Hà Nam là một tỉnh nằm ở phía tây nam đồng bằng Bắc Bộ, cách thủ đô Hà Nội hơn 50km về phía nam. Phía bắc giáp tỉnh Hà Tây; phía đông giáp tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình; phía đông nam giáp tỉnh Nam Định; phía nam giáp tỉnh Ninh Bình và phía tây giáp tỉnh Hòa Bình.
Chương I: Địa lý hành chính
I. Vị trí địa lý
Hà Nam là một tỉnh nằm ở phía tây nam đồng bằng Bắc Bộ, cách thủ đô Hà Nội hơn 50km về phía nam. Phía bắc giáp tỉnh Hà Tây; phía đông giáp tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình; phía đông nam giáp tỉnh Nam Định; phía nam giáp tỉnh Ninh Bình và phía tây giáp tỉnh Hòa Bình. Diện tích tự nhiên: 851,5km2; dân số: 817.557 người (năm 2004), trong đó 48,4% dân số (395.656 người) là nam, 51,6% (421.901 người) là nữ; dân số thành thị chiếm 10,6%, dân số nông thôn chiếm 89,4% tổng số dân.
Bản đồ hành chính tỉnh Hà Nam.
Trên địa bàn của tỉnh có quốc lộ 1A và đường sắt Bắc – Nam chạy qua với đoạn dài khoảng hơn 30 km. Quốc lộ 1A chạy qua tỉnh với đoạn chiều dài gần 50 km từ dưới cầu Giẽ (tỉnh Hà Tây) đến cầu Đoan Vĩ (giáp tỉnh Ninh Bình), quốc lộ 21A Phủ Lý – Nam Định dài 30km. Điểm nút giao thông là thị xã Phủ Lý.
Từ Phủ Lý có thể đi Nam Định theo đường tỉnh lộ 971, qua Vĩnh Trụ xuống Hữu Bị rồi đến thành phố Nam Định. Về phía tây và tây bắc, từ Phủ Lý đi theo quốc lộ 21A qua Ba Sao đến Chi Nê (tỉnh Hòa Bình) chỉ có 28 km; có thể đi theo quốc lộ 21B qua thị trấn Quế đến Tân Sơn (huyện Kim Bảng) đi Vân Đình và đến thị xã Hà Đông (tỉnh Hà Tây). Từ thị xã Phủ Lý có thể ngược Đồng Văn, theo đường 38 Đồng Văn – Hòa Mạc, qua cầu Yên Lệnh, sang thị xã Hưng Yên, và đường 39 nối với quốc lộ 5 đi Hải Phòng. Trên địa bàn tỉnh có một số sông lớn chảy qua như sông Hồng, sông Đáy, sông Châu, sông Nhuệ... thuận lợi cho việc giao lưu nội tỉnh và với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Vị trí địa lý và điều kiện giao thông đó tạo lợi thế cho Hà Nam trong giao lưu kinh tế, văn hóa, du lịch với các tỉnh trong vùng và cả nước, đặc biệt là với thủ đô Hà Nội và các trọng điểm phát triển kinh tế Bắc Bộ để khai thác có hiệu quả các nguồn lực bên trong và thu hút các nguồn lực bên ngoài đầu tư cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Về mặt quản lý hành chính lãnh thổ, Hà Nam có thị xã Phủ Lý (trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh) và 5 huyện là Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Lý Nhân, Thanh Liêm (gồm 116 xã, phường, thị trấn).
II. Địa giới hành chính Hà Nam qua các thời kỳ lịch sử
Tỉnh Hà Nam được thành lập năm Thành Thái thứ I (1890). Nghĩa ban đầu của từ Hà Nam được nhiều người giải thích là một vùng đất ở phía nam Hà Nội.
Hà Nam là vùng đất cổ. Nước Việt ta từ sau cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã bị nhà Hán thôn tính, trở thành quận, huyện của nước Trung Hoa cổ đại. Thời Hán, vùng đất Hà Nam thuộc huyện Chu Diên, quận Giao Chỉ (1).
Thời kỳ thuộc Ngô, Tấn, Tông, Tề, Lương, quận Giao Chỉ thời Hán bị cắt một phần để lập quận mới. Theo sách Sử học bị khảo, nhà Ngô đặt quận Vũ Bình, quận này nằm giữa sông Hồng và sông Đáy,. Theo các nhà khảo cứu, Hà Nam thời đó thuộc quận Vũ Bình (2).
Thời kỳ thuộc Tùy, Đường, nhà Tùy bỏ quận đặt huyện, quận Vũ Bình được đổi thành huyện Vũ Bình; năm Khai Hoàng 18 (598) lại đổi thành huyện Long Bình. Vùng đất Hà Nam thuộc huyện Long Bình (3).
Bắt đầu từ thời Đinh, Lê dựng nước, một số địa danh của Hà Nam như núi Đọi đã được ghi chép trong sử sách (4).
Thời Lý (1010 – 1225)
Lý Công Uẩn lên ngôi vua, chia cả nước làm 24 lộ. Hà Nam thuộc lộ Đại La thành (5).
Tấm bia Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng thiện diên linh tháp bi dựng trên đỉnh núi Đọi năm 1121 còn ghi lại những địa danh của Hà Nam, như: Mạc thủy (sông Mạc), Long Lĩnh (ngọn Long), Long Đọi (núi Đọi), Kinh Giang (sông Kinh), Điệp tụ (núi Điệp), Sùng thiện diên linh bảo tháp (Tháp báu Sùng thiện diên linh).
Thời Trần (1225 – 1400)
Nhà Trần đổi 24 lộ (có từ đời Lý) thành 12 lộ. Hà Nam thuộc châu Lỵ Nhân, thuộc lộ Đại La thành. Châu Lỵ Nhân gồm có các huyện: Bình Lục, Cổ Bảng, Cổ Giả, Cổ Lễ, Lỵ Nhân và Thanh Liêm (6).
Căn cứ vào tấm bia Ngô gia thị bi ở chùa Dầu (nay thuộc xã Đinh Xá, huyện Bình Lục) được dựng vào khoảng những năm 1364 – 1396, Hà Nam thời đó thuộc lộ Lợi Nhân (7).
Trên tấm bia này còn ghi các địa danh:
Mai thôn (thôn Mai), Đinh Xá xã (xã Đinh Xá), Mai Xá động (động Mai Xá).
Thời Lê sơ (1428 – 1527)
Sau kháng chiến chống giặc Minh thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi vua đã tiến hành cải cách hành chính, chia cả nước thành 5 đạo. Hà Nam thuộc Nam đạo. Năm Quang Thuận thứ 7 (1466), vua Lê Thánh Tông chia cả nước thành 12 đạo. Năm Quang Thuận thứ 10 (1469), nhà vua bỏ đơn vị hành chính lộ, châu, lập đơn vị hành chính phủ, đổi đơn vị hành chính đạo thành thừa tuyên. Vùng đất Hà Nam là phủ Lỵ Nhân thuộc thừa tuyên Sơn Nam. Năm Hồng Đức thứ 21 (1490), bỏ thừa tuyên đặt đơn vị hành chính xứ. Phủ Lỵ Nhân thuộc xứ Sơn Nam, đến năm Hồng Thuận (1509 – 1516), bỏ xứ, đặt trấn. Phủ Lỵ Nhân thuộc trấn Sơn Nam. Thời Lê Trung hưng, năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741), triều đình chia trấn Sơn Nam thành Sơn Nam Thượng và Sơn Nam Hạ, phủ Lỵ Nhân thuộc trấn Sơn Nam Thượng.
Thời Tây Sơn (1788 – 1802), Hà Nam vẫn là phủ Lỵ Nhân thuộc trấn Sơn Nam Thượng gồm 5 huyện là Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xương, Ninh Lục, Thanh Liêm. Văn khắc trên bia, chuông, khánh mang niên đại Lê – Tây Sơn hiện lưu giữ tại các di tích của tỉnh Hà Nam đã ghi lại một số địa danh xã, thôn của 5 huyện thời Lê – tây Sơn như sau:
1. Huyện Ninh Lục (Bình Lục)
Xã Vũ Bản, xã Ngô Xá, xã An Cước, xã Đồng Du, xã Đồn Xá, xã Hương Cái, xã Thứ Nhất, xã An Lão, thôn Hạ, xã An Đổ, xã Trung Lương, thôn Ô Lữ, xã Ô Mễ, xã Trịnh Xá.
2. Huyện Duy Tiên
Xã Mỹ Duệ, xã Điệp Sơn, xã Đình Ngọ, xã An Lão, xã Đồng Bào, thôn Thượng, xã Ngô Xá, xã Đại Cầu, thôn Giáp Hai, xã Đọi Sơn, xã Phượng Vĩ, xã Mỹ Xá, xã Động Đình, xã Đinh Xá, xã Lam Cầu, xã Phú Thứ, xã Dưỡng Hòa, xã Lưu Xá, thôn Kinh, xã Văn Xá.
3. Huyện Kim Bảng
Thôn Thị, xã Châu Cầu, xã Dương Cương, xã Thịnh Đại, xã An Lạc, trại Bút, xã Đức Mộ, xã Thụy Lôi, xã Động Xá, xã Điền Xá, xã Châu Xá.
4. Huyện Nam Xương
Xá Phú Ích, xã Lương Trụ, xã Mạnh Khê, xã Tiên Châu, xã Sơn Trường, xã Quang Ốc, xã Mai Xá, xã Khoan Hòa, xã Dũng Kim, xã Trạm Khê, xã Nga Khê, xã Ngô Xá, xã Ngu Nhuế, xã Thọ Ích, xã Đồng Lư, xã Hào Châu, xã Trần Xá, xã Văn Lan, xã Phương Trà, xã Khoan Vĩ, xã Vũ Xá, xã Phù Sa, xã Vu Khê, xã Đội Xá, xã Chỉ Trụ, xã Hội Động, xã Trác Bút.
5. Huyện Thanh Liêm
Thôn Đỗ Xá, xã Ngoại Khê, xã An Xá, xã Cát Lại, xã Lạc Tràng, xã Vô Hốt, thôn Nhiễu, xã Bích Trì, xã Lư Xá, xã Bình Khê, xã Triệu Xá, xã Văn Xá, xã Ngọc Trì, xã Đôn Thư, xã Ninh Cảo, xã Cát Trì, xã Vĩnh Duệ, thôn Nội, xã Mễ Tràng, thôn Thượng, xã Đường Ấm, xã Kệ Châu, xã Động Xá, xã Kỷ Cầu, xã Trung Lương, xã Chân Ninh, xã Dương Xá, thôn Châu Sơn, xã Kiện Khê, xã Liễu Đôi, xã Mạo Chử.
Thời Nguyễn (1802 – 1945)
Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lập ra nhà Nguyễn. Nhà Nguyễn định đô ở Phú Xuân tiến hành cải cách hành chính. Hà Nam đầu thời Nguyễn vẫn là phủ Lỵ Nhân thuộc trấn Sơn Nam Thượng. Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), đổi cách viết chữ Lỵ thành chữ Lý. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), bỏ đơn vị hành chính trấn, thành lập đơn vị hành chính tỉnh, phủ, huyện, tổng, xã, thôn. Hà Nam vẫn là một phủ thuộc tỉnh Hà Nội, có tên gọi là phủ Lý Nhân, gồm 5 huyện với 33 tổng (gồm 286 xã, thôn, trang, phường, trại, sở).
Trước khi nói đến tổ chức hành chính và cư dân Hà Nam cần đề cập đến vấn đề địa danh của Hà Nam. Như đã nói, nhiều người cho rằng Hà Nam có ý nghĩa là miền đất phía Nam của tỉnh Hà Nội, vì đất này vốn thuộc tỉnh Hà Nội. Nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng: Hà Nam là tên kết hợp hai chữ đầu của Hà Nội và Nam Định, Hà Nam hình thành bởi nhiều hạt tách ra từ các tỉnh Hà Nội và Nam Định.
Cấp đơn vị hành chính tỉnh ở nước ta, như trên đã đề cập, chỉ ra đời dưới thời Minh Mệnh, từ năm 1831. Khi ấy chưa có tỉnh Hà Nam. Toàn bộ vùng đất sau này là Hà Nam hồi đó thuộc phủ Lý Nhân nằm trong đơn vị hành chính tỉnh hà Nội. Cũng dưới thời Nguyễn, phủ là đơn vị hành chính lớn hơn huyện. Phủ Lý Nhân là một trong bốn phủ của Hà Nội (cùng với các phủ Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Hòa) gồm 5 huyện là Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xang và Thanh Liêm, với số lượng các tổng xã như sau:
Huyện Bình Lục: 4 tổng; 37 xã, thôn.
Huyện Duy Tiên: 6 tổng; 60 xã, thôn.
Huyện Kim Bảng: 6 tổng; 57 xã, thôn.
Huyện Nam Xang: (không có số liệu)
Huyện Thanh Liêm: 8 tổng, 63 xã, thôn.
------------
Tổng cộng: 24 tổng; 217 xã, thôn (chưa kể huyện Nam Xang)
Sau khi toàn bộ Bắc Kỳ và Trung Kỳ trở thành đất bảo hộ của thực dân Pháp theo Hiệp ước ngày 6 tháng 6 năm 1884, ký giữa triều đình Huế và Pháp thì địa bàn phủ Lý nhân bắt đầu có sự thay đổi về mặt hành chính. Ngày 21/3/1890, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định cắt một phần đất phủ Lý Nhân để lập thêm phủ Liêm Bình sáp nhập vào tỉnh Nam Định. Phần bị cắt này là 3 huyện Nam Xang, Bình Lục và Thanh Liêm. Nhưng rồi chỉ mấy tháng sau, ngày 20/10/1890, Toàn quyền Đông Dương lại ra nghị định về việc thành lập tỉnh Hà Nam – một tỉnh mới trên cơ sở phủ Lý Nhân được mở rộng thêm. Tỉnh Hà Nam khi mới ra đời gồm toàn bộ phủ Lý Nhân cũ (vẫn bao gồm 5 huyện, kể cả các huyện đã hình thành phủ Liêm Bình), ngoài ra còn cộng thêm:
- 2 tổng Mộc Hoàn và Chuyên Nghiệp thuộc huyện Phú Xuyên (phủ Thường Tín, tỉnh Hà Nội), sáp nhập vào huyện Duy Tiên thuộc tỉnh Hà Nam.
- 17 xã thuộc huyện Vụ Bản (phủ Nghĩa Hưng và thuộc huyện Thượng Nguyên), phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định, sáp nhập vào phủ Lý Nhân thuộc tỉnh Hà Nam.
Như vậy, tỉnh Hà Nam khi mới thành lập (20/10/1890), là đất của phủ Lý Nhân mở rộng về phía Hà Nội và Nam Định. Số lượng các tổng xã lúc này đã tăng lên nhiều hơn vì sự mở rộng địa giới hành chính của Hà Nam. Sau đó, theo Nghị định ngày 24/10/1908 của Toàn quyền Đông Dương, tỉnh Hà Nam có thêm châu Lạc Thủy chuyển từ tỉnh Hòa Bình sáp nhập vào. Ngoài ra, cùng trong thời gian này, địa danh Nam Xang không còn tồn tại nữa mà đổi gọi thành phủ Lý Nhân.
Tỉnh Hà Nam ra đời và tồn tại được 23 năm thì lại tiếp tục bị thay đổi. Theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 7/3/1913, tỉnh Hà Nam đổi gọi là Đại lý Hà Nam. Đại lý (Délégation) là một cấp hành chính nhỏ hơn tỉnh, nằm trong một tỉnh lớn hơn. Đại lý Hà Nam từ đó trực thuộc tỉnh Nam Định.
Đại lý Hà Nam thuộc tỉnh Nam Định tồn tại được chẵn 10 năm thì ngày 31/3/1923, Toàn quyền Đông Dương lại ra Nghị định tái lập tỉnh Hà Nam. thế là tỉnh Hà Nam lại là một tỉnh độc lập từ đó cho đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Do vị trí của mình mà Hà Nam nhiều năm sau còn trải qua nhiều lần sáp nhập và tách riêng trong các thời kỳ khác nhau.
Sau khi châu Lạc Thủy của Hòa Bình được cắt về tỉnh Hà Nam, tỉnh Hà Nam gồm 6 huyện và châu – đó là các huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xang, Thanh Liêm và châu Lạc Thủy. Đầu những năm 20 của thế kỷ XX, châu Lạc Thủy lại tách ra nhập về với tỉnh Hòa Bình, tỉnh Hà Nam còn 5 huyện.
Trong thời kỳ ổn định (tính tới trước 1930, tỉnh Hà Nam bao gồm các huyện, tổng, xã dưới đây:
* Vào thời điểm 1924 khi mới trở lại tỉnh, Hà Nam bao gồm (8):
1. Phủ Lý Nhân: 9 tổng và thị xã Phủ Lý 93 xã.
2. Huyện Bình Lục: 8 - 70 –
3. Huyện Thanh Liêm: 8 - 66 –
4. Huyện Duy Tiên: 9 - 88 –
5. Huyện Kim Bảng: 8 - 61 –
6. Châu Lạc Thủy: 2 - 7 –
Cộng: 45 tổng 385 xã
* Vào thời điểm 1928, Hà Nam bao gồm (9):
1. Phủ Lý Nhân: 9 tổng và thị xã Phủ Lý 93 xã.
2. Huyện Bình Lục: 8 - 70 –
3. Huyện Thanh Liêm: 9 - 69 –
4. Huyện Duy Tiên: 9 - 88 –
5. Huyện Kim Bảng: 8 - 61 –
6. Châu Lạc Thủy: 2 - 7 –
Cộng: 45 tổng 388 xã
Như vậy, chỉ trong một thời kỳ rất ngắn là 4 năm, Hà Nam đã có sự tăng lên dù nhỏ về số lượng các tổng, xã. Sự thay đổi này chỉ xảy ra ở phạm vi huyện Thanh Liêm. Có thể đây là một thống kê chưa đầy đủ. Nhưng số liệu của năm 1928 là số liệu từ cuộc tổng điều tra dân số Bắc Kỳ, đáng tin cậy.
Trong khoảng thời gian 10 năm từ 1913 đến 1923, khi Hà Nam là một Đại lý (Délégation), Hà Nam trực thuộc tỉnh Nam Định (Công sứ Nam Định chỉ đạo cả Đại lý Hà Nam). Đại lý giống như một trung tâm hành chính đặt dưới quyền cai trị của một viên sĩ quan Pháp có toàn quyền về mọi mặt.
Hà Nam sau 1945 đến nay
Đến thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, qua kinh nghiệm cuộc kháng chiến ở Nam Bộ và để chuẩn bị kháng chiến toàn quốc, vào tháng 11/1946, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chia cả nước thành 12 khu. Cấp khu được coi là một cấp chính quyền chịu trách nhiệm về mọi mặt trước chính phủ trong địa hạt khu mình phụ trách. Cấp tỉnh trực thuộc cấp khu. Tỉnh Hòa Bình thuộc khu II, gồm các tỉnh Sơn Tây, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hà Đông, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu. Năm 1947, địa bàn khu II được quy định lại gồm các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và phần đất Hòa Bình ở phía nam sông Đà.
Đến đầu năm 1948, nhà nước bãi bỏ cấp khu, thành lập cấp Liên khu. Hợp nhất khu II, III và khu XI thành Liên khu III. Tỉnh Hà Nam thuộc Liên khu III.
Để đảm bảo thuận lợi cho công tác chỉ đạo kháng chiến của hai tỉnh Nam Định và Hà Nam, tháng 3/1953, Hội đồng chính phủ đã quyết định cắt ba huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc, nằm ở phía bắc sông Đào (tỉnh Nam Định) sáp nhập vào tỉnh Hà Nam, làm tăng thêm nguồn nhân lực, vật lực cho Hà Nam. Đến tháng 5/1953, Liên khu III quyết định cắt châu Lạc Thủy thuộc tỉnh Hà Nam trả lại cho Hòa Bình.
Khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn cách mạng mới, tháng 4/1956, các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc sau ba năm sáp nhập với Hà Nam, đã được nhập trở lại tỉnh Nam Định. Từ đấy tỉnh Hà Nam có thị xã Phủ Lý và 5 huyện là Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Lý Nhân, Thanh Liêm.
Ngày 21/4/1965, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa III, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 103 – NQ – TVQH phê chuẩn việc lập tỉnh mới Nam Hà trên cơ sở sáp nhập tỉnh Nam Định và tỉnh Hà Nam.
Ngày 4/5/1965, Ban Chấp hành Đảng bộ hai tỉnh Hà Nam và Nam Định đã họp phiên đầu tiên bàn và ra Nghị quyết về việc tiến hành kiện toàn, hợp nhất tổ chức bộ máy của tỉnh mới Nam Hà.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Nghị quyết Hội nghị lần thứ nhất của Tỉnh ủy Nam Hà, ngày 28/5/1965. Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính tỉnh Nam Hà đã chính thức làm việc kể từ ngày 1/6/1965.
Như vậy, từ tháng 6/1965, sau khi tỉnh Hà Nam và tỉnh Nam Định sáp nhập thành tỉnh Nam hà, tỉnh gồm 14 huyện, 1 thành phố và 1 thị xã.
Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cùng với việc sắp xếp lại tổ chức hành chính các địa phương, ngày 27/12/1975, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa V, đã ra Nghị quyết hợp nhất tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình thành tỉnh mới lấy tên là tỉnh Hà Nam Ninh.
Ngày 26/12/1991, kỳ họp thứ 10, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII đã ra Nghị quyết phê chuẩn tách tỉnh Hà Nam Ninh thành hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình. Sau 16 năm sáp nhập đến ngày 1/4/1992, tỉnh Nam Hà bao gồm Hà Nam và Nam Định lại trở về như trước năm 1976.
Ngày 6/11/1996, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã ra Nghị quyết phê chuẩn tách tỉnh Nam Hà thành 2 tỉnh Nam ĐỊnh và Hà Nam. Ngày 1/1/1997, sau hơn 32 năm hợp nhất với tỉnh Nam Định thành tỉnh Nam Hà, tỉnh Hà Nam được tái lập, mở ra một trang mới trong lịch sử tỉnh Hà Nam. Đây là sự kiện quan trọng gắn liền với thời kỳ phát triển mới của tỉnh, với nhiều thuận lợi, song cũng không ít khó khăn.
_______________________
Chú thích:
(1): Đất nước Việt Nam qua các đời. Đào Duy Anh. NXB. KHXH. H. 1964. tr. 27.
(2): Sđd. tr. 59
(3): Sđd. tr. 65
(4): Đinh Hợi năm thứ 8 (987). Mùa xuân, cày ruộng tịch điền. trước đây vua cày ruộng tịch điền ở Đọi Sơn (Đọi Sơn tức là núi Đọi). Đại Việt sử kí tiền biên. NXB. KHXH. H. 1997.
(5): Thơ văn Đời Trần, NXB. KHXH. H. 1977. tr. 253.
(6): Đất nước Việt Nam qua các đời. Sđd. tr. 100
(7): Phạm Văn Thắm. Tạp chí nghiên cứu Hán Nôm, số 4. 1998
(8): Lịch sử Hà Nam Ninh, tập I. Phòng NCLS Hà Nam Ninh 1988, tr 258.
(9): Ngô Vi Liễn, Nomenelature des conmunes du Tonkin. Lê Văn Tân, Hà Nội – 1928, tr. 21 – 24.
Trương Dũng