Hưởng ứng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 do Chính phủ phát động, tỉnh ta đã xây dựng đề án trồng 5 triệu cây xanh các loại. Đến hết năm 2024, cả tỉnh đã trồng được gần 4 triệu cây xanh. Năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu trồng 1,12 triệu cây xanh, để hoàn thành mục tiêu đề ra. Hiện nay, các địa phương đang tích cực triển khai thực hiện để cây xanh được trồng bảo đảm về số lượng và phát huy hiệu quả.
Thực hiện chương trình trồng cây xanh, hằng năm, các địa phương trong tỉnh đều xây dựng kế hoạch và tổ chức phát động Tết trồng cây trên toàn địa bàn. Xác định, trồng cây xanh là nhiệm vụ quan trọng, gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Thanh Liêm đã triển khai và chỉ đạo các địa phương, đơn vị trên địa bàn thực hiện kế hoạch trồng cây xanh bảo đảm về số lượng cây. Do vậy, cây xanh trồng hằng năm của huyện luôn vượt kế hoạch đề ra. Như năm 2022 và 2023 số lượng cây xanh của Thanh Liêm trồng đều đạt trên 150% kế hoạch. Chương trình trồng cây xanh của huyện được mở rộng qua việc huy động xã hội hóa từ các cá nhân, doanh nghiệp.
Điển hình, huyện đã phối hợp với Công ty TNHH Honda Việt Nam tổ chức “Ngày hội trồng cây – Cùng Honda giữ mãi màu xanh Việt Nam”. Công ty TNHH Honda Việt Nam hỗ trợ trồng hơn 15 ha với tổng số 10.050 cây xanh trên địa bàn trong năm 2024. Năm nay, huyện đặt ra mục tiêu trồng 180 nghìn cây xanh các loại. Khi hoàn thành Thanh Liêm sẽ vượt kế hoạch 790 nghìn cây xanh của cả giai đoạn 2021 - 2025. Bà Đỗ Thị Thanh Nga, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Thanh Liêm cho biết: Cây xanh của huyện được trồng đa dạng các chủng loại: cây bóng mát, cây ăn quả, cây lấy gỗ… Việc trồng cây cũng được phát động rộng khắp tại các cơ quan công sở, trường học, đường giao thông, diện tích đồi rừng, và cải tạo diện tích vườn của người dân. Do vậy hằng năm, số lượng cây xanh được trồng trên địa bàn huyện luôn vượt kế hoạch đề ra.
Tuyến đường cây hoa phong linh tại xã Tiên Sơn (thị xã Duy Tiên).
Tại các địa phương khác trong tỉnh, phong trào trồng cây nhân dân hằng năm được triển khai sớm và đồng loạt ở các đơn vị, doanh nghiệp, hộ dân. Ở huyện Lý Nhân, 5 năm trở lại đây, mỗi năm đều xây dựng kế hoạch và triển khai trồng khoảng 250 nghìn cây các loại. Huyện xác định 2 hướng đi chính để đẩy mạnh phong trào trồng cây, gồm: Trồng cây trên các tuyến đường nông thôn mới và cải tạo vườn tạp, hình thành những khu vườn mẫu, vườn chuyên canh cây ăn quả. Từ phong trào trồng cây, nhiều địa phương trong huyện đã phát triển các khu vườn mẫu trồng những loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao, như các xã: Xuân Khê, Chính Lý, Chân Lý…
Với huyện Bình Lục, trồng cây xanh đã trở thành mục tiêu phấn đấu trong xây dựng nông thôn mới. UBND huyện đã hỗ trợ các địa phương tổng số trên 10 nghìn cây bóng mát để trồng trên các trục đường giao thông. Hiện nay, cơ bản các tuyến đường giao thông trục xã, trục thôn, các công trình công cộng, trường học, khu dân cư, đô thị mới trên địa bàn huyện đều đã được trồng cây xanh… Theo ông Đỗ Thế Trọng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Bình Lục, phong trào trồng cây xanh tạo cảnh quan, môi trường và phát triển kinh tế vườn được các địa phương cùng nhân dân tích cực hưởng ứng. Bình Lục kết hợp hiệu quả giữa nguồn hỗ trợ của huyện, các địa phương, huy động xã hội hóa và người dân trong phát triển cây xanh.
Thực hiện mục tiêu trồng 5 triệu cây xanh, hằng năm, UBND tỉnh chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng kế hoạch trồng, số lượng cây của từng địa phương và lựa chọn loại cây trồng phù hợp. Trên các tuyến đường giao thông trọng yếu, công viên, khu đô thị, trường học… các loại cây trồng đáp ứng yêu cầu tạo bóng mát và cảnh quan môi trường. Các địa phương, ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đẩy mạnh phong trào cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế như: bưởi Diễn, vải lai U trứng, ổi lê Đài Loan, nhãn lồng…
Từ phong trào đã xuất hiện một số vùng trồng các loại cây ăn quả đặc sản bản địa khai thác hiệu quả đất vườn, như: Chuối ngự Đại Hoàng (xã Hòa Hậu – Lý Nhân), bưởi Bồ Đề (xã Bồ Đề - Bình Lục)… Ở vùng núi còn được người dân lựa chọn cây trồng theo phương thức nông lâm kết hợp. Ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp và Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Môi trường) đánh giá: Phong trào trồng cây xanh những năm qua trên địa bàn tỉnh được các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp và người dân hưởng ứng sâu rộng. Cây xanh được trồng bảo đảm các mục tiêu tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Số lượng cây xanh trồng hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Cùng với việc tăng số lượng cây trồng mới, cây xanh được quan tâm bảo vệ, chăm sóc. Với các tuyến đường trồng cây xanh tại địa phương đều được giao cho các hội, đoàn thể, thôn chịu trách nhiệm chăm sóc: tưới nước, dọn cỏ, bón phân, tỉa tán… Do vậy, tỷ lệ cây sống và phát triển đạt trên 90%, những điểm có cây chết đều được trồng bổ sung. Trên nhiều tuyến đường giao thông hiện nay tại các xã nông thôn mới được trồng chuyên những loại cây kết hợp với hệ thống đèn chiếu sáng, tạo cảnh quan, môi trường “Sáng – xanh – sạch – đẹp” . Đất vườn được khai thác trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao gấp 2 – 3 lần so với vườn tạp trước đây. Điển hình như khu vườn mẫu rộng 4 sào của ông Phạm Sông Hồng, thôn 1, xã Chính Lý (Lý Nhân) được cải tạo trồng hồng xiêm và bưởi Diễn đang phát huy tốt hiệu quả. Mỗi năm, thu nhập từ diện tích vườn đạt 10 triệu đồng/sào. Ông Hồng chia sẻ: Cải tạo trồng cây ăn quả trong vườn nhà đem lại lợi ích cả về môi trường sống và kinh tế.
Hiện nay, phong trào trồng cây xanh vẫn đang tiếp tục được hưởng ứng và triển khai trên địa bàn tỉnh. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã trồng được gần 800.000 cây xanh các loại, đạt khoảng 70% kế hoạch. Với tiến độ hiện nay, chỉ trong thời gian ngắn nữa, mục tiêu trồng 5 triệu cây xanh đến năm 2025 của tỉnh sẽ được hoàn thành và vượt mức kế hoạch đề ra.
Manh Hùng