kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Địa chí huyện Bình Lục: Bình Lục từ thế kỷ thứ XI đến thế kỷ XV

Địa chí huyện Bình Lục: Bình Lục từ thế kỷ thứ XI đến thế kỷ XV

Phần thứ hai – Lịch sử chống ngoại xâm CHƯƠNG II: BÌNH LỤC TỪ THẾ KỶ THỨ XI ĐẾN THẾ KỶ XV (LÝ - TRẦN - HỒ - LÊ SƠ)

Tin liên quan

1. Bình Lục với sự kiện dời đô năm Canh Tuất (1010)  của vương triều Lý 

Nhà Tiền Lê tồn tại 29 năm (980-1009) trải qua ba đời vua: Lê Đại Hành, Lê Trung Tông, Lê Long Đĩnh. Long Đĩnh (1005 -1009) sử ghi lại rằng Lê ngọa triều là vua ăn chơi vô độ, nhân dân oán ghét. Khi ông mất con trai tên là Sạ còn nhỏ nên một số triều thần như quan chi hậu Đào Cam Mộc cùng các quan trong triều tôn Lý Công Uẩn, khi ấy là người chỉ huy quân túc vệ trong cung cấm, lên ngôi hoàng đế vào năm 1009 (35 tuổi) đặt niên hiệu là Thuận Thiên, miếu hiệu là Lý Thái Tổ, cho dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La và đổi tên là Thăng Long. Đến năm 1054 thời Lý Thánh Tông (1054-1072) đổi tên nước là Đại Việt thay cho Đại Cồ Việt thời Đinh Lê[1].

Lý Thái Tổ đăng quang ngôi vua, thấy đất Hoa Lư có phần chật hẹp nên đã xuống chiếu dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Khi thuyền cập bến có rồng vàng hiện ra trên thuyền ngự vì thế mà đặt tên là kinh thành Thăng Long[2].

Đến nay chưa phát hiện có tài liệu nào ghi chép điểm xuất phát và đường đi của đoàn thuyền ngự khi dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Nhưng dựa vào thực địa thời ấy, các nhà nghiên cứu đã đưa ra suy đoán có thể đoàn thuyền vua tôi nhà Lý xuất phát từ thành ngoại, khu ghềnh tháp là nơi thường tập luyện thủy binh từ thời vua Đinh. Chỉ trong một thời gian ngắn toàn đoàn thuyền ngự có thể ra tới sông Hoàng Long với bến chợ Trường Yên tấp nập. Từ bến Trường Yên (Phủ Lý), nơi sông Đáy tách một nhánh chảy sang phía Đông hợp lưu với sông Châu (Châu Giang) thì đoàn thuyền đi vào Châu Giang đến ngã ba Lỗ Hà ra sông Hồng rồi tiến thẳng theo hướng Bắc mà lên thành Đại La chỉ còn khoảng 60 km [3]. Còn một cứ liệu khác đó là Ngọc phả chùa Vũ Bị, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục cho biết về cuộc dời đô của vua Lý như sau: Tháng ba (1010) trở về triều, vua Lý triệu ông Đào Cam Mộc hỏi về việc dời đô, Đào Công khuyên nên làm luôn. Vua bèn sai ông đóng thuyền lầu (thuyền có mui che kín để tránh mưa gió)... tất cả gồm 300 chiếc, đầu tháng 7 chia làm hai ngả, một ngả theo đường sông nhằm hướng Bắc đi tới thành Đại La, một ngã ra biển nối sông Nhị cũng tới thành Đại La nhưng ngả này phải đi nhanh hơn tới trước để lo liệu. Khi thuyền tới bên thành thì không biết từ đâu, thấy có hai con rồng vàng trước sau nâng đỡ ở nơi thuyền ngự, lúc lâu mới bay lên trời. Bởi vậy vua Lý bèn gọi kinh thành là  thành Thăng Long. Trong việc Thiên Đô của của vua Lý, trước sau đều do Đào Công lo liệu cho  thành (Trích Ngọc phả). Ngọc phả còn cho biết Lý Thái Tổ còn gả công chúa Thiềm Hoa cho Đào Cam Mộc. Một lần, vào mùa xuân 1010, Đào Cam Mộc hộ giá nhà vua tuần du trong nước. Đến đất Hương Ngư (thôn Vũ Bị, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục), đoàn ngự dừng lại nơi chùa làng. Phụ lão dâng canh cá rô mời vua nghỉ lại. Trước khi chia tay, Đào Cam Mộc cho sở tại một số vàng bạc để dựng chùa, khuyên dân khẩn hoang, hộ đê mở đường...và để lại một số quân bản bộ vượt thổ. Ban đầu làm ít gian nhà cỏ để sau này xây điện đón công chúa về ở. Khi cao tuổi, Đào Cam Mộc xin vua cho về Hương Ngư (Vũ Bị) cùng vui làm ruộng, đọc sách, ngâm thơ và cùng ở với Thiềm Hoa công chúa và sinh được 3 người con trai. Đào Cam Mộc được vua Lý phong thái sư Á Vương, nên sử sách ghi: Thái Sư Á Vương Đào Cam Mộc. Ông mất ngày 12 - 02 năm Ất Mão (1015), thọ 73 tuổi, Thiềm Hoa công chúa mất năm sau (ngày 01- 6-1016) tại Vũ Bị, xã Vũ Bản Bình Lục[4].

Như vậy, Ngọc phả chùa Vũ bị cho chúng ta biết thêm một tư liệu quý về con con đường dời  đô của  vua Lý và vai trò của Thái sư Á Vương Đào Cam Mộc. Từ đó ta thấy được quá trình dời đô với một chặng đường tuy không phải là dài lắm, nhưng ngày ấy điều kiện còn nghèo khó, mọi trang thiết bị bảo đảm cho cuộc dời đô chắc chắn gặp nhiều khó khăn. Đoàn thuyền ngự của vua phải được đảm bảo an toàn tuyệt đối. Vì vậy các địa phương nằm trên đường di chuyển của đoàn thuyền nhất định phải có trọng trách lớn. Chúng ta tin rằng, lúc ấy chính quyền và người dân vùng đất Hà Nam nhất là những nơi mà đoàn thuyền ngự đi qua (sông Đáy, sông Châu, sông Hồng, Hoàng Giang và có thể cả sông Thiên Mạc nữa), trên đất Hà Nam cũng như vùng đất Vũ Bị, xã Vũ Bản nơi có Thiềm Hoa công chúa là vợ Thái sư Á Vương Đào Cam Mộc người trực tiếp chỉ huy cuộc dời đô, chắc hẳn tất cả những vùng này người dân đã có những đóng góp tích cực cho sự thành công của cuộc thiên đô lịch sử.

Địa chí huyện Bình Lục Phần thứ hai – Lịch sử chống ngoại xâm
Bìa cuốn sách Địa chí huyện Bình Lục.

2. Bình Lục với cuộc nam chinh 1069 của vua Lý Thánh Tông (1054-1072)

Sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ tiến hành cuộc dời đô lịch sử và các vua triều 

Lý đã tập trung xây dựng quốc gia hùng mạnh. Năm 1054 Lý Thánh Tông đổi quốc hiệu là Đại Việt (thay cho Đại Cồ Việt). Tuy ý thức là vậy, nhưng  trong thời Lý có những khoảng thời gian giặc dã trong nước nổi lên cũng như giặc dã từ bên ngoài lăm le xâm lược nước ta, vì thế các vua Lý phải hết sức chăm lo đến việc giữ gìn sự yên ổn của đất nước cũng như bảo vệ đất nước trước các kẻ thù xâm lược.

Ngay từ thời Lý Thái Tông (1028-1054) vào năm 1038, đã xuất hiện giặc Nùng (Nùng Tồn Phúc) ở châu Quảng Nguyên, (Lạng Sơn) làm phản, tự xưng là Chiêu Thánh Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Trường Sinh, rồi đem quân đi đánh phá các nơi. Vua Thái Tông đã thân chinh đi đánh giặc và bắt được Nùng Tồn Phúc mang về kinh trị tội. Đến năm Giáp Dần (1044)  giặc Chiêm Thành quấy rối nước ta, vua Lý Thái Tông đã thân chinh chỉ huy tiến đánh vào kinh đô nước Chiêm[5].

Đến Lý Thánh Tông, đã có cuộc nam chinh 1069 tiến công quân Chiêm Thành, kẻ luôn dựa vào nhà Tống, thường hay đem quân quấy rối biên giới phía Nam Đại Việt, với âm mưu chiếm đất và xâm lược nước ta. Trước tình hình ấy,  ngày 24 tháng 2 năm 1069 vua Lý Thánh Tông đã hạ chiếu thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Trong cuộc chinh phạt này, Lý Thường Kiệt được cử làm Đại tướng kiêm chức Nguyên soái dẫn đầu đội quân tới 5 vạn người, chủ yếu là quân thủy với hàng trăm chiến thuyền.

Cuộc hành quân nam chinh của Lý Thánh Tông bắt đầu từ ngày 8-3-1069 xuất phát từ một bến sông Hồng thuộc địa phận kinh thành Thăng Long. Thuyền xuôi dòng sông Lô (Nhị Hà) qua Lý Nhân hành cung (vùng Nam Xương) rẽ xuống phía Nam rồi ra cửa Đại An.  Cửa Đại An nay trên sông Đáy cách bể chừng 20 cây số thuộc địa phận làng Quần Liêu, huyện Đại An nay là đất Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định... từ thời Lý trở về trước, cửa  biển này là  chỗ các thuyền mành qua lại để đi từ các sông nước ta ra bể vào Nam...[6].

Cuộc hành quân này đi qua đất Quyển Sơn (Kim Bảng), Lý Thường Kiệt đã cho quân dừng lại ở trại Canh Dinh ( nay là thôn Quyển Sơn phía hữu sông Đáy) làm lễ tế  trời cầu mong thắng trận. Khi thắng lớn trở về Lý Thường Kiệt đã cho dựng trại bên rừng Trúc (núi Cấm) giết trâu, mổ bò làm lễ tạ khao thưởng ba quân và mời dân làng cùng dự, rồi hát múa mừng chiến thắng. Sau này điệu hát ấy gọi là hát Dậm, Quyển Sơn. Nhân dân trong làng đã lập đền thờ Lý Thường Kiệt ngay tại đất mừng chiến thắng. Đó là đền Trúc dưới chân núi Cấm.

Tương truyền cuộc hành quân nam chinh của vua Lý Thánh Tông còn đi qua Cổ Viễn, xã Hưng Công, huyện Bình Lục, Thần tích, Thần sắc viết tháng Giêng năm Ất Dậu, vua Lý thân chinh đi đánh Chiêm Thành và Phan Công Chúa xin đi theo hộ  giá. Khi qua làng Cổ Viễn, xã Hưng Công, đạo Sơn Nam phụ lão, dân làng ra đón đường bái vọng và xin cho công chúa ở lại. Vua cảm động với tấm lòng của dân, đã đồng ý cho công chúa ở lại. Công chúa thấy dân đói khổ đã đem  của chẩn cứu cho dân, khuyên bảo việc canh nông và đồng cam cộng khổ cùng dân. Tháng 6, vua bắt được chúa Chiêm Thành là Chế Củ, khi qua làng Cổ Viễn công chúa xin nhà vua cho khai một con sông để tiện việc nước nôi trồng cấy và là giao thông đường thủy đi lại trong làng, trong vùng. Sau đó công chúa trở về kinh phụng sự vua cha. Khi công chúa mất, vua phong Thượng đẳng phúc thần. Dân làng Cổ Viễn nhớ ơn lập đình đền thờ phụng và tôn là Thành hoàng làng[7].

Trong cuộc chinh phạt này, ở thôn Thanh Nghĩa, xã Đồn Xá có Hoàng giáp Tiến sĩ Lý Công Bình tục gọi là Lý Thiên Cương, vị võ quan cao cấp thời Lý, được phong quốc tính từ Lê sang Lý và phong là Đại tướng. Ông còn được nhà vua gả công chúa Lan Hoa vì có công giúp vua diệt giặc Chiêm Thành, được cấp đất (lộc điền) ở xã An Lão huyện Bình Lục[8].

Có thể nói khi đoàn quân nam chinh đi qua vùng đất Hà Nam nói chung cũng như đi qua Bình Lục thì người Bình Lục tham gia vào cuộc nam chinh này và chắc chắn có sự giúp đỡ của nhân dân đối với đoàn quân cả về vật chất và tinh thần.

3. Bình Lục trong ba cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông, Nguyên thế kỷ XIII

Triều Lý tồn tại 216 năm trải qua 9 đời vua. Đời cuối cùng là Lý Chiêu Hoàng. Lịch sử chép rằng khi Lý Cao Tông làm vua (1176 - 1210), vị vua thứ 7 của nhà Lý bị Phạm Du (Nghệ An) làm phản. Vua Lý đã phải chạy lên vùng Tam Nông (Phú Thọ) lại gặp nạn Quách Bốc, thái tử Sảm chạy về thái ấp vào ở nhà Trần Lý và được anh em nhà Trần mộ quân, khôi phục kinh thành rồi đón Cao Tông và gia quyến về triều. Khi Cao Tông mất, Thái tử Sảm nối ngôi, lấy niên hiệu là Kiến Gia và sau có miếu hiệu là Huệ Tông nhưng chỉ sinh được hai con gái. Con cả là Thuận Thiên, gả cho Trần Liễu là con của Trần Thừa và là cháu nội của Trần Lý. Con gái thứ hai là Chiêu Thánh công chúa, được lập làm thái tử. Tháng 10 năm  Giáp Thân (1224), Lý Huệ Tông truyền ngôi cho Chiêu Thánh công chúa rồi vào ở chùa Chân Giáo, sau mất ở đó, trị vì 14 năm (1221-1225).

Lý Chiêu Hoàng sinh năm Mậu Dần (1218), làm vua vào năm (1224) tuổi còn quá nhỏ. Khi ấy Trần Thủ Độ là Điện tiền chỉ huy sứ, nên mọi việc trong triều đều do Trần Thủ Độ lo liệu sắp đặt. Trong điều kiện ấy, Trần Thủ Độ chủ trương cho Trần Cảnh là con thứ của Trần Thừa lấy Lý Chiêu Hoàng làm vợ. Sau đó mọi việc diễn ra đúng ý định. Từ đó dẫn tới việc Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh và sự nghiệp nhà Lý kết thúc, chuyển sang nhà Trần vào năm 2225.

Trần Cảnh làm vua ngày 11 -12- Ất Dậu (1225) lấy niên hiệu là Kiến Trung và sau này khi mất có miếu hiệu là Thái Tông (Trần Thái Tông). Cuộc hôn nhân của Trần Cảnh với Lý Chiêu Hoàng chỉ kéo dài đến khi Lý Chiêu Hoàng 19 tuổi mà vẫn chưa sinh con. Trần Thủ Độ lo không có người kế vị nên đã buộc Trần Thái Tông giáng  Lý Chiêu Hoàng xuống làm công chúa, rồi bắt chị của Chiêu Thánh là Thuận Thiên, vợ của Trần Liễu khi đó đang có thai vào làm Hoàng hậu. Bất hòa đã xảy ra  nhưng cuối cùng thì Trần Thủ Độ cũng sắp xếp yên ổn[9].

Nhà Trần tồn tại 175 năm (1225-1400) với 12 đời vua không kể hậu Trần và đã để lại những mốc son trong kháng chiến chống kẻ thù xâm lược. Đặc biệt là ba lần chiến thắng quân Mông Nguyên (phương Bắc) thế kỷ XIII, thế lực hùng mạnh nhất ở thời trung cổ, để tạo nên hào khí Đông A, hào khí nhà Trần. Trong các cuộc kháng chiến ấy người Hà Nam nói chung cũng như nhân dân Bình Lục đã có những đóng góp tích cực vào thắng lợi to lớn đó cho dù là gián tiếp hay trực tiếp.

Cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên lần thứ nhất, diễn ra từ ngày 17 tháng 1 năm 1258. Giặc kéo đến Bình Lệ Nguyên thuộc Tam Đảo (Vĩnh Phúc), giao chiến lớn đã xảy ra, trước thế lực mạnh của địch, vua tôi triều Trần tạm thời chủ động rút quân về Phù Lỗ, giặc đuổi theo, quân Trần rút về Đông Bộ Đầu. Khi này, triều đình nhà Trần đã rút khỏi Thăng Long và đóng ở khu vực sông Thiên Mạc thuộc vùng đất Duy Tiên, Hà Nam ngày nay. Vua Thái Tông ngự thuyền hỏi Thái úy Trần Nhật Hạo, Nhật Hạo lấy ngón tay chấm nước viết hai chữ “ Nhập Tống” vào mạn thuyền ý muốn nhờ vả nước Tống. Vua rời thuyền đến hỏi Thái sư Trần Thủ Độ, Thủ độ trả lời: Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo. Nghe vậy vua Trần Thái Tông mới thấy yên lòng thực hiện kế sách đánh giặc.

Việc rút quân, một mặt bảo đảm an toàn lực lượng, mặt khác làm cho kẻ địch mang tư tưởng chủ quan. Hơn nữa việc rút quân thực hiện vườn không, nhà trống làm cho quân giặc lâm vào tình trạng khó khăn về lương thực, thực phẩm, mỏi mệt, khi có điều kiện thuận lợi quân ta sẽ phản công. Với kế sách ấy khi quân giặc suy yếu về lực lượng và tinh thần, ngày 29-01-1258 quân ta phản công đánh tan quân giặc ở Đông Bộ Đầu.Giặc bị đánh bật khỏi Thăng Long buộc quân Mông - Nguyên phải  tháo chạy về Vân Nam (Trung Quốc) cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi.

Trong cuộc kháng chiến này, vai trò của vùng đất đất và nhân dân Hà Nam là khá quan trọng trong chiến lược rút quân bảo tồn lực lượng cũng như chiêu mộ quân sĩ cho kháng chiến. Khi vua tôi nhà Trần rút từ Thăng Long về khu vực sông Thiên Mạc là con đường rút lui chiến lược. Xuất phát từ Thăng Long theo dòng sông Tô Lịch đi vào sông Nhuệ xuôi dòng Thiên Mạc, tới ngã ba Tắc Giang rẽ vào sông Hồng, Hoàng Giang, phủ Lỵ Nhân, xuôi về phía Thiên Trường. Cuộc rút quân chiến lược diễn ra trong thế chủ động và có sự giúp đỡ bảo vệ của lực lượng bộ binh và nhân dân hai bên bờ sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Thiên Mạc và sông Hoàng Giang nên diễn ra an toàn[10].

Vua Trần còn chủ động trong việc xây dựng những thái ấp của tôn thất, bám theo con đường sông nước từ Thăng Long về Thiên Trường, Tức Mặc (nay thuộc Nam Định) đã tạo thành hệ thống đồn lũy vững chắc, sẵn sàng tiến công lại kẻ địch. Điều đó thể hiện tinh thần cảnh giác rất cao của vua tôi nhà Trần. Các thái ấp thường được đặt ở những vị trí hiểm yếu hoặc là những nơi khi cần thì đảm bảo an toàn cho nơi ngự của vua. Đó là thái ấp của Trần Khát Chân tại Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội ngày nay), thái ấp Trần Thông ở Thanh Oai (Hà Nội), thái ấp của Trần Quốc Tảng tại ngã ba Gián Khẩu (Ninh Bình), thái ấp Trần Khánh Dư ở ngã ba Dưỡng Hòa, Mộc Nam, huyện Duy Tiên, kho lương ở Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, thái ấp Trần Thủ Độ (Quắc Hương) tại xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, thái ấp của Trần Quang Khải ở Cao Đài, xã Mỹ Thành, (trước năm 1997 Mỹ Thành thuộc huyện Bình Lục nay thuộc huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định). Những thái ấp của nhà Trần đều là những chốt chặn quan trọng trong ba lần kháng chiến chống quân Mông Nguyên xâm lược. Cũng từ đất Bình Lục ngày ấy xuất hiện nhiều văn thần, võ tướng đi vào huyền thoại và lưu dấu ở đền thờ quê gốc như các ông Đô Dù Đại tướng quân xã An Ninh, Điền Quốc Công, Thành Quốc Công, Thiết Trụ Công ở Đông Thành xã Vũ Bản. Một vị danh y tòng quân chống giặc Mông Nguyên là ông Hồ Tố Đại vương ở xã An Lão, huyện Bình Lục[11].

Đó là những nhân vật tiêu biểu còn quân sĩ đi theo các ông chống giặc Mông Nguyên thì chắc rằng sẽ có nhiều. Mặt khác khi thái ấp Trần Thủ Độ được đặt ở xã Vũ Bản, huyện Bình Lục thì dân cư nơi đây thực hiện kế sách “ngụ binh, ư nông” cũng như nhân dân Bình Lục và nhân dân các vùng lân cận chắc chắn có một vai trò quan trọng trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm cũng như nguồn lực lượng cho kháng chiến cũng như bảo vệ an toàn cho tôn thất nhà Trần. Thái ấp này có đình Cả hiện đang thờ vua Trần Thái Tông, Thái sư Trần Thủ Độ và Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Đình đã được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2012.

 27 năm sau, tháng 1 năm 1285 lần thứ hai quân Mông Nguyên lại đưa 50 vạn quân do Thoát Hoan con trai Hốt Tất Liệt và Arikhaya cầm đầu hùng hổ kéo vào tiến đánh nước ta. Thế giặc mạnh, Trần Hưng Đạo quyết định tạm thời rút quân về Vạn Kiếp, Chí Linh, Hải Dương. Sau một số trận chiến đấu nhỏ lẻ, nhằm tiêu hao lực lượng địch. Quân chủ lực nhà Trần rút khỏi Thăng Long thực hiện “vườn không, nhà trống”. Quân giặc lúc này còn cử thêm 10 vạn quân từ Chiêm Thành (Chăm Pa) do Toa Đô chỉ huy tiến đánh ra Nghệ An. Trần Quốc Tuấn và vua tôi nhà Trần Iui về các lộ miền biển[12].

Khi rút khỏi Thăng Long, vua tôi nhà Trần đi theo đường sông Tô Lịch và sông Nhuệ rẽ vào sông Thiên Mạc (thuộc đất Duy Tiên, tỉnh Hà Nam ngày nay) rồi ra sông Hồng theo sông Long Xuyên, phủ Lý Nhân về Thiên Trường Nam Định.

Sau nửa năm không thắng được đội quân chủ lực của nhà Trần, quân giặc rơi vào tình thế khó khăn thiếu lương thực, thực phẩm, ốm yếu, mệt mỏi, lực lượng hao mòn.

Nắm bắt thời cơ đó, quân dân nhà Trần liên tiếp tấn công quân giặc và tiêu diệt chúng ở Tây Kết, Hàm Tử (thuộc Khoái Châu, Hưng Yên ngày nay), ở Chương Dương (thuộc Thường Tín, Hà Nội) và phản công vào Thăng Long. Trên đường tiến về Thăng Long đội quân nhà Trần dưới sự chỉ huy của Quốc Công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng các tướng Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật đã đánh vào các đồn của địch dọc theo sông Hồng để tiến vào giải phóng Thăng Long. Trần Quốc Tuấn đã thân chinh cùng quân sĩ đánh chiếm đồn A Lỗ (xóm A Lỗ, xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên), viên tướng nhà Nguyên chỉ huy đồn này là vạn hộ Lưu Thế Anh đã phải bỏ đồn rút chạy. Đây là trận chiến mở đường vào giải phóng Thăng Long[13].

Quân giặc bị đánh ở nhiều nơi và ngày càng suy yếu, thế lực của quân Trần ngày càng mạnh. Ngày mùng 10-6-1285, Thoát Hoan và bọn tàn quân tháo chạy về Bắc. Trên đường đi qua Lạng Sơn, Thoát Hoan còn phải chui vào ống đồng mới thoát chết. Toa Đô bị chém đầu ở trận Tây Kết, Ô Mã Nhi lẩn trốn thoát thân. Cuộc kháng chiến thắng lợi đất nước trở lại bình yên.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần thứ hai này, nhà Trần chuẩn bị kỹ lưỡng và quyết tâm rất cao, vì thế giặc lúc đầu rất mạnh. Một Hội nghị Diên Hồng của các bô lão với tiếng hô vang “Nên đánh”. Quân và dân ta khắc vào tay hai chữ “Sát thát” ( giết giặc) thể hiện ý chí trăm người như một. Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn thôi thúc quân dân sục sôi khí thế đánh giặc giữ nước. Trận chiến này, nhân dân Hà Nam nói chung cũng như người dân Bình Lục đã tham gia tích cực và để lại những dấu ấn, những tấm gương hy sinh cao cả như Trần Bình Trọng hậu duệ của vua Lê Đại Hành quê ở Thanh Liêm, Hà Nam. Khi bị bắt ông đã tuyệt thực, giặc hỏi việc nước ông không trả lời. Nhưng khi giặc hỏi ông Trần Bình Trọng đã thét lớn “Ta thà làm ma nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc”. Sau khi Trần Bình Trọng bị giết ngày 26-2-1285, vua Thái Tông được tin thương xót khóc mãi[14].

Còn ở Bình Lục ngày ấy  có Trần Duy Công ở xã An Lão, Nguyễn Trung Công và Nguyễn Thành Công là những nhân vật có công trong kháng chiến chống Mông Nguyên, được dân làng địa phương  lập đình đền thờ phụng[15].

Thất bại nặng nề ở Đại Việt khiến vua Nguyên hết sức tức tối vì thế y đã đem hàng chục vạn quân, hàng trăm chiến thuyền sang xâm lược Đại Việt lần thứ  ba. Lần này cũng do Thoát Hoan chỉ huy. Tháng 12- 1287 quân Nguyên ồ ạt tràn vào nước ta chúng đánh vào Lạng Sơn, rồi tiến xuống phía Nam đóng ở Vạn Kiếp và xây dựng căn cứ vững chắc. Cùng lúc đó đạo thủy quân gồm 600 chiến thuyền lớn của Ô Mã Nhi tiến vào theo sông Bạch Đằng. Ô Mã Nhi tiếp tục rong thuyền về Vạn Kiếp hội quân với Thoát Hoan. Lúc  đó quân ta do Trần Khánh Dư chỉ huy đã mai phục đánh tan đoàn thuyền lương của giặc do Trương Văn Hổ chỉ huy ở Vân Đồn. Quân giặc thiếu lương thực nên tháng 1-1288 Thoát Hoan ra lệnh cho quân tiến xuống Thăng Long. Nhưng lúc ấy Thăng Long chỉ còn là vườn không nhà trống quân giặc không những không cướp bóc được của cải mà còn bị quân dân ta ở khắp nơi chống trả quyết liệt. Quân giặc rơi vào thế cầm cự khó khăn đã quyết định lui quân ra khỏi Thăng Long. Đến đầu tháng 4-1288, đoàn thuyền do Ô Mã Nhi chỉ huy có kỵ binh hộ tống được lệnh rút quân vì bị kiệt quệ. Khi Ô Mã Nhi rút quân đến cửa sông Bạch Đằng, quân ta lập kế dụ địch lọt vào trận địa mai phục. Với kế lợi dụng thủy triều đóng cọc ở lòng sông. Đạo thủy quân của giặc bị tiêu diệt, Ô Mã Nhi bị bắt sống. Cũng trong thời điểm đó, Thoát Hoan đã dẫn bọn tàn quân tháo chạy chạy theo hướng Lạng Sơn cũng bị quân ta mai phục đánh tan tác. Cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên lần thứ ba kết thúc thắng lợi. Có thể nói sau hai lần Thoát Hoan cầm quân đánh vào Đại Việt, chúng đều bị thất bại nên Thoát Hoan vô cùng tức tối. Lịch sử chép rằng: khi vua Trần rút lui từ Thăng Long về Thiên Trường để ra cửa biển Giao Hải, thì Thoát Hoan và Ô Mã Nhi đã đuổi theo nhưng không làm gì được. Khi tới đất Thái Bình, chúng đã cho quân khai quật lăng mộ của Trần Thái Tông tại phủ Long Hưng và đã bị lực lượng dân binh ở nơi đây chống trả quyết liệt. Trong cuộc kháng chiến này, người dân vùng đất Hà Nam ngày nay có nhiều công lao tích cực trong việc bảo đảm an toàn cho vua tôi nhà Trần trên đường tạm thời lui quân về phủ Thiên Trường. Ở Bình Lục, người dân vẫn thường nhắc đến những nhân vật như Bảng Công và Đông Công quê ở Trịnh Xá, huyện Bình Lục,văn võ song toàn đã tập hợp lực lượng đi theo Trần Hưng Đạo hợp lực trong trận cắm cọc ở sông Bạch Đằng. Khi thắng trận vua phong cho Bảng Công là Trung Bảng Đại vương, phong cho Đông Công là Đông Nam Đại vương, lập đền ở địa phương để thờ phụng [16]. Có  thể nói trong ba lần chiến  thắng quân Mông - Nguyên nhân dân Hà Nam nói chung cũng như nhân dân Bình Lục đã có những đóng góp sức người sức của rất đáng tự hào vào công cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc bảo vệ vững chắc biên cương Đại Việt. Trong triều đại nhà Trần, Bình Lục là một huyện không rộng lắm nhưng có tới hơn 20 đình đền thờ các danh tướng quân của nhà Trần cũng như những những nhân vật có công lao to lớn trong kháng chiến chống kẻ thù xâm lược Mông - Nguyên thế kỷ XIII.

4. Bình Lục trong kháng chiến chống giặc Minh, thời nhà Hồ và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi.

Vua Trần Thuận Tông, vị vua thứ 11 của nhà Trần lên ngôi năm 1388 và giữ ngôi đến 1398 thì bị Hồ Quý Ly là bố vợ của Trần Thuận Tông, lúc ấy đang giữ chức Thái sư (dạy vua) đã lợi dụng vị trí và quyền hành thâu tóm mọi việc trong triều ngoài lộ. Năm 1397, Quý Ly bắt vua Thuận Tông phải dời kinh đô về Tây Đô (Thanh Hóa). Năm 1398 Quý Ly ép Thuận Tông nhường ngôi cho con là thái tử Án lúc ấy mới 3 tuổi và có miếu hiệu là Thiếu Đế (Trần Thiếu Đế). Quý Ly tự xưng là Khâm Đức Hưng Liệt Đại vương, rồi sai người giết Thuận Tông con rể của mình và cướp ngôi vua của Thiếu Đế lập nên nhà Hồ năm 1400, lấy quốc hiệu là Đại Ngu (ngu là yên vui - Nhà Ngu thời Nghiêu Thuấn  bên Trung Quốc) có tiếng là thái bình thịnh trị.

Nhà Trần sụp đổ, nhà Hồ lên nắm quyền nhưng không cố kết được lòng dân nên tháng 11-1406 khi quân Minh kéo 20 vạn quân do tướng Trương Phụ, Mộc Thạch…ồ ạt  tiến vào xâm lược nước ta. Chúng lấy cớ nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần nêu “phù Trần, diệt Hồ”. Nhà Hồ đã tập trung chiến đấu quyết liệt nhưng không giành được thắng lợi. Kết cục là cha con Hồ Quý Ly và những tướng lĩnh nhà Hồ bị bắt giải về Kim Lăng (Trung Quốc) cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại.

Nhân dân Đại Việt vẫn tiếp tục đấu tranh và có nhiều cuộc khởi nghĩa nổi lên, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Trần Ngỗi (con thứ của Trần Nghệ Tông) tự xưng là Giản Định đế ở ngôi (1407-1409) và Trần Quý Khoáng (cháu ruột Trần Nghệ Tông) tự xưng là Trùng Quang Đế (1409-1414). Hai ông ở ngôi vua mà sử sách gọi là Hậu Trần đã tập trung lực lượng chống lại giặc Minh quyết liệt nhưng không giành được thắng lợi. Giản Định Đế bị bắt, Trùng Quang Đế cũng bị địch bắt nhưng đã nhảy xuống sông tự vẫn. Đất nước lâm vào cảnh rối ren và bị giặc Minh áp bức nặng nề.

Bốn năm sau, tháng 2 -1418 Lê Lợi đã tập hợp được lực lượng khoảng 2.000 người và quyết định dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, Thanh Hóa. Với sự lãnh đạo tài ba của Lê Lợi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, sau 10 năm đã giành được thắng lợi, nhà Minh buộc phải mang tàn quân chạy về nước.

Ngày 15-04-1428, Lê Lợi chính thức lên ngôi vua lấy hiệu là Thuận Thiên và sau có miếu hiệu là Thái Tổ, Lê Thái Tổ vẫn giữ tên nước là Đại Việt và ban Bình Ngô Đại Cáo, do Nguyễn Trãi biên soạn. 

Trong cuộc kháng chiến này, nhân dân vùng đất Hà Nam nói chung và nhân dân Bình Lục bằng nhiều cách thức đã có những đóng góp nhất định, đặc biệt là cuộc phản công năm 1426 -1427 của Lê Lợi trong đó có đạo quân hơn 2000 quân sĩ cùng với voi chiến do các tướng Bùi Bị, Lưu Nhân Chú tiến đến vùng Thiên Trường, Nam Định vùng Khoái Châu, (Hưng Yên) đánh chặn đường lui của giặc. Với giao thông đường thủy thuận lợi là sông Hoàng Giang, sông Đáy, Ninh Giang thuộc vùng đất Bình Lục, Thanh Liêm, Phủ Lý, Lý Nhân thì việc góp sức người sức của cho khởi nghĩa của nhân dân Bình Lục và nhân dân trong vùng cho dù là gián tiếp hay trực tiếp cũng là những dấu ấn quan trọng góp phần vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa. Trên vùng đất Hà Nam ngày ấy, có Vũ Cố người Thanh Liêm đã mang quân hội tụ với nghĩa quân Lam Sơn và được Lê Lợi giao nhiệm vụ tuyển quân, huấn luyện quân, thế thì người Thanh Liêm,người Bình Lục, người Phủ Lý, Kim Bảng, Lý Nhân (vùng đất Hà Nam ngày nay) chắc chắn sẽ được Vũ Cố tuyển dụng những thanh niên trai tráng tham gia cuộc khởi nghĩa này. Theo nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Văn Huyền: Dấu tích lịch sử của thời Lê ở huyện Bình Lục dày đặc phong phú và xuyên suốt 4 thế kỷ (15-18) của triều đại này. Hai ông Lê Thuận, Trần Toản quê ở Phạm Xá, xã Đinh Xá đã vào Lam Sơn theo Lê Lợi khởi nghĩa đánh đuổi quân minh xâm lược. Bà Ả Đào ở Tiên Lý, xã Đồn Xá cùng hai em trai chiêu tập nghĩa quân bản địa tập kích tiêu diệt đồn giặc Minh ngay trên đất làng Dâu, xã An Mỹ, huyện Bình Lục. Tại thôn Phạm, xã Đinh Xá có di tích lăng miếu của võ tướng Lê Huy Đạo kéo theo cả một tôn thất chi phái họ Lê ngành trên Lê Lợi còn sinh sống ở đó cho đến ngày nay (1986). Tại xã Vũ Bản, có một tấm bia mốc ruộng năm Hồng Thuận thứ 5 (1573) ghi rõ là ruộng thế nghiệp (cha truyền con nối) của Nghĩa Quốc Công tức Nguyễn Văn Lang một võ tướng cao cấp thời Lê. Tại thôn Độ Việt, xã Vũ Bản có đình thờ hai tướng Lê Lựu, Lê Lạn là những tướng tài của Lê Lợi. Theo điều tra bước đầu trên thực địa, ở thời Lê trên đất Bình Lục còn có vị Nguyên soái quốc sử Đoàn Văn Tài ở thôn Bùi, xã Trịnh Xá là một trong những vị tướng giỏi của thời Lê[17]. 

Những dấu tích trên đất Hà Nam và đất Bình Lục trong khởi nghĩa chống quân Minh (giặc Ngô) tuy không còn nhiều nhưng những ngôi mộ cổ ở Liễu Đôi, Thanh Liêm, Tiêu Động, Bình Lục tương truyền là những ngôi mộ Hán, mộ quân Minh (Ngô). Những địa danh mang tên như thành giặc Ngô ở vùng đất Liêm Túc, Liêm Sơn ( Thanh Liêm)[18] và ngay trên đất thái ấp của Trần Thủ Độ ở xã Vũ Bản, huyện Bình Lục cũng có cánh đồng mà dân làng thường gọi là cánh đồng vườn Ngô, mà vùng đất này vốn là một cánh đồng trũng, lịch sử chưa bao giờ làm được vụ đông ở vùng này. Tương truyền tại những gò đống của cánh đồng này đã diễn ra trận chiến đấu ác liệt giữa quân ta và giặc Minh (Ngô) mà trong trận chiến này người dân địa phương giữ một vai trò quan trọng. 

_____________________________________

[1] Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng, SDD, tr 77-82 87

[2] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư tập I - Địa chí Hà Nam, tr 260

đoàn thuyền xuôi theo hướng Đông tới ngã ba Gián Khẩu nơi Hoàng Long hợp lưu với sông Đáy rồi ngược theo Sông Đáy đi lên hướng Bắc đến làng Châu Cầu 

[3] Nguyễn Vĩnh Phúc, Nguyễn Văn Lê - Hà Nội con đường, dòng sông lịch sử-NXBGTVT - H1984, tr 40-43 Địa chí Hà Nam - SĐD, tr 260

[4] Nguyễn Thế Vinh - Dấu tích Thiên Đô, tr 46-47-71-83

[5] Quỳnh Cư - Đỗ Đức Hùng SDD, tr 84-85

[6] Hoàng Xuân Hãn - Lý Thường Kiệt - NXB sông Nhị - H 1949, tr 54;  Địa chí Hà Nam SDD, tr 261

[7] Thành tích, Thần sắc Hà Nam SDD, tr 58-59

[8] Lịch sử xã Đồn Xá, tr 16, Nguyễn Văn Huyền SĐD, tr 40-41

[9] Quỳnh Cư - Đỗ Đức Hùng - SĐD, tr 112 

[10] Địa chí Hà Nam, tr 264 - SĐD,tr 264

[11] Nguyễn Văn Huyền dấu tích gia xưa một  vùng sông Châu, núi Quế Tạp chí văn nghệ số 34 Hội VHNT Hà Nam Ninh, tr 40

[12] Lịch sử Việt Nam thế kỷ X đến 1858 - NXB - Giáo dục . H.1998, tr 22-23

[13] Địa chí Hà Nam SĐD, tr 268;  trang 268, Quốc sử quán triều Nguyễn, Việt sử thông giám mục I, tr 521. Đại Việt sử ký toàn thư II, tr 53

[14] Địa chí Hà Nam SĐD, tr 268;  trang 268 Quốc sử quán triều Nguyễn, Việt sử thông giám mục I, tr 521. Đại Việt sử ký toàn thư II, tr 53

[15] Địa chí Hà Nam SĐD, tr 267. Thần tích, Thần sắc Hà Nam, tr 84 

[16] Thần tích, Thần sắc, tr 113 - 114 , Lịch sử Đảng bộ xã Trịnh Xá, tr 7, 8

[17] Nguyễn Văn Huyền - SĐD, tr 41

[18] Địa chí Hà Nam - SĐD, tr 274

Địa chí Huyện Bình Lục

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy