Để HTX thực sự là điểm tựa của nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người tiên phong truyền bá tư tưởng kinh tế hợp tác. Ngày 11/4/1946, trong Thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam kêu gọi tham gia hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, Bác đã viết “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp, nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc... nông dân giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh” và “nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì cần phải có hợp tác xã”. Trải qua hơn 30 năm thành lập và trưởng thành, vị trí, vai trò của kinh tế tập thể, HTX trong nền kinh tế ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, để trở thành điểm tựa của nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, các HTX cần phải có sự chuyển biến đột phá từ tư duy đến hành động. Đó chính là nội dung trao đổi giữa phóng viên Báo Hà Nam và ông Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Nam.

Giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị kết nối cung cầu do Liên minh HTX tỉnh tổ chức năm 2024. Ảnh: Trần Minh

Phóng viên: Thực tế phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta nhiều năm qua, đã khẳng định vị trí vai trò quan trọng của HTX đối với nền nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện ở một số địa phương vẫn chưa nhận thức hết được vai trò, tầm quan trọng, bản chất, mục tiêu của HTX đối với phát triển nông nghiệp. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Đỗ Xuân Trường: Như chúng ta đã biết, sản xuất nông nghiệp trước đây rất manh mún, nhỏ lẻ, quy mô hộ không lớn. Mà khi quy mô sản xuất quá nhỏ thì khó có thể sản xuất hàng hóa lớn; khó có thể áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Manh mún, nhỏ lẻ, tự phát chính là điểm nghẽn lớn đeo bám ngành nông nghiệp trong nhiều năm. Muốn sản xuất lớn bắt buộc phải tích tụ đất đai, liên kết, tập hợp những người làm nông nghiệp lại. Chỉ khi người nông dân bắt tay hợp tác, đất đai mới được tập trung. Vì vậy, HTX  chính là một trong những giải pháp quan trọng để tập trung đất đai với quy mô lớn, từ đó xây dựng các vùng nguyên liệu, vùng chuyên canh, sản xuất theo quy trình đồng bộ, thống nhất, tạo ra những sản phẩm đồng đều về chất lượng, mẫu mã.

Thực tế sản xuất ở các xã: Nguyễn Úy (Kim Bảng), Đồng Du (Bình Lục), Nhân Nghĩa (Lý Nhân); Mộc Hoàn, Trác Văn (Duy Tiên)... đã chứng minh: trên cùng một diện tích canh tác nếu chỉ có một người nông dân sản xuất kết quả sẽ rất khác so với nhiều người nông dân liên kết lại với nhau. Rõ ràng, đất đai không thể nở ra nhưng khi tư duy của người nông dân thay đổi, biết liên kết, phá bỏ bớt bờ vùng bờ thửa thì không gian sản xuất sẽ mở ra rộng lớn, sẽ mang lại những thay đổi lớn lao. Không gian sản xuất rộng, cho phép người nông dân dễ dàng ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tạo thành chuỗi ngành hàng, từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến và đưa ra thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương quan tâm, tạo điều kiện để các HTX phát huy được hiệu quả, thì vẫn có một số địa phương do nhiều lý do về thể chế, tập quán... nên chưa nhìn thấy lợi ích, mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài của HTX; chưa coi HTX như một cứu cánh để chuyển từ nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ sang quy mô lớn, để từ đó cấu trúc lại ngành hàng dựa trên sự hợp tác của những người sản xuất thông qua đại diện HTX.

Phóng viên: Trong bối cảnh ruộng đất nông nghiệp có nguy cơ ngày càng thu hẹp do chuyển đổi mục đích sử dụng, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hoạt động của các HTX vốn đã khó nay lại càng khó?

Ông Đỗ Xuân Trường: Đúng vậy! Diện tích ngày càng thu hẹp đồng nghĩa với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất sẽ khó khăn; việc liên kết trong sản xuất hàng hóa tập trung với sản lượng lớn cũng rất khó bảo đảm thường xuyên, liên tục; nhất là khi mối liên kết giữa các tác nhân trong cùng một chuỗi và liên kết dọc giữa các ngành hàng vẫn còn hạn chế. Liên kết ngang giữa các nông dân, giữa HTX với HTX, và giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp hiện mới chỉ dừng lại ở mức chia sẻ kinh nghiệm. Hoặc khâu sơ chế, chế biến cũng mới chỉ ở mức thô, chưa hình thành được liên kết ngang một cách bền chặt để thống nhất được giá cả, chất lượng nông sản hàng hóa cung ứng ra thị trường.

Thách thức lớn nhất khi phát triển chuỗi giá trị nông sản ở Hà Nam hiện nay, đó là cơ cấu sản xuất nông nghiệp chưa hợp lý, năng suất nông sản chưa cao. Trong khi nhu cầu phát triển xanh, phát triển bền vững đang đặt ra yêu cầu nông dân, HTX, doanh nghiệp cần đổi mới quy trình sản xuất, áp dụng công nghệ để hạn chế thất thoát sau thu hoạch.

Nguyên nhân là do việc sử dụng các tài nguyên thiên nhiên để phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân vẫn còn chưa hợp lý dẫn đến thoái hóa đất đai, ô nhiễm nguồn đất, nước, không khí. Điều này khiến sản xuất nông nghiệp thiếu tính bền vững, khó phát triển được các chuỗi giá trị và ảnh hưởng đến xuất khẩu. Hơn nữa, người dân, HTX hiện dường như không có được thông tin thị trường đa dạng dẫn tới tiêu thụ khó khăn trong khi đầu ra là khâu vô cùng quan trọng trong phát triển chuỗi cũng như phát triển HTX. Những điểm nghẽn từ ứng dụng công nghệ, tìm kiếm thị trường, truy xuất nguồn gốc, kho vận, liên kết đang khiến chuỗi giá trị nông sản ở Hà Nam chưa thực sự phát triển.

Sản xuất dưa chuột tại HTXDVNN Nhật Tân (Kim Bảng). Ảnh: Thu Minh

Tính đến cuối năm 2024, có 10 HTX trên địa bàn tỉnh áp dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động điều hành và sản xuất kinh doanh, 38 HTX liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm. Một số mô hình tiêu biểu trong hoạt động chuỗi giá trị như HTXDVNN: La Sơn, An Ninh, Nhân Mỹ liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho thành viên; mô hình tiêu biểu về áp dụng công nghệ cao như HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đồng Du áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt vào chăm sóc cây nho, HTX Dược thảo Minh Đức áp dụng quy trình nhà lạnh sản xuất đông trùng hạ thảo, HTX Bún phở khô Khánh Linh áp dụng dây chuyền sản xuất đồng bộ máy sấy để sản xuất phở khô. Mô hình tiêu biểu trong chuyển đổi số, kinh tế xanh như HTX Hoàng Trà áp dụng công nghệ sấy lạnh để sản xuất trà sen trà súng, bán hàng trên nền tảng youtube…, HTX Du lịch sinh thái hoa cây cảnh Phù Vân kết hợp du lịch tham quan với sản xuất cây cảnh, HTX Thủy sản sông trong ao Hải Đăng áp dụng công nghệ tạo dòng chảy trong ao để sản xuất cá thương phẩm, HTX Du lịch sinh thái Dệt lụa Hồng Tiến Nha Xá kết hợp phát triển nghề truyền thống với du lịch...

Những con số trên dù đã khẳng định được vị trí, vai trò của các HTX trong công tác quản lý, điều hành và tổ chức sản xuất nhưng lại chưa thực sự phát huy vai trò điểm tựa của nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh; nhất là khi, nông nghiệp được xác định là trụ đỡ của nền kinh tế của tỉnh trong những năm gần đây. Thực tế, hiện vẫn có không ít người dân, HTX vẫn phải tự mày mò, tìm hướng để tiêu thụ nông sản cho chính mình.

Phóng viên: Vậy theo ông giải pháp ở đây là gì?

Ông Đỗ Xuân Trường: Tôi cho rằng, muốn HTX phát triển, trước hết cần phải  hiểu được năng lực, bản chất HTX. Bản chất của HTX là tận dụng lợi thế số đông để mua giá tốt hơn, bán được giá hơn; dựa vào số đông để cơ giới hóa, tự động hóa, thay đổi quy trình canh tác, để cải thiện năng suất, chất lượng. Hiện, chúng ta còn đang tiếp cận, tiến tới phát triển nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, một hộ sẽ không thể làm được điều này. Vì vậy,  HTX chính là một cấu trúc kinh tế để hợp tác người nông dân, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích khi chuyển từ kinh tế hộ sang kinh tế hợp tác. Cùng với đó, cần phân nhóm HTX để thúc đẩy kết hợp với doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp liên kết với HTX sẽ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, logistics cho HTX. Trong đó, HTX sẽ đóng vai trò trọng tâm để hình thành các vùng nguyên liệu với mục tiêu hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, HTX và nông dân liên kết trong các vùng nguyên liệu, giảm chi phí đầu vào, tăng thu nhập cho thành viên HTX và người nông dân. Đồng thời, qua đó, giúp các HTX nâng cao khả năng điều hành và tổ chức sản xuất, thay đổi những tập quán sản xuất mang tính manh mún, nhỏ lẻ của người nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể và nâng cao giá trị của chuỗi nông sản.

Mặt khác, tôi cho rằng, việc biểu dương, tôn vinh các HTX hằng năm sẽ là động lực để các HTX thấy giá trị từ việc liên kết mang lại là cấp số nhân; HTX không phải phép cộng của các thành viên mà là cấp số nhân tạo ra sức sống mới cho nông thôn. Hay nói cách khác, phát triển kinh tế nông thôn cần dựa trên phát triển HTX. Những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam nói chung, và các cấp hội nông dân Hà Nam nói riêng đã làm rất tốt điều này. Những HTX được tôn vinh không chỉ là những nông dân sản xuất giỏi, có thu nhập cao mà họ còn biết tập hợp những người khác để cùng nhau đi xa hơn, chinh phục những đỉnh cao mới.

Vai trò của HTX trong hệ sinh thái nông nghiệp là rất quan trọng. Vì vậy, việc tập trung nguồn lực, hoàn thiện chính sách tổng hợp từ chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, đầu tư công nghệ, phát triển thị trường… chính là những giải pháp trọng tâm, góp phần thúc đẩy mô hình kinh tế này phát triển toàn diện và bền vững.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Thu (Thực hiện)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.