Địa chí huyện Bình Lục: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, điện lực

Phần thứ ba – Kinh tế: Chương III. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, điện lực

CHƯƠNG III

CÔNG NGHIỆP, TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP, XÂY DỰNG

A. Công nghiệp

I. Tiểu thủ công nghiệp – Làng nghề 

1. Ở Bình Lục, nghề tiểu thủ công nghiệp như dệt vải, đồ sừng, ren, vôi, gạch ngói có từ rất sớm, nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu, song cơ sở vật chất kĩ thuật còn nghèo nàn nên chậm phát triển; các nghề rèn, mộc, sửa chữa nông cụ còn quá mỏng lại sản xuất cá thể, nguyên liệu không chủ động nên sản xuất thường không ổn định. Ngày 2/3/1968, huyện quỷ Bình Lục có nghị quyết số 27 về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương, xác định “phát triển mạnh cơ sở và mạng lưới cơ khí nhỏ phục vụ nông nghiệp; phát triển và cùng cố các hợp tác xã chuyên nghiệp, phát triển nhiều ngành nghề phụ trong nhân dân.”

Từ năm 1966 – 1975, các hợp tác xã dệt, nhuộm, cơ khí được củng cố và mở rộng. Một số nghệ dệt vải, dệt thảm, dây da, mỹ nghệ xuất khẩu, nước chấm sản xuất được giữ vững. Xưởng cơ khí Tiến Thành được tăng cường thêm công nhân và trang thiết bị từ cơ sở thủ công tiến lên bán cơ khí, đồng thời còn đào tạo hàng trăm thợ rèn, nguội, mộc cho các hợp tác xã góp phần hình thành mạng lưới cơ khí từ huyện đến xã. Giai đoạn này hai xí nghiệp gạch ngói, vôi đã cơ bản hoàn thành và đi vào sản xuất. Trạm điện trung gian Cầu Triều, đường dây 35kV 2,4km đã hoàn thành.

Với những tiến bộ về xây dựng cơ sở vật chất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, xí nghiệp ngói được mở rộng và phát triển nhanh, sản lượng năm 1976 gấp ba lần cùng kỳ năm trước. Lực lượng làm nghề thủ công tăng nhanh; năm 1977 lao động chuyên nghiệp trong các hợp tác xã thủ công tăng 44 % so với năm trước; Lực lượng sản xuất chuyên trong hợp tác xã nông nghiệp tăng gấp hai lần năm 1976 và 8 lần so với năm 1975; tăng nhiều nhất là lao động sản xuất vật liệu xây dựng, thợ thêu, trồng và chế biến tinh dầu. Ngoài việc mở rộng các cơ sở sản xuất gạch, ngói, vôi, đã xây thêm 5 lò tinh dầu, mở rộng xí nghiệp nước chấm và sản xuất thêm nước mắm. Sản lượng của xí nghiệp nước chấm tăng gấp 2 lần năm 1975 cả về giá trị và khối lượng sản phẩm. 

Địa chí huyện Bình Lục Công nghiệp tiểu thủ công nghiệp điện lực
Sản phẩm làng nghề rượu Vọc.

Tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp đạt sản lượng bình quân 1976 – 1980 tăng 20,8% so với năm 1975 (riêng tiểu công nghiệp tăng 36,4%). Nhờ đó đã bước đầu tạo ra sự biến đổi cơ cấu kinh tế nông công nghiệp trong huyện. Nếu năm 1975 cơ cấu giá trị sản lượng nông nghiệp 85,4%, tiểu thủ công nghiệp 14,6%, thì bình quân 1976 – 1980 nông nghiệp là 83,7%, tiểu thủ công nghiệp là 16,6%.

Từ năm 1980 – 1986 sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp gặp nhiều khó khăn về vật tư, nguyên liệu. Tuy vậy, các đơn vị trong huyện đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động khai thác, liên doanh liên kết. Nhờ vậy mà sản xuất giữ được ổn định và từng bước phát triển. Giá trị sản lượng bình quân 1981 – 1985 bình quân vượt 12,8%kế hoạch, tăng 0,43%so với bình quân 1976 – 1980 và chiếm 17,15% trong cơ cấu kinh tế của huyện.

Giai đoạn 1986 – 1990 đại hội đảng toàn quốc lần thứ 5 đề ra đường lối đổi mới toàn diện mọi lĩnh vực đời sống xã hội, sản xuất công nghiệp- hàng tiêu dùng trở thành một trong ba chương trình kinh tế xã hội lớn của Đảng. Thực hiện quyết định 217 và các nghị định của hội đồng bộ trưởng về phát huy quyền tự chủ của các xí nghiệp, giải phóng mọi năng lực sản xuất của thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, hai năm 1987 – 1988 đảng bộ Bình Lục đã đề ra nhiều biện pháp giải quyết kịp thời những khó khăn về nguyên liệu, tiền vốn, lương thực, thị trường, ổn định giữ vững sản xuất. Giá trị sản lượng công nghiệp năm 1987 đạt 70,6 triệu đồng/năm, năm 1988 vượt 3% so với kế hoạch và tăng 13,9% so với năm 1987. Các đơn vị kinh tế quốc doanh đã chủ động chuyển sang cơ chế hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, tìm đủ việc làm cho công nhân viên, thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách. Các đơn vị kinh tế ngoài quốc doanh được khuyến khích, hình thành một số đơn vị sản xuất, hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, phát triển một số mặt hàng mới như khăn mặt, guồng tuốt lúa, sản xuất vật liệu xây dựng, khôi phục mặt hàng tiêu dùng và có giá trị xuất khẩu. Chương trình công nghiệp – hàng tiêu dùng đã đắp ứng 80% nhu cầu tiêu dùng của nhân dân địa phương.

Tuy vậy ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp còn lệ thuộc và bị động nên sản xuất giảm sút, giá trị sản lượng công nghiệp tiểu thủ công nghiệp bình quân hai năm 1989 – 1990 chỉ đạt 76,6% kế hoạch. Một số đơn vị quốc doanh và tập thể làm ăn thua lỗ, thất thoát vốn, người lao động thiếu việc làm. Một số hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp không tìm được mặt hàng làm gia công, tự thu hẹp hoặc chuyển hướng sở hữu, có nơi tự giải thể.

Từ 1991, các thành phần kinh tế được khuyến khích đầu tư và phát triển, đảng bộ huyện đã nhanh chóng chỉ đạo chuyển sản xuất tiểu thủ công nghiệp từ các hợp tác xã về các hộ gia đình và khuyến khích làng nghề phát triển. Giá trị sản lượng tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ năm 1991 – 1995 tăng  26 % so với bình quân 5 năm 1986 – 1990. Giai đoạn 1996 – 2000 việc khôi phục các làng nghề truyền thống và mở thêm nghề mới đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trẻ. Xí nghiệp dược phẩm đã mở rộng dây chuyền sản xuất chè hà thủ ô và các thuốc thiết yếu phục vụ nhân dân. Các ngành sản xuất hóa chất, cơ khí, mộc, chế biến gỗ phát triển mạnh. Các làng nghề sừng, dũa, thêu, ren có sự thay đổi về mẫu mã, sản xuất ở mức khá. Rượu nếp cái hoa vàng có xu hướng tiêu thụ mạnh. Nghề mây tre đan xuất khẩu đã phát triển ở 13 xã. Nhịp độ tăng trưởng tiểu thủ công nghiệp hàng năm từ 11 – 12 %.       

Từ năm 2001, sản xuất tiểu thủ công nghiệp đã hoàn toàn do một số ít doanh nghiệp tư nhân và chủ yếu là các hộ sản xuất kinh doanh cá thể đảm nhận. Thực hiện chương trình khuyến khích phát triển là nghề của UBND tỉnh Hà Nam nghị quyết 01/NQ-HN của huyện uỷ Bình Lục về đẩy mạnh phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn; huyện Bình Lục đã tập trung chỉ đạo và tạo mọi điều kiện để giữ vững và mở rộng các làng nghề truyền thống như làng sừng mỹ nghệ Đô Hai (xã An Lão), dũa cưa (xã An Đổ); nhân cấy nghề thêu, ren, đưa thêm các ngành mới như mây giang đan, nứa ghép sơn mài, chạm khắc gỗ, dâu tằm tơ, mi mắt giả, dệt thảm cỏ vào sản xuất. Đồng thời với việc triển khai các dự án khuyến công, tạo điều kiện khuyến khích các cơ sở như thêu ren Đồng Tâm, nứa ghép sơn mài Quang Đông, hợp tác xã mây giang đan Ngọc Động (Duy Tiên) về mặt bằng sản xuất và thu mua sản phẩm. Trong 5 năm 2005 -  2010 đã mờ 69 lớp truyền nghề, nhân cấy nghề cho cho 2850 lao động. Đến năm 2014 toàn huyện có bốn làng nghề truyền thống, 12 làng nghề tiểu thủ công nghiệp được công nhận, với tổng số 8187 cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho gần 23.000 lao động. Năm 2019 hợp tác xã rượu Vọc truyền thống ở xã Vũ bản đã được thành lập, đầu tư máy móc thiết bị khử Andehyd, nâng chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Danh sách làng nghề đến 2020 (được UBND tỉnh công nhận)

Địa chí huyện Bình Lục Công nghiệp tiểu thủ công nghiệp điện lực

2. Một số làng nghề truyền thống tiêu biểu

2.1. Làng nghề rũa cưa

Địa chỉ Thôn Đại Phu xã An Đổ, nghề này có từ năm 1959, nguyên liệu là phôi thép đặc chủng của Liên Xô cũ tạo ra sản phẩm là những chiếc rũa tam giác, rũa bán nguyệt, rũa vuông, rũa tròn, rũa chữ nhật, rũa dẹt... với nhiều kích cỡ và chủng loại khác nhau. Là một nghề độc nhất vô nhị ở Việt Nam, sản phẩm của rũa cưa sản xuất ra chủ yếu được xuất sang các nước Đông Âu, Lào, Campuchia...Công nghệ sản xuất thủ công, dụng cụ để làm rũa đơn giản chỉ là: đe, búa, khuôn, dao băm, lò luyện, bễ rèn...a-xít và xút để tẩy rửa. Hiện nay tiến bộ khoa học phát triển, người tiêu dùng chuyển sang dùng máy rũa để thay thế, nên việc tiêu thụ bị hạn chế. Đến năm 2019 thôn Đại Phu có 59 hộ và 59 hộ này đều tham gia làm nghề đạt 100 % trong đó có 107 lao động. Số lượng sản phẩm đạt 1.100.000 sản phẩm/năm, thu nhập bình quân đạt 2,5 triệu/lao động/tháng.

2.2. Làng nghề sừng mỹ nghệ

Địa chí huyện Bình Lục Công nghiệp tiểu thủ công nghiệp điện lực
Sản phẩm sừng mỹ nghệ Đô Hai.

Địa chỉ tại làng Đô Hai xã An Lão. Nghề này có từ khoảng năm 1917, tiếp thu từ làng Chuôn huyện Mỹ Đức thành phố Hà Nội. Làng có 270 hộ thì có 107 hộ theo nghề đạt 52% và có 257 lao động làm nghề, làng nghề được xét công nhận làng nghề truyền thống năm 2004, doanh thu năm 2019 đạt 21 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 4,1 triệu đồng/lao động/tháng. Nguyên liệu chủ yếu là sừng, hiện nay nhập sừng Châu Phi. Sản phẩm là đồ sừng mỹ nghệ rất phong phú và ngày càng được thay đổi mẫu mã. Chủ yếu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu. Số lượng sản phẩm năm 2019 ước đạt 1150.000 sản phẩm.

2.3. Làng nghề tre đan Gòi Thượng

Địa chỉ Gòi Thượng xã An Nội. Cả làng có 51 hộ và 51 hộ này đều tham gia, trong đó có 180 lao động trong nghề, là nghề. Làng nghề được hình thành từ những năm 1915, năm 2008 được công nhận là làng nghề truyền thống. Doanh thu năm 2019 đạt 3,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 1,5 triệu/lao động/tháng. Nguyên liệu chủ yếu là từ tre, nứa. Sản phẩm là đồ tre đan chủ yếu là thúng, rổ, rá dùng cho xây dựng, sản xuất và tiêu dùng, tiêu thụ chủ yếu tại địa phương và các tỉnh lân cận. Số lượng sản phẩm năm 2019 ước đạt 105.000 sản phẩm, hiện nay khó khăn về tiêu thụ do hàng công nghệ phát triển. 

2.4. Làng nghề sản xuất Rược Vọc

Địa chỉ tại làng Vọc xã Vũ Bản, là nghề nấu rượu từ lương thực có từ lâu đời. Hiện nay, làng có 906 hộ, có 3025 khẩu và có 167 lao động tham gia vào nghề nấu rượu chiếm 5,5% số người trong làng, sản xuất chủ yếu tập trung tại 6 thôn. Làng được xét công nhận làng nghề truyền thống năm 2007. Hiện nay là nghề được nhà nước bảo hộ thương hiệu Rượu Vọc. Có ba sản phẩm rượu được công nhận là sản phẩm OCOP (chương trình mỗi làng một sản phẩm) cấp tỉnh: đó là sản phẩm rược Vọc, rượu nếp cái hoa vàng, rượu Vọc của cơ sở Đức Toàn, được tiêu thụ chủ yếu trong nước. Nguyên liệu để tạo ra sản phẩm rượu là chế biến từ gạo chủ yếu tại địa phương và tỉnh lân cận. Với sản lượng trên 2 triệu lít/năm, thu nhập của người lao động đạt bình quân 6 triệu/lao động/tháng.

3. Nghệ nhân làng nghề được UBND tỉnh Hà Nam công nhận

-  Ông Nguyễn Văn Ba năm 1926 làng Đô Hai xã An Lão

- Ông Nguyễn Thế Kiệm sinh năm 1933 làng Đô Hai xã An Lão

Hai ông được công nhận là nghệ nhân sừng mỹ nghệ năm 2004. Ngoài ra từ năm 2004 đến 2019 có 10 người được UBND tỉnh công nhận là thợ giỏi trong đó nghề sừng mỹ nghệ là 6 ông.

Địa chí huyện Bình Lục Công nghiệp tiểu thủ công nghiệp điện lực
Cụm công nghiệp Bình Lục.

II. Công nghiệp

Thực chất hoạt động sản xuất công nghiệp của huyện Bình Lục bắt đầu từ giai đoạn 2001 – 2005 với sự xuất hiện của nhà máy chế biến thức ăn gia súc Nam Mỹ đặt tại thị trấn Bình Mỹ năm 2002. Đại hội huyện đảng bộ Bình Lục lần thứ 24 đã đề ra biện pháp: tạo mọi cơ chế thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển các nhà máy, xí nghiệp sản xuất hàng hóa công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông sản. Theo đó các dự án nhà máy sản xuất bánh kẹo và tôn múi Tân Âu Cơ đặt tại thị trấn Bình Mỹ, tái chế thép Việt Đức đặt tại Tiêu Động, nhà máy chế biến dưa chuột xuất khẩu Minh Hiền tại xã Tràng An, nước chấm Đức Tín được đưa vào hoạt động. Kết quả sản xuất của các nhà máy xí nghiệp này đã tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp năm 2004 đột biến tăng 64% so với năm 2003, góp phần vào tốc độ tăng giai đoạn 2001 – 2005 bình quân 20%/năm và tăng 36% so với giai đoạn 1996 – 2000. Cùng với việc tạo mặt bằng cho nhà máy may tại Hưng Công, năm 2014, huyện tiến hành xây dựng quy hoạch và thu hút đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp Bình Lục tại xã Trung Lương với diện tích 30,6 ha. Đầu năm 2010 cụm công nghiệp này đã thu hút sáu dự án với tổng vốn 490,3 tỷ đồng trong đó có ba doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Cụm công nghiệp Đồn Xá diện tích 10 ha đến năm 2018 đã thu hút ba dự án với tổng diện tích là 6,5 ha. Cụm công nghiệp Trung Lương diện tích quy hoạch 10,6 ha đã thu hút được bốn dự án. Các cụm công nghiệp thu hút được hơn 2500 lao động. Năm 2020 tiến hành các thủ tục để thành lập khu công nghiệp Trung Lương với quy mô 300 ha. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2020 là 3551 tỷ (giá so sánh năm 2010). Bình quân giai đoạn 2016 – 2020 là 2514 tỷ đồng tăng bình quân 21,35%/năm. Trong đó riêng cụm công nghiệp giá trị sản xuất là 1481 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy diện tích của cụm công nghiệp là 70 %. Toàn huyện có 234 doanh nghiệp đang hoạt động và 7238 hộ kinh doanh cá thể với tổng số 12000 lao động. 

Địa chí huyện Bình Lục Công nghiệp tiểu thủ công nghiệp điện lực
Nguồn: Chi cục Thống kê Bình Lục

III. Điện lực

1. Từ khi hoà bình lập lại tổ chức ngành điện theo hình thức trực tuyến từ điện lực tỉnh xuống đến các trạm biến áp của các đơn vị sử dụng điện. Cơ quan quản lý điện lực tỉnh là sở quản lý điện khu vực 3. Ở huyện Bình Lục chỉ có một trạm trung gian Ba Hàng được biên chế ba công nhân làm nhiệm vụ trông coi trạm, sửa chữa tuyến đường dây cao thế và các trạm biến áp trong khu vực phụ trách. Nguồn cung cấp là điện 35 kV từ nhà máy điện Văn điển Hà Nội truyền tải trên tuyến cao thế về trạm phi trường tỉnh Nam định. Đoạn qua Bình Lục dài khoảng 40km đường chính và 30km đường nhánh về trung Lương, An Đổ, một nhánh trên đường về Mai Xá huyện lý Nhân cấp cho khu vực xã Đồng Du.

Ở huyện Bình Lục đơn vị được cấp điện lưới đầu tiên là xã Trung Lương cho trạm bơm Đập Môi, xã An Đổ để sản xuất rũa cưa, xã Đồng Du về nhà máy giấy và trạm bơm và hợp tác xã cơ khí Tiến Thành.

 Khi trung gian Thạch tổ huyện Thanh Liêm ra đời thì trung gian này điều phối nguồn điện cho một số xã phía Bắc huyện Bình Lục. Do nhu cầu phục vụ điện cho sản xuất cho nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp nên các trạm được được bố trí phục vụ như sau:

- Nhánh An Đổ: các trạm bơm Cầu Sắt, Sông Cói, Cao Dương, Giải Tây

- Nhánh Đồng Du: các trạm bơm An Hoà, An Mỹ, Đồng Du 1, nhà máy giấy

- Nhánh Mai Lương: các trạm bơm Mai lương 1, 2, Đập Môi, Hưng Công 1, Quế Sơn

- Trung gian Mai Xá cấp điện cho các trạm bơm ở các xã An Nội, Ngọc Lũ, Bối Cầu, Hưng Công, Vũ Thành, Bồ Đề và hợp tác xã dệt Mùa Xuân của xã Ngọc Lũ

- Riêng xã Vũ bản, An Ninh lấy điện 35kV từ Nam Định.

Năm 1976 trạm trung gian Ba Hàng tại xã Tiêu Động đi vào vận hành, nhu cầu về điện ở các trạm trong khu vực được đáp ứng một cách chủ động hơn.

2. Năm 1993 thành lập chi nhánh điện Bình Mỹ với nhiệm vụ quản lý điện trên địa bàn của 3 huyện Bình Lục, Lý Nhân, Thanh Liêm và 6 đơn vị huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định thì:

- Trung gian Bình Lục (Ba Hàng) cấp điện cho khu B, một phần khu A và trung tâm huyện lỵ Bình Lục; trung gian Mai Xá cấp điện cho các xã Bình Nghĩa, Tràng An., Năm 1995 xây dựng thêm trạm trung gian Vũ Bản 35/10 kV cấp điện cho các xã Vũ Bản,An Nội, Bồ Đề, Hưng Công, Bối Cầu, Ngọc Lũ. Đến năm 2000 công suất điện toàn huyện đã lên tới 22000KVA, 100% thôn xóm và 98% hộ gia đình dùng điện thắp sáng.

3. Hình thức quản lý: trước năm 2009 ngành điện bán buôn điện tại mặt máy biến áp, các đơn vị sử dụng điện tự quản lý lưới điện hạ thế và cấp điện cho các hộ sử dụng điện, Hệ thống đường dây là dây cáp Trần nên tỷ lệ hao hụt rất cao. Đến năm 2014 ngành điện hoàn thành việc nhận bàn giao và trực tiếp quản lý lưới điện hạ áp nông thôn từ các hợp tác xã, để bán điện trực tiếp cho hộ dùng điện, nên tỷ lệ hao hụt thất thoát chỉ còn dưới 10 %. Theo thống kê sơ bộ nhu cầu sử dụng điện những năm gần đây tăng khoảng từ 10 – 15%/năm do vậy ngành thường xuyên đầu tư cơ sở vật chất, kĩ thuật để đáp ứng yêu cầu. Theo báo cáo của chi nhánh điện Bình Mỹ, đến năm 2019 trên địa bàn huyện khối lượng trạm và biến áp do điện lực Bình Lục quản lý vận hành như sau:

Địa chí huyện Bình Lục Công nghiệp tiểu thủ công nghiệp điện lực
Địa chí huyện Bình Lục Công nghiệp tiểu thủ công nghiệp điện lực

Địa chí Huyện Bình Lục

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.