Ngày 24/3, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Mặc dù đây không phải là một vụ việc hy hữu, bởi trước đó đã có không ít những tổ chức, cá nhân bị xử lý trước pháp luật vì có những hành vi tương tự nhưng vụ việc của bị can Nguyễn Phương Hằng hiện đang thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng mạng cũng như dư luận xã hội. Trong suốt một thời gian dài, với những màn “đấu tố” ồn ào trên mạng xã hội, hành vi của Nguyễn Phương Hằng đã tạo ra một trạng thái gọi là quyền lực ảo, những người cảm thấy yếu thế, bức xúc trước những vấn đề tiêu cực của xã hội thì sẽ tìm thấy “chỗ dựa” ở những màn “đấu tố” trên livestream của bà Hằng. Họ vô tình bị lôi kéo, kích động cuốn theo nguồn năng lượng tiêu cực trên mạng xã hội, gần như không có điểm dừng cho đến khi cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bà Nguyễn Phương Hằng.
Mạng xã hội giống như con dao hai lưỡi, nếu không tỉnh táo sẽ bị cuốn vào những giá trị ảo và sẽ có những ứng xử thiếu văn minh, thiếu trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, coi thường pháp luật. Nguyễn Phương Hằng là một trường hợp như vậy. Có một lượng fan khá đông đảo, với các buổi livestream thu hút hàng triệu người quan tâm, Nguyễn Phương Hằng ảo tưởng về sức mạnh của bản thân, tự cho mình cái quyền “thực thi công lý”, phán xử người khác bất chấp những qui định của pháp luật.
Mặc dù, sau khi Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an vào cuộc điều tra và đã có kết luận về các cá nhân theo tố cáo của bà Nguyễn Phương Hằng không có dấu hiệu tội phạm nên đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự nhưng bà Hằng vẫn tiếp tục livestream với những ngôn từ phản cảm. Không những thế, còn kéo người đến nơi ở của những cá nhân có mâu thuẫn trên mạng xã hội gây ồn ào, mất trật tự xã hội. Không phân biệt được ranh giới giữa quyền tự do ngôn luận và những hành vi vi phạm pháp luật, bà Hằng đã tự biến mình thành kẻ tội phạm khi lạm dụng mạng xã hội để lăng nhục và chà đạp lên danh dự của nhiều người.
Tại Điều 20, 21 Hiến pháp 2013 đã quy định rất rõ về quyền bất khả xâm phạm về sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; quyền bảo vệ danh dự, uy tín của cá nhân. Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định 874/QĐ-BTTTT Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, tại quy tắc 4.6 cũng ghi: "Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội".
Đối chiếu với những điều khoản trên thì những hành vi của bà Nguyễn Phương Hằng đã vi phạm nghiêm trọng những qui định của pháp luật. Vì vậy, việc bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng là hệ quả tất yếu của việc coi thường pháp luật, xâm phạm, chà đạp nhân phẩm, danh dự của người khác. Âu cũng là bài học cảnh tỉnh cho mọi người khi sử dụng mạng xã hội. Dù ở bất kỳ môi trường nào cũng cần phải có những ứng xử văn minh, có trách nhiệm và thượng tôn pháp luật. Mọi hành vi sai trái sẽ bị pháp luật nghiêm trị.
Minh Thu