Địa chí huyện Bình Lục: Giao thông vận tải – Bưu chính viễn thông

Phần thứ ba – Kinh tế: Chương IV. Giao thông vận tải – Bưu chính viễn thông

CHƯƠNG IV: GIAO THÔNG VẬN TẢI

I. Giao thông vận tải huyện Bình Lục trước khi hòa bình lập lại năm 1954

 1.“Sáu tháng đi chân, sáu tháng đi tay” và “đầu đội vai mang” là hình ảnh được dân gian tổng kết về giao thông vận tải ở Bình Lục kéo dài hàng vài thế kỷ. Với đặc điểm là đồng đất trũng thường ngập nước về mùa mưa, giao thông đi lại trong huyện và với bên ngoài chủ yếu là bằng đường thủy. Đó là sông Châu Giang chi lưu của sông Đáy; Sông Ninh Giang chi lưu của sông Châu Giang; sông Sắt nối sông Châu Giang với sông Ninh Giang; sông Dương Giang[1]. Các sông Châu, sông Sắt tàu thuyền 6 đến 10 tấn tải trọng có thể vận chuyển bốn mùa trong năm, nối Bình Lục với sông Đáy, sông Hồng.

 2. Về đường bộ[2]

a. Năm 1905 tuyến đường sắt Lạng Sơn-Hà Nội-Vinh được hoàn thành đi vào khai thác chạy qua địa bàn huyện Bình Lục từ cầu Ghéo xã Đồn Xá tới cầu Họ xã Trung Lương nối liền Hà Nam với Nam Định, có ga Bình Lục. Đường quốc lộ 21 làm năm 1904 – 1905 đi giáp đường sắt qua địa bàn huyện Bình Lục từ cầu Ghéo đến cầu Họ. Đây là các tuyến đường do Pháp đầu tư để khai thác thuộc địa. Nhưng cũng tạo cho Bình Lục giao thương với các tỉnh khác. 

b. Đường tỉnh rải đá

- Đường 62 (Phủ Lý đi Như Trác) là tiểu bối giữ nước sông Châu Giang về Bình Lục qua địa phận các xã Văn Mỹ, Tràng Duệ, Mỹ Duệ, Ngô Khê, Cát Lại (nay là hai xã Tràng An và Bình Nghĩa) dài 7,625km.

- Đường 63 (Ngô Khê đi Nga Khê) về Bình Lục qua địa phận xã Ngô Khê, Cát Lại, Thịnh Kiến (nay là xã Bình Nghĩa) dài 3,5km.

c. Đường đê sử dụng làm đường giao thông

- Đường đê sông Châu Giang (sau này gọi là đường 63b) từ Mỹ Duệ (thuộc xã Tràng An) qua Đồng Du, bên đò An Bài (thuộc xã Đồng Du) sang sông đến địa phận xã Hững Công, Ngọc Lũ, Bồ Đề, An Ninh; rải đá, dài 20km. 

- Đường bờ sông mới (sông Sắt): từ địa phận xã Hưng Công đến Mỹ Đô (xã An Lão ngày nay) qua xã Đồng Du, An Mỹ, An Đổ, Tiêu Động, An Lão dài 15km, đường đất.

d. Đường đất 

- Đường từ huyện lỵ đến Tái Kênh qua các xã Mỹ Thọ, Đồn Xá, Trịnh Xá, Đinh Xá, nối với đường 62 dài 9,25km.

- Đường từ Mỹ Duệ (xã Tràng An) đến Vĩnh Tứ (xã An Lão); sau này gọi là đường 64: qua các xã Tràng An, Trịnh Xá, An Mỹ, Mỹ Thọ, La Sơn, Tiêu Động, An Lão dài 19km; đắp năm 1934.

- Đường nối từ đường 64 về huyện Thanh Liêm qua xã La Sơn ngày nay dài 1,625km; đắp năm 1934

- Đường nối đường 64 từ thôn Thứ nhất về thôn Bói Kênh (thuộc xã An Lão ngày nay) dài 2,5km; đắp năm 1934

- Đường từ Duy Dương đến Văn Ấp qua các xã Trung Lương, An Nội, Vụ Bản, An Nội, Bồ Đề (ngày nay) dài 8,5km.

- Đường từ Hưng Công đến Khê Câu qua các xã Hưng Công, Bối Cầu, An Nội dài 6km

e. Trong nội đồng, đường bộ liên xã, liên thôn rất ít, chủ yếu là về mùa khô. Đến mùa mưa đông ngập úng kéo dài, có nhiều kênh rạch, chủ yếu vận chuyển đi lại bằng thuyền nan giữa các thôn, xóm, làng, xã với nhau.

II. Giao thông từ hòa bình lập lại năm 1954 đến nay

1. Về giao thông nông thôn

 Sau kháng chiến chống Pháp, đường xá vốn mật độ thấp lại bị hư hỏng nặng. Ngay từ cuối năm 1954 đã huy động 5000 ngày công đào đất gần 10000m³ đất đắp lại hệ thống đường liên xã liên thôn đã bị tàn phá trong chiến tranh. Năm 1956 đắp và sửa 135 con đường, tổng chiều dài 37,5km với 27.185 ngày công góp phần vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế. Kể từ đó tới nay sự phát triển của giao thông nông thôn huyện Bình Lục qua ba giai đoạn:

1.1. Giai đoạn giao thông kết hợp với thủy lợi

Ngay từ sau hòa bình lập lại năm 1954 công tác thuỷ lợi luôn được gắn liền với đào đắp mới, tu sửa các tuyến đường để phục vụ sản xuất và dân sinh. Ngày 22/8//1965 huyện ủy Bình Lục ra nghị quyết về công tác giao thông, vận tải, thủy lợi. Sáu tháng đầu năm 1965 đã đào đất 102 con đường với chiều dài 183km cùng với việc đào đắp ba công trình đại thủy nông, 27 công trình trung thủy nông. Năm 1966 kết hợp với công tác thuỷ lợi toàn huyện đã đào đắp hàng triệu m³ đất với tổng chiều dài hàng trăm km đường liên xóm, liên xã. Chỉ riêng năm 1968 đã đào đắp 197km với khối lượng 431867m³ đất. Ngành giao thông đã tu sửa 23,262km đường trục huyện, các tuyến đường 63, 64, 56. Kết quả bước đầu đã góp phần giải phóng đôi vai, giảm nhẹ sức lao động cho nhân dân.

   Sau nhiều năm phấn đấu gian khổ, cùng với kết quả công tác hoàn chỉnh thủy nông, theo hướng giao thông vận tải kết hợp với thuỷ lợi, đã hình thành mạng lưới đường bộ, đường thủy rộng khắp trong toàn huyện, từ nhà kho, sân phơi ra đồng; nối liền các thôn xóm tới các trục đường liên thôn, liên xã; nối với các đường trục chính của huyện, tỉnh. Toàn huyện có 5 tuyến đường ngang với chiều dài 46,5km và 5 tuyến đường dọc dài 56km, cùng với các đường trục liên xã, trục xã và đường nông thôn, đường ra đồng với tổng chiều dài hàng ngàn km. Về hệ thống đường thủy ngoài 3 sông chính là sông Châu Giang, sông Sắt, sông Ninh Giang đã đào mới 6 sông máng lớn và vừa với tổng chiều dài 113km bao bọc quanh huyện, nối liền 3 trục lớn là sông Châu Giang, sông Sắt và sông Biên Hoà.

Tuy nhiên phong trào giao thông còn hạn chế, đường xá nhiều nhưng chủ yếu là đường đất, một số trục đường liên xã, hợp tác xã, xe chưa đi vào được, nạn xẻ đường chống hạn, chống úng phục vụ trước mắt, không được tu sửa kịp thời dẫn đến vận chuyển, đi lại khó khăn, hiệu quả thấp.

1.2. Giai đoạn cứng hóa mặt đường từ năm 1987 – 2000

Từ năm 1987 huyện phát động phong trào giao thông nông thôn với mục tiêu cứng hóa mặt đường. Nhân dân trong huyện đã tận dụng và huy động các loại vật liệu gạch vỡ, sỉ than, sỉ vôi, đá dăm, đất lẫn đá, nhựa, bê tông... với phương châm dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng. Phong trào được nhân dân hưởng ứng rộng khắp. Ngay từ năm 1988 đã có 12/27 xã làm tốt việc cứng hóa mặt đường. Đến năm 1990, 24/28 xã rải cứng mặt đường liên thôn, liên xã. Tổng chiều dài đường đã nâng cấp của huyện và xã là 235km. Giai đoạn 1991 – 1995 đã đầu tư gần 20 tỷ đồng và hàng triệu ngay công để cứng hóa mặt đường giao thông. Có 100 % đường liên xã, trục xã và 80% đường trục thôn xóm được giải mặt cứng, 7 xã rải hơn 17km đường nhựa. Giai đoạn 1997 đến 2000 giao thông nông thôn phát triển mạnh. Toàn huyện có 80km đường rải nhựa, Trong đó hoàn thiện việc rải nhựa đường 64A, 64B, đường 56, đường Kênh Ben, đường Điện Biên. Đường đến UBND các xã hầu hết đã được rải đá, bê tông. 258km đường thôn xóm và đường ra đồng được đổ bê tông, lát gạch nghiêng, rải đá cấp phối. Năm 1999 huyện Bình Lục được chính phủ tặng cờ về phong trào làm đường giao thông.

1.3. Giai đoạn kiên cố hóa mặt đường từ năm 2000 – 2020

Đầu năm 2001, UBND tỉnh Hà Nam ban hành quyết định 165 về cơ chế hỗ trợ 8 lĩnh vực hạ tầng nông thôn trong đó có giao thông nông thôn. Trong 5 năm 2000 đến 2005 toàn huyện đã rải nhựa và bê tông hóa được 370,9km và rải đá cấp phối 191km đường trục huyện, xã, thôn xóm và đường ra đồng. Huyện Bình Lục trở thành huyện dẫn đầu về thành tích làm đường giao thông nông thôn được chính phủ tặng cờ luân lưu và nhà nước tặng huân chương lao động hạng ba. Năm 2007 huyện Bình Lục được tiếp nhận và triển khai dự án kiên cố hóa đường đến trung tâm các xã thuộc chương trình trái phiếu chính phủ ở tất cả các xã với quy mô...........tuyến đường. Kết cấu đường cấp 5, nền đường 5 nét, mặt đường bê tông 3,5 mét, dày 20-25cm. Đến năm 2015 thì kết thúc. 

Từ năm 2010 thực hiện đề án chương trình nông thôn mới, tỉnh hỗ trợ xi măng cho giao thông nông thôn và hỗ trợ đá cho đường ra đồng. Nhân dân Bình Lục hăng hái tham gia và đóng góp công sức, tài chính, phong trào hiến đất làm đường, phá tường dẹp giậu diễn ra sôi nổi. Trong năm 2010 – 2015 toàn huyện đã bê tông hóa được 234,65km đường trục xã, liên xã, 636,23km đường xóm theo tiêu chí nông thôn mới, đắp nền được 276,38km và bê tông hóa được 24,66km đường trục chính nội đồng. Đầu năm 2020 toàn bộ hệ thống giao thông nông thôn đạt được tiêu chí tiêu chuẩn nông thôn mới:

Địa chí huyện Bình Lục Giao thông vận tải – Bưu chính viễn thông
Nguồn: Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bình Lục

III. Các tuyến đường bộ quốc lộ tỉnh lộ huyện lộ đến 2020

1. Đường sắt

 Được hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác năm 1905; qua địa bàn huyện Bình Lục từ cầu Ghéo (xã Đồn Xá) đến cầu Họ (xã Trung Lương) dài 7km.

2. Quốc lộ 

 1.1. Quốc lộ 21A: được đầu tư xây dựng năm 1904 đến 1905; năm 1996 được đầu tư nâng cấp thành đường cấp III nền 13m, mặt 12m, kết cấu nhựa Áp-phan. Qua địa bàn huyện từ cầu Ghéo (Đồn Xá) đến cầu Họ (Trung Lương)  dài 7km.

1.2. Quốc lộ Phủ Lý - Nam Định: được đầu tư xây dựng năm 2009 tiêu chuẩn cấp II; nền33m, mặt 30m, kết cấu bê tông nhựa. Điểm đầu từ xã Đồn Xá đến chợ Mạng (điểm tiếp giáp giữa xã Vũ Bản với xã Mỹ thuận tỉnh Nam định). Qua các xã Đồn Xá, An Mỹ, Bối Cầu, An Nội, Vũ Bản dài 12,5km.

1.3. Quốc lộ 37B: trước đây là đường 64, năm 1994 được đầu tư nâng cấp thành đường cấp V, kết cấu nhựa bán thâm nhập. Khi tỉnh Hà Nam được tái lập năm 1997 đổi tên là đường 497. Năm 2008 được đầu tư nâng cấp thành đường cấp IV, nền 11m, mặt 9m, kết cấu bê tông nhựa. Điểm đầu từ dốc Mỹ xã Tràng An, điểm cuối cầu Vĩnh Tứ xã An Lão giáp huyện Ý Yên tỉnh Nam Định; qua các xã Tràng An, Trịnh Xá, Đồn Xá, An Mỹ, Mỹ Thọ, An Đổ, La Sơn, Tiêu Động, An Lão; tổng chiều dài 22km; đến năm 2012 nâng lên thành quốc lộ.

1.4. Đường nối hai cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Hà Nội - Hải Phòng: được đầu tư từ năm 2009, tiêu chuẩn cấp III, nền 18m, mặt 15m, kết cấu bê tông áp-phan; đến năm 2017 mới hoàn thành đầu tư giai đoạn một. Trên địa bàn tỉnh Hà Nam lấy tên là đường ĐT499, Địa phận huyện Bình Lục qua xã Tràng An, Bình Nghĩa, dài 5,5km.

2. Đường tỉnh

2.1. Đường ĐT496: là đường 63 cũ, được đầu tư nâng cấp từ năm 2010, tiêu chuẩn cấp V, nền 5,5m; mặt 3,5m; kết cấu đá nhựa; qua các xã Tràng An, Đồng Du, Hưng Công, Ngọc Lũ, Bồ Đề, An Ninh; điểm đầu là Dốc Mỹ xã Tràng An, điểm cuối là xã An Ninh, giáp xã Mỹ Hà tỉnh Nam Định, chiều dài 20,5km.

2.2. Đường ĐT496B (là đường 56 cũ): được nâng cấp nhiều lần, lần gần nhất là năm......tiêu chuẩn cấp IV, nền 9m, mặt 7m, kết cấu bê tông nhựa; điểm đầu từ cầu Châu Giang xã Hưng Công, điểm cuối là Cầu Họ quốc lộ 21A qua các xã Hưng Công, Bối Cầu, An Nội, Trung Lương, dài 7,2km.

2.3. Đường ĐT491 (đường 62 cũ): được nâng cấp lần gần nhất là năm 2001; tiêu chuẩn cấp bốn, nền11m, mặt 9m, kết cấu bê tông nhựa; Qua địa phận huyện Bình Lục, điểm đầu giáp xã Đinh Xá (thành phố Phủ Lý), điểm cuối đập Vĩnh Trụ (huyện Lý Nhân) gồm các xã Tràng An, Bình Nghĩa,  dài 2,5km.

2.4. Đường 495B: được đầu tư mới từ năm 2011; tiêu chuẩn cấp III, nền 18m, mặt 15m; Chiều dài từ quốc lộ 1A (phố Cà, huyện Thanh Liêm) đến quốc lộ 21A địa bàn xã Trung Lương, kết cấu bê tông xi măng. Trên địa bàn huyện Bình Lục từ kênh Biên Hòa (giáp huyện Thanh Liêm) đến quốc lộ 21A, qua các xã Tiêu Động, An Đổ, Trung Lương, chiều dài 18km.

Địa chí huyện Bình Lục Giao thông vận tải – Bưu chính viễn thông
Nhiều tuyến đường trên địa bàn xã Tiêu Động (Bình Lục) ngày càng được chỉnh trang xanh -sạch - đẹp.

3. Các tuyến đường huyện

3.1. ĐH01: điểm đầu QL21A (km131 + 800), điểm cuối ĐH03 (Tây sông Sắt; cấp 5, nền 5,5m; mặt 3,5m kết cấu bê tông xi măng; dài 3,7km)

3.2. ĐH02: (còn gọi là đường Điện Biên) điểm đầu ĐT496 (xã An Ninh), điểm cuối ĐT496b (chợ An Nội), cấp 5, nền 6m, mặt 5m; kết cấu đá nhựa dài 7,7km

3.3. ĐH03 (bờ Tây sông Sắt): điểm đầu ĐT496 (cầu An Bài, Hưng Công), điểm cuối thôn Tập Thượng xã La Sơn, cấp 5, nền 5,5m, mặt 3,5m, kết cấu bê tông xi măng, dài 12,5km.  

3.4. ĐH04: điểm đầu ĐT496 (chợ chủ Ngọc Lũ), điểm cuối Cống Đa Côn (xã Vũ Bản), cấp 5, kết cấu: đá nhựa 4,2km, bê tông xi măng 1km, đá cấp phối 2km; chiều dài 7,2km

3.5. ĐH05: từ chợ Phủ, thị trấn Bình Mỹ (ĐH07) đến trạm thuỷ nông (ĐH01): cấp 5, nền 5,5m, mặt 5,5m, kết cấu bê tông nhựa; dài 1km

3.6. ĐH06: từ chợ Nội xã Đồng Du (ĐT496) đến QL37 xã Trịnh Xá, thành phố Phủ Lý, cấp 5 nền 5,5m, mặt 3,5m, kết cấu bê tông xi măng dài 2,3km 

3.7. ĐH07: từ QL37 (thôn An Thái, xã An Mỹ) đến QL21a (km130+800): cấp 5, nền 7,5m, mặt 3,5m, kết cấu bê tông nhựa dài 1,4km. 

3.8. ĐH08 (bờ Đông sông Sắt): từ ĐT496 (cầu An Bài, Hưng Công) đến cầu Sắt xã Trung Lương: cấp 5, nền 7,5, mặt 3,5, kết cấu đá nhựa dài 5,5km.

4. Đường thuỷ: chỉ còn hai tuyến là sông Châu và sông Sắt, nhưng cả hai sông này đều là kênh tiêu của các trạm bơm lớn nên chỉ còn một vài phương tiện nhỏ hoạt động. 

5. Cầu:

Tổng số cầu trong toàn huyện là 70 cầu. Ở đây chỉ thống kê các cầu qua sông nối với các huyện khác trong vùng.

5.1. Cầu Châu Giang: nằm trên đường nối hai cao tốc Pháp Vân, Cầu Giẽ - Hà Nội, Hải Phòng, nối với huyện Lý Nhân qua sông Châu Giang, tại xã Bình Nghĩa kết cấu cầu bê tông nhịp 33.

5.2. Đập Vĩnh Trụ: nằm trên đường DT971 nối với huyện Lý Nhân qua sông Châu Giang tại Cát Lại xã Bình Nghĩa.

5.3. Cầu Châu Giang nằm trên đường ĐT496B nối với huyện Lý Nhân qua sông Châu Giang tại điểm xã Hưng Công. Kết cấu cầu bê tông nhịp 33.

5.4. Cầu chủ: nối Bình Lục với Lý Nhân tại chợ chủ xã Ngọc Lũ qua sông Châu Giang kết cấu Cầu Gỗ. 

5.5. Cầu Bồ Đề nối Bình Lục với Lý Nhân qua sông Châu Giang tại xã Bồ Đề kết cấu cầu bê tông. Hiện nay đang hạn chế tải trọng.  

5.6. Cầu Vùa: nối Bình Lục với huyện Lý Nhân qua sông Châu Giang tại xã An Ninh, kết cấu cầu Gỗ.

5.7. Cầu Ghéo nằm trên quốc lộ 21 nối Bình Lục với huyện Thanh Liêm qua sông Biên Hoà, tại xã Mỹ Thọ.

5.8. Cầu đường Sắt qua sông Biên Hoà tại cầu Ghéo.

5.9. Cầu Đồng Rồi nối Bình Lục với huyện Thanh Liêm qua sông Biên Hoà tại xã La Sơn kết cấu Gỗ.

5.10. Cầu đường 495B nằm trên đường 495B nối Bình Lục với huyện Thanh Liêm qua sông Biên Hoà tại xã Tiêu Động; kết cấu bê tông cốt thép.

5.11. Cầu Vĩnh Tứ nối Bình Lục với huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định qua sông Mỹ Đô tại xã An Lão; kết cấu bê tông cốt thép tải trọng 15 tấn.

5.12. Cầu Thọ Trường nối Bình Lục với huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định qua sông Sắt tại xã An Lão kết cấu bê tông cốt thép.

5.13. Cầu Chợ Dằm nối Bình Lục với huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định qua sông Sắt tại chợ Dằm xã Tiêu Động kết cấu bê tông cốt thép dài 40m, rộng 7m, tải trọng 10 tấn, xây năm 2017.

5.14. Cầu Họ nối Bình Lục với tỉnh Nam Định trên quốc lộ 21A trên sông cầu Họ.

5.15. Cầu đường Sắt qua sông cầu Họ tại Trung Lương nối Bình Lục với tỉnh Nam Định. 

III. Về hoạt động vận tải

Hệ thống giao thông nông thôn được hình thành do kết hợp với công tác thuỷ lợi, kết nối với các tuyến đường trục huyện. Nhờ vậy các phương tiện vận chuyển như xê bò kéo, xích lô, thuyền gỗ, thuyền nan được tăng lên, tập trung vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ tại địa phương. Năm 1967 khối lượng vận chuyển đạt 20.202 tấn bằng 241217 tấn/km. Năm 1968 tăng lên 28.115 tấn  hàng với khối lượng 1.076.790 tấn/km vượt 13 % kế hoạch. Ngoài ra còn vận chuyển hơn 1000m³ gỗ từ Thanh Hóa về huyện đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành. Cuối năm 1968 lực lượng vận tải tham gia đợt vận chuyển phục vụ tiền phương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được tỉnh xếp loại khá. Về đường thủy, lực lượng chủ lực là HTX vận tải đường sông Thành Công có 52 lao động, 21 chiếc thuyền trọng tài 146 tấn, một tổ vận tải thuyền chuyên nghiệp của Ngô Khê có 28 lao động và 13 chiếc thuyền tải trọng 106 tấn; một tổ vận tải thuyền bán chuyên gồm 21 chiếc tải trọng 48 tấn, một HTX xe bò kéo gồm 54 lao động, 27 xe tổng tải trọng 35 tấn. Một HTX xe xích lô 57 xe. Công tác vận tải trong các HTX và các tổ chức chuyên của huyện luôn được củng cố, năng lực vận tải được tăng cường nhất là vận tải cơ giới. Đến năm 1988 toàn huyện có trên 1000 tấn phương tiện cơ giới thủy đủ sức đảm nhận vận tải hàng hóa cho huyện và một phần của tỉnh. Bên cạnh đó còn có vận tải đường sắt, hành khách và hàng hoá tại ga Bình Lục. 

Thực hiện đường lối đổi mới của đảng, các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh được khuyến khích. Lĩnh vực vận tải nhanh chóng thu hút được các doanh nghiệp tư nhân và hộ cá thể đầu tư. Theo chi cục thống kê huyện đến năm 2018 toàn huyện có 135 xe chở hàng, 126 xe chở khách, trong đó có 67 xe 5 chỗ ngồi trở lên. Tổng số ô tô 490 chiếc, trong đó dùng trong sản xuất nông nghiệp thuỷ sản 16 chiếc, 218 hộ có ô tô dùng trong sinh hoạt. Tổng số hộ làm nghề vận tải là 798 hộ; có 5 doanh nghiệp hành nghề vận tải kho bãi đường sắt, đường bộ. Hợp tác xã vận tải Đồng Tâm có trụ sở tại thị trấn Bình Mỹ với tổng số 20 xe trong đó có 15 xe chở khách được thành lập năm 2002 với số lao động khoảng 45 người. Sự phát triển mạnh mẽ của phương tiện cơ giới và của hệ thống giao thông đường bộ, nhất là giao thông nông thôn với mục tiêu là xe taxi có thể vào đến từng ngõ xóm, đã tạo điều kiện cho hoạt động vận tải đến các vùng sâu, vùng xa của huyện Bình Lục để cung cấp vật tư, hàng hóa tiêu dùng và vận chuyển nông sản phẩm, hành khách đi mọi miền đất nước.

IV. Về bưu chính viễn thông

Sau cách mạng tháng tám năm 1945 chính quyền mạng cách sử dụng bộ máy bưu điện của chế độ cũ phục vụ kháng chiến và đời sống nhân dân, ở các huyện và cơ sở chỉ có một đến hai nhân viên làm nhiệm vụ vận chuyển các bưu phẩm, bưu kiện, thư từ, chuyển tiền. Về cơ sở vật chất lúc này cả tỉnh Hà Nam (bưu điện Phủ Lý) chỉ có một tổng đài điện thoại từ thạch 50 số, một bàn điện MOOC với 16 máy điện thoại bàn và 60 kilômét đường dây thép. Trong 6 bưu cục cấp huyện, Huyện Bình Lục có một bưu cục An Bài đặt tại xã Đồng Du, hình thành các trạm, đường dây ở Đồng Du, Vụ Bản, Trịnh Xá, An Lão, Cầu Sắt, Phố Phủ. Cuối năm 1952 chính phủ quyết định chuyển ngành bưu điện từ cơ quan hành chính sự nghiệp thành cơ quan quản lý kinh tế, như một doanh nghiệp quốc doanh, đã phát hành tem thư tính theo giá trị bằng thóc có loại tem 0,2kg, 0,6kg, 2kg, 6kg. Hình thức này tồn tại đến năm 1954.

Từ năm 1955 từ bưu điện tỉnh về đến trụ sở các huyện đã được trang bị một đôi dây và một máy điện thoại lẻ. Sau đó ở bưu điện huyện mới có tổng đài 10 số, 20 số, còn nhu cầu về điện báo thì chỉ có ở bưu điện tỉnh. Từ năm 1976 đã tăng cường đường tải 3, đường tải 12, trang bị các tổng đài 100 số, từ tổng đài bán tự động, thủ công sang tổng đài tự động. Từ năm 1952 thực hiện chủ trương tăng tốc bưu chính viễn thông, bưu điện Bình Lục được lắp đặt tổng đài điện tử TĐX1B; TĐW, SRX tăng dung lượng tổng đài từ 512 số tại trung tâm lên 1024 số phục vụ các cơ quan huyện và dân sinh với hơn 400 thuê bao. Năm 1997 sau khi tái lập tỉnh Hà Nam, bưu chính viễn thông tăng nhanh tốc độ đầu tư về cơ sở vật chất, các mạng lưới đường dây, tổng đài chuyển mạch mới, truyền dẫn và mạng ngoại vi phủ khắp các vùng miền thôn xóm trong huyện. Đầu tư mới tại trung tâm huyện tổng đàiNEAX-61XS dung lượng mở rộng hơn 3000 số. Đến hết năm 2001 tổng dung lượng lắp đặt trên địa bàn huyện là hơn 17.167 số và 3172 cổng băng rộng internet, trên 100.000 kilômét cáp các loại, hơn 15.000 cột bê tông đường dây, đảm bảo cung cấp 100 % nhu cầu sử dụng dịch vụ điện thoại cố định có dây trên toàn huyện với 9400 thuê bao vào các loại chiếm tỷ lệ 2,25 máy/100 dân. Từ ngày 10/1/2008 ngành bưu chính, viễn thông sắp xếp lại tổ chức tách bưu chính, viễn thông để thành lập trung tâm viễn thông Bình Lục và bưu chính huyện Bình Lục:

a. Trung tâm viễn thông Bình Lục có bốn tổ sản xuất, một tổ quản lý và bốn tổ đài viễn thông khu vực gồm: đài viễn thông khu vực trung tâm, đài viễn thông An Nội, Đài viễn thông Ba Hàng – Tiêu Động, đài viễn thông Chợ Sông. Trung tâm viễn thông Bình Lục được giao quản lý khai thác 33 nhà trạm tổng đài với dung lượng khai thác trên 20.000 số các dịch vụ, 36 trạm phát sóng 2G, 3G, 4G... Giai đoạn 2015 - 2020 thay đổi lớn về công nghệ của toàn ngành, trung tâm viễn thông Bình Lục được đầu tư hạ tầng mạng băng rộng cáp quang chiều dài hơn 700km, hướng tới cáp quang hóa 100 %. Hệ thống cáp quang đã xuống đến các trung tâm xã. Từ năm 2019 tất cả các xã đã triển khai mô hình phòng họp trực tuyến từ các cơ quan tỉnh, huyện xuống các xã, cơ quan.

Tính đến hết 31/12/2019 tổng số các dịch vụ do trung tâm viễn thông Bình Lục cung cấp gồm các dịch vụ điện thoại trực tuyến, internet cáp quang, dịch vụ MyTv, Các đường truyền số liệu phục vụ với tổng số 11.152 thuê bao dịch vụ các loại; phủ sóng di động viễn thông đến 100 % địa bàn thôn xóm. Bên cạnh đó các nhà mạng Viettel, Mobifone có các trạm BTS và nhà trạm cũng đã phủ sóng 100% địa bàn toàn huyện.

b. Về bưu chính 

Từ tháng một năm 2008, sau khi tách khỏi bưu chính viễn thông thì hoạt động của dịch vụ bưu chính có nhiều khó khăn. Các dịch vụ về thư tín, phát hành báo, tạp chí giảm nhiều, nhất là khi báo điện tử xuất hiện và phát triển. Ngành đã lấy các hoạt động phụ trợ như thu tiền điện, chi trả thay bảo hiểm xã hội, tiền lương hưu và chính sách xã hội cho các đối tượng tại địa phương để duy trì việc thực hiện các nhiệm vụ chính của ngành. Về tổ chức ở 16/19 xã có bưu điện văn hóa xã, các bưu cục được nâng cấp lên đa dịch vụ và tách bưu tá xã riêng. Các dịch vụ bưu chính gồm: 

+ Phát hành báo chí

+ Tiết kiệm bưu điện

+ Bảo hiểm PTI

+ Dịch vụ phân phối truyền thông, bán lẻ hàng hóa

+ Dịch vụ chi trả lương và trợ cấp BHXH

+ Dịch vụ thu tiền điện

+ Dịch vụ hành chính công...

_________________________

[1] sách đã dẫn trang

[2] địa chí huyện Bình Lục – Ngô Vi Liễn 1935

Địa chí Huyện Bình Lục

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy