Phần thứ hai – Lịch sử chống ngoại xâm. Chương X: Chủ tịch Hồ Chí Minh với Bình Lục
CHƯƠNG X: CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI BÌNH LỤC
Chủ tịch Hồ Chí Minh người sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam và lãnh đạo nhân dân vùng lên đánh đổ đế quốc, phong kiến, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Người là vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, được tổ chức UNESCO của Liên Hợp Quốc vinh danh “Anh hùng dân tộc Việt Nam, Danh nhân Văn hóa thế giới”.
Đảng bộ và nhân dân Bình Lục vinh dự nhận được sự quan tâm biểu dương khen ngợi của Bác Hồ trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và được Bác giành thời gian xem trống đồng Ngọc Lũ tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Bác còn tự tay viết báo khen ngợi Hợp tác xã Quyết Tiến, thôn Bùi, xã Trịnh Xá vì có thành tích trong việc xây dựng nhà trẻ mẫu giáo. Đặc biệt là được Bác về thăm hỏi động viên Đảng bộ và nhân dân Bình Lục trong chiến dịch chống hạn vụ Đông Xuân năm 1958, tại công trường đắp đập Cát Tường thuộc xã An Hòa (nay là xã An Mỹ, huyện Bình Lục).
Cuộc đấu tranh biểu tình thị uy của nhân dân Bình Lục chống thực dân Pháp xâm lược ngày 20-10-1930 tại xã Bồ Đề là một trong những cuộc đấu tranh với quy mô lớn, sau cuộc đấu tranh của phong trào Xô Viết, Nghệ Tĩnh và nhân dân Tiền Hải, Thái Bình. Cuộc đấu tranh gây tiếng vang lớn trong phạm vi cả nước và đã được Bác Hồ lấy làm dẫn chứng hùng hồn cho tinh thần đấu tranh bất khuất của nông dân Việt Nam, trong bức thư gửi Quốc Tế Nông dân ngày 5-11- 1930. “Mặc dù bị đàn áp dã man, phong trào vẫn tiếp tục phát triển, chứng cớ là nông dân ở Bắc kỳ từ trước vẫn im lặng nay cũng bắt đầu đấu tranh... Hà Nam là một trong những tỉnh có phong trào nông dân phát triển, qua cao trào cách mạng 1930-1931”. Những lời khen ngợi của Bác là niềm tự hào của Đảng bộ nhân dân Hà Nam nói chung và Đảng bộ nhân dân Bình Lục nói riêng trong đấu tranh chống đế quốc, phong kiến.
Một sự kiện rất đỗi tự hào của nhân dân Bình Lục đó là năm 1959 Bác Hồ kính yêu của chúng ta dù bận trăm công, nghìn việc nhưng Bác đã dành thời gian quý báu của mình đến thăm Bảo tàng lịch sử Việt Nam và tại đây Bác đã xem trống Đồng Ngọc Lũ, một biểu tượng đặc trưng nhất của nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ. Theo các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá trống Đồng Ngọc Lũ, huyện Bình Lục là chiếc trống có kích thước lớn nhất có niên đại cổ nhất, có hoa văn, hình ảnh đẹp nhất đạt đến trình độ luyện kim chế tác tinh xảo. Trống Đồng Ngọc Lũ hiện đang được lưu trữ theo chế độ bảo vật quốc gia đặc biệt tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam. Năm 1995 Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã tặng một phiên bản trống Đồng Ngọc Lũ cho Liên Hợp Quốc nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập tổ chức này.
Một sự kiện Đảng bộ và nhân dân Bình Lục hết sức phấn khởi đó là ngày 21-3-1962 Bác Hồ đã tự tay viết bài đăng Báo Nhân Dân có nhan đề: “ chi bộ tốt thì mọi việc đều tốt, biểu dương chi bộ Hợp tác xã Quyết Tiến thôn Bùi ( xã Trịnh Xá, huyện Bình Lục) có thành tích trong việc xây dựng nhà trẻ chăm sóc các cháu mầm non”.
Đặc biệt một sự kiện lớn còn mãi ghi nhớ đối với Đảng bộ nhân dân Hà Nam nói chung và Bình Lục nói riêng đó là vụ Đông Xuân năm 1958, đồng bằng Bắc bộ bị hạn hán kéo dài, thiếu nước để gieo cấy vụ Chiêm Xuân. Tỉnh đã phát động mạnh mẽ phong trào chống hạn bằng nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp quan trọng là lấy nước từ sông Hồng qua hệ thống nông giang Liên Mạc và từ đó tỏa đi các trọng điểm lúa trong vùng. Tuy nhiên để thực hiện có hiệu quả phương án này, tỉnh phải có sự huy động lớn nhân lực để nạo vét kênh mương, đào đắp thêm kênh mương mới, đắp đập để nước dâng cao dẫn vào đồng ruộng.
Tại Hà Nam lúc này có hai công trường Thủy Lợi lớn là tại Lý Nhân, Duy Tiên đào mương dẫn nước từ đập Đọi Sơn về Vĩnh Trụ và công trường đắp đập chặn ngang sông Sắt thuộc địa phận thôn Cát Tường xã An Hòa ( nay là xã An Mỹ, huyện Bình Lục) nhằm nâng cao mực nước tưới cho đồng ruộng của hai huyện Bình Lục và Thanh Liêm.
Trong lúc cán bộ và nhân dân toàn tỉnh đang hăng hái lao động chống hạn thì một tin vui: Bác Hồ về thăm và dự hội nghị sơ kết công tác thủy lợi, công tác chống hạn tại Hà Nam.
Sáng ngày 14-1-1958 Bác Hồ cùng phái đoàn của Chính phủ có Bộ trưởng Bộ thủy lợi đã về dự hội nghị sơ kết, gần 4.000 cán bộ từ xã đến tỉnh rất phấn khởi được đón Bác và nghe Bác huấn thị. Sau khi nghe báo cáo về kết quả công tác làm thủy lợi chống hạn của tỉnh nhà, Bác khen ngợi cán bộ, nhân dân Hà Nam trước kia vừa sản xuất vừa chiến đấu anh dũng mấy năm gần đây lại có nhiều thành tích chống hạn sản xuất. Bác căn dặn mọi người phải quyết tâm chống hạn. Tại đây Bác Hồ đã trao lá cờ “ Chống hạn khá nhất” cho Đảng bộ và nhân dân huyện Bình Lục. Lá cờ là giải thưởng luân chuyển cho huyện nào có nhiều thành tích chống hạn nhất. Bác còn trao cho các đơn vị khơi máng Canh Ben, đắp đập Cát Tường và nạo vét kênh Mạc Thượng, mỗi nơi ba Huy hiệu của Người làm phần thưởng cho những cá nhân xuất sắc trong công tác chống hạn. Đại biểu các huyện Bình Lục, Kim Bảng, Duy Tiên và đại diện thanh niên tỉnh nên phát biểu ý kiến hứa thực hiện tốt lời căn dặn của Bác, đoàn kết, vận động nhân dân quyết tâm chống hạn và cấy hết diện tích.
Sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm nhân dân đắp đập Cát Tường, với quyết tâm dâng nước lên cao tưới cho hàng ngàn mẫu ruộng đang bị khô hạn. Được Bác về thăm mọi người ai cũng vui sướng và xúc động vì được gặp Bác Hồ. Tại đây Bác đã ân cần thăm hỏi từng nhóm lao động và Người khen ngợi tinh thần cố gắng của nhân dân Bình Lục, động viên mọi người gắng sức sớm hoàn thành con đập để kịp đưa nước về cấy hết diện tích vụ Chiêm Xuân. Bác đã động viên thanh niên: Tỉnh giao 7 ngày các cô, các chú phải cố gắng rút ngắn thời gian để sớm có nước cày, cấy, mọi người đồng thanh hứa quyết tâm thực hiện tốt lời căn dặn của Bác. Sau khi Người ra về khắp công trường hồ hởi phấn khởi như được tiếp thêm động lực hăng hái lao động và vang lên những tiếng nói cười sung sướng vì được gặp Bác Hồ. Đập Cát Tường đã được hoàn thành chỉ trong 5 ngày vượt trước 2 ngày so với kế hoạch đề ra và cấy hết diện tích vụ Chiêm Xuân năm 1958.
Sự kiện Bác Hồ về thăm Bình Lục chống hạn mãi mãi là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Bình Lục. Để ghi nhớ và tỏ lòng biết ơn sự quan tâm của Bác, nhân dân địa phương đã trồng Cây Đa ngay bên đầu đập, nay cây đa cao lớn tán lá xum xuê, xanh tốt.
Tại đây, năm 2011, huyện Bình Lục đã được tỉnh Hà Nam đầu tư xây dựng tại khu vực đập Cát Tường một công trình di tích có tên gọi: Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm cán bộ và nhân dân đắp đập Cát Tường năm 1958. Nhân dân thường gọi là khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công trình tọa lạc trên khu đất 10.145m2, chia làm hai khu chính, khu A với diện tích 1.445 m2 gồm nhà bia, hồ nước, sân, vườn hoa, Khu B diện tích 5.400 m2 bao gồm nhà tưởng niệm, (đền thờ Bác Hồ) sân, vườn hoa, hồ nước... đây là công trình xây dựng phối cảnh với Cây Đa và cây cầu bắc ngang sông Sắt soi bóng xuống dòng sông xanh mát. Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng tình cảm kính trọng, tri ân đối với công lao trời biển của Bác Hồ với dân tộc với Đảng bộ và nhân dân Hà Nam nói chung Đảng bộ và nhân dân Bình Lục nói riêng mãi mãi trường tồn.
Địa chí Huyện Bình Lục