kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam thảo luận ở tổ về các dự án luật

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam thảo luận ở tổ về các dự án luật

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 22/11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam thảo luận ở tổ 18, gồm các tỉnh: Hà Nam, Thanh Hóa và Trà Vinh.

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở tổ về các dự án luật
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: TTXVN

Buổi sáng, tham gia ý kiến thảo luận ở tổ về Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam Phạm Hùng Thắng đóng góp một số ý kiến tại mục I, điểm 1, Điều 8 (thuế suất) biểu thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, đại biểu đề xuất phương án: Đối với mặt hàng thuốc lá, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành là 75%, đề nghị áp dụng mức thuế tuyệt đối theo lộ trình phương án 2 trong dự thảo Luật.

Đối với mặt hàng rượu, bia thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành đối với rượu từ 20 độ trở lên là 65%, rượu dưới 20 độ là 35%, bia là 65%. Đề nghị tăng mức thuế suất theo lộ trình phương án 2 trong dự thảo Luật.

Lý do đề xuất: Các mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành đối với thuốc lá (75%) đã áp dụng từ 1/1/2019, mức thuế suất hiện hành đối với rượu từ 20 độ trở lên (65%); rượu dưới 20 độ (35%); bia (65%) đã áp dụng từ 1/1/2018. Đề xuất nâng mức thuế suất lên để hạn chế sử dụng; tăng nguồn thu ngân sách; hạn chế tác hại rượu bia, thuốc lá (theo Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, Luật phòng chống tác hại của rượu bia).

Đề xuất bổ sung vào điểm 4đ, Điều 8 dự thảo Luật: Dòng xe điện Hybid (HEV-Hybrid Electric Vehicle) được hưởng ưu đãi thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu (ICE – Internal Combustion Engine) cùng loại quy định tại các điểm 4a, 4b, 4c và 4d của biểu thuế tại Điều 8 luật này và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với dòngxe  Hybrid sạc ngoài –PHEV( Plug-in-Hybrid Electric Vehicle) bằng 50 % (hiện tại là 70%) so với xe động cơ đốt trong xe ICE ( Internal Combustion Engine) cùng loại.

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở tổ về các dự án luật
ĐBQH Phạm Hùng Thắng phát biểu thảo luận. Ảnh: P.V

Bên cạnh đó, việc áp dụng các ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các dòng xe HEV ở Việt Nam để giảm giá bán lẻ nhằm khuyến khích việc tiêu thụ các dòng xe này, góp phần tạo ra tác động tích cực về môi trường, giúp các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có thêm động lực phát triển bằng việc dịch chuyển dần sang sản xuất và lắp ráp các dòng xe thân thiện hơn với môi trường, phù hợp với xu thế chung.

Cũng theo đại biểu, trong dự thảo quy định nước giải khát có đường là mặt hàng mới được bổ sung vào diện chịu thuế với thuế suất dự kiến 10%. Việc bổ sung đối tượng chịu thuế mới sẽ có tác động rất lớn và rất nghiêm trọng tới sự phát triển của doanh nghiệp ngành hàng này vì vậy cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Đại biểu nhất trí với nội dung báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách, đề nghị cân nhắc việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, đồng thời có đánh giá kỹ hơn về tác động, biện pháp thực hiện, cũng như lộ trình phù hợp của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.

Mặt hàng xăng hiện nay đang phải chịu cùng lúc hai loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Xăng không phải mặt hàng xa xỉ, nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm bảo vệ môi trường. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Trong trường hợp cần thiết thì điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này.

Về Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đại biểu Phạm Hùng Thắng đóng góp ý kiến về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế (Điều 9). Theo đó, điểm m khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật quy định “Khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế” là không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Quy định này được luật hoá từ Nghị định 218/2013/NĐ-CP và quy tắc doanh thu tương ứng với chi phí của pháp luật kế toán.

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở tổ về các dự án luật
ĐBQH Trần Thị Hiền phát biểu thảo luận.

Quy định như dự thảo ảnh hưởng tiêu cực đến động lực đầu tư của doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung quy định theo hướng các loại chi phí liên quan đến việc chuẩn bị đầu tư và đầu tư các dự án mới nhưng sau đó gặp rủi ro dẫn đến không có doanh thu được tính vào diện chi phí được trừ khi xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp.

 Tham gia ý kiến thảo luận ở tổ, ĐBQH tỉnh Hà Nam Trần Thị Hiền đã đề xuất bổ sung, làm rõ một số nội dung đối với Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) nhằm  bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật và sự thống nhất giữa quy định của các điều, khoản trong luật với nhau tránh sự mâu thuẫn, chồng chéo.

Trong phiên thảo luận ở tổ buổi chiều, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam Phạm Hùng Thắng đã tham gia ý kiến thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Theo đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các nội dung sửa đổi, bổ sung, nhất là các nội dung luật hóa quy định tại các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng thời, đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 72 của Luật theo hướng bổ sung thêm đối tượng giải trình, người bị chất vấn là thủ trưởng “Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp” để thống nhất với Điều 104 Luật Tổ chức chính quyền địa phương và khoản 1, Điều 5 Luật Hoạt động giám sát.

Hiện nay theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Hoạt động giám sát mới chỉ điều chỉnh đến “thành viên của UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp”. Tuy nhiên tại điểm a khoản 1 Điều 5 Luật Hoạt động giám sát quy định: “HĐND giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND cùng cấp; giám sát hoạt động của Thường trực HĐND, UBND, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp...”.

Cùng với đó, xem xét sự cần thiết quy định “thời gian xem xét báo cáo giám sát của Đoàn giám sát” trong nghị quyết/quyết định thành lập đoàn giám sát. Bởi trong quá trình thực hiện cuộc giám sát, đối với mỗi nhiệm vụ đều cần một thời gian nhất định như thời gian xem xét báo cáo giám sát; thời gian giám sát trực tiếp tại cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; thời gian xây dựng, hoàn thiện báo cáo của đối tượng chịu sự giám sát; thời gian xây dựng, ban hành kết luận giám sát… Do đó, việc chỉ quy định thời gian xem xét báo cáo giám sát của đoàn giám sát trong quyết định thành lập đoàn giám sát là chưa đầy đủ, toàn diện. Thời gian xem xét báo cáo giám sát của đoàn giám sát nên quy định trong kế hoạch giám sát của đoàn giám sát.

Tại khoản 4 Điều 1 Dự án Luật sửa đổi (phương án 2) sửa đổi bổ sung khoản 2 Điều 7: "HĐND cấp tỉnh... có trách nhiệm gửi nghị quyết mà mình đã ban hành đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất là 3 ngày kể từ ngày ký văn bản” tương tự như vậy đối với cấp huyện và cấp xã cũng gửi đến cấp tỉnh và cấp huyện chậm nhất là 3 ngày kể từ ngày ký văn bản.

Đề nghị xem xét làm rõ quy định chậm nhất là 3 ngày kể từ ngày ký văn bản. Vì nghị quyết của HĐND các cấp được ký “Chứng thực” và theo nguyên tắc thì được ký vào ngày thông qua nghị quyết. Tuy nhiên, trên thực tế các nghị quyết của HĐND các cấp khi thông qua còn rà soát, chỉnh sửa sau đó mới ký chứng thực. Đề nghị sửa lại là “kể từ ngày thông qua và điều chỉnh thời gian gửi nghị quyết lên 5 ngày hoặc 7 ngày cho phù hợp với tình hình thực tế thực hiện…

P.V (tổng hợp)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy