệnh viện còn đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh, xây dựng môi trường cảnh quan. Các khoa phòng đều được trang bị phương tiện ánh sáng, quạt, chăn màn sạch đẹp. Những cơ sở vật chất này đã góp phần nâng cao một bước chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Với quy mô 100 giường bệnh, 5 khoa lâm sàng, 1 khoa cấp cứu và các phòng khám, hàng năm Bệnh viện đã thực hiện hơn 16.000 tiêu bản xét nghiệm, trong đó có 1.880 tiêu bản xét nghiệm BK, gần 2.000 tiêu bản xét nghiệm sốt rét. Bệnh viện cũng củng cố và duy trì công tác bảo hiểm y tế các phòng khám và bệnh viện. Toàn huyện hàng năm có hơn 22.000 thẻ BHYT, các đối tượng có thẻ đến khám và điều trị đều được thanh toán đúng chế độ và thuận lợi.
Phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân tiên tiến. Các thày thuốc đã thực hiện 12 điều Y đức của Bộ trưởng Bộ Y tế, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”. Tập thể thày thuốc các khoa hồi sức cấp cứu, nội nhi, ngoại sản... được đồng nghiệp mến phục và nhân dân tin yêu.
• Bình Lục - huyện điển hình phát triển y tế của Hà Nam
Ngành y tế Bình Lục được thành lập từ năm 1958. 45 năm qua, y tế Bình Lục đã không ngừng phát triển về mọi mặt. Bình Lục hiện có 1 bệnh viện trung tâm, 4 phòng khám đa khoa khu vực và 21 trạm y tế xã, thị trấn. Tổng số giường bệnh của các cơ sở y tế là 325 giường; trong đó bệnh viện trung tâm có 100 giường; các phòng khám đa khoa có 40 giường còn 185 giường thuộc các trạm y tế xã. Đội ngũ cán bộ y tế có 191 người, trong đó có 26 bác sĩ và trên đại học; 70 y sĩ và kỹ thuật viên; 95 y tá và hộ lý, có 20 cán bộ dược, trong đó có 3 dược sĩ cao cấp, 10 dược sĩ trung cấp và 7 dược tá.
Mạng lưới y tế xã, thị trấn đã được củng cố, ổn định về tổ chức và hoạt động, mỗi trạm được biên chế từ 4 - 6 cán bộ, 100% thôn xóm đều có cán bộ y tế, với trình độ sơ cấp trở lên. Trung bình cứ một cán bộ y tá thôn phụ trách từ 300 đến 1.000 người dân. Đây là lực lượng có vai trò quan trọng trong việc phát hiện dịch bệnh sớm, chuyển tải thông tin và triển khai các chương trình y tế đến người dân nhanh nhất, hiệu quả nhất. Do làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng nên 10 năm qua trên địa bàn huyện Bình Lục không có dịch lớn xảy ra. 100% ổ dịch cũ được quản lý, giám sát.
Chương trình tiêm chủng mở rộng đã trở thành nề nếp ở mỗi địa phương. Cứ đến ngày 25 - 26 hàng tháng là các đối tượng tự giác đến các điểm tiêm chủng để tiêm phòng cho trẻ em trong độ tuổi và phụ nữ có thai. 10 năm qua Bình Lục đã thanh toán bệnh bại liệt và loại trừ bệnh uốn ván ở trẻ sơ sinh; số trẻ em mắc bệnh sởi giảm đáng kể. 5 năm liền không có bệnh nhân mắc bệnh dại, không có trường hợp viêm não Nhật Bản, số bệnh nhân viêm gan B giảm 50% so với trước đây. Các chương trình phòng chống sốt rét, vi chất dinh dưỡng, tiêu chảy cũng được triển khai đồng bộ, góp phần tích cực vào việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Năm 2000 Bình Lục là đơn vị được công nhận thanh toán bệnh phong sớm nhất tỉnh. Việc quản lý thai sản cũng được làm chặt chẽ, thường xuyên theo định kỳ hàng tháng, các bà mẹ có thai đều được quản lý và khám thai ít nhất đủ 3 lần để phát hiện kịp thời nguy cơ gây tai biến sản khoa. Cùng với các cơ quan chức năng, ngành y tế Bình Lục còn thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy chế lao động ở các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm cho 100% cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, những năm qua Bình Lục đã huy động sức dân tham gia đóng góp xây dựng kiên cố các trạm y tế xã. Vì vậy hầu hết các trạm y tế được xây dựng khang trang, sạch đẹp đảm bảo đủ phòng làm việc, điều trị bệnh. Mỗi trạm có từ 2 đến 4 loại dụng cụ phục vụ cho công tác khám chữa bệnh cho nhân dân ở tuyến cơ sở.
Với những thành tựu đạt được về phát triển y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, ngành y tế Bình Lục đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và năm 2001 được tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
CÁC THẦY THUỐC ƯU TÚ CÓ NHlỀU CỐNG HIẾN CHO SỰ NGHIỆP PHÁT TRIỂN Y TẾ CỦA TỈNH HÀ NAM
1. Bác sỹ Nguyễn Thị Kim Liên - Thầy thuốc Ưu tú.
Sinh năm 1953, quê ở xã Thanh Châu, thị xã Phủ Lý.
Nguyên Giám đốc Sở Y tế Hà Nam.
2. Bác sỹ Hoàng Thị Trung Thu - Thầy thuốc Ưu tú.
Sinh năm 1942, quê ở xã Châu Giang, huyện Duy Tiên.
Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nam.
3. Bác sỹ Lý Ngọc Liên - Thầy thuốc Ưu tú.
Sinh năm 1943, quê ở xã Liên Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá; Giám đốc Trung tâm y tế huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
4. Bác sỹ Trịnh Văn Hải - Thầy thuốc Ưu tú.
Sinh năm 1950, quê ở xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân.
Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam.
5. Tiến sĩ Trần Đắc Phu - Thầy thuốc Ưu tú.
Sinh năm 1959, quê ở xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nam.
Cơ sở y tế và giường bệnh của tỉnh Hà Nam năm 2003 phân theo các huyện, thị xã.
| Tổng số | Chia ra |
Bệnh viện đa khoa | Phòng khám khu vực | Trạm điều dưỡng | Trại phong | Trạm y tế xã, phường |
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 |
Tổng số | | | | | | |
Số cơ sở | 145 | 9 | 14 | 1 | 1 | 120 |
- Nhà nước | 145 | 9 | 14 | 1 | 1 | 120 |
- Dân lập | - | - | - | - | - | - |
Số giường bệnh (giường) | 2.260 | 1.160 | 100 | 40 | 130 | 830 |
- Nhà nước | 2.260 | 1.160 | 100 | 40 | 130 | 830 |
- Dân lập | - | - | - | - | - | - |
Thị xã Phủ Lý | | | | | | |
Số cơ sở | 15 | 2 | 1 | - | - | 12 |
- Nhà nước | 15 | 2 | 1 | - | - | 12 |
- Dân lập | - | - | - | - | - | - |
Số giường bệnh (giường) | 537 | 490 | 17 | - | - | 30 |
- Nhà nước | 537 | 490 | 17 | - | - | 30 |
- Dân lập | - | - | - | - | - | - |
Huyện Duy Tiên | | | | | | |
Số cơ sở | 26 | 1 | 2 | 1 | - | 22 |
- Nhà nước | 26 | 1 | 2 | 1 | - | 22 |
- Dân lập | - | - | - | - | - | - |
Số giường bệnh (giường) | 306 | 115 | 15 | 40 | - | 136 |
- Nhà nước | 306 | 115 | 15 | 40 | - | 136 |
- Dân lập | - | - | - | - | - | - |
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 |
Huyện Kim Bảng | | | | | | |
Số cơ sở | 24 | 1 | 3 | - | 1 | 19 |
- Nhà nước | 24 | 1 | 3 | - | 1 | 19 |
- Dân lập | - | - | - | - | - | - |
Số giường bệnh (giường) | 424 | 120 | 32 | - | 130 | 142 |
- Nhà nước | 424 | 120 | 32 | - | 130 | 142 |
- Dân lập | - | - | - | - | - | - |
Huyện Thanh Liêm | | | | | | |
Số cơ sở | 27 | 1 | 3 | - | - | 23 |
- Nhà nước | 27 | 1 | 3 | - | - | 23 |
- Dân lập | - | - | - | - | - | - |
Số giường bệnh (giường) | 272 | 100 | 30 | - | - | 142 |
- Nhà nước | 272 | 100 | 30 | - | - | 142 |
- Dân lập | - | - | - | - | - | - |
Huyện Lý Nhân | | | | | | |
Số cơ sở | 28 | 3 | 2 | - | - | 23 |
- Nhà nước | 28 | 3 | 2 | - | - | 23 |
- Dân lập | - | - | - | - | - | - |
Số giường bệnh (giường) | 445 | 230 | 20 | - | - | 195 |
- Nhà nước | 445 | 230 | 20 | - | - | 195 |
- Dân lập | - | - | - | - | - | - |
Huyện Bình Lục | | | | | | |
Số cơ sở | 25 | 1 | 4 | - | - | 21 |
- Nhà nước | 25 | 1 | 4 | - | - | 21 |
- Dân lập | - | - | - | - | - | - |
Số giường bệnh (giường) | 286 | 86 | 15 | - | - | 185 |
- Nhà nước | 286 | 86 | 15 | - | - | 185 |
- Dân lập | - | - | - | - | - | - |
Nguồn: Niên giám thống kê 1/2003. Cục Thống kê Hà Nam, tháng 4-2004 tr. 171.
Thực trạng trạm y tế đã xây dựng cho các phường, xã tại thời điểm 31-12-2003 phân theo huyện thị
| Tổng số phường, xã | Chia ra |
Số phường, xã đã có trạm y tế | Số phường, xã chưa có trạm y tế |
Tổng số | 116 | 116 | - |
Thị xã Phủ Lý | 12 | 12 | - |
Huyện Duy Tiên | 21 | 21 | - |
Huyện Kim Bảng | 19 | 19 | - |
Huyện Thanh Liêm | 20 | 20 | - |
Huyện Lý Nhân | 23 | 23 | - |
Huyện Bình Lục | 21 | 21 | - |
Nguồn: Niên giám thống kê 1/2003. Cục Thống kê Hà Nam, tháng 4-2004, tr. 174.
Cán bộ ngành y trên địa bàn năm 2003 phân theo huyện thị
Đơn vị: Người
| Tổng số | Chia ra |
Bác sỹ và trên đại học | Y sỹ, kỹ thuật viên | Y tá, hộ lý | Trình độ khác |
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 |
Tổng số | 1.529 | 482 | 414 | 633 | - |
Thị xã Phủ Lý | 471 | 219 | 43 | 209 | - |
Huyện Duy Tiên | 205 | 47 | 81 | 77 | - |
Huyện Kim Bảng | 196 | 53 | 76 | 67 | - |
Huyện Thanh Liêm | 192 | 59 | 80 | 53 | - |
Huyện Lý Nhân | 293 | 69 | 94 | 130 | - |
Huyện Bình Lục | 172 | 35 | 40 | 97 | - |
Nguồn: Niên giám thống kê 1/2003. Cục Thống kê Hà Nam, tháng 4-2004, tr. 174.
Cán bộ ngành dược trên địa bàn năm 2003 phân theo huyện thị
Đơn vị: Người
| Tổng số | Chia ra |
Dược sỹ cấp cao | Dược sỹ trung cấp | Dược tá | Trình độ khác |
Tổng số | 235 | 50 | 61 | 124 | - |
Thị xã Phủ Lý | 52 | 16 | 22 | 14 | - |
Huyện Duy Tiên | 38 | 7 | 11 | 20 | - |
Huyện Kim Bảng | 38 | 6 | 6 | 26 | - |
Huyện Thanh Liêm | 34 | 7 | 5 | 22 | - |
Huyện Lý Nhân | 54 | 10 | 8 | 36 | - |
Huyện Bình Lục | 19 | 4 | 9 | 6 | - |
Nguồn: Niên giám thống kê 1/2003. Cục Thống kê Hà Nam, tháng 4-2004, tr.174.
(Còn nữa)
Điện tử