kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Phần I: Địa lý (Chương XXXI phần 3)

Phần I: Địa lý (Chương XXXI phần 3)

(Tiếp theo kỳ trước)

Phần I Địa lý Chương XXXI

Phần I Địa lý Chương XXXI

Phần I Địa lý Chương XXXI - Phần 2

Phần I Địa lý Chương XXXI - Phần 2

Ngoài Chí PhèoSống mòn, Nam Cao còn sáng tác những tác phẩm vào loại hay nhất của văn xuôi Việt Nam, như Lão Hạc, Trăng sáng, Đời thừa... Đó còn là những truyện ngắn có thể so sánh với số truyện ngắn hay nhất trên toàn thế giới. Có thể coi Nam Cao là văn hào có tầm mức dân tộc và quốc tế.

Bàng Bá Lân là một nhà thơ. Ông có lẽ là nhà thơ gốc Hà Nam duy nhất được tuyển trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh. Hoài Thanh đã so sánh thơ quê Bàng Bá Lân với thơ quê Nguyễn Bính và Anh Thơ. Hoài Thanh cũng nhìn ra cái “thú điền viên” trong thơ Bàng Bá Lân. Phong cách điền viên của mấy cây bút Hà Nam đã bắt mạch suốt từ văn học viết thời Lê, đến Nguyễn Khuyến và đến nhà thơ họ Bàng này. Nguyễn Khuyến - “nhà thơ làng cảnh Việt Nam” miêu tả cảnh trưa hè:

Trâu già gốc bụi phì hơi nắng,

Chó nhỏ bên ao cắn tiếng người.

Ngửa mặt ông kia chơi mới khỏe,

Suốt hôm một sáo thổi lưng trời.

Thì cũng phảng phất như thế, Bàng Bá Lân viết:

Dưới gốc đa già trong vũng bóng

Nằm mát đàn trâu ngẫm nghĩ nhai...

... Quán cũ nằm lười trong sóng nắng,

Bà hàng thưa khách ngả thiu thiu,

Nghe mồ hôi chảy đầm như tắm...

Đứng lặng trong mây một cánh diều.

Thi nhân Việt Nam, được mệnh danh là thơ mới. Đã mới hẳn so với truyền thống - đúng thế! Nhưng nguồn ngọn sáng tạo của nó vẫn có từ truyền thống.

Văn học viết Hà Nam giai đoạn từ đầu thế kỷ XX đã bước hẳn từ truyền thống sang hiện đại. Bên cạnh thơ, đã xuất hiện các thể loại mới như truyện ngắn (quốc ngữ), tiểu thuyết và khảo cứu phê bình văn học. Đã xuất hiện tác giả lớn, khẳng định vị trí của văn học Hà Nam hiện đại. Văn học Hà Nam với những tác giả, tác phẩm vừa kể đã tạo nên một vùng văn học không thể thiếu và hết sức gắn bó với toàn cảnh văn học viết dân tộc.

II.        Văn học viết Hà Nam từ 1945 đến nay

1.                Về tổ chức và lực lượng sáng tác

Sau Cách mạng tháng Tám, trong chín năm kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), hơn hai mươi năm chống Mỹ (1954 - 1975) và xây dựng chủ nghĩa xã hội, rồi thời kỳ từ 1976 đến nay văn học viết Hà Nam vẫn tiếp tục phát triển trên truyền thống văn học suốt một nghìn năm.

Những cây bút từ thời kỳ trước 1945 như Bùi Kỷ, Nam Cao, Bàng Bá Lân, Lê Tư Lành vẫn tiếp tục sáng tác, viết nghiên cứu phê bình và có những đóng góp đáng kể. Ở Hà Nội và một số vùng miền khác, xuất hiện một số tác giả làm công việc nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học như Đỗ Văn Hỷ, Bùi Duy Tân, Nguyễn Văn Trung, Trần Thị Băng Thanh, Lại Nguyên Ân, Vũ Văn Sĩ... tập trung ở Viện nghiên cứu Văn học và một số trường đại học.

Lực lượng viết văn, làm thơ tập trung ở Hội Nhà văn Việt Nam và một số Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành. Tại Hà Nam, đến 1997 mới có Hội Văn học nghệ thuật riêng, tập trung được khá nhiều văn nghệ sĩ; còn trước 1997 các văn, thi sĩ tỉnh nhà hoạt động trong Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh Nam Hà, rồi Hà Nam Ninh, rồi lại Nam Hà. Cũng có một số người viết không vào Hội, hoặc chưa nhập Hội.

Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam có tiếng nói là tờ tạp chí Sông Châu, tên tờ tạp chí lấy ý nghĩa biểu tượng là vùng văn hóa sông Châu - núi Đọi, nơi chủ yếu đăng tải các sáng tác thơ văn, các bài nghiên cứu, phê bình...

Bên cạnh số đông các tác giả văn, thơ; có một số nhà nghiên cứu văn học với khá nhiều đóng góp cho việc khai thác, thức nhận các giá trị văn chương như Nguyễn Văn Huyền, Bùi Văn Cường, Nguyễn Tế Nhị...

Lại có một số tác giả gắn bó với loại hình sân khấu, dàn dựng thành công hàng chục vở diễn, trong đó có những vở diễn gây được tiếng vang như Suối tiên, Bài thơ treo dải yếm đào...

2.                Một vài nét về đặc điểm nội dung và nghệ thuật thơ văn Hà Nam đương đại

Vốn là “đất học”, là “thang mộc ấp” xưa của triều đại nhà Trần, từ trong nguồn mạch, Hà Nam đã vừa là nơi phát tiết lại vừa là nơi quy tụ những anh tài, góp vào dòng chảy chung của văn học dân tộc những tên tuổi lớn. Vì vậy, một trong những đặc điểm nổi bật của đội ngũ tác giả văn học Hà Nam là, bên cạnh những tác giả vốn sinh trưởng trên mảnh đất này, còn có một lực lượng các cây bút đến từ nhiều miền đất khác nhau, trong cuộc đời mình đã từng dừng lại trong thoáng chốc hoặc chọn nơi này để “an cư”, và đem đến cho văn đàn một sinh lực mới, một cái nhìn mới, qua đó cuộc sống và con người Hà Nam không chỉ được cảm nhận từ bên trong mà còn được soi chiếu từ bên ngoài. Qua thời gian dằng dặc, không gian mênh mông, con người tìm thấy ở đây hồn phách của tiền nhân tụ lại trên núi Đọi, sông Châu, Kẽm Trống, đền thờ Vũ Nương, in dấu trên mỗi con đò, mỗi bến sông, mỗi giếng làng, mỗi “ngõ trúc quanh co” vắng vẻ. Từ Hà Nam ra đi, những cây bút như Hữu Mai, Bão Vũ, Trần Đức Tiến, Trúc Cương, Trúc Thông, Vĩnh Quang Lê, Trương Hữu Lợi, Nguyễn Hoa... đã thành danh. Từ nơi khác tụ về, Lương Hiền, Thi Hoàng, Đỗ Thị Thu Hiền... quả đã tìm được mảnh đất lành cho tài năng của mình cất cánh. Và những “viễn khách” chợt dừng bước phiêu du, như Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Chu Văn, Quang Dũng, Vũ Cao, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Võ Văn Trực, Đỗ Chu... cũng “bắt được” những tứ thơ đẹp, những ý văn hay, khơi nguồn cho cảm hứng sáng tạo nghệ thuật.

2.1.               Văn xuôi Hà Nam

2.1.1.               Mảng văn xuôi viết về chiến tranh

Chiến tranh là một đề tài mang tính truyền thống của văn học Việt Nam. Viết về chiến tranh là khát vọng, là ao ước, đồng thời cũng là sứ mệnh mà những người cầm bút vươn tới. Các tác giả Hà Nam đã có được một độ lùi cần thiết khi viết về đề tài này. Đó không chỉ là tái hiện cuộc chiến như nó đang xảy ra, sống động, căng thẳng, thử thách lòng dũng cảm và sự hy sinh của mỗi con người trước hòn tên mũi đạn, mà còn là sự chiêm nghiệm của họ khi chiến tranh đã đi qua, một sự chiêm nghiệm sâu sắc, thấm thía, ít nhiều mang tính triết học.

Nhân vật trong mảng văn xuôi viết về chiến tranh không chỉ là những người lính. Họ là những cô gái mở đường dũng cảm hy sinh cho tuyến đường và xe cộ được an toàn (Ráng chiều), là những người phụ nữ can đảm chờ chồng qua hai cuộc chiến tranh (Nàng Tô Thị không hóa đá), là cô du kích gan dạ đối mặt với đòn thù tra tấn và cả cái chết (Thảo trong Cây mai mồ côi của Vũ Tuyến, Mai trong Tóc trắng của Đào Thắng). Họ góp phần hoàn thiện bức tranh hoành tráng về chiến tranh, khiến cho chiến tranh mang thêm một khuôn mặt khác, khốc liệt hơn nhưng cũng trữ tình hơn.

Có thể kể đến Hữu Mai với các tiểu thuyết Cao điểm cuối cùng, Vùng trời, ông cố vấn, và một số truyện ngắn, kịch bản phim. Tác phẩm nào của ông cũng như loạt pháo mở màn cho cuộc tiến công vào những “cứ điểm” mới, những miền đất chưa có ai khai phá, những con người ẩn mình sau ánh hào quang với những chiến công và những hy sinh lặng lẽ.

Tác giả Lương Hiền lại chọn một khía cạnh khác để tiếp cận: chiến tranh đã đi qua nhưng những hậu quả của nó để lại thì vẫn còn gây tổn thất khôn lường. Truyện ngắn Tiếng bom hòa bình của ông (được giải nhất cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1984) vừa là lời cảnh báo “con người, hãy cẩn thận”, lại vừa là lời ngợi ca phẩm chất tốt đẹp của những người lính trong thời bình như Lư, Nhã, Hảo, Hải quả cảm, không tiếc máu xương, không “tự ngắm mình” một cách cao ngạo. Nhưng bên cạnh đó, Lương Hiền cũng khắc họa những nét tính cách khác nhìn từ góc tối của nhân vật người lính, những người như trung tá Lê Sự sợ trách nhiệm, sợ thất bại làm mất uy tín đã ngoảnh mặt làm ngơ trước một trái bom đang chờ phát nổ, như đại tá Điền hẹp hòi và cơ hội. Một trái bom lộ ra trên công trường xây dựng giữa thời bình đã làm cho xáo đảo, náo loạn tất cả, từ đó, bệnh quan liêu thâm căn cố đế được lột trần. Một vấn đề thú vị được đặt ra: Tại sao trong thời chiến, người ta có thể đối mặt với hàng tấn bom đạn mà không run sợ, không đùn đẩy từ cấp nọ sang cấp kia, mà trong thời bình, chỉ một quả bom cũng làm người ta sợ hãi, bạc nhược đến thế?

Đặc biệt, các nhà văn vốn không phải là người gốc Hà Nam đã góp vào dòng văn xuôi tỉnh nhà những tác phẩm đặc sắc: Sao Mai với truyện ngắn Đi, Đỗ Chu với Ráng đỏ, và Bão Vũ với phóng sự Một kilômet.

2.1.2.                Mảng văn xuôi viết về cuộc sống sau chiến tranh

Khi các cuộc chiến tranh kết thúc, khói lửa và bom đạn đã lắng xuống, công cuộc tái thiết đất nước bắt đầu. Từ thị xã nhỏ bé đến các vùng quê xa xôi, ngổn ngang bao nhiêu vấn đề phải giải quyết. Và cũng chính từ cái hiện thực ngổn ngang đó, cuộc sống thời bình hiện ra với những khuôn mặt, những sắc thái riêng. Con người không còn phải đối mặt với sự sống và cái chết, tính cách con người không chỉ là tốt hay xấu, hèn nhát hay dũng cảm, mà đã trở nên phức tạp, khó nắm bắt hơn rất nhiều. Ranh giới giữa sự khôn ngoan và thói cơ hội, giữa sự năng động và những toan tính cá nhân, giữa tốt và xấu trở nên hết sức mong manh, dễ nhoè lẫn. Điều đó đặt ra cho những người cầm bút những thử thách mới, đòi hỏi ở họ không chỉ sự trải nghiệm, quan sát thực tế, mà còn ở sự tinh tế, nhạy cảm, ở khả năng phân tích tính cách và tâm trạng nhân vật. Đỗ Thị Thu Hiền, Nguyễn Khảm, Nguyễn Sơn Hà... đã bám sát hiện thực ở nông thôn, nơi nhịp điệu cuộc sống diễn ra ngỡ như chậm rãi, bình lặng mà kỳ thực quyết liệt, dữ dội ngấm ngầm. Nông thôn Việt Nam sau 1945 nói chung đã trải qua nhiều thăng trầm, từ hình thức hợp tác xã nông nghiệp đến khoán ruộng, từ tổ đổi công đến chia hẳn ruộng đất lâu dài cho người lao động, từ sự hành chính hóa công việc nhà nông đến việc để cho nông dân tự do canh tác trên thửa ruộng riêng của mình... Tất cả những thay đổi ấy đều phải trả giá, đều ít nhiều tác động đến tâm tư, tình cảm, các mối quan hệ làng xóm vốn xưa nay vận hành theo một quy luật khác, một quỹ đạo khác. Các nhân vật của họ, như Kiên (Mảnh đời nơi sơn dã - Đỗ Thị Thu Hiền), Tháy (Thời gian đang đi - Nguyễn Sơn Hà), Chểnh (Làng rừng - Nguyễn Khảm), Ba (Nụ cười làng Tam Tiếu - Đoàn Ngọc Hà)... có thể được xem như tiêu biểu cho một loại người thoát thai từ những cơ chế ấy, méo mó, dị dạng một cách khôn khéo như con tắc kè thay những cái đốm trên thân mình để hoà lẫn với môi trường xung quanh, những con người ấy một khi nắm chức quyền trong tay sẽ trở nên nguy hiểm khôn lường.

Đoàn Ngọc Hà với truyện ngắn được giải Nhất báo Văn Nghệ 1986 Nụ cười làng Tam Tiếu, đã mang đến một tiếng cười phức hợp, nửa từ truyền thống lễ hội mang tính hài hước kiểu carnaval, nửa giễu cợt thâm thuý kiểu Nam Cao, cười đấy mà chua chát đấy. Qua tiếng cười ấy, người ta nhận ra phong cách sống của một thời: sống ào ào mà hời hợt, dễ tin đến thành vô tâm. Đó là mảnh đất để những kẻ cơ hội như nhân vật Tạ Phong Ba lợi dụng, ngoi lên chức vị cao, từ một kẻ ngu dốt trở thành “người hùng”, nói ra điều gì cũng trở thành chân lý. Đặc biệt Đoàn Ngọc Hà còn có tài xây dựng kiểu “nhân vật đám đông”: chính họ bằng sự tung hứng ngớ ngẩn của mình đã góp phần “phong vương” cho cái xấu, cái dốt lên ngôi. Còn Trần Đức Tiến, Bão Vũ, Trần Văn Tuấn lại trầm lắng hơn, lặng lẽ quan sát và lặng lẽ hoá thân, đột nhập vào thế giới tâm trạng của con người, cái thế giới ẩn giấu biết bao điều sâu kín, bí ẩn, đầy bất ngờ. Nhân vật của họ dường như suy tư, ngẫm ngợi nhiều hơn hành động, tự soi chiếu bản thể mình qua nhiều góc nhìn, nhiều mối quan hệ khác nhau, để rồi đến một khoảnh khắc nào đó vụt biến đổi, những nội lực được thoát thai và trở thành sức mạnh. Cái sức mạnh ấy cũng khiến người đọc bất ngờ không kém, bởi nó lại mở ra một thế giới khác, một tính cách khác chưa hề có, cũng không thể lường trước được. Hoàng Giang Phú, bằng một giọng kể ngậm ngùi mộc mạc, đã tái hiện lại thân phận những con người chịu bao bất hạnh, hy sinh tất cả vì những người ruột thịt, có chút gì đó gần với những câu chuyện của Nam Cao. Tác giả biết dồn nén các sự kiện, các chi tiết trong một câu chuyện giản dị, nhịp văn lại chậm rãi, nhẹ nhàng, tạo được sức lôi cuốn từ người đọc.

Thu Loan là một tác giả nữ còn rất trẻ. Các tác phẩm của chị phần lớn gắn với miền đất Tây Nguyên xa xôi, nơi người dân tộc đang sống với tất cả sự hồn nhiên, chân thật như ngọn suối cánh rừng. Sự giao lưu với người Kinh đã tác động đến cuộc sống thường ngày và làm thay đổi thói quen, nếp nghĩ, nếp cảm của họ. Thu Loan đã quan sát quá trình thay đổi đó, một quá trình diễn ra nhẹ nhàng, từ tốn, đôi khi vô thức nhưng không kém phần quyết liệt, mạnh mẽ như chính bản tính gốc của họ. Tác giả có cách dẫn truyện khá sinh động, đặc biệt là cách sử dụng giọng điệu và ngôn ngữ. Cuộc sống, con người, văn hoá Tây Nguyên đã “ngấm” vào chị khá sâu, đã trở thành một phần không thể thiếu trong hành trang cuộc đời để khi trải nó ra trên trang giấy, chị có được sự tự tin của người đã từng trải nghiệm. Trong khi đó, Phạm Trạch lại đi theo một hướng khác. Vốn say mê những không gian đa chiều, những thời gian phi tuyến tính, các tác phẩm văn xuôi của ông đưa người đọc hoặc trở về với quá khứ mang tính huyền thoại xa xưa (Nàng Mỵ Ê, Nữ thần sông Châu), hoặc vươn tới một tương lai xa vời vợi (các tiểu thuyết viễn tưởng: Trầm tích những mùa trăng, Bồi hồi đại dương, Thiên kỷ ba Athêna...). Trí tưởng tượng phong phú cùng khát vọng khám phá các chiều thời gian, không gian từ ngòi bút của ông đã truyền vào văn học Hà Nam chất phiêu linh, hư ảo đặc biệt, giúp con người vượt thoát khỏi những áp lực của cuộc sống hiện tại vốn phức tạp, sôi động và đôi khi mệt mỏi. Với Mùa chim phượng bay về, nhà văn kỳ cựu Chu Văn thể hiện một niềm lạc quan mới đối với cuộc sống, khi con người tìm được một nơi chốn yên ổn, một công việc có ích, một tình yêu xứng đáng.

Tuy nhiên, văn xuôi Hà Nam dường như chưa theo kịp và chưa thật sự có tầm vóc xứng đáng với hiện thực ở cả hai mảng đề tài: chiến tranh và xây dựng lại quê hương. Đặc biệt, mảng phóng sự, ký hầu như vắng bóng. Chất hiện thực và tính thời sự của văn xuôi vì thế bị hạn chế nhiều.

2.2.                Thơ Hà Nam đương đại

2.2.1.                Từ nỗi ám ảnh đồng chiêm...

Có lẽ không nơi đâu như ở Hà Nam. Đất đồng chiêm, mỗi mùa mưa lũ thì

“mênh mông bể sở. Làng xóm nổi cheo veo” (Xuân Diệu), còn mùa nắng thì chỉ thấy:

Duy Tiên bún trắng hai chiều chợ

Kim Bảng sim xanh mấy ngọn đồi

Bình Lục phì phèo mồi thuốc vặt

Thanh Liêm bỏm bẻm miếng trầu hôi Nam Xang mang tiếng dân cò trắng Đồng rộng, ao sâu lắm ốc nhồi

(Kép Trà)

Chính cái gương mặt quê hương lam lũ vất vả ấy lại làm nhói lòng người hơn bất cứ hình ảnh nào khác, làm thành nỗi nhớ, nỗi xa xót thật khó nguôi quên. Trong những dòng thơ dành cho quê hương, người ta cảm nhận được vị chua mặn của đồng chiêm, mùi tươi mới của phù sa ùa về trong cơn sóng lụt, tiếng ếch nhái kêu vang trong những đêm lênh láng nước trước sân nhà. Sông rộng, nước dâng, ao làng bì bõm... đã trở thành những mô-tip, những “mẫu gốc” trở đi trở lại không chỉ trong thơ của người Hà Nam mà còn hiện diện cả trong thơ của những “viễn khách”. Xuân Diệu, một lần ghé qua, chợt thốt lên:

Sóng đồng chiêm lạnh lắm

Từ đầu huyện đổ về

Đêm ồ ồ như biển

Đánh vỡ cả đường đi

(Xã Nhân Mỹ làm đường đồng chiêm)

Và Xuân Quỳnh trong nỗi hãi hùng:

Nước đồng chiêm - ôi cái nước đồng chiêm

Đã bao năm gặm mòn da thịt mẹ ...

Sóng đồng chiêm - ôi cái sóng đồng chiêm

Ai bảo sóng đồng không đáng sợ

đã ngậm ngùi xót xa cho những con người sống nơi đồng sâu nước ngập:

Cô gái lấy chồng dù không xa cách núi sông Quê mẹ nhìn về mênh mang nước trắng

Sao xa cách như một hòn đảo vắng

Biết gửi ai cho mẹ bát canh cần

(Bài hát đắp đường)

Cuộc sống bình dị, nhọc nhàn hiện ra qua hồi ức sâu thẳm của những đứa con xa xứ:

Chợ quê đã ngắn dọc hành

Đã gầy quả mướp lại xanh trái đào

Mớ cần cắt vội ngoài ao

Giỏ thưa tép nhảy lào rào giữa phiên

...Chợ quê đã bé múi bòng

Già đanh mớ cải, cỗ lòng ngỡ ôi.

(Dương Thuý Mỹ - Chợ quê)

Ngay cả trong những bài thơ nói về tình yêu, cũng có bóng dáng của một cánh đồng, của những hạt thóc gắn với một miền quê:

Em giữ chặt những hạt thóc nhỏ nhoi

Như ngần ngại cánh đồng kia đòi lại

(Ngân Hoa - Tháng mười)

và cả tiếng sóng vỗ vào mùa nước:

Đất đồng ta vừa gối vụ

Dòng sông oàm oạp nước lên

Người đi... ngập ngừng lúa trỗ

(Trần Tâm - Khuyên em)

Trong nỗi nhớ mẹ có cả nỗi e ngại: - ngại nước lên,

Ta nhớ mẹ già sông Đáy

Mùa này con sông nước đang lưng tròng

(Trần Quốc Thực - Mẹ)

-    ngại những cơn dông tràn qua, “Chuối vườn xưa bão xé tướp tơi bời”, và ngại mưa đêm khiến mẹ phải trở dậy, “chiếc chậu sành tí tách giọt mưa rơi” (Châu Hồng Thuỷ - Tạ lỗi mẹ quê hương). Mảnh đất nhỏ bé ấy cứ “xoay như chong chóng” bởi:

Vừa nghiêng đồng thoát úng

Mưa bão lại tràn về

Cái rốn vùng chiêm trũng

Nuốt chửng cánh đồng quê!

(Phạm Xuân Tuyên - Đất với người)

Trong nỗi ám ánh về một miền quê “chiêm khê mùa thối”, hết sợ “Quai Mễ Thanh Liêm đã vỡ rồi. Làng ta thôi cũng lụt mà thôi” (Nguyễn Khuyến) lại

lo “Cấy nhỡ thời vụ rồi. Mùa cắt đâu ra thóc” (Xuân Diệu), chất chứa biết bao niềm thương nhớ và nỗi xót xa. Đó là nỗi xót xa của đứa con thương mẹ nghèo, cả đời vất vả lam lũ chưa một lần được nhàn nhã, thảnh thơi; là niềm nhớ thương nơi đã chắt chiu hạt thóc củ khoai nuôi ta lớn lên thành người.

2.2.2 ... Đến niềm tự hào sâu lắng

Mạch thơ Nguyễn Khuyến vẫn tiếp tục chảy trong các thế hệ nối tiếp nhau, để làm thành một niềm tự hào sâu lắng. Nguyễn Khuyến đã khơi dậy vẻ đẹp làng quê yên bình, thanh thản rất nên thơ, với “ao thu lạnh lẽo nước trong veo”, với “làn ao lóng lánh bóng trăng loe” và cả một “trời thu xanh ngắt...”. Nhờ có nó, làng quê Hà Nam được tái sinh trong một cái nhìn khác, cái nhìn lưỡng hợp. Và các thi nhân Hà Nam nhớ về mảnh đất đồng chiêm trũng không chỉ là nhớ về sông sâu, nước lụt, ao chuôm lênh láng rong bèo, mà còn nhớ về một miền quê ngọt ngào thơm nức:

Trái chín. Thu sang, vàng trứng cuốc

Hoa thu ngào ngạt, ngát vườn quê

Đã nghe nức nở hương hồng chín

Quyện với hồn thu, cốm mới về

(Trần Đăng Thao - Hồn thu)

Nơi ấy thấm đẫm tình người:

Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm

Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng

Trong hơi ấm hơn nhiều chăn đệm

Của những cọng rơm xơ xác gầy gò

(Nguyễn Duy - Hơi ấm ổ rơm)

Cây rơm chất đầy màu chiêm

Chân tre ao làng cá quẫy

Xóm làng tối lửa tắt đèn

Vắng em rồi buồn biết mấy

(Trần Tâm - Khuyên em)

Đó cũng là nơi giương ngực ra đỡ đạn, cùng chia lửa cho cả nước trong hai cuộc chiến tranh, là nơi người Hà Nam ghi những chiến công vang dội vào trang sử chống Mỹ của toàn dân tộc:

Chín mươi chín ngọn núi đồng chiêm cùng trực chiến

Nóng bỏng con đường số Một xiết qua

Giặc quyết thiêu thị xã thành tro

Những người thợ vẫn giao ca giữa vùng bom huỷ diệt

Tay súng gái Phù Vân bắn rơi phản lực

Công sự chai từng nhớ đất đồng chiêm

(Phạm Như Hà - Thị xã đồng chiêm)

và cũng từng gánh chịu những mất mát lớn lao: Một người nước ngoài đi qua thị xã Phủ Lý hai ngày đầu còn thấy:

Dưới những cây lá tựa lọng xòe

Thì thào những tiếng ẩn trong bóng tối

Tôi nghe như mình thêm máu

Và nỗi nhớ trong người dồn tới

Niềm vui của chính sự sống dâng lên

Hai ngày sau trở lại, bàng hoàng tự hỏi:

Ai đó nói: "Trước đây là Phủ Lý”

Tôi tới trên một hành tinh chết, phải chăng?

Và câu trả lời đến ngay lúc đó:

... máy bay ập xuống, đem tang

Có phải tại máy rađa khám phá

Sức tình yêu căng quá trong không gian?

(Blaga Đimitrôva - Phủ Lý)

Từ trong đổ nát, hoang tàn, Hà Nam lại vươn mình đứng dậy, chống chọi lại đạn bom:

Phủ Lý qua một đêm

Như dồn sức lùi sâu vào dĩ vãng

Đoàn quân đi in dấu chân mật đắng

Ban mai cười ngọt chân răng

(Thi Hoàng - Đêm Phủ Lý)

và chống chọi lại bão lụt:

Những bàn tay chai sạn

Quần nhau với thủy tinh

Những thân hình nắng rám

Chế ngự cả thần linh

(Phạm Xuân Tuyên - Đất với người)

Hình ảnh những con người Hà Nam hiền lành mà dũng cảm cũng hiện lên qua các dòng thơ: từ người gác cầu quân sự trong thơ Vũ Cao, người gác ghi trong thơ Võ Văn Trực, đến người mẹ già đánh Mỹ (thơ Hải Như), những người nông dân nhẫn nại đánh vật với đất, với lúa, với sóng gió đồng chiêm trong thơ Xuân Diệu, Xuân Quỳnh... Tất cả hòa thành một điệu tráng ca, thể hiện khát vọng mãnh liệt được chinh phục và tái sinh.

Nhưng người đọc thơ hôm nay vẫn thấy thiếu vắng chút gì đó, hình như có một nguồn thơ khác đã không được kế thừa và phát triển, nguồn thơ trào phúng vốn gắn với tên tuổi Nguyễn Khuyến, Kép Trà. Thiếu cái nhìn giễu người và tự giễu mình, có lẽ thơ Hà Nam đương đại sẽ thiếu đi cái sức sống mạnh mẽ vốn tiềm ẩn trong dân gian.

Văn học viết Hà Nam từ 1954 đến nay là một thời kỳ văn học còn đang mở. Tất cả các thể loại đã có mặt và còn đang chờ đợi những thành quả mới. Các cây bút Hà Nam hoặc đang sung sức, hoặc đang lắng đọng để thai nghén các tác phẩm văn học ở tầm mức cao hơn, chất lượng tốt hơn.

c - CÁC TÁC GIẢ VĂN HỌC VIẾT HÀ NAM TIÊU BiỂU

1.                Bùi Văn Dị (1833 - 1895)

Bùi Văn Dị tự Ân Niên; các tên hiệu: Tốn Am, Do Hiên, Hải Nông, Châu Giang quê xã Châu Cầu, huyện Kim Bảng, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam (sau là phố Châu Cầu, nay thuộc thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam). Họ Bùi ở Châu Cầu này vốn quê gốc ở xã Triều Đông, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín (nay thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây) từ thời Lê Mạt mới chuyển xuống sinh cơ lập nghiệp ở Châu Cầu, đến đời thứ sáu thì phát khoa: Bùi Văn Dị và người em con ông chú ruột là Bùi Văn Quế đều đỗ Phó bảng khoa Ất Sửu năm Tự Đức thứ 18 (1865).

Bùi Văn Dị lần lượt được bổ làm Tri huyện Lang Tài, Việt Yên, Yên Dũng (tỉnh Bắc Ninh), rồi án sát Ninh Bình, sau được sung vào nội các, năm 1876 được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh. Cuối năm 1878 lại được sung vào nội các, được cử vào duyệt quyển thi Hội, thi Đình, năm 1881 làm đại thần quản lý Nha Thương bạc. Khi quân Pháp mở rộng đánh Bắc Kỳ, ông dâng sớ quyết đánh và được cử làm Khâm sai phó kinh lược sứ Bắc Kỳ. Ông đã trực tiếp chỉ huy trận đánh ngày 13-3-1883 chặn quân Pháp lấn ra ngoại vi Hà Nội. Tiếp đó ông được cử làm Tham tán quân thứ Bắc Ninh. Việc nhà Nguyễn ký hàng ước ngày 25-8-1883 khiến ông suy sụp tinh thần đến phát bệnh; ông từ chối chức Tổng đốc Ninh Thái (gần như cùng lúc Nguyễn Khuyến từ chức Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên) và đi ở ẩn tại Thanh Hoá. Đầu năm 1884, ông lại được triệu về triều làm giảng quan, chuyên giảng sách cho vua Kiến Phúc rồi vua Hàm Nghi. Năm 1885, ông bị ốm phải đi dưỡng bệnh tại Thanh Hoá. Đến cuối 1887 lại được gọi về triều làm Phụ chính đại thần; trong dịp này được truy phục học vị Tiến sĩ khoa Ất Sửu 1865. Năm 1890, ông thôi các chức Thượng thư bộ Lại và Phụ chính đại thần, chỉ giữ chức Phụ đạo đại thần kiêm Phó tổng tài Quốc sử quán. Ông đảm nhận việc tổng duyệt bộ sách gồm 300 bài thơ vịnh sử của vua Tự Đức; công việc biên tập hoàn thành thì Bùi Văn Dị cũng mất ngay khi còn tại chức ở Quốc sử quán. Hai mươi chín năm làm quan (1866-1895) của Bùi Dị trải 7 đời vua: Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái.

Thơ văn của ông được tập hợp trong các cuốn: Vạn lý hành ngâm, Du Hiên thi thảo, Tốn Am thi sao, Du Hiên tùng bút, Trĩ chu thù xướng tập, đều là các tập thơ văn chữ Hán.

Chỉ đến những năm cuối thế kỷ XX, thơ văn Bùi Dị mới bước đầu được dịch thuật, đăng tải. Người ta nhận thấy ông có một phần thơ mang nội dung yêu nước chống xâm lược. Những bài thơ làm sau các trận thắng quân Pháp ở Gia Lâm và Cầu Giấy trong năm 1883 bừng lên khí thế quyết thắng. Tuy vậy phần nhiều hơn là tâm trạng lo lắng, đau xót vì thế yếu của ta trước dã tâm và sức mạnh của quân xâm lược.

Sách hay mọt gặm, lưỡi gươm han,

Những giận ngày nào ngỏ cửa quan.

Sống chỉ nhuốm thêm màu tóc bạc,

Mười năm hai lượt khóc giang san.

(Trả lời Tham quân Ngư Đường Phạm Hy Lượng lúc ngồi nói chuyện ở Thành Sơn - bản dịch của Nguyễn Văn Huyền)

Tất nhiên thơ Bùi Dị không chỉ tập trung vào đề tài vận nước như trên. Thơ ông như cây đàn có nhiều cung bậc “Có dáng mây bay, có tiếng suối chảy, có giọng bình văn dịu êm, có tiếng gươm khua hùng tráng. Có tiếng phẫn nộ với kẻ thù, có lời âm thầm tự trách. Có vần thơ tâm sự với non sông, có vần thơ thủ thỉ xót thương với người bạn đời đã khuất...” (nhận xét của nhà thơ Trần Lê Văn, 2003).

2.                Nguyễn Khuyến (1835 - 1909)

1.                Nguyễn Khuyến là một trong những cây đại thụ của văn học dân tộc. Ông hiệu là Quế Sơn, sinh ngày 15-2-1835 (tức ngày 18 tháng Giêng năm Ất Mùi) ở quê mẹ, thôn Hoàng Xá (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Nhưng ông lại sống chủ yếu ở quê cha, thôn Và (tên chữ là Vị Hạ) (xã Yên Đổ, nay thuộc xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam). Gia đình hai bên nội ngoại đều có truyền thống khoa bảng nhưng đều rất nghèo. Ông nội ông là Nguyễn Tông Tích đỗ nho sinh, cha là Nguyễn Tông Khải đỗ liền ba khoa tú tài. Từ bé Nguyễn Khuyến nổi tiếng là người học giỏi nhưng do nhà nghèo, cha lại mất sớm nên ông phải bỏ học đi dạy thuê kiếm ăn nuôi mẹ. Sau được ông nghè Vũ Văn Lý, người huyện Lý Nhân (Hà Nam) đem về nuôi cho ăn học. Năm Giáp Tý (1864), Nguyễn Khuyến thi hương, đậu Giải nguyên. Năm Tân Mùi (1871), ông thi hội lần thứ hai, đỗ Hội nguyên. Sau đó thi đình, đỗ Đình nguyên. Ông đỗ đầu cả ba kỳ thi, được vua Tự Đức ban cờ biển và hai chữ “Tam nguyên”, tiếng tăm lừng lẫy một thời.

Nguyễn Khuyến được bổ làm quan ở Nội các Huế, rồi làm Đốc học Thanh Hoá và Án sát Nghệ An. Năm 1877, làm Bố chánh Quảng Ngãi. Năm 1879, bị điều về Kinh sung chức Trực học sĩ và Toản tu Quốc sử quán. Tháng 12 năm 1883, Pháp đánh Sơn Tây, Tổng đốc Sơn Tây là Nguyễn Đình Nhuận chạy lên Hưng Hóa, gia nhập nghĩa quân của Nguyễn Quang Bích. Nguyễn Hữu Độ, Kinh lược Bắc kỳ, thân Pháp, định cử Nguyễn Khuyến làm Tổng đốc Sơn Tây, nhưng ông dứt khoát từ chối, lấy cớ đau mắt nặng xin cáo quan về làng. Thực dân Pháp và bọn tay sai còn nhiều lần dụ dỏ Nguyễn Khuyến ra làm quan, nhưng ông kiên quyết không hợp tác với chúng. Tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1909), ông mất tại quê nhà, thọ 74 tuổi. Theo Nguyễn Văn Huyền trong Nguyễn Khuyến tác phẩm (NXB Khoa học xã hội, H. 1984) số lượng tác phẩm của nhà thơ sưu tầm được cho đến nay lên tới trên 800, song mới chỉ giới thiệu được 432 tác phẩm, bao gồm: 86 bài thơ Nôm, 267 bài thơ chữ Hán, 6 bài thơ dịch, 67 câu đối, 6 bài văn, tập hợp lại trong Yên Đổ tiến sĩ thi tập, Quế Sơn thi tập, Quế Sơn Tam nguyên thi tập, Tam nguyên Yên Đổ thi ca...

Nguyễn Khuyến là một trong những đại diện lớn nhất và cuối cùng của văn học Việt Nam trung đại, người tận mắt chứng kiến sự thất bại của Triều đình nhà Nguyễn và các phong trào yêu nước trước một kẻ thù xa lạ và cũng là người nhận thấy một cách đau xót nhất sự sụp đổ của một hệ tư tưởng đã lỗi thời, cũng như sự bất lực đến hài hước của một loại hình trí thức đại diện cho hệ tư tưởng ấy trước thực tế lịch sử.

Ông cũng là đại diện tiêu biểu cho lớp người được xã hội phong kiến đào tạo. Nhưng số người đỗ đạt cao mà tên tuổi lưu truyền hậu thế như ông không phải là nhiều, bởi Nguyễn Khuyến đã thể hiện tài năng của mình ở cả hai phương diện: tài học và tài thơ văn, cả hai đều xuất chúng. Nỗi niềm của ông có điểm gần với Nguyễn Du: đều phải làm những việc miễn cưỡng, đều có những nỗi dằn vặt éo le không tiện nói ra và đều mong hậu thế hiểu cho lòng mình, cho nỗi khó xử của mình. Đó là những nhân cách lớn của lịch sử dân tộc. Họ là những người mang ơn sâu nặng của chế độ đã đào tạo và tôn vinh mình và đến khi đạt đến đỉnh cao của vinh quang cũng là lúc họ chợt nhận ra mặt trái đen tối của xã hội mà mình nguyện đem hết sức ra phụng sự, tôn thờ. Nguyễn Khuyến lớn chính vì ông là một trong rất ít những trí thức thời kỳ ấy sớm nhận ra được sự bất lực của giai cấp mình, của vốn học vấn được đào tạo theo kiểu sách vở của mình trước thực tế lịch sử, đem ra trào phúng, châm biếm thần tượng cao nhất của cả một thể chế xã hội đã tồn tại hàng ngàn năm - ông tiến sĩ, nay đã trở thành thứ đồ chơi con trẻ (Vịnh tiến sĩ giấy). Giá trị phê phán càng trở nên sâu sắc hơn khi bản thân sự phê phán lại chính là sự tự phê phán - tự trào. Bởi trong số những “ông nghè tháng Tám” hết thời ấy có cả bản thân ông Tam nguyên làng Yên Đổ. Có lẽ Nguyễn Khuyến là người trí thức đầu tiên trong thời đại ông có được cái nhìn tỉnh táo như vậy. Ông cay đắng nhận thấy cả một xã hội từ trên xuống dưới là một sân khấu hề mà những diễn viên chính không ý thức được sự lố bịch gây cười của mình (Lời vợ người hát chèo). Nhưng điều còn cay đắng hơn là Nguyễn Khuyến nhận ra chính bản thân mình cũng là một “quan chèo vai nhọ”. Tính bi hài của hình tượng văn học nhờ vậy càng trở nên sâu sắc gấp bội. Ông chính là vị tiến sĩ giấy, quan chèo, phỗng đá, ông cũng chính là bậc “ăn dưng”, lão già giả điếc... Có lẽ Nguyễn Khuyến là nhà thơ có những bài thơ tự trào vào loại sâu sắc nhất trong văn học Việt Nam - người giã từ thế kỷ XIX bằng những bài thơ cười ra máu và nước mắt. Bằng linh cảm nhạy bén của một tài năng thơ xuất chúng, ông đã phần nào nhìn thấy những mặt mâu thuẫn, hạn chế của giai cấp và xã hội đã sản sinh ra ông. Những điều ấy phải vài năm sau mới được các nhà Tân thư, các trí sĩ cách mạng làm sáng rõ. Rõ ràng là những vần thơ của Nguyễn Khuyến mang tính tư tưởng rõ rệt. Đó là những báo hiệu cho sự cáo chung của một hệ tư tưởng, sự thừa nhận tư tưởng trung quân đã mất vai trò lịch sử. Điều đó góp phần lý giải cách tiếp cận hiện thực mới mẻ có phần khác với truyền thống trong thơ Nguyễn Khuyến: nó vừa như một sự tiếp tục lại vừa như một sự bứt phá tách lên khỏi truyền thống.

Thơ văn trào phúng Việt Nam phải đến Nguyễn Khuyến và Tú Xương mới trở thành một dòng thật sự. Phải nói rằng, sự thông minh và “tạng” người của Nguyễn Khuyến rất hợp với thơ trào phúng. Ở rất nhiều bài thơ của ông già Yên Đổ chúng ta đều thấy thấp thoáng một nét cười hóm hỉnh ẩn hiện đằng sau những câu chữ. Trong những bài thơ trào phúng của mình, ông thường tóm bắt được ở đối tượng những điểm yếu gây cười hết sức sắc sảo, lột tả được bản chất của hiện tượng cần trào phúng, chú ý phát hiện mâu thuẫn ở đối tượng bằng đối lập của những sự “giống nhau”, “đồng dạng” (kiểu tiến sĩ giấy/tiến sĩ thật...) - những mâu thuẫn có ngay trong đối tượng mà bản thân nó không hề ý thức được. Nhà thơ thiên về lối trào phúng gián tiếp, kín đáo mà thâm thúy, ý tưởng không bộc lộ ở bề mặt từ ngữ mà ẩn đằng sau những phúng dụ, hàm ngôn... Xã hội thực dân nửa phong kiến với những chính sách thực dân ăn cướp “khoét rỗng ruột gan trời đất cả” (Hoài cổ), với những trò bịp kiểu Hội Tây, những tên quan lại tay sai bán nước bóp nặn dân nghèo... đã hiện lên sâu đậm trong thơ trào phúng Nguyễn Khuyến.

Chính màu sắc trữ tình rất đậm đà trong thơ Nguyễn Khuyến đã tạo nên những âm hưởng trào phúng đa dạng. Buồn là âm hưởng rõ nét xuyên suốt đời thơ ông. Thơ ông thời kỳ về ở ẩn hiếm bài có tâm trạng vui. Ngay cả ba bài thơ thu nổi tiếng cũng chứa đựng một nỗi buồn man mác, thấm đượm trong từng chi tiết, từng hình ảnh. Nỗi buồn ấy thể hiện nhân cách và trách nhiệm của một ngòi bút trước tình cảnh đất nước, trước những thăng trầm của cuộc đời, nó cũng làm nên vẻ đẹp riêng của thơ Nguyễn Khuyến.

2.                Dằn vặt đau đớn vì mình không làm được người anh hùng nơi hòn tên mũi đạn như bao nghĩa sĩ Cần vương khác, Nguyễn Khuyến hết sức cảm phục hành động xả thân vì nghĩa lớn của các bạn bè đồng liêu và thẹn cho mình còn “dùng dắng” không theo được họ (Đêm xuân thương con thiêu thân), về mặt này nhà thơ là một con người cô độc, ông luôn sợ mọi người không hiểu và coi thường. Nỗi niềm đau đớn cho mình là kẻ “bỏ cuộc”, “chạy làng” luôn dằn vặt ông cho đến tận những ngày cô đơn cuối đời.

Nguyễn Khuyến trở về vườn Bùi. Đó là sự trở về thể hiện sáng rõ một nhân cách, là sự bất hợp tác với kẻ thù dân tộc. Và cao hơn là sự từ bỏ dần dần và không kém phần day dứt với quan niệm trung quân, với một hệ tư tưởng đã trở nên lỗi thời. Trở về với làng quê là tìm về với sự thanh thản, là giữ đến cùng khí tiết, giấu mình trong sự tĩnh lặng sau luỹ tre xanh, tưởng chừng để quên đi được những dằn vặt đớn đau của cõi lòng. Đó là bước ngoặt quan trọng nhất của đời ông. Chính ở đây, ông lại có dịp phát hiện hồn văn hóa dân tộc với những truyền thống quý báu và sức sống ngàn đời vẫn còn tiềm tàng sau lũy tre làng. Đó là chỗ dựa tinh thần lớn nhất và cũng là duy nhất cho nhà thơ trong cơn bĩ cực. Cũng chính bắt đầu từ đó những tác phẩm xuất sắc nhất của nhà thơ đã ra đời và còn đọng lại mãi trong lòng bao thế hệ. Vị Tam nguyên “về vườn” ấy nay đã trở về hòa mình cùng người dân nghèo “chân lấm tay bùn”, chân đi đất, mình bận bộ quần áo thôn quê giản dị, vui cùng luống cúc, cái ao tù, mảnh ruộng mới cấy. Nguyễn Khuyến đã bỏ lại sau mình những tầm chương, trích cú, những vay mượn, những vần thơ quý phái tẻ nhạt, đưa văn học về với cội nguồn, với làng quê, với người dân nghèo khó vất vả. Ông dứt áo về là về hẳn, bởi làm quan ở thời buổi ông đồng nghĩa với làm tay sai cho giặc. Vì vậy ông Tam nguyên trở về với dân chúng Yên Đổ mà chịu rất ít sức ép của tư tưởng chính thống. Đó là sự trở về khá triệt để cả trong tư tưởng lẫn trong nghệ thuật. Và cũng nhờ vậy, những phẩm chất vốn tiềm tàng trong con người thơ của ông được phát hiện trở lại và phát huy. Thơ ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn của nhiều phẩm chất thơ ca: dân gian và bác học, trữ tình và trào phúng, hội họa và thi ca, những phẩm chất mỹ học dân tộc và phương Đông... Điều đó khiến cho giọng điệu thơ ông trở nên đa dạng, là sự kết hợp, đan xen, hòa trộn của nhiều màu sắc thẩm mỹ. Nguyễn Khuyến đặc biệt thành công ở những thể loại nhỏ - ở đó tinh hoa của nền thơ ca của dân tộc hầu như được chắt lọc, chưng cất qua từng câu chữ, tạo nên những tác phẩm có sức lực hấp dẫn và gần gũi ngay cả với những người nông dân bình thường. Tam nguyên Yên Đổ cũng là người viết được rất nhiều thể loại: thơ trữ tình, trào phúng, các thể thơ thất ngôn, ngũ ngôn, tứ tuyệt, lục bát, song thất lục bát. Ông còn là nhà kiệt xuất về câu đối - trong văn học Việt Nam chưa có ai vượt được ông, Nguyễn Khuyến còn là người viết hát nói có biệt tài, một dịch giả xuất sắc; thơ Nôm, thơ Hán của ông đều rất hay.

3.               Nguyễn Khuyến sống đời sống của người nông dân quê ông và ông viết về cảnh đời của họ. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử văn học dân tộc, đời sống nghèo khó của người nông dân với những quang cảnh sinh hoạt bình thường ở thôn quê trở thành đối tượng phản ánh của thơ ca. Điều lạ đó lại là nền thơ ca của một đất nước nông nghiệp và người nông dân là lực lượng chiếm đại đa số trong xã hội.

Phải đến Nguyễn Khuyến, văn học mới thật sự “bước xuống đồng ruộng”, đến với người dân quê nơi thôn dã và từ cuộc sống lam lũ mà không kém phần thơ mộng của làng cảnh Việt Nam, thơ ca mới được tinh kết trở nên chân thực, chi tiết, sinh động đến mức như vậy. Nông dân và đời sống người nông dân trong thơ cổ trước Nguyễn Khuyến đi vào văn học không phải như một đối tượng để nhà thơ phản ánh mà chỉ như một duyên cớ để các tác giả “ngôn chí”, tỏ bày đạo lý. Chỉ đến Nguyễn Khuyến, nhà thơ mới làm được những điều mà thơ ca truyền thống còn chưa làm được (Và ngay cả trong thơ hiện đại có lẽ cũng chưa có được một “nhà thơ nông thôn” nào tầm cỡ như ông). Một nông thôn thật sự đã hiện ra trong thơ Yên Đổ. Đó là một nông thôn từng gắn bó máu thịt với nhà thơ ngay từ thuở lọt lòng. Gia đình Nguyễn Khuyến rất bần hàn nên từ nhỏ ông đã gắn bó với quê hương đồng chiêm trũng nghèo khó, gần gũi và am hiểu đời sống và công việc đồng áng của người nông dân. Vì vậy thật dễ hiểu vì sao khi từ quan, từ bỏ đất Kinh kỳ về lại vườn Bùi, ông lại dễ hòa nhập như thế, sống như một lão nông nơi thôn dã.

Nguyễn Khuyến không chỉ dành những tình cảm hết sức sâu nặng và nồng thắm cho vợ con, bạn bè thân thiết qua những bài thơ viết cho con (Ngày xuân dạy các con, I và II), câu đối khóc vợ, khóc con, bài thơ viếng bạn (Khóc Dương Khuê)... mà vẫn với những tình cảm thân thiết như vậy, ông đã dành cho những người dân nghèo khó quê mình. Ngày ông lên lão cũng là ngày tụ họp bà con làng xóm, kể cả những người nghèo khổ nhất. Trước Nguyễn Khuyến thật khó có một ông quan đại thần nào lại bỏ công làm những câu đối thật hay, thật độc đáo để tặng những Vợ người hoạn lợn khóc chồng, Vợ người hàng thịt khóc chồng con, Cô đầu khóc mẹ, Vợ thợ rèn khóc chồng, Anh hàng gà khóc mẹ...

Nông thôn Việt Nam trong thơ Yên Đổ hiện lên với đầy đủ những âm thanh và màu sắc đặc trưng từ ngàn đời, độc đáo mà gần gũi, thân quen mà đẹp đẽ đến diệu kỳ. Nhà thơ lo cái lo của người dân, sống cuộc sống bần hàn chạy ăn từng bữa, đo đếm cân đong từng xu như họ (Nhà nông than thở), và hiểu đến chân tơ kẽ tóc của nghề nông.

Cách hàng mấy chục năm trước khi Ngô Tất Tố viết Tắt đèn, Nguyễn Công Hoan viết Bước đường cùng, ta đã được biết đến một nông thôn Việt Nam đói nghèo với cảnh mất mùa năm này qua năm khác, cảnh công xá bèo bọt, cảnh thuế má quan lệ thúc đòi “Thuế một vài nguyên dáng vẫn đòi”, canh nợ nần với người cùng khổ “Lãi mẹ, lãi con sinh đẻ mãi”, cảnh “Sâu hạn liên miên úng lụt tràn”... trong thơ Nguyễn Khuyến.

Việc gần gũi với cuộc sống đời thường, sự xa rời phương thức phản ánh cũ nặng về ước lệ, tượng trưng, sự chối bỏ những chủ đề trung quân, ca ngợi “địa linh nhân kiệt” chung chung, việc tiếp cận với những đề tài về cuộc sống của người dân với nỗi lo toan hàng ngày của họ... đã khiến cho thơ văn Nguyễn Khuyến có phần tách rời khỏi truyền thống và trở nên gần gũi với thơ ca hiện đại. Có thể nói rằng đó là những gạch nối đầu tiên giữa văn học trung đại và văn học hiện đại. Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX đến Nguyễn Khuyến đã đi từ việc phản ánh cái cao cả, sử thi (tiêu biểu trong thơ ca của Nguyễn Đình Chiểu... ) sang phản tỉnh hiện thực, phản ánh cái bình thường, hàng ngày, thể hiện bước tiến quan trọng trên con đường hiện đại hóa nội sinh của văn học dân tộc.

Trong những bài thơ hay của Nguyễn Khuyến có thể thấy rõ sự thành công của việc kết hợp nhuần nhuyễn tinh hoa của những thủ pháp nghệ thuật cổ điển với một lối tư duy mới mẻ, của sự thai nghén một phương thức phản ánh mới tiếp cận với cái hiện thực, cụ thể, chi tiết của cuộc sống. Sự thành công của ba bài thơ thu là một ví dụ điển hình. Trong những bài thơ này vừa có thấp thoáng đâu đó lại vừa như không có những đường nét tượng trưng, ước lệ của thơ cổ, bởi những hình ảnh trong thơ dường như được chắt lọc từ hiện thực sống động của đời sống và mang đậm tâm trạng của tác giả, động mà lại tĩnh, tĩnh mà như khắc vào lòng người. Ba bài thơ thu của Tam nguyên Yên Đổ đã đi vào thơ ca cổ điển Việt Nam và trở thành ba hạt minh ngọc vừa quen lại vừa lạ.

Chỉ có thể giải thích sự xuất hiện đột xuất của một tài năng tầm cỡ như vậy bằng những biến đổi căn bản trong tư duy nghệ thuật, trong tư tưởng thẩm mỹ của nhà thơ. Và đằng sau những bài thơ có vẻ như hiền lành của ông luôn chất chứa một nỗi niềm nóng bỏng về vận mệnh của đất nước, về cuộc sống đau khổ của dân lành. Đó là những vần thơ “gọi hồn nước” đượm buồn và rỉ máu, có sức mạnh kêu gọi tranh đấu, sau này sẽ còn gặp lại rất nhiều trong thơ văn của các chí sĩ cách mạng đầu thế kỷ XX, mà Nguyễn Khuyến là một trong những người có công khởi xướng.

3.               Kép Trà (1873 - 1928):

Nhà thơ trào phúng. Họ tên thật là Hoàng Thụy Phương; tên thường gọi là Trà; ông đi thi đỗ Tú tài hai khoa nên người ta gọi ông là Kép Trà. Chính quê gốc ở làng Phù Lưu, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, di cư xuống làng Lê Xá, nay thuộc xã Châu Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, tính đến Kép Trà là đời thứ bảy. Ông là con thứ hai của cụ đồ Giác (Hoàng Thụy Giác). Có tài liệu nói Kép Trà mồ côi từ nhỏ, phải sống với chú ruột. Ông học chữ Hán với cụ đồ Tùng, người cùng làng; rồi học cụ đồ Cử, người làng Vũ Lao, tỉnh Nam Định lên dạy học ở Đọi Sơn, gần Lê Xá; rồi học cụ Kép Mai, cụ nghè Thức (Tiến sĩ Bùi Thức, 1859-1915) ở Châu Cầu. Ông dự thi Hương, hai lần đỗ Tú tài: khoa Đinh Dậu 1897 và khoa Kỷ Dậu 1909. Kép Trà cũng chủ yếu sống bằng nghề dạy học chữ Hán; ông dạy học ở nhiều nơi. Cũng có khi ông đi mở đồn điền ở vùng rừng núi gần Thác Bà (Yên Bái) vào năm 1906, nhưng ít kết quả. Cũng có lúc ông vào chùa định đi tu, nhưng rồi lại quay về đời tục. Có vài lần bị chính quyền thực dân bắt vì nghi có dính đến một vài việc chính trị, nhưng không có chứng cớ nên lại được tha.

Phần đặc sắc trong cuộc đời Kép Trà là làm thơ trào phúng, đả kích hàng ngũ quan lại người Việt, châm biếm thói hư tật xấu của nhiều hạng người ở xã hội đương thời. Các thể tài thường dùng là thơ nôm luật Đường, ca trù, câu đối. Mỗi bài thường gắn với một sự việc, con người cụ thể, như một thứ báo chí truyền miệng, đưa tin và bình luận. Đám quan lại người Việt, nhất là các quan lại ở địa phương, thường bị thơ Kép Trà vạch mặt là dốt, tham nhũng, “tàn dân hại nước”; những thói tật bị thơ Kép Trà châm biếm là thói đĩ bợm, tham lam.

Thơ trào phúng Kép Trà gần gũi với sáng tác đương thời của Tú Xương, Nguyễn Thiện Kế, Tú Quỳ, v.v... Cũng gần với các tác giả trên, thơ văn Kép Trà chỉ còn lại dưới dạng truyền miệng nên đã mất mát nhiều.

4.               Bùi Kỷ (1888 - 1960):

Nhà giáo, nhà biên khảo ngữ văn.

Bùi Kỷ, tên chữ là Ưu Thiên, tên hiệu là Tử Chương, sinh ngày 5-1-1888 ở xã Châu Cầu (huyện Kim Bảng, phủ Lý Nhân, nay thuộc thị xã Phủ Lý); mất ngày 19-5-1960 tại Hà Nội. Bùi Kỷ sinh trưởng trong gia đình khoa bảng Nho học. Tổ tiên họ Bùi vốn gốc ở xã Triều Đông, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây), khoảng thời cuối triều Lê chuyển đến ở Châu Cầu lập nghiệp, tới đời thứ 6 thì phát khoa: năm 1865 cả hai anh em thúc bá Bùi Văn Dị và Bùi Văn Quế đều đỗ Phó bảng. Con trai ông Quế là Bùi Thức (1859-1915) đỗ Tiến sĩ Nho học (1898), không ra làm quan, ở nhà dạy học và viết sách. Ông Thức có 3 con trai Bùi Kỷ, Bùi Khải, Bùi Lương đều đỗ đạt.

Từ nhỏ Bùi Kỷ được cha dạy về Nho học, ngoài ra còn tìm thầy học chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Năm 1909, lần đầu dự thi Hương, Bùi Kỷ đã đỗ Cử nhân, năm sau vào Huế thi Hội và thi Đình, ông đỗ Phó bảng, được bổ đi làm Huấn đạo, nhưng ông từ chối, lấy cớ phải ở nhà phụng dưỡng cha và ông nội đều đang già yếu. Năm 1912, chính quyền bảo hộ chọn cử ông sang Paris (Pháp) học trường thuộc địa (Ecole coloniale). Nhân dịp này ông đi nhiều nơi trong nước Pháp và các nước lân cận; ông cũng có dịp tiếp xúc với một số người Việt yêu nước và cách mạng đang lưu ngụ ở Pháp, trong đó có Phan Chu Trinh. Hai năm sau trở về nước, dù được toà Thống sứ Bắc Kỳ gọi lên bổ dụng nhiều lần, ông đều từ chối. Ông tổ chức cho gia đình mình sản xuất hàng thủ công xuất khẩu (bông vải, tre đan) nhưng ít kết quả.

Sau khi cha và ông nội qua đời, Bùi Kỷ bỏ sang Quảng Châu (Trung Quốc) hai năm. về nước khi đã 30 tuổi, từ năm 1917 ông ra Hà Nội dạy học. Ông dạy tại các trường Cao đẳng sư phạm, Cao đẳng công chính, Cao đẳng pháp chính theo lối ký hợp đồng từng năm chứ không vào biên chế viên chức của “nhà nước bảo hộ”, ngoài ra từ năm 1932, ông còn dạy trường tư cho hai tư thục Văn Lang và Thăng Long; trường Thăng Long do một số trí thức tiến bộ và cách mạng như Phan Thanh, Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp lập ra đã mời Bùi Kỷ cùng trực tiếp giảng dạy.

Ngoài việc dạy học, ông còn là nhà biên khảo, nhà sáng tác, cộng tác với một số báo chí ở Hà Nội như tạp chí Nam phong, tập san của hội Khai Trí Tiến Đức, báo Trung Bắc tân văn... Ông còn hăng hái tham gia những hoạt động văn hoá xã hội của giới trí thức Hà thành như kỷ niệm 105 năm ngày mất thi hào Nguyễn Du (1925), lễ truy điệu chí sĩ Phan Chu Trinh ở Hà Nội (1926), phong trào truyền bá chữ quốc ngữ,...

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Bùi Kỷ là một trong số những nhân sĩ trí thức được chính thể mới trọng vọng. Ông được mời tham gia Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu 3 (LK3), làm Chủ tịch hội Liên Việt LK3, Hội trưởng Hội giúp binh sĩ tị nạn LK3. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử Bùi Kỷ làm Phó ban lãnh đạo thanh toán nạn mù chữ, sau làm Trưởng ban Bình dân học vụ toàn quốc, là thành viên của chính phủ.

Ông được chính phủ tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất.

Năm 1954, hoà bình lập lại, ông là Ủy viên Chủ tịch đoàn Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ủy ban bảo vệ hoà bình thế giới, Hội trưởng Hội hữu nghị Việt-Trung.

Bùi Kỷ sáng tác ở khá nhiều thể loại văn học nhưng ông hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực biên khảo.

Các công trình biên khảo của Bùi Kỷ thường gắn với nội dung dạy và học môn ngữ văn Hán-Việt bậc trung học của nhà trường Phổ thông Pháp-Việt ở xứ Đông Dương thuộc Pháp đương thời.

Đó là các cuốn Quốc văn cụ thể (1932), Hán văn trích thái diễn giảng khoá bản (cùng soạn với Trần Văn Giáp, 1942), Việt Nam văn phạm bậc trung học (soạn chung với Trần Trọng Kim, Phạm Duy Khiêm, 1940), Tiểu học Việt Nam văn phạm (soạn cùng Trần Trọng Kim, Nguyễn Quang Oánh, 1945). Nổi bật nhất trong số này là cuốn Quốc văn cụ thể, trình bày về các hình thức, thể tài các loại thơ văn tiếng Việt truyền thống. Với loại sách biên khảo giáo khoa thư này, Bùi Kỷ là một trong số những nhà nghiên cứu người Việt đầu tiên tham dự vào việc hình thành các tri thức về ngữ văn Việt và Hán Việt, các tri thức thi học lịch sử về văn học Việt Nam.

Bùi Kỷ là học giả có nhiều đóng góp vào việc hiệu khảo văn bản một loạt truyện thơ nôm các thế kỷ trước, góp phần giữ gìn và truyền lại cho đời sau. Văn bản Truyện Kiều do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo, in lần đầu 1925, đã dành được sự tín nhiệm của nhiều thế hệ độc giả. Từ những năm 1930 đến những năm 1950, Bùi Kỷ tiến hành hiệu khảo một loạt truyện nôm khuyết danh: Trê cóc, Trinh thử, Lục súc tranh công, Hoa điểu tranh năng. Ông cũng có sự đóng góp quyết định trong việc khảo cứu di sản thơ chữ Hán của thi hào Nguyễn Du, trong việc xác định giá trị Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, v.v... Các bản dịch tác phẩm chữ Hán của tác gia Việt Nam do Bùi Kỷ thực hiện, nổi bật là Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, bản dịch từng có vị trí đáng kể trong đời sống văn học. Bùi Kỷ còn thử nghiệm việc dịch một số tác phẩm Nôm cổ điển sang chữ Hán như thơ bà huyện Thanh Quan hay Truyện Kiều - một công việc rất có ý nghĩa trên hướng giới thiệu văn học Việt Nam với độc giả Trung Quốc.

Học giả Bùi Kỷ còn là cây bút sáng tác văn học ở khá nhiều thể loại: văn (nghị luận, phú, văn tế, câu đối...), thơ (thơ chữ Hán, thơ tiếng Việt); ở đây tác giả dường như không có ý định vượt ra ngoài phạm vi kiểu văn học Đông Á trung đại. Cũng vẫn như các thế hệ nhà nho trước kia, tác giả dùng văn thơ như nơi để nói chí, tỏ lòng, để thể hiện thế giới tinh thần của mình trong những nét thanh cao với nhiều ưu tư lo đời, thương đời, lại cũng dùng văn thơ như phương thức răn mình răn đời. Phần sáng tác thơ mà Bùi Kỷ tập hợp thành tập ưu Thiên đồ mặc, chưa in thành sách, chỉ đăng báo ít bài, nay hầu như đã thất lạc, có lẽ là nơi thể hiện rõ nhất tâm tình tác giả.

Tác phẩm:

-                        Truyện Thuý Kiều (Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo), Hà Nội, 1925.

-                        Việt Nam văn phạm (Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim soạn).

-                        Quốc văn cụ thể. Hà Nội, Tân Việt Nam thư xã, Trung Bắc Tân văn, 1932.

-                        Truyện Trê Cóc // Khai trí tập san, số 4, tháng 12-1941.

-                        Văn chương // Đông Thanh, 1932, số 1,2 và 5.

-                        Thơ văn Bùi Kỷ (Nguyễn Văn Huyền sưu tầm, giới thiệu), Hà Nội, Nxb.KHXH, 1994 (Thơ tiếng Việt: tr.37-78; Văn tiếng Việt: tr.79-173; Dịch từ Hán sang Việt: tr. 174-199; Dịch từ Việt ra Hán: tr.200-205; Câu đối: tr.206- 208; Thơ chữ Hán: tr.209-256).

5.              Ngô Vi Liễn (1894 - 1945)

Viên chức, học giả, nhà khảo cứu văn hoá. Sinh ngày 5-11-1894 ở quê: làng Tả Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội); mất ngày 14-5-1945 ở Hà Nội.

Xuất thân từ gia đình Nho học. Từng học Trung học thuộc địa Hà Nội (trường Bưởi), trường Thông ngôn; học và tốt nghiệp Cao đẳng luật học Hà Nội. Năm 1923-1928 làm Tham tá Sở Thư viện và Lưu trữ ở Hà Nội; có tham gia hoạt động của hội Trí Tri, dạy chữ quốc ngữ cho các lớp mở vào buổi tối cho những người muốn học thêm. Thời gian này viết và in một số cuốn sách như: Viết Quốc ngữ cho đúng; Nhật dụng thông thư; Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ (soạn chung với Đặng Đình Nghiêm và Phạm Văn Thư); Những bức thư viết về chiến tranh của một người An Nam (Lettres de guerre d'un Annamite - dịch tác phẩm của Jean Marquet); Lục Vân Tiên (cùng Đặng Đình Nghiêm dịch ra tiếng pháp, Ứng Hòe đề tựa); Tuyển tập Pháp - Đông Dương (Anthologie franco-indochi- noise - cùng soạn với Nguyễn Văn Tố); Danh mục tên làng xã Bắc Kỳ (Nomenclature des communes clu Tonkin); Hội giáo dục tương tế Bắc Kỳ (La Société d’Enseignement Mutuel du Tonkin).

Từ 1928 đến 1939, ông chuyển đi làm Tri huyện, lần lượt trị nhậm các huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), Quỳnh Côi (Thái Bình), Bình Lục (Hà Nam), Võ Giàng (Bắc Ninh); ông chú ý lấy tài liệu và biên soạn sách địa lý về các hạt này. Giữa năm 1939, do có tranh luận với viên Công sứ Bắc Ninh, ông thôi chức Tri huyện, chuyển về làm việc ở Cục Lưu trữ Phủ Thống sứ Bắc Kỳ. Ông bị bệnh liệt từ 1941 đến 1945 thì mất.

Thời gian làm Tri huyện Bình Lục, ông được tiếng thanh liêm; ông cũng thường đi xuống gặp dân các địa phương hỏi và ghi chép về phong tục, danh thắng, cổ tích. Sách Địa dư huyện Bình Lục ông soạn theo lối biên khảo thực chứng, miêu tả một địa phương qua các thông số thống kê cụ thể (diện tích, dân số, trường học, hộ sinh, đường sá, sông ngòi, thương mại, v.v...), cả ở mặt đồng đại lẫn mặt lịch đại (tên gọi qua các thời kỳ), đặc biệt chú ý ghi chép mô tả các đình, chùa, miếu, nhà thờ, các lễ hội, các thần tích, các danh nhân.

Tác phẩm:

-                       Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ (cùng soạn chung Đặng Đình Nghiêm, Phạm Văn Thư soạn). Hà Nội, Nhà in Lê Văn Tân, 1927 (in lại lần thứ tư, tính đến 1935).

-                       Viết Quốc ngữ cho đúng, Hà Nội, Nhà in Chân Phương, 19...

-                       Nhật dụng thông thư, Hà Nội, Nhà in Kim Đức Giang,

-                       Lettres de guerre d'un Annamite (Dịch Sang tiếng Việt tác phẩm của Jean Marquet). Hà Nội, Tạp chí hội Trí Tri, s.4/1924. (Những bức thư viết về chiến tranh của một người An Nam).

-                       Lục Vân Tiên (cùng Đặng Đình Nghiêm dịch sang tiếng Pháp, ứng Hòe đề tựa, Nguyễn Văn Chi vẽ tranh). Hà Nội, Nhà in Lê Văn Tân.

-                       Anthologie franco-indochinoise (soạn chung với Nguyễn Văn Tố). Hà Nội, Nhà in Lê Văn Tân. (Tuyển tập Pháp - Đông Dương).

-                       Nomenclature des communes du Tonkin, classes par cantons pint, huyện ou châu et par provinces, suivies d'une tabte alphabétique détaillée. Hà Nội, Nhà in Lê Văn Tân, 1928.

-                         Les oeuvres complémentaires l’école en Indochine: La Société d’Enseignememt mutuel du Tonkin. Hà Nội, lmp. Taupin, 1929.

-                         Địa dư huyện cẩm Giàng. Hà Nội, lmp. Lê Văn Tân, 1931.

-                         Địa dư huyện Quỳnh Côi. Hà Nội, Imp. Lê Văn Tân, 1933.

-                         Địa dư huyện Bình Lục. Hà Nội, Imp. Lê Văn Tân, 1935.

6.               Hồ Xanh (1901 - 1942):

Nhà giáo, nhà báo, nhà văn. Họ tên thật Nguyễn Văn Nheo, thường dùng họ tên Nguyễn Thượng Cát; làm nghề dạy học nên được gọi là giáo Cát; viết báo ký bút danh Hồ Xanh. Quê thôn Mễ Tràng, xã Liêm Chính (huyện Thanh Liêm, nay thuộc thị xã Phủ Lý).

Hồ Xanh dạy học ở thị xã Phủ Lý, có nhiều đóng góp cho hoạt động đấu tranh hợp pháp của tổ chức Đảng Cộng sản tại địa phương Hà Nam thời kỳ 1936-1939.

Ngoài dạy học, Hồ Xanh còn dịch sách (dịch bộ Tư bản của K. Marx), viết bài cho các báo ở Hà Nội, tham gia các cuộc tranh luận về duy tâm và duy vật, cuộc tranh luận nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh trên báo chí đương thời.

Năm 1940, ông bị chính quyền thực dân dùng lệnh điều động để đẩy lên Hà Giang dạy học. Hồ Xanh lên đó 2 năm, bị sốt rét xin nghỉ về Phủ Lý chữa bệnh, qua đời tại Phủ Lý.

Di sản ngòi bút của Hồ Xanh hiện còn chưa được tập hợp lại. Ông được xem là một trong những tác giả của dòng văn học cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Một số sáng tác thơ của ông thể hiện chủ trương lấy cảm hứng từ đời sống những người lao động:

Nước mắt của anh em vô sản

      Là nguồn thơ chảy ra vô hạn     

(Với nhà thi sĩ)

Các bài tham gia tranh luận học thuật của ông tuy không có vai trò quyết định nhưng cũng có đặc sắc riêng.

7.               Phạm Tất Đắc (1909 - 1935):

Phạm Tất Đắc sinh ngày 15-5-1909, quê làng Dũng Kim (nay thuộc xã Hợp Lý, huyện Lý Nhân), mất ngày 24-5-1935 ở Hà Nội. Là con một viên thông phán làm việc ở nhà in IDEO (Imprimerie d’Extrône Orient, cũng gọi là Nhà in Viễn Đông) ở Hà Nội. Năm 1923 vào học trường Trung học thuộc địa (trường Bưởi); năm 1926 bị đuổi vì tham gia tổ chức lễ truy điệu Phan Chu Trinh và hô hào bãi khóa. Ít lâu sau, Phạm Tất Đắc làm và in thành sách bài thơ dài Chiêu hồn nước (Nhà in Thanh Niên, Hà Nội, 1927), sách vừa phát hành thì bị cấm. Phạm Tất Đắc bị đưa ra xử tại tòa Trừng Trị ở Hà Nội ngày 15-6-1927. Tòa án thực dân nghiêm khắc kết tội cuốn sách, nhưng vì tác giả mới 17 tuổi (chưa đến tuổi chịu trách nhiệm trước pháp luật) nên tòa quyết định giam vào nhà trừng giới cho đến tuổi trưởng thành. Phạm Tất Đắc bị đưa đi an trí ở nhà trừng giới Tri Cụ (nay thuộc xã Ngọc Vân, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang). Ở đây ông tiếp tục tuyên truyền chống Pháp và đứng ra tổ chức đánh giám thị nên lại bị đưa về giam ở nhà pha Hỏa Lò (Hà Nội). Năm 1930 được tha nhưng vì sức yếu, Phạm Tất Đắc mất ít lâu sau đó.

Chiêu hồn nước là bài ca gồm 198 câu song thất lục bát bày tỏ tình cảnh “nước mất nhà tan”, kêu gọi hành động khôi phục giang san nòi giống.

Nghĩ thân thế héo hon tấc dạ

Trông non sông lã chã dòng châu

Một mình cảnh vắng đêm thâu

Muốn đem máu đỏ nhuộm màu giang san.

(Câu 35-38)

Chiêu hồn nước vang vọng âm hưởng thơ văn của phong trào duy tân đầu thế kỷ XX và cũng in dấu tinh thần, tâm trạng của lớp thanh niên học sinh cấp tiến những năm 1920. Chiêu hồn nước là tiếng nói bồng bột của người vị thành niên thiết tha với vận nước.

Tác phẩm:

-                        Chiêu hồn nước. Hà Nội, Nhà in Thanh Niên, 1927.

8.               Lê Tư Lành (1914- 1995)

Nhà giáo, nhà nghiên cứu lịch sử, văn học. Lê Tư Lành sinh ra trong một gia đình nhà nho ở làng Lam Cầu, xã Duy Tân, huyện Duy Tiên; ông nội là Lê Văn Sáng, đỗ Cử nhân Hán học; thân phụ là Lê Tư Kiến, đỗ Cử nhân Hán học.

Tốt nghiệp trường trung học thuộc địa (trường Bưởi) năm 1937, Lê Tư Lành dạy học tại các trường tư thục Nguyễn Văn Tòng, Gia Long, Văn Lang.

Tháng 9-1945 tham gia Ủy ban hành chính huyện Duy Tiên; được huyện Duy Tiên và tỉnh Hà Nam giới thiệu ra ứng cử và đã trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thời đầu kháng chiến, Lê Tư Lành còn giữ các chức vụ ở tỉnh Hà Nam như Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh, Phó hội trưởng Hội Liên Việt tỉnh, Hội trưởng hội Văn hóa tỉnh, Trưởng ban diệt dốt tỉnh, Trưởng ban địch vận tỉnh.

Đầu kháng chiến chống Pháp, ông còn tham gia dạy học ở trường Vạn Thiệu, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Tháng 2-1950, Lê Tư Lành trúng cử Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội khóa I. Các năm 1959-1960, ông là Ủy viên Ban sửa đổi Hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh là trưởng ban.

Các năm 1960-1973 chuyển sang làm chuyên viên của Bộ Văn hóa, công tác ở Vụ Bảo tồn bảo tàng, tham gia giảng dạy ở trường lý luận nghiệp vụ văn hóa, nghiên cứu ở Viện bảo tàng lịch sử, tham gia giảng dạy cho lớp đại học Hán-Nôm đầu tiên dưới chế độ mới (1965-1968). Năm 1973 ông nghỉ hưu.

Lê Tư Lành là người khởi thảo biên soạn lịch sử Quốc hội Việt Nam (bản thảo chưa công bố); là dịch giả một số tác phẩm văn học cổ điển Pháp, nhất là của Voltaire; là tác giả nhiều bài nghiên cứu, khảo luận về lịch sử, địa lý, văn hóa, hiện nằm rải rác ở các báo, tạp chí và bản thảo do con cháu lưu giữ, chưa được tập hợp thành sách.

9.                Bàng Bá Lân (1916 - 1989):

Nhà thơ. Sinh tại phố Tân Ninh, phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang; nguyên quán làng Đôn Thư, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Thuở nhỏ học trường Vôi ở phủ Lạng Thương, sau về Hà Nội học trường trung học bảo hộ (trường Bưởi), ra trường trở về Bắc Giang làm chủ đồn điền của gia đình.

Từ 1939 gửi đăng thơ trên các báo xuất bản ở Hà Nội.

Sau 1954 di cư vào Sài Gòn, dạy học tại các trường tư thục, tiếp tục sáng tác văn thơ; có thời gian làm chủ bút kiêm chủ nhiệm nguyệt san Bông lúa (Sài Gòn, 1956).

Tác phẩm đã xuất bản gồm các tập thơ: Tiếng thông reo (1934), Xưa (chung với Anh Thơ, 1941), Tiếng võng đưa (1957), Vào thu (1969); các tập truyện: Người vợ câm (1969), Vực xoáy (1969); ngoài ra còn có các tập: Việt văn bình giảng (1962) và Văn thi sĩ hiện đại (1963).

Xuất hiện trong phong trào “thơ mới” (1932-1945), thơ Bàng Bá Lân nổi bật ở việc khắc họa những hình ảnh và ấn tượng về làng quê Việt Nam.

10.                Nam Cao (1917 - 1951)

Nam Cao là một trong số những nhà văn tiêu biểu nhất của văn học Việt Nam thế kỷ XX, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của văn xuôi nghệ thuật tiếng Việt, có một số tác phẩm đạt đến mức cổ điển của văn học hiện đại Việt Nam.

Ông cũng là một trong những người đặt nền móng và là một trong những tác gia đầu tiên của nền văn học mới dưới chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa (từ 1945).

Nam Cao sinh ngày 29-10-1917; họ tên khai sinh là Trần Hữu Tri; sinh trong gia đình theo Công giáo, được đặt tên thánh là Giuse; người làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Xang, phủ Lý Nhân (nay thuộc xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân), tỉnh Hà Nam. Cha là Trần Hữu Huệ (1895-?) thợ mộc, làm thuốc; mẹ là Trần Thị Minh (1897-?) làm vườn, làm ruộng, dệt vải.

Thuở nhỏ, Trần Hữu Tri học một trường tư trong làng; 10 tuổi ra thành phố Nam Định học tiểu học, trung học. Vì thể chất yếu, chưa kịp thi Thành chung đã phải về nhà chữa bệnh. Năm 18 tuổi cưới vợ, vài tháng sau lên tàu hỏa đi Nam Kỳ, vào Sài Gòn, làm thư ký một hiệu may, vừa tự học thêm và tập viết văn. Một vài tác phẩm đầu tiên được đăng báo trong năm 1936. Hơn hai năm sau, Nam Cao trở ra Bắc, tự học lại để thi lấy bằng Thành chung, từ đó kiếm sống bằng dạy học tư và viết văn.

Đất Bắc Kỳ thời ấy chỉ có một trung tâm văn hóa là Hà Nội. Những thanh niên từ các vùng quê, các tỉnh lẻ thường tìm về Hà thành thử tài, thử chí, thử vận may. Với Trần Hữu Tri cũng vậy. Anh tìm được chỗ dạy học ở trường tư thục Công Thanh gần chợ Bưởi, lúc ấy là ngoại thành, và giao dịch với các báo, các nhà xuất bản, với giới viết báo, viết văn Hà thành. Sáng tác của anh, thơ có, văn xuôi có, bắt đầu xuất hiện đều đều trên các tờ Tiểu thuyết thứ bảy, Ích hữu, Hà Nội báo... với những bút danh như là những cái tên ướm thử ngập ngừng: Thúy Rư, Xuân Du, Nguyệt,... Năm 1941, cuốn sách đầu tay ký bút danh Nam Cao nhan đề Đôi lứa xứng đôi ra mắt bạn đọc. Các nhà văn lớp tuổi đàn anh như Vũ Bằng, Lê Văn Trương dường như đã nhìn thấy ở cây bút mới này một văn tài thực sự. Sau tập sách mỏng đầu tay trong đó có truyện Chí Phèo bất hủ, ngòi bút nhà văn Nam Cao tự tin, linh hoạt hẳn lên. Nghề dạy học thì xuống dốc: trường Công Thanh bị quân Nhật trưng dụng, Nam Cao thôi dạy học ở đây, có lúc sang dạy học ở tận trường tư thục Kỳ Giang bên tỉnh Thái Bình, có lúc về quê, nằm nhà. Công việc liên tục, rút lại, chỉ còn ngòi bút với trang giấy. Các năm từ 1941 đến 1944, Nam Cao viết được nhiều nhất. Một thống kê cho thấy, chỉ trên tuần san Tiểu thuyết thứ bảy, trong năm 1942, Nam Cao đăng 10 truyện; trong năm 1943, Nam Cao đăng 24 truyện, phần lớn là những truyện ngắn hay như: Cái mặt không chơi được, Những chuyện không muốn viết, Giăng sáng, Trẻ con không được ăn thịt chó, Mưa nhà, Tư cách mõ, Bài học quét nhà, Từ ngày mẹ chết, Điếu văn, Quên điều độ, Một bữa no, Nước mắt, Đời thừa...

Ngoài ra, còn loạt truyện viết cho độc giả nhỏ tuổi in trong loại sách Hoa Mai, truyện dài Truyện người hàng xóm đăng trên Trung Bắc chủ nhật, 4 cuốn tiểu thuyết bán đứt bản thảo nhưng chưa được in nên mất hẳn (Cái bát, Một đời người, Cái miếu, Ngày lụt); lại còn tiểu thuyết Sống mòn viết xong từ khoảng tháng 10-1944, không nhà xuất bản nào nhận in, đành để đấy...

Thời gian 1941-1944 là thời sáng tác sung mãn và có hiệu quả nhất trong đời viết văn của Nam Cao.

Cố nhiên, ngòi bút viết văn của Nam Cao không đạt kỷ lục nào về số lượng, về độ dài hay độ dày. Cái mà ông đạt tới đỉnh cao là một chất lượng mới: chất lượng ngôn ngữ nghệ thuật, chất lượng tư duy xã hội và tư duy văn học.

Viết sau và đi tiếp dòng văn tả thực xã hội của những Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, chủ nghĩa hiện thực ở Nam Cao đã tỉnh táo đến mức không còn ảo tưởng, không còn sự ve vuốt nào hết. Phần lớn các nhân vật nông dân trong tác phẩm của ông đều đã hoặc đang bị bần cùng hóa, lưu manh hóa, bị suy đồi về nhân tính, nhân cách. Phần lớn đám nhân vật tiểu trí thức ở sáng tác của ông đều đang bị giằng xé giữa việc mưu cầu miếng cơm manh áo và việc bảo vệ phẩm giá con người mình, đều đang day dứt vì thấy đời mình “sẽ mốc lên, sẽ gỉ đi, sẽ mòn ra” và mình “sẽ chết mà chưa làm gì cả, chết mà chưa sống”. Tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa trong văn chương Nam Cao không thuộc kiểu một tình thương mênh mông vỗ về, an ủi, mà là một đòi hỏi nghiêm khắc: ở mức thấp, đó là đòi hỏi con người hiểu biết chính mình và hoàn cảnh sống quanh mình, nhận cho ra tình trạng bị tha hóa, biến dạng biến chất, coi sự tự ý thức này là cơ sở cho việc hành động cải tạo hoàn cảnh sống; ở mức cao hơn, đó là đòi hỏi việc tạo điều kiện để phát triển “tận độ”, hết mức, những năng lực vốn có ở mỗi con người, coi phát triển năng lực con người là tiền đề của sự hoàn thiện nhân cách.

Sáng tác của Nam Cao gắn bó với tiến trình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX vốn thường được hình dung như là quá trình canh tân, hiện đại hóa văn học. Là người tham dự tiến trình ấy, có thể là ở chặng gần cuối, Nam Cao được tiếp nhận và thừa hưởng không ít thành quả của những chặng đầu, ví dụ những thành tựu của các tác gia văn xuôi Tự lực văn đoàn, hoặc thành tựu của các nhà “tả chân” lớp trước; đồng thời, Nam Cao, bằng chính hoạt động sáng tạo của mình, đã thực sự góp phần phát triển và hoàn tất tiến trình ấy, góp phần khép lại giai đoạn quan trọng nhất của việc xây dựng một nền văn xuôi tự sự mới của người Việt trong những điều kiện và tiền đề văn hóa xã hội mới.

Ngòi bút Nam Cao đã đem lại cho văn xuôi tự sự tiếng Việt một chất lượng mới trong khả năng thể hiện tâm lý, phân tích tâm lý. Truyện ngắn Nam Cao là một thành tựu nổi bật, bên cạnh đó, với Sống mòn, Nam Cao đóng góp cho thể tài truyện dài một kiểu kết cấu riêng. Đối với việc xây dựng và phát triển văn xuôi tiếng Việt hiện đại, Nam Cao có đóng góp rõ rệt về ngôn ngữ văn xuôi nghệ thuật, ở văn xuôi Nam Cao, thành phần ngôn ngữ nhân vật không có những phương ngữ hay biệt ngữ thật đột xuất (nếu so với thành phần ngôn ngữ nhân vật trong phóng sự của một số nhà “tả chân” đương thời) nhưng cũng không bị thôn tính bởi ngôn ngữ tác giả như ở các nhà văn xuôi Tự lực văn đoàn. Mặt khác, do quan tâm truyền đạt những dao động, biến thiên của tâm lý, tâm trạng, nên Nam Cao tạo nên được một ngôn ngữ ít nhiều mang tính phức điệu, tổ chức được những mạng lưới phức tạp gồm cả ngôn ngữ bên ngoài và ngôn ngữ bên trong, cả ngôn ngữ tác giả, ngôn ngữ nhân vật, thậm chí cả những sự đan xen và nhòe lẫn vào nhau của hai thành phần ngôn ngữ ấy. Nam Cao là một trong số không nhiều tác gia cùng thời có những tác phẩm mà ngôn ngữ dường như không cũ đi so với thời gian. Nói cách khác, Nam Cao có những tác phẩm đạt đến độ cổ điển của văn xuôi tiếng Việt.

Từ 1943, Nam Cao tham gia phong trào Việt Minh và là một trong số những thành viên đầu tiên của tổ chức Văn hóa Cứu quốc. Tháng Tám 1945, ông tham gia cướp chính quyền ở phủ Lý Nhân, được cử làm Chủ tịch xã đầu tiên của chính quyền mới ở địa phương. Vài tháng sau ông thôi việc chính quyền, ra Hà Nội với giới văn nghệ, làm việc trong tòa soạn tạp chí Tiên phong, cơ quan của Hội Văn hóa Cứu quốc. Đầu năm 1946 ông có chuyến đi ngắn vào Cực Nam Trung Bộ với tư cách phái viên Văn hóa cứu quốc đi mặt trận. Kháng chiến bùng nổ ở Hà Nội, ông về quê rồi tham gia làm báo Giữ nước và báo Cờ chiến thắng của tỉnh Hà Nam. Mùa thu 1947, theo lời mời của Xuân Thủy, chủ nhiệm báo Cứu quốc, Nam Cao lên Việt Bắc, làm phóng viên báo này, cùng phụ trách tạp chí Cứu quốc, thư ký tòa soạn báo Cứu quốc Việt Bắc. Năm 1948, Nam Cao gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương; cuối năm ấy ông đi công tác vùng đồng bằng. Năm 1950 ông chuyển sang làm việc ở Hội Văn nghệ Việt Nam, làm việc trong tòa soạn tạp chí Văn nghệ. Tháng sáu, ông thuyết trình về vấn đề ruộng đất trong hội nghị học tập của văn nghệ sĩ, sau đó ông được cử làm Ủy viên tiểu ban văn nghệ của Trung ương Đảng. Cũng trong năm 1950, Nam Cao đi chiến dịch biên giới. Giữa năm 1951, Nam Cao và Nguyễn Huy Tưởng đi công tác Liên khu III dự hội nghị văn nghệ Liên khu III (23/9/1951), sau đó cả hai ông cùng đi Liên khu IV. Khoảng tháng 10, Nam Cao trở ra Liên khu III, tham gia đoàn công tác thuế nông nghiệp. Trên đường cùng đoàn công tác này thâm nhập vùng địch hậu, Nam Cao bị địch phục kích và đã hy sinh.

Đoạn đời từ Cách mạng tháng Tám 1945, ngòi bút Nam Cao hoạt động với tư cách ngòi bút của một cán bộ làm báo, làm văn. Ông viết tin, làm ca dao, soạn kịch ngắn tuyên truyền, viết hoặc dịch sách phổ thông về địa lý, lịch sử, thời sự. Ông coi đó là “những công việc nhũn nhặn, thầm lặng nhưng có ích”, mặc dù cũng có lúc ông “lo lắng lối viết như vậy có thể làm hỏng lối văn tiểu thuyết đã có ít nhiều người thích” trước đây của ông.

Phần sáng tác văn học của Nam Cao sau 1945 tuy khá ít, nhưng cũng có tác phẩm đạt độ chín về nghệ thuật. Có thể kể chùm truyện ngắn: Mò sâm-banh, Cách mạng, Đôi mắt và một loạt bút ký, ghi chép, nhật ký như: Đường vô Nam, Chuyện biên giới, Ở rừng. Qua những sáng tác này, nhất là qua nhật ký Ở rừng, người ta nhận thấy trong thế giới tinh thần nhà văn đang diễn ra một cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt để vượt qua cái mà Nam Cao gọi là “thằng nghệ sĩ cũ trong người tôi”. Ông cảm thấy có tội vì đã vướng vào duyên nợ với kiểu nghệ sĩ tiểu tư sản trước kia. Ông muốn có đôi mắt mới để nhìn đời, nhìn người. Không bằng lòng với những trang viết đã có mà ông cảm thấy nó nhợt nhạt so với thực tế sống và chiến đấu của công nông, ông chủ trương “sống đã rồi hãy viết”. Chuyến đi cuối cùng mà ông tham dự và hy sinh trên đường công tác, nằm trong chủ định của ông: đi lấy tài liệu cho sáng tác; ông muốn chất sống thực được bộc lộ mạnh mẽ hơn nữa trên trang viết. Sự hy sinh của ông không chỉ là sự hy sinh của một cán bộ kháng chiến, mà còn là sự tử nạn vì nghề nghiệp của một người cầm bút.

Từ sau khi nhà văn hy sinh, ý nghĩa các sáng tác của ông, vị trí của Nam Cao trong văn học Việt Nam thế kỷ XX càng ngày càng rõ dần, lớn dần lên trước các giới sáng tác, nghiên cứu và phê bình văn học.

Năm 1956, tiểu thuyết Sống mòn được xuất bản lần đầu, 5 năm sau khi tác giả qua đời, gây sức thuyết phục lớn vể văn tài tác giả. Ngay sau đó, các truyện ngắn của ông được sưu tầm, tập hợp và xuất bản trong các tập Truyện ngắn Nam Cao, Một đám cưới. Diện mạo di sản của ngòi bút Nam Cao, đặc sắc và tầm cỡ văn nghiệp của ông ngày một rõ rệt trước mắt hậu thế.

Năm 1961 xuất hiện cuốn sách chuyên luận đầu tiên về thân thế và sự nghiệp văn học của Nam Cao; từ đó đến nay có thêm rất nhiều công trình nghiên cứu nhiều hội thảo khoa học về tác gia này.

Năm 1975 bắt đầu xuất hiện Tuyển tập tác phẩm của Nam Cao. Từ đó đến nay có thêm khá nhiều bộ sách tuyển tác phẩm của ông.

Một số tác phẩm văn học của Nam Cao được dịch in ở nước ngoài.

Năm 1996, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật được trao cho cụm tác phẩm chính của Nam Cao, sáng tác trước và sau 1945.

Càng ngày người ta càng thấy rõ một phần đáng kể trong di sản sáng tác của Nam Cao có khả năng trường tồn, nhập vào nguồn vốn cổ điển của văn học Việt Nam, có khả năng tươi lại, mới lại trong sự cảm thụ của các thế hệ độc giả ngày mai.

Tác phẩm:

-                      Đôi lứa xứng đôi (Lê Văn Trương đề tựa). Hà Nội. Nxb.Đời Mới, 1941.

-                      Nửa đêm. Hà Nội. Nxb. Cộng Lực, 1943.

-                      Truyện người hàng xóm // Trung Bắc chủ nhật. Hà Nội, từ tháng 4 đến tháng 9/1944

-                      Cười (tập truyện). Hà Nội. Nxb. Minh Đức, 1946.

-                      Chuyện biên giới (tập ký). Việt Bắc. Nxb. Văn nghệ, 1951.

-                      Sống mòn (tiểu thuyết). Hà Nội. Nxb. Văn nghệ, 1956.

-                      Chí Phèo (tập truyện). Hà Nội. Nxb. Văn nghệ, 1957.

-                      Truyện ngắn Nam Cao (tập truyện). Hà Nội. Nxb. Văn hóa, 1960.

-                      Một đám cưới (tập truyện). Hà Nội. Nxb. Văn học, 1963.

Có thể hình dung văn học viết Hà Nam qua hai chặng lớn, lấy thời điểm cuối thế kỷ XIX - đầu XX làm dấu mốc. Ở chặng đầu, văn học viết Hà Nam cũng chịu ảnh hưởng từ việc tiếp thu các thê loại ngoại lai như: thơ Đường luật, bi văn, truyện, ký... và chủ yếu sáng tác bằng chữ Hán; nhưng dần dần đã có sáng tác thơ Nôm ngày một nhiều hơn. Đề tài phản ánh của văn thơ Hà Nam khá phong phú, đa dạng và đã xuất hiện một tinh thần nhân văn, nhân đạo từ khá sớm. Quy luật văn bản hóa, văn học hóa văn học dân gian là tương đối đậm nét. Quy luật giao lưu văn học giữa Hà Nam với các tác gia văn học một số vùng văn học khác cũng thấy khá rõ. Có thể kể ra mấy đặc điểm riêng của văn học viết Hà Nam là: Sự kết tinh về mặt thể loại (truyện, thơ Nôm); sự kết tinh về mặt ngôn ngữ; sự kết tinh về mặt giọng điệu, phong cách và có những đề tài phản ánh đặc thù (đề tài nông thôn, làng cảnh). Tất cả những đặc điểm riêng biệt đó đều quy tụ cả ở thiên tài thơ Nguyễn Khuyến - cũng là tác gia lớn nhất của văn học Hà Nam truyền thống. Thêm nữa, cũng phải kể đến sự hình thành văn nghiệp dòng họ, như dòng văn họ Bùi với những tác giả gồm mấy thế hệ kế tiếp nhau. Văn học viết Hà Nam từ truyền thống cũng chuyển nhanh sang hiện đại với đầy đủ các thể loại mới như: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản sân khấu, v.v... ở chặng thứ hai. Cũng ở chặng này lại ra đời một tác gia lớn khác, khẳng định tầm mức của văn học viết Hà Nam. Tình hình nghiên cứu, phê bình văn học cũng phát triển mạnh; vừa tập hợp, tổng kết các thành tựu văn học, vừa góp phần nhận thức và thúc đẩy sáng tác văn học. Vừa ly tâm, vừa đồng tâm với văn học dân tộc; rõ ràng văn học viết Hà Nam mang bản sắc văn học một vùng - vùng Sơn Nam khá rõ; và chiều hướng phát triển, hội nhập là điều hiển nhiên. Văn học viết Hà Nam đương đại có đầy đủ các yếu tố và điều kiện để vươn tới hình thành một vùng văn học lớn mạnh.

(Còn nữa)

Điện tử

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy