Địa chí huyện Bình Lục: Bình Lục từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX

Phần thứ hai – Lịch sử chống ngoại xâm. Chương III. Bình Lục thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX

Tin liên quan

CHƯƠNG III. BÌNH LỤC THẾ KỶ XVI ĐẾN THẾ KỶ XIX

1. Nhân dân Bình Lục với các cuộc khởi nghĩa nông dân

Vào đầu thế kỷ XV, XVI, kể từ khi vua Túc Tông mất (1504) xã hội Đại Việt lâm vào tình trạng khủng hoảng, kinh tế sa sút, đời sống nhân dân cực khổ, các thế lực phong kiến nổi lên tranh giành quyền lực. Trong tình hình ấy, Thái sư Mạc Đăng Dung đã bằng thủ đoạn tranh thủ thời cơ chiếm đoạt ngôi vị từ triều Lê lập nên vương triều nhà Mạc vào năm 1527 thời vua Lê Cung Hoàng (1522-1527), niên hiệu Thống Nguyên. Lúc này vùng đất Hà Nam thuộc Sơn Nam Thượng. Các quan  lại cũ của triều Lê bất bình, phản ứng quyết liệt và nhiều cuộc bạo động chống triều Mạc đã nổ ra. Tướng Nguyễn Kim lúc đó giữ chức Chiêu Huân Công với tư tưởng phù Lê đã tạm lánh sang Ailao (Lào) và đưa con của vua Chiêu Tông là Lê Trang Tông lên làm vua, lấy niên hiệu là Nguyên Hòa và ở ngôi (1533-1548)[1].

Năm 1540, Nguyễn Kim kéo quân từ AiLao về đánh chiếm Nghệ An nhiều hào kiệt đã ủng hộ Nguyễn Kim phù Lê diệt Mạc. Năm 1543, nhà Lê chiếm được Tây Kinh, tướng Dương Chấp Nhất của nhà Mạc phải đầu hàng. Từ đó đất nước hình thành hai miền, chịu sự khống chế của hai lực lượng đối lập. Từ Thanh Hóa, Nghệ An trở vào thuộc vua Lê dưới sự giúp đỡ của các tướng họ Nguyễn rồi sau là họ Trịnh gọi là Nam triều. Vùng Bắc Bộ bao gồm cả kinh thành thuộc nhà Mạc gọi là Bắc triều.Từ đó một cuộc nội chiến tàn khốc kéo dài gần 50 năm (1545-1542) gọi là nội chiến Nam Bắc triều, tiếp đó Nguyễn Kim kéo quân ra Yên Mô, Ninh Bình nhưng bị hàng quân nhà Mạc đánh thuốc độc chết. Từ đó quyền bính giao cho con rể Nguyễn Kim có tên là Trịnh Kiểm và họ Trịnh nắm quyền binh từ đây. Cuộc nội chiến Nam Bắc triều diễn ra trong gần 50 với 38 trận chiến lớn nhỏ, đã có hàng chục vạn dân lành bị xung lính và bị đẩy vào cuộc tàn sát nội bộ khủng khiếp.

Đến 1591, Trịnh Tùng con Trịnh Kiểm mở cuộc tấn công lớn tiến vào Đông Kinh bắt được Mạc Mậu Hợp đời vua thứ 5 của nhà Mạc (1560-1592) chiếm lại kinh thành. Công việc trùng hưng của nhà Lê được coi là hoàn thành, nhưng quyền bính vẫn thuộc họ Trịnh mà sử sách gọi là thời kỳ vua Lê - chúa Trịnh. Vua Lê khi ấy là Lê Thế Tông  (1573-1599). Lúc này Trịnh Tùng tự xưng là Đô Nguyên xúy tổng Quốc chính Thượng phụ Bình An Vương và định lệ cấp lộc cho vua Lê, vua chỉ giữ thể diện đại cương không có quyền hành gì, mọi quyết định đều họ Trịnh Vương toàn quyền định liệu.

Năm 1599, vua băng hà cũng là thời điểm đất nước rơi vào cuộc nội chiến mới, Trịnh - Nguyễn phân tranh. Khi họ Trịnh - Lên nắm quyền thì con Nguyễn Kim còn nhỏ, sau khi Nguyễn Hoàng con của tướng Nguyễn Kim lớn lên thấy nguy cơ của nhà Trịnh đối với nhà Nguyễn nên đã đến hỏi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và nhận được câu “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân”,  một quả núi hoành Sơn có thể dung thân muôn đời, nên Nguyễn Hoàng đã nhờ chị gái Ngọc Bảo là vợ của Trịnh Kiểm nói giùm nên Trịnh Kiểm đã cho Nguyễn Hoàng vào trấn giữ vùng Thuận Hóa. Từ đây sinh ra cát cứ hai miền mà sử sách gọi là đàng trong, đàng ngoài. Đàng trong do Nguyễn Hoàng, đàng ngoài do họ Trịnh quản lý và tạo nên nhiều cuộc nội chiến tương tàn[2].

Trong hoàn cảnh ấy, nhiều cuộc khởi nghĩa của người dân nổi dậy chống lại sự áp bức của chính quyền Lê - Trịnh. Năm 1596, cuộc khởi nghĩa đầu tiên của nông dân vùng Sơn Nam (trong đó có Hà Nam) do Phạm Hùng lãnh đạo đã tập hợp  đông đảo lực lượng, trong đó có những người thuộc phủ Lý Nhân (trong đó có Bình Lục). Sử quán triều Nguyễn chép: Trong vòng hơn một tháng thì nhập được số quân hàng vạn người, các phủ Trường Yên, Lý Nhân trộm giặc nổi lên hàng đàn, để hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Phạm Hùng [3] nhiều trận đánh quyết liệt giữa triều đình Lê -Trịnh và nghĩa quân của Lê Duy Mật, Đoàn Danh Trấn, Nguyễn Hữu Cầu, Hoàng Công Chất diễn ra trên đất Phủ Lý, Lý Nhân. Đặc biệt năm 1751, cuộc khởi nghĩa này đã tập trung đánh tiêu diệt quân triều đình tại sông Mã Não ( Kim Bảng), sông Hương Nhi (Bình Lục) rất nhiều con em người Bình Lục, Kim Bảng, Phủ Lý, Lý Nhân... tham gia với vai trò quan trọng là những nghĩa binh dũng cảm và thông thạo  đường đi lối lại đã giúp cho nghĩa quân chiến đấu với đội quân của triều đình. Nhìn chung các cuộc khởi nghĩa nổi lên khá rầm rộ trên khắp nơi, nhưng binh lực hạn chế nên không giành được thắng lợi cuối cùng nhưng đã có giá trị về ý nghĩa to lớn cho phong trào của nghĩa quân nông dân Tây Sơn sau này[4].

2. Nhân dân Bình Lục trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn năm 1771

Năm 1771, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ cùng nhau khởi xướng và tiến hành cuộc khởi nghĩa tại vùng đất Tây Sơn, (huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn, tỉnh Quảng Nam). Chỉ sau một thời gian ngắn đã được nhân dân khắp nơi ủng hộ và thu nhận nhiều quân sỹ đứng lên chống lại chúa Nguyễn (Nguyễn Ánh) vào năm 1782-1783 và giành được thắng lợi. Quân Nguyễn Ánh thất bại nặng nề phải chạy sang Xiêm (Thái Lan) cầu viện. Năm 1785 nghĩa quân chiến đấu và đánh tan quân Xiêm  ở Rạch Gầm, Xoài Mút, rồi hạ thành Phú Xuân. Tiếp đó năm 1786, nghĩa quân tiến ra Bắc đánh thẳng vào Thăng Long lật đổ chính quyền nhà Trịnh. Vua Lê Chiêu Thống trốn thoát chạy sang Quảng tây cầu cứu nhà Thanh, nhà Thanh cho Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị  mang 29 vạn quân, chia làm 4 đạo, tiến vào xâm lược nước ta. Nghĩa quân Tây Sơn rút quân về Tam Điệp (Ninh Bình) xây dựng chiến tuyến vững chắc, một mặt chuẩn bị cho cuộc phản công quân địch, mặt khác ngăn chặn đường tiến quân vào Nam của kẻ thù. 

Người dân vùng đất Hà Nam nói chung cũng như huyện Bình Lục ngày ấy đã có những đóng góp tích cực về sức người, sức của vào công việc chuẩn bị chiến đấu với quân Thanh xâm lược. Nhiều nhân lực và lương thực, thực phẩm, nguyên vật liệu cung cấp cho việc xây dựng  phòng tuyến, nhiều thanh niên trai tráng tham gia nghĩa quân Tây Sơn. Đặc biệt nhân dân Hà Nam nói chung và Bình Lục nói riêng đã là những lực lượng quan trọng trong vai trò nắm bắt tình hình địch đóng trên địa bàn của tỉnh về cách bố phòng quân sự của các đồn giúp cho nghĩa quân đánh đâu được đấy. Khi nghĩa quân Tây Sơn tiến đánh ra Thăng Long đã triệt hạ hàng loạt đồn giặc như Gián Khẩu, Linh Quyết là những căn cứ phòng thủ từ xa của giặc tiếp đó đánh đến các cứ điểm phòng  ngự của địch ở Hoàng Đan (nay thuộc đất Thanh Liêm) đồn Nhật Tảo (thuộc đất Duy Tiên), đồn Thiên Trường (Nam Định), đồn Phủ Lỵ Nhân làm cho quân giặc hoang mang tán loạn tháo chạy về Phú Xuyên. Quân ta mai phục bắt gần hết, khí thế trào dâng, nghĩa quân Tây Sơn tiếp tục tiến đánh Hạ Hồi, Ngọc Hồi, Khương Thượng, làng Quỳnh Đô (Thanh Trì), Đầm Mực, quân giặc bại trận tướng Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử, Tôn Sĩ Nghị cùng bọn tàn quân tháo chạy về Bắc quốc. Cuộc khởi nghĩa kết thúc thắng lợi, chiều ngày 5 tết Kỷ Dậu (1789) - Quang Trung Nguyễn Huệ tiến vào Thăng Long trong sự vui mừng của nhân dân:

Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh

Đất nước sạch bóng quân thù

Kinh đô vẫn thuộc núi sông ta…[5]

Ngày nay, ở nhiều nơi trong đó có làng An Thái, xã An Mỹ, làng Thượng Thọ, xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục vẫn duy trì tục lệ ăn tết lại, lý do vì ngày ấy nghĩa quân Tây Sơn đã cho binh lính ăn tết trước và tiến đánh địch vào dịp Tết.  Vì thế những nghĩa quân nói chung cũng như những nghĩa quân người Bình Lục, người An Thái, người  Mỹ Thọ sau chiến thắng trở về dân làng tổ chức “ăn tết lại”. Hàng năm để ghi nhớ chiến công của nghĩa quân Tây Sơn cũng như ăn mừng chiến thắng được tổ chức ở làng Thượng Thọ xã Mỹ Thọ vào ngày mùng 8 và làng An Thái xã An Mỹ vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch.

3. Địa dư và tổ chức bộ máy hành chính thời Nguyễn và thời kỳ thuộc Pháp đô hộ

a. Địa dư và tổ chức bộ máy hành chính thời Nguyễn

Trước năm 1890, huyện Bình Lục thuộc phủ Lý Nhân. Năm 1831 khi Minh Mệnh triều Nguyễn cho thực hiện cuộc cải cách hành chính trên phạm vi cả nước, chia nước ta ra 31 tỉnh, tên gọi “tỉnh” bắt đầu từ đây. Lúc ấy, huyện Bình Lục, phủ Lý Nhân thuộc tỉnh Hà Nội[6].

Tổ chức bộmáy hành chính từ cấp tỉnh trở xuống ở thời kỳ chưa thuộc Pháp đô hộ (tức là tổ chức bộ máy hành chính phong kiến của Việt Nam) tuy cũng có lúc thay đổi ít nhiều nhưng nhìn chung về cơ bản là tương đối ổn định theo mô hình: Tỉnh, phủ - phân phủ, huyện, châu, tổng, xã.

TỈNH: Mỗi tỉnh tùy theo tầm quan trọng và quy mô lớn hay nhỏ mà đặt chức quan đứng đầu tỉnh, chẳng hạn tỉnh lớn hoặc tỉnh do gộp 2 tỉnh nhỏ vào mà thành, lại có vị trí quan trọng về kinh tế và quân sự thì đặt chức quan tổng đốc là người đứng đầu tỉnh như tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang...)  còn các tỉnh vừa (loại 2) thì đặt chức quan tuần phủ đứng đầu tỉnh, các tỉnh nhỏ thường đặt chức quan bố chính đứng đầu tỉnh. Tuy nhiên cá biệt cũng có những sự xếp đặt khác.

Quan tổng đốc cai trị trực tiếp quản lý giám sát chung mọi mặt trong tỉnh. Giúp việc cho viên đại quan này có một đề đốc (võ quan), một viên bố chính quản lý ngân khố, phụ trách thu thuế, thu tô, phụ trách bảo dưỡng đê điều.... Một viên án sát phụ trách xét xử án. Hai vị quan này thường được gọi tắt là quan Bố và quan Án. Hai vị quan này có nhiệm sở riêng được gọi là  ty, tơ, gồm có phiên ty, tức là nơi làm việc của quan Bố chính và Nghiết ty, tức là nơi làm việc của quan Án sát. Cùng với các quan trên, ở tỉnh còn có quan Đốc học phụ trách giáo dục, có linh đài lang là quan Chiêm tinh, Tự thừa là quan chủ trì các nghi lễ.

MÔ HÌNH  NHÂN SỰ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH CỦA TỈNH LỚN

Tổng đốc: Quan đứng đầu tỉnh

Đề đốc: Tướng (quan võ quân sự)

Bố chính sứ: Quan quản lý ngân khố của tỉnh

Án sát sứ: Quan phụ trách xét xử án 

Đốc học; Quan phụ trách giáo dục 

Linh đài lang: Quan chiêm tinh

Tự thừa: Quan chủ trì các nghi lễ

Địa chí huyện Bình Lục Bình Lục từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX
NaN

tùy theo tỉnh lớn nhỏ mà sắp xếp nhân sự.


MÔ HÌNH NHÂN SỰ HÀNH CHÍNH CỦA CÁC TỈNH VỪA VÀ NHỎ

Tuần phủ hoặc bố chính: Quan đứng đầu tỉnh 

Án sát: Quan phụ trách xét sử án 

Đốc học: Quan phụ trách giáo dục 

Linh đài lang: Quan chiêm tinh 

Tự thừa: Quan chủ trì các nghi lễ

Phiên Ty: Thông phán kinh lịch, bát phẩm thư lại,cửu phẩm thư lại, vị nhập lưu thư lại...

Nghiết Ty: Các thư lại (thường được gọi là đô lại).

Dưới tỉnh có phủ, phân phủ, huyện, châu, tổng, xã

PHỦ: Mỗi phủ có một tri phủ đứng đầu, đôi khi có thêm đồng tri phủ, (có thể hiểu như là phó tri phủ, giúp việc tri phủ). Ở phủ có nha môn là phòng xử án của mỗi phủ và gồm các nhân sự: Một lại mục thường gọi là đề lại. Bốn đến năm thư lại cùng một số lệ binh do một lệ mục chỉ huy. Ngoài ra còn có giáo thụ là quan trông coi việc học trong phủ thuộc hàng quan chánh thất phẩm.

PHÂN PHỦ: Phân phủ chính là một đơn vị được tách ra từ một phủ lớn, phần lớn hơn vẫn giữ tên gọi là phủ, phần mới tách ra nhỏ hơn gọi là phân phủ. Phân phủ cũng có một quan tri phủ cai trị và cơ cấu nhân sự cũng tương ứng nhân sự phủ chính.

HUYỆN: Mỗi huyện có một quan tri huyện đứng đầu và thông thường có một viên huyện thừa hoặc một lang biện là bậc quan giúp việc cho tri huyện theo sự vụ. Về nhân sự sự ở nha môn cấp huyện có cơ cấu tương tự như ở phủ nhưng với số lượng ít hơn. Mỗi huyện còn có một huấn đạo phụ trách giáo dục thuộc hàng chánh bát phẩm.

CHÂU: Châu tương đương với huyện nhưng ở địa bàn miền núi thì gọi là châu. Quan đứng đầu châu gọi là Tri châu. Cơ cấu tổ chức bộ máy và quyền hạn giống như cấp huyện.

TỔNG: Mỗi tổng gồm một số xã (thường là 10 xã), người đứng đầu tổng gọi là chánh tổng hay còn gọi là cai tổng, có sự giúp việc của một đến hai phó tổng. Chánh tổng do cử tri của tổng bầu ra và phải trải qua hai đến ba năm thử thách, sau đó mới được cấp tỉnh công nhận và xếp vào hàng cửu phẩm.

XÃ: Mỗi xã có một người đứng đầu gọi là lý trưởng hay còn gọi là xã trưởng, có từ 1 đến 2 phó lý giúp việc. Dưới còn có hương trưởng, trưởng bạ, thư ký, nhân viên lục lộ, tuần trưởng trông coi đồng ruộng. Các chức sắc từ lý trưởng trở xuống, đều do người địa phương bầu ra. Riêng lý trưởng phải được cấp tỉnh công nhận, còn các nhân sự khác do cấp dưới công nhận[7].

Đối với cấp xã thì hình thức chính quyền phổ biến ở Đồng bằng Bắc Bộ là một bộ máy quản lý gồm hai bộ phận, Hội đồng kỳ mục và chức dịch hay còn gọi là lý dịch. Đây là một loại hình chính quyền đặc biệt mang dấu ấn lịch sử của làng xã Việt Nam. Bộ phận thứ nhất gồm tiên chỉ, thứ chỉ và các kỳ mục. Bộ phận này nắm quyền phán quyết mọi việc trong làng, xã. Bộ phận thứ hai gồm lý trưởng phó lý và các dịch mục, có nhiệm vụ thực hiện các quyết định và ứng xử với chính quyền cấp trên[8].

Việc bầu cử lý trưởng, phó lý hay các hương trưởng, trương tuần rất phức tạp. Mỗi địa phương và mỗi thời gian có những chi tiết khác nhau nhưng về những nét lớn thì cơ bản là không thay đổi. Các lý dịch đều làm việc và có nhiệm kỳ từ hai, ba năm cho đến năm, sáu năm. Hết nhiệm kỳ mà không có sai sót gì lớn, thì được dự vào chân kỳ cựu, tức là được dự vào Hội đồng kỳ mục[9] 

Hình thức bầu cử lý dịch có thể hiểu: “Trong làng khi nào khuyết lý trưởng hay là phó lý, hương trưởng, quan sức về cho dân là phải bầu cử người khác thì dân làng hội họp tại đình, kén chọn lấy một người có giá trị vật lực và là người biết chữ bầu cử ra làm việc. Tiên thứ chỉ, kì mục và các bô lão đều phải ký vào đơn bầu, rồi mấy người kỳ mục dẫn người mới được bầu ấy đến trình quan phủ, huyện sở tại. Quan sở tại bằng lòng thì bẩm lên quan trên cấp bằng, triện cho lý trưởng hoặc phê chữ vào đơn bầu mà cấp cho phó lý, hương trưởng làm bằng, từ đó thì người được bầu mới ra ứng hành công việc”[10].

b.  Tổ chức bộ máy hành chính thời kỳ thuộc Pháp đô hộ

Từ sau năm 1890, khi phủ Lý Nhân tách ra khỏi Hà Nội để thành lập tỉnh Hà Nam và được mở rộng về phía Nam, phía Bắc ( tức là về phía Nam Định và Hà Nội) vì thế có người đã coi đây là cơ sở để đặt tên tỉnh Hà Nam. Lúc này bộ máy cai trị ở các tỉnh đã là một chính quyền bảo hộ hay thực chất là một chính quyền thuộc địa Pháp, nên cơ cấu tổ chức có những thay đổi theo hướng người Pháp thâu tóm quyền hành sâu rộng hơn.

Về hình thức, ở các tỉnh thì cơ cấu bộ máy cũ của người Việt vẫn được tồn tại như tổng đốc, tuần phủ, bố chính, tri phủ, tri huyện, tri châu, cai tổng, phó tổng, lý trưởng, phó lý. Nhưng bên trên bộ máy này người Pháp đặt ở các tỉnh các viên công sứ, phó công sứ là người Pháp, giúp việc các vị này có các văn phòng của tòa công sứ.

Công sứ Pháp, kiểm soát các việc quan lại trong tỉnh, có quyền đề nghị Nam triều thuyên chuyển quan lại và triều đình Huế không được từ chối. Công sứ còn kiểm soát việc thu và chi dùng tiền thuế, với sự giúp đỡ của quan Bố chính người Việt. Giúp việc công sứ là một khối các cơ quan văn phòng gọi chung là Tòa xứ, coi sóc các cơ quan chuyên trách như: kho bạc, thương chính, bưu điện, giao thông công chính, trước bạ, đạc điền, thú y, giáo dục, bệnh viện... Về tư pháp, công sứ xét xử các vụ liên quan đến người Âu với người Âu, người Âu với người Việt hoặc với người châu Á . Nếu có kháng án, thì phải kháng nghị ở tòa án Sài Gòn.

Bên cạnh tòa án Tây, chuyên xử các vụ chính trị đàn áp hoạt động chống Pháp, còn có Tòa án Nam xét xử những vụ hình sự thông thường 

Khi Hà Nam là một một đại lý trực thuộc tỉnh Nam Định trong 10 năm (1913 -1923), thì công sứ Nam Định chỉ đạo cả Đại lý Hà Nam. Đại lý là một cấp hành chính, nhỏ hơn tỉnh, nhưng lớn hơn phủ. Đại lý giống như một trung tâm hành chính nhưng dưới quyền cai trị của một viên sĩ quan Pháp toàn quyền mọi mặt[11].

_________________________

[1] Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng SĐD, tr 221-222

[2] Quỳnh Cư- Đỗ Đức Hùng- SĐD- trang 319

[3] Quốc sứ quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục tập II  trang 214  Địa chí Hà Nam  tr 285

[4] Đại cương Lịch sử Việt Nam toàn tập tái bản lần thứ 4 trang 446, Địa chí Hà Nam, tr 286

[5] Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ X đến năm 1858 - NXB- giáo dục. H 1998, tr93

[6] Quỳnh Cư - Đỗ Đức Hùng - SĐD - tr 357

[7] Phạm Văn Tuân - Bắc Kỳ tạp lục- NXB - Hội nhà văn H.2019, tr 152.153,154,156,157, 158,161. Đào Duy Anh - Việt Nam, văn hóa sử cương - NXB - thế giới - H-2014, tr 146.

[8] Địa chí Hà Nam - SĐD, tr 304

[9] Nguyễn Hồng Phong: Một số công trình nghiên cứu khoa học - xã hội và nhân văn NXB  Khoa học- Xã hội . H- 2005, tr151 

[10] Phan Kế Bính - Việt Nam phong tục - NXB - Văn Học - H- 2006, tr 132, 133

[11] Địa chí Hà Nam - SĐD - tr 304

Địa chí Huyện Bình Lục

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy