Phần I: Địa lý (Chương XIII)

Chương XIII

HÀ NAM THỜI KỲ XÂY DỰNG CƠ SỞ VẬT CHẤT CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1954 - 1975)

I. HÀ NAM THỜI KỲ CẢI TẠO VÀ BƯỚC ĐẦU XÂY DỰNG CƠ SỞ VẬT CHẤT CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI (1954 - 1965)

1. Khôi phục và bước đầu phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội (1955-1957)

Ngày 3-7-1954, tỉnh Hà Nam được hoàn toàn giải phóng. Hơn 4 năm bị thực dân Pháp chiếm đóng, tình hình kinh tế - xã hội Hà Nam lâm vào tình trạng khó khăn và phức tạp. Hà Nam là tỉnh nông nghiệp, sản xuất phụ thuộc phần lớn vào thiên nhiên. Sau chiến tranh, toàn tỉnh có tới 8.390 mẫu ruộng bị hoang hoá do địch lập vành đai trắng dọc sông Đáy và ven trục đường giao thông. Những hậu quả nặng nề của chiến tranh và thiên tai khiến cho nạn đói xảy ra từ những tháng cuối năm 1954 đến tháng 3-1955. Tháng 9-1954, toàn tỉnh có 8.675 hộ gia đình bị đói, đến tháng 3-1955, số người bị đói lên tới 170.000 người. Trên lĩnh vực công nghiệp và thủ công nghiệp, hàng ngàn khung dệt vải, hàng chục lò gốm, lò đúc gang, lò gạch cùng các nghề làm khuy trai, quản bút, gò, hàn bị đình đốn, khiến hàng ngàn thợ thủ công rơi vào tình cảnh thất nghiệp, nghèo khổ. Thị xã Phủ Lý bị tàn phá nặng nề, lúc tiêp quản chỉ còn 80 gia đình. Hàng ngàn người phải tản cư khi trở về không còn tài sản, nhà ở. Cơ sở vật chất như đường sá, cầu, cảng, phương tiện giao thông bị phá hoại. Chợ Bầu (chợ lớn nhất thị xã) và các cửa hàng, cửa hiệu không hoạt động, hàng hoá trở nên khan hiếm, giá cả tăng vọt. Trên thị trường, tiền Đông Dương và tiền Ngân hàng Việt Nam lưu hành cùng lúc, tỷ giá hỗn loạn, anh hưởng đến lưu thông, mua bán và đời sống nhân dân.

Với một thị xã và 8 huyện (Kim Bảng, Duy Tiên, Thanh Liêm, Lý Nhân, Bình Lục, Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc), toàn tỉnh có trên 50 vạn người, trong đó hơn 7 vạn là giáo dân, sống rải rác hầu hết các huyện, trong đó có nhiều thôn toàn tòng, dân đạo gốc lâu đời. Hầu hết giáo dân kính chúa, yêu nước nhưng có một bộ phận lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng, dựa vào giáo lý thần quyền phản lại lợi ích quốc gia, dân tộc.

Khi rút đi thực dân Pháp để lại một số ngụy quân, ngụy quyền, mà đại bộ phận là nông dân lao động bị ép buộc, còn lại là con em địa chủ và đảng phái phản động. Sau khi tiếp quản, tại Hà Nam vẫn còn một số tổ chức đảng phái phản động lén lút hoạt động như “Việt Nam quốc dân Đảng”, “Việt Nam phục quốc” ở Châu Sơn, “Đại Việt duy tân” ở Đọi Sơn, “Đại Việt quốc gia liên minh” ở Yên Nam (huyện Duy Tiên); “Hoàng thân Bảo Đại” ở Văn Lý, “Hội đoàn Nam Thanh” ở Thượng Vỹ (huyện Lý Nhân); “Minh thân nghĩa dũng” ở Đồng Du (huyện Bình Lục)... Chúng liên kết với bọn phản động đội lốt Thiên chúa giáo tiến hành âm mưu dụ dỗ, cưỡng ép giáo dân di cư vào Nam, xúi giục bọn xấu gây ra hàng loạt vụ trộm cắp, phá hoại sản xuất, gây mất trật tự an ninh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Nhằm thực hiện âm mưu tiếp tục chống phá cách mạng Việt Nam, đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành chiến dịch dụ dỗ, cưỡng ép nhân dân di cư vào Nam. Ở Bàng Ba (huyện Lý Nhân), Đồng Văn (huyện Duy Tiên) chúng cưỡng ép giáo dân tập trung vào nhà thờ hoặc tổ chức đi ào ạt trên 4.000 người như xứ Bút Đông (huyện Duy Tiên). Lợi dụng nạn đói và lúc ta thực hiện chính sách giảm tô, cải cách ruộng đất, bọn phản động tăng cường dùng thần quyền đe dọa, cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam. Tính đến tháng 5-1955, toàn tỉnh đã có tới 15.279 giáo dân và 3 linh mục bị cưỡng ép vào Nam.

Trong khi đó, sau ngày giải phóng, các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở lại chưa được kiện toàn, củng cố. Đội ngũ cán bộ thiếu và yếu, chưa thể đáp ứng kịp thời yêu cầu mới của cách mạng. Tinh hình đó đặt ra cho đảng bộ và chính quyền Hà Nam vừa phải giải quyết những vấn đề bức xúc, bộn bề sau giải phóng, vừa tăng cường củng cố, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới.

Trong tháng 7-1954, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ họp và quyết định một số nhiệm vụ trước mắt nhằm ổn định tinh thần nhân dân, trấn áp bọn phản động; thực hiện chính sách cải huấn đối với tề dõng, ngụy quân, ngụy quyền; phục hồi sản xuất và thi hành chính sách ruộng đất vùng mới giải phóng; đẩy mạnh xây dựng cơ sở Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng và lực lượng vũ trang.

Việc phục hồi và phát triển ngành nghề thủ công cũng được chú trọng. Tính đến tháng 9-1954, toàn tỉnh đã phục hồi được 13 ngành nghề gốm các ngành sản xuất nông cụ, vật liệu xây dựng, gốm, đồ sừng, dệt vải, làm ghế mây, thuộc da, đường mật, đăng ten và khuy trai; giải quyết việc làm cho 4.355 người.

Nhiệm vụ khôi phục giao thông, vận tải được tiến hành khẩn trương. Trong 3 tháng 7, 8, 9 năm 1954, nhân dân Hà Nam đóng góp 29.169 ngày công đào đắp 165.000 m3 đất, sửa chữa phục hồi toàn bộ hệ thống đường bộ, cầu phà các tuyến giao thông liên tỉnh, liên huyện như đường 60, 21, 22 và quốc lộ số 1. Cùng với việc khôi phục 263km trên các tuyến đường bộ, 34km đường sắt và một số nhà ga xe lửa trên địa bàn tỉnh cũng được phục hồi. Tháng 10-1955, hoàn thành việc sửa chữa cầu Phủ Lý - chiếc cầu lớn nhất trong tỉnh.

Ngày 5-7-1954, Hà Nam tiến hành thu đổi tiền Đông Dương. Đến ngày 13-7, toàn tỉnh đã thu đổi được 300 triệu đồng tiền Ngân hàng. Riêng thị xã Phủ Lý, trong 2 ngày thu đổi được 100 nghìn đồng.

Công tác chống âm mưu địch dụ dỗ cưỡng ép đồng bào di cư là nhiệm vụ quan trọng của đảng bộ và chính quyền Hà Nam trong thời kỳ này. Bên cạnh việc tổ chức tuyên truyền giáo dục, học tập trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tỉnh đã tổ chức Hội nghị Linh mục, có hơn 20 vị tham dự. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh uỷ, tháng 3-1955, tỉnh thành lập 2 đội công tác gồm 26 cán bộ cử về 2 xã Kim Thái (Vụ Bản) và Mỹ Hà (Mỹ Lộc) để vận động nhân dân chống phá âm mưu địch dụ dỗ cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam. Ngoài hai xã điểm Kim Thái và Mỹ Hà, thời gian này tỉnh còn tổ chức 8 đội công tác chuyên trách gồm hàng trăm cán bộ các xã trọng điểm khác. Tỉnh đội Hà Nam điều động 4 đại đội bộ đội huyện và tiểu đoàn 73 bộ đội tỉnh đi làm nhiệm vụ vận động nhân dân chống phá âm mưu địch.

Bằng những biện pháp kiên quyết kịp thời, cuộc đấu tranh chống địch dụ dỗ cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam, từ tháng 8 đến tháng 12-1954, toàn tỉnh đã vận động được 500 gia đình gồm 6.000 người trở về quê cũ. Tính đến tháng 7-1955, ta đã tuyên truyền vận động hàng ngàn người tự nguyện rút đơn, trả lại giấy thông hành trở lại quê hương, yên tâm xây dựng cuộc sống mới.

Sang năm 1955, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khoá II) và Nghị quyết kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá I, ngày 7- 6-1955, Tỉnh uỷ Hà Nam ra Nghị quyết về nhiệm vụ công tác năm 1955 là Tăng cường lãnh dạo nông thôn, chủ yếu là hoàn thành phát động quần chúng giảm tô và tiến hành cải cách ruộng đất, đồng thời vẫn không coi nhẹ công tác thị xã.

Ngày 4-2-1955, đội giảm tô đã về 6 huyện Duy Tiên, Kim Bảng, Thanh Liêm, Bình Lục, Lý Nhân và Ý Yên để thực hiện nhiệm vụ phát động nông dân thực hiện chính sách triệt để giảm tô, giảm tức của Đảng và Chính phủ. Cuối tháng 7-1955, Đoàn uỷ cải cách ruộng đất Trung ương đã cử 98 đội cải cách ruộng đất về 98 xã thuộc các huyện Duy Tiên, Kim Bảng, Thanh Liêm, Bình Lục và Lý Nhân tiến hành tuyên truyền chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, thực hiện cải cách ruộng đất. Sau đợt này, đội cải cách ruộng đất tiếp tục về các xã còn lại trong tỉnh, phát động quần chúng đấu tranh đánh đổ giai cấp địa chủ, đem lại ruộng đất cho nông dân.

Đến tháng 1-1956 cải cách ruộng đất ở Hà Nam căn bản hoàn thành. Kết quả, quy 4.563 địa chủ([1]); tịch thu, trưng thu, trưng mua 29.786 mẫu ruộng, 2.472 con trâu, bò, 31.015 nông cụ, 6.326 gian nhà ở, 1.223 tấn thóc, gạo, 68 tấn ngô, khoai, 651 chỉ vàng và gần 14 triệu đồng chia cho nông dân(2).

Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, cải cách ruộng đất ở Hà Nam đã phạm phải một số sai lầm nghiêm trọng. Các tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng từ tỉnh đến cơ sở hầu hết bị cô lập, nhiều hoạt động của các đội cải cách ruộng đất trở nên quá tả, dẫn đến nghi kỵ, ngờ vực nội bộ. Việc tổ chức đấu tố tràn lan đã đánh cả vào tổ chức Đảng và cán bộ đảng viên, gây nhiều tổn thất cho Đảng bộ. Việc quy định thành phần tuy có điều tra nghiên cứu nhưng do làm ẩu, dẫn đến quy oan, xử lý sai một số người, gây ra tình trạng căng thẳng, oán thù không đáng có ở nông thôn. Vì vậy, kết quả của cải cách ruộng đất bị hạn chế; vai trò, vị trí lãnh đạo và uy tín của Đảng bộ bị giảm sút.

Khi phát hiện sai lầm đã phạm phải trong cải cách ruộng đất, từ tháng 4-1956 Đảng ta chủ trương kiên quyết sửa chữa. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, ngày 10-11-1956, Hội nghị Tỉnh uỷ Hà Nam đề ra nhiệm vụ và 10 biện pháp cụ thể để sửa sai.

Với phương châm sai đâu sửa đấy, có sai có sửa, đến tháng 10-1957, công tác sửa sai được hoàn thành trên phạm vi toàn tỉnh. Qua 3 bước sửa sai, tỉnh đã trả tự do cho 1.407 trong số 1.838 người bị bắt trong giảm tô, cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Những người bị quy oan, xử lý sai được hạ thành phần và trả lại tài sản. Đoàn kết nội bộ Đảng và trong nhân dân, giữa cán bộ cũ và mới được củng cố, tăng cường.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn cách mạng mới, tháng 4-1956, các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc, sau ba năm sáp nhập với Hà Nam đã được quyết định nhập trở lại tỉnh Nam Định. Từ đấy, tỉnh Hà Nam còn lại 5 huyện là Bình Lục, Lý Nhân, Duy Tiên, Kim Bảng, Thanh Liêm và thị xã Phủ Lý.

Đi đôi với việc tiến hành cải cách ruộng đất, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành TƯ Đảng về kế hoạch khôi phục kinh tế, ngày 1-4-1955, Tỉnh uỷ Hà Nam ra chỉ thị, nêu rõ “Lấy tổ đổi công làm trung tâm vận động sản xuất, làm cơ sở thực hiện kế hoạch khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá”. Thực hiện chỉ thị của Tỉnh uỷ, đến hết tháng 6-1956, trong số 5.062 tổ đổi công ở 94 xã có 926 tổ được củng cố và hoạt động tốt. Hai huyện Duy Tiên và Thanh Liêm có phong trào tổ đổi công khá của tỉnh. Cuối tháng 12-1956 toàn tỉnh đã củng cố và xây dựng được 2.700 tổ đổi công, góp phần giải quyết tốt những vấn đề trong sản xuất, làm thuỷ lợi, chống hạn, úng lụt.

Bước vào thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp hai năm (1956-1957), thời tiết thất thường gây ra hạn hán nặng nề. Chỉ riêng năm 1957, toàn tỉnh có 34.000 mẫu ruộng bị khô hạn và 8.949 mẫu ruộng bị úng ngập. Trước những khó khăn do thiên tai, các cấp uỷ Đảng và chính quyền trong tỉnh đã chú trọng chỉ đạo làm công tác thuỷ lợi. Từ ngày 9-1 đến 16-4-1956, hàng triệu công lao động được huy động đào 21 con ngòi dài 11.076 mét, đắp mới 21 con mương với tổng chiều dài 12.721 mét; sửa, nạo vét 9 con mương khác dài 5.750 mét. Nhờ làm tốt công tác thuỷ lợi, diện hạn úng từng bước được thu hẹp. Năm 1957, vụ chính toàn tỉnh cấy được 20.284 ha, tăng 3.784 ha so với năm 1956 đưa diện tích cây trồng trên từ 1 vụ lên 2 vụ và thêm 1 vụ mầu trong 1 năm. Diện tích cây công nghiệp cũng tăng, trong đó mía trồng được 838 ha (102%), lạc 301 ha (119%) và thầu dầu 840 ha (115% kế hoạch). Các biện pháp kỹ thuật như chọn giống lúa, làm phân, dùng cào cỏ, cày, bừa cải tiến được thực hiện, đưa năng suất vụ chiêm năm 1957 lên 1.843 kg/ha (vượt 143 kg), vụ mùa đạt 2.035 kg/ha (vượt 35 kg so với kế hoạch). Sản lượng lúa tăng 23% so với năm 1956, 37% so với năm 1954 và 46% (gần gấp đôi) so với năm 1939(1).

Trên mặt trận giáo dục, năm học 1955-1956, toàn tỉnh đã có 156 trường cấp I gồm 997 lớp với 34.139 học sinh và 1.279 lớp vỡ lòng, gồm 27.081 học sinh; 15 trường cấp II và 1 trường cấp III gồm 61 lớp với 2.858 học sinh. Việc dạy và học ở các trường dần dần đi vào nền nếp, chất lượng từng bước được nâng lên. Phong trào bình dân học vụ và bổ túc văn hoá được chú trọng. Năm 1957, cả tỉnh vận động được 12.000 người đi học, 2.500 người thoát nạn mù chữ(2).

Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, nhân dân Hà Nam đóng góp công sức xây dựng nghĩa trang liệt sỹ, giúp đỡ anh chị em thương binh ổn định cuộc sống, xây dựng trại thương binh của tỉnh. Vào dịp Ngày Thương binh, liệt sỹ (27-7-1957) trại thương binh Hà Nam rất phấn khởi và vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư thăm hỏi động viên. Trong thư, Người căn dặn và chúc cho Trại thương binh Hà Nam sẽ là một trại gương mẫu.

Trong 3 năm (1955-1957), cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Hà Nam đã khôi phục được kinh tế địa phương, từng bước ổn định cuộc sống của nhân dân những năm chiến tranh ác liệt.

Thanh niên xung phong N21 vận chuyển hàng hóa trên đường Trường Sơn. Ảnh: thanhnienxungphong.vn

2.                       Cải tạo xã hội chủ nghĩa, từng bước phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội (1958 - 1960)

Qua hai năm tiến hành khôi phục kinh tế, đời sống kinh tế, chính trị, xã hội ở miền Bắc đã có nhiều thay đổi. Nhưng vào thời kỳ này, các ngành kinh tế ở miền Bắc còn có nhiều thành phần cá thể của nông dân, thợ thủ công và tiểu thương, tiểu chủ. Hình thức bóc lột tư bản chủ nghĩa đối với công nhân trong một số xí nghiệp tư nhân vẫn chưa được xóa bỏ.

Từ thực tế và yêu cầu của cách mạng, Hội nghị lần thứ 14 - Ban Chấp hành Trung ương Đảng (11-1958) đã xác định: “Nhiệm vụ cơ bản của chúng ta ở miền Bắc là đẩy mạnh cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, trọng tâm trước mắt là đẩy nhanh cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thành phần kinh tế cá thể của nhân dân, thợ thủ công và cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thành phần kinh tế tư bản tư doanh; đồng thời phải ra sức phát triển kinh tế quốc doanh là lực lượng lãnh đạo toàn bộ nền kinh tế quốc dân”.

Trong lúc nhân dân Hà Nam đang sôi nổi bước vào thời kỳ cải tạo, phát triển kinh tế, thì ngày 14-1-1958, tại Hội nghị bàn về công tác chống hạn của tỉnh với gần 4.000 cán bộ tham dự, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với hội nghị. Trong lời phát biểu, Người đã khen cán bộ và nhân dân Hà Nam trong kháng chiến vừa sản xuất vừa chiến đấu anh dũng, lại có nhiều thành tích chống hạn. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao cờ Chống hạn khá nhất cho huyện Bình Lục và 9 Huy hiệu của Người để làm phần thưởng cho những cá nhân có thành tích xuất sắc nhất. Tiếp đó, Người đến thăm cán bộ và nhân dân xã An Hoà (nay là xã An Mỹ, huyện Bình Lục) đang lao động đắp đập Cát Tường để lấy nước cứu hàng ngàn mẫu lúa chiêm đang bị khô hạn.

Thực hiện lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào thi đua làm thuỷ lợi chống hạn, úng lụt được đẩy mạnh. Toàn tỉnh đã góp 434.721 ngày công lao động, đào 486 con ngòi và đắp 57 con đường với tổng chiều dài 414.982 mét, hoàn thành những công trình lớn như: đập Cát Tường, mương Mạc Thượng, kênh Ben để lấy nước. Nhờ vậy, diện tích cấy chiêm năm 1958 của tỉnh đạt 97,35% kế hoạch(1).

Quán triệt Nghị quyết 14 và Chi thị 57 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nhiệm vụ xây dựng tổ đổi công, năm 1958, tỉnh Hà Nam đề ra chủ trương củng cố đi đôi với phát triển tổ đổi công, đồng thời xây dựng thí điểm hợp tác xã nông nghiệp và mở rộng phong trào hợp tác hoá trong toàn tỉnh. Tính đến cuối năm 1958, Hà Nam xây dựng được 7.700 tổ đổi công, thu hút 76% số hộ nông dân tham gia; trong đó có 1.511 tổ thực hiện bình công chấm điểm, về việc xây dựng hợp tác xã, đến cuối năm 1958, Hà Nam đã xây dựng được 105 hợp tác xã nông nghiệp gồm 3.911 hộ xã viên (đạt 3,81% số hộ nông dân), bình quân 37 hộ/hợp tác xã.

Ngày 6-10-1958, tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết vụ chiêm 1958 và phát động sản xuất Đông - Xuân năm 1958 - 1959, với sự tham gia của 820 đại biểu, trong đó có 699 đại biểu các xã. Đồng chí Phạm Hùng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ về thăm và dự hội nghị. Hội nghị khẳng định tuy bị hạn hán, sâu bệnh nghiêm trọng nhưng Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh đã có nhiều biện pháp để hạn chế thiệt hại tới mức thấp nhất, bảo đảm diện tích cấy đạt 97,75 và năng suất đạt 84,15 kế hoạch.

Do có nhiều thành tích trong phong trào thi đua xây dựng tổ đổi công, hợp tác xã và đẩy mạnh sản xuất vụ mùa 1958, Đảng bộ và nhân dân Hà Nam được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Trên lĩnh vực cải tạo thương nghiệp, tính đến cuối năm 1957, tư thương ở Hà Nam còn 7.158 người, đại bộ phận là buôn bán nhỏ, số đông đều có ruộng đất ở nông thôn. Năm 1958, toàn tỉnh đã vận động 601 tư thương chuyển sang sản xuất; 1.591 người vào các tổ chức mua chung bán riêng; 331 người làm đại lý cho mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán. Năm 1958, hợp tác xã mua bán được củng cố và phát triển rất nhanh, đầu năm mới có 26 cửa hàng (7 hỗn hợp và 19 chuyên doanh), đến cuối năm đã có 63 cửa hàng (27 hỗn hợp, 36 chuyên doanh) và 20 tổ lưu động. Hoạt động của thương nghiệp quốc doanh và tập thể đã chiếm 51,1% lượng hàng hoá trên thị trường, đạt 93,57% kế hoạch, hàng hoá bán lẻ tăng 102,8%, bán buôn tăng 18,58% và tổng doanh thu tăng 44,66% so với năm 1957.

Từ ngày 23 đến 27-1-1959, đảng bộ tỉnh Hà Nam tiến hành Đại hội toàn thể lần thứ III. Đại hội bầu ban Chấp hành đảng bộ tỉnh gồm 25 đồng chí, trong đó có 19 uỷ viên chính thức. Đồng chí Lê Quang Tuấn được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ. Đây là Đại hội đầu tiên kể từ sau giải phóng, có ý nghĩa quan trọng trong việc đề ra phương hướng, nhiệm vụ chính trị của đảng bộ trong giai đoạn mới của cách mạng. Đại hội đã đề ra phương hướng cho tỉnh trong những năm tới là: Tiến hành cải tạo, phát triển kinh tế trên cả 3 mặt: Nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp. Trên 3 mặt đó, lấy cải tạo và phát triển nông nghiệp là trọng tâm; giữa cải tạo và phát triển, lấy cải tạo nông nghiệp là chính để đẩy mạnh phong trào đổi công, hợp tác.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III, phát huy thắng lợi của phong trào hợp tác hoá nông nghiệp đến cuối năm 1960, Hà Nam căn bản hoàn thành hợp tác hoá nông nghiệp với 1.145 hợp tác xã vừa và nhỏ, gồm 89.717 hộ xã viên, đạt 90% tổng số hộ nông dân, bình quân 78 hộ/hợp tác xã. Trong tổng số trên 1.000 hợp tác xã có 75,81% hợp tác xã quy mô thôn. Xã Mộc Bắc (huyện Duy Tiên) là hợp tác xã quy mô xã đầu tiên của tỉnh với 1.187 hộ xã viên.

Bên cạnh việc tập trung cao độ cho phong trào hợp tác hoá, việc củng cố và phát triển tổ đổi công vẫn được chú trọng. Đến cuối năm 1960, toàn tỉnh có 1.706 tổ đổi công ở 85/133 xã gồm 2.700 hộ, trong đó có 1.469 tổ vụ việc và 237 tổ thường xuyên. Các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm, Bình Lục có 1.275 tổ vụ việc gồm 18.174 hộ và 184 tổ thường xuyên, thu hút 2.320 hộ. Tuy nhiên, trong thời kỳ này hoạt động của tổ đổi công còn yếu(1).

Công tác cải tạo các thành phần kinh tế cá thể ở Hà Nam đến năm 1960 đã căn bản hoàn thành. Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa được xác lập dưới 2 hình thức sở hữu Nhà nước và tập thể thay thế sở hữu tư nhân, xoá bỏ chế độ người bóc lột người. Khối đoàn kết liên minh công nông được củng cố và tăng cường. Phong trào "3 ngọn cờ hồng”i(2) ở nông thôn được hoàn thiện, làm cho các hoạt động kinh tế trở nên phong phú đa dạng, sản xuất tiếp tục phát triển, bộ mặt nông thôn và đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.

Trong những năm 1958 - 1960, Hà Nam vừa cải tạo, vừa tổ chức sản xuất, trong điều kiện nông nghiệp liên tiếp gặp khó khăn. Tuy vậy, sản xuất nông nghiệp vẫn đạt kết quả khả quan. So với 3 năm 1955 - 1957, diện tích các loại cây trồng đạt 247.052 ha, tăng 4,5%; giá trị tổng sản lượng nông nghiệp tăng 38,8%; bình quân lương thực năm 1959 đạt 324,81kg/người.

Về công nghiệp, năm 1959 tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng nhà máy đường Vĩnh Trụ, với công xuất 25 tấn mía/ngày. Trong 3 năm 1958 - 1960, Hà Nam đã xây dựng được 13 xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, giải quyết công ăn việc làm cho 1.377 công nhân, tăng 43,78% so với năm 1957, riêng công nhân công nghiệp có 762 người tăng hơn 42 lần; tổng sản lượng công nghiệp tăng 14,8% so với năm 1957.

Sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế được đẩy mạnh. Đảng bộ và Chính quyền tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành liên tiếp mở những đợt thi đua diệt dốt. Nhờ vậy, đến ngày 5-11-1958, Hà Nam hoàn thành thanh toán nạn mù chữ cho toàn dân, vượt thời hạn 55 ngày. Với thành tích trên, Hà Nam được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Trong 3 năm 1958 - 1960, hệ thống giáo dục phổ thông Hà Nam phát triển nhanh, mạnh đáp ứng được yêu cầu của con em trong tỉnh. Đến năm 1960, cả tỉnh có 172 trường, trong đó có 38 trường phổ thông cấp II và 1 trường phổ thông cấp III.

Mạng lưới y tế được củng cố và mở rộng. Bệnh viện tỉnh được hoàn thành gồm 200 giường bệnh. Trong 3 năm (1958 - 1960), toàn tỉnh xây dựng được 118 trạm y tế dân lập, 3.434 tủ thuốc của hợp tác xã; xây dựng 10 cơ sở quỹ y tế dân lập.

Trải qua hơn 6 năm từ tháng 7-1954 đến tháng 1-1960, vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, nhanh chóng ổn định tình hình và phục hồi kinh tế, vừa thực hiện một loạt nhiệm vụ như cải cách ruộng đất, cải tạo xã hội chủ nghĩa, nhân dân Hà Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và thu được những thành quả rất quan trọng. Sau 3 năm khôi phục 1955 - 1957, tình hình sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp đã phục hồi nhanh chóng; văn hoá, giáo dục, y tế bước đầu phát triển; đời sống kinh tế - văn hoá của nhân dân từng bước được cải thiện. Từ năm 1958 đến 1960, công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế, trong đó chủ yếu là hợp tác hoá nông nghiệp, đã thu được kết quả tốt đẹp, liên minh công nông được củng cố vững chắc. Thắng lợi của 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa đã làm chuyển biến căn bản nền kinh tế của tỉnh, đời sống của nhân dân được cải thiện, quốc phòng an ninh được củng cố và tăng cường, trật tự trị an xã hội được giữ vững.

3.                        Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965)

Tháng 9-1960, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III đã diễn ra tại Hà Nội. Đại hội đề ra đường lối cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới với hai nhiệm vụ: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đại hội thông qua kế hoạch 5 năm lần thứ nhất về phát triển kinh tế - văn hóa theo con đường của chủ nghĩa xã hội.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III, miền Bắc nước ta chuyển sang thời kỳ lấy nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội làm trọng tâm, đồng thời tiếp tục cải tạo xã hội chủ nghĩa, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất. Quá trình thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là quá trình đồng thời tiến hành 3 cuộc cách mạng: cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng tư tưởng văn hóa, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt.

Cụ thể hóa đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III đề ra, từ ngày 20-2-1961, Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ IV vòng II được tổ chức. Tham dự Đại hội có 199 đại biểu chính thức và 28 đại biểu dự khuyết. Các đại biểu đã nghiên cứu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 về kế hoạch Nhà nước, kiểm điểm tình hình mọi mặt trong hai năm 1959 - 1960 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 1961 - năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành mới của Đảng bộ tỉnh gồm 25 uỷ viên chính thức và 4 uỷ viên dự khuyết. Đồng chí Trần Đoàn được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.

Để tăng cường tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo các hoạt động trong tỉnh, năm 1961 Tỉnh uỷ Hà Nam xuất bản các tờ báo như tờ Tin Hà Nam, Thông tin nội bộ, Tin giáo dục Hà Nam, Tập san văn hóa... Tháng 7-1962, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quyết định xuất bản Báo Hà Biên, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh Hà Nam.

Về sản xuất nông nghiệp, trong năm 1961, tỉnh đã mở chiến dịch “Đông xuân Hà Nam - Biên Hoà quyết tiến quyết thắng”, chiến dịch “Mùa Đại Phong”. Trong sản xuất nông nghiệp, Đoàn thanh niên và Hội phụ nữ giữ vai trò xung kích. Hội liên hiệp Phụ nữ Hà Nam đã tổ chức cho chị em học tập, thảo luận nội dung và đăng ký thi đua “5 tốt”(1). Đoàn thanh niên tỉnh đã phát động phong trào “Những người xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất”. Những tháng cuối năm 1961, toàn tỉnh dấy lên phong trào thi đua trở thành “Trai gái Đại Phong", “Xã viên Đại Phong”“Đội sản xuất Đại Phong”. Các đợt thi đua tiếp theo liên tục được phát động như tháng 10 thi đua “6 tốt”, tháng 11 thi đua "Sản xuất đông xuân Đại Phong vượt mức kế hoạch”, tháng 12 thi đua “Đông xuân Hà Biên anh dũng”. Trong chiến dịch “Đông xuân Hà Biên anh dũng” đã có hàng trăm người đạt danh hiệu kiện tướng, cá nhân xuất sắc, danh hiệu "Trai gái Đại Phong”.

Tính đến cuối năm 1961, toàn tỉnh xây dựng được 837 hợp tác xã với 95.011 hộ nông dân (chiếm 94,53% số hộ nông dân trong tỉnh). Có 145 hợp tác xã chuyển lên bậc cao với 22.458 hộ, chiếm 22,34% tổng số hộ xã viên (năm 1960 có 89,22% số nông hộ vào hợp tác xã trong đó có 5,6% số hộ trong hợp tác xã bậc cao). Việc mở rộng quy mô hợp tác xã theo đơn vị thôn đã cơ bản hoàn thành. Đến năm 1961, toàn tỉnh có 527/666 thôn xây dựng hợp tác xã toàn thôn, chiếm 84%. Toàn tỉnh đã xây dựng 53 hợp tác xã liên thôn với quy mô 2-3 thôn và 3 hợp tác xã toàn xã. Tỉnh đã được Nhà nước tặng hai Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích sản xuất và thuỷ lợi.

Tại Đại hội liên hoan anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ III (tháng 5-1962), các hợp tác xã Minh Tiến, hợp tác xã Đình Ngọ (huyện Duy Tiên) và hợp tác xã Thôn Bùi (huyện Bình Lục) được tuyên dương và tặng cờ đơn vị tiên tiến.

Đến cuối năm 1962, nhờ phát động liên tục các phong trào thi đua sản xuất và củng cố hợp tác xã, phong trào hợp tác hoá nông nghiệp của Hà Nam đã có một bước tiến mới. Toàn tỉnh đã có 95,75% số hộ nông dân tham gia vào 750 hợp tác xã nông nghiệp. Tỷ lệ các hợp tác xã bậc cao tăng lên 33,1%. Quy mô hợp tác xã đã được mở rộng, bình quân mỗi hợp tác xã có 128 hộ.

Trong phong trào thi đua với Đại Phong, xuất hiện nhiều hợp tác xã tiên tiến. Hợp tác xã thôn Bùi được công nhận là một trong 250 “Hợp tác xã Đại Phong” của toàn miền Bắc.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về phân bố hợp lý lao động và phát triển kinh tế - xã hội miền núi, trong hai năm 1961-1962, Hà Nam chú ý lãnh đạo công tác đưa người đi khai hoang trong và ngoài tỉnh.

Tháng 4-1961, Tỉnh uỷ thành lập Ban lãnh đạo khai hoang và nêu rõ phương châm công tác khai hoang là “lấy ngắn nuôi dài”, “lấy rừng nuôi rẫy”, “kết hợp chặt chẽ giữa trồng trọt và chăn nuôi”. Hướng khai hoang ngoài tỉnh là các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang, trong tỉnh là các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm.

Qua 2 năm triển khai công tác khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới, đến tháng 11 năm 1962, Hà Nam đã khai hoang nội tỉnh được 1.411 ha, thu được 1.663 tấn lương thực quy ra thóc. Tỉnh cũng đã đưa 1.040 lao động đi xây dựng các cơ sở độc lập và xen kẽ ở các huyện Thanh Sơn, Hạ Hoà, Thanh Thuỷ (tỉnh Phú Thọ), Đa Phúc (tỉnh Vĩnh Phúc), Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) và tỉnh Lào Cai. Tính từ năm 1961 đến hết năm 1964, toàn tỉnh có 12.984 nhân khẩu tham gia cuộc vận động phát triển kinh tế, văn hoá miền núi ở 36 xã thuộc 4 tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Thái Nguyên và Hà Bắc, đạt 76% kế hoạch 5 năm, 15.556 người đi các công, nông, lâm trường, đạt 518% kế hoạch.

Tính đến cuối năm 1962, giá trị tổng sản lượng công nghiệp và thủ công nghiệp Hà Nam đạt 13.810.646 đồng, bằng 100,21% kế hoạch. Riêng công nghiệp quốc doanh có 39 cơ sở sản xuất với 2.000 công nhân (năm 1960 có 20 cơ sở và 1.041 công nhân). Ngành công nghiệp quốc doanh Hà Nam đã hoàn thành vượt mức kế hoạch 20,9%.

Cùng với những tiến bộ về kinh tế, sự nghiệp giáo dục, văn hoá, y tế cũng đạt được những thành tựu đáng khích lệ, đáp ứng yêu cầu nâng cao đời sống tinh thần, văn hoá của nhân dân.

Bắt đầu từ năm học 1960 - 1961, được Cấp ủy và Chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, trường phổ thông cấp II Bắc Lý (huyện Lý Nhân) đã có nhiều cải tiến trong dạy và học. Trường đã có những hoạt động tích cực, tổ chức những đội học sinh “Học tốt, làm tốt”. Quá trình hoạt động của trường phổ thông cấp II Bắc Lý là quá trình thầy và trò sáng tạo trong giảng dạy, học tập và lao động theo nguyên lý và phương châm “Học đi đôi với hành”, “gắn nhà trường với thực tiễn xã hội”.

Bằng những hoạt động tích cực với những kết quả xuất sắc trong giảng dạy, học tập và lao động, tháng 9-1961, trường cấp II Bắc Lý được Bộ Giáo dục công nhận là đơn vị lá cờ đầu của ngành Giáo dục Hà Nam và toàn miền Bắc. Phong trào thi đua “Hai tốt" (giảng dạy tốt - học tập tốt), thi đua với trường Bắc Lý được phát động trên toàn miền Bắc. Đó là phần thưởng xứng đáng và cũng đồng thời đặt ra cho cán bộ giáo viên và học sinh Bắc Lý nói riêng và toàn tỉnh Hà Nam trách nhiệm nặng nề hơn.

Bước vào năm học mới 1962 - 1963, toàn tỉnh có 85.812 học sinh phổ thông các cấp, tăng 31,5%. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 738 lớp vỡ lòng, 196 lớp mẫu giáo với 240.798 trẻ. Phong trào thi đua “Hai tốt” được phát triển rộng rãi. Trường cấp II Kim Bảng, trường cấp II Đồng Lý (huyện Lý Nhân) và trường cấp III Biên Hòa là những đơn vị có phong trào thi đua sôi nổi nhất trong tỉnh.

Từ ngày 26-6 đến 2-7-1963, Hà Nam tiến hành Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ V, với sự tham dự của 207 đại biểu chính thức và 12 đại biểu dự khuyết.

Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong 3 năm 1963 - 1965 là: Tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là trọng tâm, làm cơ sở thuận lợi để phát triển công nghiệp, đồng thời ra sức đẩy mạnh phát triển sân xuất công nghiệp, thủ công nghiệp và các ngành kinh tế, văn hoá, phấn đấu khắc phục dần sự mất cân đối, đảm bảo các ngành kinh tế, văn hoá tiếp tục phát triển theo phương châm tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà. Đại hội đã bầu Ban chấp hành mới gồm 23 uỷ viên, Đồng chí Trần Đoàn đã được bầu lại làm Bí thư Tỉnh uỷ.

Thực hiện phương hướng phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng bộ tỉnh đã đề ra, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã phát động các phong trào thi đua “Đông xuân Đại Phong lập công dâng Đảng”, “thi đua vụ mùa Đại Phong chống Mỹ - Diệm”, “Làm mùa thực hiện Nghị quyết Trung ương 8”, “Đông - Xuân vì miền Nam quyết thắng”, chiến dịch “Đồng Nai quật khởi”, cuộc vận động “Năng suất cao, hoa màu nhiều, chăn nuôi giỏi”... với những nội dung cụ thể về làm đất, gieo trồng, chăm sóc trâu bò, củng cố hợp tác xã, đoàn kết ở nông thôn...

Trên mặt trận thuỷ lợi, ngày 25-9-1964, trạm bơm điện cố Đam (thuộc địa bàn huyện Thanh Liêm) với công suất thiết kế 5 triệu m3/ngày được khởi công xây dựng. Đây là công trình đại thuỷ nông, có vị trí rất quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp của hai tỉnh Hà Nam và Nam Định. Công trình sẽ đảm bảo tiêu úng cho 18.000 ha lúa mùa, chống hạn cho 12.600 ha vụ chiêm, thuộc 3 huyện Bình Lục, Thanh Liêm (Hà Nam) và Ý Yên (Nam Định).

Đến cuối năm 1964 toàn tỉnh có 132 xã và 99,5% số hợp tác xã đã xây dựng xong quy hoạch thuỷ lợi, 97,5% số hợp tác xã đã tổ chức 729 đội thuỷ lợi chuyên môn. Tỉnh cũng đã xây dựng được 11 trạm bơm điện với 89 máy bơm, 144 máy bơm dầu và đã huy động hàng chục vạn nhân dân tham gia các đợt chống úng, chống hạn, chủ động tưới tiêu 37.457 ha đất canh tác.

Trên lĩnh vực công nghiệp và thủ công nghiệp, trong 3 năm (1963 - 1965) sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp có bước phát triển mạnh. Năm 1964, giá trị tổng sản lượng công nghiệp, thủ công nghiệp vượt 4,8% so với kế hoạch. Công nghiệp địa phương đã sản xuất một số sản phẩm mới như máy xay xát gạo, máy tuốt lúa chạy động cơ điện, máy nghiền thức ăn gia súc và trang bị cơ khí nhỏ cho 27 hợp tác xã.

Trong hai năm 1963 - 1964, sự nghiệp giáo dục, văn hoá, y tế của Hà Nam tiếp tục có những chuyển biến đáng kể. Đến cuối năm 1964, Hà Nam căn bản hoàn thành phổ cập cấp I và vỡ lòng trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Trường Bắc Lý vẫn phát huy tác dụng lá cờ đầu trong ngành giáo dục.

Ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” và tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Từ đây nhiệm vụ xây dựng và củng cố quốc phòng càng được đẩy mạnh hơn. Miền Bắc chuyển từ thời bình sang thời chiến, vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu cao.

Đến cuối năm 1964, các phương án phòng thủ tác chiến, phòng không, chống gián điệp, biệt kích và kế hoạch lập khu căn cứ của tỉnh đã được xây dựng, điều chính cho phù hợp với tình hình mới. Lực lượng dân quân tự vệ phát triển thêm 6.870 người, đạt tỷ lệ 151% so với chỉ tiêu và chiếm 9% dân số, trong đó có 2.089 nữ dân quân, 1181 nữ tự vệ. Bộ máy chỉ huy quân sự các cấp được kiện toàn. Công tác phòng không được triển khai rộng rãi. Những khẩu hiệu “Tay cày, tay súng”, “Vừa sản xuất, vừa chiến đấu” bắt đầu đi vào đời sống hàng ngày của nhân dân toàn tỉnh.

Từ tháng 2-1965, đế quốc Mỹ chính thức mớ rộng quy mô chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Nhờ có sự chuẩn bị từ nhiều năm trước đây, đến 30-4-1965, Hà Nam đã nhanh chóng chuyển hướng chỉ đạo mọi mặt công tác từ thời bình sang thời chiến.

Tỉnh uỷ phân công 3 đồng chí ủy viên Thường vụ và 2 đồng chí Tỉnh ủy viên chỉ đạo công tác phòng không chuẩn bị chiến đấu. Thị xã Phủ Lý nhanh chóng sơ tán hơn 2.000 dân và 3.000 tấn hàng hoá về nông thôn. Hơn 1.500 chiến sỹ tự vệ thị xã đã thay nhau trực chiến ngày đêm, sẵn sàng chiến đấu. Nhiều trận địa phòng không được xây dựng, hệ thống hầm hố cá nhân, hào giao thông phát triển mạnh mẽ khắp nơi. Cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn tỉnh tích cực chuẩn bị, bình tĩnh, kiên quyết, sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới. Thực hiện lệnh động viên thời chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng loạt cán bộ được điều động sang quân đội, hàng ngàn thanh niên nhập ngũ, tái ngũ bổ sung cho các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, sẵn sàng đi B với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Dưới sự lãnh đạo của các cấp bộ Đảng, chính quyền, một khí thế cách mạng mạnh mẽ, sôi nổi với tinh thần “Vừa sản xuất, vừa chiến đấu” được phát động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Nam. Với những thành tựu đạt được trong hơn 10 năm xây dựng (1954 - 1964), cán bộ và nhân dân Hà Nam sẵn sàng vững bước vào thời kỳ mới đầy khó khăn và thử thách.

II. HÀ NAM CÙNG CẢ NƯỚC VỪA SẢN XUẤT VỪA CHIẾN ĐẤU CHỐNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI CỦA ĐẾ QUỐC MỸ, CHI VIỆN CHO SỰ NGHIỆP GIẢI PHÓNG MIỀN NAM (1965 - 1975)

  1. Vừa sản xuất vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965 - 1972)

Ngày 21 tháng 4-1965, tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa III, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 103-NQ-TVQH phê chuẩn việc lập tỉnh mới Nam Hà trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Hà Nam và Nam Định.

Ngày 4-5-1965, Ban Chấp hành Đảng bộ hai tỉnh đã họp phiên đầu tiên bàn và ra Nghị quyết về việc tiến hành kiện toàn, hợp nhất tổ chức bộ máy của hai tỉnh:

-                Về tổ chức đảng bộ: Căn cứ vào ý kiến của Trung ương Đảng, Hội nghị quyết định Tỉnh ủy Nam Hà gồm toàn bộ các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành do Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam và Nam Định đã bầu ra, tổng số là 53 đồng chí. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ gồm có 13 đồng chí. Hội nghị Ban Chấp hành sẽ cử ra Bí thư và 2 Phó Bí thư.

-                Về tổ chức chính quyền tỉnh: Sau khi phân công xong, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ họp để cử ra Uỷ ban Hành chính tỉnh. Dựa trên cơ sở phân công Thường vụ Tỉnh uỷ và tỉnh uỷ viên, cần kiện toàn Uỷ ban Hành chính tỉnh, trước hết là bộ phận Thường trực uỷ ban gồm 5 đồng chí (1 Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch và 1 Uỷ viên thư ký).

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Nghị quyết Hội nghị lần thứ nhất của Tỉnh uỷ Nam Hà, ngày 28 tháng 5-1965 Tỉnh uỷ đã có Thông báo số 16/TB-TU nêu rõ: Kể từ ngày 1-6-1965, Tỉnh uỷ và Uỷ ban Hành chính tỉnh Nam Hà sẽ chính thức làm việc theo tỉnh mới.

Như vậy, từ tháng 6-1965, Hà Nam sáp nhập cùng Nam Định thành tỉnh Nam Hà. Tỉnh Nam Hà lúc này gồm 14 huyện, 1 thành phố và 1 thị xã.

Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, khu vực Hà Nam là một hướng chiến lược quan trọng với một hệ thống đường sắt, đường bộ và đường thuỷ mà điểm nút là thị xã Hà Nam - yết hầu của trục giao thông chiến lược và cửa ngõ phía nam của thủ đô Hà Nội. Ngay từ những trận đánh mở đầu cuối tháng 5-1965, địch đã tập trung đánh phá hàng loạt địa điểm cầu đường trên địa bàn Hà Nam, nhất là cầu Đoan Vĩ (thuộc địa phận huyện Thanh Liêm). Để giữ vững mạch máu giao thông trong điều kiện bị địch đánh phá ác liệt, ngành giao thông của tỉnh đã tập trung xây dựng thêm 10 bến phà mới, 500 mét cầu phao gỗ, 270 mét cầu phao thuyền tre. Ngày 9-7-1965, địch tiếp tục đánh cầu Đoan Vĩ, cầu Gián Khẩu cùng nhiều cầu phà, các phương tiện vận tải trên sông, trên bộ. Ngày 15-7, địch tập trung máy bay thả nhiều bom cỡ lớn, bắn nhiều tên lửa để phá bằng được cầu Đoan Vĩ. Ngành giao thông vận tải của tỉnh đã mạnh dạn nghiên cứu và thiết kế cầu phao hoàn toàn bằng gỗ, đảm bảo lưu thông cho hàng ngàn chuyến xe qua lại mỗi ngày.

Chiến tranh ngày càng trở nên ác liệt. Ngoài việc chủ động sơ tán nhân dân về vùng nông thôn, chỉ đạo việc đào hầm hố phòng tránh, thị uỷ Hà Nam cùng với các cơ quan của tỉnh chỉ đạo việc di chuyển các cơ sở công nghiệp đóng trên địa bàn như Nhà máy điện Phủ Lý, Xí nghiệp cơ khí nông cụ Hà Nam, Xưởng sửa chữa ca nô - ô tô Hà Nam, Xí nghiệp đóng thuyền 1-5 Hà Nam, Xưởng gỗ Hà Nam... Các huyện cũng có kế hoạch phân tán hoặc bảo vệ các cơ sở sản xuất của mình như hợp tác xã ngói Bình Lục, hợp tác xã ngói Duy Tiên, Xí nghiệp đá Kiện Khê, Xí nghiệp giấy Sông Châu, Xưởng gỗ Vĩnh Trụ, Xí nghiệp đường Vĩnh Trụ... Ngày 7-12-1965, Tỉnh uỷ ra chỉ thị giao hẳn các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp ở thành phố, thị xã sơ tán về nông thôn cho các huyện quản lý.

Trong quý III-1965, đế quốc Mỹ cho 1.662 tốp máy bay đánh phá miền Bắc, trong đó có 16 lần đánh tuyến giao thông vận tải trên địa bàn Hà Nam. Nhân dân hai huyện Kim Bảng, Duy Tiên đã tham gia sửa chữa, đắp mới được hàng chục ngàn m3 đất và hàng chục km đường. Tháng 10-1965, địch cho 201 tốp máy bay và tháng 11-1965 có 303 tốp đánh phá quốc lộ 1A, đường 10 và 21. Thị xã Hà Nam bị địch oanh tạc 6 lần, có trận kéo dài trên 1 tiếng đồng hồ.

Sau 7 tháng (từ 25-5 đến 4-12-1965), đế quốc Mỹ tạm thời ngừng oanh kích miền Bắc nhưng vẫn cho cho máy bay tiến hành trinh sát. Qua 78 ngày tạm yên, đến 13-3-1966, đế quốc Mỹ tiếp tục đánh phá trở lại với mức độ ngày càng dày đặc (số trận đánh tăng gấp 5,53 lần so với năm 1965), phạm vi ngày càng rộng (từ 75 xã lên 182 xã, gấp 2,43 lần so với năm 1965) và tính chất ngày càng ác liệt.

Mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ tập trung ở khu tam giác: thị xã Hà Nam, thành phố Nam Định, thị xã Ninh Bình, trong đó trọng điểm là thị xã Hà Nam. Tháng 6-1966, máy bay Mỹ đánh vào thị xã liên tiếp 4 ngày đêm liền. Ngày 1-8-1966, địch đánh thị xã và 17 điểm phụ cận, riêng thị xã Hà Nam chúng dùng 30 lần chiếc, thả trên 1.000 quả bom. Có những tháng, địch đánh đến 144 trận (10-1966), 153 trận (1-1967) nhắm vào đê điều, kho tàng, cơ sở sản xuất và khu dân cư của tỉnh. Bước vào năm 1967, mức độ đánh phá của địch ngày càng ác liệt. Chỉ tính riêng trong quý III-1967, địch đã huy động 856 lần chiếc máy bay đánh 261 trận, trong đó có 13 trận đánh vào ban đêm. Đến đầu xuân năm 1968, khi quân dân miền Nam tấn công mạnh mẽ trên khắp chiến trường thì việc đánh phá của địch mới giảm xuống.

Đảm bảo giao thông vận tải trong chiến tranh phá hoại là nhiệm vụ trung tâm mang tính chiến lược của toàn Đảng, toàn dân trong giai đoạn này. Ở những trọng điểm giao thông như Đoan Vĩ, Gián Khẩu, thị xã Hà Nam, các đội công binh nhân dân, các đội Thanh niên xung phong đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị pháo cao xạ chiến đấu bảo vệ mục tiêu, với các đội chuyên đảm bảo giao thông để khắc phục hậu quả, giải phóng mặt đường. Khi các cầu Đoan Vĩ, Gián Khẩu trên tuyến quốc lộ 1A bị đánh hỏng, hệ thống phà vượt sông không đáp ứng được lưu lượng xe qua (1.000 - 1.500 chiếc/ngày), thì từ đầu năm 1965, hàng loạt cầu phao đã ra đời trên tất cả các tuyến đường. Dọc quốc lộ 1A, nhân dân đã huy động dự trữ được hàng triệu m3 đất đá. Mỗi khi cầu đường bị địch đánh phá, các xã và khu phố đã trực tiếp huy động lực lượng, phương tiện của nhân dân san lấp mặt đường, lấp hố bom, đảm bảo cho xe thông suốt.

Trong thời gian khó khăn nhất (1965 - 1966), lực lượng vũ trang địa phương đã đảm nhiệm việc bảo đảm giao thông trong những chốt quan trọng như thị xã Hà Nam, cầu Gián Khẩu. Nhờ kết hợp tốt việc sử dụng lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động, thị xã Hà Nam đã khắc phục nhanh chóng mặt đường, bảo đảm được giao thông thông suốt trong mọi tình huống. Cùng với việc san lấp đường, làm cầu bảo đảm giao thông, các lực lượng vũ trang và dân quân tỉnh đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi 1 máy bay Mỹ, phối hợp với các đơn vị khác bắn rơi 4 chiếc khác. Đơn vị bảo vệ cầu phà Đoan Vĩ đã không để xảy ra sự cố, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Với thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu, tháng 9-1965, 6 đơn vị dân quân của Hà Nam được tặng thưởng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, đó là dân quân xã Liêm Trực, dân quân thôn Chanh Thượng xã Liên Minh (huyện Thanh Liêm); dân quân xã Nguyễn Bình, trung đội nữ dân quân thôn Bùi xã Trịnh Xá (huyện Bình Lục); dân quân xã Đọi Sơn (huyện Duy Tiên); trung đội Quyết Thắng xã Nhân Phúc (huyện Lý Nhân) và trung đội tự vệ hợp tác xã cơ khí Quyết Tiến (thị xã Hà Nam).

Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, những tháng đầu năm 1968, máy bay địch vẫn đánh phá ác liệt, thêm vào đó vật tư cung cấp cho sản xuất lại không đủ, thời tiết diễn biến vô cùng phức tạp, mưa lớn, làm ngập úng 71% diện tích lúa màu. Riêng các huyện Bình Lục, Thanh Liêm, Lý Nhân bị úng nặng từ 70-80%, 12.559 ngôi nhà của dân bị đổ. Nhiều người chết, hàng trăm người bị thương, hàng ngàn trâu bò bị nước cuốn trôi. Trước sự phá hoại ghê gớm của thiên tai, nhờ tinh thần phấn đấu quyết thắng của nhân dân và sự lãnh đạo sát sao của các cấp ủy Đảng và chính quyền nên đã hạn chế được tác hại, sản xuất vẫn được tiếp tục phát triển. Có 6 xã đạt năng suất từ 5 - 6 tấn/ha/năm như Nguyên Lý, Nhân Long, Nhân Tiến, Nhân Hậu (huyện Lý Nhân); Duy Hải, Trác Bút (huyện Duy Tiên).

Công nghiệp địa phương qua 3 năm đã có những chuyển hướng kịp thời và tiếp tục phát triển, bước đầu có những đổi mới về cơ cấu, thiết bị và sản phẩm. Ngoài việc tập trung khắc phục những khó khăn về vận chuyển, địa điểm, tiến hành phân tán, sơ tán nhanh gọn, Tỉnh còn chỉ đạo bảo vệ và mở rộng cơ sở cũ, từng bước tăng cường thiết bị và xây dựng một số xí nghiệp mới. Trong những năm này, hoạt động trên địa bàn Hà Nam có các Xí nghiệp cơ khí Hà Nam, Xưởng gỗ Hà Nam, Xí nghiệp cơ khí Kim Bảng, Xí nghiệp đá Kiện Khê, Xí nghiệp vôi Kiện Khê, Xí nghiệp đá Núi Bùi, Xí nghiệp gỗ Hồng Phú, Xí nghiệp Xi măng 3 - 2, Xí nghiệp xi măng Kim Bảng, Gạch Khả Phong, Giấy Sông Châu, Nước chấm Hà Nam, Đường Vĩnh Trụ, Lò mổ Hà Nam, Than Yên Thuỷ và nhiều xí nghiệp, công tư hợp doanh khác. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp và thủ công nghiệp của tỉnh trong năm 1967 tăng 13,6% so với năm 1965.

Giao thông vận tải được coi là công tác trung tâm đột xuất của toàn Đảng, toàn dân. Hầu hết các đường liên tỉnh, liên huyện bị địch phá hoại đều đã được củng cố và mở rộng. Hệ thống đường vòng, đường tránh, cầu, phà được xây dựng thêm, hình thành tuyến hướng có nhiều đường. Nhờ vậy, mặc dù bị địch đánh phá liên tục và hết sức ác liệt nhưng giao thông vẫn bảo đảm thông suốt; các kế hoạch vận chuyên đều hoàn thành vượt mức và tăng nhanh qua các năm.

Tổng khối lượng hàng vận chuyển năm 1967 tăng 51,9% so với năm 1965, trong đó khối lượng hàng tự vận chuyển từ ngoài tỉnh về ngày càng chiếm tỷ lệ cao (75% tổng số). Đặc biệt các yêu cầu trung chuyển và vận chuyển phục vụ tiền tuyến đều đảm bảo hoàn thành vượt mức, kể cả các yêu cầu đột xuất do Trung ương giao.

Với tinh thần quyết chiến quyết thắng trên mặt trận giao thông, nhân dân địa phương đã tranh thủ mọi thời cơ thuận lợi để bắc xong cầu mới Hoà Mạc và cầu cáp Xuân Khê; tu sửa xong 3 cầu (cầu cáp, cầu phao Đoan Vĩ và cầu ngầm Phủ Lý), xây dựng và sửa chữa bến phà, làm mới và rải đá 17km đường vòng tránh, làm mới 55km đường liên huyện, 103km đường liên xã; rải đá nâng cấp mặt đường cho 125km; kết hợp với ngành thuỷ lợi làm mới 911 cống và tu sửa 807km đường từ xóm ra đồng. Mạng lưới giao thông trong tỉnh đã hình thành suốt từ xã lên huyện, nối liền và khép kín với các tuyến đường chính.

Mặc dù trong điều kiện có chiến tranh, các lĩnh vực giáo dục, văn hoá vẫn tiếp tục được đẩy mạnh.

Ngành giáo dục đã hoàn thành tốt nhiệm vụ các năm học. Đến 1968, có 170 trường được công nhận là trường tiên tiến; 1.168 giáo viên dạy giỏi, 108 học sinh tham gia cuộc thi học sinh giỏi toàn miền Bắc, và đoạt 23/46 giải.

Mạng lưới y tế không ngừng được củng cố. Đã có gần 100% trạm xá xã có y sĩ phụ trách. Số bệnh viện, giường bệnh tăng nhanh. Đến 1968, bình quân cứ 10 nghìn dân có 4,8 y, bác sỹ và 28,7 giường bệnh.

Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chuyển sang giai đoạn mới, từ ngày 3 đến ngày 8 tháng 6-1968, Đại hội Đảng bộ Nam Hà lần thứ nhất được triệu tập. Trên cơ sở đánh giá lại chặng đường đã qua, Đại hội đã tập trung thảo luận, ra Nghị quyết về phương hướng và nhiệm vụ chung của Đảng bộ trong 3 năm (1968 - 1970) với “Quyết tâm xây dựng nền kinh tế địa phương lớn mạnh, có nông nghiệp và công nghiệp phát triển, tăng cường công tác quân sự địa phương và giữ vững trật tự an ninh, sẵn sàng đáp ứng tốt nhất mọi yêu cầu chi viện tiền tuyến, chú trọng bồi dưỡng sức dân; ra sức xây dựng chính quyền, đoàn thể quần chúng và xây dựng Đảng bộ vững mạnh; bảo đảm chiến đấu, chiến thắng địch họa, thiên tai trong mọi tình huống và tích cực chuyển hướng kịp thời khi có điều kiện thuận lợi(1).

Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ mới gồm 35 ủy viên do đồng chí Phan Điền làm Bí thư, các đồng chí Trần Đoàn và Vũ Thiện làm Phó Bí thư.

Từ cuối 1968, do thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ buộc phải tuyên bố chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Cùng với nhân dân miền Bắc, nhân dân Hà Nam bắt tay vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Hà lần thứ nhất đề ra.

Giữa lúc nhân dân Nam Hà cùng cả nước đang ra sức thi đua sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh thì ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Biến đau thương thành hành động cách mạng, Tỉnh uỷ phát động đợt sinh hoạt chính trị “Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ Tịch” cho toàn thể Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh.

Một trong những nhiệm vụ lớn của tỉnh Nam Hà trong 3 năm từ 1969-1971 là phải động viên toàn bộ sức người, sức của vào công cuộc chống thiên tai bão lụt. Đầu tháng 8-1969, một đợt lũ lớn và kéo dài chưa từng có kể từ 21 năm trước đó. Tỉnh uỷ và chính quyền tỉnh đã huy động 367.968 cán bộ, công nhân, bộ đội, học sinh lên đê chống lũ. Nhân dân khắp nơi trong tỉnh đã đóng góp 126.670 cây tre, trên 7.000 cây xoan và 140 nghìn bó rào cùng 20 nghìn bao tải đất để hộ đê; bảo vệ tốt các tuyến đê trên sông Hồng và sông Đáy.

Năm 1970, tỉnh đã chủ động tổ chức lực lượng hộ đê gồm 55.000 người chia thành 2.171 đội - trong đó có 79 đội xung kích được trang bị đủ các loại phương tiện, dụng cụ phòng chống lụt; bồi đắp được 1.062.144 m3 đất cho các quãng đê xung yếu; hoàn thiện và sửa chữa 73 kè cống, bố trí 355 cán bộ làm công tác hộ đê túc trực ở nơi quy định.

Vụ mùa năm 1971 thiên tai lớn lại xảy ra, diễn biến rất phức tạp và ác liệt, vượt xa nhiều so với dự đoán. Có 3 cơn bão trực tiếp tràn vào tỉnh, uy hiếp nặng đê điều và gây ra mưa lớn làm cho gần 30 nghìn ha của các huyện Duy Tiên, Kim Bảng, Lý Nhân, Thanh Liêm và Bình Lục bị ngập sâu trong nước.

Lũ trong năm 1971 cũng xuất hiện sớm, đỉnh lũ lên rất cao và kéo dài trong nhiều ngày. Đến tháng 8-1971, toàn bộ đê sông Hồng chảy qua hai huyện Lý Nhân, Duy Tiên bị tràn 21 đoạn, sạt 18 đoạn; đê Hoàng Đông, Hoàng Tây trên sông Nhuệ bị vỡ, nhiều đoạn đê của các sông khác bị nước tràn, bị sạt lở.

Đợt lũ năm 1971 gây tổn thất nặng làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân nhiều huyện. Sán xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng, nhất là các xã có bối, xã hữu ngạn sông Đáy và xã ven sông Nhuệ. Kim Bảng là huyện bị ngập nặng nhất, tới 78% diện tích cấy, huyện Duy Tiên 22,9%. Nhà cửa trong vùng bị ngập khoảng 31.207 hộ, gồm 145.312 người, ở Trung Hạ (huyện Duy Tiên) có hàng chục ngôi nhà bị trôi, hàng trăm tấn thóc và phân bón bị mất.

Sang năm 1972, đúng vào ngày kỷ niệm lần thứ 42 thành lập Đảng (3-2- 1972), Đại hội Đảng bộ Nam Hà lần thứ II khai mạc. Đại hội đã tập trung đánh giá tình hình, nhận rõ bước trưởng thành đi lên, phân tích khó khăn khách quan và khuyết điểm chủ quan, khẳng định thành tựu, đồng thời đi sâu phân tích những vấn đề mấu chốt nhất và đề ra những mục tiêu cần tập trung phấn đấu trong 2 năm 1972 - 1973 là: Tăng nhanh thu nhập quốc dân, nông sản hàng hoá và xuất khẩu; bảo đảm tích luỹ và gia tăng đóng góp cho Nhà nước; phấn đấu đạt 3 mục tiêu (1,3 - 1,5 lao động, 5,4 tấn thóc và 2,5 con lợn/ha gieo trồng); phục vụ đầy đủ và kịp thời nhu cầu của tiền tuyến, xây dựng kinh tế địa phương gắn với củng cố quốc phòng; tích cực xây dựng, nâng cao chất lượng sức mạnh chiến đấu toàn lực lượng vũ trang địa phương, đánh thắng địch trong mọi tình huống, bảo đảm an ninh xã hội, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội; phấn đấu bảo đảm nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân (ăn, mặc, học, ở và sức khoẻ. Đại hội Đảng bộ Nam Hà lần thứ II đã bầu Ban Chấp hành mới gồm 55 uỷ viên, đồng chí Phan Điền được bầu lại làm Bí thư Tỉnh uỷ.

Để chủ động chống thiên tai và địch hoạ, thi hành Chỉ thị số 46 TTg (23-2-1972)        của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh uỷ đã cử 30 đồng chí tỉnh uỷ viên tham gia công tác chỉ đạo đê, kè, cống ở các huyện. Mỗi huyện dự trữ một lực lượng từ 250 - 300 người để ứng cứu, tiếp viện khi đê điều bị đánh phá hoặc có báo động cấp 3. Lực lượng hộ đê của tỉnh gồm trên 1.000 người biên chế thành 5 đại đội xung kích và 1 đội cơ giới bố trí thường trực ở các khu vực xung yếu.

Nhờ có sự chỉ đạo kịp thời, đến trước mùa bão lũ toàn tỉnh đã hoàn thành khối lượng đê, kè, cống gấp 3 lần năm 1971. Các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm, Duy Tiên, Lý Nhân thực hiện vượt thời gian. Riêng thị xã Hà Nam đắp được 6.300m3, đạt khối lượng lớn nhất so với các năm đã qua.

Đế chuẩn bị đối phó với âm mưu tiếp tục gây chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và để tăng cường chi viện cho chiến trường miền Nam, từ tháng 3-1972,      căn cứ vào nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II đã đề ra, toàn tỉnh đã thành lập xong 5 tiểu đoàn tăng cường và các đơn vị pháo cao xạ của dân quân, kiện toàn các hệ thống thông tin liên lạc, đài quan sát; tổ chức lại các lực lượng phục vụ chiến đấu, các tổ chức công binh, cứu hỏa, cứu thương; hoàn thành phương án tác chiến và tổ chức diễn tập ở một số khu vực. Cuối tháng 3-1972 tỉnh còn tổ chức các đơn vị công binh trong lực lượng dân quân mang tên là “công binh nhân dân”.

Cũng trong tháng 3-1972, có năm đơn vị bộ đội địa phương và một đơn vị pháo của dân quân gồm 222 chiến sĩ đã lên đường vào Nam chiến đấu.

Bị thất bại liên tiếp trước các cuộc tiến công của quân dân miền Nam, đầu xuân 1972, Tổng thống Mỹ Níchxơn liều lĩnh gây lại chiến tranh phá hoại miền Bắc.

Ngày 17-4, sau khi nhận được điện của Ban Bí thư và Lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ, Thường vụ Tỉnh uỷ và chính quyền tỉnh đã mở đợt sinh hoạt chính trị nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, tư tưởng quyết chiến quyết thắng trong các lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh.

Công tác phòng không nhân dân được tiến hành một cách khẩn trương. Công tác giao thông vận tải sẵn sàng bảo đảm thông suốt trong mọi tình huống. Các cấp uỷ đảng và chính quyền cùng với ngành giao thông kiểm tra, xem xét và lên kế hoạch đảm bảo huyết mạch trên các quốc lộ chính; quản lý và nắm chắc lực lượng, phương tiện vận tải, bốc dỡ trong ngành và các cơ quan để khi cần có thể huy động lực lượng được nhanh chóng.

Thực hiện Chỉ thị 182 của Ban Bí thư về Tănq cường lãnh đạo những công tác trọng yếu trong tình hình mới, trong hai ngày 10 và 11 tháng 5, Thường vụ Tỉnh uỷ đã họp bàn về chống địch phá hoại đê điều và đảm bảo giao thông trong mọi tình huống. Đối với địa bàn Hà Nam, Tỉnh uỷ nhận định trên quốc lộ 1A địch sẽ tập trung đánh phá vào khu vực cầu Đoan Vĩ, đầu mối giao thông Phủ Lý và Hồng Phú; còn trên đường 21 chúng sẽ tập trung vào khu vực cầu Sắt, cầu Họ vì các tuyến đường này có ý nghĩa rất lớn đối với sự chi viện cho chiến trường.

Từ thực tiễn trên, Tỉnh ủy cũng đề ra nhiệm vụ của công tác đảm bảo giao thông, vận tải trên địa bàn Hà Nam là:

-               Giữ bằng được tuyến quốc lộ để đảm bảo cho việc chi viện đòi với tiền tuyến (quốc lộ 1A, quốc lộ 21), quan trọng nhất là quốc lộ 1A và các bến vượt sông.

-               Giữ kỳ được quốc lộ 21 để bảo vệ vùng bán sơn địa nhằm đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường khác, cố gắng cao nhất để phục vụ bộ đội cơ động chiến đấu trên các địa bàn tỉnh.

-               Đảm bảo thông suốt các luồng sông, các cửa sông để đảm bảo vận tải thuỷ dù địch phong toả bằng bất kỳ loại vũ khí nào; phương châm thực hiện các nhiệm vụ trên là: Bám tuyến chính, sẵn sàng chuẩn bị các tuyến tránh. Các huyện và thị xã Hà Nam phải chuẩn bị sẵn các phương án để đảm bảo giao thông, dự kiến các tình huống địch phá hoại, dựa vào lực lượng tại chỗ để khắc phục hậu quả.

Cuộc đánh phá bằng không quân của đế quốc Mỹ trên địa bàn Hà Nam ngày một ác liệt hơn. Suốt trong 188 ngày đêm từ giữa tháng 4 đến tháng 10 năm 1972, đế quốc Mỹ đã huy động 1.345 lần chiếc máy bay đánh vào 893 mục tiêu trên đất Nam Hà trong đó có 633 trận đánh vào địa bàn Hà Nam. Riêng tháng 7-1972, địch đã huy động 554 lần chiếc, tập trung đánh vào quốc lộ 1A nhất là các đoạn đường Đồng Văn, Phủ Lý; 50 lần máy bay đánh vào đê điều, 350 lần đánh vào khu dân cư. Đối với hệ thống giao thông, vận tải, tính đến 20 tháng 10-1972 địch đã đánh 202 trận vào 247 điểm với 2.084 quả bom phá, 712 quả bom nổ chậm và bom từ trường, 106 quả bom xuyên và 19 tên lửa, làm thiệt hại 2.340 mét đường, phá hỏng 13 cầu, 62 phương tiện (420 mã lực), 2.284 tấn sà lan và thuyền các loại.

Trong mọi tình huống, quân và dân Hà Nam đã kiên cường dũng cảm đánh trả máy bay địch, giữ vững mạch máu giao thông và đê điều, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, bảo vệ sản xuất. Đến tháng 7-1972, toàn tỉnh đã xây dựng được 275 tổ trực chiến bắn máy bay tầm thấp và 19 đơn vị pháo cao xạ, trong đó có loại 100mm của dân quân tự vệ. Nhiều đơn vị dân quân ở các xã Thanh Lưu, Liêm Thuận, Liêm Cần (huyện Thanh Liêm); Phù Vân, Châu Sơn (huyện Kim Bảng) lập nhiều đội trực chiến bắn máy bay, bắt giặc lái Mỹ; đồng thời triển khai diễn tập theo phương án cụm chiến đấu và kiểm tra việc bảo vệ tốt vũ khí, sẵn sàng chiến đấu.

Đơn vị nữ pháo thủ xã Phù Vân, xã liền kề thị xã Hà Nam, được thành lập từ tháng 12-1965 gồm 8 chiến sỹ. Đến năm 1967, đơn vị phát triển thành một trung đội với 49 chiến sỹ, được trang bị một khẩu 37mm và một khẩu 57mm. Đơn vị đã bố trí lực lượng từ xa, phục kích ở núi Ba Sao bắn cháy một phản lực Mỹ. Ngày 2-6-1972, khẩu đội pháo 57mm của đơn vị do đồng chí Lê Thị Thoa làm khẩu đội trưởng đã chiến đấu quyết liệt với một tốp phản lực đang đánh phá thị xã Hà Nam; phối hợp cùng đơn vị bắn rơi một máy bay Mỹ ngay loạt đạn đầu. Từ khi thành lập đến năm 1972, đơn vị đã đánh 91 trận, góp phần cùng lực lượng phòng không thị xã Hà Nam bắn rơi, bắn cháy 18 máy bay Mỹ.

Phong trào thanh niên tòng quân của tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh. Qua 3 đợt tuyển quân, toàn tỉnh vượt 2,5% kế hoạch về số lượng, dẫn đầu là huyện Thanh Liêm đạt 107,2% và thị xã Hà Nam đạt 124,7%.

Trong tháng 5-1972, tỉnh đã tuyển 2.000 thanh niên xung phong, tháng 6 tuyển 1.200 dân công hỏa tuyến phục vụ chiến trường.

Mặc dù trong điều kiện chiến tranh ác liệt, phong trào thi đua 2 tốt theo gương các đơn vị tiên tiến, phát huy truyền thống về giáo dục của tỉnh, phất cao lá cờ Bắc Lý tiếp tục được đẩy mạnh. Do có sự chuẩn bị tốt, cho nên nhiều lần địch ném bom, bắn phá vào các thôn xóm và trường học nhưng ta vẫn đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh.

Trong năm 1972 trường phổ thông cấp II Bắc Lý được nhận cờ Đơn vị dẫn đầu của ngành Giáo dục; tập thể và cá nhân của trường được tặng 5 Huân chương Lao động các loại và nhiều Bằng khen của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ. Công tác bổ túc văn hoá có nhiều tiến bộ, số cán bộ chủ chốt của xã và hợp tác xã tốt nghiệp cấp II tăng gấp 14 lần so với 3 năm trước cộng lại.

Năm 1972, trong điều kiện vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ vừa chống thiên tai, nhân dân Hà Nam vẫn hoàn thành nghĩa vụ đóng góp lương thực với Nhà nước. Các huyện đều huy động vượt mức kế hoạch. Trong đó huyện Duy Tiên vượt 848 tấn; huyện Kim Bảng huy động gấp đôi năm 1971.

Mặc dù so với yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra, kết quả đạt được trong năm 1972 chưa cao, thắng lợi chưa vững chắc, việc phục vụ tiền tuyến chưa đồng đều, nhưng những thắng lợi mà đảng bộ và nhân dân địa phương đã giành được là hết sức to lớn và rất cơ bản. Thắng lợi này đánh dấu bước trưởng thành lớn lao của đảng bộ và nhân dân trong việc kết hợp xây dựng kinh tế với tăng cường tiềm lực quốc phòng, giữa sản xuất và chiến đấu góp phần cùng quân và dân miền Bắc đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ, đưa sự nghiệp cách mạng nước ta sang một giai đoạn mới.

  1. Đẩy mạnh sản xuất, phát triển văn hoá - xã hội, chi viện cho cách mạng miền Nam hoàn thành sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước (1973 - 1975)

Trước những thất bại nặng nề ở hai miền Nam - Bắc, đế quốc Mỹ buộc phải ký kết Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình ở Việt Nam.

Hoà bình trở lại trên miền Bác, nhiệm vụ cấp thiết đối với đảng bộ và nhân dân các địa phương là khôi phục, ổn định sản xuất và đời sống.

Đối với tỉnh Nam Hà, nhiệm vụ trước mắt là tập trung khôi phục toàn diện trên các mặt sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, vận tải, lưu thông phân phối, văn hóa - xã hội, nội chính, mà trọng tâm là công nchiệp - thủ công nghiệp và giao thông, vận tải. Trong việc khôi phục các vùng bị đánh phá, tỉnh tập trung cho việc xây dựng lại thị xã Hà Nam.

Chỉ trong một thời gian ngắn, việc san lấp hố bom trên quốc lộ 1A và đường 21 đã cơ bản hoàn thành, góp phần đưa lưu lượng xe thông tuyến từ 300 lên 800 xe/ngày; các đội rà phá bom từ trường, thuỷ lôi trên sông Đáy ngày đêm tích cực hoạt động làm cho đường thuỷ sớm được khai thông. Tốc độ xây dựng cơ bản được đẩy mạnh, các huyện đã huy động tới 10.000 xã viên cùng nhiều nguyên vật liệu tham gia xây dựng nhà tạm cho nhân dân thành phố, thị xã.

Ngoài số nhà tạm được xây dựng để giải quyết chỗ ở bước đầu cho nhân dân, chính quyền các cấp còn ổn định được 338 lớp học phổ thông, bảo đảm nơi học cho 17.091 học sinh trong năm học 1972 - 1973. Ngành thương nghiệp tổ chức chu đáo việc phân phối hàng tết bảo đảm đúng tiêu chuẩn và chính sách cho nhân dân; tổ chức giúp đỡ gia đình liệt sĩ, thương binh, bộ đội được 182 tấn thóc. Đồng thời, để triển khai tốt việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội, tỉnh uỷ đã cho kiểm tra phát hiện và giải quyết 3.374 trường hợp thực hiện chính sách chưa chu đáo, đưa 122 thương binh, bệnh binh đủ điều kiện vào học các trường trung học, đại học; 203 đồng chí vào công tác ở các cơ quan thương nghiệp; 244 đồng chí về cơ sở công tác và làm những nghề thích hợp. Các bệnh viện đã khám và chữa bệnh cho nhiều thương binh, bệnh binh, gia đình bộ đội. Các tổ chức Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ cơ sở còn tiến hành làm thêm giờ để giúp các gia đình neo đơn. Hội phụ lão mở cuộc vận động làm nhà cửa, đóng giường ủng hộ thương binh, Uỷ ban Hành chính tỉnh chi 490 nghìn đồng trợ cấp các gia đình liệt sĩ, thương binh gặp khó khăn.

Đi đôi với việc xây dựng và phát triển kinh tế tại địa phương, tỉnh tiếp tục vận động, tổ chức nhân dân đi xây dựng, phát triển kinh tế - văn hoá miền núi và khai thác kinh tế trong tỉnh. Đến năm 1972, tỉnh đã vận động được 95.731 người đi xây dựng kinh tế ở các tỉnh trung du, miền núi và 13.185 người đi khai thác kinh tế vùng biển trong tỉnh theo 2 hình thức: tổ chức thành những xã, hợp tác xã độc lập hoặc xen ghép vào các xã, hợp tác xã sẵn có ở địa phương. Năm 1974, được Trung ương cho phép, tỉnh Nam Hà đã kết nghĩa với 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Theo sự thỏa thuận giữa huyện Lý Nhân với huyện kết nghĩa Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai), trong năm 1974 huyện Lý Nhân đưa lên Bảo Thắng khoảng 10 nghìn nhân khẩu để xây dựng thí điểm vùng kinh tế mới. Các huyện khác trong tỉnh tuỳ điều kiện cụ thể, tích cực chuẩn bị để năm 1975 và các năm sau vận động nhân dân đi xây dựng kinh tế mới ở các tỉnh Lào Cai và Yên Bái.

Sang năm 1974, kế hoạch được thực hiện trong hoàn cảnh vụ mùa năm trước bị sút kém, tình trạng thiếu lương thực xảy ra gay gắt trên phạm vi toàn tỉnh. Thêm vào đó là sự khắc nghiệt của thời tiết: đầu vụ đông xuân rét sớm và kéo dài, đầu vụ mùa tiếp tục bị hạn. Bằng quyết tâm vốn có, nhân dân trong tỉnh cố gắng khắc phục khó khăn, giành thắng lợi trên mặt trận nông nghiệp. Năm 1974, giá trị tổng sản lượng lương thực của tỉnh đạt tới 658.508 tấn, trong đó thóc đạt 609.753 tấn, là năm có tốc độ tăng trưởng cao. Sản lượng một số sản phẩm chủ yếu khác đều vượt kế hoạch.

Sản xuất công nghiệp tuy còn nhiều khó khăn do hậu quả nặng nề của chiến tranh, nhưng nhờ chuẩn bị tích cực và sớm khôi phục nền nếp quản lý nên nhịp độ tăng đều ở cả hai khu vực quốc doanh và hợp tác xã thủ công nghiệp. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp cả năm đạt 177 triệu đồng bằng 105% kế hoạch, tăng 16,8% so với năm 1973, trong đó quốc doanh tăng 24,9% và thủ công nghiệp tăng 12,1%. Toàn tỉnh có 6/10 ngành đạt và vượt kế hoạch từ 3 - 10% và có 35 xí nghiệp xấp xỉ hoàn thành các chỉ tiêu được giao.

Từ đầu năm 1975, cách mạng miền Nam bước sang một giai đoạn mới với thế tiến công, áp đảo quân thù trên toàn bộ chiến trường. Tình thế cách mạng mới đòi hỏi nhân dân miền Bắc đẩy mạnh sản xuất, tích cực chi viện cho cách mạng miền Nam tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.

Trước những thắng lợi đã giành được qua 2 năm khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội cũng như yêu cầu ngày càng lớn của cách mạng miền Nam, Đảng bộ và các cấp chính quyền trong tỉnh đã chỉ đạo và khẩn trương tổ chức đợt cung cấp 8.600 tấn lương thực, hàng ngàn tấn thực phẩm cho chiến trường miền Nam. Đồng thời, để thực hiện kế hoạch đột xuất do Trung ương giao, trong tháng 1-1975, Tỉnh uỷ đã cử một đoàn cán bộ vào nghiên cứu khu vực bãi Cát Tiên - nơi giáp giới 3 tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng và Long Khánh. Tại địa điểm này, đoàn công tác đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của đảng bộ và nhân dân địa phương, Đoàn đã vạch ra kế hoạch để chuẩn bị lực lượng đi xây dựng vùng kinh tế mới ngay từ khi miền Nam chưa được hoàn toàn giải phóng. Đảng bộ coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của năm 1975, hạ quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của Trung ương giao, thể hiện ý chí và tình cảm sâu sắc của nhân dân trong tỉnh đối với sự nghiệp cách mạng chung của cả nước.

Việc tổ chức và động viên một lực lượng lao động lớn đi chiến đấu và xây dựng kinh tế là một nhiệm vụ quan trọng của tỉnh. Hội nghị Tỉnh uỷ lần thứ 12 đã xác định vị trí quan trọng của công tác này: “coi là một trong bốn vấn đề mấu chốt của nhiệm vụ chính trị năm 1975 và hạ quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của Trung ương giao”(1). Với quyết tâm đó, ngay trong quý 1-1975, đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã tiễn hơn 4 vạn con em của mình bổ sung cho tiền tuyến. Đến 15-4-1975, toàn tỉnh đã hoàn thành vượt chỉ tiêu tuyển quân cả năm, đạt 115,49% và tuyển lao động đi xây dựng kinh tế vùng mới giải phóng ở miền Nam, vượt 0,44%.

Trong không khí sôi sục của cuộc tổng tấn công và nổi dậy khắp miền Nam, ngày 16-4-1975, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ra Chỉ thị phát động phong trào quần chúng Thi đua với miền Nam, mỗi người làm việc bằng hai, động viên mọi tầng lớp nhân dân hăng hái lao động, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước năm 1975 .

Hưởng ứng phong trào thi đua, nhiều cơ quan và đơn vị công tác đã có phong trào Giờ làm việc giải phóng miền Nam, thanh niên có phong trào Tình nguyện vượt mức kế hoạch. Các hợp tác xã nông nghiệp đã bán cho Nhà nước hơn 400 tấn vịt, đưa hàng ngàn tấn thóc tiết kiệm chi viện cho vùng mới giải phóng ở miền Nam. Trong công tác thuỷ lợi có phong trào Nhớ công ơn Bác Hồ Mừng miền Nam đại thắng.

Ngày 30-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Đất nước ta chuyển sang một thời kỳ mới, thời kỳ cả nước thống nhất cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Trong không khí phấn khởi mừng ngày thống nhất đất nước, từ ngày 23 đến 28 tháng 6 năm 1975, Đại hội đảng bộ Nam Hà lần thứ III đã được tiến hành tại thành phố Nam Định với sự tham gia của 402 đại biểu. Đại hội đã nhất trí khẳng định những thành tựu đã đạt được từ 1972 - 1975 và nhấn mạnh: Trong tình hình cách mạng mới, đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết chiến đấu, phấn đấu vươn lên, khắc phục mọi khó khăn giành nhiều thắng lợi lớn hơn trong sản xuất, chiến đấu, cùng cả nước tiến lên Chủ nghĩa xã hội. Đại hội Đảng bộ Nam Hà lần thứ III đã bầu ra Ban Chấp hành mới gồm 37 uỷ viên. Đồng chí Phan Điền được tái cử chức vụ Bí thư Tỉnh ủy.

Ngày 22-12-1975, Tỉnh uỷ Nam Hà đã tiến hành tổng kết công tác thương binh, liệt sĩ và chính sách hậu phương quân đội trong những năm chống Mỹ, cứu nước (1965 - 1975). Riêng địa bàn Hà Nam, Tỉnh ủy đã biểu dương các xã có tỷ lệ nhập ngũ cao như Phù Vân (huyện Kim Bảng): 85% gia đình có người đi bộ đội; Liêm Cần (huyện Thanh Liêm): 83%; Nhân Thắng (huyện Lý Nhân): 73%; Chuyên Ngoại (huyện Duy Tiên): 73%. Nhiều gia đình có đông con cháu nhập ngũ như gia đình ông Thành (xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên) có 7 con nhập ngũ; gia đình cụ Đỗ Thị Nguyệt (xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân) có 16 con cháu vào bộ đội. Nhiều gia đình có 5 con là liệt sĩ như gia đình cụ Trần Thị Tớn (xã Thanh Bình, huyện Thanh Liêm), gia đình cụ Tạ Văn Liêm (xã Hoà Lý, huyện Lý Nhân). Trong quá trình giáo dục, động viên người thân lên đường đánh Mỹ, các huyện Thanh Liêm, Lý Nhân được đánh giá là những nơi liên tục hoàn thành nhiệm vụ. Các xã Liêm Cần, Thanh Hà (huyện Thanh Liêm); Nhân Đạo, Nhân Hậu, Nguyên Lý (huyện Lý Nhân); Trác Văn (huyện Duy Tiên); Phù Vân, Khả Phong (huyện Kim Bảng) đã được tặng thưởng Huân chương Lao động về thành tích chính sách hậu phương quân đội.

Như vậy, từ năm 1975, đất nước ta bước sang giai đoạn cách mạng mới: cả nước thống nhất cùng xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lịch sử Hà Nam cũng bước sang một giai đoạn mới - giai đoạn hợp nhất trong tỉnh lớn Hà Nam Ninh.

(Còn nữa)

Điện tử

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.