Sự kiện những cô giáo “cắm bản” ở điểm trường bản vùng cao Rào Tre (Trường Mầm non Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh) sáng sớm ngày khai giảng lặn lội đến tận nhà bà con dân tộc Chứt đánh thức học sinh rồi tự tay giúp từng em rửa mặt, vệ sinh, mặc quần áo và chở các em đến lớp, vừa kịp hòa chung niềm vui đón chào năm học mới… đã thực sự là một biểu tượng đẹp về lòng “yêu nghề, mến trẻ”, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong công luận. Và thật xúc động khi biết rằng, để bảo đảm mọi trẻ em trong độ tuổi mầm non đều được ra lớp, đã từ nhiều năm nay, các cô giáo nơi bản làng Rào Tre xa khuất này đều phải lặng thầm kiên trì hằng ngày vượt qua 5 - 6 cây số đường rừng đèo dốc quanh co đầy bụi bặm, bùn đất (cho mỗi chiều đi, về) để đến từng gia đình đồng bào dân tộc Chứt, vận động, thuyết phục bà con và trực tiếp đón các em học sinh đến trường. Trước đây, lúc điểm trường chưa tổ chức ăn bán trú cho học sinh, các cô phải đưa đón các em bốn lần một ngày. Nay, khi trường có điều kiện bố trí ăn bán trú, mỗi ngày hai lần, sáng sớm các cô đến từng nhà đón học sinh ra lớp và chiều tan học lại đưa các em về tận nhà…
Đón nhận câu chuyện trên đây, cùng với sự trân trọng, cảm phục, yêu mến, chắc hẳn sẽ có không ít người ngạc nhiên, đặt câu hỏi về sự kiên trì, tận tâm, mẫn cán đến “lạ thường” của những cô giáo “cắm bản” nơi miền rừng núi xa xôi, khuất nẻo ấy. Và có lẽ câu trả lời giàu sức thuyết phục nhất chỉ có thể là bởi ở nơi các cô luôn ắp đầy lòng “yêu nghề, mến trẻ”!!!.
Bằng lòng “yêu nghề, mến trẻ”, đã bao năm qua, các cô giáo mầm non “cắm bản” sẵn sàng tình nguyện, kiên trì gắn bó, đồng hành cùng những nghèo nàn, lạc hậu nơi dải đất phía tây miền quê sông La, núi Hồng – Hà Tĩnh, để chung sức ươm gieo con chữ, thắp sáng lên niềm tin và ước vọng về một cuộc sống văn minh, tiến bộ phía trước. Bằng lòng “yêu nghề, mến trẻ”, các cô đã vượt lên mọi rào cản, trở ngại để cùng cảm thông, chia sẻ với những khó khăn, thiếu thốn của mỗi gia đình đồng bào dân tộc Chứt, cùng chung tay chăm lo cho việc học hành với mong ước giản dị giúp đàn em nhỏ thân yêu nơi xóm núi vùng cao đỡ phải chịu những thiệt thòi, khuyết thiếu. Bằng lòng “yêu nghề, mến trẻ”, không chỉ riêng trong “Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường”, mà mỗi ngày, mỗi tháng lặng thầm, bền bỉ, các cô luôn là những người “mẹ hiền” chăm sóc, dỗ dành, nâng bước các em vượt qua những vất vả, khó khăn để hưởng trọn niềm vui đến trường. Bằng lòng “yêu nghề, mến trẻ”, không chỉ là người dạy chữ, dạy múa hát cho đàn em nhỏ, hằng ngày các cô giáo còn đóng vai là những bác sĩ, cán bộ dân vận, tuyên truyền, hướng dẫn bà con dân tộc Chứt cởi bỏ những hủ tục lạc hậu, mở lòng tiếp cận với những nếp sống văn minh, tiến bộ…
Giữa không khí náo nức của những ngày đầu năm học mới, đón nhận câu chuyện giàu cảm xúc về những cô giáo vùng miền núi Rào Tre, chúng ta càng thấu hiểu hơn thêm ý nghĩa sâu sa ẩn sau những ca từ đẹp trong một sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Vân(*): “Trên những nẻo đường của Tổ quốc xanh tươi/Có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương/Có những bài ca nghe rạo rực lòng người/Bài ca ấy, loài hoa ấy đẹp như em, người giáo viên nhân dân…”.
(*) Ca khúc “Bài ca người giáo viên nhân dân”.
Thế Vĩnh