kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Phần I: Địa lý (Chương XXVII)

Phần I: Địa lý (Chương XXVII)

Phần lớn các làng xã Hà Nam đều có lịch sử hình thành lâu đời. Do vậy, ở làng xã nào cũng hình thành cho mình tục lệ riêng. Tục thực chất là thói quen trong ứng xử được cả cộng đồng chấp nhận, còn lệ là những quy ước được hình thành dần dần trong đời sống, bắt buộc mỗi thành viên phải tuân theo.

Chương XXVII

TỤC VÀ LỆ

Phần lớn các làng xã Hà Nam đều có lịch sử hình thành lâu đời. Do vậy, ở làng xã nào cũng hình thành cho mình tục lệ riêng. Tục thực chất là thói quen trong ứng xử được cả cộng đồng chấp nhận, còn lệ là những quy ước được hình thành dần dần trong đời sống, bắt buộc mỗi thành viên phải tuân theo. Sống trong một cộng đồng (dòng họ, xóm, làng...) tục lệ gắn kết các thành viên lại với nhau trong một tính cố kết cộng đồng, ai không tuân theo thì coi như bị cộng đồng gạt bỏ ra ngoài. Những quy định này khi được viết ra thành văn bản thì gọi là hương ước, được coi là căn cứ để các chức sắc trong làng giám sát các thành viên chấp hành các quy định thành lệ của làng. Bên cạnh đó, có những lệ bất thành văn nhưng vẫn rất có hiệu lực đối với cả cộng đồng, song song tồn tại bên cạnh luật pháp của nhà nước. Chính vì vậy mà tục ngữ có câu “Phép vua thua lệ làng”. Như vậy, có thể nói, tục lệ là một môi trường văn hoá gần gũi nhất, tác động thường xuyên nhất và vì thế ăn sâu vào nếp nghĩ, thói quen ứng xử của các thành viên trong cộng đồng. Tục và lệ được hình thành dần dần trong thời gian và có thể thay đổi theo thời gian tuy không dễ dàng. Sau một độ lùi thời gian nhất định, người đời sau có thể chia tục của tiền nhân thành hai loại: hủ tục và mỹ tục và có thể phán xét về các lệ làng thời trước, trên cơ sở đó có những đổi thay cho phù hợp với sự tiến triển chung. Căn cứ vào tục và lệ, có thể tìm hiểu những nét đặc trưng văn hoá làng xã của Hà Nam.

Điều kiện tự nhiên của Hà Nam đã quy định diện mạo cơ bản của làng xã Hà Nam là làng xã của nền kinh tế nông nghiệp. Do vậy, làng xã ở Hà Nam cũng như ở các vùng quê khác của đồng bằng Bắc Bộ đã có một thiết chế tổ chức theo hình thức tiêu biểu như sau:

-    Xóm: Là hình thức tập hợp người theo địa vực cư trú hay theo quan hệ láng giềng, là đơn vị chung cư của người nông dân. Trong xóm, người ta quan hệ đối xử với nhau theo tinh thần “Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”, hoặc “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Dòng họ: Là hình thức tập hợp người theo quan hệ huyết thống, những người đang sống (hoặc đã chết) có chung một ông tổ. Cho đến ngày nay, các dòng họ ở Hà Nam vẫn luôn luôn tôn trọng và giữ gìn những truyền thống dòng họ của mình, cũng như giữ gìn và khôi phục các gia phả nói về nguồn gốc các dòng họ.

-   Giáp hay phái: Là hình thức tập hợp người của nam giới thuộc nhiều dòng họ, nhiều xóm trong làng. Giáp là môi trường cho mỗi người thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi theo tuổi tác đối với làng thông qua những hoạt động của Giáp, ở những mốc quan trọng của đời người như tuổi tiểu ấu (con trai mới sinh), tuổi lên đinh (18 tuổi), tuổi trung nam (19 đến 40 tuổi), tuổi ra lềnh hay trưởng giáp (41 tuổi), tuổi ra lão (42 tuổi)... Giáp là nơi xác nhận và chứng kiến cho mỗi người (nam giới) trước làng xã theo đơn vị giáp mình... Theo cơ cấu của tổ chức làng xã như trên, trong sinh hoạt của người dân Hà Nam trước đây về những việc như cưới xin, ma chay, khao lão, giao hảo... đã có những tục lệ truyền thống lâu đời.

I.  TỤC CƯỚI XIN

Về việc cưới xin, tục và lệ ở Hà Nam không có gì khác so với tục cưới của vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung. Trong thời thuộc Pháp, trai gái lấy nhau phải có giấy giá thú do làng xã cấp. Từ những năm 1950, tờ giấy chứng nhận đó được gọi là giấy hôn thú và hiện nay là giấy đăng ký kết hôn.

Ngày xưa, để bảo vệ quyền lợi và danh dự, trai gái phải nộp cheo cho làng coi như là vật chứng để sau này phân xử, nếu họ có chuyện bất hoà, kiện tụng nhau. Lễ cheo chỉ là lễ vật đơn sơ như trầu cau và có khi kèm theo một ít tiền nộp cho lý trưởng. Người trong làng lấy nhau gọi là cheo nội, người ngoài lấy gái làng thường phải nộp nặng hơn, gọi là cheo ngoại. Có nơi không lấy tiền của bên nhà trai mà bắt nộp gạch để lát đường hoặc mâm đồng, bát sứ... để làng sử dụng khi có đình đám. Ca dao xưa có câu

Giúp em quan tám tiền cheo

Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.

là để nói tới tiền cheo này. Lại có câu nói về tầm quan trọng của việc nộp cheo cho làng:

Có cưới mà chẳng có cheo

Nhân duyên trắc trở như kèo đục vênh.

Về lễ nghi, khi người con trai muốn lấy vợ thường phải qua 6 khâu như:

1.  Trước hết là lễ nạp thái. Khi người làm mối đã tạo được quan hệ cho đôi bên, nhà trai phải sắm chút lễ mọn đến thưa chuyện với nhà gái để chính thức đặt quan hệ.

2.  Thứ đến là lễ vấn danh. Nhà trai nhờ người mối đến nhà gái tìm hiểu ngày sinh tháng đẻ của cô dâu tương lai.

3.  Tiếp đến là lễ nạp cát. Đó là khi nhà trai đã biết rõ tuổi cô gái nên đi xem bói và làm lễ trước bàn thờ tổ tiên, báo cáo đôi trẻ hợp nhau.

4.  Tiếp theo là lễ thỉnh kỳ. Nhà trai thông báo cho nhà gái về quyết định việc cưới xin, chờ nhà gái chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ cưới.

5.  Khi nhà gái đồng ý sẽ có lễ nạp tệ, tức nhà trai đưa lễ đến nhà gái.

6.  Cuối cùng là lễ thân nghinh tức là lễ rước dâu về nhà chồng.

Về sau, các tục lệ rườm rà dần dần bị bỏ bớt chỉ còn lại lễ chạm ngõ, lễ ăn hỏi và lễ cưới. Các thủ tục ấy còn cho đến ngày nay.

Lễ chạm ngõ

Nhà trai nhờ bà mối (hay ông mối) tìm người con gái phù hợp với gia cảnh của người con trai rồi sau đó “đánh tiếng” với nhà gái. Bà (ông) mối thường là người hiểu gia cảnh của hai bên, giỏi ứng xử, xử lý những tình huống bất trắc xảy ra. Nếu nhà gái chấp nhận thì có thể tiến hành ngay bước chạm ngõ. Nhà trai thông qua bà (ông) mối sửa một cơi trầu gồm khoảng 10 đến 15 quả cau và trầu tươi sang nói chuyện ngỏ ý “cầu hôn” thường diễn đạt bằng câu “xin ông bà cho cháu được làm tôi con ông bà bên này".

Tại cuộc họp mặt này thường có cả chú bác ruột thịt của người cha bên gia đình nhà gái đến ăn trầu, uống nước và cùng nghe ý kiến của bên nhà trai. Sau lễ chạm ngõ, vai trò của bà (ông) mối rất quan trọng, là cầu nối, củng cố mối quan hệ giữa hai bên, thuyết phục nhà gái thuận cho ăn hỏi.

Lễ ăn hỏi

Trước khi làm lễ này, nhà trai phải có cơi trầu xin hỏi, sau đó chọn ngày tốt để làm lễ ăn hỏi (tiểu lễ). Thông thường nhà trai phải mang một buồng cau (cau bông) sai và to quả đều, đẹp (số lượng đủ để nhà gái chia cho trong dòng họ và cả làng, bạn bè mỗi gia đình một quả), dăm lạng chè ngon. Số lễ vật này đặt vào quả cưới, trên phủ vải đỏ và cho nam nữ thanh niên (chưa vợ) đội đi. Bà (ông) mối hoặc đại diện gia đình nhà trai có lời xin phép họ hàng nhà gái cho được bày lễ. Nhà gái nhận lễ đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên. Khi hương tàn, nhà trai xin phép ra về. Nhà gái hạ lễ đem buồng cau xuống, bẻ (không cắt) một cành 10-15 quả và ít chè biếu lại nhà trai gọi là lại quả. Sau cuộc này, nhà gái cho người biếu mỗi nhà trong họ một quả và mời bà con chòm xóm đến uống nước ăn trầu cùng chia vui, chứng kiến cô gái đó đã có nơi có chốn, không ai được đặt vấn đề hôn nhân nữa và cũng chính là sự giám sát của cả cộng đồng trong quan hệ của cô gái với các chàng trai khác trong làng.

Sau lễ ăn hỏi, chàng rể tương lai phải “sêu tết” cho bố mẹ vợ, mùa nào thức ấy, ví dụ tháng 5 dưa hấu, đường trắng; tháng 8 cốm, hồng quả...

Từ khi ăn hỏi đến cưới, thời hạn tuỳ theo gia cảnh đôi bên, nhất là bên nhà gái thường từ 1 - 2 năm. Trước khi cưới, người con gái phải nộp cheo cho làng gồm tiền, rượu. Trước đó phải đem trầu đến trình với tiên chỉ. Ngoài ra, nếu người con gái có bố là thành viên hội tư văn còn phải nộp cheo cho hội tại văn chỉ.

Lễ cưới

Lễ cưới thường được tổ chức từ sau rằm tháng 8 đến hết tháng 11 (âm) hàng năm, và trong tháng 2, tháng giêng năm sau, khi tiết trời mát mẻ hoặc ấm áp, không bận bịu với công việc đồng áng.

Sau khi hai gia đình bên trai, bên gái ấn định ngày cưới, nhà trai xin đem lễ dẫn cưới (thường là trước ba ngày). Ngoài gạo nếp, gạo tẻ, cau, rượu, tiền (số lượng cụ thể tuỳ yêu cầu của nhà gái, tuỳ thời điểm), còn có 3 - 4 lễ chín (xôi gà trống thiến hoặc xôi thủ lợn) gọi là cỗ đơm: 1 lễ nhà gái trình lên gia tiên, 1 lễ trình trưởng họ, 1 lễ trình lên về phía gia đình người mẹ cô gái, 1 lễ cho trưởng họ của mẹ cô gái.

Hà Nam cũng như ở nhiều vùng khác trong cả nước, trong cưới xin cũng có tục cưới chạy tang. Khi đó, các nghi thức cưới xin giảm đi phần lớn.

Nói chung, các lễ xung quanh việc cưới xin trước đây đều phải có trầu, cau, rượu, có nơi phải kèm theo cả tiền mặt. Riêng lễ nạp tệ thì có một số tiền nhà trai đưa đến cho nhà gái nên thường xảy ra chuyện thách cưới ở khâu này.

Có nơi gọi thẳng là tiền chợ (tiền để nhà gái lo việc cỗ bàn). Cũng có nhiều nơi nhà gái coi việc thách cưới là để giữ thể diện, danh giá cho con gái mình. Lễ vật như rượu, chè, trầu cau, bánh trái, tiền nong... mà nhà trai đưa đến càng nhiều, cỗ cưới tổ chức càng to thì càng chứng tỏ cô dâu là người cao giá. Chính vì thế, không ít đám cưới đã trở thành đám mua bán, mặc cả giữa đôi bên khiến cho quan hệ hai nhà có khi “bằng mặt mà không bằng lòng”, thậm chí có đám cưới không thành vì sự bất đồng ý kiến của các bậc phụ huynh trong việc tiến hành thủ tục. Ở một số địa phương những thủ tục rườm rà này kéo dài đến tận gần đây.

Trong những năm qua, do mức sống của nhân dân tăng lên, các đám cưới dường như trở lại những phiền toái cũ với việc tổ chức cỗ bàn linh đình. Điều này gây nên một sự mệt mỏi cho đôi vợ chồng trẻ và cho cả người đi dự cưới.

Thực hiện các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, sau một thời gian thực hiện cuộc vận động, hầu hết các đám cưới ở Hà Nam đều tổ chức theo đời sống mới. Các thủ tục giản tiện, chỉ làm gọn trong hai bước: lễ ăn hỏi và lễ cưới, tiến hành song song với đăng ký kết hôn ở Uỷ ban nhân dân xã, phường. Tất cả diễn ra trong một vài ngày. Việc cỗ bàn ăn uống linh đình đã giảm về cơ bản, chủ yếu chỉ còn tổ chức trong nội tộc.

II.   TỤC TANG MA

Ở Hà Nam, việc tổ chức tang lễ cho ngưòi chết không có gì khác biệt lắm so với các nghi lễ chung ở các vùng khác thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Sau khi người chết tắt thở, anh em và người thân trong gia đình tắm rửa, thay quần áo mới, nhập quan và lập bàn thờ cho người quá cố. Trên bàn thờ có bài vị, ảnh người quá cố, vải viền băng tang, hương hoa và nến.

Linh cữu quàn và bàn thờ có bài vị đặt ở gian giữa nhà, lúc này mọi nghi lễ của đám tang thực sự bắt đầu. Phường kèn trống được mời đến phục vụ. Tang phục (khăn trắng, áo vải xô, hoặc có cả mũ, gậy) được phát cho con, cháu, người thân. Người phúng viếng đến viếng người quá cố. Họ hàng, thông gia, bạn bè đến viếng đặt lễ viếng lên bàn thờ. Lễ phúng viếng thường không kéo dài. Sau đó là lễ đưa tang.

Ở Hà Nam, việc tổ chức tang lễ thường do hàng xóm, anh em họ hàng đảm nhiệm: Mọi người làm lễ phát tang, tế thành phục, lo đào huyệt và rước linh cữu đưa người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng. Khi công việc chôn cất xong xuôi, tang chủ lo cỗ bàn than để trả nghĩa họ hàng, làng xóm. Ngày nay, hầu như những người đến viếng và chia buồn sau khi đưa đám và thăm hỏi xong gia chủ, thường không ăn cỗ tang, trừ những người là họ hàng thân thích từ xa đến. Do vậy cũng đỡ tốn kém.

Ngày nay, trong tang lễ thường không còn bày đặt việc cúng tế đốt vàng mã, mời thầy cúng như xưa. Tang phục chỉ mặc trong ngày đưa đám, sau đó khăn và áo tang thường được bày trên bàn thờ cúng người đã khuất, những người thân may một miếng vải đen băng tròn đeo ở cánh tay để nhắc nhớ đến người đã khuất.

Sau khi chôn cất, có tục cúng 3 ngày, 49 ngày, 100 ngày, sau đó giỗ đầu và giỗ hết. Theo quan niệm xưa là muốn cho người chết được mát mẻ thì có tục làm chay cúng 3 ngày 3 đêm, có tục đốt vàng mã. Mọi vật dụng như nhà cửa, quần áo, giày dép, tiền vàng... làm bằng giấy mã được đem bày cúng, sau khi cúng xong sẽ đốt đi để gửi cho người chết ở thế giới bên kia. Việc làm này rất tốn kém cho gia đình. Ngày nay, các đám tang đã giảm bớt hủ tục này để chống mê tín dị đoan và lãng phí tiền bạc.

Khi người chết đã được ba năm, gia đình tiến hành việc bốc mộ gọi là sang cát hay cải táng, thường được chọn vào các ngày tốt trong hai tháng cuối năm. Đó là việc bốc mả, nhặt hài cốt của người chết, rửa sạch bằng loại nước sạch đun sẵn gọi là nước vang, sau đó xếp sang tiểu sành, chuyển đi chôn vĩnh viễn ở một nơi khác.

Sau khi sang cát, việc xây cất mộ vĩnh viễn, lập mộ chỉ thường được làm vào những thời gian sau.

Đồng bào theo đạo Thiên Chúa ở Hà Nam cũng như giáo dân trong cả nước, trong tục tang ma có nét khác biệt: Trước đây, khi gia đình có người chết, linh cữu được quàn tại nhà thờ, có cha xứ hoặc linh mục đến cầu kinh rửa tội cho người quá cố. Theo quan niệm của Thiên Chúa giáo, người chết sau khi chết là được vĩnh viễn về cõi vĩnh hằng với Chúa, vì vậy người thân không than khóc. Người chết chỉ chôn một lần, không có tục cải táng.

III.    TỤC KHAO VỌNG

Theo tục lệ ở phần lớn các làng quê người Việt ở châu thổ Bắc Bộ thì một người thành đạt, như đỗ đạt về học hành, mua ngôi thứ thăng quan hoặc lên lão đều phải khao làng. Trước đây, như quy định được ghi trong hương ước, người nào đỗ đạt và được phong sắc cấp bằng, được miễn sưu thuế thì phải đến trình tiên chỉ và kỳ mục, chức dịch trong thôn xin nộp khao. Đồ khao gồm thịt lợn, xôi, trầu cau, rượu đem đến đình làm lễ, lễ xong mời đồng dân uống rượu, sau đó người khao mới được ngồi theo ngôi thứ.

Người đi ăn khao cũng phải mừng bằng vật phẩm và tiền bạc. Tục lệ khao xưa thường rất tốn kém, gây lãng phí và cũng là dịp để buôn bán chức tước, khoe của, khoe danh vọng, trả ơn huệ của những người có quyền thế, có tiền của.

Ngày nay, những việc khao chức tước, phẩm hàm đã không còn nữa, nếu có chăng cũng chỉ là việc chúc mừng nhau khi có việc vui mừng trong gia đình, trong công việc, con cái học hành đỗ đạt... Thảng hoặc cũng có những người tổ chức ăn uống linh đình, mời khách khứa quá đông vào những dịp trên, nhưng thường không nhận được dư luận xã hội đồng tình.

Ở Hà Nam cũng như ở nhiều địa phương khác, xưa kia việc khao lão là hình thức phổ biến nhất. Khi xưa, đối với những người nào từ 60 tuổi trở lên thì vào ngày mồng 6 tháng Giêng, làng sẽ sắm trầu, cau đến chúc mừng để tỏ sự coi trọng người già. Mọi người đến chúc mừng chỉ có lời chúc tụng, không được bày cỗ bàn ăn uống. Người thọ từ 90, 100 tuổi trở lên thì làng sẽ cho một người con hoặc một người cháu được miễn trừ các khoản sưu thuế.

Ngày nay, đối với người đến 60 tuổi sẽ làm khao lên lão, tuổi 70, 80 thì khao thượng thọ, tuổi 90 thì khao thượng thượng thọ. Phong tục khao ngày nay thường giản tiện, người lên lão được cấp một giấy chứng nhận của làng và của Hội người cao tuổi và gia đình tổ chức một bữa cỗ để con cháu đến chúc mừng người cao niên. Con cháu thường may áo lụa đỏ để mừng cho ông, bà khi ông bà thọ 90 tuổi hoặc 100 tuổi trở lên.

IV.  TỤC GIAO HẢO VÀ KẾT NGHĨA GIỮA CÁC LÀNG

Tục giao hảo, kết nghĩa giữa các làng ở Hà Nam cũng như trong cả nước là một phong tục đẹp, có truyền thống bền lâu từ xa xưa. Tục giao hảo có một ý nghĩa quan trọng vì nó đã liên kết được các làng với nhau và nhằm thực hiện một nhu cầu thiết yếu là xây dựng và bảo vệ cuộc sống tốt đẹp của mỗi làng.

Tùy theo tình hình và yêu cầu cụ thể, các làng có thể kết nghĩa giao hảo với một làng hoặc với nhiều làng. Trong tỉnh Hà Nam từ thời xưa đã có nhiều làng kết nghĩa với nhau. Thí dụ:

- Hai làng Văn Xá, một ở huyện Lý Nhân, một ở huyện Thanh Liêm kết nghĩa giao hảo với nhau.

- Làng Bùi với bốn làng Cát, Nguyễn, Tràng, Thượng thuộc xã Trịnh Xá, huyện Bình Lục kết nghĩa giao hảo, hàng năm tổ chức tế lễ ở đình Bùi.

- Làng Tiên Lý (xã Đồn Xá, huyện Bình Lục) kết nghĩa với làng Dâu (xã An Mỹ, huyện Bình Lục), hàng năm lễ giao hảo diễn ra ở đình Tiên Lý.

- Làng Gừa (xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm) kết nghĩa với làng Đạo Truyền (xã Đồn Xá, Bình Lục), làng An Xá (xã Thanh Tuyền, huyện Thanh Liêm) kết nghĩa với làng Thịnh Châu Hạ (xã Châu Sơn, thị xã Phủ Lý)...

Hàng năm, giữa các làng kết nghĩa có tổ chức mở hội, tế lễ, để nhớ lại ngày kết nghĩa. Nhân dân các làng có kết nghĩa đối xử với nhau đều hết sức tôn trọng, thương yêu, quý mến nhau, có tinh thần đoàn kết tương trợ nhau. Hai bên thường quy ước qua lại thăm hỏi nhau vào những ngày hội hoặc những ngày lễ tiết lớn. Làng được mời chuẩn bị một đoàn đại diện để sang làng kết nghĩa với số người do hai bên đã quy định. Trang phục của đoàn đại diện phải trang trọng, chỉnh tề. Đoàn gồm những người cao tuổi, có chức sắc, hoặc những người có đông con cháu, sống mẫu mực trong làng... Đúng ngày giờ được mời, đoàn đại diện khăn áo chỉnh tề, mang lễ vật tới làng kết nghĩa. Bên mời cử người ra tận cổng làng để đón rước, cùng ra còn có cả một số trai đinh cầm cờ, lọng, phường âm nhạc... Dân làng phải tránh ra hai bên đường, cúi chào trân trọng. Các vị bô lão và các quan viên của làng đưa rước đoàn khách ra đình lễ thánh, sau đó tiếp khách ở nơi trang trọng, lịch sự nhất làng. Cỗ mời khách kết nghĩa là cỗ ngon, với những món đặc sản của làng hoặc của vùng mình.

Mỗi năm các làng kết nghĩa có các cuộc tiếp đón, đi lại giao hảo là nhằm củng cố tình đoàn kết, ngoài ra giữa các làng còn có những việc làm nghĩa tình, giúp đỡ lẫn nhau mỗi khi các làng gặp khó khăn hoặc có thiên tai địch họa.

Từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay, cơ cấu tổ chức của làng xã đã thay đổi nhiều qua từng thời kỳ. Trong làng đã thành lập ra các hợp tác xã nông nghiệp, các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề truyền thống... Trong làng có các chi bộ Đảng và các chi hội của các đoàn thể quần chúng như: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi... Trực tiếp điều hành các công việc hành chính trong làng là Trưởng thôn và Phó thôn, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng. Do vậy, các tục lệ cưới xin, ma chay, khao vọng, giao hảo... đã ngày càng được giản tiện đi rất nhiều, ngày càng phù hợp với sinh hoạt của đời sống hiện nay.

V. CÁC PHONG TỤC KHÁC

Trên đất Hà Nam còn có nhiều tục lệ cổ truyền khác như: tục hội Trương Lê đồng tộc ở Ngô Thượng (xã Tiên Nội, huyện Duy Tiên), lễ Khai độc (đem sắc phong ra đọc đầu năm) ở Đinh Xá (Bình Lục)...

Xin đơn cử một vài tục lệ hết sức đặc sắc của Hà Nam.

-  Tục rước oản các già

Tục này hàng năm diễn ra vào hai kỳ: ngày 5/1 âm lịch và ngày 8/4 âm lịch tại làng Thần Nữ nay thuộc xã Bạch Thượng (huyện Duy Tiên).

Làng Thần Nữ, tên nôm gọi là làng Nứa, một làng nằm trong vùng chiêm trũng của huyện Duy Tiên. Cùng với các làng Bùi Xá, Vũ Xá, Văn Xá, Đôn Lương (xã Yên Bắc) và Sa Lao, Đoài, Nhất, Trì (xã Tiên Nội)... làng Thần Nữ là một trong những địa điểm mà khảo cổ học đã phát hiện ra các trống đồng, mộ thuyền... Đây là một làng Việt cổ với đình làng, chùa làng thờ Tứ pháp, miếu cổ thờ thần với cây đa 500 năm tuổi.

Theo tục rước oản các già của làng Thần Nữ, một cụ bà cao tuổi, sống mẫu mực với đề huề con cháu sẽ được chọn bầu làm Gia chủ, kết hợp với việc Ngôi lần xỉ lượt lần trước. Cụ bà Gia chủ sẽ được các già làng và làng làm lễ rước oản từ nhà mình lên chùa, một nghi thức được coi là cực kỳ trọng đại của tục lệ này. Chuẩn bị cho lễ rước oản có đội phụ rước gồm 36 trai thanh, nữ tú mang trang phục màu sắc khác nhau tham gia rước cờ thần, kiếm thần và đội 5 mâm oản, 4 mâm chuối, 3 mâm trầu cau, hương hoa. Ngoài ra còn có một đội tế nữ quan gồm 26 cụ bà và một đội múa lân gồm 16 người. Trang phục của các cụ bà là áo dài nâu...

Đêm trước ngày lễ chính, các cụ bà đến nhà cụ Gia chủ để sửa soạn đồ lễ, chọn nếp cái hoa vàng để thổi xôi, đóng oản, bày các mâm lễ sao cho xong kịp trước khi trời sáng. Vào ngày lễ chính, từ sáng sớm, tất cả các cụ cùng đội phụ rước tập trung ở sân đình. Các đội rước xếp theo thứ tự: Đội múa lân có cờ, trống, kiếm thần, mâm lễ; kế đến là đội tế nữ của các già... sau nữa là dân làng đi dự lễ. Sau khi các đội làm lễ ở đình, đám rước đến nhà Gia chủ tiến hành tế lễ, các mâm lễ được rước lên chùa. Buổi lễ ở chùa gồm tế nữ quan, múa kiếm, đọc kinh Phật cầu nguyện cho gia chủ trường thọ khang ninh, cho các già làng và dân làng sức khoẻ, mùa màng bội thu...

Sau buổi tế lễ làng tổ chức múa kiếm, hát chèo, múa lân, đánh cờ, vật võ và các trò chơi thể thao khác tại sân đình.

Trong khi đó tại nhà Gia chủ, buổi liên hoan mừng thọ được tổ chức để con cháu, họ hàng và các già làng cùng dân làng đến chúc mừng. Sau ngày rước oản, Gia chủ sẽ có trách nhiệm trong việc tang lễ của các già trong làng như báo tang, thu tiền đóng góp lễ tang và các việc khác có liên quan. Công việc này được Gia chủ thực hiện đến kỳ rước oản của người tiếp sau.

Tục rước oản các già là một sự kiện trọng đại mà các già làng ai cũng mong muốn được đến ngôi lần xỉ lượt và được nhận trọng trách Gia chủ. Ai mà chưa được rước oản trước khi chết thì đó là điều bất hạnh, con cháu phải ân hận vì cha mẹ khi sống chưa trả được nghĩa cho làng. Ngôi lần xỉ lượt nghĩa là người cao tuổi được sống lâu và sẽ được đến lượt làm Gia chủ, nếu đủ điều kiện con cái, gia đình, đạo đức để được bầu chọn. Đây là một mỹ tục truyền thống đáng quý trong việc trọng xỉ (trọng tuổi) và trọng đạo đức của Hà Nam xưa.

Tục ăn tết lại ở Mỹ Thọ

Tục ăn tết lại của thôn Thượng Thọ (xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục) có liên quan tới một sự kiện lịch sử, đó là cuộc hành quân thần tốc của vua Quang Trung ra Thăng Long đại phá quân Thanh mùa xuân năm năm Kỷ Dậu (1789). Ngày 15 tháng 1 năm 1789, tại vùng núi rừng Tam Điệp (Ninh Bình), vua Quang Trung quyết định mở cuộc tấn công lớn tiến ra Thăng Long tiêu diệt toàn bộ quân Thanh, chiếm lại Thăng Long, giải phóng đất nước. Trước khi xuất phát, vua Quang Trung mở tiệc khao quân và tuyên bố: “Nay làm lễ ăn Tết Nguyên Đán trước, đợi đến sang xuân, ngày mùng 7 vào thành Thăng Long sẽ mở tiệc lớn sau. Các ngươi hãy ghi nhớ lời ta xem có đúng thế không?” (Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, quyển 30, trang 33). Nghĩa quân Tây Sơn được chia làm 5 đạo quân tiến ra Thăng Long, trong đó đạo quân thứ 2 do đô đốc Bảo chỉ huy được giao nhiệm vụ tiến ra Đại Áng (huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây) làm nhiệm vụ yểm hộ và phối hợp với đạo quân chủ lực. Trên đường hành quân, ông đã cho dừng chân ở thôn Thượng Thọ nhằm dưỡng sức quân và thu nạp thêm binh sĩ. Thời gian này đã giáp Tết Nguyên đán, nghĩa quân Tây Sơn được nhân dân địa phương đón tiếp rất nồng hậu. Nhiều thanh niên sở tại đã tình nguyện gia nhập đạo quân của đô đốc Bảo. Để động viên và khích lệ tinh thần quân sĩ, đô đốc Bảo đã truyền lại lời quả quyết của vua Quang Trung ở Tam Điệp trước lúc xuất quân và ông còn trồng một cây xanh để ghi lại dấu ấn của mình và khẳng khái tuyên bố trước ba quân: Cành xanh này sẽ sống đón chào đoàn quân chiến thắng trở về vào ngày mùng 8 tháng Giêng. Ngày đó ta sẽ cho ăn Tết lại để khao thưởng quân sĩ và toàn dân (ngày mùng 7 theo lịch sẽ ăn Tết ở Thăng Long). Ngày 5 Tết Kỷ Dậu (ngày 30 tháng 1 năm 1789), nghĩa quân Tây Sơn tiến vào Thăng Long, quét sạch giặc Mãn Thanh ra khỏi kinh thành. Ngày mùng 8 tháng Giêng, theo lời hẹn, đô đốc Bảo dẫn đoàn quân chiến thắng trở về thôn Thượng Thọ trong sự hân hoan chào đón của nhân dân. Cây xanh hôm nào ông trồng nay vẫn tươi tốt. Đô đốc Bảo mở tiệc lớn khao thưởng quân sĩ, toàn thể dân làng được mời cùng tham dự. Ngày này không khí trong làng thật sôi động nhộn nhịp, cờ quạt đủ màu sắc tươi thắm, chiêng trống vang rền, dân làng vào hội mừng chiến thắng. Sau ngày vui đó, không biết đô đốc Bảo đi đâu mất, dân địa phương dâng sớ tâu lên triều đình. Vua Quang Trung hết sức cảm kích trước tấm lòng trung nghĩa của ông, bèn phong cho ông là Đô đốc Quận Công, cho phép dân làng Thượng Thọ lập đền thờ ông ngay tại nơi ông trồng cây xanh ngày nào, lấy ngày mùng 8 tháng Giêng hàng năm làm ngày ăn Tết lại và cũng là mở lễ hội tưởng nhớ công lao vì dân vì nước của đô đốc Bảo. Từ đó, tục ăn Tết lại của địa phương ra đời và được truyền đến ngày nay. Ngôi đền thờ đô đốc Quận công Bảo ngày nay nằm ven đường số 64, dưới tán cây xanh ngày nào nay đã thành cổ thụ. Dưới gốc cây có bàn thờ trung thiên (ngoài trời). Đây là một di tích minh chứng cho việc một sự kiện lịch sử đi vào tâm thức người dân địa phương và cũng từ đây, một tập tục đẹp đã ra đời.

Hàng năm, sau khi vui Tết cổ truyền dân tộc, nhân dân Thượng Thọ lại tưng bừng chuẩn bị công việc cho ngày ăn Tết lại vào mùng 8 tháng Giêng. Ngày mùng 6, nhân dân rước kiệu quanh làng về đền thờ Quận công Bảo để tế. Ngày mùng 7, các hoạt động vui chơi giải trí, các trò chơi dân gian được tổ chức (thu hút đông người xem nhất là các trò chơi cờ người, đấu vật và bơi thuyền). Sáng mùng 8, làng tế lễ trọng thể. Văn tế tập trung ca ngợi dũng khí của nghĩa quân Tây Sơn và đô đốc Quận công Bảo. Lễ vật dâng tế ngoài hương đăng hoa quả, còn có hai thứ không thể thiếu được đó là bát cá quả nấu ám và một con cá chép nướng to. Theo lời nhân dân địa phương thì đây là những món ăn được ông Bảo dùng trong ngày hội khao thưởng quân sĩ khi xưa. Vào ngày này, dân làng tưng bừng vào hội, từng gia đình đều làm lễ cúng linh đình. Lệ làng trước đây quy định rằng: những chàng rể của làng (lấy vợ là người Thượng Thọ) phải dâng lễ vật (gồm hai con cá quả và một con cá chép còn sống tươi nguyên) và trực tiếp làm cỗ để lễ tổ tiên nhà vợ. Sau đó, vợ chồng hạ cỗ mời ông bà cha mẹ cùng con cháu trong gia đình quây quần ăn uống. Trong mâm cỗ không thể thiếu bát cá quả nấu ám và cá chép nướng. Ngày nay, thủ tục này không còn là quy định bắt buộc mà là sự hiếu thảo, tự nguyện của con cháu đối với cha mẹ, tổ tiên. Điều đặc biệt của tục ăn Tết lại là, mặc dù không khí của ngày Tết Nguyên đán vẫn còn tràn trề khắp xóm làng và trong từng gia đình, nhưng người dân vẫn háo hức chờ đón ngày Tết lại. Bởi đây không chỉ là ăn Tết mà còn là ngày hội làng với rất nhiều sinh hoạt văn hoá truyền thống tưng bừng, nhộn nhịp, trong một tinh thần uống nước nhớ nguồn và lòng thành kính đối với tổ tiên. Đối với những người đi xa, khi không về quê được vào dịp Tết Nguyên đán thì họ đều cố gắng về quê vào dịp ăn Tết lại để được sống trong không khí lễ hội cổ truyền của làng. Tục ăn Tết lại ở làng Thượng Thọ là một mỹ tục của quê hương núi Nguyệt sông Ninh.

(Còn nữa)

Điện tử

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy