Phần I: Địa lý (Chương II)

Chương II: ĐỊA HÌNH

I. ĐẶC ĐIỂM ĐỊA HÌNH

1. Hà Nam là một tỉnh đồng bằng giáp núi. Địa hình Hà Nam có sự tương phản giữa địa hình đồng bằng và địa hình đồi núi

Tính chất tương phản này thể hiện ở mấy yếu tố sau:

1.1. Độ cao địa hình

Ở vùng đồng bằng (thuộc các huyện Duy Tiên, Lý Nhân, Bình Lục, thị xã Phủ Lý và phần phía đông hai huyện Kim Bảng và Thanh Liêm), độ cao trung bình là 2 - 3m. Nơi thấp nhất là cánh đồng xã An Lão (huyện Bình Lục) độ cao chỉ có 1m.

Ở vùng đồi núi phía tây (thuộc hai huyện Kim Bảng và Thanh Liêm), độ cao phổ biến hơn 100m. Tại huyện Thanh Liêm, độ cao đồi núi biến động từ 159m (núi Ơn gần nhà máy xi măng Việt - Trung) đến 386m là núi cao nhất (thuộc xã Thanh Thuỷ). Tại phía nam huyện Kim Bảng, độ cao đồi núi biến động từ 117m đến 459,4m (đây cũng là núi cao nhất tỉnh Hà Nam).

Sự tương phản về độ cao, địa hình thể hiện không những giữa vùng đồng bằng rộng lớn của tỉnh với vùng đồi núi phía tây, mà còn ở ngay trong vùng đồi núi: các đồi cao 184m tới hơn 200m đứng ngay cạnh vùng đồng ruộng phía nam thôn Vồng (xã Khả Phong) chỉ cao 4m và ngay cả trong vùng đồng bằng: núi An Lão (thực chất chỉ là đồi) cao 90m đứng giữa vùng đồng ruộng chỉ cao 1- 2m, hoặc dãy đồi cao 113 - 129m làm địa giới hành chính giữa các xã Thanh Lưu, Thanh Hương, Thanh Tân và xã Liêm Sơn (huyện Thanh Liêm) chạy giữa vùng đồng ruộng chỉ cao 2 - 3m.

Một góc Khu du lịch Tam Chúc, thị trấn Ba Sao (Kim Bàng).

1.2. Mật độ chia cắt địa hình

Ở vùng đồng bằng, không kể các địa hình nhân tạo như đê, đập, đường sá, bờ vùng, bờ thửa,… mật độ chia cắt hầu như không đáng kể. Như ở vùng đồi núi phía tây của tỉnh Hà Nam, mật độ chia cắt địa hình trung bình là 3-5km/km2. Mật độ chia cắt đó so với các vùng núi khác trong nước là không lớn lắm, nhưng so với địa hình vùng đồng bằng lại là rất lớn.

1.3. Độ sâu chia cắt địa hình

Ở vùng đồng bằng tỉnh Hà Nam, mật độ chia cắt tự nhiên của địa hình hầu như không đáng kể, nên độ sâu chia cắt địa hình cũng không đáng kể. Độ sâu chia cắt lớn nhất là đáy thung lũng sông Đáy so với độ cao trung bình của mặt ruộng là: 3 - 3,5m. Đối với địa hình nhân tạo thì độ sâu chia cắt thể hiện ở chênh lệch độ cao giữa các con đê với vùng đồng ruộng kề liền không vượt quá 7 - 8m. Còn ở miền núi phía tây tỉnh Hà Nam, độ sâu chia cắt địa hình phổ biến ở mức trên 100m. Tại vùng núi đá phía nam huyện Kim Bảng thuộc các xã Liên Sơn, Thanh Sơn, độ sâu chia cắt của địa hình có thể tới 200 - 250m.

Như vậy, xét qua các yếu tố độ cao địa hình, mật độ chia cắt và độ sâu chia cắt của địa hình, ta thấy rõ địa hình ở tỉnh Hà Nam có sự tương phản giữa địa hình đồng bằng thấp, mật độ chia cắt và độ sâu chia cắt không đáng kể với địa hình đồi núi cao hơn hẳn, mật độ chia cắt và độ sâu chia cắt cũng lớn hơn rất nhiều so với vùng đồng bằng. Đây là đặc điểm nổi bật của địa hình tỉnh Hà Nam.

2. Hướng địa hình đơn giản: duy nhất chỉ có hướng tây bắc – đông nam, phù hợp với hướng phổ biến nhất của núi, sông Việt Nam

Hướng của địa hình tỉnh Hà Nam như hướng sông Hồng, sông Đáy, hướng núi của vùng núi phía tây đều là hướng tây bắc - đông nam. Hướng của các đoạn sông Hồng, sông Đáy chảy qua tỉnh Hà Nam thể hiện hướng nhất quán của hai con sông này, trên suốt chiều dài thung lũng sông là hướng tây bắc- đông nam; còn hướng núi của vùng đồi núi phía tây cũng thể hiện hướng nhất quán của miền núi Tây Bắc Việt Nam.

Hướng địa hình đó được quyết định bởi hướng của các đứt gãy theo hướng tây bắc-đông nam đã hồi sinh và hoạt động rất tích cực vào giai đoạn Tân kiến tạo. Về mặt kiến tạo, các đứt gãy này đã hình thành nên các thung lũng sông Hồng, sông Đáy và chính các đứt gãy đó đã chia đồng bằng sụt võng Hà Nội thành những đới kéo dài theo hướng tây bắc-đông nam.

2.1. Hướng dốc của địa hình là hướng tây bắc - đông nam theo thung lũng sông Hồng, sông Đáy dãy núi đá vôi Hoà Bình - Ninh Bình, phản ánh tính chất đơn giản của cấu trúc địa chất

Đoạn thung lũng của sông Hồng và sông Đáy chảy qua tỉnh Hà Nam là những đoạn thung lũng sông đồng bằng, nên độ dốc không lớn như như thung lũng sông miền núi. Tuy vậy, độ dốc này vẫn có thể giúp cho dòng chảy tiêu thoát nước của các sông ra vịnh Bắc Bộ.

Bề mặt đồng bằng có độ dốc trung bình 4 - 5cm/1km. Cụ thể là bề mặt đồng bằng tại hai huyện Duy Tiên, Kim Bảng (phía tây bắc tỉnh Hà Nam) cao trung bình 3 - 4m, tại huyện Lý Nhân cao 2 - 3m và cuối cùng về phía đông nam là hai huyện Thanh Liêm và Bình Lục chỉ còn 1 - 2m. Nơi thấp nhất là cánh đồng xã An Lão (huyện Bình Lục) ở cực đông nam của tỉnh Hà Nam chỉ cao 1m.

Ở vùng đồi núi phía tây tỉnh Hà Nam, dãy núi thấp xen lẫn đồi chạy dọc theo thung lũng sông Đáy cũng có độ cao giảm dần theo hướng tây bắc-đông nam với các đỉnh cao 386m và 378,5m thuộc xã Thanh Thủy xuống độ cao 336m và 360m là các đỉnh cao nhất thuộc xã Thanh Tân và xuống 241m là đỉnh cao nhất thuộc xã Thanh Nghị và cuối cùng xuống 212m thuộc xã Thanh Hải (huyện Thanh Liêm).

Dọc theo địa giới tỉnh Hà Nam với các tỉnh Hoà Bình và Ninh Bình, hướng dốc của địa hình đồi núi cũng theo hướng nêu trên với điểm cao 340m ở phía nam Bệnh viện Phong thuộc xã Ba Sao (huyện Kim Bảng), xuống 332m là điểm cao nhất trên địa giới giữa xã Thanh Sơn (huyện Kim Bảng) với tỉnh Hòa Bình, xuống 248m là điểm cao nhất trên địa giới giữa xã Thanh Tân (huyện Thanh Liêm) với tỉnh Hòa Bình, xuống 186m là điểm cao nhất trên địa giới giữa xã Thanh Nghị (huyện Thanh Liêm) với tỉnh Ninh Bình, cuối cùng là 159m-núi Ơn (nên gọi là đồi) thuộc xã Thanh Hải (huyện Thanh Liêm) với tỉnh Ninh Bình.

2.2. Địa hình thể hiện khá rõ rệt tính chất phân bậc

Xét theo độ cao của các dạng địa hình, có thể thấy ở tỉnh Hà Nam có 4 bậc địa hình cơ bản sau:

- Bậc thứ nhất: độ cao trung bình 350-400m (trong đó có đỉnh cao nhất là 459,5m) là bậc địa hình của vùng núi đá vôi phía nam huyện Kim Bảng.

- Bậc thứ hai: độ cao trung bình 300 - 350m (trong đó có đỉnh cao nhất là 386m) là bậc địa hình của dãy núi thấp xen lẫn đồi ở phía tây huyện Thanh Liêm.

- Bậc thứ ba: độ cao trung bình 120 - 200m (trong đó có đỉnh cao nhất là 225m) là bậc địa hình của các dãy đồi thấp nằm ven rìa đồng bằng như dãy đồi thuộc xã Thanh Sơn (huyện Kim Bảng) và Châu Sơn (thị xã Phủ Lý), hoặc nằm giữa đồng bằng như dãy đồi phía đông nam huyện Thanh Liêm thuộc các xã Thanh Lưu, Thanh Hương, Thanh Tâm và Liêm Sơn.

- Bậc thứ tư: độ cao rất thấp, trung bình chỉ cao 2 - 3m là bậc địa hình đồng bằng bồi tụ thuộc châu thổ sông Hồng, chiếm đại bộ phận diện tích lãnh thổ tỉnh Hà Nam.

2.3. Địa hình thể hiện rõ rệt tác động của khí hậu và con người

Khí hậu tỉnh Hà Nam với nhiệt độ và độ ẩm cao, lượng mưa lớn đã tác động mạnh mẽ tới địa hình vùng đồi núi phía tây tỉnh Hà Nam. Tại đây, các quá trình xâm thực, chia cắt địa hình diễn ra mạnh mẽ. Đối với vùng đồi núi phiến thạch thì sự hình thành các khe rãnh, mương xói là rất phổ biến. Đối với vùng núi đá vôi thì quá trình cacxtơ hoá diễn ra mạnh, tạo nên các dạng địa hình cacxtơ độc đáo rất phổ biến.

Tại tỉnh Hà Nam hoạt động của con người cũng để lại dấu ấn không nhỏ trên địa hình với các dạng địa hình nhân tạo trên đồng bằng như đường sá, đê đập, kênh mương… Ở các vùng khai thác đá, con người đã phá hủy nhiều khối đá vôi.

Để hiểu rõ những đặc điểm trên đây của địa hình tỉnh Hà Nam, cần nghiên cứu những nhân tố hình thành và phát triển địa hình.

 

II. các nhân tố hình thành và phát triển địa hình

1. Nhóm các nhân tố nội sinh

Các nhân tố nội sinh có vai trò quan trọng, tạo nên cơ sở ban đầu những đường nét cơ bản của địa hình. Nhóm này gồm ba nhân tố chính là: Vận động kiến tạo, kiến trúc địa chất và cấu tạo nham thạch. Chúng tạo nên các yếu tố “kiến trúc hình thái”.

1.1. Vận động kiến tạo

Đại bộ phận tỉnh Hà Nam thuộc vùng đồng bằng thấp nằm trong miền đồng bằng sụt võng Hà Nội. Mặc dù đồng bằng được thiết lập trên móng uốn nếp với nền đá kết tinh nhưng bị sụt xuống vào cuối Cổ sinh (cách đây chừng 200 triệu năm). Các chuyển động sụt lún mạnh nhất vào Miôxen, lấp đầy bởi các trầm tích dày 40 - 60m với thành phần cát, bột, sét, sét bột thuộc tướng bãi bồi hoặc hỗn hợp sông biển hình thành trong điều kiện sóng yếu và dư thừa vật liệu hạt mịn. Trong trầm tích đôi nơi có chứa than.

Hoạt động sụt lún đột biến diễn ra vào khoảng 4.200 năm trước với biên độ 4 - 4,5m khiến cho mọi nơi trong đồng bằng có độ cao thấp hơn + 3m đều bị chìm ngập trong nước biển, tạo nên một lớp trầm tích mới. Các dấu tích gậm mòn của nước biển còn để lại dưới chân các khối núi đá vôi. Các núi đá vôi thuộc địa phận tỉnh Hà Nam có tuổi Triát trung thuộc hệ tầng Đồng Giao và các đồi thấp cấu tạo bởi đá trầm tích có tuổi Cổ sinh và Trung sinh đều là núi đồi nằm ở vùng rìa của các vận động kiến tạo, nơi miền núi tiếp cận với đồng bằng, nên biên độ nâng lên ít, do vậy đồi núi thường thấp.

Sự xuất hiện các dạng địa hình khác nhau trong phạm vi tỉnh Hà Nam là do nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất và trước hết phải kể đến vai trò của các vận động kiến tạo trước đây còn để lại thông qua sơ đồ cấu trúc cổ, sau đó là vai trò của các vận động mới, một mặt phát triển theo khuynh hướng kế thừa; mặt khác, quan trọng hơn phát triển theo khuynh hướng mới đã phá vỡ và ngày càng làm biến đổi sâu sắc bình đồ cấu trúc cổ, thiết lập các yếu tố mới trong bộ mặt hiện đại của địa hình.

1.2. Kiến trúc địa chất

Hướng địa hình của tỉnh Hà Nam là hướng tây bắc - đông nam được quyết định bởi hướng các đứt gãy theo hướng tây bắc - đông nam và vào giai đoạn Tân kiến tạo đã hồi sinh và hoạt động rất tích cực. Các đứt gãy này tạo nên thung lũng sông Hồng, sông Đáy và chia đồng bằng sụt võng Hà Nội thành những đới kéo dài theo hướng tây bắc - đông nam. Như vậy, các yếu tố địa hình âm (thung lũng các sông, vùng trũng giữa núi), dương (núi, đồi) không phân bố ngẫu nhiên mà thể hiện rõ ràng quy luật mang tính đường (lineamant-danh từ của Haubs).

1.3. Cấu tạo nham thạch

Nham thạch có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển các dạng địa hình bởi mỗi loại nham thạch khác nhau đó phản ánh sự khác nhau trước tác động của các nhân tố ngoại sinh.

Tại Hà Nam, đá vôi chiếm 3,43% diện tích toàn tỉnh, tập trung ở hai huyện Kim Bảng và Thanh Liêm. Đá vôi ở đây gồm chủ yếu là đá vôi có màu xám sáng, phân lớp tương đối dày, thuộc hệ tầng Đồng Giao, tuổi Triát giữa. Quá trình cacxtơ hoá diễn ra trong điều kiện khí hậu rất thuận lợi của tỉnh Hà Nam đã tạo ra nhiều dạng địa hình cacxtơ mà phổ biến nhất là địa hình đá tai mèo (carư) và các hang động với nhiều thành tạo thạch nhũ độc đáo. Khác với đá vôi tuổi Cổ sinh ở đới Thanh Hoá - sông Mã, đá vôi ở Hà Nam do có tuổi trẻ hơn nên còn tồn tại dưới dạng các dãy đồ sộ, trong đó quá trình cacxtơ hoá còn đang tiếp diễn mạnh, ít thấy các dạng địa hình cacxtơ sót đứng riêng lẻ.

Các đá trầm tích phiến sét, sa thạch tuổi Cổ sinh và Trung sinh ở tỉnh Hà Nam chiếm diện tích không đáng kể. Chúng tạo nên các đồi và núi thấp với sườn thoải dịu dàng và đỉnh tròn dạng vòm, độ cao không lớn (thường dưới 350m). Chúng có thể đứng riêng rẽ trên bề mặt đồng bằng hoặc tạo thành dãy liên tục. Các đồi và núi thấp cấu tạo bằng nhiều loại đá khác nhau trên các cấu trúc khác nhau và bị phủ một lớp phong hoá có bề dày không đồng nhất tuỳ theo cấu tạo nham thạch và lớp phủ thực vật trên mặt.

2. Nhóm các nhân tố ngoại sinh

Các nhân tố này có vai trò chạm trổ lại các dạng địa hình mà các nhân tố nội sinh đã tạo ra. Trong các nhân tố ngoại sinh, quan trọng nhất là khí hậu, ngoài ra là các hoạt động của con người.

2.1. Tác động của khí hậu

Tỉnh Hà Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng và ẩm ướt với nhiệt độ trung bình năm cao (23,40C), lượng mưa lớn (1.900mm), độ ẩm cao (85%). Điều kiện khí hậu như vậy khiến cho các quá trình phong hoá vật lý và hoá học tại Hà Nam diễn ra mạnh mẽ, tạo tiền đề cho sự xói mòn, rửa trôi của nước chảy theo dòng tạm thời (mương xói, khe rãnh) và nước chảy thường xuyên (sông, suối) bào mòn và cuốn trôi đất đá, cắt xẻ địa hình. Ở các vùng đồi phiến thạch, trong điều kiện lớp phủ thực vật đã bị phá trụi (rất phổ biến ở miền đồi núi phía Tây) có thể thấy rõ tác động của nước chảy trên sườn với hệ thống khe rãnh, mương xói nhiều chỗ rất sâu và dày đặc làm cho lớp vỏ phong hoá bị bóc trụi, trơ sỏi đá. Trong điều kiện như vậy, các vùng đồi, núi thấp không còn canh tác được nữa.

Trong vùng núi đá vôi phía tây của tỉnh, tác động của khí hậu đến địa hình thông qua quá trình cacxtơ hoá đã tạo nên nhiều dạng địa hình độc đáo như địa hình đá tai mèo với các sống đá nhọn và các khe rãnh sâu rất phổ biến trên bề mặt các núi đá vôi. Các hang động nguyên là các dòng sông ngầm trong các khối đá vôi, nay được nâng lên ở những độ cao khác nhau, tạo nên các hang khô hoặc hang ướt, trong đó có nhiều thành tạo thạch nhũ độc đáo sẽ được mô tả ở phần sau. Đôi nơi thấy xuất hiện những khối đá vôi sót đứng trơ trọi giữa vùng đồng ruộng (tiêu biểu là núi Thi Sơn gần thị trấn Quế thuộc huyện Kim Bảng) chứng cứ về sự “rút lui” của những khối núi đá vôi trước sự tấn công của nước, sau đó được trầm tích Đệ Tứ phủ trên mặt tạo nên đồng ruộng hiện tại mà dân cư sinh sống và canh tác.

Theo tính toán của các nhà khoa học, trong điều kiện khí hậu nhiệt đới như tỉnh Hà Nam, thể tích khối đá vôi có thể bị hoà tan và rửa trôi tới 50%.

2.2. Hoạt động của con người cũng có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển của địa hình trong điều kiện trình độ kỹ thuật ngày càng phát triển, khối lượng vật chất hàng năm do con người di chuyển từ nơi khai thác đến nơi sử dụng lớn hơn nhiều so với số lượng vật chất di chuyển do tự nhiên. Tỉnh Hà Nam không nằm ngoài quy luật đó. Với hoạt động khai thác đá làm vật liệu xây dựng và sản xuất xi măng, con người đã phá dần các khối núi đá vôi. Với các hoạt động khai khoáng khác, con người làm xáo trộn, cày xới địa hình, tạo tiền đề cho hiện tượng xâm thực của nước chảy, dẫn tới thay đổi địa hình không nhỏ. Điều này thể hiện ở các công trường khai thác than bùn, đất sét, đá vôi, đôlômít...

Ở vùng đồng bằng với sự tập trung đông đúc dân cư và hoạt động nông nghiệp phát triển, con người đã làm thay đổi mạnh mẽ địa hình đồng bằng, khiến cho rất khó nhận ra các địa hình tự nhiên ban đầu. Phần lớn địa hình trên đồng bằng hiện tại là các dạng địa hình nhân tạo do con người tạo ra trong quá trình sinh sống và hoạt động kinh tế như đê điều, đường sá, kênh mương, bờ vùng, bờ thửa... đã tạo nên cho đồng bằng một diện mạo mới mẻ mang tính nhân loại hoá.

Nói tóm lại, sự hình thành và phát triển địa hình là kết quả phối hợp của các nhân tố nội sinh và ngoại sinh. Chúng đã tạo nên diện mạo hiện đại của địa hình tỉnh Hà Nam.

III. CÁC KIỂU ĐỊA HÌNH

Hà Nam có một số kiểu địa hình cơ bản sau đây.

1. Kiểu địa hình đồng bằng bồi tụ trên vịnh biển nông, cấu tạo bởi trầm tích Đệ Tứ, sau đó con người đắp đê chống lụt, khiến cho bề mặt đồng bằng không còn được bồi đắp phù sa thường xuyên hàng năm và tạo thành các ô trũng.

Đồng bằng tỉnh Hà Nam là một bộ phận cấu thành của đồng bằng sụt võng Hà Nội. Mặc dù đồng bằng được thiết lập trên móng uốn nếp với nền đá kết tinh nhưng đã bị sụt xuống từ cuối Cổ sinh. Nơi mà ngày nay là đồng bằng thì vào thời kỳ đó còn là vịnh biển. Chế độ biển kéo dài trên 170 triệu năm. Đáy vịnh chịu vận động sụt lún từ từ làm cho trầm tích lắng đọng trong đó có chiều dầy tới vài nghìn mét, sau đó vịnh biển trở thành vũng hồ chứa trầm tích mà ta gọi là trầm tích Nêôgen.

Ở trung tâm đồng bằng, lớp phù sa Đệ Tứ ở trên cùng, nơi con người đang sống và cày cấy, có chiều dày 80 -120m. Càng ra ven rìa thì độ dày lớp phù sa càng giảm chỉ còn vài mét, thậm chí vùng chân đồi núi, đá gốc có thể lộ ra. Thành phần trầm tích rất đa dạng với cát, sét, bột, tướng bãi bồi hoặc hỗn hợp sông biển. Lớp phù sa trên mặt đồng bằng có thành phần cơ giới nhẹ, độ phì cao. Khi con người chưa đắp đê, nước lũ hàng năm thường tràn qua bờ sông, một phần vật liệu đọng lại ven sông tạo thành các gờ sông, phần còn lại gồm các vật liệu nhỏ hơn (chủ yếu là sét) theo nước loang ra khắp đồng bằng châu thổ với quy luật là càng xa sông thì vật liệu bồi tụ càng ít, mà do đó bề mặt đồng bằng càng thấp, tạo nên nhiều đầm lầy (có lẽ mỏ than bùn Ba Sao và các mỏ than bùn khác ở Hà Nam được hình thành do thực vật trong điều kiện đầm lầy này).

Về sau, con người đắp đê trên nền của các gờ sông để chống lụt, bảo vệ nhà cửa, mùa màng, nên từ đó châu thổ được tách ra khỏi quá trình phát triển của tự nhiên, bề mặt của nó không còn được cung cấp lớp phù sa hằng năm để san bằng các vùng trũng. Vì vậy, các ô trũng đã hình thành trước khi có đê càng trở nên rõ ràng hơn sau khi có đê. Xét trên phạm vi toàn bộ đồng bằng sông Hồng thì cả tỉnh Hà Nam được gọi chung là một ô trũng lớn, còn xét trong phạm vi tỉnh Hà Nam thì ô trũng điển hình nhất là các huyện Thanh Liêm, Bình Lục với cao độ thấp nhất tỉnh.

Trên bề mặt đồng bằng, phổ biến nhất là kiểu địa hình nhân tạo, tiêu biểu là hệ thống đê ven sông Hồng, sông Đáy; ngoài ra là các dạng kênh mương, bờ vùng, bờ thửa, đường sá... do con người xây dựng trong quá trình sống và hoạt động kinh tế. Có thể nói, mặc dù địa hình bề mặt đồng bằng là rất đơn điệu, nhưng với sự tác động mạnh mẽ của con người tạo nên ngày càng nhiều các địa hình nhân tạo, đã làm cho bề mặt đồng bằng bị biến đổi sâu sắc đến mức người ta không còn nhận ra được các dạng địa hình tự nhiên của nó nữa.

Với đất đai màu mỡ (dù hiện nay không còn được bồi đắp phù sa thường  xuyên hàng năm do sự ngăn trở của hệ thống đê điều) và địa hình bằng phẳng, nên vùng đồng bằng trở thành nơi quần cư đông đúc và có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền kinh tế của tỉnh Hà Nam.

2. Kiểu địa hình cacxtơ phát triển trên đá vôi tuổi Trung sinh, hệ tầng Đồng Giao

Kiểu địa hình này phát triển trong vùng núi đá vôi phía tây tỉnh Hà Nam (thuộc các huyện Kim Bảng và Thanh Liêm). Đây là loại đá vôi màu xám sáng, phân lớp khá dày. Đá vôi là loại đá dễ bị nước hoà tan nên dễ bị xâm thực bởi nước trên mặt và nước ngầm. Trong lòng các khối đá vôi có nhiều khe nứt, nước theo các khe nứt này xâm nhập vào các khối đá vôi và hoà tan chúng để tạo ra các dạng địa hình rất độc đáo. Các dạng địa hình này chia thành hai nhóm là: nhóm địa hình dương và nhóm địa hình âm. Nhóm địa hình dương bao gồm các khối cacxtơ dạng vòm với sườn khá thoải và đỉnh không nhọn, dạng nón với đỉnh nhọn và sườn dốc, dạng tháp với sườn dốc đứng như vách vại. Có thể quan sát thấy các khối đá vôi sót ở Hà Nam nằm trên vùng đồng ruộng như khối núi Thi Sơn (huyện Kim Bảng) và một vài khối núi đá vôi khác. Nhóm các địa hình âm bao gồm địa hình đá tai mèo (carư), phễu cacxtơ và thung cacxtơ, giếng cacxtơ, cánh đồng cacxtơ, hang động cacxtơ… Đá tai mèo là dạng địa hình phổ biến nhất trong vùng núi đá vôi của tỉnh Hà Nam.

Cảnh quan đá tai mèo với những sống đá nhọn lởm chởm bị chia cắt bởi một mạng lưới khe rãnh chằng chịt đôi khi sâu tới một vài mét. Hang động cacxtơ là dạng địa hình độc đáo nhất ở vùng núi đá vôi tỉnh Hà Nam. Chúng nguyên là những con sông ngầm chảy trong lòng các khối núi đá vôi sau đó do mức độ nâng lên trong quá trình Tân kiến tạo khiến chúng có thể ở những độ cao khác nhau. Trong các hang động có các thành tạo thạch nhũ kỳ thú như măng đá, vú đá, chuông đá, rèm đá.... và tuỳ theo quá trình thành tạo thạch nhũ đã chấm dứt (động Thi Sơn) hay còn đang tiếp diễn (động Vồng) mà thạch nhũ có màu sắc khác nhau.

Cũng có thể chia địa hình cacxtơ ra hai nhóm là: địa hình cacxtơ trên mặt và địa hình cacxtơ ngầm.

Do có tuổi trẻ hơn vùng núi đá vôi thuộc đới Thanh Hoá – sông Mã, nên đá vôi tỉnh Hà Nam tạo thành dải khá liên tục, mặc dù đây là vùng rìa của dãy núi đá vôi Hoà Bình - Ninh Bình. Tại đây, quá trình cacxtơ hoá còn đang trong giai đoạn phát triển mạnh nên ít thấy các khối đá vôi sót dạng vòm, dạng tháp, dạng nón đứng rời rạc, biểu thị giai đoạn già nua của quá trình cacxtơ mà phổ biến nhất là dạng địa hình đá tai mèo và hang động cacxtơ. Các phễu, thung cacxtơ rất ít gặp.

3. Kiểu địa hình đồi và núi thấp cấu tạo bởi đá trầm tích tuổi Cổ sinh và Trung sinh, nâng Tân kiến tạo yếu

Địa hình thấp (có độ cao 120 - 200m đối với những dải đồi và đồi đứng độc lập; 300 - 350m đối với vùng núi thấp xen lẫn đồi. Núi đồi có dạng vòm với sườn thoải đến rất thoải. Độ sâu chia cắt địa hình không lớn nhưng mật độ chia cắt ngang lại lớn do tác động của nước chảy trên mặt sườn. Sự hình thành các núi đồi kiểu này là do sự bóc mòn trên những nơi có hoạt động nâng Tân kiến tạo yếu. Đa số núi đồi tạo thành dải kéo dài theo hướng chung của địa hình Hà Nam là hướng tây bắc - đông nam, nhưng một số nơi lại dưới dạng đồi sót như núi Ơn (huyện Thanh Liêm), núi An Lão (huyện Bình Lục)....

IV. CÁC KHU VỰC ĐỊA HÌNH

Do địa hình tỉnh Hà Nam khá đơn giản với ít kiểu địa hình khác nhau, nên sự phân chia các khu vực địa hình ở Hà Nam cũng khá đơn giản.

1. Vùng đồng bằng sông Hồng, sông Đáy ở phía đông

Vùng này (chiếm khoảng 85 - 90% lãnh thổ của tỉnh Hà Nam) là đồng bằng bồi tụ với trầm tích Đệ Tứ phủ trên bề mặt có độ dày từ vài chục mét ở trung tâm đồng bằng đến một vài mét và ít hơn nữa ở ven rìa đồng bằng. Hướng dốc tây bắc - đông nam theo hướng dốc chung của địa hình núi, sông của tỉnh Hà Nam. Địa hình đơn điệu - bằng phẳng (mật độ chia cắt và độ sâu chia cắt địa hình không đáng kể), vật liệu bồi tụ có thành phần cơ giới nhẹ với độ phì cao thích hợp cho cây trồng. Trên bề mặt đồng bằng, địa hình nhân tạo lấn át và phá vỡ địa hình tự nhiên là nét đặc trưng của địa hình đồng bằng sông Hồng nói chung cũng như đồng bằng Hà Nam nói riêng.

Căn cứ theo độ cao địa hình, có thể chia vùng đồng bằng thuộc tỉnh Hà  Nam thành 2 tiểu vùng với ranh giới ước lệ như sau:

1.1. Tiểu vùng đồng bằng đất cao phía Bắc

Độ cao trung bình của tiểu vùng này từ 3 - 4m. Những vùng ven đê sông Hồng và sông Đáy, độ cao có thể 5 - 6m. Đê sông Hồng do con người đắp có độ cao trung bình 8 - 9m. Tiểu vùng này thuộc lãnh thổ huyện Duy Tiên, huyện Kim Bảng và phần phía bắc của huyện Lý Nhân (có thể lấy tỉnh lộ 971 thị trấn Vĩnh Trụ làm giới hạn). Đôi nơi trên bề mặt đồng bằng có những đồi sót như núi Đọi cao 76m (huyện Duy Tiên) hoặc những khối đá vôi sót như núi Thi Sơn (huyện Kim Bảng).

1.2. Tiểu vùng đồng bằng đất thấp phía nam

Tiểu vùng này có độ cao trung bình 1 - 2m. Đây thực sự là ô trũng điển hình của tỉnh Hà Nam, thuộc địa giới hành chính các huyện Thanh Liêm, Bình Lục và phần phía nam của huyện Lý Nhân. Nơi đây có nhiều vùng đồng trũng ngập nước và đầm lầy. Trên bề mặt đồng ruộng tồn tại một dải đồi chạy dọc quốc lộ 1A với độ cao trung bình 100-120m là địa giới hành chính các xã Thanh Lưu, Thanh Hương, Thanh Tâm và Liêm Sơn (huyện Thanh Liêm). Cá biệt có đồi xóng đứng độc lập giữa cánh đồng mênh mông là núi An Lão cao 90m (huyện Bình Lục).

Hai tiểu vùng trên đây có độ cao chênh lệch không đáng kể, với độ dốc trung bình 4-5cm/1km2, thành phần cơ giới của đất cũng có phần khác nhau. Sự phân chia hai tiểu vùng này chỉ mang tính ước lệ với đường ranh giới không rõ ràng.

2. Vùng đồi núi phía tây

Vùng này chiếm khoảng 10 - 15% diện tích lãnh thổ tỉnh Hà Nam. Đây là  vùng núi đá vôi (một bộ phận của dãy núi đá vôi Hoà Bình - Ninh Bình) xen lẫn núi thấp và đồi đá phiến. Độ cao trung bình của vùng núi đá vôi là 350 – 400m với mật độ chia cắt rất lớn, tạo nên dạng địa hình đá tai mèo rất phổ biến. Các hang động nhiều dạng thạch nhũ kỳ thú khá phổ biến như một vài  hang động điển hình thuộc huyện Kim Bảng:

2.1. Ngũ động Thi Sơn gồm 5 động khô (xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng)

Động 1 dài 12m, rộng 10m, cao 4,5m.

Động 2 dài 19m, rộng 12m, cao 10 - 15m, hình vòm.

Động 3 dài 20m, rộng 10m, cao 5m.

Động 4 dài 37m, rộng 28m, cao 15m, hình tháp.

Động 5 dài 18m, rộng 12m, cao 12 - 15m.

Các động thông với nhau bởi các eo hẹp. Trong các động có các thành tạo thạch nhũ khá đẹp như măng đá, cột đá, rèm đá. Hết động là một hệ thống hang hốc chằng chịt và xuyên sâu.

2.2. Động Hang Dơi (xã Khả Phong, huyện Kim Bảng) là động rất lớn và khô. Trần động chỗ cao nhất tới 60m, rộng 50m, dài 85m. Ngoài động chính còn có các nhánh động phụ dài 82m, rộng 10 - 20m, cao 3 - 15m. Toàn bộ diện tích sàn rộng 5.400m2. Đây là một toà kiến trúc vĩ đại của tự nhiên trong lòng núi đá vôi. Động hoàn toàn khô ráo và sáng.

2.3. Động Chùa (thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm) trên lưng chừng núi là động hẹp có nhiều ngách, nhiều nhũ đá đẹp.

2.4. Động Thủy (xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng) là một sông ngầm chảy qua các núi đá vôi với độ dài trên 400m. Trần hang cao trên mặt nước từ 1m đến 4 - 5m với nhiều nhũ đá đẹp rủ xuống. Lòng sông trong hang rộng 5 - 15m. Đáy có trầm tích bùn, ven hang còn để lại mực thềm cổ cao 1m trên mực nước trong hang.

2.5. Động Vồng (xã Khả Phong, huyện Kim Bảng) cũng là một sông ngầm trong lòng núi đá vôi. Tuy chỉ dài trên 100m, nhưng trong động có nhiều nhũ đá đẹp với nhiều màu sắc sặc sỡ. Lòng sông trong hang rộng 10 -15m, trần hang cao 1,5 - 3m, nước trong hang sâu 2 - 4m và có nhiều cá.

2.6. Hang Tối (thuộc khu vực Bút Sơn, huyện Kim Bảng) cũng là một sông ngầm trong núi đá vôi, rộng 10 - 20m, trần cao trên mặt nước 2 - 3m. Hang dài 300m, càng vào sâu hang càng rộng và tối đen. Dưới ánh đèn có thể thấy nhiều nhũ đá đẹp. Nước trong và lạnh, độ sâu có chỗ tới 3m. Các hang động trên đều nằm cạnh các đền, chùa, thắng cảnh và di tích lịch sử nên rất có triển vọng cho phát triển du lịch.

Ngoài núi đá vôi, trong vùng còn có các núi thấp và đồi đá phiến nằm xen kẽ hoặc đứng độc lập với đá vôi, tạo thành các dải đồi, núi thấp với địa hình đơn điệu, đỉnh có dạng vòm, sườn thoải đến rất thoải (độ dốc không vượt quá 350), độ sâu chia cắt không lớn nhưng mật độ chia cắt dày bởi hệ thống khe rãnh, mương xói khá dày đặc trong điều kiện mưa nhiều và lớp phủ thực vật một phần bị phá hủy bởi con người.

(Còn nữa)

Phòng Điện tử

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy