Phần I: Địa lý (Chương XXXIII)

CHƯƠNG XXXIII

GIÁO DỤC

A - KHÁI LƯỢC VỀ TRUYỀN THỐNG HỌC VÀ DẠY Ở HÀ NAM

Cũng như một số địa phương khác, Hà Nam có tiếng là miền đất hiếu học. Thời mới tự chủ, dưới các triều Ngô - Đinh - Lê, Hà Nam nằm ở vị trí giáp giới phía Bắc của kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình). Khi kinh đô dời chuyển về Thăng Long (Hà Nội) dưới triều Lý Công uẩn thì Hà Nam cũng lại trở thành phên giậu phía Nam của kinh thành. Nhiều năm dưới triều Hậu Lê, Hà Nam là nơi đặt lỵ sở của trấn Sơn Nam; đến thời Nguyễn - tính từ năm 1802, Hà Nam thuộc Hà Nội, nằm ở vị trí quan trọng trên con đường thiên lý Bắc - Nam. Vị thế trung tâm và gần kề các trung tâm văn hóa lớn suốt hơn 1.000 năm như thế, đã trở thành điều kiện khá thuận lợi cho việc học hành, thi cử của người Hà Nam. Nhìn chung, giáo dục Hà Nam tính đến trước năm 1945, có thể nói gọn ở hai điểm chính: một là, việc học theo khoa cử Nho học; hai là, việc học và dạy các nghề nghiệp thủ công, mỹ nghệ khác.

I.  HỌC HÀNH THEO KHOA CỬ NHO HỌC

Suốt thời quân chủ, đi học - đi thi - đỗ đạt và làm quan, đó là con đường lý tưởng của kẻ sĩ. Muốn thoát cảnh nghèo hèn, muốn có vị trí trong xã hội thì tưởng như không có lối đi nào khác. Tất nhiên, cũng còn cách “bảo cử” và “tiến triều” - tức là chính sách cầu hiền của triều đình, nhưng con đường khoa cử vẫn đóng vai trò chính yếu nhất. Vấn đề là ở chỗ: Lấy gì để đi học? Học với ai? Học ở đâu? Và học như thế nào?

Như vậy, nói đến việc học thì cơ sở kinh tế vẫn đóng vai trò quyết định, nhà mà quá nghèo cũng khó lòng cho con cái ăn học. Hà Nam nằm gần như ở trọn trong trung thổ Bắc Bộ, giao thông thủy bộ thuận lợi, do vậy xét trong quá khứ lịch sử Hà Nam là vùng đất có kinh tế nông nghiệp khá mạnh. Đó chính là điều kiện để “nuôi thầy, dạy con”. Bằng chứng là có khá nhiều thầy đồ từ các vùng khác đến Hà Nam “ngồi chỗ” dạy học.

Đấy là xét về khách quan. Còn về điều kiện chủ quan thì ngay trong ý thức xã hội, kẻ sĩ đã được coi trọng, thậm chí được coi trọng ở vị trí hàng đầu trong tứ dân: Sĩ - Nông - Công - Thương. Việc này thể hiện trong các hương ước và trong các gia phong.

Hà Nam hiện còn 275 bản hương ước của các làng, một số lượng hương ước khá lớn ở một địa phương chỉ có 1 thị và 5 huyện. Thế mà trong 275 bản hương ước - lệ làng đó, hầu như bản nào cũng nói đến việc “khuyến học”, mà nói khá chi tiết. Thí dụ: bản hương ước của thôn Trần Thương (xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân) lập ngày mùng 4 tháng Chín năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) có đoạn ghi: “Nay bản thôn sau khi được hưởng chút Nho học của các bậc tiền bối, (...) nghĩ sâu xa rằng kẻ sĩ là đứng đầu trong dân, dân mà đối đãi với kẻ sĩ trọng, kẻ sĩ tất sẽ báo đáp. Không được khinh kẻ sĩ thuở gian khổ học hành thì sau này chuẩn mực của xóm làng, cái đức của muôn dân mới được dày, được đủ, khiến nho phong được trấn tác; người mà thông thấu kinh sử thì trong nhà có thứ tự, ngoài xã hội được thăng tiến, được hưởng văn vận, không phụ ý sùng Nho, trọng đạo của bản thôn”. Ngoài ra, bản lệ tục còn nói rõ những hình thức ưu đãi, thưởng phạt đối với kẻ theo nghiệp học. Kẻ đi học sẽ được miễn, giảm sưu dịch, thuế má; còn nếu “du đãng mà không chuyên tâm với việc học” thì không được miễn, giảm nữa.

Xem thế, đủ biết kẻ đi học rất được coi trọng ở các làng, xã Hà Nam. Ở trong từng gia tộc, việc này cũng được đề cao. Đã có không ít các gia đình, dù điều kiện có khó khăn cũng cố sức cho con ăn học “để được bằng người”, “để có cái chữ”, “để hiển thân dương danh”. Lâu dần, trải qua từ đời này đến đời khác, việc học trở thành nếp nhà, thành gia phong. Đã xuất hiện khá nhiều các gia tộc từ ông, cháu đến cha, con rồi anh, em cùng đỗ đại khoa; như các họ Bùi ở Châu Cầu (thị xã Phủ Lý), họ Nguyễn ở An Đổ (huyện Bình Lục), v.v...

Được sự động viên, khuyến khích của làng xã, của gia tộc, bản thân các Nho sinh cũng gắng sức học hành, tỏ ra “có chí”. Dân học Hà Nam vừa cần cù, vừa thông minh; nhưng cần cù, chăm chỉ vẫn là chính. Cái làm nên nghiệp học không chỉ dựa vào thông minh và tài hoa, hai yếu tố này người Hà Nam đều sẵn, nhưng cũng cần ngăn ngừa sự “láu lỉnh” và tự mãn. Chăm chỉ, kiên nhẫn vẫn là hai đức tính tạo nên sự thành công. Như Nguyễn Khuyến chẳng hạn. Con đường học hành thi cử của ông đã thành một tấm gương sáng cho các Nho sinh không chỉ ở riêng Hà Nam. Trước khi thành cụ Tam nguyên - đỗ đầu cả thi Hương, thi Hội, thi Đình, Nguyễn Khuyến đã phải trải qua đến 20 năm vật lộn nơi trường ốc, thi Hương đến 5 lần mới đỗ Cử nhân và thi Hội đến 3 lần mới đỗ Tiến sĩ. Có lẽ đó là một kỷ lục, một huyền thoại có thật về ý chí bền bỉ không ngừng trong khoa cử xưa nay. Nguyễn Khuyến vốn tên là Thắng, sau để tự rèn đúc ý chí, ông cải tên là Khuyến (chữ khuyến trong chữ Hán là có bộ lực ở bên cạnh), ngầm ý rằng phải dồn sức hơn nữa và không được nản chí. Lại nhớ rằng Nguyễn Khuyến đỗ đầu thi Hương ở trường Hà Nội, nhưng ông phải vào Phú Xuân để thi Hội. Trong bia đề danh Tiến sĩ của ông tại Văn miếu Huế, có dòng: “Cử nhân nhập Giám”, nghĩa là sau lần thi Hội trượt năm 1865, Nguyễn Khuyến lại tiếp tục dùi mài kinh sử ở Quốc tử giám Huế nhiều năm nữa. Một nho sĩ từ đất chiêm trũng Bình Lục vào Phú Xuân thi cử, rồi rèn chí học hành trong một thời gian dài như thế là điều không phải ai cũng làm được.

Khoa cử Nho học nghiêm và chặt, đỗ đạt được ví như “cá vượt vũ môn”. Giỏi như Phan Huy Chú, tài hoa như Trần Tế Xương mà thi mấy lần cũng chỉ đỗ Tú tài. Trong gần 5 thế kỷ, người Hà Nam có hơn 50 Tiến sĩ, có những gương học hành nổi tiếng. Tất cả đã tạo nên học phong tốt đẹp, thành truyền thống hiếu học cho cả một vùng đất.

Từ đường Nguyễn Khuyến đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, nhiều năm nay là địa điểm du lịch thu hút du khách.

II.  HỌC VÀ DẠY CÁC NGHỀ NGHIỆP KHÁC

Bên cạnh khoa cử, người Hà Nam còn học khá nhiều các nghề nghiệp khác, từ nghề thủ công như làm trống, dệt tơ, nghề rèn đúc, v.v... đến các nghề nghiệp mang tính nghệ thuật như nghề hát Chầu văn, hát Ả đào, hát Dậm, v.v... Mà nghề nào cũng xuất hiện những tổ sư, những ông bà trùm, những nghệ nhân và cũng phát đạt thành làng nghề, thành gia nghệ truyền đời cho đến tận thời hiện tại. Nghề làm trống ở Đọi Tam (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên) là như vậy. Sư tổ của nghề này là Nguyễn Đức Năng, sinh năm 925, mất năm 990. Ông nổi tiếng đến mức dân gian phong cho là Trạng - Trạng Sấm, ý nói trống do ông làm ra tiếng vang dậy, to như tiếng sấm. Làm trống chỉ cần hai vật liệu cơ bản là gỗ mít và da trâu, vấn đề là lựa gỗ, xẻ uốn gỗ và ngâm thuộc, căng nạo da trâu. Người theo nghề đòi hỏi phải có sức khỏe, sức chịu đựng và sự dẻo dai, khéo léo và phải là nam đinh. Còn đòi hỏi cả một chút tâm linh nữa. Người làm trống cũng phải thổi vào đấy cả phần hồn trong sáng của mình. Có thế bụng trống mới rỗng, tiếng trống mới vang. Truyền rằng trống của tổ Nguyễn Đức Năng được dùng nhân dịp rước đón Lê Hoàn về cày ruộng tịch điền ở Đọi Sơn vào mùa xuân năm 987. Khi đó Nguyễn Đức Năng tuy đã ngoài 60 tuổi, nhưng chắc chắn ông cùng các môn đồ nghề trống đã tự tay hành nghề. Lại truyền rằng khi Lý Công uẩn dời đô về Thăng Long năm 1010 thì trống Đọi Tam cũng được chọn dùng trong đoàn rước chào. Nghe nói nhà vua rất khen ngợi và còn cho người đưa lên kinh làm trống, có lẽ đó là khởi thủy của phố Hàng Trống (Hà Nội). Ở Hàng Trống hiện nay còn ít người làm nghề trống, nhưng nghề trống ở quê gốc Đọi Tam thì vẫn tồn tại suốt 1.000 năm nay. Đã trải bao đời thầy và bao nhiêu môn sinh, nghề trống Đọi Tam vẫn tồn tại. Sau khi nhà nước bỏ lệ đốt pháo vào dịp Tết âm lịch, trống Đọi Tam được thế chỗ gióng lên hào sảng vào lúc giao thừa, và dân làng này cũng đang háo hức chuẩn bị hàng trăm chiếc trống nhân dịp Thăng Long - Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm tuổi.

Một nghề nữa cũng được truyền dạy, học hành và phát đạt từ đời Trần đến nay. Đó là nghề dệt lụa ở thôn Nha Xá (xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên). Nghề này tôn vinh Trần Khánh Dư - một tông thất nhà Trần mà tên tuổi cũng đã khá quen thuộc - làm sư tổ. Khánh Dư sau cuộc bình Nguyên - Mông, có công lao, được phong ấp ở vùng Nha Xá. Đầu tiên ở vùng này người dân có nghề vớt cá bột sông Hồng bằng những dụng cụ hết sức thô sơ, làm ăn vất vả. Khánh Dư dạy cho dân cách dệt săm vặn làm vợt và chỉ với một “cải tiến” như thế nghề cá bột Nha Xá trở nên phát đạt, khá giả. Từ dệt săm làm vợt cá phát triển thành dệt lụa, nên ở vùng đã có câu phương ngôn “Lụa Nha Xá, cá Lảnh Giang”. Dệt lụa Nha Xá thành một nghề có tiếng. Trong Dư địa chí, Nguyễn Trãi từ thế kỷ XV đã viết: “The lụa xứ Sơn Nam bền, chắc, đẹp mà nổi tiếng”. Đến thế kỷ XVII, theo tài liệu của Công ty Đông Ấn (Hà Lan) thi trong những năm 1644 -1945, công ty này đã mua ở Đàng Ngoài đến 1565 tạ tơ. Trung tâm thương mại Đàng Ngoài lúc đó là Phố Hiến (“Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”), mà Phố Hiến lúc đó chỉ cách Nha Xá một khoảng... là chiều ngang của mặt nước sông Hồng. Tuy vậy, người dệt lụa tơ Nha Xá vẫn không ngừng học hỏi. Khoảng những năm 1963 -  1967, dân Nha Xá cử người sang tận Pháp học hỏi, rồi cải tiến mẫu khung, kích thước theo đất dệt Hà Đông, rồi nhập thêm sợi từ Trung Quốc, Nhật Bản, v.v... Nay, Nha Xá có 197 hộ thì đã có 175 khung dệt, hầu như nhà nào cũng làm nghề; hàng năm bình quân Nha Xá dệt từ 300 - 350 nghìn mét lụa.

Hai ví dụ khá điển hình trên đây cho thấy nghề thủ công ở Hà Nam có truyền thống lâu đời, có sự học dạy truyền nối và ngày càng được phát huy. Học nghề đương nhiên không khó bằng học chữ. Nhưng cả hai nghiệp học đó đều đòi hỏi những ông thầy giỏi giang, mẫu mực, vì dân; cũng đều đòi hỏi những lớp học trò thông minh, mẫn cán và nhất là bền chí khổ luyện.

B - CÁC NHÀ KHOA BẢNG HÀ NAM

Một mảnh đất hiếu học, tất nhiên phải kết tinh ở những nhân vật đỗ đạt, mà là phải đỗ đại khoa, tức Tiến sĩ. Chưa có điều kiện để kiểm kê số liệu chính xác về số người đỗ Tiến sĩ đương đại, dưới đây chỉ viết về 53 vị đỗ Tiến sĩ và 3 vị đỗ Tạo sĩ (Tiến sĩ võ), tính từ người đỗ đầu tiên vào năm 1429 - Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiếu đến người đỗ cuối cùng vào năm 1910 - Phó bảng Bùi Kỷ (Thực ra, khoa cử thời quân chủ cũng chấm dứt vào 8 năm sau đó - năm 1918).

1. Nguyễn Khắc Hiếu (1400 - 1472)

Tự là Thuấn Thần. Sinh năm Canh Thìn (1400), mất năm Nhâm Thìn (1472).

Quê ở thôn Thanh Khê, xã Hòa Khê, huyện Bình Lục.

Đỗ đệ nhất giáp Tiến sĩ cùng khoa với Trình Thuấn Du (huyện Duy Tiên), ở khoa Minh kinh năm Kỷ Dậu niên hiệu Thuận Thiên thứ 2 (1429) đời Lê Thái Tổ. Làm quan đến chức Hàn lâm viện trực học sĩ, Nhập thị kinh diên. Từng đi sứ sang nhà Minh.

2. Trình Thuấn Du (1402 - 1481)

Tên thật là Trần Thuấn Du. Sau đổi là Trình Thuấn Du (vì kiêng tên húy mẹ vua Lê Thái Tông). Hiệu là Mật Liệu. Quê quán ở Tân Đội, Duy Tân nay là xã Đội Sơn, huyện Duy Tiên.

Ông đỗ khoa Minh kinh năm Kỷ Dậu niên hiệu Thuận Thiên thứ 2 (1429) đời Lê Thái Tổ.

Năm Quý Sửu (1433) được cử làm Chánh sứ sang nhà Minh. Ông làm quan đến Tuy lực đại phu nhập nội hành khiển, Hàn lâm viện thừa chỉ, Tri tam quán sự, kiêm khu mật viện sự, Nhập thị kinh diên, cùng Nguyễn Trãi tham gia hầu việc giảng dạy cho Thái tử.

3. Nguyễn Bảng (1419 - 1471):

Sinh ngày 12 tháng Sáu năm Kỷ Hợi (1419) tại xã Khang Thái, huyện Phù Vân, phủ Thường Tín, đạo Sơn Nam. Bố là Nguyễn Chiêu, mẹ là Mai Thị Tấn. Năm ông 19 tuổi, vua Lê Thái Tông (1434-1442) mở khoa thi, Nguyễn Bảng đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ (?). Ông được phong làm Thị tòng tham mưu rồi Hàn lâm viện kiêm thị giảng. Sau loạn Nghi Dân, ông cùng các vị đại thần nhà Lê có công đưa Lê Thánh Tông lên ngôi. Vua ban chức Tham tán, lo việc vận chuyển binh lương chinh phạt Chiêm Thành. Sau bình Chiêm, được về cai quản đạo Sơn Nam, hưởng thực ấp ở huyện Lỵ Nhân.

Ông bị bệnh chết năm 52 tuổi, được sắc phong là: “Đông Bảng đại vương”, lại gia tặng là: “Thông minh hùng lược tế trung đẳng thần”. Dân xã Đinh Xá nghênh rước sắc phong, hành lễ, tôn lập thần hiệu cùng thờ với Đông Hải, Đông Xứng (hai vị tướng thời Lý) thành tam vị đại vương tại ngôi đình thôn Đinh, xã Đinh Xá, huyện Bình Lục.

4. Hoàng Mông (1422 - 1506)

Quê xã Bằng Khê, huyện Thanh Liêm nay là thôn Bằng Khê, xã Liêm Chung, thị xã Phủ Lý. Sinh năm Nhâm Ngọ (1422), mất năm Bính Dần (1506).

Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ, xuất thân khoa Mậu Thìn niên hiệu Thái Hòa (1448) đời Lê Nhân Tông.

5. Hoàng Thuần (? - ?)

Quê xã Lạc Tràng, huyện Kim Bảng nay là thôn Lạc Tràng (thị xã Phủ Lý).

Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Dậu niên hiệu Thái Hòa 11 (1453) đời Lê Nhân Tông. Làm quan, chức Tham chính.

6. Bùi Đạt (1433 - 1509)

Sinh năm 1433, người xã Tân Cốc, huyện Duy Tiên, phủ Lỵ Nhân, trấn Sơn Nam (nay là huyện Duy Tiên). Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Dậu, năm Thái Hòa thứ 11 (1453), đời Lê Nhân Tông (1442-1459).

Ông tính cương trực, quyết đoán. Xuất thân hàn vi, nên khi hiển đạt, thường cứu giúp người nghèo, nâng đỡ kẻ sĩ cùng khổ.

Làm Tham chính thời Lê Thánh Tông. Ngoài 50 tuổi về dạy học ở quê, mất năm Kỷ Tị (1509).

7. Phạm Phổ (1438 - 1491)

Phạm Phổ (có sách chép là Phạm Lục) sinh năm Mậu Ngọ (1438), tại thôn Mai Động xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, phủ Lỵ Nhân, nay là thôn Mai Động xã Trung Lương, huyện Bình Lục. Bố ông trước là người ở xã Lê Xá (Hải Dương) sang lánh nạn ở thôn Mai Động sau đó lấy vợ và sinh con cái ở đây. Năm Quang Thuận thứ 4 khoa Quý Mùi (1463) đời Lê Thánh Tông, ông thi đỗ Tiến sĩ, sau đó lại thi đỗ khoa Hoành từ (1467), được vua ban chức Thị giảng, chuyên giảng sách cho Thái tử. Sau chuyển sang quan võ làm Chỉ huy sứ. Nhưng rồi bị bãi chức vì muốn đưa con cái vào cung để lo củng cố quyền vị. Ông lấy vợ ở thôn Khả Lôi, xã An Bài, huyện Bình Lục, phủ Lỵ Nhân (nay là thôn An Bài, xã Đồng Du, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam). Vì anh em xung khắc nên ông về sống ở quê vợ. Đến khi bị lụt lội, lại chuyển về Mai Động và mất tại đó năm Tân Hợi (1491).

8.  Bùi Viết Lượng (1422 - 1531)

Nguyên quán xã Nham Lạng, huyện Ngự Thiên nay là xã Nham Lạng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Trú quán xã Dũng Kim, huyện Nam Xương nay thuộc thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân.

Đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Bính Tuất niên hiệu Quang Thuận 7 (1466), đời Lê Thánh Tông.

Làm quan đến chức Thượng thư. Năm 1471 được cử đi sứ nhà Minh. Sau về trí sĩ.

9.  Nguyễn Tông Lan (1440 - 1512)

Quê xã Quang Thừa, huyện Kim Bảng (nay là thôn Quang Thừa, xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng). Sinh năm Canh Thân (1440), mất năm Nhâm Thân (1512).

Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu niên hiệu Quang Thuận 10 (1469), đời Lê Thánh Tông. Làm quan, chức Thừa chính sứ. Ông là cha của Nguyễn Tông Mạo (Tiến sĩ khoa Ất Sửu, 1505).

10. Trần Bảo (1449 - 1529)

Quê xã Trần Xá, huyện Nam Xương nay thuộc huyện Lý Nhân. Tiên tổ vốn gốc ở Trần Xá, Đại An thuộc Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Sau khi sinh ông, do bị mất mùa nên cha mẹ đem ông về xã Mao Bích, Nam Xang, rồi định cư ở đây.

Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469), đời Lê Thánh Tông.

Làm quan đến chức Công bộ Thượng thư, hàm Thiếu bảo, tước Quận công. Ông là viễn tổ của Tiến sĩ Trần Lương Bật ở Cổ Am, huyện Vĩnh Lại nay là thôn Cổ Am, xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.

Khi ông làm quan, mới đem tài lực khai khẩn đất phía Đông xã, lập thành xã Trần Xá (lấy theo tên quê cũ ở Hải Phòng).

11. Dương Bang Bản (Lê Tung) (1451 - ?)

Quê làng An Cừ (nay thuộc xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm). Ông sinh năm 1451, đỗ Hoàng giáp năm 1484 triều vua Lê Thánh Tông, được ban quốc tính, đổi là Lê Tung.

Đương thời, ông đảm đương nhiều chức vụ ngoại giao quan trọng: năm 1493 làm Phó sứ sang nhà Minh, năm 1499 được cử đi đón sứ bộ Trung Quốc, 1506 lại làm Chánh sứ. Năm 1509 ông phò Lê Tương Dực chống lại Lê Uy Mục thành công, được cử làm Thượng thư bộ Lễ hàm Thiếu bảo, tước Đôn thư bá, Đông các đại học sĩ, kiêm Quốc tử giám tế tửu, tri kinh diên sự. Là tác giả Việt giám thông khảo tổng luận (1514) nổi tiếng.

12. Nguyễn Kiện Hy (1470 - ?)

Quê huyện Duy Tân nay là huyện Duy Tiên.

Năm 27 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Thìn niên hiệu Hồng Đức thứ 27 (1496), đời Lê Thánh Tông. Làm quan Hàn lâm viện thị độc, Phủ doãn Phụng Thiên. Chưa rõ năm mất.

13. Dương Đức Kỳ (1475 - 1564)

Còn có tên gọi là Dương Đức Thụy. Sinh năm Ất Mùi (1475), mất năm Giáp Tí (1564). Quê ở xóm Dĩ Hòa, xã Dĩ An, huyện Duy Tiên.

Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Kỷ Mùi niên hiệu Cảnh Thống thứ 2 (1499) đời Lê Hiến Tông. Làm Phủ doãn phủ Phụng Thiên.

14. Lê Đình Tưởng (1474 - ?)

Quê ở Cao Mật, huyện Kim Bảng nay là thôn Cao Mật, xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng.

Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502), đời Lê Hiến Tông.

Làm quan, chức Phó Đô ngự sử.

15. Trần Thì Vũ (1476 - ?)

Quê xã Phú Thứ, huyện Duy Tân nay là thôn Phú Thứ, xã Tiên Hiệp, huyện Duy Tiên.

Năm 26 tuổi, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Ất Sửu niên hiệu Đoan Khánh thứ nhất (1505), đời Lê Uy Mục. Làm quan, chức Chính đoán sự.

16. Trần Tông Lỗ (1480 - 1570)

Quê xã Mỹ Đê, huyện Kim Bảng, nay là xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng. Đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Ất Sửu niên hiệu Đoan Khánh thứ nhất (1505), đời Lê Uy Mục. Làm quan đến Lễ bộ Tả thị lang.

17. Nguyễn Nghĩa Thọ (1480 - 1564)

Quê ở xóm Trại, xã Trinh Nữ, huyện Duy Tân nay là huyện Duy Tiên.

Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn niên hiệu Đoan Khánh thứ 4 (1508) đời Lê Uy Mục. Làm quan, chức Tự khanh.

18. Trần Bích Hoành (1469 - 1550)

Có tài liệu ghi là Trần Hoành Bích, Trần Bích Hoành.

Quê ở xóm Tân Châu, xã Điền Xá, huyện Duy Tân, nay là huyện Duy Tiên.

Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Mùi niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (1511) đời Lê Tương Dực, năm 42 tuổi (có tài liệu chép nhầm là đỗ năm 24 tuổi). Làm quan, chức Giám sát ngự sử.

19. Tạ Đình Huy (1474 - 1542)

Có sách chép là Tạ Đình Duy.

Quê xã Hồng Khê, huyện Duy Tân, nay là xã Yên Nam, huyện Duy Tiên. Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Mùi niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (1511 ), đời Lê Tương Dực, năm 38 tuổi. Làm quan, chức Cấp sự trung.

20. Nguyễn Tông Mạo (1480 - 1551):

Có sách chép là Nguyễn Mạo. Quê xã Bất Đoạt, huyện Kim Bảng nay là thôn Bất Đoạt, xã Châu Sơn, huyện Kim Bảng. Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Mùi niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (1511), đời Lê Tương Dực.

Con trai của Nguyễn Tông Lan (Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu, 1469). Nguyễn Tông Mạo là người ưu thời mẫn thế, chán cảnh quan trường, không thiết tha với việc triều chính.

21. Nguyễn Sư Hựu (1500 - 1585)

Quê xã Cát Đàm, huyện Thanh Liêm nay thuộc xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm. Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Mùi niên hiệu Thống Nguyên thứ 2 (1523) đời Lê Cung Hoàng. Làm quan đến Lễ bộ Thượng thư, Thiếu bảo, Đông các đại học sĩ.

22. An Khí Sử (1506 - 1582)

Có sách chép là Ngô Khí Sử. Quê xã Nễ Độ, huyện Nam Xương, nay là thôn Nga Khê, xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân. Năm 24 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Minh Đức thứ 3 (1529) đời Mạc Đăng Dung. Làm quan, chức Tự khanh, sau thăng Thị lang.

23. Phan Tế (1510 - 1575)

Quê xã Nhật Xá, huyện Duy Tân nay thuộc huyện Duy Tiên. Nguyên quán xã Nguyễn Xá, huyện Thạch Thất, Hà Tây (nay thuộc thôn Chàng, xã Thạch Xá cùng huyện). Năm 20 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu niên hiệu Minh Đức thứ 3 (1529) đời Mạc Đăng Dung. Làm quan, chức Thừa chính sứ, tước Nam.

24. Phạm Đãi Đán (1518 - 1590)

Quê xã Lôi Hà, huyện Nam Xương, nay là xã Trác Văn, huyện Duy Tiên. Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất niên hiệu Đại Chính thứ 9 (1538), đời Mạc Đăng Doanh. Làm quan, chức Công khoa đô cấp sự trung.

25. Trần Văn Bảo (1524 - 1586)

Có tài liệu chép Trần Văn Bảo sinh năm 1523, mất năm 1610. Nguyên quê gốc ở xã Cổ Chử, huyện Giao Thuỷ, nay là làng Dứa, xã Đồng Quang, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định; sau dời đến lập ấp ở thôn Phù Tải, xã Yên Đổ (nay thuộc xã Trung Lương), huyện Bình Lục, Hà Nam.

Năm 27 tuổi, đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên), khoa Canh Tuất (1550) niên hiệu Cảnh Lịch thứ 3, đời Mạc Phúc Nguyên. Từng làm Chánh sứ sang Trung quốc. Làm quan đến Thượng thư, tước Nghĩa quận công. Là cha của Tiến sĩ Trần Đình Huyên, em của Tiến sĩ Trần Văn Hoà.

26. Vũ Hoán (1524 - 1607)

Quê xã Hồng Khê, Duy Tân, nay là xã Yên Nam, huyện Duy Tiên. Đỗ Đệ nhị giáp đồng chế khoa xuất thân khoa Giáp Dần, niên hiệu Thuận Bình thứ 6 (1554) đời Lê Trung Tông. Làm quan, chức Tham chính, tước Nam.

27. Bùi Đình Tán (1532 - 1609)

Quê xã Phượng Lâu, huyện Nam Xương, phủ Lỵ Nhân nay thuộc huyện Lý Nhân. Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Thìn, niên hiệu Quang Bảo thứ 2 (1556) đời Mạc Phúc Nguyên. Làm quan Cấp sự bộ Công, Thừa chính sứ.

28. Nguyễn Diễn (1543 - 1606)

Quê xã Văn Thái, Duy Tân nay là thôn Văn Thái, xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên. Năm 35 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Sửu, niên hiệu Sùng Khang thứ 12 (1577) đời Mạc Mậu Hợp. Làm quan đến chức Binh bộ hữu thị lang, sau theo nhà Lê, giáng xuống Tham chính.

29. Nguyễn Văn Tĩnh (1543 - 1622)

Quê xã Nễ Độ, huyện Nam Xương, nay thuộc huyện Lý Nhân. Đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Sửu, niên hiệu Sùng Khang thứ 12 (1577), đời Mạc Mậu Hợp. Làm quan, chức Đề hình giám sát ngự sử.

30. Trần Ngọc Du (1613 - 1698)

Tự là Khoan Nghi, sinh ngày 23 tháng Mười năm Quý Sửu (1613) tại làng Phù Tải, An Đổ, Bình Lục phủ Lỵ Nhân (nay là thôn Phù Tải, xã Trung Lương, huyện Bình Lục). Bố là Trần Ngọc Lâm, nguyên gốc ở làng cổ Chử, huyện Giao Thuỷ, trấn Sơn Nam Hạ, nay thuộc Nam Định. Đỗ Tạo sĩ (tức Tiến sĩ võ), rồi được phong chức Thị hậu. Sau được phong tước Vinh Thọ hầu; lại được tặng phong Thượng tướng quân, Bắc quân đô đốc phủ thiêm sự, Sách quận công. Mất ngày 27 tháng Mười năm Mậu Dần (1698) niên hiệu Chính Hòa, được ban thụy là Liêm Cần.

31. Phạm Viết Tuấn (1631 - 1722)

Quê xã Lạc Tràng, huyện Kim Bảng nay là thôn Lạc Tràng, xã Lam Hạ (thị xã Phủ Lý). Năm 40 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 (1670), đời Lê Huyền Tông. Làm quan, chức Giám sát ngự sử, vì có nhiều lời nói thẳng, nên bị dèm pha, trở thành đắc tội với triều đình. Sau khi mất, lại được phục chức.

32. Trần Ngọc Khuy (1649 - 1698)

Tự là Cẩn Độ, thụy là Đoan Phúc. Sinh ngày 12 tháng Ba năm Kỷ Sửu (1649), tại thôn Phù Tải, xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, phủ Lỵ Nhân (nay là thôn Phù Tải, xã Trung Lương, huyện Bình Lục). Bố là Trần Ngọc Du, mẹ là Hà Thị Hảo người thôn Vói Cầu, xã An Tập, cùng huyện. Đỗ Tạo sĩ (Tiến sĩ võ). Làm Tiền đô hiệu điểm, tước Gia trạch hầu, phong Đặc tiến phụ quốc, Thượng tướng quân, Tham đốc thần vũ tự vệ quân sự vụ. Mất ngày 29 tháng Hai năm Mậu Dần (1698).

33. Trương Công (1665 - 1728)

Sau đổi là Trương Công Giai (hay Khải). Sinh năm Ất Tị (1665), trú sở Thiên Kiện, nay là xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm. Năm 21 tuổi đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Sửu (1685) niên hiệu Chính Hòa thứ 6, đời Lê Hy Tông. Năm 1707 được phong Công bộ hữu thị lang. Năm 1711, lại giữ chức Phó đô ngự sử. Năm 1718 Trương Công Giai được cử đi chấm thi, duyệt quyển kỳ thi Hương. Năm 1720 được ban tước Quận công. Năm 1724 đời vua Lê Dụ Tông, bị giáng chức Hình bộ thượng thư xuống làm Lại bộ tả thị lang. Năm Bính Ngọ (1726), lại phục chức Hình bộ thượng thư. Ngày 8 tháng Hai năm Mậu Thân  (1728), Trương Công Giai mất, được truy phong hàm Thiếu bảo.

34. Nguyễn Công Thành (1662 - ?)

Người làng Dưỡng Hòa, huyện Duy Tân (nay là thôn Dưỡng Mông, xã Tiền Phong, huyện Duy Tiên). Đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (?) niên hiệu Chính Hòa thứ 13, đời Lê Hy Tông (1692).

35. Trương Minh Lượng (1636 - 1712)

Tên húy là Trường, thụy là Thanh Cần. Sinh năm Bính Tí (1636), mất năm Nhâm Thìn (1712). Quê xã Ngô Xá huyện Duy Tân, nay là thôn Ngô Trung, xã Tiên Nội, huyện Duy Tiên. Năm 35 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn niên hiệu Chính Hòa thứ 21 (1700) đời Lê Hy Tông. Làm quan, chức Tự khanh. Trương Minh Lượng là con rể ông Hoàng Công Trí (Tiến sĩ năm 1670, làm quan đến Lại bộ thượng thư). Vợ ông Lượng là bà Hoàng Thị Huệ, hai ông bà có một người con gái là Trương Thị ích - bà ích là vợ Tiến sĩ Lê Phú Thứ ở Duyên Hà, Thái Bình, sinh ra nhà bác học Lê Quý Đôn. Trương Minh Lượng là ông ngoại của Lê Quý Đôn.

36. Trần Ngọc Cấp (1684 - 1748)

Tự là Trung Tín. Sinh ngày 19 tháng Tư năm Giáp Tí (1684), tại thôn Phù Tải, xã An Đổ, huyện Bình Lục, phủ Lỵ Nhân (nay là thôn Phù Tải, xã Trung Lương, huyện Bình Lục), là hậu duệ của Tiến sĩ Trần Văn Bảo. Bố là Trần Ngọc Khuy, mẹ là Nguyễn Thị Trinh Khiết. Thi đỗ Tạo sĩ (Tiến sĩ võ) thời Hậu Lê. Làm chức Chi thụ chánh đội trưởng. Sau được phong Thủy dụ bá. Mất ngày 17 tháng Mười năm Mậu Thìn (1748).

37. Nguyễn Quốc Hiệu (1696 - 1772)

Quê ở thôn Cái Thửa, xã Phú Thứ, huyện Duy Tân, phủ Nam Xang (nay là thôn Phú Thứ, xã Tiên Hiệp, huyện Duy Tiên). Năm 41 tuổi đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (Thám hoa) khoa Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2 (1736), đời Lê Ý Tông. Làm quan, chức Hiến sát sứ.

38. Nguyễn Tông Mại (1706 - 1761 )

Sinh năm Bính Tuất (1706) tại thôn Vị Hạ, xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, phủ Lý Nhân (nay là thôn Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục), là hậu duệ của Quang Lượng Hầu, một võ tướng thời nhà Mạc. Tiến sĩ Nguyễn Tông Mại tên thật là Điều, hiệu là Thận Trực, thụy là Phụng Chính, là tổ phụ thi hào Nguyễn Khuyến. Đời Lê Ý Tông, niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2 khoa Bính Thìn (1736) ông đỗ Tiến sĩ, được nhận chức Hàn lâm viện đại chế. Rồi làm Tri phủ Khoái Châu (Hưng Yên), được thăng làm Hiến sát sứ Thanh Hoa (Thanh Hóa). Mất ngày 14 tháng Hai năm Tân Tị (1761). Nguyễn Tông Mại là người thanh liêm, chính trực, giỏi thơ văn, có tập Nam chân dật ký còn truyền lại; thi hào Nguyễn Khuyến chịu ảnh hưởng nhiều cốt cách và thơ văn ông.

39. Nguyễn Kỳ (1715 - 1787)

Sinh năm Ất Mùi (1715) (có sách chép sinh năm 1718) tại xã An Lão, tổng Mai Động, huyện Bình Lục, phủ Lý Nhân. Năm 31 tuổi (1745) niên hiệu Cảnh Hưng thứ 5, đỗ thủ khoa thi Hương. Năm 34 tuổi, khoa Mậu Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1748) đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Được bổ nhiệm làm Án sát Sơn Tây. Vài năm sau, thăng bổ làm Tổng đốc Tuyên Quang. Ngoài 50 tuổi, được phong Đông các điện đại học sĩ kiêm Quốc tử giám tế tửu, tước Mai Phong bá.

40. Lý Trần Thản (1721 - 1776)

Quê ở Lê Xá, xã Châu Sơn, huyện Duy Tiên. Sinh năm Tân Sửu (1721), đỗ Tam trường đời Lê Cảnh Hưng thứ 4. Làm Tri huyện Phú Xuyên 21 năm. Ông là con rể của Bảng nhãn Lê Quý Đôn. Năm Cảnh Hưng thứ 27, được phong tước hầu, chức Hữu thị lang. Năm 48 tuổi Lý Trần Thản đỗ Tiến sĩ. Được phong Tuy viễn hầu, Thượng thư bộ binh.

41. Bạch Đông Ôn (1811 - 1881)

Tự là Hòe Phủ, quê ở xã Lạc Tràng, Kim Bảng cũ, sau thuộc xã Lam Hạ, huyện Duy Tiên (nay thuộc thị xã Phủ Lý). Bạch Đông Ôn đỗ Hoàng giáp năm 25 tuổi, niên hiệu Minh Mạng thứ 16 (1835). Trước sau chỉ giữ một chức quan bậc trung, tính tình cương trực, điềm đạm. Năm 1847, khi đang làm Lang trung bộ Lễ, vì bị ốm, ông dâng sớ xin nghỉ về quê chữa bệnh. Vua Thiệu Trị vốn không ưa, cho rằng ông thoái thác việc triều đình, giáng chức xuống làm Chủ sự, rồi bắt phải về nghỉ khi mới 36 tuổi. Khi Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ, ông cùng một số sĩ phu mưu tính khởi nghĩa, nhưng việc bại lộ, bị giặc bắt. Được tha về, ông chán nản, quay lại cuộc sống ẩn dật. Khi Bạch Đông Ôn mất (1881), vua Tự Đức có viếng bốn chữ: “Thanh bạch vi thủ” (Thanh bạch làm đầu) và truy tặng sắc “Diên thọ quận công”. Bạch Đôn là con trai trưởng Bạch Đông Ôn, đi thi Hương chỉ 2 lần đỗ Tú tài, mở trường dạy học ở phố Hàng Đào. Sau tham gia Đông kinh nghĩa thục, thêu cờ “Trượng nghĩa Bình Tây". Mưu sự chưa thành, bị giặc Pháp bắt. Khi được thả, Bạch Đôn đi các chùa ẩn dật, sống đến năm 72 tuổi. Bạch Đông Ôn có 50 bài thơ in chung với Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Văn Lý trong Danh nhân thi tập. Trong Hòe Phủ thi tập có 70 bài vịnh cảnh, tả người, dạy con cháu... Ngoài thơ, Bạch Đông Ôn còn viết nhiều câu đối và văn xuôi.

42. Vũ Văn Lý (1809 - 1879)

Quê xã Vĩnh Trụ, huyện Nam Xương, tỉnh Hà Nội (nay là thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân). Đỗ cử nhân khoa Canh Tý (1840). Năm 33 tuổi đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu, niên hiệu Thiệu Trị thứ nhất (1841). Làm quan, chức Quốc Tử giám tế tửu. Sau cáo quan về quê dạy học. Ông là cha của Phó bảng Vũ Văn Báo và Cử nhân Vũ Văn Nghị, là thầy dạy cua Tam nguyên Nguyễn Khuyến và Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi.

43. Đinh Gia Hội (1811 - ?)

Quê xã Ngô Xá, huyện Duy Tiên (nay là thôn Ngô Xá, xã Tiên Nội, huyện Duy Tiên). Đỗ Cử nhân khoa Quý Mão (1843). Năm 38 tuổi đỗ Phó bảng Ân khoa Mậu Thân, niên hiệu Tự Đức thứ nhất (1848). Làm Tri phủ Từ Sơn (Bắc Ninh).

44. Trần Huy Côn (1816 - ?)

Quê xã Thiên Bản, huyện Thiên Bản, tỉnh Nam Định (nay là thôn Vũ Bản, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục). Đỗ Cử nhân khoa Bính Ngọ (1846). Năm 34 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Dậu, niên hiệu Tự Đức thứ 2 (1849). Làm quan, chức Thị giảng học sĩ.

45. Vũ Duyên (Vũ Văn Diên) (1830 - 1902)

Quê làng Lạc Tràng, huyện Kim Bảng, sau thuộc xã Lam Hạ, huyện Duy Tiên (nay thuộc thị xã Phủ Lý). Thi đỗ Tiến sĩ năm Nhâm Tí (1852) đời vua Tự Đức khi ông mới 20 tuổi và đã được ban mũ áo, chờ vinh quy. Nhưng trong triều lúc đó có kẻ nịnh thần và trong số sĩ tử có kẻ đố kị với ông, tâu với triều đình, nhà vua đòi nghe lại văn sách. Trong văn sách của ông lại có ý chủ trương đánh Pháp, không chịu giảng hòa nên không hợp ý triều đình. Có một giám khảo người Nghệ lại đọc trọ trẹ câu văn sách của ông là: “Cát tai hoàng khảo” thành ra “Cặt tai hoàng khảo” có nghĩa là “cắt tai vua cha”. Vua cho là lời lẽ mạn thượng nên phạt, lột mũ áo Tiến sĩ, giáng xuống sĩ nhân. Đến khoa Nhâm Tuất (1862) ông đổi tên là Vũ Văn Diên, đi thi Hương lại, trúng ngay Cử nhân, rồi được tuyển bổ chức Huấn đạo huyện Trực Ninh tỉnh Nam Định. Sau được cử thay Tri huyện. Ông không dám tiếp tục thi Hội, sợ lộ tung tích. Ông sống liêm khiết và thương dân. Làm quan hơn 3 năm thì 2 năm liền huyện bị thiên tai, hết bão đến lụt, dân cơ cực đói rét, ông đã bỏ tiền nhà và vận động dân trong huyện “lá lành đùm lá rách” tổ chức cứu tế giúp dân phần nào đỡ đói khổ. Tiếp đến, thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ, triều đình nhà Nguyễn đầu hàng. Lại nhân dịp cụ cố mất, ông xin từ quan, trở về quê hương cư tang rồi dạy học và nghiên cứu thuốc chữa bệnh. Học trò của ông thành đạt khá nhiều, làm huân đạo, tri huyện, án sát, ngự sử, như ông Phó bảng Vũ Duy Tuân ở Lạc Tràng, cháu gọi ông bằng chú ruột... Ông là bạn học với anh em Tiến sĩ Dương Khuê, Dương Lâm ở Vân Đình, Hà Đông. Ông mất khoảng năm 1902, thọ 72 tuổi. Các môn sinh xa gần đã góp tiền tậu một mẫu đất để làm vườn và xây nhà thờ. Mặt trước nhà thờ có đắp nổi 3 chữ “Song Nhâm Đường” tức là thờ cụ Song Nhâm (ông thi hai khoa Nhâm, khoa đầu Tiến sĩ, khoa sau Cử nhân).

46. Bùi Văn Dị (1833 - 1895)

Hiệu Tốn Am, Hải Nông và Châu Giang; tự là Ân Niên. Quê ở xã Châu Cầu, huyện Kim Bảng, (nay thuộc thị xã Phủ Lý). Sinh ngày 17-5-1833 (tức 28 tháng Ba năm Quý Tị) trong một gia đình nho học (cụ thân sinh là Bùi Văn Hy đỗ Tú tài thời Minh Mạng). Năm 1855 đỗ Cử nhân và sau đó một năm (1856) ông mới vào Huế dự thi Hội, thi Đình và đạt học vị Phó bảng cùng người em họ con ông chú ruột là Bùi Văn Quế. Sau đó lần lượt được bổ làm Tri huyện Lang Tài, Việt Yên, Yên Dũng thuộc tỉnh Bắc Ninh; làm Án sát Ninh Bình, rồi sung vào Nội các. Năm 1876 ông được cử làm Chánh sứ, đi sứ nhà Thanh. Cuối năm 1878, ông lại được sung vào Nội các, lại được cử làm Duyệt quyển thi Hội, thi Đình lần thứ 2. Năm 1881, làm đại thần quản lý Nha thương bạc. Tiếp ngay năm sau, quân Pháp mở rộng xâm lược đánh chiếm Bắc Kỳ, ông đã dâng sớ đề nghị kiên quyết chống đánh và được cử giữ chức Khâm sai phó kinh lược sứ Bắc Kỳ, đã trực tiếp chỉ huy trận đánh ngày 27 và 28-3-1883 chặn quân Pháp lấn ra ngoại vi Hà Nội. Ông được cử làm Tham tán quân thứ Bắc Ninh tức là làm tham mưu cho đạo quân Bắc Ninh. Việc nhà Nguyễn ký hàng ước 25-8-1883 làm cho ông suy sụp tinh thần đến phát bệnh và là cái cớ để không nhận chức Tổng đốc Ninh Thái, cùng lúc với Nguyễn Khuyến cũng từ chối chức Tổng đốc Sơn Tây, ông về ở ẩn tại Thanh Hóa. Song đến đầu năm Kiến Phúc (1884) ông được triệu về làm “Nhật giảng quan”, để giảng sách cho vua Kiến Phúc, rồi vua Hàm Nghi. Sau đó ông bị ốm phải về dưỡng bệnh tại Hải Quật, Yên Định, Thanh Hóa năm 1885. Cuối năm 1887 ông lại được gọi về triều làm Phụ chính đại thần. Trong dịp này ông đã được truy phục học vị Tiến sĩ khoa Ất Sửu (1865). Năm 1890, ông đã từ chức Thượng thư bộ Lại và Phụ chính đại thần, chỉ giữ chức Phụ đạo đại thần kiêm Phó tổng tài Quốc sử quán. Thơ văn của ông được hợp tập trong các tác phẩm: Vạn lý hành ngâm, Du hiên thi thảo, Tốn Am thi sao, Trĩ chu thù xướng tập...

47. Bùi Văn Quế (1837 - 1913)

Bùi Văn Quế là người xã Châu Cầu, huyện Kim Bảng (nay thuộc thị xã Phủ Lý). Ông đỗ Cử nhân khoa Giáp Tí, niên hiệu Tự Đức thứ 17 (1864). Tiếp đó năm Ất Sửu (1865) đỗ Phó bảng, đồng khoa với người anh con bác là Bùi Văn Dị. Năm 1868 nhậm chức Tri huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Năm Nhâm Thân (1872) thăng chức Đồng tri phủ, nhưng vẫn trị nhậm huyện cũ. Năm Ất Hợi (1875) đổi về làm quan trong bộ Hộ. Năm Kỷ Mão (1879) ông được thăng chức Thị lang bộ Hộ. Năm 1880 ông là quan duyệt quyển chấm thi Tiến sĩ. Đầu năm Tân Tị, niên hiệu Tự Đức thứ 34 (1881) được thăng chức Tham tri bộ Hộ, đến tháng 3 năm ấy nhậm chức Tuần phủ Nam - Ngãi - Thuận - Khánh (Quảng Nam, Quang Ngãi, Bình Thuận, Khánh Hòa).

48. Vũ Duy Tuân (1840 -1915)

Sinh năm Canh Tí (1840), quê ở làng Lạc Tràng, huyện Kim Bảng sau là làng Lạc Tràng, xã Lam Hạ, huyện Duy Tiên (nay thuộc thị xã Phủ Lý). Đỗ Cử nhân năm Đinh Mão (1867), đỗ Phó bảng năm Mậu Thìn, niên hiệu Tự Đức thứ 21 (1868). Năm 29 tuổi được bổ làm quan Ngự sử, nên về sau thường gọi là ông Ngự Lạc Tràng. Tính ông quả cảm, cương trực, các quan triều thần đều kính phục, nể vì. Nhân một lần dâng sớ can vua Tự Đức đại ý: Không nên vì quá chăm sóc mẹ già mà quên việc nước đang cấp bách, nhà vua giận quá, châu phê vào bên câu này bốn chữ “Tiến sĩ bất đệ". Bốn chữ có ý nghĩa mỉa họ Vũ: Tiến sĩ cũng không đỗ được còn làm nên trò trống gì mà cứ hay chỉ trích! Ngự sử liền dâng sớ xin nghỉ.

49. Lê Văn Mai (1843 - 1886)

Người làng Vĩ Khánh, xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm. Đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Thìn, niên hiệu Tự Đức thứ 21 (1868), được bổ làm quan Ngự sử, nên gọi là Ngự Mai. Ngày 15 tháng 3 năm 1874, triều đình nhà Nguyễn ký “Hiệp ước hòa bình và liên minh”, thực chất là hiệp ước đầu hàng giặc Pháp. Ông tức giận bỏ về quê, chiêu mộ nghĩa binh, rèn đúc vũ khí rồi theo Đinh Công Tráng đánh Pháp. Ông trở thành cánh tay đắc lực của Đinh Công Tráng. Chiến khu rừng Tràng (Thanh Liêm) bị vỡ, ông cùng Đinh Công Tráng vào Ba Đình (Thanh Hóa). Trong một trận chiến đấu ác liệt, cuối năm 1886, ông đã hy sinh anh dũng. Sau đó nghĩa quân đưa thi hài ông về quê an táng.

50. Vũ Văn Báo (1841 - ?)

Quê ở Vĩnh Trụ, huyện Nam Xương tỉnh Hà Nội, nay là thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân. Con của Tiến sĩ Vũ Văn Lý. Đỗ Cử nhân khoa Đinh Mão (1867), đỗ Phó bảng khoa Mậu Thìn, niên hiệu Tự Đức thứ 21 (1868). Làm quan trải các chức: Tổng đốc Định - An, Tam Tuyên, Phó sứ sang Pháp, về quê, bị nghĩa quân chống Pháp ở Nam Định giết.

51. Vũ Duy Vĩ (1835 - ?)

Quê xã Bài Nhiễm, huyện Duy Tiên, nay thuộc xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên. Đỗ Cử nhân khoa Giáp Tí (1864). 35 tuổi đỗ Phó bảng khoa Kỷ Tị, niên hiệu Tự Đức thứ 22 (1869). Làm quan án sát Quảng Bình, sung Trường vụ Thừa Thiên. Khi về lỵ sở, không phục mệnh vua nên bị cách, sau phục chức Điển tịch.

52. Nguyễn Khuyến (1835 - 1909)

Nguyên có tên là Nguyễn Văn Thắng, hiệu Quế Sơn, tự Miễn Chi. Sinh ngày 15-2-1835 (tức ngày 18 tháng Giêng năm Ất Mùi). Cụ bốn đời Nguyễn Khuyến là Nguyễn Tông Mại, đỗ Tiến sĩ, làm quan đến Hiến sát sứ Thanh Hóa. Ông thân sinh nhà thơ là Nguyễn Liễn, vẫn theo đòi nho học, đỗ ba khoa Tú tài, chuyên nghề dạy học ở xứ vườn Bùi. Mẹ Nguyễn Khuyến là Trần Thị Thoan, quê làng Văn Khê, tục gọi là làng Ngòi, nay thuộc xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Khoa thi 1864 đỗ Cử nhân đầu trường Hà Nội. Tiếp theo ông thi Hội các khoa 1865, 1868 đều bị trượt. Ông ở lại Huế, vào học Quốc tử giám, ân khoa năm 1869 lại trượt. Cho đến khoa năm 1871, mới liên tiếp đỗ đầu thi Hội, thi Đình, khi đã 37 tuổi. Đầu tiên, ông được bổ làm Sử quán trong triều; năm 1873, ra làm Đốc học Thanh Hóa, rồi thăng nhanh lên Án sát tỉnh. Năm 1874, ông phải mang quân chặn quân khởi nghĩa (mà sử cũ gọi là lệ phỉ) phạm vào tỉnh Thanh ở vùng Tĩnh Gia, Nông Cống, đúng lúc ấy bà mẹ ông mất. Ông phải nghỉ ba năm về quê cư tang mẹ. Hết tang, ông vào triều giữ chân Biện lý bộ Hộ. Năm 1877 lại ra làm quan, giữ chức Bố chính Quảng Ngãi. Rồi làm Toản tu ở Sử quán, từ 1879 đến 1883. Năm 1883, quân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ hai. Rồi Tự Đức chết (19-7-1883), triều Nguyễn phải ký hiệp ước Harmand ngày 25 tháng 8 năm 1883. Nguyễn Khuyến đã được cử làm Phó sứ sang Mãn Thanh. Ông đã ra Bắc, nhưng chuyến đi sứ ấy bị bãi. Ông lấy cớ đau yếu, xin tạm về quê dưỡng bệnh, thì trung tuần tháng 12 năm 1883, triều Nguyễn cử ông làm Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên, song ông không chịu đến nhận chức, mà chính thức cáo quan về nghỉ khi mới 50 tuổi, ông mất ngày 5-2-1909 (tức 15 tháng Giêng năm Kỷ Dậu). Tác phẩm để lại: Quế Sơn thi tập; Yên Đổ Tam nguyên quốc âm thi tập.

53. Trần Huy Liễn (1834 - ?)

Quê xã Xuân Khê, huyện Nam Xương, tỉnh Hà Nội, nay là thôn Xuân Khê, xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân. Đỗ Cử nhân khoa Mậu Dần (1878). Năm 46 tuổi, ông đỗ Phó bảng khoa Kỷ Mão niên hiệu Tự Đức thứ 32 (1879). Làm quan thị giảng, sau cáo quan về quê nghỉ.

54. Nguyễn Hoan (1858 - 1908)

Quê xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, nay là thôn Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục. Ông là con của Tam nguyên Nguyễn Khuyến. Mẹ là Trần Thị Xuân, quê làng Phù Tải, xã Yên Đổ, cùng huyện. Đỗ cử nhân khoa Giáp Thân (1884). Năm 32 tuổi đỗ Phó bảng khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Thành Thái thứ nhất (1889). Làm quan tri phủ Lỵ Nhân, sau đó làm Đốc học Hải Dương. Mất năm Mậu Thân (1908).

55. Bùi Thức (1859 – 1915)

Hiệu là Chuyên Tôn, tự là Khanh Dật, thụy là Khuê Thần, sinh năm Kỷ Mùi (1859), là con trưởng Phó bảng Bùi Văn Quế. Đỗ cử nhân khoa Bính Tuất (1886), đỗ Tiến sĩ đệ tam giáp khoa Mậu Tuất (1898), niên hiệu Thành Thái thứ 10, lúc 40 tuổi. Theo gương cụ thân sinh, ông không chịu ra làm quan, mở trường dạy học và viết sách. Học trò ông nhiều người thành đạt, có tên tuổi, như Cử nhân Văn Lâm, người Hà Nam; Cử nhân Phan Duy Tiếp, người Sơn Tây. Đặc biệt có người trưởng tràng là Kép Trà Hoàng Thụy Phương, nhà thơ trào phúng nổi tiếng đương thời. Ông có nhiều con trai, con gái, đều được dạy dỗ theo nho học và đều đỗ đạt; 3 con trai: Bùi Kỷ đỗ Phó bảng, Bùi Khải, Bùi Lương đỗ Cử nhân. Một bà con gái lấy ông Trần Trọng Kim (1882 – 1953) là học giả và nhà hoạt động xã hội. Bùi Thức mất ngày 28 tháng Mười một năm Giáp Dần (13-1-1915), thọ 56 tuổi. Bùi Thức còn để lại cuốn Bắc Kỳ giang sơn cổ tích danh thắng bị khảo (Khảo về những danh thắng, cổ tích núi sông ở Bắc Kỳ), hiện còn lưu giữ ở thư viện nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội (ký hiệu VHv.23-72).

56. Bùi Kỷ (1888 – 1960)

Bùi Kỷ (tên chữ là Ưu Thiên, hiệu Tử Chương) là con trưởng Tiến sĩ Bùi Thức, là anh ruột hai Cử nhân: Bùi Khải, Bùi Lương; từ nhỏ được cha dạy chữ Nho; đồng thời ông cũng tìm học ở các thầy tân học về quốc ngữ và Pháp văn. Đi thi lần đầu đã đỗ Cử nhân (1909). Năm sau vào Huế thi Hội và thi Đình, ông đỗ Phó bảng khi mới 24 tuổi nhưng không ra làm quan. Năm1912, Nhà nước bảo hộ Pháp chọn cử Bùi Kỷ sang Pa-ri học trường thuộc địa. Hai năm học ở đây ông có điều kiện tiếp xúc với các nhà cách mạng trong đó có Phan Chu Trinh. Về nước, ông vẫn không chịu ra làm quan, chỉ chuyên dạy học, viết sách.

Từ năm 1917 đến trước Cách mạng tháng Tám 1945, gần 30 năm chuyên dạy hai môn Hán văn và Việt văn bậc trung học, ông dạy theo hình thức hợp đồng với các trường công (trường Bảo hộ) và dạy các trường tư ở Hà Nội như Thăng Long, Văn Lang. Ngoài công việc của nhà giáo, ông còn tham gia những hoạt động văn hóa, xã hội như phong trào truyền bá quốc ngữ, các hoạt động văn hóa cứu quốc trước năm 1945. Tổng khởi nghĩa đến, ông đã hòa mình vào cuộc Cách mạng tháng Tám của toàn dân tộc, lúc ấy ông đã gần 60 tuổi. Sau quá nửa đời người băn khăn, trăn trở vẫn giữ được cốt cách cứng cỏi, thanh bạch, vẫn tìm được cách sống có ích cho văn hóa dân tộc.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông là thành viên của chính quyền Hà Nam và Liên khu Ba, là Uỷ viên uỷ ban Kháng chiến Hành chính Liên khu, Chủ tịch Hội Liên Việt tỉnh Hà Nam. Năm 1946 được Hồ Chủ tịch cử làm Phó ban lãnh Thanh toán nạn mù chữ, sau làm Trưởng ban Bình dân học vụ toàn quốc, là thành viên của Chính phủ. Năm 1954, hòa bình lập lại ông là uỷ viên Chủ tịch đoàn ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, uỷ viên Uỷ ban Bảo vệ hòa bình thế giới, Hội trưởng Hội Việt - Trung hữu nghị. về Văn học, ông đã tham gia hiệu đính, giới thiệu biên khảo một loạt các tác phẩm cổ điển Việt Nam như Truyện Kiều, truyện Phan Trần, Trinh Thử, Trê Cóc, Lục súc tranh công, Hoa điểu tranh năng... tham gia dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi... tham gia dịch Tam Quốc chí diễn nghĩa, Hồng Lâu Mộng v.v... Ông đã để lại bài Thân thế luận nổi tiếng.

 

c - GIÁO DỤC HÀ NAM Từ Đầu thế KỶ XX ĐếN NAY

I.  GIÁO DỤC TRƯỚC NĂM 1945

Đầu thế kỷ XX, các phong trào Cần Vương lắng dần. Người Pháp đã thật sự bắt tay vào công việc cai trị. Các chính sách văn hóa, xã hội có nhiều đổi thay, đảo lộn so với truyền thống quá khứ hàng nghìn năm. Khoa cử Hán học bỏ hẳn, thay vào đó là hệ thống trường học thuộc địa. Ngôn ngữ bây giờ là tiếng Pháp và một chút là tiếng Việt theo mẫu tự La-tinh, chữ Hán kể như không còn được trọng dụng từ sau năm 1918 - thời điểm nhà Nguyễn chính thức bỏ Nho học.

Kẻ sĩ thời này không còn chỉ có một con đường duy nhất là đi học - đi thi -  đỗ đạt và làm quan. Tất nhiên các trường Pháp - Việt cũng có mục đích chính là đào tạo một lớp quan lại, công chức mới, nhưng cạnh đó cũng là đào tạo các nghề để làm việc, để kiếm sống. Người ta có thể học để làm Tri huyện, Đốc học nhưng cũng có thể học để làm ông thông, ông phán, làm nhân viên bưu tá, nhân viên đường sắt, làm đốc tờ (bác sĩ), v.v... Xem qua quá trình học hành của môt số nhân vật có tên tuổi của Hà Nam thời bấy giờ, có thể nhận ngay ra sự “đa dạng” đó.

Cụ Bùi Kỷ đã đỗ Phó bảng năm 1910, như đã thấy ở trên, sau được bổ Huấn đạo, nhưng đã kiên quyết từ chối. Sau đó, Bùi Kỷ tìm học các thầy “tân học” để học thêm Quốc ngữ và Pháp văn. Tân học cũng là xu thế chung của cả nước lúc đó. Năm 1912, Bùi Kỷ lại được chọn sang học trường thuộc địa ở Paris. Ở đây, ông là bạn kết giao với nhà yêu nước Phan Chu Trinh và khi trở về vẫn kiên quyết không ra làm quan, chỉ chuyên viết sách, biên khảo và dịch thuật. Rồi Bùi Kỷ trở thành một thầy giáo chuyên dạy Hán văn, Việt văn tại Cao đẳng sư phạm, Cao đẳng pháp chính, và các trường tư thục Thăng Long, Văn Lang. Như vậy. Bùi Kỷ là hình mẫu khá tiêu biểu của lớp người nửa cũ, nửa mới, nhưng đã kiên quyết theo và thực hành tân học. Cả Hán học và Việt học đã tạo nên Bùi Kỷ - nhà văn, học giả.

Cũng có truyền thống Nho học, nhưng ông Tri huyện Bình Lục Ngô Vi Liễn lại khác. Ngô Vi Liễn (1894 - 1945), học và tốt nghiệp trường Trung học thuộc địa Hà Nội (trường Bưởi), rồi trường Thông ngôn, lại vào Cao đẳng luật học; ra trường lúc đầu làm Tham tá Sở Thư viện và Lưu trữ Hà Nội, sau đó lại xuất chính làm quan.

Phạm Tất Đắc, Lê Tư Lành cũng học trường Bưởi.

Còn Nguyễn Văn Hiếu (1896-1991), người từng gắn bó rất nhiều với ngành giáo dục, được học tại Cao đẳng sư phạm Đông Dương khóa 1917-1920, một ngôi trường danh tiếng lúc đó.

Nhà cách mạng Lương Khánh Thiện (1903-1941) khoảng trước năm 1923 chỉ được học hết lớp nhì trường tiểu học Phủ Lý. Nhà văn Nam Cao học sơ học ở làng, rồi học trường Thành Chung (Nam Định).

Tướng Trần Tử Bình ( 1907-1967), người Tiêu Động, Bình Lục vào khoảng 1924 lại đi học trong một trường dòng - trường đòng Hoàng Nguyên (Hà Đông, nay thuộc Hà Tây).

Ông tổ nghề khảm sừng làng Đô Hai là Nguyễn Văn Tấn, sinh năm 1892, mất 1972, thời gian trước năm 1928 lại theo học nghề khảm sừng ở trường Bách nghệ, rồi về dạy cho dân làng ở xã An Lão, huyện Bình Lục. Nghề này sau phát triển ở nhiều nơi: Hà Nội, Sài Gòn, sản phẩm chủ yếu để xuất khẩu và rất được ưa chuộng.

Rõ ràng, trước 1945 quan niệm giáo dục, cách thức về học và dạy đã thay đổi nhiều so với quá khứ. Người Hà Nam đến đó tưởng như có nhiều cơ hội hơn để học hành. Nhưng thực tế chưa hẳn như vậy. Các trường học rất ít, điều kiện để dạy và học cũng rất khó khăn. Phải thừa nhận ai đã được đào tạo cũng phần lớn thành danh, nên người, học là học thật, nhưng số người được đi học chỉ là số nhỏ. Sau Cách mạng tháng Tám - 1945, số người không biết chữ cả nước là hơn 90%. Là một tỉnh nhỏ, tuy ở gần hai trung tâm “Trường Nam thi lẫn với trường Hà”, Hà Nam chắc không đến mức đó, nhưng phải nói đất này cũng không là ngoại lệ, nghĩa là người đi học, người biết chữ cũng không được nhiều. Chính sách ngu dân ở một xứ quân chủ - nửa thực dân cũng không cho phép người ta biết chữ nhiều làm gì. Từ sau Bùi Kỷ đỗ (năm 1910), đến năm 1945, suốt 35 năm, học phong Hà Nam có thay đổi và biến động, có phần chìm lắng xuống và cũng có sự ấp ủ, thai nghén một lớp người có học mới để đón chào một vận hội mới.

II.  GIÁO DỤC TỪ NĂM 1945 ĐẾN NăM 1996

Trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954), Hà Nam cũng có một số nhân vật có uy tín đóng góp cho sự nghiệp giáo dục ở nhiều vùng miền, nhất là ở chiến khu Việt Bắc, như cụ Nguyễn Văn Hiếu, cụ Lê Tư Lành vừa kể trên. Nguyễn Văn Hiếu từng đảm trách Đổng lý văn phòng Bộ Giáo dục, Giám đốc Sở Giáo dục Liên khu II, Liên khu III rồi Giám đốc Nha trung học Bộ Giáo dục, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng bằng khen “Cần, kiệm, liêm, chính”, được phong tặng Nhà giáo nhân dân. Lê Tư Lành từng làm Hội trưởng Hội Văn hóa Hà Nam, Trưởng ban diệt dốt Hà Nam. Kháng chiến đi liền với kiến quốc, và kiến quốc đối với sự nghiệp giáo dục chính là “diệt giặc dốt”, là phong trào Bình dân học vụ. Vùng Thanh Tân (Thanh Liêm) còn câu ca dao:

Ai về chợ huyện Thanh Tân,

Hỏi thăm cô Tú đánh vần được chưa.

là sự phản ánh phần nào phong trào này.

Khoảng năm 1953 - 1954, cấp đại học bắt đầu trong rừng kháng chiến. Rồi sau đó, các trường lớn được thành lập như Đại học Sư phạm Hà Nội. Đại học Tổng hợp Hà Nội, v.v... Người Hà Nam tham gia học ở đây từ những khóa đầu tiên và sau đó trở thành những người thầy có uy tín khoa học như: GS. Nguyễn Hồng Phong, GS. Trần Quốc Vượng, PGS. Đỗ Văn Hỷ, PGS. Bùi Duy Tân, PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh, v.v... Tiếp nối, các thế hệ thầy, trò ở các trường Đại học, Cao đẳng ngày một nhiều, các “nhà khoa bảng” mới có chức danh, học vị ở nhiều môn khoa, nhiều ngành nghề ngày càng đông.

Từ năm 1954, ở tại Hà Nam, giáo dục dần đi vào quy củ. Đầu tiên, bậc học được chia làm ba: sau lớp vỡ lòng là Cấp I (gồm 4 lớp: Một, Hai, Ba, Bốn); Cấp II (gồm ba lớp: Năm, Sáu, Bảy); Cấp III (gồm ba lớp: Tám, Chín, Mười). Sau đó, cải cách thành hệ 12 lớp: bậc tiểu học (từ lớp Một đến hết lớp Năm); cấp trung học cơ sở (từ lớp Sáu đến lớp Chín); phổ thông trung học (từ lớp Mười đến Mười hai). Các trường giáo dục mầm non, các lớp giáo dục không chính quy (bổ túc văn hóa) cũng được mở. Từ năm 1959 ở Hà Nam đã có trường Sư phạm cấp I.

Điều kiện vật chất lúc đầu vô cùng thiếu thốn. Trường sở toàn tranh tre, nứa, lá. Học sinh đi học thường phải mang theo ghế ngồi, mà bàn học nhiều khi lại là cánh cửa ngả ra, đóng 4 cọc tre và kê lên. Sách vở thiếu, dụng cụ thiếu, giấy bút thiếu. Thầy, trò phải tiết kiệm từng mẩu bút chì, từng mảnh giấy, sách giáo khoa thường phải chung nhau.

Rồi từ năm 1965 đến năm 1972, nhiều trường phải sơ tán tránh bom đạn Mỹ, điều kiện lại càng thiếu thốn. Lớp học dựng ngay bên hầm trú ẩn.

Lúc ấy, mỗi xã chưa có được một trường Cấp II, học trò Liêm Chung (Phủ Lý) thường phải học chung với học trò Thanh Châu (Phủ Lý). Trường Cấp III, cũng mãi sau mỗi huyện mới có một trường. Có người ở Bình Lục phải lên tận Phủ Lý học, phải đi bộ quãng 9 -  10km, thậm chí là 15 - 20km. Nhưng việc vào Đại học lại rất thuận lợi. Đến cuối những năm 60, ai học hết Cấp III, thành phần gia đình tốt là nghiễm nhiên được gọi Đại học. Từ đầu những năm 1970 trở đi, trở lại chế độ tuyển sinh Đại học. Thêm nữa cũng phải kể đến việc giáo dục Hà Nam còn tham gia nuôi dưỡng và dạy dỗ con em nhân dân Quảng Bình, Vĩnh Linh và có cả trường học dành cho học sinh miền Nam (Trường 28 miền Nam đặt tại xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng ).

Từ hòa bình lập lại đến năm 1996 là quãng thời gian Hà Nam nhập với Nam Định thành Nam Hà, lại nhập thêm Ninh Bình thành Hà Nam Ninh, sau lại tách Ninh Bình thành Nam Hà, đến năm 1997 thì lại tách khỏi Nam Định trở lại Hà Nam. Đó cũng là quãng thời gian giáo dục Hà Nam trưởng thành vượt bậc. Cả thầy và trò đã vượt qua tất cả những khó khăn, thiếu thốn để dạy tốt và học tốt. Đã xuất hiện không ít những trường, lớp tiêu biểu từ tiểu học đến trung học và cũng đã xuất hiện không ít những tấm gương thầy, cô tận tình, gương mẫu; những tấm gương trò giỏi, con ngoan.

Rất cần có một cuốn sử riêng cho Giáo dục Hà Nam, mới thống kê được đầy đủ thành quả học và dạy của các nhà trường trong tỉnh, ở đây, chỉ nêu được hai ví dụ điển hình: Trường cấp II Bắc Lý (huyện Lý Nhân) và Trường cấp III Biên Hòa (thị xã Phủ Lý).

Trường trung học cơ sở Bắc Lý được thành lập năm 1953. Chỉ sau 8 năm, năm học 1961 - 1962, trường đã được Bộ Giáo dục công nhận là lá cờ đầu của ngành Giáo dục và phát động phong trào: “Tích cực thi đua dạy tốt, học tốt đuổi kịp và vượt Bắc Lý”. Năm 1963, tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “hai tốt” của ngành Giáo dục: “Học thật tốt, dạy thật tốt”, Hồ Chủ tịch đã ra chỉ thị: “Cần phát triển kiểu dạy, kiểu học của trường Bắc Lý”. Tháng 10-1985, trường được Nhà nước phong tặng Đơn vị Anh hùng Lao động lần thứ nhất. “Tiếng trống Bắc Lý” đã trở thành câu thành ngữ của thời hiện đại. Theo số liệu thống kê, Bắc Lý có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%, khá giỏi 61 - 72%; tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 99,4% - 100%. Học sinh Bắc Lý hiện tại có 11 Tiến sĩ, 19 cán bộ nghiên cứu khoa học, 45 cán bộ giảng dạy đại học, 13 kỹ sư, 63 bác sĩ và hàng trăm cán bộ xã, huyện, tỉnh; hàng trăm nhà giáo, sĩ quan quân đội, v.v... Năm 1997, trường Bắc Lý được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. Năm 2000, trường lại được phong tặng Đơn vị Anh hùng Lao động lần thứ II. Thật hiếm có nhà trường phổ thông trung học cơ sở nào được như vậy, kể cả về thành tích cùng việc phát huy và giữ vững truyền thống tốt đẹp của trường.

Trường Cấp III Biên Hòa nay là Trường phổ thông trung học chuyên Hà Nam nằm giữa trung tâm thị xã Phủ Lý. Trường thành lập năm 1959. Năm 1999, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập, nhà trường đã xuất bản một số chuyên san đặc biệt. Trong đó đã tổng kết khá đầy đủ lịch sử và thành tích của nhà trường như sau:

* Năm học (1959 - 1960): Có 6 lớp, 300 học sinh, 13 giáo viên, 2 đảng viên (năm 1962 có 17 học sinh Lào và nhiều học sinh miền Nam tập kết).

Đến năm học 1999 - 2000: Có 27 lớp, 1.381 học sinh, 81 giáo viên, CNV, 34 đảng viên.

* 40 năm qua đã được Nhà nước tặng thưởng 5 Huân chương:

-  Hai Huân chương Lao động hạng Ba (1962-1965)

-  Một Huân chương Kháng chiến hạng Hai (1972)

-  Một Huân chương Lao động hạng Hai (1987)

-  Một Huân chương Lao động hạng Nhất (1995)

* Cờ và Bằng khen:

-  112 Cờ thưởng của các cấp

-  135 Bằng và Giấy khen từ Trung ương đến địa phương

*  Đội ngũ giáo viên - cán bộ công nhân viên:

-  Đã có 269 GV-CBCNV đã và đang công tác tại trường.

-  Ba Nhà giáo ưu tú: Bùi Tiến Xương, Lã Hữu Đạt, Đinh Bá Thảo.

-  6 tổ đã đạt danh hiệu Tổ Lao động giỏi (LĐXHCN).

-  Hơn 100 lượt giáo viên được công nhận Chiến sĩ thi đua và Giáo viên giỏi các cấp.

-  35 đồng chí được tặng Huân, Huy chương các hạng.

-  2 giáo viên được Bác Hồ khen.

-  1 giáo viên được nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

*  Học sinh:

-  Thi tốt nghiệp luôn đạt từ 90% trở lên.

-  Thi Đại học và Trung học chuyên nghiệp: khối lớp chọn và chuyên đạt trên 91%.

-  Khối đại trà đạt 40%.

-  178 đội đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh với 1.105 giải cá nhân.

-  45 giải trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia (từ giải khuyến khích đến giải nhất).

-  125 cựu học sinh có học vị Tiến sĩ, Giáo sư, Phó giáo sư.

-  Hơn 1.000 học sinh nhập ngũ, 41 học sinh có quân hàm từ cấp tá đến cấp tướng.

* Lao động sản xuất, hướng nghiệp và dạy nghề:

-  Xưởng trường hoạt động có hiệu quả là: mộc, cồn, đúc, may, ganitô.

-  Trồng trọt, chăn nuôi: lúa, đậu, sắn dây, cây thuốc, nấm, gia súc.

-  Hàng ngàn học sinh được cấp chứng chỉ học nghề.

* Xã hội hóa giáo dục:

-  Hưởng ứng và tham gia đầy đủ các hoạt động xã hội, được các cấp lãnh đạo đoàn thể tặng nhiều phần thưởng cao quý.

- Duy trì mối liên hệ thường xuyên giữa nhà trường - gia đình - xã hội tạo nên sức mạnh tổng hợp trong giáo dục.

Từ truyền thống này, thầy trò nhà trường vững bước tiến vào thế kỷ XXI.

III. VÀI NÉT VỀ TÌNH HÌNH GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO HÀ NAM TỪ SAU NĂM 1996

Tháng 1 năm 1997 tỉnh Hà Nam được tái lập; là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội; tỉnh Hà Nam lại có truyền thống cách mạng, văn hiến, hiếu học. Ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh Hà Nam được sự chăm lo của Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh. Quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII) của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Kết luận của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XVI, trong những năm qua ngành GD-ĐT tỉnh Hà Nam đã đạt được những thành tích rất đáng phấn khởi:

-  Quy mô trường lớp ở các ngành học, bậc học, cấp học tiếp tục phát triển: Toàn tỉnh có 119 trường mầm non, 139 trường tiểu học, 120 trường trung học cơ sở, 22 trường trung học phổ thông (trong đó có 1 trường chuyên, 1 trường bán công, 4 trường dân lập), 1 trường cao đẳng sư phạm, 6 trung tâm giáo dục thường xuyên, 1 trung tâm KTTH-DN, với hơn 22 vạn học sinh, sinh viên, bình quân cứ 100 người dân có khoảng 30 người đang theo học. Số trẻ được huy động vào nhà trẻ đạt 38,86%, mẫu giáo 88,28%, trẻ 6 tuổi vào lớp 1: 99,9%, tuyển sinh vào lớp 6: 99,23%, lớp 10 (chuyên, đại trà, bán công, dân lập) 65,14%; toàn tỉnh có 10.524 học viên học các lớp bổ túc văn hoá từ tiểu học tới trung học. Tỉnh Hà Nam là một trong bốn tỉnh đầu tiên của toàn quốc được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; là một trong 10 tỉnh đầu tiên của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào tháng 1 năm 2002, với 100% (116/116) xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Cờ.

-  Chất lượng giáo dục, hiệu quả đào tạo được nâng lên: toàn tỉnh có 61 trường tiểu học được Bộ Giáo dục - Đào tạo công nhận đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 1996 - 2000, đạt tỷ lệ 43,88% (61/139 trường). Có 7 trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 5,88% (7/119 trường). Có 4 trường trung học cơ sở được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 3,33% (4/120 trường); đang tập trung chỉ đạo xây dựng trường trung học phổ thông Lý Nhân, trường trung học phổ thông chuyên Hà Nam đạt chuẩn Quốc gia. Toàn tỉnh đã thành lập được 75 trung tâm học tập cộng đồng. Số học sinh khá giỏi, số học sinh đạt trong các kỳ thi quốc gia ngày càng tăng: Kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia lớp 12 trung học phổ thông, Hà Nam có 80 học sinh của 10 đội tuyển dự thi; đạt 41 giải, chiếm tỷ lệ 51,25% (41/80), toàn quốc khoảng 48%, vượt so với toàn quốc là 3,25% (51,25%/48,0%), trong đó: 1 giải nhất (trong tổng số 42 giải nhất của toàn quốc), 1 giải nhì, 22 giải ba, 17 giải khuyến khích; năm học thứ hai tỉnh Hà Nam có học sinh đạt giải nhất Quốc gia; so với chỉ tiêu được UBND tỉnh giao vượt 11 giải (41/30 giải); so với năm học 2001-2002 vượt 9 giải (41/32 giải); có 1 học sinh giải nhất môn Vật lý, 1 học sinh đạt giải ba môn Toán được Bộ Giáo dục và Đào tạo triệu tập đi tập huấn chọn đội tuyển thi Quốc tế. Thi giải toán trên máy vi tính CASIO Quốc gia: 15 học sinh dự thi có 4 học sinh đạt giải (gồm 1 giải ba, 3 giải khuyến khích). Thi kể chuyện đạo đức bậc tiểu học Quốc gia: Tiết mục kể chuyện cá nhân đạt giải nhì, hoạt cảnh đạt giải nhì, toàn đoàn đạt giải nhì. Thi học sinh giỏi thể dục thể thao môn bơi lội Quốc gia: có 7/9 học sinh dự thi đạt giải với tổng số 19 huy chương (trong đó có 13 huy chương vàng, 5 huy chương bạc và 1 huy chương đồng). Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, cán bộ, giáo viên toàn ngành đã tập trung công sức với quyết tâm nâng cao chất lượng mũi nhọn, chất lượng học sinh giỏi các bộ môn văn hoá ở các ngành học, bậc học, cấp học; góp phần vào việc bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước.

-  Hà Nam là quê hương của phong trào thi đua “Hai tốt” có trường Bắc Lý là đơn vị anh hùng; phong trào thi đua hai tốt được nhân rộng, phát triển mạnh mẽ: Những năm qua các đơn vị và cá nhân thuộc ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Nam đã được nhận 1 Huân chương độc lập hạng ba, 1 Huân chương lao động hạng nhất, 4 Huân chương lao động hạng nhì, 8 Huân chương lao động hạng ba của Chủ tịch nước tặng; 5 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; 108 đơn vị và cá nhân được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 322 đơn vị và cá nhân được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; 479 đơn vị và cá nhân được nhận Bằng khen của UBND tính Hà Nam; 72% số trường học được công nhận là đơn vị tiên tiến và tiên tiến xuất sắc. Ngành học mầm non là đơn vị tiên tiến xuất sắc của cả nước. Toàn ngành quyết tâm giữ vững 11 chỉ tiêu công tác đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo khen thưởng trong năm học 2001 - 2002, phấn đấu để năm học 2002-2003 có 10 chỉ tiêu vượt mức đạt thành tích xuất sắc, có 1 chỉ tiêu dẫn đầu cả nước, được Bộ Giáo dục và Đào tạo khen thưởng, để xứng đáng với sự quan tâm ngày càng sâu sắc và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Nam.

- Tỉnh Hà Nam thực hiện có kết quả cuộc vận động xã hội hoá giáo dục, điển hình là huyện Kim Bảng và huyện Bình Lục, với 100% số xã xây dựng được trường cao tầng (nhiều xã có 2 đến 3 trường cao tầng). Huyện Duy Tiên 100% số xã xây dựng trường học cao tầng; thị xã Phủ Lý, huyện Lý Nhân, huyện Thanh Liêm, gần 100% số xã, phường, thị trấn có trường học cao tầng; 100% số trường trung học phổ thông công lập được xây dựng trường cao tầng. Sở Giáo dục - Đào tạo đã tích cực tham mưu với UBND tỉnh đầu tư trên 4 tỷ đồng mua trang thiết bị dạy học đồng bộ cho lớp 1, lớp 6; thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

- Công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên được chú trọng đúng mức: xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đồng bộ về chủng loại có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, có phẩm chất đạo đức tốt, có lòng yêu nghề và năng lực sư phạm, chăm lo bồi dưỡng cán bộ quản lý có đủ phẩm chất và năng lực quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo của tỉnh; đã có những giải pháp tích cực bồi dưỡng nâng dần tỷ lệ chuẩn hoá đội ngũ trong các ngành học như 70,2% giáo viên mầm non đạt chuẩn (trong đó vượt chuẩn 1,62%); 95% giáo viên tiểu học đạt chuẩn (vượt chuẩn 30,2%); 85% giáo viên trung học cơ sở đạt chuẩn (vượt chuẩn 12%); 99% giáo viên trung học phổ thông đạt chuẩn (vượt chuẩn 1,2%); 35% giáo viên CĐSP đạt trình độ thạc sĩ, 3 cán bộ giáo viên được cử đi nghiên cứu sinh, 8 giáo viên đi học thạc sĩ, tiến sĩ; 6 giáo viên được cử đi học đại học kỹ thuật tin học; 34 giáo viên tiểu học đi học đại học; 145 giáo viên tiểu học được bồi dưỡng cao đẳng sư phạm; 165 giáo viên trung học cơ sở được bồi dưỡng đại học sư phạm tại chức, 69 giáo viên mầm non được bồi dưỡng đại học sư phạm tại chức...; tỷ lệ giáo viên là đảng viên chiếm 27,5%.

* Các đơn vị giáo dục trực thuộc Sở GD & ĐT Hà Nam:

1- Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Duy Tiên

2- Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Thanh Liêm

3- Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Lý Nhân

4- Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Bình Lục

5- Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Kim Bảng

6- Phòng Giáo dục - Đào tạo thị xã Phủ Lý

7- Trường THPT A Duy Tiên

8- Trường THPT B Duy Tiên

9- Trường THPT c Duy Tiên

10- Trường THPT A Kim Bảng

11- Trường THPT B Kim Bảng

12- Trường THPT c Kim Bảng

13- Trường THPT A Thanh Liêm

14- Trường THPT B Thanh Liêm

15- Trường THPT dân lập Thanh Liêm

16- Trường THPT Lý Nhân

17- Trường THPT Bắc Lý

18- Trường THPT Nam Lý

19- Trường THPT dân lập Trần Hưng Đạo - huyện Lý Nhân

20- Trường THPT bán công Nam Cao - huyện Lý Nhân

21- Trường THPT A Bình Lục

22- Trường THPT B Bình Lục

23- Trường THPT c Bình Lục

24- Trường THPT dân lập Bình Lục

25- Trường THPT chuyên Hà Nam

26- Trường THPT A Phủ Lý

27- Trường THPT B Phủ Lý

28- Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh - Thị xã Phủ Lý

29- Trường CĐSP Hà Nam

30- Trung tâm GDTX Hà Nam

31- Trung tâm GD Kỹ thuật Tổng hợp, Hướng nghiệp dạy nghề Hà Nam

32- Trung tâm GDTX Bình Lục

33- Trung tâm GDTX Kim Bảng

34- Trung tâm GDTX Duy Tiên

35- Trung tâm GDTX Lý Nhân

36- Trung tâm GDTX Thanh Liêm

* Danh sách Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú Hà Nam:

1- Ông Nguyễn Văn Hiếu -  Nhà giáo Nhân dân.

2- Ông Trần Quốc Vượng -  Nhà giáo Nhân dân.

3- Ông Phùng Huy Triện -   Nhà giáo Nhân dân, năm 1994 - Nguyên Phó

hiệu trưởng trường THCS Bắc Lý, huyện Lý Nhân.

4- Ông Vũ Minh Gia - Nhà giáo Ưu tú, năm 1991 - Nguyên Hiệu trưởng trường THCS thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên.

5- Bà Ứng Thị Thái - Nhà giáo Ưu tú, năm 1994 - Nguyên chuyên trách Trung tâm GDTX xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên.

6- Ông Lã Hữu Đạt - Nhà giáo Ưu tú, năm 1988 - Nguyên Hiệu trưởng trường cấp III Biên Hoà (nay là trường THPT chuyên Hà Nam).

7- Ông Bùi Tiến Xương - Nhà giáo Ưu tú, năm 1988 - Nguyên giáo viên trường cấp III Biên Hoà (nay là trường THPT chuyên Hà Nam).

8- Ông Đinh Đăng Cầm - Nhà giáo Ưu tú, năm 1994 - Nguyên Hiệu trưởng trường Tiểu học Ba Sao, huyện Kim Bảng.

9- Ông Đào Như Văn - Nhà giáo Ưu tú, năm 1998 - Nguyên Hiệu trưởng trường THPT Lý Nhân.

10- Ông Đinh Bá Thảo - Nhà giáo Ưu tú, năm 1998 - Nguyên giáo viên trường THPT chuyên Hà Nam.

11- Bà Trần Thị Ngọc Bích - Nhà giáo Ưu tú, năm 2000 - Hiệu trưởng trường mầm non Hoa Sen, thị xã Phủ Lý.

12- Bà Đinh Thị Mỳ - Nhà giáo Ưu tú, năm 2002 - Giáo viên trường THPT chuyên Hà Nam.

13- Bà Đinh Thị Biểu - Nhà giáo Ưu tú, năm 2002 – Hiệu trưởng trường Tiểu học Thanh Châu, thị xã Phủ Lý.

14- Ông Nguyễn Công Khanh - Nhà giáo Nhân dân.

15- Ông Bùi Hoàng - Nhà giáo ưu tú.

16- Ông Bùi Quốc Việt - Nhà giáo ưu tú.

17- Ông Trịnh Quốc Đạt - Nhà giáo ưu tú.

18- Ông Đặng Hưng Lâm - Nhà giáo ưu tú.

19- Ông Mai Văn Lộ - Nhà giáo ưu tú.

20- Ông Lưu Đức Trì - Nhà giáo Ưu tú.

21- Ông Trần Gia Ái - Nhà giáo Ưu tú.

22- Ông Phan Viết Chính - Nhà giáo Ưu tú.

23- Ông Lê Văn Lộc - Nhà giáo Ưu tú.

24- Ông Trương Đình Nguyên - Nhà giáo Ưu tú.

25- Ông Nguyễn Đình Trí - Nhà giáo Ưu tú.

IV. TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM VÀ HỆ THỐNG CÁC TRƯỜNG TRUNG CẤP, DẠY NGHỀ ở hà nam

1. Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam

Tiền thân của Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam là Trường Trung cấp Sư phạm Hà Nam được thành lập từ năm 1959. Sau khi tách tỉnh, tháng 7-1998, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam với các nhiệm vụ:

-  Đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng sư phạm, trung học cơ sở các bộ môn: Toán, Lý, Toán tin, Sinh, Hoá, Văn, Sử, Văn - Giáo dục công dân, Văn Địa và Tiểu học.

-  Đào tạo giáo viên mầm non trình độ trung học sư phạm.

-  Liên kết với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở trình độ cao đẳng sư phạm lên trình độ đại học.

-  Bồi dưỡng giáo viên tiểu học trình độ trung học sư phạm lên cao đẳng sư phạm.

-  Bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non tiểu học.

Hiện nay, 100% cán bộ, giáo viên nhà trường có trình độ đại học, hơn 60% có trình độ trên đại học. Nhà trường đã đào tạo được hàng vạn giáo viên có chất lượng, góp phần vào sự phát triển giáo dục toàn tỉnh. Năm 1994, Trường được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 1997 lại được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.

2. Một số trường cao đẳng và trung cấp, dạy nghề khác:

-  Trường Công nhân Bưu điện I.

-  Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình.

-  Trường Công nhân kỹ thuật Chế biến gỗ Trung ương.

-  Trường Trung cấp Thuỷ lợi I.

-  Trường Trung học Y tế.

-  Trường Đào tạo nghề Nông - Công nghiệp và Vận tải.

Các nhà trường đều có lịch sử phát triển, truyền thống dạy và học lâu năm, đào tạo được rất nhiều thế hệ học sinh có tay nghề, có kiến thức chuyên môn cho toàn tỉnh và cho một số tỉnh, thành khác.

Nhìn vào các nhà khoa bảng Hà Nam trong quá khứ, nhìn vào những gì mà giáo dục Hà Nam đạt được trong thời cận, hiện đại (những nhân vật có tiếng, những trường học có tiếng và đông đảo những thầy, cô được phong tặng Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú...), người ta thấy rõ ràng có một học phong Hà Nam. Học phong này được hình thành xoay quanh mấy “lò học” gắn với các vị thầy nổi danh xưa, gắn với các gia tộc có truyền thống nề nếp lâu đời và nay là gắn với các trường học tiên tiến, xuất sắc. Như vậy, nhìn trên đại thể mà nói, học phong Hà Nam là một mạch chảy khá liên tục. Người Hà Nam cần cù, tài hoa, kiên nhẫn, khiêm tốn và hiếu học. Các thế hệ thầy, trò Hà Nam có quyền tự hào, có trách nhiệm phát huy điều đó.

(Còn nữa)

Điện tử

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy