Địa chí huyện Bình Lục: Nông nghiệp – Thủy lợi

Phần thứ ba – Kinh tế: Chương II. Nông nghiệp – Thủy lợi

CHƯƠNG 2: NÔNG NGHIỆP – THUỶ LỢI

A. Nông nghiệp

Bình Lục cũng như vùng đồng bằng Bắc bộ nói chung, nông nghiệp là lĩnh vực kinh tế có từ lâu đời, có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống dân cư và trong suốt tiến trình phát triển của xã hội. Sản xuất nông nghiệp giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm, nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia và an ninh nông thôn. Từ sau cách mạng tháng tám cho đến năm 2005, văn kiện các kỳ đại hội của đảng bộ Bình lục, nông nghiệp luôn luôn được xác định là mặt trận hàng đầu trong phát triển kinh tế xã hội. Đất đai, nhân khẩu nông thôn cũng là đặc thù của một vùng đất thuần nông. Theo chi cục thống kê huyện đến năm 2019, tỷ lệ hộ, nhân khẩu nông thôn vẫn chiếm 95 % tổng số hộ, nhân khẩu trong toàn huyện, lao động trong ngành nông nghiệp thủy sản vẫn chiếm 45,78% tổng số lao động và có nguồn thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp. Về đất đai: đến 31/12/2018 diện tích đất nông nghiệp là 10463,1 ha chiếm 72,55%diện tích tự nhiên toàn huyện, bình quân đầu người là 786,43m2/người cao hơn bình quân đầu người của tỉnh Hà Nam.

Trong hơn 10 năm trở lại đây, thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp dịch vụ, tỷ trọng giá trị sản lượng ngành nông nghiệp thủy sản có xu hướng giảm đi, nhưng hiệu quả sản xuất thì tăng lên, nông nghiệp đang chuyển sang sản xuất hàng hóa và vẫn giữ vai trò quan trọng là đảm bảo lương thực thực phẩm cho nhu cầu của xã hội. Tổng giá trị sản lượng bình quân giai đoạn 2010- 2015 là 1942,2 tỷ đồng tăng 4,1%/năm, Giai đoạn 2015 – 2020 bình quân là 2290,6 tỷ tăng 2,4%/năm. Giá trị sản xuất bình quân 1 ha năm 2010 là 80,1 triệu đồng, năm 2012 là 87,1 triệu đồng, năm 2015 là 92,5 triệu đồng, Năm 2017 là 96,3 triệu đồng thì năm 2019 tăng lên 105 triệu đồng (theo giá trị cố định 2010).

Địa chí huyện Bình Lục Nông nghiệp – Thủy lợi
Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp qua các thời kỳ. (Đơn vị: %)

Cơ cấu sản xuất trong nội bộ ngành nông nghiệp có sự chuyển biến mạnh mẽ. Trước đây sản xuất tự cấp tự túc, cây lúa là cơ bản, chăn nuôi chỉ là kinh tế phụ gia đình. Từ năm 1968, đại hội 12 đảng bộ Bình Lục chủ trương phá thế độc canh, phát triển nông nghiệp toàn diện, phấn đấu đưa chăn nuôi phát triển cân đối với trồng trọt, ngành chăn nuôi được khuyến khích mạnh mẽ, xong mãi cho đến sau khoán 10 và nhất là khi chuyển sang sản xuất hàng hóa, chăn nuôi mới phát triển mạnh. Thực hiện nghị quyết 03 của tỉnh ủy Hà Nam, từ năm 2005 đến năm 2010 các dự án phát triển cây trồng hàng hóa được triển khai đạt hiệu quả cao, hình thành các trang trại sản xuất đa canh. Giai đoạn 2010 – 2015 đã xây dựng 21 “cánh đồng mẫu lớn” quy mô 25 ha trở lên, nhân rộng mô hình liên kết 4 nhà (nhà nông- nhà doanh nghiệp- ngân hàng- nhà nước) để tăng hiệu quả sản xuất hàng hóa. Từ 2015 thực hiện tích tụ ruộng đất, liên kết trong sản xuất, đã xây dựng quy hoạch chi tiết khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 121ha; các vùng rau củ quả sạch 10 ha trở lên với tổng diện tích 548 ha. Đến năm 2019 đã có 345 Trang sạch chuyên canh hoặc theo mô hình VACR ( vườn – ao- chuồng – ruộng) và 46 mô hình tích tụ 420,8 ha liên kết với các doanh nghiệp. Nhờ vậy giá trị sản lượng ngành nông nghiệp không ngừng tăng nhanh, cơ cấu ngành cũng có chuyển biến tích cực.

Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp (Đơn vị tính: %)

Địa chí huyện Bình Lục Nông nghiệp – Thủy lợi
Nguồn: Báo cáo kết quả xây dựng nông thôn mới – phòng thống kê

I. Ngành trồng trọt

Do đặc thù về đất đai, địa hình và thổ nhưỡng, hoạt động trồng trọt trở thành tập quán của cư dân từ khi xuất hiện trên mảnh đất này cho đến tận bây giờ, trong đó sản xuất lúa là chủ yếu. Từ năm 1970, thực hiện phá thế độc canh cây lúa, đổi mới cơ cấu cây trồng, hoạt động trồng trọt có chuyển biến mạnh với sự đa dạng của cây trồng và mùa vụ. Diện tích màu lương thực vụ thu đông và vụ đông xuân tăng nhanh, cây công nghiệp như mía, đay, tinh dầu được đưa vào sản xuất phục vụ cho công nghiệp và xuất khẩu. Đặc biệt là vụ đông ngày càng phát triển tăng cả diện tích và sản lượng rau màu góp phần giải quyết đời sống những năm thời tiết khắc nghiệt và những kỳ giáp hạt, đồng thời còn là nông sản hàng hóa. Tuy vậy chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu vẫn là sản xuất lương thực, trong đó có lúa.

1. Sản xuất lương thực

Sản xuất lương thực luôn là trọng tâm của sản xuất nông nghiệp được chính quyền tập trung chỉ đạo và được nông dân đầu tư một cách căn cơ nhất. Lương thực bao gồm lúa, ngô. Trong thời kỳ chống Mỹ, nhóm cây củ có bột như khoai lang, sắn, kể cả khoai tây, sản phẩm cũng được cân đối vào lương thực. Cũng trong giai đoạn này diện tích nhóm cây lương thực không ngừng tăng lên cả về diện tích và tổng sản lượng. Nhờ vậy mà từ năm 1990 trở lại đây mới căn bản giải quyết được tình trạng thiếu lương thực triền miên, bắt đầu chuyển sang sản xuất hàng hóa. Từ năm 2005 diện tích sản xuất nhóm cây lương thực có xu hướng giảm, nhưng năng suất cây trồng và bình quân lương thực trên đầu người vẫn tăng lên. Cũng từ đây việc tính sản lượng lương thực quy thóc chỉ tính cây có hạt.

Địa chí huyện Bình Lục Nông nghiệp – Thủy lợi
Biểu sản lượng lương thực qua các thời kỳ (TSLLT) (Đơn vị: tấn)

1.1. Sản xuất lúa

Lúa là cây trồng có từ lâu đời nhất, sản xuất lúa quyết định đời sống vật chất và chi phối cả đời sống văn hóa tinh thần của dân cư. Diện tích đất lúa ở Bình Lục đến năm 2019 là 7879,4 ha chiếm 75,3%đất nông nghiệp. Sản xuất lúa được tiến hành hai vụ trong năm. Trước đây vụ mùa do tưới tiêu không chủ động, thường có gió bão, nhiều vùng đất trũng bị ngập úng, nên diện tích và năng suất thấp hơn vụ đông xuân. Khi hệ thống thủy nông hoàn chỉnh, nhiều năm trở lại đây diện tích và năng suất lúa hai vụ chênh lệch nhau không nhiều.

Về diện tích: trước năm 1980 diện tích cây lúa hằng năm không ngừng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Do xác định rõ vị trí quan trọng của cây lúa nên có nhiều biện pháp tích cực để tăng diện tích. Trước hết là giải quyết vấn đề tưới tiêu để mở rộng diện tích cây mùa, tiếp đó là san lấp thùng đào, khai hoang phục hóa tận dụng diện tích, tăng diện tích cấy trên trên chân mạ chuyên vv... năm 1961[1] diện tích lúa chiêm là 28000 mẫu, vụ mùa 16000 mẫu cả năm là 44000 mẫu (quy 15840 ha). Năm 1966 tăng diện tích vụ mùa lên 7202. Năm 1977 diện tích cả hai vụ đều tăng trong đó vụ mua diện tích cao nhất từ trước đến thời điểm đó. Từ đó diện tích lúa ổn định cho đến năm 2002 thì giảm gần 3000 ha[2].

Do chuyển một phần diện tích vùng trũng sản xuất lúa kém hiệu quả sang làm trang trại đa canh nuôi trồng thủy sản, chuyển một số diện tích vùng cao khó nước sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn. Từ năm 2002 đến 2010 diện tích cây lúa tương đối ổn định, dao động từ 18098 – 18425 ha[3] giai đoạn từ sau 2010 diện tích cây lúa tiếp tục giảm đi do chuyển một phần đất làm cụm công nghiệp, giải quyết mặt bằng cho phát triển hạ tầng giao thông, đô thị và đất kinh doanh dịch vụ. Diện tích giai đoạn này dao động từ 16058 ha đến 16250 ha[4] và xu hướng ngày càng giảm. Thời gian gần đây sản xuất lúa mặc dù năng suất rất cao nhưng hiệu quả thấp hơn nhiều so với việc kinh doanh các ngành nghề khác nên có hiện tượng bỏ ruộng hoang không cấy. Theo thống kê năm 2019 diện tích bỏ ruộng trong huyện đã lên tới 74ha.

Về năng suất: năng suất lúa liên tục tăng nhanh. Năm 1961 năng suất lúa vụ chiêm 691 kg/mẫu, vụ mùa 693kg/mẫu, quy ra năng suất bình quân là 18,8 tạ/ha/vụ. Năm 1967 có bước ngoặt đầu tiên là có 11 hợp tác xã đat 5 tấn/ha. Vụ đông xuân năm 1970- 1971 đạt 20,52 tạ/ha, cao nhất đến thời điểm đó. Năm 1974 năng suất đạt 5,7 tấn/ha cả năm, là năm đầu tiên vượt qua cửa ải 5 tấn thóc 1 ha. Năm 1986 năng suất đạt 5,5 tấn/ha. Năm 1999, vượt qua cửa ải 10 tấn/ha, với năng suất đạt cao nhất là 106,3 tạ/ha[5](1). Năm 2001,100 % hợp tác xã trong huyện đều đạt năng suất trên 10 tấn/ha. Từ năm 2010 đến 2019 nhiều năm đạt trên 12 tấn/ha.

Địa chí huyện Bình Lục Nông nghiệp – Thủy lợi
Diện tích, năng suất, sản lượng lúa một số năm

Sản lượng lúa tăng nhanh, sản xuất lúa chuyển sang làm hàng hóa. Năm 2003 đã quy hoạch 20 – 25% diện tích đất hai lúa thành vùng lúa hàng hóa giá trị cao. Năm 2010 diện tích lúa hàng hóa đã đạt 27-30%. Đến năm 2019 có 28 vùng trồng lúa với diện tích 334,85ha[11] liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa. Đồng thời áp dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, nhờ vậy mà năng suất tăng, chất lượng gạo ngon hơn, giá thành hạ.

Sự biến đổi mạnh mẽ của sản xuất lúa nước ở Bình Lục trước hết là nhờ công tác thuỷ lợi. Thuỷ lợi đã từng bước mở rộng đến 100 % diện tích cấy mùa, chủ động rút nước để cải tạo đất đai như thau chua, giữ nước làm đầm cho vùng trũng, rút nước làm ải cho vùng cốt đất cao. Đây cũng là biện pháp mà dân gian tổng kết: “ ải âm không bằng dầm ngậm” và “một hòn đất nở bằng một giỏ phân”. Thuỷ lợi còn làm thay đổi phương thức canh tác cây lúa nước: khâu làm đất trước kia còn phải “cầy vè”(1), Nay đã cơ giới hóa gần 100 %; khâu gieo cấy từ việc gieo “mạ dài, cấy sâu” đều có thể cấy mạ dầy xúc, nền cứng, gieo thẳng gieo vãi, chủ động trong mọi tình huống thời tiết, chủ động tưới tiêu khoa học trong thâm canh. (Cầy vè: sau khi gặt chiêm, nước ngập ngang bụng người, thợ cầy phải dùng vè để đánh dấu luống đã cầy. Vè dài khoảng 1,5m đường kính 1 – 1,5cm, vót bằng tre. Mạ dài cấy sâu: là khi cấy nước ruộng cấy vẫn còn sâu, mạ phải gieo dài 25 – 30cm, khi cấy phải cắm cây mạ sâu tay để không bị nổi lên mặt nước ngay sau khi cấy). Nhưng yếu tố tác động mạnh mẽ nhất lại là cuộc cách mạng về giống lúa diễn ra qua gần ba thập kỷ. Các giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, chất lượng gạo ngon dần dần thay thế các giống dài ngày năng suất thấp, tạo điều kiện tăng vụ ba trong sản xuất nông nghiệp.

Trước đây các giống cũ phù hợp với đồng chiêm trũng úng ngập quanh năm là các giống cây dài ngày như Sài Đường, Cút, Ỏn, Dâu Đen, Tẻ Dong, Nếp Cà Cuống... vụ mua có giống ri, tám, nếp cái hoa vàng, dự...Nói chung các giống lúa dài ngày, chất lượng gạo ngon. Đặc biệt ở xã An Lão có giống lúa câu cánh gạo trắng dẻo thơm được dùng để tiến vua[12]. Đến những năm cuối 1960 – 1975 có các giống 314, trân châu lùn nông nghiệp 5 vào vụ chiêm và Mộc Tuyền, Bao Thai lùn, Di hương vào vụ mùa. Năm 1975 bước đầu đưa giống lúa nông nghiệp 1A ngắn ngày vào cấy mua sớm để tạo điều kiện phát triển vụ Đông[13]. Đến năm 1976 tỷ lệ giống mới vụ chiêm đạt 70 %; vụ mùa 63,7%toàn huyện. Giai đoạn này các giống lúa xuân: Trân Châu lùn, Nông nghiệp 8 là chủ lực trong vụ chiêm xuân, ngoài ra còn có giống VN10, IR17494. Từ năm 1985 hàng loạt các giống lúa ngắn ngày đưa vào sản xuất trong đó giống CR203, C70 là chủ lực. Cho đến năm 1991 dịch bệnh Đạo ôn phát triển hàng loạt trên giống CR203, giống này mới bị thay thế. Từ năm 1995 các giống thuần Trung Quốc, giống tạp giao, giống lai phát triển mạnh. Bình Lục là nơi tổ chức sản xuất giống bố mẹ từ giống siêu nguyên chủng để sản xuất giống lai F1 cung cấp cho các hợp tác xã. Thời gian này đã chú trọng các giống gạo ngon như Bắc thơm số 7, IR64, đài thơm 8, lúa nhật J02, nếp cái hoa vàng để làm hàng hoá.

Sự phong phú của bộ giống lúa đã từng bước làm thay đổi cơ cấu mùa vụ: trước đây là vụ chiêm – vụ mùa; chiêm xuân – mùa; xuân sớm – xuân chính vụ; mùa sớm – mùa chính vụ; xuân chính vụ - xuân muộn - mùa sớm, mùa chính vụ. Từ năm 2000 bỏ hẳn trà xuân chính vụ để thực hiện xuân muộn 100 %; mùa sớm 35-50%, mùa chính vụ;  đến 2019 là xuân muộn – mùa sớm. Sự thay đổi này đã làm cho sản xuất lúa tránh được những bất thường của thời tiết, đạt năng suất cao và tăng diện tích vụ đông sớm. 

Địa chí huyện Bình Lục Nông nghiệp – Thủy lợi
Biểu: bộ giống lúa năm 2015 – 2020

1.2. Sản xuất ngô

Trước đây sản xuất ngô tập trung ở các xã vùng ven sông Châu Giang, ven sông Ninh Giang bằng các giống ngô nếp, ngô tẻ. Từ những năm 1976 – 1980 diện tích cây vụ đông tăng nhanh thì diện tích cây ngô trồng trên đất hai lúa tăng theo, trở thành cây trồng chính của vụ đông. Một số xã có diện tích vụ đông trên chân hai lúa cao là An Đổ, Trung Lương, An Nội vv... Từ năm 2000 diện tích ngô đông giảm nhiều, sản xuất ngô chỉ còn tập trung ở những vùng đất có truyền thống, diện tích ngô đông còn rất ít.

Diện tích năng suất, sản lượng mua qua các thời kỳ

Địa chí huyện Bình Lục Nông nghiệp – Thủy lợi
Nguồn: Niên giám thống kê năm 2018 trang 334, 335; 2019: báo cáo phục vụ đại hội 28, 2019 

1.3. Cây chất bột có củ

a. Khoai lang

Cũng như cây ngô, cây khoai lang trước đây được trồng nhiều ở các xã ven sông, cốt đất cao, bằng các giống dài ngày (6 tháng) vào vụ đông xuân. Khi vụ đông phát triển thì diện tích khoai lang tăng nhanh. Vào đầu những năm 1980, đưa các giống ngắn ngày (3 tháng) vào sản xuất vụ đông trên chân ruộng hai lúa, vào chân ruộng gieo mạ chuyên ở vụ đông xuân. Từ năm 2000 đến nay diện tích khoai lang có xu hướng giảm.

Địa chí huyện Bình Lục Nông nghiệp – Thủy lợi
Diện tích năng suất, sản lượng khoai lang qua các thời kỳ

b. Cây dong (có nơi gọi là chóc, đao)

Trồng nhiều ở vùng ven sông Châu Giang, nhất là Hưng Công, Bồ Đề. Sản phẩm là bột để sản xuất miến dong. Hiện nay chỉ còn trồng rải rác.

1.4. Nhóm cây rau đậu thực phẩm

Ở vụ xuân, thu đông nhóm cây rau đậu thực phẩm được trồng nhiều ở đất cốt cao các xã vùng ven sông Châu Giang, Ninh Giang, là tập quán canh tác lâu đời. Ở các xã vùng đồng trũng, rau đậu là thực phẩm chủ yếu được trồng nhỏ lẻ ở vườn, ao quanh nhà hoặc trồng xen canh cây trồng  khác mang tính tự sản tự tiêu. Các loại rau quả rất phong phú như bầu, bí, mướp, ớt, chanh, rau muống, rau ngót, cà, cải xanh, cải bẹ vv...

Vào cuối những năm 1970, ở nhiều xã ven sông Châu, sông Ninh đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất các loại cải bắp, su hào, súp lơ, rau đậu, dưa chuột, bí xanh, bí đỏ... mang tính hàng hóa rõ rệt. Điều đặc biệt tạo nên sự thay đổi lớn của nhóm cây này là sự phát triển của vụ đông. Năm 1980 là năm có diện tích vụ đông 13.214 mẫu chiếm 31 % trên chân ruộng hai lúa[20]. Bên cạnh nhóm cây vụ đông sớm như ngô, đậu tương là các loại cà chua, bí xanh và rau các loại, nhiều loại làm hàng xuất khẩu như dưa chuột, khoai tây... từ năm 1978 diện tích khoai tây, đã đạt 840 mẫu[21]. Kĩ thuật canh tác các cây trồng vụ đông rất phong phú để tranh thủ thời vụ như trồng trên đất ướt, trồng “bầu” (tra hạt trên bầu khi gặt mùa xong thì đặt lên luống) vv... những năm gần đây, diện tích vụ đông giảm, diện tích các loại rau màu cũng giảm theo.

Địa chí huyện Bình Lục Nông nghiệp – Thủy lợi
Diện tích một số cây rau đậu thực phẩm qua một số năm
Địa chí huyện Bình Lục Nông nghiệp – Thủy lợi
Mô hình nhà lưới sản xuất sản phẩm nông nghiệp xã Hưng Công.

1.5. Cây công nghiệp hằng năm

Phát triển mạnh vào những năm 1970 – 1980 để có nguyên liệu cho một số cơ sở chế biến và làm hàng xuất khẩu. Thời gian gần đây do thị trường khó khăn các cơ sở ngừng sản xuất,  nên diện tích các cây trồng giảm hẳn, chỉ còn cây lạc, đậu tương sản xuất đủ để làm thực phẩm tại địa phương.

a. Cây mía: năm 1975 diện tích 200 ha[22] trồng ở các xã Bình Nghĩa, Đồng Du, Hưng Công, Bồ Đề, Ngọc Lũ đến năm 1990 giảm còn 101 ha, Năm 2002 còn 52 ha, Đến nay chỉ còn một số ít, tự sản tự tiêu.

b. Cây đay: năm 1975 diện tích 100 ha[23]  trồng ở các xã An Ninh, Bồ Đề phục vụ cho nghề dệt thảm đay xuất khẩu, đến nay không còn trồng.

c. Cây lạc: sản lượng bình quân 1981- 198 năm đã đạt 120 tấn/năm[24] làm hàng xuất khẩu, đến 2019 còn 21,19 ha sản xuất làm thực phẩm.

d. Cây tinh dầu: năm 1977 đã đạt 108ha[25], tập trung ở các xã Bồ Đề, An Ninh... Gồm các loại hương nhu, bạc hà để chưng cất tinh dầu, nay chỉ còn trồng trong vườn nhà để tiêu dùng.

e. Cây dâu tằm: phát triển mạnh ở Bình Nghĩa, Ngọc Lũ vào những năm 1990- 1995. Vào năm 2002, tỉnh Hà Nam xây dựng trung tâm dâu tằm tơ đặt tại Cát Lại xã Bình Nghĩa, phục hồi nghề trồng dâu nuôi tằm kéo kén ở các xã Bình Nghĩa, Hưng Công, Ngọc Lũ với diện tích 43 ha, sản lượng 530 tấn[26]. Đến nay chỉ còn một số hộ nuôi tằm ướm tơ rải rác.

1.6. Cây ăn quả, cây lâu năm

 Trồng phổ biến trong vườn nhà dân cư khu vực ven sông Châu, dọc theo các trục đường giao thông lớn, bờ mương máng, sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong các hộ gia đình, lưu thông ở chợ quê hoặc thương lái thu gom đi tiêu thụ ở nơi khác. Cây ăn quả đa dạng: bưởi, cam, quýt, mít, nhãn, vải, hồng xiêm, chuối... Những năm 1980 huyện quản lý hơn 5000 cây nhãn có giá trị xuất khẩu. Từ năm 2000 cây ăn quả chuyển sang sản xuất hàng hóa với sự ra đời của hàng trăm trang trại đa canh theo mô hình VACR hoặc chuyên canh các loại cây ăn quả, cây có múi. Tuy vậy có hiện tượng trồng cây theo phong trào hiệu quả không cao khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Đối với cây lâu năm chủ yếu là cây lấy gỗ phải kể đến phong trào trồng cây nhân dân được phát động từ năm 1960, và trở thành phong trào trồng cây “đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, Mỗi năm hàng vài trăm ngàn cây các loại được trồng phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng, góp phần tăng giá trị sản lượng ngành nông nghiệp.

Địa chí huyện Bình Lục Nông nghiệp – Thủy lợi
Diện tích sản lượng cây ăn quả, cây lâu năm một số năm

2. Ngành chăn nuôi

Trước năm 1960, chăn nuôi chỉ là kinh tế trong các hộ dân cư theo kiểu nuôi thả tự nhiên. Từ sau năm 1960 phong trào chăn nuôi gia súc gia cầm được khuyến khích. Đàn trâu bò được tập thể hóa giao cho các hộ chăm sóc để phục vụ cày kéo. Bên cạnh đàn lợn do hộ xã viên chăn nuôi, còn có đàn lợn tập thể của các hợp tác xã. Hợp tác xã có chính sách khuyến khích như dành quỹ đất 5 %; dành 2 % sản lượng thực để phát triển chăn nuôi. Tuy vậy trong thời gian dài, chăn nuôi gặp nhiều trở ngại. Tình trạng thiếu hụt lương thực trong dân cư và trong hợp tác xã, thiếu thức ăn cho gia súc gia cầm; chính sách thu mua theo kế hoạch, giá nhà nước quy định... nên chăn nuôi không phát triển được. Từ khi đổi mới nhất là từ năm 2000 trở lại đây, ngành chăn nuôi huyện Bình Lục có chuyển biến căn bản. Cùng với chăn nuôi hộ gia đình là các hình thức trang trại, gia trại chăn nuôi với quy mô lớn đã làm tăng nhanh số lượng đàn gia súc gia cầm, tăng nhanh giá trị sản lượng.

Biểu số lượng và sản lượng thịt hơi đàn gia súc gia cầm qua một số năm

Đơn vị tính: diện tích (ha), số con (SC): con, sản lượng (SL): tấn

Địa chí huyện Bình Lục Nông nghiệp – Thủy lợi
Ghi chú: số liệu thống kê 1/10 hàng năm; chỗ trống là không thống kê. Năm 2000 và 2010 theo niên giám thống kê tỉnh Hà Nam năm 2010 trang 164, 165,166; bình quân 2011- 2015 và năm 2019 theo báo cáo phục vụ đại hội 28 đảng bộ Bình Lục 2020.

2.1. Chăn nuôi trâu bò

Thời Pháp thuộc, con trâu, bò là tài sản lớn trong hộ gia đình, chỉ những nhà giầu mới có. Tậu trâu là một trong ba việc rất quan trọng của một đời người “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà”, con trâu là đầu cơ nghiệp, trâu bò dùng để cầy kéo. Từ năm 1960, đàn trâu bò được tập thể hóa làm công cụ sản xuất của các hợp tác xã nông nghiệp. Từ đó đàn trâu bò cày kéo tăng nhanh, được quản lý chặt chẽ, chỉ được giết trâu bò phế canh. Tổng đàn trâu bò năm 1960 là 3308 con[27] (trâu 2506, bò 802). Đến 1968 tăng lên 3797 con[28]. Đến năm 1985 thực hiện chỉ thị 100 về khoán trong nông nghiệp, nhiều nơi hoá giá đàn trâu bò cho xã viên nuôi, tổng đàn trâu bò 5795 con, nhưng đàn trâu bò tập thể thì giảm sút nghiêm trọng, làm đất bằng trâu bò chỉ đạt 55 % diện tích, tình trạng cuốc tay là phổ biến[29]. Từ đó đàn trâu bò cày kéo tiếp tục tăng nhanh, bình quân 1989 – 1990 tăng 22 – 24%[30] để phục vụ làm đất cho kinh tế hộ. Mặc dù tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất tăng lên, song tổng đàn trâu bò vẫn tăng. Từ năm 2000, chăn nuôi trâu bò đã chuyển hướng sang sinh sản và làm thực phẩm, từ 1997 đã đưa 10 con bò lai Sin vào tổng đàn và tăng cường thụ tinh để Sin hoá đàn bò. Chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản trong các hộ gia đình phát triển mạnh, chương trình “ngân hàng bò” con trở thành chương trình xóa đói giảm nghèo. Những năm gần đây đã hình thành một số trang trại nuôi bò thịt và bò sinh sản.

Từ 2015 đến 2020 đã thực hiện bẩy dự án chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản tại ba xã Vũ Bản, La Sơn. An Mỹ với diện tích 24,5 hécta bình quân trên 200 con/lứa, Đang tiếp tục triển khai hai dự án tại hai xã An Đổ và Đồn Xá

2.2. Chăn nuôi lợn

Trong thời kỳ bao cấp, việc chăn nuôi lợn được giao thành nghĩa vụ bán lợn hơi cho nhà nước của các hộ gia đình, tổng đàn lợn hàng năm đều tăng nhất là đàn lợn tập thể của hợp tác xã. Đến năm 1979 tổng đàn lợn đã đạt 45623 con trong đó đàn lợn tập thể 9262 con. Từ năm 1970 đã bắt đầu có sự cải tạo giống, đưa các giống ngoại nhập vào lai tạo và nhân rộng thay cho đàn lợn giống nội nhỏ bé và chậm lớn. Từ sau khi thực hiện khoán 10, nhất là từ năm 1990 đàn lợn tăng nhanh, bình quân năm 1995-2000 tăng 35 %/năm; bình quân năm 2001- 2005 tăng 66%/năm. Trong thời gian này chăn nuôi lợn đã chuyển sang sản xuất hàng hóa. Từ năm 1995 tỷ lệ giống lợn lai kinh tế, hướng nạc đã tăng nhanh. Từ 2010 hình thức chăn nuôi gia trại, trang trại được khuyến khích trong đó có bốn khu chăn nuôi tập trung quy mô lớn Tiêu Động, Tràng An, An Ninh cùng với chăn nuôi hộ gia đình đã làm tổng đàn lợn tăng nhanh. Năm 2016 là năm tổng đàn cao nhất đạt 318000 con. Năm 2017 do giá giảm quá thấp và năm 2019 do dịch tả châu Phi nhưng đàn lợn thịt bình quân năm vẫn đạt 220- 230 ngàn con xuất chuồng/năm[31].

2.3. Chăn nuôi gia cầm

Với thế mạnh của đồng chiêm trũng, Trước năm 1980, các hợp tác xã tập trung đẩy mạnh chăn nuôi vịt đẻ, vịt thịt. Năm 1976 tổng đàn vịt đã lên tới 95.000 con. Từ năm 1995. Hình thức chăn nuôi gia cầm đa dạng, trong đó, trang trại nuôi gà là chủ yếu. Giống gà siêu trứng, siêu thịt đã đưa vào chăn nuôi trong các hộ gia đình, gà công nghiệp đưa vào các trại với số lượng 350 ngàn con. Từ năm 1998 hầu hết các xã đã thành lập ban chăn nuôi thú y xã, đã hạn chế được dịch bệnh xảy ra trên gia súc gia cầm. Tổng đàn gia cầm giai đoạn 2001-2005 tăng 182,6%/năm. Năm 2019 tổng đàn gia cầm 1,362 triệu con cao nhất từ trước đến nay.

2.4. Nuôi trồng thủy sản

Nuôi cá là thế mạnh của vùng chiêm trũng. Công tác thuỷ lợi kết hợp với nuôi thả cá đã sớm tạo thành một ngành kinh tế trong hợp tác xã nông nghiệp. Năm 1968 huyện ủy Bình Lục ra nghị quyết về đẩy mạnh phong trào thủy sản và thành lập hai trại cá ở Cầu Gừng xã An Nội. Cuối năm 1968, 1531 ha mặt nước ao hồ mương máng được đưa vào thả cá, nhưng năng suất chỉ đạt 3,1kg/sào ruộng, 30kg/sào ao. Tuy vậy vẫn được duy trì và có thu nhập trong các hợp tác xã. Từ năm 2001, thực hiện nghị quyết 03 của tỉnh ủy Hà Nam, đã chuyển đổi hơn 400 ha vùng trũng sang nuôi trồng thủy sản ở hầu hết các hợp tác xã trong đó có khu quy mô 93 ha ở xã Mỹ Thọ. Sản phẩm thủy sản đa dạng, bên cạnh việc thâm canh các loài cá, còn nuôi trồng các con nuôi bản địa như ba ba, ếch, cua, lươn vv... Năm 2015-2020 đã xây dựng hai mô hình nuôi cá sông trong ao tại xã Tiêu Động, Mỹ Thọ; nuôi cá chuối hoa tại xã Đồn Xá. Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2019 đã đạt 4376 tấn. Sản phẩm đã thực sự là hàng hóa mang lại thu nhập lớn cho hộ nông dân và các chủ trang trại.

B. Thuỷ lợi – thuỷ nông

Thời hậu Lê đã chú trọng xây dựng đê điều và các công trình thủy nông. Những con đê được xây dựng đã làm cho vùng đất Lý Nhân, Bình Lục thực sự trở thành một khu vực bị quây kín, bị ngăn cách bởi nguồn sa bồi và biến thành vùng trũng, vùng rốn sâu của châu thổ Bắc bộ. Trước khi hòa bình lập lại năm 1954, do thủy lợi nội đồng không được chú trọng, đồng đất Bình Lục thuộc dạng chiêm khê mùa úng, đồng trắng nước trong, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào thời tiết. Kết quả sản xuất đã được dân gian tổng kết “bông nổi cho chim, bông chìm cho cá”. Từ năm 1954 đến nay trong các thời kỳ huyện Bình Lục luôn luôn xác định thuỷ lợi là biện pháp hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp với những kết quả đến nay như sau:

I. Hoàn chỉnh thủy nông

Tháng 1/1958 huyện uỷ, ủy ban hành chính kháng chiến huyện đã chỉ đắp đập Cát Tường để chống hạn được Hồ chủ tịch đến thăm và trao cờ luân lưu “chống hạn khá nhất” cho đảng bộ và nhân dân huyện Bình Lục. Từ năm 1958 – 1965 Bình Lục làm thuỷ lợi phần lớn đào đắp sông tiêu và đắp vùng chống úng. Năm 1959 huy động hơn một trăm nghìn ngày công đào 89 mương cung cấp nước cho 3600 mẫu hoa màu và 13500 mẫu lúa. Năm 1960 đào đắp hơn 10 triệu mét khối trung và tiểu thuỷ nông. Vụ xuân 1960 – 1961 đào sông Bùi, nạo vét ba máng Cát lại, Thanh bình, Cát tường và Biên hoà, xây dựng bốn máng tưới. Vụ Đông xuân năm 1962 – 1963 huy động 440.000 ngày công làm thuỷ lợi với tinh thần làm ngày không đủ trong thủ làm đêm. Chiến dịch thuỷ lợi năm 1963 hoàn thành hệ thống tiểu, trung thuỷ nông với khối lượng đào đắo 1.058.923 mét khối. Sáu tháng đầu năm 1965 toàn huyện đào đắp 33 công trình đại thủy nông, 27 công trình trung thủy nông, xây đúc 4 trạm bơm, 16 cống lớn, 19 cống chân rết, đào đắp 102 con đường dài 183km. Năm 1966 toàn huyện đào đắp 4.124.938 mét khối mương máng. Hai năm 1967 – 1968 huy động 6 triệu ngày công đào đắp 6 triệu mét khối đất hoàn thành 24 cống tưới, 3 cống tiêu và hàng ngàn cống tiểu thuỷ nông.

Năm 1967 được nhà nước đầu tư trạm bơm Như Trác, Hữu Bị, lấy nước tưới cho đồng ruộng, hầu hết sông tiêu phải lấp để làm máng tưới như kênh đông, kênh chính Tây bắc. Đợt lũ lụt tháng 8/1971 cho thấy rõ là huyện ở vùng chiêm trũng, công tác thuỷ lợi luôn là biện pháp hàng đầu, có ý nghĩa sống còn đối với sản xuất và đời sống nhân dân. Ngày 10/12/1971 huyện uỷ ra nghị quyết về công tác thuỷ lợi. Trong hai năm 1971 – 1972 nhân dân trong huyện đã đóng góp hơn một triệu ngày công làm các công trình trung, tiểu thuỷ nông với khối lượng 2.031.931 mét khối đất, 2.810 mét khối đá, 395 mét khối bê tông và hàng triệu viên gạch, hàng trăm công trình kênh mương được đào đắp tu sửa và nạo vét, xây đúc hàng trăm cống tưới tiêu, tu sửa hàng chục trạm bơm điện nhỏ, làm mới hai trạm bơm điện ở An Đổ và Bắc Khê, đắp và cơi cao đê sông Sắt. Đặc biệt năm 1972 tập trung hoàn thành vượt khối lượng đào đắp tỉnh giao trên công trường Như Trác. Một số đội thuỷ lợi chuyên của huyện đã được mang danh hiệu anh hùng Trần Văn Chuông tại công trường. Việc kiến thiết đồng ruộng dứt điểm từng vùng, tôn cao hoàn chỉnh hàng trăm vùng mạ, vùng lúa. Các đội thuỷ lợi được thành lập và củng cố. 73 hợp tác xã trong huyện có đội thuỷ lợi chuyên gồm 1404 người trong đó có 35 đảng viên, 792 đoàn viên. 63/73 đội được uỷ ban hành chính tỉnh công nhận là đội 202. Ngoài ra còn có 33 đội bán chuyên thường xuyên đào đắp xây đúc các công trình thuỷ lợi cấp 3, cấp 4.

Trong ba năm 1973 – 1975 nhân dân Bình Lục đã đào đắp các loại kênh cấp 1, cấp 2, cấp 3 (kể cả tưới tiêu) và kênh khoảnh với tổng số 2.216 hạng mục gồm 2.950.830 mét khối, xây đúc các loại cống cấp 1,2,3 (kể cả tưới tiêu) và cống khoảnh, cống luồn trạm bơm với tổng số 2.148 công trình, hoàn thành toàn bộ kênh tưới từ An Thái (xã An Mỹ) đến thôn Lan (xã An Lão), từ cống Mỹ Duệ (xã Tràng An) đến thôn Sui (xã Đinh Xá) và 37 kênh tưới cấp 2 hệ thống Như Trác, các cống tưới tiêu trên kênh cấp 2 hệ thống Cổ Đam, Vĩnh Trị.

Sau 18 năm phấn đấu không mệt mỏi trên mặt trận thủy lợi. Hệ thống thủy nông trên địa bàn huyện đã được hoàn chỉnh. Diện tích thông nước đến kênh cấp ba và kênh khoảnh đạt 8.625 ha bằng 100%, trong đó diện tích hoàn chỉnh loại 1 là 7.700 ha bằng 89,3%, loại 2 là 925 ha bằng 10,7%. Diện tích tưới chủ động đạt 6.222 ha trên 8.625 ha. Về cơ bản nạn ngập úng, hạn hán đã được giải quyết, nước tiêu qua ba trạm bơm lớn của tỉnh là Hữu Bị, Vĩnh Trị, Cổ Đam; nước tưới có hai trạm bơm là Hữu Bị, Như Trác.

Địa chí huyện Bình Lục Nông nghiệp – Thủy lợi

II. Đầu tư xây dựng trạm bơm nội đồng

Huyện Bình Lục nằm trong hệ thống thuỷ lợi Bắc Nam Hà, với đặc điểm là xa nguồn tưới, cuối nguồn tiêu. Mặt khác do công suất các trạm bơm đầu mối chưa đáp ứng và đặc biệt là ách tắc dòng chảy do vật cản trên kênh mương đã dấn đến tình trạng úng, hạn cục bộ. Diện tích tưới, tiêu chủ động không đạt như thiết kế quy hoạch. Mặc dù phương châm là “cao xa tưới trước thấp gần tưới sau”, nhưng tình trạng đầu nguồn úng cuối nguồn vẫn thiếu nước tưới. Hầu hết diện tích của Bình Lục ở cuối nguồn tiêu nên luôn xảy ra tình trạng úng cục bộ. Tình trạng trên dẫn đến các hợp tác xã phải đầu tư xây dựng các trạm bơm nội đồng phổ biến là tưới tiêu kết hợp, xả nước ra kênh tiêu và lấy nước từ kênh tiêu để tưới. Điều đó là giảm diện tích chủ động tưới tiêu của toàn bộ hệ thống và làm cho chi phí thuỷ lợi phí của các hợp tác xã tăng thêm. Huyện Bình Lục xác định thuỷ lợi là một trong tám chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ lần thứ 20, trong hai năm 1986 – 1987 tập trung, cải tiến nâng cao một số trạm bơm cũ, xây dựng một số trạm bơm mới. Cải tạo 6 trạm bơm gồm 14 máy 2300m³/h, sửa chữa 12 trạm bơm 1000m³/giờ, xây mới trạm bơm cống Ruồng (Hoà Bình) công suất 10000m³/giờ, 2 trạm bơm 4 máy 1000m³/giờ (Ngọc Lũ, Bồ Đề). Năm 1991 – 1995 hoàn thành công trình điện khí hóa Mỹ Thọ, xây dựng mới 30 trạm bơm nội đồng, sáu trạm biến áp, đưa tổng công suất hệ thống trạm bơm nội đồng lên 350.000m³/giờ. Được sự hỗ trợ của nhà nước, trạm bơm Đinh Xá được khởi công xây dựng trên cơ sở cắt lưu vực tiêu của trạm bơm Vĩnh Trị gồm các xã phía bắc quốc lộ 21 qua kênh Biên Hoà đoạn từ cầu Ghéo đến Đinh Xá, công suất 48000m³/giờ. Từ năm 1996 – 2000, xây dựng thêm 5 trạm bơm. Tổng số trạm bơm nội đồng toàn huyện đến năm 2000 lên tới 165 trạm bơm với tổng công suất 400000m³/giờ. Đến năm 2020 tổng số trạm bơm nội đồng (không tính xã Đinh Xá và xã Trịnh Xá) là 169 trạm với 263 tổ máy, tổng công suất 338.760 m³/giờ, tưới cho 7.951ha và tiêu cho 8.040ha.

III. Kiên cố hóa kênh mương

Đầu năm 2001 tỉnh Hà Nam chủ trương kiên cố hóa các kênh chính và hỗ trợ 50%kinh phí kiên cố hóa kênh mương nội đồng theo quyết định 165 của UBND tỉnh. Các kênh tưới chính Như Trác, kênh chính Tây Bắc được kiên cố hóa. Huyện Bình Lục bắt đầu triển khai ở 7 đơn vị và sau đó triển khai rộng khắp trong toàn huyện. Từ năm 2010 việc hỗ trợ theo quyết định 165 của UBND tỉnh Hà Nam được chuyển vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Tổng hệ thống kênh mương cấp xã quản lý là 571,2km (kênh cấp 3). Đến năm 2020 đã kiên cố hoá được 74,32km đạt 13,1%; kênh tưới cấp 1, cấp 2 do các công ty xí nghiệp thuỷ nông quản lý 137.523km, đã kiên cố hoá được 53.276km.

IV. Thực trạng hệ thống thuỷ lợi Thủy nông huyện Bình Lục đến năm 2019 

1. Diện tích tưới tiêu của huyện Bình Lục phụ thuộc vào hệ thống các trạm bơm lớn của công ty khai thác công trình thuỷ lợi Bắc Nam Hà quản lý

a. Hệ thống kênh tưới gồm

- Kênh chính trạm bơm Như Trác, điểm đầu vào huyện Bình Lục tại xã Tràng An, phân làm 3 kênh cấp 1: kênh Giải phóng dài 2100m; kênh Đông dài một 18000m; kênh Tây dài 4200m...

- Kênh tưới cấp 1 trạm bơm Hữu bị, điểm đầu vào huyện Bình Lục tại xã An ninh, điểm cuối phục vụ là xã Trung Lương, chiều dài 10410m 

b.  Hệ thống kênh tiêu gồm: 4 hệ thống: kênh tiêu trạm bơm Vĩnh Trị, kênh tiêu trạm bơm Cổ Đam, kênh tiêu trạm bơm Cốc Thành, kênh tiêu trạm bơm Đinh Xá 

2. Tổng diện tích tưới tiêu cho huyện Bình Lục là 9950,88ha trong đó lúa 8417,9ha; màu 364,49ha; mạ 673,6ha; nuôi trồng thủy sản 494,87ha

3. Hệ số tưới tiêu

- Giai đoạn 1960 – 1980: tưới q = 0,81 lít/s/ha; tiêu q = 2,9 lít/s/ha

- Giai đoạn 1990 – 2000: tưới q = 1,25 lít/s/ha; tiêu q = 4,5 -5,5 lít/s/ha

- Năm 2020: tưới q = 1,25lít/s/ha; tiêu q = 7,0 lít/s/ha; tiêu cho đất phi nông nghiệp q = 18 lít/s/ha

Địa chí huyện Bình Lục Nông nghiệp – Thủy lợi
Hình ảnh kiên cố hóa hệ thống kênh mương và đường giao thông nông thôn huyện Bình Lục trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

4. Chính sách hỗ trợ: từ năm 2009 thực hiện nghị định 115/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của chính phủ về việc miễn thuỷ lợi phí, nguồn kinh phí cấp bù phục vụ tưới tiêu huyện Bình Lục là 37,53 tỷ đồng mỗi năm.

5. Hệ thống tổ chức quản lý khai thác thủy nông huyện Bình Lục

a. Các thời kỳ đổi tên

- Trước năm 1997 trạm thủy nông huyện Bình Lục trực thuộc công ty khai thác công trình thuỷ lợi Bắc Nam Hà. Từ năm 1997 trực thuộc công ty khai thác công trình thuỷ lợi Nam Hà Nam. Từ 5/3/2009 đổi tên thành xí nghiệp thủy nông Bình Lục thuộc công ty khai thác công trình thuỷ lợi Nam Hà Nam. Từ 28/12/2015 đổi tên thành xí nghiệp thủy nông huyện Bình Lục thuộc công ty khai thác công trình thuỷ lợi Hà Nam

b. Tổng số cán bộ công nhân viên đến năm 2020 là 94 người; có ba cụm điều hành và 6 trạm bơm nhỏ

6. Chi tiết hệ thống tưới tiêu, trạm bơm nội đồng huyện Bình Lục đến 2020

Địa chí huyện Bình Lục Nông nghiệp – Thủy lợi

Biểu 3: Trạm bơm nội đồng tại các xã (do HTX dịch vụ nông nghiệp quản lý)

Địa chí huyện Bình Lục Nông nghiệp – Thủy lợi

Biểu 4: Hệ thống kênh tưới

Địa chí huyện Bình Lục Nông nghiệp – Thủy lợi

Biểu 5: Hệ thống kênh tiêu

Địa chí huyện Bình Lục Nông nghiệp – Thủy lợi

Địa chí Huyện Bình Lục

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy