Hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường - Tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn

Hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường  Tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn
Vườn quốc gia Xuân Thủy, Nam Định.

Theo thông tin báo chí đã đưa, ngày 20/5, một đoàn khách khoảng 50 người bao gồm phụ huynh và học sinh 1 lớp học của trường tư thục, có địa chỉ tại Tây Mỗ (Hà Nội) về tham quan, trải nghiệm tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (huyện Giao Thủy - Nam Định). Đoàn do các phụ huynh của lớp học tự tổ chức. Tuy nhiên, khi học sinh đang trải nghiệm bắt ngao, bắt vạng, nước dâng lên, bãi cát - nơi nhiều học sinh trải nghiệm, bị sụt và bị cuốn đi theo dòng nước. Vụ đuối nước đã khiến 2 người tử vong (1 học sinh và 1 phụ huynh). Đây thực sự là một sự việc đau lòng, khi năm học sắp kết thúc và một kỳ nghỉ hè mới bắt đầu, bao ước mơ, hoài bão của em học sinh đó đành khép lại. Người mất con, người mất cha, trong một hoạt động ngỡ như rất có ý nghĩa, nhưng chỉ vì sự chủ quan, thiếu hiểu biết của những người liên quan đã biến hoạt động trải nghiệm trở thành nỗi ám ảnh, kinh hoàng trong ký ức của các em học sinh và các bậc phụ huynh. Điều này đã khiến dư luận xã hội vô cùng bức xúc; nhất là khi, các hoạt động trải nghiệm, tham quan ngoài phạm vi nhà trường đang được tổ chức khá tràn lan ở nhiều trường học trong phạm vi cả nước.

Thực tế, trải nghiệm học tập đang ngày được nhiều trường thực hiện với mong muốn giúp học sinh được tham quan, tìm hiểu về các di tích lịch sử và rèn luyện các kỹ năng tập thể, tích lũy các kinh nghiệm. Với mục đích, ý nghĩa đó, các hoạt động trải nghiệm đã được nhiều phụ huynh hưởng ứng, ủng hộ. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này hiện đang có những ý kiến trái chiều. Vụ việc đuối nước dẫn đến tử vong ở Vườn quốc gia Xuân Thủy vừa qua không phải là một sự việc hi hữu về nguy cơ mất an toàn khi đi trải nghiệm, bởi trước đó, đã xảy ra vụ việc ngộ độc thực phẩm tại Trường Tiểu học Kim Giang, Hà Nội khiến hơn 70 học sinh nhập viện khi tham gia hoạt động trải nghiệm.

Vẫn biết, trải nghiệm thực tế đem lại nhiều ý nghĩa cho lứa tuổi học trò, ít nhiều cho các em những bài học bổ ích lý thú. Nhưng những hoạt động đó ở một số nơi vẫn mang tính chất tự phát, chưa có một hướng dẫn, một quy định chung nên những băn khoăn, lo lắng của phụ huynh học sinh và những bức xúc của dư luận xã hội là hoàn toàn có cơ sở. Chưa kể, việc thực hiện, chủ yếu là do nhà trường phối hợp với một công ty du lịch hoặc một đơn vị tổ chức sự kiện; thậm chí, có nơi giao cho hội phụ huynh đứng ra tổ chức, nên khó thẩm định về chất lượng tour - tuyến. Số lượng học sinh tham gia một chương trình thường rất đông, có thể trong phạm vi một lớp, một khối hay toàn trường nên khó quản lý. Hơn nữa, theo quy định, hoạt động trải nghiệm theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 không bắt buộc tổ chức ngoài khuôn viên trường học. Thay vào đó, các trường có thể tổ chức theo nhiều hình thức khác nhau như sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề, hoạt động câu lạc bộ...

Thiết nghĩ, ngành giáo dục cần có những hướng dẫn cụ thể đối với các hoạt động tổ chức trải nghiệm, tham quan cho học sinh trong các nhà trường; chấm dứt tình trạng trải nghiệm theo tour- tuyến nặng về yếu tố thương mại như hiện nay. Hoạt động trải nghiệm dù trong hay ngoài nhà trường thì yếu tố an toàn cho người tham gia phải được đặt lên hàng đầu.

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy