kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Phần I: Địa lý (Chương XV - P1)

Phần I: Địa lý (Chương XV - P1)

Tổng quan về phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Hà Nam qua các thời kỳ lịch sử

Chương XV

Đặc điểm và tiến trình phát trển kinh tế – xã hội tỉnh Hà Nam

I.            Tổng quan về phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Hà Nam qua các thời kỳ lịch sử

1.           Thời kỳ phong kiến

Trong suốt thời kỳ phong kiến, đất Hà Nam luôn là một vùng nông nghiệp quan trọng. Dưới các triều Đinh, Tiền Lê, Hà Nam là vùng đất phên dậu phía Bắc kinh đô Hoa Lư và sau đó, dưới các triều Lý, Trần, Hậu Lê là đất trực thuộc kinh đô Thăng Long. Hà Nam không những có ý nghĩa quan trọng về chiến lược phòng thủ, mà còn có ý nghĩa to lớn về kinh tế, là vùng đất luôn luôn đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của triều đình trung ương kể từ khi hình thành quốc gia độc lập.

Trên đất Hà Nam, ngay từ thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, bên cạnh ruộng đất công của làng xã, ruộng tự điền của các nhà chùa, còn có các loại ruộng đất phong cấp của vua cho quan lại trong triều, những người có công và những người trong hoàng thân, quốc thích. Do đó, cùng với sự tồn tại và phát triển của kinh tế tiểu nông gia gắn liền với ruộng đất công của làng xã, kinh tế nhà chùa và kinh tế trang ấp (dựa trên đất phong, thưởng) cũng bắt đầu phát triển mạnh. Tuy vậy, kinh tế tiểu nông gia vẫn là bộ phận kinh tế chủ đạo. Đây cũng là bộ phận kinh tế làm nền tảng cho các chế độ phong kiến tập quyền.

Vua Lê và sau này là các vua triều Lý đều chọn đất Hà Nam làm nơi phát động mùa vụ. Lê Hoàn sau khi lên làm vua và đánh bắc, dẹp nam đã chăm lo phát triển nông nghiệp. Theo Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên thì năm Đinh Hợi (987), “mùa xuân, vua lần đầu cày ruộng tịch điền ở núi Đọi được một hũ nhỏ vàng. Lại cày ở núi Bàn Hải, được một hũ nhỏ bạc, nhân đó đặt tên là ruộng Kim Ngân”(1). Lê Hoàn là vị vua Việt Nam đầu tiên làm nghi lễ cày ruộng tịch điền và vùng ruộng chân núi Đọi cũng là thửa ruộng tịch điền, ruộng nghi lễ đầu tiên trong lịch sử nước ta. Ruộng tịch điền đó ngày nay thuộc cánh đồng lớn ở phía Tây núi Đọi, hiện vẫn còn các địa danh Dinh trong, Dinh ngoài tương truyền là nơi ăn nghỉ của nhà vua khi về cày ruộng tịch điền(2).

Thời Lý, chế độ sở hữu nhà nước về ruộng đất chiếm ưu thế trong xã hội và là cơ sở quan trọng của chính quyền trung ương tập quyền. Tuy vậy, đại bộ phận ruộng đất trong nước, về hình thức là quốc hữu, nhưng thực chất vẫn là ruộng đất của công xã. Công xã vẫn là nền tảng bền vững của xã hội. Công xã được bảo lưu quyền tự trị rộng rãi về nhiều mặt. Ruộng của làng nào do làng ấy quản lý và phân phối cho các thành viên của mình cày cấy, nộp tô thuế cho nhà vua. Nông dân công xã cày cấy ruộng vua là thần dân của vua và phải nộp tô thuế, lao dịch và đi lính. Trong xã hội, họ là thành phần cơ bản và là lực lượng sản xuất chủ yếu. Dưới các triều Đinh, Tiền Lê, Lý, đất và dân Hà Nam ngày nay là đất và dân của vua, do làng quản lý theo tập quán của mỗi nơi; người dân, đặc biệt là dân tráng đinh (15-60 tuổi) được chia ruộng và nộp tô thuế chịu lực dịch với triều đình.

Nhà vua có thể lấy ruộng đất công của làng xã để phong cấp, thực cấp cho quý tộc, quan lại và những người trong hoàng thân để lập ra các trang ấp, thực ấp. Đất đai và dân cư trên đất được phong cấp đó thuộc quyền sử dụng của người được phong. Trong đất đó có phần cấp vĩnh viễn, cũng có phần chỉ cấp tạm thời và vua có thể thu hồi. Việc thừa kế đất phong do nhà vua quyết định. Bên trong các trang ấp, thực ấp, nền kinh tế tiểu nông gia và chế độ công xã vẫn tồn tại. Nông dân công xã trong trang ấp lệ thuộc vào chủ, phục dịch, đóng tô, thuế và làm gia binh cho chủ. Nhưng quan hệ giữa nông dân trong trang ấp thực ấp với chủ vẫn do nhà vua điều chỉnh, bao gồm mức tô, thuế, lao dịch. Các quyền lợi và nghĩa vụ của họ trong quan hệ với chủ trang ấp, thực ấp cũng theo quy định chung như đối với nông dân tự do. Vì vậy, họ không bị nô dịch hoá và không bị biến thành nông nô. Hết thời hạn hưởng lộc trang ấp hay thực ấp của chủ, họ lại trở thành thần dân trực tiếp của nhà vua.

Ngoài các loại ruộng trên, thời Lý còn có ruộng quốc khố là ruộng do nhà nước trực tiếp quản lý và cử người canh tác. Lực lượng sản xuất trên ruộng quốc khố thường là tù nhân, tội nhân, tù binh. Họ phải nộp mức tô thuế cao hơn nông dân tự do. Trên đất Hà Nam thời đó đã có đủ cả ba thành phần sở hữu ruộng đất: quốc khố, công xã và phong cấp. Ngoài ba thành phần chủ yếu trên, cũng có một ít ruộng tư nhân từ nguồn được phong cấp vĩnh viễn cũng như từ nguồn tự lực khai phá đất hoang.

Thời Lý - Trần, vùng đất Hà Nam vẫn là một vùng nông nghiệp trọng điểm của nhà nước. Nhà Lý cho lập hành cung ở một số nơi trên đất Hà Nam để đi tuần sát, đánh dẹp phương Nam(1) và để hàng năm về cày ruộng tịch điền, đốc sát việc hộ đê, gặt lúa. Triều Lý cho làm cung trên các núi Đọi Sơn và Điệp Sơn “để làm nơi tuần hành và triều hội”(2). Đọi Sơn là nơi các vua Lý cho xây dựng chùa, tháp và kho lẫm của triều đình(3). Đồng thời, từ Triều Lý cũng bắt đầu quan tâm đến việc đắp đê, sửa sang thuỷ lợi, đắp đường và thiết lập hệ thống trạm dịch giao thông. Đường thuỷ được lưu thông khắp trên mạng lưới sông ngòi của vùng châu thổ.

Triều Trần, một số nơi trên đất Hà Nam ngày nay được dùng làm thái ấp cho các vương gia, tôn thất và các quan lại triều đình được ban quốc tính. Ở đây có thái ấp của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư ở Dưỡng Hòa (nay thuộc xã Duy Hải, huyện Duy Tiên), thái ấp của Thái sư Trần Thủ Độ ở Quắc Hương (tên nôm là làng Vọc nay là làng Thành Thị, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục). Thái ấp là đất được vua ban cấp, phong cấp. Người được phong đất có quyền hưởng tô thuế, hoa lợi từ ruộng đất được phong mà không phải đóng tô thuế cho nhà nước. Song nhà nước có thể lấy lại (trong trường hợp người được phong bị biếm, truất, phạm tội hoặc qua đời) để cấp cho người khác.

Quy mô của các thái ấp ở Hà Nam thường không lớn, có thể chỉ trong khoảng 1, 2 xã và ở đó vẫn tồn tại kinh tế tiểu nông gia trên cơ sở tự cung, tự cấp. Thái ấp của Trần Khánh Dư ở Dưỡng Hoà có phạm vi: “Thượng tựu quán trâu, hạ chí chợ Sàng, dài khoảng 10km, hai đầu có hai cột đá hạ mã”(4), diện tích ruộng đất có khoảng 1.250 mẫu, có hào lớn bao quanh làng khoảng 307 mẫu. Trong thái ấp, bên cạnh hoạt động nông nghiệp còn có cả các hoạt động thương mại và một số nghề tiểu thủ công để đáp ứng nhu cầu chung của dân cư, của gia binh và các phủ đệ của chủ thái ấp(1). Thái ấp của Thái sư Trần Thủ Độ ở Quắc Hương là vùng đất chiêm trũng. Trong thái ấp, bên cạnh nghề nông là chính còn có các nghề đánh cá, chạm khắc đá và nấu rượu. Trong thái ấp cũng có chợ (còn gọi là Quắc thị, tức chợ Vọc ngày nay), có sông (sông Cụt), có đình (Đình Cả), có chùa (Chùa Sông), trại lính và các khu dinh thự, phủ đệ(2). Trong các thái ấp kể trên luôn có một lực lượng đông đảo gia binh, gia nô, nô tỳ phục dịch, khi hoà bình thì lao động sản xuất, khi quốc gia hữu sự thì xung làm lính tráng.

Cùng với việc phong, cấp đất cho vương hầu tôn thất, nhà Trần cũng khuyến khích họ khai khẩn đất hoang lập điền trang nhằm hình thành một phòng tuyến chính trị - quân sự - kinh tế - xã hội dọc theo mạch đường sông nối liền kinh đô với quê hương Tức Mặc(3). Nhờ đó, các điền trang của vương thất nhà Trần đã được khai phát trên đất Hà Nam, biến vùng đất này, thêm một lần nữa, trở thành trọng điểm kinh tế - xã hội dưới triều Trần. Theo Sách Đại Việt sử kỷ toàn thư, thì vào năm Bính Dần (1266), “mùa đông, tháng 10, xuống chiếu cho vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần chiêu tập dân phiêu tán không có sản nghiệp làm nô tì để khai phá ruộng bỏ hoang, lập thành điền trang. Vương hầu có trang thực bắt đầu từ đấy”(4). Trên đất Hà Nam cũng đã có một số điền trang được tạo lập, thuộc sở hữu của các vương tôn, quý tộc và được quyền cha truyền con nối.

Sự phát triển điền trang, thái ấp dưới triều Trần đã tác động mạnh mẽ tới tình hình ruộng đất và công xã truyền thống trên đất Hà Nam. Hơn nữa, việc khuyến khích các vương hầu tôn thất lập điền trang và việc khởi xướng, cho phép bán ruộng công cho nhà giàu làm ruộng tư đã làm cho chế độ tư hữu ngày càng mở rộng. Trên đất Hà Nam khi đó, ngoài một phần diện tích ruộng đất công xã được chuyển thành thái ấp (tức là đất phong, tặng) và một phần đất hoang hoá được khai khẩn trở thành điền trang thuộc sở hữu tư của các vương hầu, tôn thất, thì cũng đã xuất hiện sở hữu ruộng đất tư của địa chủ, nhà giầu, nhà chùa và sở hữu nhỏ của một bộ phận tiểu nông gia. Tuy nhiên, các thái ấp, điền trang hoặc là “nuốt chửng” nguyên vẹn một, đôi làng, hoặc là “tái sinh” cơ chế làng xã để tổ chức và quản lý dân cư vốn là dân “tứ chiếng” được chiêu tập. Bởi vậy, bên cạnh sự phát triển của bộ phận kinh tế quý tộc (thái ấp, điền trang), kinh tế tiểu nông gia làng xã vẫn giữ vai trò quan trọng trên đất Hà Nam.

Thời Hậu Lê, chế độ ruộng đất ở Hà Nam bao gồm ruộng nhà nước, ruộng công của làng xã và ruộng tư. Ruộng nhà nước là quan điền do nhà nước quản lý việc sản xuất và thu hoạch; hoa lợi nhập vào kho công. Ruộng này được kinh doanh dưới hình thức đồn điền. Đồn điền do các quan chánh, phó đồn điền sứ quản lý. Nhân lực canh tác ruộng đất đó thường là quân lính, tội nhân, quan nô, dân lưu tán được chiêu mộ. Trong các đồn điền đó, sản xuất lương thảo để dự trữ và cung cấp cho quan quân và dân địa phương. Ruộng đất đồn điền thuộc sở hữu nhà nước do triều đình trực tiếp quản lý, không ban cấp đất thuộc sở đồn điền cho quan lại. Năm Tân Sửu (1481), vua Lê Thánh Tông xuống chiếu cho lập 43 sở đồn điền trong cả nước. Trên đất Hà Nam thời đó, vua Lê Thánh Tông đã cho lập các đồn điền ở Thiên Kiện, Phượng Vĩ (huyện Thanh Liêm); La Sơn (huyện Bình Lục).

Ruộng công của làng xã được dùng để phân phối cho người sử dụng theo chế độ “quân điền”, theo đó định kỳ (6 năm một lần), ruộng đất lại được điều chỉnh, phân phối cho các đối tượng sử dụng đất gồm từ các quan tam phẩm đến thứ dân. Người dân sử dụng đất phải nộp tô cho nhà nước. Thực tế ruộng công là sở hữu nhà nước do làng xã quản lý và phân phối sử dụng tuỳ theo tình hình ruộng đất và nhân lực ở từng địa phương.

Lộc điền thời Hậu Lê thay cho thái ấp thời Trần. Lộc điền gồm có ruộng thế nghiệp (là phần ruộng được vua ban nhưng được phép thừa kế) và ruộng ân tứ (là phần ruộng được vua ban nhưng sẽ thu lại khi người được hưởng qua đời). Đối với cả hai loại ruộng này người được hưởng lộc vua chỉ có quyền thu hoa lợi, không có quyền đối với dân cư trên ruộng đất.

Đất Hà Nam thời Hậu Lê được Nguyễn Trãi nói đến trong Dư địa chí: “Ở vùng ấy đất thì đỏ, dính màu mỡ cùng sắc xanh đen; ruộng thì vào hạng thượng thặng. Cả có nhiều vải nhỏ. Thanh Oai có lụa là. Huyện Kim Bảng có the”(1). Dân cư Hà Nam thời Lê đã khá đông và phân bố trải rộng theo thế đất để trồng cấy. Nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thuỷ sản, thủ công nghiệp gia đình và buôn bán nhỏ trong phạm vi làng xã, qua mạng lưới các chợ phiên. Các ngành nghề thủ công nghiệp truyền thống trong phạm vi gia đình như dệt, đan lát, nuôi cá, chăn tằm, kéo tơ... khá phát triển. Thời Lê Mạt, nghề tơ lụa Từ Đài, Nha Xá (huyện Duy Tiên) đã từng phát đạt nhờ có vị thế đối xứng với Phố Hiến bên kia sông Hồng. Lụa Nha Xá được khách buôn đánh giá là không kém lụa Hàng Châu của Trung Quốc. Nhưng nghề tơ lụa vẫn chỉ là nghề phụ, chưa tách khỏi nông nghiệp.

Nhà Lê chú trọng khuyến khích khai hoang, xây dựng đê điều và các công trình thuỷ nông. Đê điều được tiếp tục củng cố và kiến thiết quy mô hơn để khai thác vùng đầm lầy phía Đông Nam đất Hà Nam ngày nay. Những con đê được xây dựng thêm dưới triều Lê góp phần làm cho vùng đất các huyện Duy Tiên, Thanh Liêm, Lý Nhân, Bình Lục thực sự trở thành một khu vực bị quây kín, bị ngăn cách với nguồn sa bồi và biến thành đồng trũng, vùng rốn sâu của châu thổ Bắc Bộ.

Nhà Lê ban hành lệ lập chợ, quy định nguyên tắc họp chợ luân phiên. Các chợ làng, chợ quê đầu tiên trên đất Hà Nam, căn bản được hình thành bắt đầu từ thời Lý, Trần, được chính quyền nhà Lê tổ chức, sắp xếp theo trật tự và quy định chu kỳ họp phiên, dần dần được nhân rộng theo độ phát triển của dân cư để trở thành một mạng lưới hoạt động theo nhịp điệu trao đổi kinh tế giữa các làng xã và được duy trì thành nếp cho đến ngày nay.

Thời Lê bắt đầu hình thành đẳng cấp thứ dân gồm: sĩ, nông, công, thương. Nông dân là tầng lớp đông đảo nhất. Từ thời đó đã phân hoá thành địa chủ bình dân, nông dân tự canh, tá điền. Địa chủ bình dân và quan lại hợp thành giai cấp phong kiến. Thợ thủ công chủ yếu là một bộ phận nông dân chuyển sang chuyên làm các nghề phi nông nghiệp ngay tại làng xã và vẫn chịu các loại sưu dịch như nông dân làng xã.

Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của ruộng tư từ thời Trần, thời Lê đã gây ra những hệ quả xã hội cho các thế kỷ sau đó. Ruộng đất tập trung ngày càng nhiều vào tay địa chủ. Nông dân mất đất đai phải lưu tán khắp nơi, nghèo đói và phẫn uất. Dưới thời Lê Mạt - Trịnh - Nguyễn, chế độ phong kiến tập quyền khủng hoảng và suy đốn. Xu hướng tư hữu ruộng đất ngày càng mạnh và tràn lan, trở thành một hiểm họa đối với triều đình. Các chúa Trịnh cũng như các vua triều Nguyễn sau đó đã cố gắng một cách vô vọng nhằm khôi phục nền tảng cho nhà nước quân chủ tập quyền là chế độ quân điền tiểu nông. Nhưng những chính sách của họ như giới hạn ruộng tư, lập phép quân điền mới, xác lập địa bạ cho các làng xã... nhằm củng cố cơ sở kinh tế - xã hội cho chế độ quân chủ tập quyền đã đem lại hiệu quả ngược lại. Quan lại và hào lý được dịp thả sức lấn chiếm ruộng đất công, biến thành của tư. Nông dân mất đất, tha phương cầu thực. Chính sách cai trị của triều Nguyễn khiến cho toàn bộ nền kinh tế đất nước đình đốn. Hà Nam cùng với châu thổ Bắc Kỳ đã phải chịu muôn vàn tai họa do mất ruộng đất, đói kém, mất mùa, đê vỡ, ngập lụt, ngành nghề thủ công phá sản, thuế khoá, sưu dịch nặng nề.

Trong suốt thời kỳ từ cuối thế kỷ thứ X (triều đại nhà Đinh) đến đầu thế kỷ XX (cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp 1896 - 1918), kinh tế tiểu nông sản xuất lúa nước là nét đặc trưng căn bản và bao trùm toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của Hà Nam cũng như của cả nước. Kinh tế tiểu nông này căn bản dựa trên sở hữu ruộng đất công, tự nó vốn đã mang nặng tính tự cấp tự túc và luôn có xu hướng tự cấp tự túc, lại liên tục được tái tạo bởi cơ chế định kỳ tái phân phối ruộng công của làng xã và được duy trì bởi chế độ bóc lột bằng tô, thuế và các hình thức bóc lột phi kinh tế khác. Nó là nền tảng của nhà nước phong kiến tập quyền. Đây cũng là đặc điểm chung của nền kinh tế nước ta dưới thời phong kiến.

Bên cạnh đó, ở Hà Nam dưới thời phong kiến còn có các hình thức sở hữu và kinh doanh nông nghiệp khác như: quốc khố điền (do binh lính, tội nhân, nô tỳ canh tác dưới hình thức đồn điền, hoa lợi nhập vào quốc khố tức là các đồn điền thời Trần, Hậu Lê như trên đã trình bày); tư điền (do hộ gia đình tự canh tác hoặc phát canh thu tô, nguồn gốc đất là do chủ ruộng tự khai phá hoặc mua của nhà nước thời Trần, là phần ruộng thế nghiệp trong lộc điền thời Lê); ruộng tế tự hay tự điền của nhà chùa,...

Như vậy, về mặt hình thức, các tổ chức kinh tế - xã hội trên đất Hà Nam thời phong kiến khá đa dạng: đồn điền, điền trang, thái ấp, hộ gia đình và kinh tế nhà chùa. Song về bản chất kinh tế, đó vẫn chỉ là kinh tế tiểu nông nặng tính chất tự cấp tự túc, vì lực lượng sản xuất chủ đạo trên phạm vi toàn xã hội vẫn là hộ nông dân với kỹ thuật và công cụ canh tác lạc hậu, kém năng suất. Sự phân hoá xã hội diễn ra chủ yếu trong lĩnh vực sở hữu ruộng đất. Ruộng đất công của nhà nước cũng như của các làng xã ngày càng thu hẹp trong khi ruộng đất tư hữu ngày càng lớn và tập trung vào tầng lớp quý tộc, quan lại, địa chủ, nhà giầu. Trước khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, trên đất Hà Nam đã có một số khá lớn nông dân mất ruộng, trở thành vô sản nông thôn hoặc phiêu bạt khắp nơi.

Trong bối cảnh xã hội tiểu nông, như ở mọi miền quê Việt Nam, “dĩ nông vi bản” vẫn là cái “lẽ nhi nhiên” của đời sống dân cư Hà Nam trong suốt hàng ngàn năm phong kiến. Từ thuở tràn xuống đồng bằng Kim Bảng - Thanh Liêm-Duy Tiên - Lý Nhân - Bình Lục cấy lúa, dân cư Hà Nam đã thấm nhuần lẽ sống đó. Trong không gian đất và nước của miền quê Hà Nam, lẽ sống đó đã trở thành một nguyên lý truyền đời cho các thế hệ nông dân vùng đồng trũng:

“Khai hoang địa, huấn nông tang, thiên niên sinh nghiệp Dưỡng tế ngư, giáo chức bạch, vạn thế điền gia”

(Tạm dịch: Vỡ đất hoang, dạy cày ruộng, chăn tằm, ngàn năm bền chắc cuộc mưu sinh. Nuôi cá bột, khuyến kéo tơ, dệt lụa, muôn đời vững chãi thế nhà nông)(1).

Đó có thể xem là sự thể hiện súc tích, cô đọng về cơ cấu kinh tế và nền nếp xã hội tiểu nông trên đất Hà Nam trong suốt thời kỳ phong kiến.

2.                Kinh tế - xã hội Hà Nam thời kỳ Pháp thuộc

Đến thời kỳ Pháp thuộc, (từ năm 1883 và nhất là từ năm 1890 khi tỉnh Hà Nam được thành lập), tình hình kinh tế ở Hà Nam bắt đầu có những thay đổi gắn liền với chính sách khai thác thuộc địa của chủ nghĩa thực dân Pháp. Mục tiêu của chính sách đó là bòn rút tối đa lợi nhuận từ các ngành kinh tế truyền thống của dân ta bằng những thủ đoạn bóc lột nửa phong kiến, nửa tư bản dã man. Chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp (1896 - 1918) trên đất Hà Nam chú trọng đầu tư khai thác mỏ và đẩy mạnh nông nghiệp, đặc biệt là phát triển các đồn điền, đã gây nên nhiều biến đổi trong phát triển kinh tế - xã hội ở đây trong giai đoạn này.

Dưới thời thuộc Pháp, nông nghiệp vẫn là nền tảng kinh tế trên đất Hà Nam. Trong điều kiện đồng chiêm trũng lúa là cây lương thực hầu như độc canh nhưng phần nhiều chỉ có một vụ trong năm. Những năm 1930, khi nền kinh tế thuộc địa của Pháp ở Đông Dương được xem là thịnh vượng, thì trên đồng đất Hà Nam, năng suất lúa chiêm (vụ tháng 5/1934) ở Duy Tiên là 2.160 kg/ha, ở Kim Bảng là 1.000 kg/ha(1). Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, sản lượng lương thực ở Hà Nam cũng như trong cả nước ngày càng giảm. Biểu 1 dưới đây cho thấy tình hình sản xuất và sản lượng lúa tính theo đầu người những năm đó.

Nguồn: Niên giám Thống kê Đông Dương năm 1931.

Dưới thời thuộc Pháp, giai cấp địa chủ cường hào ngày càng thắng thế, ruộng tư ngày càng lấn chiếm ruộng công của làng xã. Dân mất đất đi phiêu tán ngày càng nhiều. Vùng đồng bằng Sơn Nam Hạ dưới thời Nguyễn được xem là còn nhiều ruộng đất công nhất cả nước. (Đất công của làng xã gồm 2 loại: một là, ruộng đất chung của làng, định kỳ tái phân phối cho dân đinh canh tác và nộp tô cho nhà nước, và hai là, ruộng của làng nhưng không chia, do làng phát canh thu tô để dùng vào việc cúng tế và chi việc làng). Nhưng theo P. Gourou, một học giả người Pháp, thì những năm 1930, ruộng công ở phủ Lý Nhân chỉ còn chiếm 46%, ở huyện Kim Bảng chỉ còn chiếm 54% tổng diện tích canh tác ở mỗi nơi(2).

Người Pháp chỉ chú trọng khai thác nông nghiệp và bóc lột nông dân mà không quan tâm đến việc bảo vệ đê điều. Năm 1915, lụt lớn, đê vỡ 48 chỗ với tổng chiều dài trên 180 km trên các triền sông Đà, sông Thao, sông Hồng, sông Đuống, sông Trà Lý, sông Đào, sông Đáy, làm ngập lụt 221.000 ha lúa ở các tỉnh Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên, Phúc Yên, Phú Thọ. Theo con số của chính quyền thuộc địa, thiệt hại lên tới 5,5 triệu đồng Đông Dương(1).

Chính sách thuế khóa của chính quyền thuộc địa rất nặng nề. Thuế cũ, thuế mới không biết bao nhiêu loại được chúng đặt ra làm cho đời sống của người dân ngày càng điêu đứng. Nặng nhất đối với người nông dân là thuế thân đánh vào dân đinh từ 18 - 60 tuổi. Mỗi suất đinh những năm 1930 phải đóng 2,50 đồng/người, không kể các khoản phụ thu khác do hương lý, kỳ hào tuỳ tiện quy định. Nếu tính cả phụ thu thì nơi nhiều nộp tới 4,50 đồng/người, nơi ít cũng 3,00 đồng/người(2).

Thuế ruộng thời thuộc Pháp được chia làm ba hạng: nhất đẳng, nhị đẳng, tam đẳng. Nhưng khi đóng thuế thì mọi loại ruộng đều nộp theo mức thống nhất là 2,40 đồng/ mẫu. Thuế nhà, đất thổ cư cũng có nhiều loại, nhưng người dân cũng phải nộp theo mức đồng loại. Đó là thủ đoạn biển lận và bóc lột trắng trợn của bọn lý dịch. Chúng luôn chiếm ruộng tốt, nhà cao cửa rộng nhưng cũng chỉ đóng thuế như ruộng xấu, nhà nát của nông dân. Trên thực tế thì chúng không những không mất tiền đóng thuế mà còn hà lạm của dân. Nhiều thứ thuế khác như thuế môn bài, thuế chợ, thuế thân,... luôn đè nặng lên vai người dân, bòn rút cùng kiệt sức lực của họ. Cường độ gia tăng sự bóc lột của bọn thực dân, phong kiến đối với người dân Hà Nam, phần nào được phản ánh qua sự gia tăng ngân sách của bộ máy cai trị cấp tỉnh. Ngân sách tỉnh Hà Nam năm 1905 là 25.000 đồng Đông Dương, năm 1931 là 220.814 đồng(3).

Do chính sách khai thác thuộc địa, nhằm vào bòn rút nông nghiệp và các ngành nghề thủ công truyền thống, cơ cấu kinh tế Hà Nam thời kỳ này có nhiều biến đổi. Trước đây, các nông sản chất lượng cao ở một số vùng trong tỉnh không có điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất dưới thời phong kiến do kinh tế tự cung tự cấp không tạo ra nhu cầu trên diện rộng. Thêm vào đó, một số nhu cầu trong tiêu dùng còn bị khống chế bởi sự phân biệt đẳng cấp phong kiến. Trong thời kỳ thực dân, bên cạnh nông nghiệp trồng lúa, màu, các ngành nghề thủ công truyền thống tiếp tục phát triển, có xu hướng mở rộng; một số nghề mới xuất hiện. Sự trao đổi sản vật, hàng hoá trong nội vùng cũng như với bên ngoài trở nên sôi động hơn, xuất hiện sự phân công lao động mang tính chất chuyên ngành trong sản xuất cũng như trong lưu thông trao đổi.

Đến những năm 1930, số người làm nghề thủ công và các nghề phi nông nghiệp khác ở Hà Nam chiếm một tỉ lệ đáng kể trong dân số. Theo P. Gourou (1936), tỷ lệ người làm nghề thủ công trong dân cư của một số tổng ở huyện Duy Tiên thời bấy giờ như sau: tổng Hoàng Đạo có 13% dân số trong tổng làm các nghề hàng xáo, dệt vải, đăng ten; tổng Yên Khê có 11% dân số làm các nghề hàng xáo, đan lát, thợ mộc; tổng Tiên Xá có 16% dân số làm các nghề thợ may, thợ mộc; tổng Trác Bút có 11% dân số làm nghề thợ mộc, thợ nề; tổng Mộc Hoàn có 27% dân số trong tổng làm các nghề dệt vải, hàng xáo, làm đậu phụ. Các tổng ở huyện Lý Nhân cũng gần giống như vậy: tổng Công Xá có 15% dân số làm các nghề thợ mộc, dệt vải, đan lát; tổng Vũ Điện có 13% dân số làm nghề hàng xáo, dệt vải, may mặc; tổng Ngu Nhuế có 25% dân số làm các nghề thợ mộc, đan lát, làm bánh; tổng Cao Đà có 30% dân số làm nghề thợ mộc(1). Các nghề thủ công của dân cư Hà Nam thời kỳ này gồm có cả các nghề truyền thống và các nghề mới (thêu ren, khai thác đá...) được phát triển trong điều kiện mới của thị trường thuộc địa. Có thể nêu sơ bộ như sau:

 

2.1.                Các nghề chế biến nông sản

 

Cùng với phát triển nông nghiệp, từ xa xưa ở Hà Nam đã có các làng làm nghề chế biến nông sản nổi tiếng. Làng Do Lễ (tổng Khả Phong, huyện Kim Bảng) có giống chè và nghề chế biến chè nổi tiếng thơm ngon. Làng Vĩnh Trụ (tổng Công Xá, phủ Lý Nhân, nay thuộc thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân) có những vườn mía rất rộng và nghề nấu mật phát triển. Làng có tới 13 lò nấu mật dùng nguyên liệu mía của các xã lân cận và từ các tỉnh ngoài như Hưng Yên, Thanh Hoá. Người Vĩnh Trụ có thể làm mật rồi chở bằng thuyền đi bán ở các nơi khác hoặc cho thuê lò, làm thuê trong các lò, buôn bán nguyên liệu mía lúc thời vụ làm mật. Làng Mão Cầu (tổng Ngu Nhuế phủ Lý Nhân) có nghề làm bánh. Làng Đầm (Đô Quan, tổng Mộc Hoàn huyện Duy Tiên) có nghề làm đậu phụ, làng Tái (Đinh Xá, tổng Văn Mỹ, huyện Bình Lục) có nghề làm bún đã đi vào ca dao: “Đậu Đầm, bún Tái, gái Ngô Khê”. Làng Ngãi Trì (tổng Mễ Tràng, huyện Thanh Liêm) có nghề ép dầu thực vật. Nghề buôn bán thuốc lào đặc biệt thu hút nhiều người: 35 làng ở Hà Nam có người đến Vĩnh Bảo, Hải Phòng mua thuốc lào đem bán khắp nơi. Làng Mễ Tràng (tổng Mễ Tràng, huyện Thanh Liêm) và làng Trần Thương (tổng Thổ Ốc, phủ Lý Nhân) là hai làng có người làm nghề này đông hơn cả.

Một nghề vốn có từ lâu đời nhưng trở nên phổ biến hơn trong thời kỳ này là nghề làm hàng xáo - chế biến thóc thành gạo. Những năm 1930, Hà Nam có 3.600 người trong tổng số 37.000 người làm nghề này của cả vùng châu thổ Bắc Bộ. Sáu làng ở Hà Nam có làm nghề hàng xáo là: làng Thọ Lão (tổng Hoàng Đạo), làng Lam Cầu (tổng Lam Cầu), làng Yên Tử (tổng Mộc Hoàn), làng Điệp Sơn (tổng Yên Khê) thuộc huyện Duy Tiên; làng Phương Thượng (tổng Phương Đàn, huyện Kim Bảng) và làng Thọ ích (tổng Vũ Điện, phủ Lý Nhân).

2.2.                Các nghề đan lưới và chế biến thuỷ sản

Trong các nghề này ở Hà Nam, chủ yếu có nghề làm mắm và đan lưới đánh cá. Làng Tường Thụy (tổng Chuyên Nghiệp, huyện Duy Tiên) và làng Tế Cát (tổng Ngu Nhuế, huyện Lý Nhân) là những làng chuyên làm nghề đan lưới, đan vó đánh cá cung ứng cho các làng chài và dân đồng chiêm. Các làng Văn Xá, Vũ Xá (tổng Ngu Nhuế, huyện Lý Nhân), làng Qua Cát, Văn Lâm (huyện Thanh Liêm) là những làng đan riu, đan nơm, đan đó bán đi khắp các nơi. Làng Lộc Tùng, Văn Châu (tổng Phù Đạm) và làng Siêu Nghệ (tổng Nhật Tựu) thuộc huyện Kim Bảng là 3 trong 16 làng ở đồng bằng Bắc Bộ có nghề ướp muối cá và làm nước mắm nổi tiếng trong vùng. Đặc biệt là nghề làm nước mắm cá ở làng Siêu Nghệ được truyền từ vùng Nghệ An ra, nước mắm trong, thơm và ngon, được dân cư trong vùng rất ưa chuộng.

2.3.                Nghề bông vải và dệt may

Nghể dệt vải bông ở Hà Nam chủ yếu ở các làng khu vực phía Đông của tỉnh với tổng số 2.850 thợ ngồi khung cửi (toàn là phụ nữ). Đó là các làng: Bồ Xá Mỹ Thọ (tổng Bồ Xá), làng Tiên Khoán (tổng Vũ Bản), thuộc huyện Bình Lục; làng Lưu Xá (tổng Nhật Tựu), huyện Kim Bảng; các làng Đại Hoàng, Mạc Thượng (tổng Cao Đà); các làng Trần Xá, Tri Long (tổng Trần Xá) thuộc huyện Lý Nhân. Dệt lụa, kéo tơ có các làng Thọ ích, (tổng Vũ Điện, phủ Lý Nhân); làng Nha Xá, (tổng Bạch Sam, huyện Duy Tiên) đã đi vào tri thức dân gian trong câu ngạn ngữ địa phương: “Lụa Nha Xá, đá Kiện Khê, nuôi dê Kim Bảng”. Số thợ dệt lụa ở Hà Nam là 650 trong tổng số 7.500 thợ chuyên dệt lụa của khu vực Bắc Bộ. Làng Thọ ích (tổng Vũ Điện, phủ Lý Nhân) có nghề thêu. Làng Dưỡng Hoà (tổng Hoàng Đạo, huyện Duy Tiên) tiếp thu nghề mới là nghề làm đăng-ten.

Nghề thợ may ở Hà Nam có 1.200 thợ trong 6.600 thợ của Bắc Kỳ. Các làng thợ may chủ yếu ở Hà Nam là làng Ngọc Lũ (tổng Ngọc Lũ, huyện Bình Lục); làng Tư Can, cổ Châu (tổng Bạch Sam), làng Ngô Xá, Lục Nộn, Tiên Xá, (tổng Tiên Xá) thuộc huyện Duy Tiên; làng Như Trác, Trần Thương (tổng Thổ Ốc, phủ Lý Nhân). Các tay thợ giỏi quê làng Tiên Xá (tổng Tiên Xá); làng Tư Can (tổng Bạch Sam) thuộc huyện Duy Tiên đi làm ăn khắp nơi trong và ngoài nước ở Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh ngày nay), Phnông-Pênh (Cămpuchia), Quảng Châu, Vân Nam (Trung Quốc)...

2.4.               Nghề xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng

Mặc dù sự đầu tư của tư bản thực dân ở Hà Nam không nhiều, nhưng sự ra đời của các đồn điền, các công sở hành chính, các chương trình kiến tạo hạ tầng cơ sở... của chính quyền thực dân cũng đã tạo ra một nhu cầu lớn hơn hẳn so với thời kỳ phong kiến. Các nghề nung vôi, làm gạch, thợ nề, thợ mộc và các dịch vụ khác về xây dựng được mở rộng và thu hút nhiều lao động nông thôn. Làng Bồ Hưng (tổng Thổ Ốc, phủ Lý Nhân) chuyên làm gạch. Làng Nham Kênh (tổng Cẩm Khê); làng Kiện Khê (tổng Kỷ Cầu) thuộc huyện Thanh Liêm là những làng nung vôi và sản phẩm của họ là mặt hàng đặc trưng ở chợ Kiện:

Vôi chợ Kiện, củi chợ Lường

Nụ chè Bài Lễ măng bương Quèn Vồng                   (Ca dao)

Làng Phú Hoàn (tổng Lam Cầu), làng Trác Bút (tổng Trác Bút) thuộc huyện Duy Tiên; các làng Đà Xuyên (tổng Cao Đà), Hội Động (tổng Công Xá), làng Điện Bàn (tổng Thố Ốc) thuộc phủ Lý Nhân; làng Yên Cừ (tổng Động Xá) thuộc huyện Thanh Liêm... chuyên đi làm thợ nề khắp chốn cùng quê.

Đội ngũ thợ mộc, thợ xẻ quê Hà Nam đi làm ăn khắp nơi trong Nam ngoài Bắc chủ yếu là người ở các làng của xã Trịnh Xá (tổng Ngô Xá, huyện Bình Lục), làng Vũ Bản (tổng Vũ Bản), làng Bạch Sam (tổng Bạch Sam), làng Lam Cầu (tổng Lam Cầu), làng Tiên Xá (tổng Tiên Xá), làng Trác Bút (tổng Trác Bút), huyện Duy Tiên; làng Thọ ích (tổng Vũ Điện), làng Thượng Nông (tổng Yên Trạch), các làng Cao Đà, Đông Chụ, Trung Kỷ, Đà Xuyên (tổng Cao Đà), làng Thượng Vỹ, Mai Xá (tổng Công Xá), làng Lý Nhân (tổng Đồng Thuỷ), làng Ngu Nhuế (tổng Ngu Nhuế), làng Điện Bàn (tổng Thổ Ốc) thuộc phủ Lý Nhân. Những năm 1930, Hà Nam có khoảng 7.000 thợ trong tổng số 32.000 thợ mộc các loại của miền châu thổ Bắc Bộ. Huyện Lý Nhân có 3.900, huyện Duy Tiên có 1.400 thợ mộc chuyên nghiệp. Cùng nhóm với các nghề này phải kể đến các lái gỗ người làng Vũ Xá (tổng Ngu Nhuế, phủ Lý Nhân).

2.5.                 Nghề đan lát và các nghề thủ công khác

Đan lát và làm đồ tre: Làng Thử Hoà (huyện Thanh Liêm) làm điếu thuốc lào bằng ống tre; làng Hội Đông (phủ Lý Nhân) đan lờ bắt cá; làng Qua Cát (tổng Động Xá, huyện Thanh Liêm) đan thuyền thúng, đan rành; làng Vũ Xá (tổng Ngu Nhuế, phủ Lý Nhân) đan cót; các làng Hoà Trung (tổng Tiên Xá, huyện Duy Tiên), làng Thức Cốc (tổng Khả Phong, huyện Kim Bảng), làng Qua Cát, Văn Lâm (huyện Thanh Liêm) đan rành, rổ, rá. Làng Cao Cái (tổng Yên Đổ, huyện Bình Lục) nổi tiếng về bện thừng. Nói chung, các làng có nghề đan lát đồ dùng bằng tre đều nổi tiếng về một vài loại sản phẩm nhưng đều có nhiều loại sản phẩm đa dạng từ cây tre phục vụ sản xuất và sinh hoạt: từ cây điếu cày, chiếc rá vo gạo, thúng mủng, dần, sàng, lờ, đó... đến thuyền nan là thứ không thể thiếu đối với người dân vùng đồng nước. Hà Nam có khoảng 2.000 thợ trong tổng số 42.000 thợ đan lát chuyên nghiệp ở châu thổ Bắc Bộ.

 

“Thúng, làn thôn Đan; Đọi Tam bưng trống” là lời dân gian quảng cáo cho tay nghề của các làng này. Đọi Tam là một giáp của làng Đọi Sơn (huyện Duy Tiên) là một làng nổi tiếng về nghề làm trống da. Những năm 1930, làng có khoảng 100 người chuyên làm nghề này với đồ nghề trên vai đi phục vụ các làng khắp cả nước.

Các làng Tú An, Đức Bàn (tổng Yên Trạch), Văn An (tổng Ngu Nhuế) thuộc phủ Lý Nhân; làng Lam Cầu (tổng Lam Cầu) thuộc huyện Duy Tiên là các làng chuyên làm hương, vàng và đồ hàng mã: thoi vàng, thoi bạc, tiền giấy áo quần, voi ngựa, mũ mão, hia hài... và cả quạt giấy. Cùng nhóm với họ là các bác thợ nhuộm Phú Đa (làng Đa, tổng Công Xá, phủ Lý Nhân):

Quạt giấy, mũ hạc, hài đồng

Phú Đa thợ nhuộm trát hồng bôi xanh                                (Ca dao)

Thợ rèn: Hà Nam có khoảng 900 người thợ rèn giỏi nghề trong tổng số 2.700 thợ rèn vùng châu thổ Bác Bộ. Thợ rèn vùng đồng trũng Hà Nam có biệt tài rèn những lưỡi cày có hình dạng đặc biệt, phức tạp chuyên dùng cho việc cày loại ruộng ngập nước sâu. (Thông thường, các vùng khác chỉ dùng lưỡi cày bình thường, đúc bằng gang).

Một nhóm nghề thuộc số những dịch vụ mới ra đời do nhu cầu của thời kỳ thuộc địa gồm nghề kéo xe tay (chở khách), bồi bếp, cắt tóc. Các làng La Hào, Bồ Xá, Yên Dương, Mỹ Thọ (tổng Bồ Xá); Tiên Khoán (tổng Vũ Bản); Cao Cái (tổng Yên Đổ) thuộc huyện Bình Lục; Ứng Liêm (tổng Kỳ Cầu), Văn Lâm (tổng Mễ Tràng) thuộc huyện Thanh Liêm có nhiều người đi làm cu li kéo xe ở các thành phố. Các làng có nhiều người làm nghề bồi bếp là Tiên Khoán (tổng Vũ Bản, huyện Bình Lục); Nga Khê (tổng Trần Xá, phủ Lý Nhân). Các làng có nhiều người làm nghề cắt tóc (thợ cạo) là Tràng Duệ (tổng Văn Mỹ), Tái Kênh (tổng Ngô Xá) thuộc huyện Bình Lục.

Sự phát triển của các nghề tiểu thủ công cũng thúc đẩy các hoạt động thương nghiệp, buôn bán phát triển hơn nhiều so với trước. Hệ thống chợ nông thôn được mở rộng. Đến thời thuộc Pháp, nhất là sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), các chợ ở Hà Nam đã trở nên sôi động hơn. Từ chỗ là một chợ làng nhỏ bé, chợ Bầu phát triển thành chợ hàng tỉnh với sáu phiên hàng tháng vào các ngày hai, ngày bảy, với cảnh mua bán sầm uất, hàng hoá từ khắp các miền trong tỉnh, ngoài tỉnh, trong và ngoài nước. Từ tôm, cá, hến tại chỗ (“Thợ nhuộm Bối Cầu, chợ Bầu tôm cá”, “Lươn chợ Bến, hến chợ Bầu, trầu chợ Sông”) đến cá biển từ Thái Bình, Nam Định đưa lên, nước mắm từ Nghệ An, chiếu cói từ Phát Diệm (Ninh Bình), lụa Hà Đông, vải Nam Định, đến mộc nhĩ, nấm hương, củi đuốc từ miền rừng núi Hoà Bình chuyển xuống...

Những năm 1930, trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã có hàng trăm chợ lớn, nhỏ và các tụ điểm buôn bán, trao đổi hàng hoá. Mỗi huyện đều có tới hàng chục chợ. Chẳng hạn như ở huyện Bình Lục bấy giờ có 70 xã, dân số 112. 675 người, diện tích 40. 775 mẫu Bắc Bộ (146,8 km2), nhưng đã có tới 23 chợ; bình quân cứ 3 xã, 5.000 người, 1.772,8 mẫu (6,38 km2) đất thì có 1 chợ(1).

Một nhân tố mới trong kinh tế Hà Nam thời kỳ thuộc Pháp là sự xuất hiện của tư bản nông nghiệp dưới hình thức kinh doanh đồn điền. Đồn điền thực dân về cơ bản khác hẳn đồn điền phong kiến các thời kỳ trước, trước hết ở tính chất sản xuất hàng hoá của nó, và sau nữa, là ở mục đích kinh doanh vừa có tính bóc lột kiểu tư bản vừa có tính khai thác kiểu vơ vét tài nguyên của những chủ đồn điền thực dân để phục vụ cho lợi ích, nhu cầu của chính quốc. Ngay sau khi đánh chiếm Hà Nam, thực dân Pháp đã xúc tiến đầu tư khai thác nguồn tài nguyên và nhân lực dồi dào ở đây. Hà Nam là nơi được chúng chú trọng đầu tư phát triển các đồn điền cây công nghiệp và chăn nuôi thuộc loại sớm nhất ở Bắc Kỳ.

Ngay từ năm 1887, trước khi Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định ngày 5/9/1888 quy định về việc cấp, nhượng đất nông nghiệp cho việc lập đồn điền ở Bắc Kỳ, ở Hà Nam đã có một đồn điền 25 ha của liên doanh các anh em hai nhà Ghiôm và Bôren với bước đột phá 3.000 gốc cà phê(1). Mười năm sau (năm 1896), ở Hà Nam đã có 6/106 đồn điền, chiếm diện tích 1.885 ha/ 91.460 ha tổng diện tích đồn điền ở Bắc Kỳ lúc đó(2).

Đến năm 1918, trên đất Hà Nam đã có 11 đồn điền (diện tích 2.798 ha) trong tổng số 295 đồn điền của các chủ người Pháp ở các tỉnh Bắc Kỳ (diện tích 417.650,8087 ha). Các đồn điền ở Hà Nam đều liên tục sinh lợi nhờ trồng cà phê nên tồn tại cho đến năm 1945. Biểu 2 dưới đây cho biết các đồn điền của người Pháp ở Hà Nam trong thời Pháp thuộc.

Trong số 11 đồn điền trên đây, có 9 đồn điền với tổng diện tích là 2.547 ha được đưa vào canh tác gồm 1 đồn điền chuyên chăn nuôi, 5 đồn điền kết hợp chăn nuôi với trồng cà phê, 3 đồn điền chỉ chuyên canh cà phê.

Cây cà phê đã theo các giáo sỹ người Pháp đến Hà Nam lần đầu tiên ở làng Lan Mật, giáo xứ Kẻ Sở từ những năm 1870. Hai mươi năm sau, nó được phát triển thành cây chuyên canh trên diện tích 750 ha, thuộc 8/11 đồn điền ở Hà Nam(1). Anh em nhà Ghiôm và Bôren là những chủ đồn điền người Pháp khởi xướng việc trồng cây cà phê ở Bắc Kỳ trên đất Hà Nam. Năm 1887, họ mua 3.000 cây cà phê giống Arabica của một bác sĩ thú y tên là Voanhiê ở Hà Nội đem về trồng ở đồn điền Kẻ Sở. Những năm sau, họ tự ươm và nhân giống rồi trồng đại trà. Năm năm sau (1891) họ đã có 40.000 cây cà phê và 15 năm sau (1903) họ đã có 323.000 cây(2). Giống “cây thuộc địa” này đã làm giàu cho các anh em nhà Ghiôm và Bôren, đưa họ vào danh sách những điền chủ giàu có nhất xứ Bắc Kỳ và nổi tiếng trong giới thực dân thuộc địa của nước Pháp.

Các đồn điền cà phê ở Hà Nam (chiếm gần 40% số gốc cà phê ở Bắc Kỳ) cùng với các đồn điền cà phê khác ở Ninh Bình (chiếm 40% số gốc cà phê ở Bắc Kỳ) hợp thành vùng trọng điểm cà phê của Bắc Kỳ những thập niên đầu thế kỷ XX. Các đồn điền chuyên canh cà phê kết hợp với chăn nuôi gia súc thực hiện kinh doanh theo phương thức: 1 ha cà phê cần có 10 -15 ha đất chăn thả hoặc 4 ha đồng cỏ cho khoảng 15 con đại gia súc(3). Trong tổng số 39 đồn điền cà phê của người Pháp ở Bắc Kỳ thì riêng ở Hà Nam đã có 8 đồn điền với diện tích 748,43 ha; trong đó có 3 đồn điền chỉ chuyên canh cà phê, 5 đồn điền kết hợp trồng cà phê với chăn nuôi gia súc (xem Biểu 3).

Các đồn điền cà phê ở Hà Nam nằm trong vùng rừng núi bán sơn địa thuộc hai huyện Thanh Liêm, Kim Bảng và châu Lạc Thủy không xa vùng chiêm trũng các huyện Duy Tiên, Lý Nhân, Bình Lục nên có lợi thế cả về đất đai và nhân công. Vùng bán sơn địa là vùng các đồi thấp có đất đai phù hợp việc trồng cà phê. Người nông dân đồng chiêm chỉ cấy được một vụ nên thời gian nông nhàn của họ là điều kiện tốt để các chủ đồn điền luôn có sẵn nhân công ổn định và thuê với giá rẻ mạt. Cây cà phê sinh lợi rất lớn nên tất cả các đồn điền ở Hà Nam (kể cả các đồn điền đa canh) đều lấy cà phê làm cây trồng chính để khai thác lợi thế của vùng đất này. Theo báo cáo của Công sứ tỉnh Hà Nam, năm 1915, chỉ riêng Liên doanh Ghiôm và Bôren đã sản xuất 17 tấn cà phê hàng hoá(1) năm 1931, mặc dù là năm cà phê mất mùa, các đồn điền ở Hà Nam vẫn thu hoạch 77 tấn trên diện tích 675 ha trồng cà phê(2).

Ngoài cây cà phê, các đồn điền ở Hà Nam còn trồng lúa và trẩu, nhưng diện tích không đáng kể. Trong số 11 đồn điền của người Pháp ở Hà Nam có 1 đồn điền chuyên nuôi gia súc. Đó là đồn điền của Đơ Salan được thành lập năm 1901 với diện tích 25 ha, nuôi trâu, bò, dê, cừu và chế biến sản phẩm thịt, sữa. Năm đồn điền khác kết hợp trồng cà phê với chăn nuôi các loại gia súc như trâu, bò, dê, cừu, lấy phân bón cho cây, lấy sữa làm bơ và phó mát, dăm bông.

Ngay từ năm 1889, anh em hai nhà Ghiôm và Bôren đã nuôi 250 con dê và lập xưởng chế biến sữa ở Hà Nam. Đó là xưởng chế biến sữa đầu tiên ở Bắc Kỳ. Năm 1932, ước tính số gia súc của các đồn điền trên đất Hà Nam có khoảng trên 2.000 con bò sữa và bò thịt, gần 1.000 con trâu và 1.370 con dê, cừu. Pho mát và dăm bông là những mặt hàng của đồn điền Ghiôm được bán ở Hà Nội, Hải Phòng. Các đồn điền tổ chức sản xuất và quản lý nhân công chặt chẽ như những xí nghiệp. Dưới chủ là đốc công, thường là người Pháp, rồi đến ký lục và cai. Còn phu đồn điền ở Hà Nam thì có ba loại: Loại thứ nhất là người địa phương bị mất ruộng đất phải đi làm thuê. Loại thứ hai là người từ các nơi khác đến, chủ yếu là từ các tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Hưng Yên; họ sống tập trung ở những dãy lán sơ sài do chủ làm hoặc tự làm. Loại thứ ba là phu thời vụ, sáng đi tối về, đến làm việc cho các đồn điền vào lúc nông nhàn. Chủ đồn điền trả công cho phu rất rẻ mạt, chỉ đủ mua gạo ăn để sống cầm hơi. Đó là chưa kể nạn cúp phạt, nợ lãi, ăn chặn, đánh đập dã man. Bệnh tật, đói rét, chết chóc thường xuyên xảy ra trong các đồn điền siêu lợi nhuận này.

Chính quyền thuộc địa Pháp không quan tâm mở mang và phát triển công nghiệp ở Hà Nam. Chỉ có một vài tư nhân người Pháp lập công trường khai thác đá ở dãy núi đá vôi chạy gần mé nước dọc bờ sông Đáy từ Kiện Khê đến Đoan Vĩ. Trong số những người đầu tiên quan tâm đến việc này ở Hà Nam có anh em nhà Ghiôm khai trương mỏ đá ở Kẻ Sở năm 1883 và Bôren bắt đầu khai thác ở Quyển Sơn vào năm 1884. Sau đó, Chu Văn Luận và một số tư sản Việt Nam cũng tham gia. Đá khai thác ở các mỏ ở Hà Nam được chở bằng thuyền hoặc xe lửa đi các tỉnh để làm đường, kè đê, kè bến sông, xây nhà, nung vôi... Năm 1930 có 18 mỏ đá hoạt động rầm rộ ở ven sông Đáy trên địa bàn Hà Nam(1). Trước năm 1918, các công trường đá ở Hà Nam sản xuất trung bình 50.000m3/năm. Những năm 1920, sản lượng trung bình của ngành khai thác đá ở đây tăng lên tới 145.730 m3/năm(2). Việc khai thác đá chủ yếu bằng các phương pháp thủ công: nổ mìn để phá đá, dùng búa, xà beng để đục, ghè, đập vỡ thành đá hộc, đá dăm... Công việc rất nặng nhọc và nguy hiểm.

Trong thời thuộc Pháp, kết cấu hạ tầng ở Hà Nam được mở mang và có phần cải thiện đáng kể, chủ yếu để phục vụ cho việc khai thác thuộc địa. Hệ thống giao thông thuỷ bộ bao gồm đường sắt, đường bộ, đường sông dần dần được hình thành, tạo thành một mạng lưới giao thông, vận tải liên hoàn làm thay đổi căn bản tình trạng giao thông kém phát triển thời kỳ phong kiến trước đó. Đoạn đường thiên lý Bắc - Nam chạy ngựa trạm trên địa bàn của tỉnh xưa kia được thay thế bằng đoạn Quốc lộ số 1 dài 42 km xây dựng năm 1885, trên cơ sở cải tạo, đào đắp, chỉnh nắn địa hình để trở thành con “đường cái” của tỉnh và của cả nước, bề thế, thuận tiện hơn nhiều so với tuyến đường cổ truyền.

Đường 21 được làm năm 1904 - 1905, dài 73km nối chiều Đông Nam - Tây Bắc chạy từ cầu Họ (huyện Bình Lục) qua thị xã Phủ Lý và Chi Nê đến Nhượng Lạo (châu Lạc Thủy, tỉnh Hoà Bình). Một số tuyến giao thông đường bộ cũng được mở mang. Một số tuyến đường bộ liên tỉnh như đường 21B, 22, 60, 61, 63B... cũng được rải đá. Những thập niên đầu thế kỷ XX, Hà Nam có khoảng 155km đường rải đá và 215km đường đất liên huyện. Những con đường này tạo thành một mạng lưới giao thông nối Hà Nam với các vùng lân cận và cả nước.

Năm 1905, tuyến đường xe lửa Lạng Sơn - Hà Nội - Vinh được hoàn thành. Đoạn đường sắt chạy qua địa phận tỉnh Hà Nam dài 34 km, có các ga chính là Đồng Văn, Phủ Lý và Bình Lục. Đây lại là một nhân tố hoàn toàn mới trong đời sống kinh tế - xã hội của Hà Nam.

Các tuyến đường thủy cũng được chú trọng khai thác, lúc đầu là người Pháp và sau này là các doanh nhân người Việt Nam. Tàu thủy các tuyến Hải Phòng - Nam Định - Hà Nội, Hà Nội - Nam Định - Hà Nội đều chạy qua đoạn sông Hồng thuộc tỉnh Hà Nam dài 39km với các bến Phương Trà, Như Trác, Vũ Điện, Nga Khê (huyện Lý Nhân), Từ Đài, Yên Lạc, Hoàn Dương (huyện Duy Tiên). Những thập niên đầu thế kỷ XX, trên các tuyến đường thuỷ này người ta thường thấy có các con tàu “Đồng Lợi” của hãng tàu thuỷ Nguyễn Hữu Thu, “Phi Phụng”, “Phi Long”, “Trưng Trắc”, “Minh Mạng” của hãng tàu thuỷ Bạch Thái Bưởi chở khách đi về. Trên tuyến sông Đáy thường có thuyền đi từ trung du xuôi xuống, mang lâm sản vào Hà Nam từ Tân Sơn (huyện Kim Bảng) qua Phủ Lý, Thanh Liêm, hoặc chuyên chở đá vôi được khai thác ở các mỏ Kẻ Sở, Vũ Xá. Sông Châu trở thành tuyến giao thông thuỷ quan trọng và hiệu quả nối liền sông Đáy với sông Hồng.

Về cơ sở hạ tầng xã hội, dưới thời Pháp thuộc, cả tỉnh Hà Nam chỉ có một bệnh viện 20 - 30 giường bệnh với một bác sĩ và một vài y tá trông nom bệnh nhân. Từ năm 1930, ở các huyện bắt đầu có trạm xá với một y tá và một nữ hộ sinh. Năm 1932, cả tỉnh có 32 nữ hộ sinh làm nhiệm vụ đỡ đẻ ở các làng đông dân. Bệnh viện, trạm xá và các dịch vụ y tế hiếm hoi chủ yếu phục vụ số người có quyền chức và giàu có. Tình trạng bệnh nhỏ phát triển thành dịch lớn thường xảy ra.

Đối với giáo dục, trước năm 1923, mỗi tổng có một trường “tổng sư” gồm 3 lớp: đồng ấu, dự bị và sơ đẳng. Năm 1930, các huyện bắt đầu có trường “kiêm bị” tức là trường tiểu học Pháp - Việt toàn cấp. Riêng huyện Bình Lục có 2 trường “kiêm bị” ở huyện lỵ và ở Ngô Khê. Mục đích của các trường học này là đào tạo ra những người phục vụ chính quyền thuộc địa. Năm 1931 chỉ có khoảng 2% dân số trong tỉnh được đi học.

 

Việc thực dân Pháp đẩy mạnh khai thác, chiếm đoạt, giành đặc quyền về các ngành kinh tế quan trọng, lợi nhuận lớn và câu kết với cường hào phong kiến bóc lột nhân dân, du nhập phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã làm cho các tầng lớp dân cư Hà Nam phân hóa sâu sắc. Theo thống kê năm 1944 - 1945, toàn tỉnh Hà Nam có 3.458 địa chủ (4% dân số), chiếm hữu 16.812 ha ruộng (tức là 31% diện tích canh tác ở khu vực thôn quê). Số địa chủ lớn không nhiều, cả tỉnh có trên 30 hộ nhưng đều có quan hệ mật thiết với thực dân phong kiến. Địa chủ Bang Diệu ở thôn Tâng (Thanh Liêm) cùng con cháu ba đời chiếm hữu hàng ngàn mẫu ruộng ở vùng này.

Phương thức bóc lột chủ yếu của giới địa chủ mới là phát canh, thu tô và cho vay nặng lãi. Tô chính phải nộp 50% hoa lợi. Ngoài ra còn một khoản tô phụ cũng khá nặng. Tức cũng rất nặng, vay tiền lãi 10% trả trước, vay thóc từ tháng 5 đến tháng 10 trả gấp rưỡi. Nhưng thủ đoạn thâm độc hơn cả là bọn chúng bắt người vay phải viết văn tự thế chấp ruộng đất. Chính đó là nguyên nhân khiến cho nhiều nông dân bị mất ruộng đất rất nhanh và vô phương cứu vãn. Một số địa chủ ở Hà Nam tham gia hoạt động thương mại. Phạm Quang Vọng (huyện Thanh Liêm) có tiệm cầm đồ ở thị xã Phủ Lý. Phạm Quang Doãn có nhà cho thuê ở Phủ Lý, Hà Nội. Hàn Tư ở thôn Tâng (huyện Thanh Liêm) mở xưởng pháo, xưởng chè Yên Phú cạnh tranh với chè chính quốc Pháp. Đây là bước khởi đầu của quá trình chuyển hóa từ địa chủ sang tư sản của giai cấp địa chủ Hà Nam.

Giai cấp nông dân Hà Nam chiếm 90% dân số. Dân đông, đất trồng trọt ít, bình quân mỗi nhân khẩu trung nông chỉ được 3 sào, bần nông 1 sào 6 thước, cố nông chỉ có 0 sào 8 thước, đa số là ruộng xấu. Người dân vùng đồng chiêm trũng quanh năm chỉ trông vào một vụ chiêm, luôn bị thất bát, nhiều gia đình triền miên sống bằng khoai sắn, bữa cháo bữa rau. Ruộng đất xấu, chế độ canh tác lạc hậu, thiên tai đe dọa, mất mùa thường xuyên xảy ra càng làm cho đời sống người nông dân khốn cùng.

Giai cấp tư sản ở Hà Nam được hình thành rõ rệt từ sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất, nhưng số lượng không nhiều, phần lớn là tư sản thương mại, trong đó đáng kể nhất là số tư sản Hoa kiều. Một số tư sản kiêm địa chủ vừa kinh doanh thương mại, vừa sở hữu hàng chục mẫu ruộng đất, phát canh thu tô. Đa số tư sản ở Hà Nam thời thuộc Pháp là người nơi khác đến kinh doanh. Điều kiện kinh doanh eo hẹp, môi trường kinh tế - xã hội không thuận lợi, nên ít người trụ lại. Sự yếu kém về kinh tế làm cho vị trí xã hội của tầng lớp tư sản ở Hà Nam cũng thấp kém.

Giai cấp công nhân Hà Nam hình thành từ tầng lớp phu mỏ, phu đồn điền từ những năm 1880, và chỉ trở thành một lực lượng đông đảo vào đầu thế kỷ XX, khi các xưởng gạch ngói, các lò bát, lò vôi, xưởng giấy được xây dựng. Theo thống kê năm 1930, ở Hà Nam có khoảng 1.400 công nhân làm việc thường xuyên trong các đồn điền, xưởng sản xuất thủ công, công trường, mỏ khai thác đá... Cuộc sống của họ hết sức cơ cực, bị trói chặt vào hợp đồng của chủ, lương thấp không đủ sống và thường bị đánh đập, chửi mắng, cúp phạt tiền lương một cách vô cớ.

Như vậy, trong thời kỳ thuộc Pháp trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945, kinh tế - xã hội Hà Nam đã có những biến đổi to lớn. Bên cạnh kinh tế tiểu nông và các quan hệ kinh tế phong kiến, đã xuất hiện các hình thức và quan hệ kinh tế tư bản chủ nghĩa với sự xuất hiện của những thành phần kinh tế mới, ngành nghề mới, các tầng lớp và giai cấp xã hội mới. Một số cơ sở công nghiệp khai thác, chế biến nguyên liệu, cơ sở thương mại, dịch vụ và đồn điền nông nghiệp kiểu tư bản chủ nghĩa được hình thành. Kết cấu hạ tầng thuỷ lợi, giao thông và lưu thông hàng hoá được phát triển bước đầu. Nền kinh tế nói chung bắt đầu xuất hiện những yếu tố của sản xuất hàng hoá và bị cuốn vào thị trường của một xã hội thuộc địa. Một số sản phẩm, hàng hoá ở Hà Nam đã được xuất ra thị trường thế giới.

Tuy nhiên, trong điều kiện của nền kinh tế - xã hội thuộc địa nửa phong kiến (và do bản chất của chế độ kinh tế - xã hội này), nên những biến đổi kinh tế - xã hội của Hà Nam (cũng như của cả nước thời bấy giờ) đã không mang lại lợi ích cho quảng đại nhân dân, cho các tầng lớp lao động; mà trái lại, càng làm cho kinh tế - xã hội Hà Nam bị phân hoá một cách sâu sắc hơn, đẩy các tầng lớp lao động và quảng đại nhân dân trong tỉnh vào tình trạng nghèo đói và bần cùng hơn. Nạn đói khủng khiếp tháng 3-1945 và những hậu quả tàn khốc của nó ở Hà Nam chính là hệ quả của chế độ kinh tế - xã hội thực dân phong kiến thời kỳ này. Đó thực sự là “đêm trường nô lệ”. Song đó cũng chính là “đêm trước của cách mạng” cả về kinh tế lẫn xã hội, trên đất Hà Nam.

3.                Kinh tế - xã hội Hà Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954)

Ngay sau Cách mạng Tháng 8 giành được thắng lợi, công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nam đã phải đương đầu với hàng loạt khó khăn và thách thức to lớn. Chế độ ruộng đất và chế độ kinh tế kiểu thực dân nửa phong kiến nói chung cùng với tàn dư và hậu quả của nó vẫn tồn tại nặng nề. Hậu quả của nạn đói khủng khiếp diễn ra vào đầu năm 1945 với hàng chục vạn người chết, hàng trăm ha đồng ruộng hoang hoá và nhiều làng mạc xơ xác, tiêu điều sau nạn đói chưa kịp khắc phục thì thiên tai, lụt lội, hạn hán lớn lại liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi. Đặc biệt là lụt lớn ở các huyện Duy Tiên, Bình Lục, Kim Bảng đã làm cho sản xuất và đời sống của nhân dân gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn. Hầu hết các lĩnh vực kinh tế từ sản xuất, giao thông vận tải đến buôn bán, trao đổi hàng hoá đều bị giảm sút. Trong khi đó, quân Tưởng Giới Thạch đóng ở Phủ Lý cấu kết với bọn việt gian phản động ra sức chống phá cách mạng, trắng trợn cướp bóc tài sản, vơ vét lương thực, thực phẩm, làm rối loạn thị trường và cản trở các hoạt động kinh tế của nhân dân.

Do đó, cùng với việc củng cố hệ thống chính trị và chính quyền cách mạng, đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nam đã nhanh chóng bắt tay vào công cuộc tái thiết, mở mang nền kinh tế của tỉnh. Thực hiện sắc lệnh ruộng đất và các chỉ thị, chính sách mới của Đảng và Chính phủ, đảng bộ và chính quyền cách mạng các cấp ở Hà Nam đã tịch thu hàng nghìn ha đất đai, đồn điền của thực dân Pháp và bọn việt gian bán nước đem chia cho nhân dân; vận động các điền chủ, phú nông hiến đất đai để chính quyền cấp cho người nghèo và tiến hành chia lại công điền, công thổ ở nhiều địa phương. Đến năm 1949, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tạm cấp 983 mẫu ruộng cho hơn 1.000 hộ dân nghèo không có ruộng hoặc thiếu ruộng sản xuất, vận động các điền chủ hiến hơn 3.500 mẫu ruộng và chia lại công điền cho hàng vạn hộ dân cư. Chỉ riêng ở huyện Duy Tiên, chính quyền đã tịch thu của bọn việt gian, địa chủ hơn 500 mẫu ruộng, nhiều xã có tới 2/3 ruộng đất công được chính quyền tổ chức chia lại(1).

Đồng thời với việc thi hành chính sách ruộng đất, Đảng bộ và chính quyền các cấp trong tỉnh đã thực hiện giảm thuế điền thổ 20%, miễn thuế điền thổ cho những nơi bị thiên tai, bão lụt; thực hiện sắc lệnh giảm tô của Chính phủ, vận động nhân dân đấu tranh buộc các điền chủ, địa chủ, phú nông phải giảm tô 25% cho nông dân. Tỉnh cũng đã thành lập Nông khố Ngân hàng để cho nông dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất(1).

Nhờ thực hiện các chủ trương, chính sách nói trên, phong trào tăng gia sản xuất đã được đẩy mạnh ở hầu khắp các địa phương. Hàng nghìn mẫu ruộng đã được khai hoang, phục hoá để sản xuất lúa, hoa màu, rau đậu phục vụ cho cứu đói và nhu cầu lương thực, thực phẩm của nhân dân lúc bấy giờ.

Cùng với việc đẩy mạnh khai hoang, phục hoá, nhân dân ở nhiều nơi trong tỉnh như Kim Bảng, Duy Tiên, Bình Lục, Lý Nhân, đã đóng góp hàng vạn ngày công tu bổ đê điều, đào đắp kênh mương để chống hạn, tiêu úng, khoanh vùng chống lũ phục vụ cho sản xuất. Chỉ riêng ở huyện Duy Tiên, nhân dân đã đóng góp hơn 22 vạn ngày công, đào đắp, nạo vét và tu bổ hơn 40 km kênh, mương thuỷ lợi với tổng khối lượng đào đắp trên 40 vạn m3 đất, đảm bảo tưới tiêu nước cho 13.900 mẫu ruộng(2). Các xã ở tả ngạn sông Đáy huyện Kim Bảng đến cuối năm 1948 cũng nạo vét, tu sửa hơn 30 km kênh mương phục vụ tưới tiêu nước cho 2.000 ha lúa(3).

Kết quả là, đến năm 1947, diện tích cấy lúa của toàn tỉnh đã đạt 63.000 ha, tổng sản lượng đạt 68.000 tấn, tăng hơn đáng kể so với năm 1946. Năng suất lúa chiêm ở một số nơi trong các năm 1947 - 1948 đã đạt tới 70 - 76 kg/sào (gấp đôi so với năng suất lúa bình quân chung của tỉnh lúc bấy giờ là 33 - 35 kg/sào). Chăn nuôi lợn, trâu bò, gia cầm cũng tăng nhanh. Các nghề khai thác, đánh bắt thuỷ sản và nuôi thả cá phát triển mạnh ở các huyện Duy Tiên, Lý Nhân, Bình Lục.

Nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được phục hồi và phát triển như sản xuất gạch ngói ở Trung Thứ, Nhật Tựu, Kim Bình (huyện Kim Bảng), khai thác đá ở Kiện Khê (huyện Thanh Liêm), trồng bông, kéo sợi ở An Lão, dệt vải ở Nha Xá (huyện Duy Tiên), Ngọc Lũ (huyện Bình Lục), Nhân Hậu (huyện Lý Nhân). Nhật Tân, Hoàng Tây, làm đồ thuỷ tinh ở Khả Phong, sản xuất đồ gốm ở Ngọc Sơn thuộc Kim Bảng; đan lát ở Đạo Lý, làm đường mật ở Vĩnh Trụ,... Đến năm 1950, toàn tỉnh đã có 150 cơ sở, xí nghiệp tiểu thủ công nghiệp và hàng nghìn hộ tư nhân, cá thể hoạt động trong lĩnh vực này.

Hoạt động thương mại và giao lưu trao đổi hàng hoá cũng phát triển mạnh ở nhiều nơi trong tỉnh. Việc buôn bán, trao đổi ở các chợ như chợ Đại Thịnh, Ba Đa, chợ Đầm, chợ Đọ, chợ Quế, chợ Hoà Mạc... diễn ra khá nhộn nhịp, hàng hoá phong phú hơn nhiều so với trước. Chính quyền và nhân dân trong tỉnh cũng tích cực đấu tranh chống đầu cơ, buôn lậu, tăng giá làm rối loạn thị trường; đặc biệt là đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực (lúa, gạo), dầu thắp, vải, giấy, muối ăn, thuốc chữa bệnh...

Để tăng cường sức sản xuất và tạo lập các hình thức sản xuất mới, tháng 2-1949, tỉnh uỷ Hà Nam đã quyết định thành lập Ban vận động hợp tác xã (HTX) trong tỉnh, vận động nhân dân góp cổ phần và hợp tác làm ăn tập thể. Cuối năm 1949, toàn tỉnh đã có 57 HTX, trong đó có 3 HTX thủ công nghiệp, còn lại hầu hết là HTX nông nghiệp, với tổng số xã viên là 6.400 người, tổng số vốn của các HTX có tới 1.660.633 đồng. Đến 3-1950, toàn tỉnh có 70 HTX nông nghiệp, 3 HTX thủ công nghiệp, 2 HTX thu chi và 1 HTX nghề cá(1). Một số HTX được thành lập sớm và tổ chức sản xuất khá tốt như Phù Đê (xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng), Trác Bút, Lảnh Trì (xã Mộc Hoàn Nam), Trung Gián Đông (xã Chuyên Nghiệp Nội) huyện Duy Tiên.

Việc thực hành tiết kiệm, hỗ trợ cứu đói cho nhân nhân và đóng góp các nguồn lực kinh tế cho công cuộc kháng chiến cũng được vận động rộng rãi với sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Với truyền thống “lá lành đùm lá rách”, nhân dân ở các huyện Kim Bảng, Duy Tiên, Bình Lục, Lý Nhân,... đã quyên góp hàng chục tấn lương thực, thực phẩm để ủng hộ cứu đói và quyên góp tiền, công cụ sản xuất, công lao động để giúp đỡ sản xuất cho hàng nghìn hộ nghèo. Chính quyền tỉnh và các địa phương cũng thường xuyên xuất gạo dự trữ cứu đói cho các hộ nghèo và nhân dân ở những nơi gặp thiên tai, mất mùa, nghiêm cấm đầu cơ tích trữ và tăng giá lương thực, làm rối loạn thị trường.

Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế của Hà Nam giai đoạn này đã gặp phải không ít khó khăn. Một mặt, do phải chuẩn bị cho kháng chiến và đối phó với chiến tranh, nên nhiều cơ sở sản xuất phải sơ tán, nhiều tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, cầu, phà, nhà xưởng, công trình kiến trúc và nhà ở của nhân dân phải phá dỡ để thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”. Mặt khác, việc tập trung sức người, sức của cho kháng chiến với tinh thần tự cấp, tự túc, tự lực cánh sinh đã ảnh hưởng nhất định đến việc huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế của tỉnh. Hơn nữa, từ năm 1947, thực dân Pháp bắt đầu tăng cường ném bom đánh phá và mở các cuộc hành quân càn quét, cướp bóc và tàn phá ở một số địa phương gây nhiều trở ngại và thiệt hại cho hoạt động kinh tế của nhân dân trong tỉnh. Sản xuất và đời sống của nhân dân ở một số nơi như thị xã Phủ Lý, các xã vùng tạm chiếm ở Bình Lục, Lý Nhân... luôn bị o ép, xáo trộn và mất ổn định.

Từ năm 1950, thực dân Pháp mở rộng lấn chiếm Hà Nam và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Cuộc kháng chiến của quân và dân Hà Nam ngày càng trở nên ác liệt. Nền kinh tế của tỉnh cũng bước vào giai đoạn phát triển đầy cam go. Cùng với việc mở rộng chiếm đóng và tăng cường khủng bố nhân dân, thực dân Pháp còn mở hàng trăm cuộc càn quét, cướp bóc, phá hoại về kinh tế theo kiểu “đốt sạch, giết sạch, phá sạch” hết sức tàn bạo. Chúng ra sức cướp bóc lương thực và tài sản, đốt phá làng mạc, phá hoại mùa màng, bắn giết trâu bò cày kéo, lập vành đai trắng và hệ thống đồn bốt dày đặc để kiểm soát, ngăn cản hoạt động sản xuất và giao lưu kinh tế của nhân dân. Hàng ngàn mẫu ruộng ở vành đai trắng dọc sông Đáy và ven các trục giao thông phải bỏ hoang hoá. Ở một số nơi, địch càn đi quét lại nhiều lần, đồng thời kiểm soát các cống, đập tưới tiêu nước, không cho tiêu úng để phá hoại mùa màng.

Thực dân Pháp cũng dùng mọi thủ đoạn bắt thanh niên đi lính để mở rộng chiến tranh, gây nhiều trở ngại về nhân lực cho hoạt động sản xuất. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 1953, địch đã càn quét 44 xã trong tỉnh, cho xe lội nước phá hoại tới 1.922 mẫu lúa (khoảng 650 ha), 383 mẫu hoa màu, 33 mẫu mạ, đốt 750 tấn thóc, giết và bắt 82 con trâu, bò, đốt phá nhiều làng mạc, nhà ở và tài sản của nhân dân. Nhiều đoạn đê, bối và công trình thủy lợi xung yếu bị sạt lở nhưng không được tu bổ như đê sông Châu đoạn ở Hoành Uyển, bối đê sông Hồng đoạn ở Nhân Long, đoạn đê sông Sắt ở Bình Điền(1)...

Mặc dù vậy, công cuộc phát triển kinh tế của Hà Nam vẫn được đẩy mạnh, nhất là ở những vùng tự do và những vùng chiến tranh du kích phát triển mạnh. Trong thời gian này, tỉnh đã cung cấp hơn 600 con trâu, bò và nhiều công cụ, phương tiện để phục vụ cho sản xuất của nhân dân. Nhân dân các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm, Duy Tiên và nhiều địa phương khác vẫn tích cực khai hoang, phục hoá, tăng diện tích trồng trọt. Năm 1952, diện tích cấy lúa ở huyện Kim Bảng tăng thêm 1.200 mẫu (hơn 400 ha), ở huyện Thanh Liêm tăng 500 mẫu (khoảng 170 ha). Năm 1953, diện tích cấy lúa của toàn tỉnh tăng thêm 3.000 mẫu. Diện tích trồng màu cũng tăng lên đáng kể.

Ngay trong chiến tranh ác liệt, chính quyền các cấp cũng tiếp tục thực hiện chính sách ruộng đất và mở rộng giảm tô. Ở nhiều nơi chính quyền đã tiến hành chia lại công điền, tạm giao ruộng công thổ, ruộng vắng chủ cho các hộ nghèo, hộ thiếu ruộng để tăng gia sản xuất; điều chỉnh lại một số ruộng bán công, bán tư và ruộng hậu ở các làng xã. Đến cuối năm 1953, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã tịch thu 14.135 mẫu ruộng của thực dân Pháp và Việt gian phản động để tạm chia cho 15.140 hộ nông dân nghèo, tiến hành chia lại hơn 40.846 mẫu ruộng công cho nhân dân.

Các nghề tiểu thủ công nghiệp cũng phát triển ở nhiều nơi trong tỉnh. Song do chiến tranh ác liệt, nhiều ngành nghề và cơ sở sản xuất tiểu thủ công bị đình đốn, giảm sút. Trong những năm 1952 - 1953, toàn tỉnh có trên 1.000 khung dệt vải, hàng chục lò gốm, lò rèn, đúc gang, gò, hàn, cơ kim khí, làm gạch ngói, làm khuy trai,... phải ngừng sản xuất. Hoạt động thương mại cũng có những xáo trộn, sa sút ở nhiều địa phương. Mặc dù một số chợ và đầu mối giao lưu thương mại ở vùng tự do thuộc các huyện Kim Bảng, Lạc Thuỷ (nay thuộc tính Hoà Bình), công việc buôn bán, trao đổi hàng hoá vẫn diễn ra khá nhộn nhịp, song hoạt động thương mại, dịch vụ ở thị xã Phủ Lý và nhiều thị trấn, huyện lỵ khác đã bị giảm sút nặng nề. Các hoạt động buôn bán, dịch vụ và hoạt động kinh tế nói chung ở thị xã Phủ Lý hầu như tê liệt. Cả thị xã lúc bấy giờ chỉ còn khoảng 80 hộ dân cư. Chợ Trấn là chợ lớn nhất thị xã cùng với nhiều cửa hàng, cửa hiệu không còn hoạt động, phố xá tiêu điều, hàng hoá khan hiếm, đắt đỏ.

Thêm vào đó, vào những năm 1952 - 1953, Hà Nam lại bị thiên tai (lũ lụt, hạn hán) tàn phá nặng nề. Sản xuất và đời sống của nhân dân ở nhiều nơi gặp rất nhiều khó khăn, nạn đói lại tái diễn trên diện rộng và trở nên trầm trọng. Thời gian này toàn tỉnh có tới gần 12.500 hộ thiếu đói nặng, hơn 21.400 hộ thiếu ăn. Cho đến cuối năm 1954, khi chiến tranh đã kết thúc, toàn tỉnh vẫn có tới 8.675 hộ đói, thiếu ăn. Nhân dân trong tỉnh đã giúp đỡ và cho nhau vay tới 93,3 tấn thóc, 1,8 tấn gạo, 4,2 triệu đồng và nhiều phương tiện sản xuất khác. Chính quyền và nhân dân trong tỉnh cũng đấu tranh, vận động địa chủ, phú nông không đầu cơ, tích trữ lúa gạo, cho chính quyền kháng chiến chưng vay hơn 200 tấn thóc để hỗ trợ cứu đói và chi viện cho kháng chiến, tiếp tục vận động nhân dân hỗ trợ lẫn nhau để vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, ổn định đời sống.

Có thể nói, thời kỳ 1946 - 1954 là thời kỳ khởi đầu phát triển nền kinh tế Hà Nam dưới chế độ mới, theo hướng tự chủ, tự cấp tự túc, phục vụ kháng chiến, kiến quốc và mở mang đời sống của nhân dân. Đây là thời kỳ đầy thử thách, cam go. Hà Nam vừa phải đối phó với chiến tranh và những hậu quả nặng nề của chiến tranh và của thiên tai, đồng thời phải đối phó với đói nghèo, lạc hậu và những hậu quả của chế độ kinh tế thực dân phong kiến để lại. Tuy gặp nhiều khó khăn, song những thành tựu mà đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nam đạt được trong thời kỳ này có ý nghĩa to lớn trên nhiều mặt đối với công cuộc tái thiết và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những giai đoạn tiếp sau.

4. Kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam thời kỳ 1955 - 1985

Với thắng lợi lịch sử của cuộc kháng chiến chống Pháp, ngày 3 tháng 7 năm 1954, tỉnh Hà Nam được hoàn toàn giải phóng. Nền kinh tế của tỉnh từng bước phục hồi và phát triển cùng với những cải cách sâu rộng cả về lực lượng sản xuất lẫn quan hệ sản xuất. Chế độ kinh tế và quan hệ bóc lột kiểu thực dân phong kiến bị xoá bỏ hoàn toàn. Từ cuối những năm 1950, Hà Nam tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa nền kinh tế, từng bước xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất mới, phát triển lực lượng sản xuất, đưa nền kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển theo quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội, đồng thời cùng cả nước chi viện đắc lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ để giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

(Còn nữa)

Điện tử

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy