Chương XXIX
TÔN GIÁO TÍN NGƯỠNG
Tỉnh Hà Nam có 5 huyện và 1 thị xã (gồm 116 xã, phường, thị trấn) với dân số trên 80 vạn người. Bên cạnh một bộ phận dân cư tin tưởng ở tín ngưỡng dân gian, phần còn lại theo 3 tôn giáo là đạo Thiên chúa, đạo Phật và đạo Tin lành. Tất cả 116 xã, phường, thị trấn đều có tôn giáo, trong đó 96/116 xã, phường, thị trấn có người theo đạo Thiên chúa. Trong 116 xã, chỉ có 3 xã có người theo đạo Tin lành. Trong khoảng 16,3 vạn tín đồ của tỉnh (chiếm 20% dân số), có tới 10,1 vạn giáo dân của đạo Thiên Chúa ở 44 xứ đạo, gồm 179 họ đạo. Hà Nam có 10 linh mục, 81 nữ tu thuộc dòng Mến thánh giá ở 9 nhà dòng. Hà Nam có 2 cố Hồng y là Trịnh Văn Căn và Trịnh Như Khuê, có nhiều giám mục và linh mục đang làm mục vụ tôn giáo ở các nơi. Đạo Phật có khoảng 6 vạn phật tử, 230 tăng ni, 40 tiểu ở 187/491 chùa. Hòa thượng Thích Trí Tịnh hiện là Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trước đây trụ trì tại chùa Cao Đà (huyện Lý Nhân). Đạo Tin lành có 36 hộ, gồm 193 nhân khẩu, 1 truyền đạo, 1 nhà thờ (ở xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên).
I. TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN
1. Tục thờ các vị thần nông nghiệp
Hà Nam nằm ở phía tây nam đồng bằng Bắc Bộ, vừa là vùng đồng bằng, vừa là vùng bán sơn địa với sản xuất nông nghiệp là chính. Các cư dân nông nghiệp Hà Nam cho đến nay vẫn còn lưu giữ trong đời sống văn hóa tinh thần của mình nhiều hình thái tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp cổ sơ. Đậm nét nhất, có thể nói, là tín ngưỡng thờ Tứ pháp.
Tín ngưỡng thờ Tứ Pháp là tín ngưỡng thờ 4 vị thần tự nhiên có ảnh hưởng quyết định đến đời sống nông nghiệp đang ở tình trạng lệ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Bốn vị thần tự nhiên đó là thần Mưa (Pháp Vũ), thần Mây (Pháp Vân), thần Sấm (Pháp Lôi) và thần Chớp (Pháp Điện). Truyền thuyết về sự xuất hiện tục thờ 4 vị thần này được chép vào sách Lĩnh Nam chích quái (thế kỉ XIV) với tên Truyện Man Nương. Truyện kể rằng ở vùng Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh), có cô gái Man Nương đến chùa Phúc Nghiêm dốc lòng học đạo. Trụ trì chùa này là một nhà sư người Ấn Độ tên là Khâu Đà La. Tinh cờ một hôm, nhà sư vô tình bước chân qua người Man Nương khiến nàng có mang. Nàng xấu hổ bỏ về quê. Đến khi sinh con, nàng mang đứa con gái ấy đến trả nhà sư. Nhà sư mang đứa con đó gửi vào gốc cây và trao cho Man Nương một chiếc gậy và dặn khi nào hạn hán thì lấy gậy chọc vào đất để lấy nước cứu dân. Khi Man Nương 80 tuổi, cây đa cổ thụ trước đây nhà sư đã gửi đứa con của bà bị đổ rồi trôi đến bến sông Dâu. Bao nhiêu người cũng không kéo nổi cây đa đó lên bờ, chỉ có Man Nương động tay vào thì cây di chuyển. Man Nương cho tạc cây thành 4 pho tượng Phật, Khâu Đà La đặt tên là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, mang vào - chùa thờ tự. Đứa con bà gửi gốc cây nay đã hóa đá, rìu chạm vào bị mẻ hết, khi được rước vào điện Phật để thờ thì tảng đá phát hào quang rực rỡ. Người 4 phương tới đây cầu mưa, không lúc nào là không ứng nghiệm, bèn gọi Man Nương là Phật Mẫu. Ngày mùng 8 tháng 4, Man Nương tự nhiên hóa, nhân dân lấy đó làm ngày sinh của Phật. Hàng năm tới ngày này, người bốn phương đến tụ tập ở chùa để vui chơi, tưởng nhớ đến Phật Mẫu.
Thoạt đầu, Tứ Pháp chỉ được thờ trong các chùa ở vùng Luy Lâu, dần dần, do tính chất linh ứng của nó mà lan dần ra nhiều vùng quê ở châu thổ Bắc Bộ, trong đó có một số vùng quê ven sông Đáy của tỉnh Hà Nam. Tương truyền, các làng quê vùng Hà Nam do nghe tiếng Tứ Pháp ở Bắc Ninh linh ứng đã lên đó xin rước chân nhang để thờ. Từ khi rước Tứ Pháp về thờ thì được mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Các nơi thờ Tứ Pháp ở Hà Nam cụ thể như sau:
Thờ Pháp Vân: chùa Quế Lâm (xã Văn Xá, huyện Kim Bảng), chùa Do Lễ (xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng), chùa thôn Bốn (xã Phù Vân, thị xã Phủ Lý), chùa Tiên (xã Thanh Lưu, huyện Thanh Liêm).
Thờ Pháp Vũ: Chùa Bà Đanh (xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng), chùa Trinh Sơn (xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm).
Thờ Pháp Lôi: chùa Đặng Xá (xã Văn Xá, huyện Kim Bảng), chùa Nứa (xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên).
Thờ Pháp Điện: chùa Bà Bầu (thị xã Phủ Lý).
Các chùa khác như chùa Quyển Sơn (xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng), chùa Thanh Nộn, chùa Phú Viên, chùa và đình làng Lạt Sơn (xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng), chùa Chanh Thôn (xã Văn Xá, huyện Kim Bảng) có phối tự thờ Tứ Pháp trong thần điện. Tại Hà Nam, Tứ Pháp đã được gọi bằng những cái tên nôm na thân mật: dân làng Đanh Xá gọi Pháp Vũ là bà Đanh (chùa Bà Đanh), dân làng Quế Lâm gọi Pháp Vân là bà Bến (chùa Quế Lâm), dân thị xã Phủ Lý gọi Pháp Điện là bà Bầu (chùa Bà Bầu)... Hàng năm cứ vào dịp Tết Nguyên đán, rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy, đặc biệt là ngày mùng 8 tháng 4, dân các địa phương gần xa lại đến chùa mở hội, rước kiệu, cầu nguyện tấp nập. Vào những năm hạn hán hay mưa gió thất thường, các chùa Bà Đanh, chùa Bến, chùa Bầu người ra vào cúng lễ rất đông. Từ năm 1990 đến nay, việc thờ cúng Tứ Pháp ở các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm và thị xã Phủ Lý bắt đầu có xu hướng gia tăng cả về quy mô lẫn phạm vi lễ thức. Chùa Quế Lâm, chùa Trinh Sơn, chùa Bầu đã được tu bổ tôn tạo lại rất khang trang. Dân địa phương và khách thập phương về cúng lễ cũng ngày một tấp nập hơn.
Xét bản chất sâu xa, tín ngưỡng Tứ Pháp bắt nguồn từ quan niệm vạn vật hữu linh. Đây là một quan niệm tối cổ của con người trong quá trình sống phải đối mặt với muôn vàn câu hỏi mà thiên nhiên đặt ra. Quan niệm vạn vật đều có linh hồn, người nguyên thủy nhìn thấy đằng sau mỗi hiện tượng tự nhiên đều có một vị thần. Vị thần đó quyết định sự vận hành của vũ trụ, trong đó có đời sống con người, đặc biệt, đối với một vùng đất nông nghiệp trồng lúa nước. Quan niệm về thần Mưa, thần Gió hẳn đã ăn sâu vào tâm thức người dân Việt từ xa xưa, trước khi đạo Phật đặt chân tới mảnh đất này. Khi đạo Phật vào Việt Nam, các nhà sư đã nhìn thấy rõ điều đó và nhận thấy nếu đạo Phật muốn bén rễ vào mảnh đất này thì phải có sự dung hòa với tín ngưỡng dân gian. Nhận thức ấy không sai, và đó là nguyên nhân sâu xa của cuộc hôn phối tinh thần giữa một người con gái bản địa (tượng trưng cho tín ngưỡng dân gian) với một vị chân tu thông tuệ (tượng trưng cho một tôn giáo lớn). Kết quả của sự giao thoa văn hóa ấy là hệ thống Tứ Pháp, 4 vị Phật mang đậm tính chất dân gian của người Việt mà có người gọi không sai là Phật giáo dân gian. Người phụ nữ Việt Nam, người có công tái tạo một tôn giáo lớn trong những cơ thể mới mang đậm tính bản địa, rất thiêng liêng, huyền bí mà rất gần gũi với cuộc sống đời thường của người dân, được tôn làm Phật Mẫu. Đó là sự tôn vinh đối với người có công tái tạo sinh thành một hình thức tôn giáo mới, tôn giáo của người dân cầu mong mưa thuận gió hòa, phong, đăng, hòa, cốc; tôn giáo của sự phát hiện ra sự tương tác mật thiết giữa sự huyền bí của vũ trụ với cuộc sống đời thường. Đó là triết lý sâu xa của tín ngưỡng thờ Tứ Pháp trong đời sống tâm linh của người dân Việt.
2. Tục thờ các vị thần sông nước: (Lảnh, Cửa Sông, Lê Chân, Vũ Điện, đình Đá Tiên Phong...).
Xuất phát từ quan niệm vạn vật hữu linh, thờ thủy thần là một tục thờ có sớm và phổ biến ở các vùng địa bàn sông nước. Nghiên cứu truyền thuyết về các vị thần được thờ trong các đình, đền của Hà Nam; về lễ hội, tục thờ các vị thần này thì thấy dấu vết tục thờ thủy thần khá đậm nét. Điểm đầu tiên phải kể đến là đền Cửa Sông (còn gọi là đền Tam Giang, đền Cô Bơ, đền Mẫu Thoải) ở thôn Yên Lạc (xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên). Đền này được dựng ngay trên một gò đất nổi ở ngã ba sông Hồng với sông Lảnh. Sông Lảnh thực ra là một nhánh của sông Hồng, do quá trình phân dòng mà tạo ra một gò nổi ở giữa và một nhánh sông chảy vòng qua gò nổi đó. Chính vì thế mà đền còn có tên là đền Tam Giang. Ngày nay dòng sông Lảnh đã cạn dần, chỉ còn dấu vết là một con lạch nhỏ, sông chảy hiền hòa, nhưng xưa kia chắc chắn nơi đây nước sông chảy xiết, và ở ngã ba sông này có những vòng xoáy nước đe dọa thường xuyên mạng sống của người dân. Vì thế mà ngôi đền trên gò nổi trước đây trở nên linh thiêng, ngày thường có đông người đến lễ. Sau này, do sông đổi dòng, bãi nổi lở dần, đền bị sạt lở, phải chuyển vào trong. Nay đền được xây bên cạnh dòng sông Hồng và dấu tích của dòng Lảnh Giang đang dần cạn. Ngày hội đền trước đây có tục đua thuyền, rước nước là những tục liên quan mật thiết đến việc thờ cúng thủy thần. Vị thần mà ngôi đền này thờ là Mẫu Thoải, vị thần đảm trách miền sông nước trong tín ngưỡng Tứ Phủ.
Liên quan mật thiết đến đền Cửa Sông là đền Lảnh Giang, còn được gọi là đền Chính, đền Quan Lớn Đệ Tam. Đó là đền thờ một trong ba vị đại vương vốn là ba con rắn được sinh ra từ một cái bọc. Tương truyền, vị đại vương này rất có công trong việc chống Thục nên được vua Hùng phong là Nhạc Phủ Ngư thượng đẳng thần, sau được gia phong là Trấn Tây An Tam Kỳ Linh ứng thái thượng đẳng thần. Từ xuất xứ của thần: sinh ra từ sự hoài thai của thủy thần trong hình hài của một con rắn, biểu hiện của nước, đến tên hiệu của vị thần này đều cho thấy rất rõ bản chất của thần là một vị thần sông nước. Đó là lớp nghĩa cổ nhất của vị thần này mà truyền thuyết về một vị tướng của Hùng Vương được thêu dệt sau này cũng không làm mờ lớp nghĩa ban đầu. Đền được xây dựng sát phía ngoài chân đê, là nơi mà dân sông nước qua lại có thể dễ dàng vào cầu nguyện. Hình ảnh của vị thần, một con rắn thần, là hình ảnh phổ biến về các vị thủy thần ở nhiều vùng sông nước. Lễ hội đền Lảnh Giang, cũng như đền Cửa Sông, có lễ rước nước, hội đua thuyền, bơi chải. Đó là những nghi lễ phổ biến của tín ngưỡng thờ thủy thần. Hai ngôi đền thờ thủy thần (đền Lảnh Giang và đền Cửa Sông) nằm trong cùng một cụm di tích, cách nhau chỉ 100m là bằng chứng rất rõ tín ngưỡng thờ thủy thần của người dân địa phương.
Có thể thấy dấu vết của tục thờ thủy thần qua biểu tượng rồng được chạm khắc xung quanh và trên trán bia Sùng Thiện Diên Linh, trên vách tháp cũng chạm khắc nhiều mảng rồng ổ. Rồng biểu tượng cho tín ngưỡng của các cư dân canh tác lúa nước, ẩn dụ sự cầu mong mưa thuận gió hoà để phát triển sản xuất nông nghiệp. Trên trán bia chạm hai con rồng đối xứng, chầu vào hàng chữ: Đại Việt Lý đương gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi (tháp bia Sùng Thiện Diên Linh - nước Đại Việt triều vua Lý thứ tư). Rồng còn làm vật trang trí trên gạch đất nung: thân hình tròn trịa với nhiều khúc uốn lượn, chân dài và nhỏ dần về phía đuôi, vừa có dáng dấp của một con rắn, vừa có hình thù của con cá sấu. Hình rồng còn thô sơ như vậy là do biểu hiện tín ngưỡng của cư dân Việt viễn cổ ở đồng bằng sông nước với tục thờ rắn và cá sấu, lấy các loài thuỷ tộc này làm vật tổ. Huyền thoại họ Hồng Bàng (giải thích nguồn gốc các tộc người Việt cổ) kể rằng, ông Lạc Long Quân (vị tổ của người Việt đồng bằng) là một loài rắn hoá thân mà thành. Rắn + cá sấu theo tín ngưỡng của dân gian được trừu tượng hoá dần, trở thành hình tượng rồng. Và, rồng cũng được các triều đại phong kiến Việt Nam chọn làm biểu tượng của vương quyền, càng về sau vẻ mạo của nó càng thể hiện uy quyền phong kiến.
Truyền thuyết về vị thần đình Văn Xá (thôn Văn Xá, xã Đức Lý, huyện Lý Nhân) cũng cho thấy dấu vết rõ của tục thờ thủy thần. Vị thần thành hoàng của làng thoát thai từ một con rắn, khi con đê vỡ, đã trở lại hình hài rắn, nằm chắn ngang đoạn đê vỡ, căng mình ra để ngăn nước lũ, bảo vệ xóm làng. Vị thần thành hoàng của đình Đá Tiên Phong (thôn An Mông, xã Tiên Phong, huyện Duy Tiên), một nữ tướng của Hai Bà Trưng lúc hóa cũng có rồng mang thuyền vàng đến đón. Đó là những trầm tích văn hóa sâu xa của tín ngưỡng dân gian nhiều khi đã bị chìm đi dưới lớp nổi là các truyện kể về lịch sử được chồng chất sau này. Nhìn vào tục thờ, lễ hội, có thể thấy rõ những biểu hiện của tín ngưỡng này, tục rước nước, tục đua thuyền... phổ biến trong các lễ hội cổ truyền ở Hà Nam.
II. ĐẠO THIÊN CHÚA
Căn cứ các nguồn sử liệu để lại, các nhà nghiên cứu về đạo Thiên Chúa đều thống nhất rằng, năm 1553 là điểm mốc mà các giáo sĩ phương Tây có mặt để truyền giáo trên vùng đất các tỉnh Hà Nam, Nam Định; cũng là điểm khởi đầu của quá trình đạo Thiên Chúa giáo được truyền vào nước ta.
Năm 1553, giáo sĩ dòng Đa Minh (Tây Ban Nha) Ignatis đã đến truyền giáo ở Ninh Cường (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) dưới thời vua Lê Trang Tông. Sau đó lan toả ảnh hưởng ra các vùng khác.
Con đường truyền đạo bắt đầu trước hết từ các vùng ven biển, cửa sông. Sau khi cơ sở truyền giáo ở ven sông được xác lập, các giáo sĩ đã đi theo đường thủy tiến sâu dần vào lục địa để truyền giáo. Hà Nam với vị trí thuận tiện giao thông thuỷ bộ nên là điểm có thể cho các giáo sĩ vào truyền giáo và rút lui khi có biến động. Bắt đầu từ các xã ven biển và các vùng cửa sông, xác lập các cơ sở truyền giáo.
Theo các tư liệu cho biết thì đến thế kỷ XVII, Hà Nam đã sớm có những trung tâm truyền đạo như Kiện Khê, Trác Bút, Kẻ Noi... cùng với các trung tâm truyền đạo của Nam Định như Bùi Chu, Hoành Nha, Tương Nam... Các toà thánh (nhà thờ) lần lượt được xây dựng. Đạo Thiên Chúa đã nhanh chóng bám lấy hạ tầng cơ sở kinh tế xã hội của nhà nước phong kiến Việt Nam đó là đơn vị tổng, xã... Mỗi làng, xã đạo hình thành đều được xây dựng nhà thờ họ, nhà thờ xứ... Những nhà thờ này thường được xây dựng ở nơi trung tâm, ven đường giao thông quốc lộ, rất thuận lợi cho việc đi lại (điều này khác hẳn với những ngôi chùa của Phật giáo)... Hầu hết số các nhà thờ của Hà Nam còn cho đến nay đều được xây dựng ở khoảng giữa thế kỷ XIX... khi mà việc truyền giáo đã dần đi vào thế ổn định. Nhìn vào bản đồ của tỉnh Hà Nam, ta thấy sự đậm đặc của các nhà thờ là quá ít, so với số đình, chùa, đền, miếu... song số dân theo đạo Thiên Chúa thì lại là nhiều.
Điểm đáng chú ý của quá trình đạo Thiên Chúa thâm nhập vào Hà Nam - đó là việc xác lập các cơ sở xứ đạo. Đạo Thiên Chúa ở Hà Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất khá vững chắc. Đến thế kỷ XVII, đạo Thiên Chúa đã xác lập được cơ sở tại xứ đạo Bút Đông (xã Châu Giang, huyện Duy Tiên). Theo lời các nữ tu ở Trác Bút, Châu Giang thì nhà nguyện xứ Bút Đông đã có từ 300 năm trước. Cũng chính ở xứ đạo này đã có các nữ tu tình nguyện tử vì đạo trong hai đợt cấm đạo thế kỷ XVII. Vì thế có thể nói, Hà Nam đã sớm trở thành một trong những trung tâm truyền đạo của miền Tây Đàng Ngoài, khi đạo Thiên Chúa đã được chính thức công nhận ở Bắc Kỳ. Hà Nam là một trong những xứ đạo có nhiều nhà thờ lớn và có kiến trúc đẹp, được xây dựng trong khoảng nửa cuối thế kỷ XIX như nhà thờ Kiện Khê (1882), nhà thờ hai tháp Bút Đông (1883). Cùng với Bút Đông thì Kẻ Sở và Kẻ Non (huyện Thanh Liêm) là hai trung tâm truyền đạo Thiên Chúa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX của vùng Hà Nam nói riêng, của miền Tây Đàng Ngoài nói chung. Kẻ Sở có nhà thờ Kiện Khê, có Đại chủng viện, có nhà tu kín... Đó là những công trình tôn giáo to lớn và đáng quý.
Số dân theo đạo Thiên Chúa ở Hà Nam chiếm tỷ lệ cao so với dân số toàn tỉnh (25%), cả 5 huyện và một thị xã của Hà Nam đều có giáo dân theo đạo Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự phân bố không đều, huyện Duy Tiên có số lượng dân theo đạo cao nhất (40%), sau đến Lý Nhân (26%), Thanh Liêm (24%)... Nhiều làng, xã ở đây là những làng công giáo thực sự với đặc trưng là xứ đạo lâu đời, là những làng công giáo toàn tòng với số người theo đạo Thiên Chúa chiếm từ 60% đến 90% dân số trong làng. Làng Phúc Thành (xã Châu Giang, huyện Duy Tiên) là làng công giáo toàn tòng như vậy.
Trong số các huyện, thị của Hà Nam thì Duy Tiên là vùng đất mà đạo Thiên Chúa được truyền vào sớm nhất. Đặc biệt như làng Bút Đông, đạo Thiên Chúa đã không ngừng phát triển ở đây từ thế kỷ XVII, sang thế kỷ XVIII, XIX và đến đầu thế kỷ XX. Từ chỗ chỉ tập trung ở làng Bút Đông, đạo Thiên Chúa đã hình thành ra 4 thôn công giáo toàn tòng và 7 thôn đan xen vừa lương vừa giáo. Cho đến hiện nay, xã Châu Giang có khoảng 13.000 dân thì 5.200 người là giáo dân, chiếm tỷ lệ 40% tổng dân số của xã. Châu Giang có 14 thôn thì 11 thôn có dân theo đạo Thiên chúa. Thôn có giáo dân nhiều nhất lên đến gần 300 hộ, thôn có giáo dân ít nhất cũng vài ba chục hộ. Các họ đạo ở các thôn theo đạo Thiên chúa toàn tòng như Đông Nội, Phúc Thành, Đầm, Đọ... có từ 100 hộ đến gần 300 hộ giáo dân. Trong số 11 thôn của xã Châu Giang với 12 họ đạo thì có 14 nhà thờ, nhà xứ, đền thờ thánh lớn nhỏ...
Ở những thôn công giáo, sinh hoạt Thiên Chúa giáo chiếm vai trò chủ đạo. Về thiết chế, ngoài tổ chức hành chính và tự trị, ở thôn công giáo còn có tổ chức Ban hành giáo của xứ họ đạo. Ở thôn công giáo, họ đạo là do linh mục chính xứ và có thể có linh mục phó xứ cai quản. Trong xứ, họ đạo có nhà thờ xứ thường là trung tâm đạo Thiên Chúa của địa phương, thu hút đông đảo giáo dân của các địa phương lân cận đến chịu lễ. Có thể kể đến các nhà thờ xứ của Hà Nam như: Châu Giang (huyện Duy Tiên), Châu Sơn (thị xã Phủ Lý), Kiện Khê (huyện Thanh Liêm), Phú Đa (huyện Lý Nhân)... Thị xã Phủ Lý trước đây có một nhà thờ lớn nhưng đã bị bom Mỹ huỷ diệt, hiện chưa khôi phục lại được.
Cũng như các giáo phận khác, giáo dân Hà Nam tuân theo những giáo luật, giáo lý và các quy định thánh lễ nghiêm ngặt của giáo hội Thiên Chúa giáo.
Theo quy định, các tín đồ theo đạo Thiên Chúa được quản lý từ khi 7 tuổi cho đến khi chết. Mọi người hành đạo theo sự quản lý của gia đình, họ đạo và xứ đạo. Việc dự lễ, đọc kinh bổn, nghe giảng giáo lý vừa là bắt buộc vừa phải có sự tự giác của các tín đồ. Không chỉ qua các mùa phụng vụ mà cả thường niên. Theo họ quan niệm chỉ như thế các tín đồ mới đắc đạo và khi chết mới được lên Thiên đàng. Tín đồ đạo Thiên Chúa luôn luôn tâm niệm “Được và cả thế gian nhưng nếu mất linh hồn thì cũng bằng vô nghĩa”.
Như trên đã nói, Hà Nam là tỉnh có một bộ phận dân cư theo đạo Thiên Chúa vào loại sớm nhất, số người theo đạo chiếm tới 25% dân số của tỉnh, với khoảng hơn 10 vạn giáo dân. Hà Nam có nhiều nhà thờ xứ, nhà thờ họ và có nhiều vị là giám mục, linh mục quản lý việc hành đạo ở các xứ và các họ đạo với 5 dòng tu: Đa Minh, Mân Côi, Mến Thánh giá, Thăm viếng và Thánh thê tọa lạc tại hàng chục cơ sở trong tỉnh. Ngày nay, Hà Nam thuộc giáo phận Hà Nội. Nếu so với cả nước hiện nay, số tín đồ theo đạo Thiên Chúa của Hà Nam có tỷ lệ cao hơn hai lần so với tỷ lệ chung của cả nước (theo thống kê của giáo hội Việt Nam thống nhất thì số giáo dân cả nước chiếm khoảng 10% tổng số dân toàn quốc).
Hàng năm, giáo dân Hà Nam tổ chức 6 ngày lễ trọng được giáo hội quy định thống nhất toàn cầu, đó là:
1. Lễ Chúa phục sinh (mùa phục sinh từ cuối tháng 3 đến hết tháng 4 dương lịch)
2. Lễ Chúa lên trời (tháng 5)
3. Lễ Chúa thánh thần hiện xuống (tháng 5)
4. Lễ Đức mẹ lên trời (tháng 8)
5. Lễ các thánh (tháng 11)
6. Lễ Noel (tức lễ Giáng sinh - tháng 12)
Từ năm 1987, giáo hội Việt Nam đã cho các giáo dân thực hiện 11 lễ trọng thường niên là:
1. Lễ Chúa giáng sinh
2. Lễ Chúa hiển linh
3. Lễ thánh Giuse (tháng 3)
4. Lễ Phục sinh
5. Lễ Chúa lên trời
6. Lễ Chúa thánh thần hiện xuống
7. Lễ mình máu thánh chúa Kitô
8. Lễ thánh Phaolô và thánh Phêrô tông đồ (tháng 6)
9. Lễ Đức mẹ lên trời
10. Lễ các thánh
11. Lễ Đức mẹ vô nhiễm.
Như vậy, giáo dân Hà Nam cũng như giáo dân cả nước dành các ngày trong một năm để thực hiện giáo luật trong mùa phụng vụ các ngày lễ thánh thường niên không phải là ít. Đây là chưa kể các ngày lễ để kính nhớ các vị thánh tông đồ, thánh quan thày và các thánh tử vì đạo...
Nhưng không phải lễ trọng nào cũng là ngày hội của giáo dân. Thường thì các ngày lễ như lễ Phục sinh, lễ Giáng sinh, lễ Đức mẹ lên trời là những thánh lễ lớn trong năm của giáo dân.
Một số lễ hội chính của đạo Thiên Chúa được tổ chức ở Hà Nam từ đầu thế kỷ XX cho tới nay là:
1. Lễ hội Chúa phục sinh
Là ngày lễ kỷ niệm sự kiện Đức chúa Giêsu sống lại sau khi bị đóng đinh trên cây thánh giá. Giáo hội coi đây là sự kiện vĩ đại.
Để chuẩn bị cho ngày lễ này, giáo dân dọn mình từ tháng ba mùa chay như kiêng thịt, nghỉ việc xác vào các ngày thứ sáu hàng tuần, xưng tội, cầu kinh, học giáo lý, học thêm kinh, học hát... Sang tháng tư, vào mùa phục sinh kéo dài 7, 8 tuần liên tiếp cho đến tháng 5 là đại lễ chúa Thánh thần hiện xuống.
Về nghi lễ, tất cả các thánh lễ đều diễn ra ở thánh đường do linh mục và các người giúp việc cử hành trọng thể. Thông thường các buổi lễ đều có các mục:
- Linh mục đọc Phúc âm
- Linh mục giảng để chia sẻ lời chúa và các thánh
- Thánh ca
- Giáo dân cầu nguyện, phụng vụ mình Thánh và ca hát
Đêm lễ Phục sinh, tuỳ điều kiện của từng giáo xứ mà cử hành nhưng phải trang nghiêm và đại lễ Phục sinh bao giờ cũng cử hành vào ban đêm.
2. Lễ hội Chúa giáng sinh (Noel)
Sự kiện Chúa giáng sinh là sự kiện trọng đại của giáo hội toàn cầu. Đó là sự kiện Chúa Giêsu, con của Đức chúa Cha ra đời. Giáo dân coi đêm Chúa giáng sinh là “Đêm Thánh vô cùng”.
Lễ nghi trong đêm Noel được cử hành trọng thể. Người dự lễ rất đông vì đây là lễ buộc phải dự. Lễ cử hành ở nhà thờ, Cha xứ làm lễ thánh Misa, đọc Phúc âm và giảng. Cha chủ tế báo tin Chúa giáng sinh. Giáo dân cầu nguyện và hát. Sau đó là lễ rước thánh thể Chúa hài đồng.
Sau buổi lễ, mọi người ra về. Ở nhà xứ, Cha xứ mở rượu thết mừng các giáo chức, ở mỗi gia đình, người chủ gia đình mở tiệc mừng Chúa giáng sinh. Đêm lễ Chúa giáng sinh, không khí diễn ra trang nghiêm nhưng vui vẻ. Và suốt tuần sau đó người ta tổ chức các trò vui như thi hát, thi đánh trống, thi thổi kèn và có nơi tổ chức các trò vui cho dân phấn khởi.
Hai lễ hội, hai sự kiện màu nhiệm này mang ý nghĩa lịch sử trọng đại trong Thiên chúa giáo. Cho nên tất cả các giáo hữu đi dự rất đông - lễ hội còn cuốn hút cả sự quan tâm xen lẫn với sự tò mò của những người ngoài đạo. Trước lễ Giáng sinh còn có cả mùa vọng để kính nhớ.
Lễ hội công giáo đã thực sự hình thành và trở thành một nhu cầu không thiếu được của các giáo dân.
Ngoài lễ nghi quy định của giáo hội, các tín đồ còn biết sử dụng các hình thức của lễ hội cổ truyền để đưa vào các lễ hội công giáo, làm cho các lễ hội công giáo trở nên trang trọng, hình thức đa dạng và với ý nghĩa là của dân, do dân tạo nên.
Ngoài hai lễ hội trên, giáo hội các xứ đạo còn tổ chức các ngày lễ trọng khác như lễ Đức mẹ lên trời, lễ Chúa ba ngôi, lễ quan thày... giáo dân đi dự lễ hội hoàn toàn tự giác thi hành giáo luật. Đồng thời mỗi người do hoàn cảnh và sở thích, có thể tham gia vào các Hội đoàn tôn giáo như: Hội dâng hoa, Hội hát, Đội trống, kèn, bát âm, Hội các bà không chồng, Hội nghĩa binh, Hội con Đức mẹ, Hội nữ lưu, Hội tung nẻ...
3. Tế giao thừa ở nhà thờ công giáo
Từ năm 1978, Giáo hoàng Giăng Paul II lên trụ trì Giáo hội, ông có chủ trương thích nghi và làm cho công giáo gắn với dân tộc ở các nước, cho các địa phương được thực hiện các phong tục tập quán như thờ cúng tổ tiên, quan hệ giao hảo với các tôn giáo khác trong khối đại đoàn kết dân tộc.
Trên cơ sở quan điểm cởi mở như vậy, vài chục năm gần đây, ở nhiều giáo xứ trong cả nước, trong đó có Hà Nam, các giáo dân đã tiến hành lễ đón giao thừa mừng Tết Nguyên đán tại nhà thờ công giáo. Bởi công giáo theo dương lịch, nhưng giáo dân Việt Nam là cư dân nông nghiệp nên họ cùng cộng đồng từ xa xưa theo âm lịch để tính thời vụ. Thường chỉ có các bà con bên Lương (không theo đạo Thiên Chúa) là cúng tế giao thừa, nhưng giáo dân Việt Nam thì từ trước Cách mạng Tháng Tám cũng đã cúng tế Tết và giao thừa tại nhà thờ và tại nhà mình.
Lễ tế giao thừa được tổ chức trang nghiêm, trọng thể tại nhà thờ xứ đạo. Phần tế này linh mục không tham dự chủ tế mà do chánh trương, trùm trưởng cùng các chức sắc trong xứ đạo đảm nhiệm, vì vậy lễ tế mang tính chất dân gian và là sự hoà nhập với văn hoá cộng đồng.
Đoàn tế gồm một chủ tế, 2 phó tế cùng khoảng 12 đến 16 tế viên. Chủ tế mặc áo thụng đỏ, mũ đỏ có dải, các phó tế, tế viên mặc áo thụng xanh, mũ dải xanh. Đoàn tế vào trước gian thánh của nhà thờ, chia thành 2 đoàn, khởi hành lễ tế nghinh xuân. Chủ tế dâng hương, ban nhạc cử hành, chủ tế đọc các bài vịnh và cùng với mọi người tế lễ, dâng lễ vật. Thời gian lễ kéo dài khoảng một tiếng. Sau đêm tế, mọi người vào nhà xứ chúc mừng năm mới cha xứ và cha xứ cầu chúc mừng năm mới cho các tín hữu.
Quá trình đạo Thiên Chúa vào Việt Nam nói chung và Hà Nam nói riêng là một quá trình lâu dài và phức tạp. Song, cho đến ngày nay, một điều mà mọi người đều nhận thấy là trong những trang đầu của lịch sử giáo hội Việt Nam, xứ đạo Hà Nam đã có rất nhiều người công giáo kính Chúa yêu nước, mở đầu cho truyền thống tốt đẹp của đồng bào công giáo toàn đất nước. Các giáo dân của Hà Nam, tiếp tục truyền thống đó, nhiều năm qua đã kết hợp chặt chẽ giữa tôn giáo và dân tộc, giữa bổn phận người tín hữu trước Thiên chúa và giáo hội, với nghĩa vụ công dân trước Tổ quốc và dân tộc. Người công giáo Hà Nam đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp chung của đất nước. Là vùng đất sớm tiếp nhận đạo Thiên Chúa, nhưng các làng đạo, xứ đạo của Hà Nam đã sống hoà đồng vào cộng đồng dân tộc, giữ vững các giá trị văn hoá truyền thống của địa phương. Người công giáo Hà Nam đã có nhiều người thành đạt (như Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn) và nhiều linh mục khác đã giữ những chức phẩm cao trong giáo hội, tích cực góp phần đưa giáo hội Việt Nam thành một giáo hội “Sống Phúc âm trong lòng dân tộc”.
Hiện nay, về tổ chức, đạo Thiên chúa của Hà Nam có 48 xứ, 179 họ đạo và như đã trình bày, thuộc toà giám mục Hà Nội; có 47 trùm xứ, 179 trùm họ với 224 ban hành giáo có 867 người tham gia (trong đó có 9 đảng viên). Hội đoàn công giáo có hướng khôi phục và phát triển các xứ, các họ đạo đều có các hội đoàn nơi nhiều nơi ít, được tổ chức khá chặt chẽ, mua sắm nhiều trang thiết bị hiện đại: đàn oóc gan, kèn, trống, hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại, may quần áo đồng phục. Toàn tỉnh có 11 loại hội đoàn (trong đó có 6 loại phục vụ lễ nghi tôn giáo) với 747 hội, 21.985 người tham gia, một số hội đoàn có tính tập hợp quần chúng như hội Giu Se, Mân Côi, bà thánh Đê có số người tham gia đông (Hội Mân Côi gồm 87 hội, có 3.981 nguời tham gia; Hội Giu Se gồm 80 hội, có 3.098 người tham gia).
Về cơ sở vật chất, đạo Thiên chúa ở Hà Nam hiện nay có 211 nhà thờ, gồm có 44 nhà thờ xứ, 167 nhà thờ họ, 8 nhà nguyện, 9 nhà dòng, diện tích đất sử dụng là 101,34 ha.
III. ĐẠO PHẬT
Tuy không là nơi phát tích đạo Phật sớm nhất nước như vùng đất Luy Lâu (tỉnh Bắc Ninh), nhưng Hà Nam cũng là một trong những nơi mà đạo Phật được phát triển sớm và có những trung tâm Phật giáo lớn, tiêu biểu như chùa Đọi (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên), chùa Quỳnh Chân (xã Lam Hạ, thị xã Phủ Lý) và chùa Bà Đanh (xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng),...
Người dân Hà Nam vốn cần cù, chăm chỉ làm ăn, sinh sống lương thiện và đất Hà Nam từ lâu đã trở thành đất chân tu, có rất nhiều vị tu hành đắc đạo, với nhiều tăng ni, phật tử. Số lượng chùa chiền được xây dựng trên đất Hà Nam cũng đạt một con số khá lớn, hầu như địa phương nào cũng có chùa và có nhiều chùa được xây dựng với quy mô lớn. Cho đến nay, số người sùng đạo Phật ở Hà Nam lên đến con số rất đông, nhiều hội chùa lớn được tổ chức hằng năm có hàng chục nghìn người tham gia.
Trung tâm Phật giáo được xây dựng và phát triển sớm nhất của Hà Nam có lẽ phải nói tới là chùa Đọi. Ngôi chùa này được xây dựng trong 4 năm, từ năm niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 9 (1118) đến niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 3 (1121) mới hoàn thành. Đây cũng là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Hà Nam mà khi nói về đạo Phật của Hà Nam, không thể không nhắc tới đầu tiên, bởi vị trí quan trọng của nó trong lịch sử phát triển đạo Phật ở vùng đất này.
Về triều nhà Lý, vua Lý Nhân Tông rất chú ý đến chính sách khuyến nông và coi việc làm ruộng là căn bản, lúa gạo là thu nhập chủ yếu của nhà nước phong kiến. Hàng năm, nhà vua thường thân hành xuống các địa phương đi cày ruộng tịch điền để làm gương cho thiên hạ.
Mùa hạ, tháng 5 niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 9 (1118), vua Lý Nhân Tông xuống thuyền từ kinh đô Thăng Long theo dòng Hà Lô (sông Hồng) xuống dòng Duy Tiên, Lý Nhân của Hà Nam ngày nay. Từ sông Hồng, đoàn thuyền theo dòng sông Châu đến bến Long Lĩnh thấy một ngọn núi “tuy thế chênh vênh nhưng đỉnh bằng phẳng”, nhà vua bèn truyền lệnh neo thuyền và xuống chiếu cho các quan hộ giá: “Trẫm muốn dựng một ngôi chùa ở núi này có được không?” Các quan tả hữu tâu rằng: “Chúng tôi nghe các cụ già ở trong làng kể rằng núi này cứ đến đầu xuân thì trời thường mưa để nhuần thấm cho muôn dân. Vậy bệ hạ nên dựng chùa để chóng thành thiện quả”. Vua chuẩn y và đặt tên núi là Long Đội, rồi lệnh xác định phương hướng để xây chùa trên đỉnh núi.
Công việc xây chùa kéo dài trong 4 năm, từ năm 1118 đến năm 1121.
Ngoài trung tâm Phật giáo chùa Đọi ra, các ngôi chùa khác của Hà Nam như chùa Bạch Liên (huyện Duy Tiên), chùa Quỳnh Chân (thị xã Phủ Lý), chùa Bà Đanh (huyện Kim Bảng)... cũng đóng vai trò là các trung tâm Phật giáo của Hà Nam trong quá trình phát triển Phật giáo cùng tín ngưỡng dân gian từ xa xưa tới ngày nay.
Ban Trị sự Hội Phật giáo tỉnh được kiện toàn từ năm 1998 gồm 25 thành viên, có trưởng ban và phó ban, có 5 ban đại diện Phật giáo ở 5 huyện, riêng thị xã Phủ Lý chưa thành lập được. Hà Nam có 230 tăng ni, 45 tiểu ở 187/491 chùa (41 chưa hợp pháp với số tăng ni là 20 và 21 tiểu). Trong những năm qua giáo hội Phật giáo đã mở giới đàn thụ tỷ khiêu và sa di. Một số nơi đã đưa thêm tượng vào chùa, xây miếu, phủ thờ mẫu, thờ cô, thờ Trần Hưng Đạo, đặt tượng Quan thế âm bồ tát...
Đạo Phật ở Hà Nam có 491 chùa với diện tích sử dụng là 140ha. Nhìn chung các cơ sở tôn giáo đều được xây dựng từ lâu, có nơi bị hư hỏng xuống cấp, các địa phương đều cho xúc tiến việc trùng tu xây dựng lại, nâng cấp nơi thờ tự, mua sắm trang thiết bị, đồ thờ.
IV. ĐẠO TIN LÀNH
Đạo Tin Lành xuất hiện ở Hà Nam muộn và số dân theo đạo này chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số dân trong tỉnh. Hiện nay ở Hà Nam có 3 trong số 116 xã, phường, thị trấn của 6 huyện và thị theo đạo Tin Lành với số tín đồ có khoảng 36 hộ, 193 khẩu.
Số tín đồ theo đạo Tin Lành tập trung ở xã Mộc Bắc và một, hai xã gần kề thuộc huyện Duy Tiên của tỉnh Hà Nam. Thánh đường của đạo Tin Lành được xây dựng ở thôn Hoàn Dương thuộc chi hội thánh Hoàn Dương của xã Mộc Bắc. Trong số người theo đạo Tin Lành ở đây có vị đã giữ chức phận cao, là uỷ viên của tổng hội Tin Lành Hà Nội.
Về tổ chức và cơ sở vật chất của đạo Tin Lành ở Hà Nam hiện nay gồm có 1 chi hội thánh, 1 truyền đạo, 1 ban chấp sự 3 người. Đạo Tin Lành có một nhà thờ diện tích sử dụng là 0,0965ha.
(Còn nữa)
Điện tử