Xử lý ô nhiễm môi trường do khói lò ở làng gốm Quyết Thành

Tháng 10/2024, các lò gốm thủ công của làng gốm Quyết Thành chính thức ngừng hoạt động. Nguyên nhân là do hầu hết các lò đều được đốt bằng than, củi lại được xây dựng từ lâu nên chưa có biện pháp xử lý khói lò, làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Tuy nhiên, việc ngừng hoạt động của các lò gốm thủ công thời gian qua đã có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, việc làm của người dân làm nghề. Cơ sở sản xuất gốm Liên Kiểm có hệ thống lò bầu 3 khoang, với thể tích 120 m3. Lò được HTX gốm Quyết Thành xây dựng từ hơn 60 năm trước (khoảng năm 1960). Trong cả thời gian dài hoạt động, lò gốm chủ yếu nung các sản phẩm đặc trưng của làng nghề, như: chum, vò, vại, tiểu sành, lon giã cua…

Những năm gần đây, lò đã có sự đổi mới nung thêm một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ (lọ hoa, ấm chén, tượng…). Tính bình quân mỗi tháng cơ sở đốt 1 lò, với khoảng 200 sản phẩm các loại, giá trị hơn 100 triệu đồng. Từ khi lò phải ngừng hoạt động, hàng trăm sản phẩm thô sản xuất ra bị ứ đọng. Các đơn hàng chum, vò, vại chưa định được thời gian giao cho khách đặt mua. Trước tình trạng này, cơ sở phải cắt giảm 50% lượng lao động làm việc so với trước, chỉ còn duy trì hằng ngày 5 người. Để giải quyết một phần khó khăn của việc lò thủ công ngừng hoạt động, cơ sở gốm Liên Kiểm chuyển sang làm thêm các sản phẩm lọ đựng rượu, ấm chén nung tại lò gas. Anh Lại Tuấn Sơn, Chủ cơ sở gốm Liên Kiểm cho biết: Lò nung thủ công đóng vai trò chủ lực của cơ sở, chiếm 80% sản phẩm gốm xuất bán ra thị trường. Lò phải dừng hoạt động để tìm hướng xử lý không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh. Tình trạng này kéo dài dễ dẫn đến mất các mối hàng truyền thống...

Sản phẩm chum, vò, vại đặc trưng của làng gốm truyền thống Quyết Thành.

Cũng như cơ sở gốm Liên Kiểm, các cơ sở khác của làng nghề có lò thủ công đều hoạt động cầm chừng, chủ yếu làm các sản phẩm thô chờ thời gian có thể trở lại hoạt động. Cả giai đoạn cuối năm 2024, các cơ sở chỉ bán những sản phẩm đã được nung từ trước thời gian ngừng hoạt động. Riêng sản phẩm chum và tiểu sành chỉ đạt khoảng 70 – 80% lượng sản phẩm so với những năm trước do lò không thể đốt vào những tháng cao điểm cuối năm. Theo người dân làng gốm truyền thống Quyết Thành, đây là giai đoạn khó khăn của làng nghề. Người làm nghề vẫn chưa biết chính xác thời điểm có thể xử lý ô nhiễm khói lò để hoạt động trở lại. Giai đoạn hiện nay, các cơ sở chủ yếu vẫn làm sản phẩm thô chờ nung đủ điều kiện để hoạt động.

Được biết, ngay sau khi có văn bản yêu cầu các lò gốm thủ công ngừng hoạt động, Phòng Nông nghiệp và Môi trường (thị xã Kim Bảng) đã mời công ty tư vấn về khảo sát, đánh giá và tìm hướng xử lý. Tuy nhiên, để xử lý được khói lò gốm khá khó khăn, cần thời gian để nghiên cứu, thử nghiệm tìm công nghệ phù hợp. Theo ông Lê Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND phường Quế, hiện nay, vẫn chưa có phương án khả thi xử lý môi trường khói do thể tích các lò thủ công lớn, sản phẩm gốm nung đặc thù dễ bị biến dạng nếu công nghệ sử dụng không phù hợp. Địa phương đang cố gắng cùng các chủ cơ sở tìm hiểu để có giải pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất.

 

Hiện nay, vẫn chưa có phương án khả thi xử lý môi trường khói do thể tích các lò thủ công lớn, sản phẩm gốm nung đặc thù dễ bị biến dạng nếu công nghệ sử dụng không phù hợp. Địa phương đang cố gắng cùng các chủ cơ sở tìm hiểu để có giải pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Ông Lê Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND phường Quế

Qua tìm hiểu tại các làng nghề gốm thủ công khu vực phía Bắc, nhất là tại làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) đã sử dụng một số phương pháp, như: xây ống khói cao, sử dụng quạt hút ly tâm lọc khói qua bể nước… Đây là hướng đi khả thi có thể áp dụng tại các lò gốm thủ công. Hiện, các cơ sở sản xuất thủ công ở làng gốm truyền thống Quyết Thành mong các cấp chính quyền, ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện để các lò gốm có giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do khói lò để sớm ổn định và phát triển sản xuất.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.