kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Địa chí huyện Bình Lục: Văn học – Nghệ thuật

Địa chí huyện Bình Lục: Văn học – Nghệ thuật

Phần thứ tư – Văn hóa – Xã hội: Chương II: Văn học – Nghệ thuật

Chương II: Văn học – Nghệ thuật

I. VĂN HỌC DÂN GIAN

1. Ca dao

Ca dao, là một hình thức văn nghệ dân gian hay nhất về mọi mặt trong cuộc sống, được ông cha ta đúc kết, truyền lại cho các thế hệ sau học tập, noi theo. Là thể loại văn học dân gian nhằm đúc kết kinh nghiệm, tri thức của nhân dân dưới hình thức những câu nói ngắn gọn, súc tích, có nhịp điệu, dễ nhớ, dễ truyền. Nội dung thường phản ánh những kinh nghiệm về lao động sản xuất, ghi nhận các hiện tượng lịch sử xã hội, hoặc thể hiện triết lý dân gian của dân tộc.

Nội dung của ca dao đề cập đến nhiều phạm trù xã hội như về đạo đức, tình yêu, hôn nhân gia đình, kinh nghiệm sống và không thế thiếu là chế diễu thói hư tật xấu.

Ca dao tục ngữ nói về địa dư Bình Lục khác nhiều, ở đâu chúng tôi chỉ cung cấp một số câu ca dao về các vùng quê tiêu biểu của huyện.

Bình Lục đồng trắng nước trong

Ngô khoai thì ít, rêu rong thì nhiều.

Bình Lục là huyện trũng nhất vùng đồng chiêm Hà Nam. Xưa kia người ta gọi Bình Lục là “ Cái rốn của đồng bằng bắc Bộ”. Đời sống nhân dân trước Cách mạng tháng 8-1945 rất khổ cực thiếu thốn.

An Đổ xã lớn vô chừng

Bảng vàng bia đá lẫy lừng ngàn thu

Xã An Đổ, Bình Lục xưa bao gồm các làng Vị Thượng, Vị Hạ và một phần xã An Đổ ngày nay. Vị Thượng, Vị Hạ nay thuộc xã Trung Lương là quê hương nhà thơ Tam nguyên Nguyễn Khuyến (1835-1909). Trong bài “ Phong thổ Bình Lục” của Vũ Đăng Tiên có đoạn:

An Đổ xã lớn vô chừng

Bảng vàng bia đá lẫy lừng thơm tho

Thơ lưng túi, rượu lưng bồ

Thuốc viên chào khách, sãi đò nên thân

Muốn ăn cua rốc, ốc nhồi

Đem con mà gả cho người Mạnh Chư.

Xã Mạnh Chư, một xã đồng chiêm trũng, dân phần lớn mò cua bắt ốc kiếm sống. Câu 2 có người đọc: “ Đem con mà gả cho người đồng chiêm”, hoặc có khi thay đổi tên đất: “ Đem con mà gả cho người La Sơn”…

Khắp nơi đi gặt lúa mùa

La Sơn đi vớt rau dừa về ăn.

Đất La Sơn là nơi thuộc loại trũng nhất huyện Bình Lục, xưa kia không bao giờ cấy vụ mùa.

Đồng Dừa, đồng Giải chết trôi

Đồng Mụa, đồng Đước nó ngồi nó ăn.

Đồng Dừa, đồng Giải khô khan

Đồng Mụa, đồng Đước nhăn răng méo mồm!

Đồng Dừa, đồng Giải nay thuộc xã An Đổ là đồng trũng; đồng Mụa, đồng Đước xã Tiêu Động, cốt đất tương đối cao. Khi đồng Dừa đồng Giải ngập lụt thì đồng Mụa, đồng Đước mới đủ nước cấy trồng, mùa màng có thu hoạch. Khi đất Dừa, Giải khô ráo dễ làm ăn thì đồng Mụa, đồng Đước hạn hán mất mùa.

An Ninh có một nếp chùa

Nhìn xem phong cảnh quê nhà cũng xinh

Tả văn hữu võ phân minh

Cửa chùa lại có thất linh chầu vào

Trong chùa tám tượng bảnh bao

Lộc chùa tốt xấu sáu sào ruộng tư

Tiểu tăng nhang khói phụng thờ

Trước nhờ lộc Phật, sau nhờ lộc dân

Xã An Ninh, huyện Bình Lục

Đồn rằng chợ Thọ vui thay

Bên Đông thì giếng, bên Tây thì hồ

Bên Bắc có miếu thờ vua

Dưới sông nước chảy, đò đưa dập dìu

Cảnh quan xã Mỹ Thọ, Bình Lục. Chợ Thọ nay đã đổi sang địa điểm khác.

Làng Chủ người lắm của giàu

Mười tám xóm ở hoa mầu biết bao

Lại xem tài lực giỏi sao

Đắp đê hộ thủy nơi nào cũng thua

Làng Chủ, nay thuộc xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục. Thời trước dân làng rất giỏi thợ đấu ( đào đắp đất).

Tiên Lý thì lắm súng dê

Bồ, Đậu cua ốc; Ghéo vê chão thừng.

Văn Phú cái đấu cầm thưng

Được tấm, được cám lấm lưng bụi đầu.

Bây giờ kể đến làng Dâu

Mặc phận đói nghèo, vặn rế, làm quang.

Thơm danh vả lại giàu sang

Lương Ý, làng Thọ buôn vàng, buôn hương.

Yên Đổ nấu rượu rõ ràng

Thằng Tây bắt được trăm đàng xót xa.

Bây giờ kể đến làng ta

Dệt được tấm vải lãi ba mươi đồng...

Thôn Tiên Lý, xã Đồn Xá, lắm ao hồ, thả cây súng dê ( loại súng có củ nhỏ như phân dê); Bồ là thôn Bồ Xá; Đậu là thôn Đậu Chuyền (còn gọi là Đạo Chuyền); Ghéo là làng Ghéo đều thuộc xã Đồn Xá. Văn Phú, Lương Ý, làng Thọ xã Mỹ Thọ. Làng Dâu xã An Mỹ nay thị trấn Bình Mỹ, nay thuộc xã Mỹ Thọ. Yên Đổ xưa có nghề nấu rượu. Câu này có người đọc: “Thằng Tây bắt được làm càn xót xa”- Làng ta tức là người làng Cao Cái, đất An Mỹ có nghề dệt vải.

Thợ cưa thợ mộc đua ganh

Ngô Xá, Vụ Bản nổi danh khắp vùng

Quạt nan mũ bạc nhài đồng

Phú Đa thợ nhuộm trát hồng tô xanh

Mặc ai kén cá chọn canh

Đan lờ, khoáy đó đừng khinh Bối Cầu

Ngô Xá, tên cũ của xã Trịnh Xá ( nay thuộc thành phố Phủ Lý); Xã Vũ Bản, hai nơi này có nhiều thợ mộc giỏi. Phú Đa xã Bối Cầu có nghề làm quạt, thợ nhuộm. Thôn Bối cầu, xã Bối Cầu, Bình Lục

Quê anh ngày tám tháng ba

Quay vào làm rọ, quay ra đan lờ

Nhờ trời mưa thuận, gió hòa

Lờ, rọ bán được, cảnh nhà thêm vui

Cứ vào ngày giáp hạt (ngày tám tháng ba) dân làng Bối Cầu lấy nghề đan lờ, đan rọ, đan đó làm nghề kiếm sống.

Đô Hai là đất nhà nghề

Sừng thông, ren thạo, mộc nề tinh nhanh

Đất Quế Sơn, ngành nghề phát triển có làng nghề truyền thống làm sừng Đô Hai.

Làng Vọc, bánh đúc, bánh hòn

Lang Xá bắt ốc đi mòn đôi chân

Làng Nguộn làm bút làm cân

Làng La dệt vải tinh quân mọi nghề

Làng Vọc xã Vũ Bản và các làng quanh vùng thuộc xã Mỹ Tiến, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.

Chợ Dầm bán những ngô khoai

Chợ Họ toàn bán những loài rau dưa

Gạo trắng bán chẳng ai mua

Đậu lạc thì thừa, ngô thiếu giành nhau

Chợ Dầm xã Tiêu Động, chợ Họ xã Trung Lương, câu này phần nào nói cảnh nghèo túng của dân vùng chiêm trung trong quá khứ. Gạo trắng, đậu lạc không ai mua vì không có tiền; Ngô phải giành nhau vì hợp với túi tiền ít ỏi của họ.

Chợ Bầu gỗ lã ai ơi

Chợ Sông vừng lạc đi thời nhớ đong

Chợ bầu thành phố Phủ Lý, chợ sông xã Tràng An

Gái làng Chủ đủ mọi nghề

Xong nghề cầy cấy lại về cửi tay

Cất nên giọng hát là hay

Khiến trai thiên hạ phải bay mất hồn

Ai đi đâu đấy hỡi ai

Ghé qua Ngọc Lũ thăm trai làng này

Anh Khoa cốt cựu tay cày

Bẩy sào đất ải một ngày ngại chi

Ngọc Lũ lại có anh thi

Bừa ngày một mẫu ai bì được sao?

Ngọc Lũ lại có anh Tào

Hay tay ba bếp nồi nào cũng ngon

Gái làng dù có mấy con

Dù đẹp, dù giòn vẫn muốn lấy ba anh

Câu ca dao nhắc những nhân vật trong bài này đã mất cách đây hơn 100 năm đất Ngọc Lũ. Đây là bài ca dao rất đáng chú ý; quần chúng không quên những người lao động giỏi nơi thôn mạc ruộng đồng. Họ nhắc nhở tên tuổi, hành trạng của những người nông dân với niềm tự hào đặc biệt...

Địa chí huyện Bình Lục Văn học – Nghệ thuật
Di tích Từ đường Nguyễn Khuyến (Vị Hạ, Trung Lương, Bình Lục).

2. Truyện cổ dân gian

Truyện cổ dân gian là những câu chuyện từ thưở xa xưa, khi con người chưa có chữ viết, được truyền miệng từ đời này sang đời khác. Đến khi có chữ viết, được tập hợp ghi chép lại thành sách. Vì là truyền miệng nên cùng một câu chuyện, nhiều nơi kể có sự khác biệt, gọi là dị bản.

Truyện cổ dân gian bao gồm thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn và truyện cười. Truyện cổ dân gian Bình Lục hiện tại sưu tầm được đa số là truyền thuyết, cổ tích và truyện cười. Các truyền thuyết, cổ tích Bình Lục chủ yếu kể về các nhân vật Lịch sử có công với đất nước, với làng xã trong việc chống giặc ngoại xâm hay dựng làng, lập ấp, bảo trợ che chở cho dân lành, được dân lập miếu thờ. Những câu chuyện này có nhiều yếu tố thần kỳ, siêu nhiên… Có những câu chuyện trở thành thần tích, thần phả của các đình làng, đền miếu… Tiểu biểu cho thể loại này là truyện Trạng Lợn, chứa đựng những ước mơ đổi đời.

Giới thiệu một số truyện và trích đoạn tiêu biểu theo sách “Địa dư huyện Bình Lục” của Ngô Vi Liễn.

2.1 TRUYỆN TRẠNG LỢN

Xuất xứ: Truyện “Trạng Lợn” là truyện kể dân gian truyền miệng, được ghi lại thành văn bản lần đầu tiên là bản chữ Nôm “Trạng Dừa truyện lục”, do một người có tên hiệu Mộng Quế soạn lại vào tháng 9 năm Canh Thân thời Khải Định (tức năm 1920), khắc in năm 1926. Bản quốc ngữ sớm nhất được ghi trong cuốn “Địa dư Bình Lục” của Tri huyện Bình Lục Ngô Vi Liễn, in năm 1935.

Đầu tiên truyện có tên là “Truyện Trạng Dừa”. Làng Dừa là tên Nôm cũ của làng Mạnh Chư, huyện Bình Lục. Chư cũng đồng âm với Trư (chữ Hán nghĩa là Lợn).

Truyện gồm 19 hồi. Nhân vật chính là Trạng Lợn, xuất thân trong gia đình làm nghề mổ lợn. Cuộc đời Trạng gặp toàn may mắn, đầy những ngẫu nhiên. Nội dung tóm tắt như sau:

Trạng Lợn là con ông Dương Đình Lương, người làng Mạnh Chư, làm nghề mổ lợn, bản tính trung thực, phúc đức, hay làm việc thiện và thờ trời Phật. Ông bà tuổi đã cao mà chưa có con, chỉ ao ước có một đứa con trai, được học hành tử tế làm rạng mặt tổ tông. Rất may mắn, ông được thầy Địa lí Tả Ao giúp chọn đất đặt lại ngôi mộ của cha mẹ mình, thế đất sẽ sinh ra con trai làm Trạng mà không cần phải học hành gì. Táng xong được vài tháng thì Lương ông làm ăn thịnh vượng hơn trước, rồi bà vợ mang thai, đẻ được con trai, đặt tên là Dương Đình Chung, gọi âu yếm là Chung Nhi, sinh cùng ngày với vua Lê Thánh Tông[1]. Lúc Chung Nhi lên ba tuổi, một hôm có quan Trạng vinh quy qua làng, cờ dong trống mở, mũ áo uy nghi, Chung Nhi từ bấy chỉ thích làm quan Trạng.

Chung Nhi thông minh, đối đáp lém lỉnh, nhưng chẳng chịu học hành, 13 tuổi mà chưa học thuộc cuốn “Tam tự kinh” (cuốn sách vỡ lòng cho người học chữ Nho). Ông Lương rất buồn phiền, đành cho con đi theo nghề mổ lợn. Khi người bố chết, Chung Nhi buồn, đâm ra rượu chè cờ bạc, người mẹ rất phiền lòng. Người con an ủi mẹ: “Sau này con đỗ Trạng, mẹ sẽ hết khổ”. Bà mẹ bảo: “Cái thứ con có đỗ Trạng, họa chăng là Trạng Ăn, Trạng Rượu, Trạng Đổ Bác, Trạng Lông Bông…”.

Tức chí, Chung Nhi quyết chí lên kinh đô thi Trạng. Chàng kết bạn với hai nho sinh cùng lên đường vào kinh đô dự thi. Đêm ngủ trọ, Chung Nhi nằm mơ thấy đàn lợn và hét: “Bắt lấy nó chọc tiết cho ta”. Bọn cướp đang rình cướp của của khách qua đường nghe thấy thế, hoảng sợ bỏ chạy. Qua một thôn, thấy có bia ghi chữ “hạ mã” (xuống ngựa) Chung Nhi dốt chữ tưởng là “bất yên”, bảo hai bạn không nên ngủ trọ ở làng này vì đêm sẽ có biến. Nhiều truyện ngẫu nhiên, lâp được công, vua Lê Thánh Tông ban thưởng. Chung Nhi không nhận chức tước vàng bạc, chỉ xin phong cho hai chữ Trạng Nguyên. Nhà vua ưng thuận. Nhưng dân gian chỉ quen gọi chàng là Trạng Lợn, hoặc Trạng Bói.

Trạng sống thọ đến 72 tuổi rồi mất.

Hiện ở ngoi đền Trạng, thôn Mạnh Trư còn 2 đạo sắc phong ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ 2 ( 1917) và ngày 25 tháng bảy năm Khải Định thứ 9 (1924) ban cho làng Phụng thờ Hàng Hoa sứ tuyết Trang nguyên Lưu Công Đạo.

2.2 Ả ĐÀO TIÊN CHÚA

Cha của bà quê ở xóm Ả Đào, huyện Tiên Lữ, quận Khoái Châu, Hưng Yên, lấy vợ lẽ tên là Thị Hương, người xóm Tiên Lữ, tổng Bồ Xá, Bình Lục. Ông chuyển từ quê nội sang tổng Bồ Xá quê người thiếp để sinh sống.

Hai vợ chồng thường xuyên đến miếu để cầu nguyện. Đêm 15 tháng 11, đương ngủ vợ chồng mộng thấy có tiếng kêu như sấm, chớp mắt thấy rắn trắng bò đến, rồi hóa thành bông sen trắng. Bà Thị Hương đưa tay cầm lấy bông hoa. Tỉnh dậy mới biết là mộng. Từ đó có thai. Được hơn một năm, đến ngày mồng 10 tháng 10 sinh được một cô con gái, tư phong rất mực, nhan sắc tuyệt vời. Nguyên người cha quê ở Ả Đào, nên  đặt tên con là Ả Đào.

Ba năm sau, vào ngày 15 tháng 5, lại sinh đôi hai người con trai. Người anh tên là Nguyễn Quế, người em là Nguyễn Phương. Cả hai đều có tài thánh văn thần vũ.

Cuối thời nhà Hồ, quân Minh sang xâm lược. Bà Ả Đào cùng hai em về quê cha. Ông Chử Đồng Tử thác thân đi chơi, gặp ba chị em Ả Đào. Chị em bà lạy tạ, hỏi ông kế đánh giặc Minh. Chử Đồng Tử ban cho họ một đạo linh phù, một quả bảo ấn, một cái linh côn về để đánh giặc. Chị em bà vâng mệnh trở về quê mẹ. Tướng giặc là Hoàng Cân đóng đồn ở trang Cổ Thọ, hại vật tàn dân. Người trang Cổ Thọ đến trang Bồ Xá cầu viện. Bà cùng hai em chiêu mộ nhân dân đánh giặc. Nửa đêm, bà Đào nương cất quân chia làm ba đạo tiến đánh đồn binh Cổ Thọ. Bà cử ông Nguyễn Phương làm thống tướng đạo phía Nam, cử Nguyễn Quế là súy tướng đạo phía Đông, còn chính bà làm Đại nguyên súy thống lĩnh linh phù bảo ấn đốc xuất đạo phía Tây. Ba đạo quân giáp chiến với địch một ngày một đêm, đến giờ Tuất giết được tướng giặc Hoàng Cân, quân Minh tan vỡ, bỏ đồn chạy trốn.

Bà bãi quân, cấm không đun nấu, chỉ lấy bánh dầy và thịt lợn đã chuẩn bị từ trước khao thưởng quân sĩ.

Khi quân Minh lui rồi, Chử Đồng Tử cưỡi rồng vàng đến, chị em bà lạy tạ. Chử Đồng Tử cho cưỡi rồng bay vụt lên không.

Dân làng nhớ ơn, thờ phụng ba chị em bà ở đình thôn Mỹ Đôi, Cổ Thọ (Mỹ Thọ), Bình Lục. Đó là Bình Minh Đại nguyên súy Ả Đào tiên chúa, Bình Minh súy tướng Nguyễn Quế thần tiên thần, Bình Minh thống súy tướng Nguyễn Phương thần tiên thần.

2.3 Thần tích làng Thanh Khê xã Đồn Xá

Thời Ngô vương Quyền, có người tên là Nguyễn Sùng, huyện Đường An, Hải Dương đến làng Thanh Khê xã Đồn Xá, huyện Bình Lục dạy học. Ông lấy vợ người làng Thanh Khê là bà Phạm Thị Chinh. Một hôm bà Chinh nằm mộng thấy con rồng vàng từ trên trời rơi xuống, rồi hóa thành hai con chim sẻ. Từ đó bà có thai. 14 tháng sau, ngày 4 tháng 5 năm Giáp Thân, sinh ra hai người con trai, diện mạo khôi ngô. Họ đặt tên con trưởng là Tĩnh Công, con thứ là Ninh Công.

Hai người học vấn nổi tiếng. Năm các con 15 tuổi, cha mẹ đều mất. Sau ba năm chịu tang chế, gặp thiên hạ biến loạn, hai ông cùng gia thần lập doanh trại ở làng Thanh Khê, được hơn ba nghìn thủ hạ. Đinh Bộ Lĩnh nghe tin, sai Nguyễn Bặc vời hai ông đến. Hai ông đem thủ hạ về Hoa Lư yết kiến. Đinh chúa phong Tĩnh Công làm Đô đốc, Ninh Công làm Đô Sát sứ.

Hai ông vâng mệnh đi đánh Ngô Nhật Khánh ở Đường Lâm. Chưa phân thắng bại, đêm ấy hai ông nằm mộng thấy người thần tướng xung là Hà Bá Thủy quan, phụng mệnh hoàng thiên nên xuông giúp hộ quốc an dân, sau này sẽ cùng hưởng lộc ở làng Thanh Khê. Hôm sau, hai ông làm lễ tạ thiên địa bách thần, rối xuất binh bắt được Ngô Nhật Khánh, rồi lại đánh Công Hãn ở Bình Kiều, cùng Ngô Xương Xí ở Siêu Loại, đều toàn thắng. Nhờ có công cùng Nguyễn Bặc giúp vua Đinh dẹp loạn l2 sứ quân, hai ông được Đinh Tiên Hoàng khen thưởng, phong Tĩnh Công làm Thái bảo Trấn quốc Đại vương, Ninh Công làm Thư thiên thái giám chưởng Thiên Quan tòa. Hai ông cũng tâu lên chuyện Hà Bá Thủy quan phù giúp, nên vua Đinh phong thủy thần là Há Bá Thủy tộc Đại vương, cho hai ông rước Thủy thần sắc văn về Thanh Khê lập miếu thờ tự.

Một hôm, Đinh Tiên Hoàng cùng bá quan đang triều nghị, bỗng thấy trời đất mờ mịt, tự nhiên hai ông Tĩnh Công, Ninh Công đều hóa. Cùng lúc ấy, dân làng Thanh Khê thấy hai dải ánh sáng từ phương Tây Bắc thẳng đến cửa miếu Thủy thần rối mất. Ba tháng sau, sứ thần nhà vua đệ sắc cho dân làng Thanh Khê phụng sự, gia phong hai ông là thượng đẳng phúc thần, cùng thờ chung ở miếu Thủy thần. Thời nhà Trần, Hồ Quý Ly tiếm ngôi. Lê Thái Tổ đánh Hồ Quý Ly, đuổi nhà Minh, ba vị thần đều âm phù cho vua. Lê Thái Tổ gia phong cho ba vị làm Thượng đẳng phúc thần, giao cho làng Thanh Khê phụng sự.

2.4 Thần tích làng Đồng Xuân xã La Sơn

Đình làng Đồng Xuân xã La Sơn thờ Đức Quốc mẫu Vua bà Đông Lộ Âu Cơ, Đức Thiên La Công chúa.

Vua Kinh Dương Vương trị phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ, lấy Long Nữ, sinh ra Lạc Long Quân. Vua Lạc Long Quân lấy Âu Cơ con vua Đế Lai. Âu Cơ sinh ngày mồng 3 tháng 3. Ông bà Lạc Long Quân, Âu Cơ sinh ra bọc 100 trứng, nở ra 100 con trai. Vì là giống Tiên, Rồng khác nhau, nên chia nhau kẻ lên núi, người xuống biển. 50 người theo mẹ Âu Cơ lên núi, 50 người theo cha Lạc Long Quân xuống biển. Con trưởng là Lân Hiền Vương, nối ngôi, hiệu là Hùng Vương, đổi tên nước là Văn Lang.

Lạc Long Quân về Hồ Động Đình. Âu Cơ lên chùa Tây Thiên trên núi Tam Đảo. Bà hóa vào ngày 24 tháng Sáu.

Lân Hiền Vương có 60 con trai, 18 con gái. Có một người con gái, con của Lân Hiền Vương với bà Triệu Thị Mai, tên là Phương Dong công chúa. Công chúa sinh ngày mồng 10 tháng Giêng. Lớn lên, công chúa xin vua cho đi chu du thiên hạ, tìm Phật cầu Tiên. Đến chùa Tây Thiên ở Tam Đảo, nghe nói Quốc mẫu Âu Cơ tu tiên ở chùa ấy. Đến ngày thứ 3 không thấy gì, bèn trở về. Vừa ra khỏi cửa, bỗng trời nổi gió, có một người mỹ nữ xưng là Thanh y Đồng tử xuất hiện bảo: “Đợi đã, Đức Quốc mẫu đến bây giờ”. Công chúa cả mừng, trở vào chùa. Bà cháu gặp nhau mừng rỡ. Nhân nói chuyện tu tiên, công chúa cho thị tì về tâu vua xin cho nàng ở lại tu luyện cùng Quốc mẫu.

Ở được ba năm, nghe nói ở Bình Lục có núi An Lão là danh lam thắng cảnh, bà cháu cùng đi xem. Qua xã La Sơn, thấy địa mạch chung tú, xóm Đồng Xuân kiểu đất quy cách, có một cái giếng là nơi quần tiên tắm gội, gặp một lão nhân tên là Thúc Hòa đón mời vào nhà. Hai bà cháu xem phong thủy Đồng Xuân thấy đẹp, bảo lão nhân rằng: “Hãy làm một cái lều ở đấy hương đăng phụng thờ, hễ có việc gì thì khấn rằng: Quốc mẫu Vua bà, Thiên La Công chúa, nhị vị tôn thần, thì sẽ được báo ứng”.

Lao nhân Thúc Hòa nghe lời, làm một cái lều ở đấy, phụng sự rất linh ứng. Xóm Đồng Xuân sau đó mới lập thành Miếu vũ.

2.5 Sự tích Thiên Quan Đại vương ở xã An Ninh

Đình thôn Ngọc Bưởi và Thọ Vực ở xã An Ninh thờ Thiên Quan Đại vương.

Vị Thiên Quan này là cháu gọi vua Hùng Vương là bác ruột. Sinh được trăm ngày đã biết đi, biết nói, không học mà biết chứ, sức khỏe hơn người.

Năm ấy, có rợ Bắc địch sang xâm lược nước ta, Thiên Quan cùng em là Đại Vàng được vua Hùng cử đi đánh giặc. Nhờ sự giúp đỡ của Thủy thần, hai anh em đánh tan quân giặc. Hùng Vương mở tiệc khao quân thắng trận trở về. Đức Thiên Quan kéo quân về qua tại Chân Ninh tức An Ninh ngày nay dừng lại, chờ đón nhà vua. Phụ lão trong làng dâng lễ lạy mừng. Vua tới, thấy ngài trong trại liền hỏi: “Nhà ngươi muốn ở đây chăng?”. Ngài tâu: “Đây dẫu là trại nhỏ, nhưng dân có lễ nghĩa, xin vua cho ở lại đây thì đủ thỏa lòng hy vọng”. Vua cười bảo: “Nhà ngươi có công với nước, trẫm có tiếc gì”. Lập tức cho dân trại Chân Ninh được miễn các thứ thuế và làm nơi huyết thực của Thiên Quan. Ngài ở lại đây lập hành cung, dạy dân làm ruộng, trồng dâu và làm nhiều việc công đức cho dân.

Được hai năm, đến ngày mồng 10 tháng Ba, ngài đi chơi đến núi Thu Tinh, tự nhiên thấy trời tối sầm, rồi hổ báo, tê giác, voi kéo nhau lũ lượt đến chầu. Được một lúc thì ngài hóa. Quân lính và gia thần về tâu vua. Vua thương xót, phong cho ngài làm Thiên Quan Đại vương Thượng đẳng phúc thần, rồi hạ chiếu cho dân trại Chân Ninh lập đền thờ ở hành cung cũ. Hiện ngài được thờ tại đình thôn Ngọc Bưởi và Thọ Vực.

3. Câu đối

Câu đối thuộc thể loại văn biền ngẫu, gồm hai vế đối nhau nhằm biểu thị một ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một hiện tượng, một sự việc nào đó trong đời sống xã hội. Đối ở đây có nghĩa là ngang nhau, hợp nhau thành một đôi. Câu đối là một trong những thẻ loại của văn học Việt Nam cổ.

Câu đối có 2 loại: Song phong và Đối chát. Thường có hai vế viết theo hàng dọc (có từ 5, 7, 9 từ trở lên). Vế đầu bên phải, chữ cuối là âm trắc, vế sau chữ cuối là âm bằng, khi đọc từ phải sang trái.

Bình Lục là đất học. Các câu đối thường do các nho sĩ, những người hay chữ soạn ra. Trong tác phẩm “Địa dư huyện Bình Lục”, tác giả Ngô Vi Liễn đã ghi chép được gần 300 đôi câu đối ở các di tích lịch sử văn hóa. Tác giả chỉ phiên âm, không ghi phần giải nghĩa nên khó thấy được cái hay thâm thúy của câu đối. Gần đây nhiều địa phương đã bảo tồn các di tích, tu sửa lại các công trình tôn giáo tín ngưỡng, tiếp nhận thêm nhiều câu đối của những người công đức nên số lượng hàng ngàn câu. Nhà thơ Nguyễn Khuyến ngoài gia tài thi ca, còn rất nhiều câu đối chữ Hán, chữ Nôm.

4. Điếu văn

Điếu văn là bài văn nói lên sự thương tiếc của người còn sống đối với người đã chết, thể văn là văn tế, biền ngẫu. Văn bản tiểu sử tóm tắt là tóm tắt cuộc đời của người chết gồm hai phần: lý lịch và sự nghiệp của người đã khuất; thể văn thuật sự. Nội dung điếu văn chủ yếu nói về thân thế sự nghiệp; công lao đóng góp của người đã mất với cộng đồng và xã hội; công lao sinh thành dưỡng dục con cháu nội, ngoại trưởng thành; phần thưởng được tặng… Nỗi đau buồn của gia đình và mọi người từ nay mất một người ông/bà, vợ/chồng, bố/mẹ, anh/em, đồng đội, bạn bè thân hữu. Tùy vị trí xã hội của người mất mà thực hiện các nghi lễ theo phong tục địa phương.

Điếu văn là nghĩa cử của người sống đối với người đã khuất, nay đã được đưa vào hương ước của làng. Tế văn, chúc văn, là một dạng đặc biệt của điếu văn thường được đọc trong hội làng truyền thống, ngày giỗ tổ, từ đường dòng họ, tổ nghề.

Ngoài điếu văn còn có những lời viếng của người đến viếng. Nhà thơ Nguyễn Khuyến ngày ở Huế, chuẩn bị thi Hội, nghe tin thầy dạy mình là cử nhân Trần Duy Vỹ (1791-1866), người thôn Gia Hội (xã Vũ Bản), Tri phủ Hoài Đức, qua đời, đã viết bài viếng có đoạn:

Tam Nguyên Yên Đổ kính thày

Tiên sinh là người: Kính lễ thịnh đức

Thành thực với mình, soi sáng với đời

Mọt hiền sư tài giỏi, một hưu quan tiếng tăm

Về mở trường dạy học, hàng nghìn và hàng trăm

Lớn nhỏ đều đỗ đạt, sau trước rừng nho lâm

Tiên sinh nay qua đời, việc lớn ai truyền nổi

Ngày qua năm tháng qua, sự nghiệp còn nóng hổi

Vẫn truyền nhớ người xưa, trông sao lòng khắc khoải

Những mùa xuân sớm mai, nhắc ta thương nhớ mãi.

(Nguyễn Văn Huyền dịch)

5. Bài Minh

Bài minh được khắc trên chuông, khánh, cân văn hết sức ngắn gọn mà đề cập nhiều vấn đề. Bài minh thường chỉ có 4 đoạn, mỗi đoạn 4 câu, nội dung nêu lý do, ca ngợi công lao, tiến trình. Bài minh ở chuông chùa Mỹ Thọ góp phần tìm hiểu về lịch sử ngôi chùa. Khánh đá chùa Điều có bài minh nhiều giá trị coi như thư tịch Hán – Nôm, soạn theo thể phú, rất có giá trị văn chương, lời văn tao nhã, ý văn sâu sắc. Nội dung nói về hoằng dương đạo Phật, giữ gìn đạo đức cha ông và miêu tả cảnh đẹp làng Thành Thị. Trên khánh khắc tên hơn 100 người phát tâm công đức của 38 gia đình thuộc hầu hết các dòng họ ở làng Thành Thị.

Bài Minh khắc trên bia chùa Phúc Lâm (An Thái), Bình Lục năm thứ nhất, niên hiệu Vĩnh Tộ, triều vua Lê Thần Tông (1619) do sinh đồ Đan Duy Minh soạn.

BÀI MINH CHÙA PHÚC LÂM

Mở mang trời đất

Trong cũng như ngoài.

Chùa Phúc Lâm tự

Ở làng An Thái.

Phật yên ngôi vị

Ngự tại phương nam.

Núi cao nước biếc

Đẹp đẽ vô vàn.

Khí thiêng linh ứng

Gắng phúc lưu ân.

Nữ làm hoàng hậu

Nam giúp đế quân.

Bảng vàng văn võ

Rạng rỡ muôn nơi.

Công thương rộng mở

Chăm lo cấy cầy.

Nhân tài muôn thuở

Sự nghiệp còn đây.

Nhà nhà no ấm

Đất nước thái bình.

Dân giàu nước mạnh

Phật đạo phồn vinh.

Công này, đức ấy

Muôn thuở trường sinh.

_____________________

(Còn nữa)

Địa chí Huyện Bình Lục

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy