Phải thay đổi tư duy và hành động để nâng cao năng suất lao động

Ảnh minh họa.

Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của nước ta năm 2018 ước đạt 102,2 triệu đồng/lao động (khoảng 4.521 USD). Mặc dù năng suất lao động có tăng nhưng vẫn thấp hơn Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia lần lượt là 13,7 lần, 5,3 lần, 2,7 lần và 2,2 lần. Dự hội nghị cải thiện năng suất lao động quốc gia được tổ chức đầu tháng 8 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá năng suất lao động của Việt Nam hiện nay thấp hơn so với các nước vì có xuất phát điểm thấp. Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ tiềm lực trong mỗi người dân còn rất lớn. Do đó cần trao cơ hội để người dân phát huy hết năng lực.

Muốn có năng suất lao động cao cần nhiều yếu tố, nhưng trước hết, phải thay đổi tư duy. Từ cấp quản lý, chủ sử dụng lao động đến người lao động phải sẵn sàng cho những đổi mới, bứt phá để nâng cao năng suất lao động. Người quản lý thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đổi mới, xây dựng nền kinh tế tri thức, đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ; đặc biệt là cởi mở, tôn trọng, trọng dụng người tài giỏi. Các doanh nghiệp, doanh nhân tích cực tham gia vào thị trường lao động, không thụ động đón nhận những lớp lao động được đào tạo sẵn theo kiểu mô phạm chung chung để rồi phải hao công tốn của đào tạo lại mà cần trực tiếp tham gia vào quá trình đào tạo lao động theo ngành nghề và yêu cầu đổi mới sản xuất kinh doanh của mình.

Người lao động cần xác định rõ không phải trường đại học là con đường lập thân, lập nghiệp duy nhất mà hướng nghiệp nghề nghiệp ngay sau khi học xong phổ thông trung học cũng có nhiều cơ hội tốt. Lao động tự ý thức xây dựng tác phong công nghiệp và cũng không nên bằng lòng cho rằng đã có việc làm ổn định sẽ không cần học tập nghiên cứu nữa, trái lại cần tích cực học hỏi, nắm bắt thành tựu khoa học mới để vươn lên làm chủ công nghệ sản xuất.

Điều quan trọng nữa là các cơ sở đào tạo nghề cần dạy sâu, học thật để bài học “thừa thầy, thiếu thợ” sẽ không còn lặp lại.

Tăng năng suất lao động cần đầu tư mạnh cho công nghệ và con người. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều thời cơ, bởi công nghệ là một trong những giải pháp quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng năng suất lao động. Vì vậy, cần áp dụng công nghệ vào sản xuất phải mạnh mẽ hơn nữa.

Không tăng được năng suất lao động cao hơn, tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng, đồng nghĩa chúng ta sẽ tiếp tục bị tụt hậu xa hơn về kinh tế. Yêu cầu nâng cao năng suất lao động đang đặt ra hết sức cấp thiết. Nhiệm vụ này đang đặt lên vai tất cả mọi người, từ nhà quản lý đến người lao động, từ chủ sử dụng lao động đến các cơ sở đào tạo dạy nghề vì quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người và của cả cộng đồng xã hội.

Thanh Bình

Tiến Đoàn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy