Phần I: Địa lý (Chương XXI)

Chương XXI

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH HÀ NAM TRONG THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẾN NĂM 2010

I. Mục tiêu và định hướng phát triển tổng quát

1.   Bối cảnh, lợi thế và cơ hội phát triển

Hiện nay và trong giai đoạn đến năm 2010, công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nam cũng như của cả nước diễn ra trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa và hội nhập quốc tế; trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật hiện đại và quá trình toàn cầu hoá, khu vực hoá diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

1.1.   Bối cảnh quốc tế

-    Xu hướng toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Xu hướng này sẽ làm tăng các mối quan hệ hợp tác, liên kết và giao lưu kinh tế giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ theo hướng đa dạng hoá, đa phương hoá, bình đẳng và cùng có lợi; hướng tới tự do hoá thương mại, mở rộng thị trường quốc tế và thị trường khu vực. Tuy nhiên, toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh hiện nay không đơn thuần là sự mở rộng mạng liên kết toàn cầu hay khu vực về sản xuất và thị trường hàng hoá, dịch vụ. Đây còn là quá trình gia tăng các mối liên kết và phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, các khu vực và vùng lãnh thổ cả về tài chính, tín dụng, đầu tư, và đặc biệt là về thể chế, cơ chế chính sách để đảm bảo cho sự dịch chuyển các luồng tài chính và đầu tư quốc tế. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam nói chung và tỉnh Hà Nam nói riêng trong quá trình mở cửa thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

-  Khoa học, công nghệ hiện đại đóng vai trò ngày càng quyết định trong các ngành sản xuất, dịch vụ. Hàm lượng chất xám và hàm lượng công nghệ kỹ thuật chiếm tỷ trọng cao trong giá trị hàng hoá và dịch vụ.

-  Áp lực cạnh tranh trong phát triển kinh tế ngày càng gay gắt, quyết liệt và diễn ra trên nhiều mặt. Áp lực này không chỉ diễn ra trên thị trường quốc tế mà ngay cả ở trong nước. Cạnh tranh cũng không chỉ diễn ra trên thị trường hàng hoá và dịch vụ mà cả trong lĩnh vực tài chính, đầu tư lẫn cạnh tranh về thể chế và cơ chế, chính sách giữa các quốc gia, khu vực cũng như trong mỗi quốc gia, khu vực.

-  Các quốc gia, khu vực đều hướng tới (và đặt ra mục tiêu) phát triển bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng nền kinh tế, gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết đói nghèo, việc làm, an sinh xã hội và tăng cường bảo vệ tài nguyên, môi trường.

1.2.   Bối cảnh và điều kiện trong nước

Sau thời kỳ đổi mới và chuyển sang kinh tế thị trường, nền kinh tế đất nước đã có những bước tiến quan trọng. Đặc biệt là từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (1996) và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (2001), nền kinh tế đất nước thực sự bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, với các mục tiêu và định hướng chiến lược là:

-  Nền kinh tế tăng trưởng nhanh, ổn định (7 - 7,5%/năm); cơ cấu kinh tế biến đổi theo hướng CNH (tỷ trọng nông nghiệp giảm, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng). Trong nền kinh tế đã và đang hình thành các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng và các ngành kinh tế mũi nhọn. Hiện nay, nền kinh tế đất nước đang hướng mạnh vào việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá trên thị trường trong nước và quốc tế.

-  Chủ động tham gia hội nhập quốc tế, mở cửa thị trường và tăng cường các quan hệ hợp tác quốc tế. Thị trường trong nước và thị trường quốc tế của Việt Nam ngày càng mở rộng. (Từ năm 1995 gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), 1998 gia nhập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và thực hiện các cam kết về lịch trình cắt giảm thuế quan của AFTA (CEPT- AFTA), cam kết đến năm 2006 sẽ căn bản cắt giảm thuế quan mậu dịch với các nước trong khu vực theo hiệp định; 2001 ký hiệp định thương mại Việt - Mỹ, có quan hệ kinh tế - thương mại với hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và đang chuẩn bị cho tiến trình gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)... Đây cũng là bối cảnh phát triển mới của nền kinh tế đất nước nói chung, trong đó có Hà Nam.

-   Thu nhập và đời sống của nhân dân đã có bước cải thiện và được nâng cao; tình trạng nghèo đói, thất nghiệp, thiếu việc làm từng bước được giải quyết. Các vấn đề về xã hội, môi trường và phát triển bền vững được quan tâm nhiều hơn. An ninh, quốc phòng được đảm bảo.

1.3.    Lợi thế và cơ hội phát triển của Hà Nam

-   Một là, Hà Nam nằm trong vùng ảnh hưởng của thủ đô Hà Nội và vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ (Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long). Dự báo trong giai đoạn 2001 đến 2010, tốc độ tăng trưởng ở vùng này có thể đạt khoảng 13 - 14%/năm. Trong vùng sẽ hình thành khoảng hơn 20 khu công nghiệp tập trung với diện tích từ 10 - 11 nghìn ha và hình thành chuỗi đô thị vệ tinh phía Tây - Tây Nam Hà Nội (từ Sơn Tây - Hoà Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn kéo dài đến Phủ Lý). Dân số của toàn vùng sẽ tăng lên và dân số đô thị tăng lên khoảng 4,5 triệu người. Sự phát triển nhanh của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của thủ đô Hà Nội sẽ có tác động cộng hưởng và “tác động lan toả” mạnh đến phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nam và các tỉnh khác trong vùng trên các mặt:

+ Tạo ra sự liên kết các thị trường và sự hội nhập của kinh tế Hà Nam vào thị trường trong vùng và cả nước. Điều này không chỉ tạo ra cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm, xi măng, đá và vật liệu xây dựng vốn được coi là thế mạnh phát triển của Hà Nam, mà còn mở ra cơ hội lớn cho việc phát triển thương mại, dịch vụ và phát triển thị trường nói chung trên địa bàn của tỉnh.

+ Sự phát triển và kết nối các hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại hoá và đồng bộ hoá (như hệ thống giao thông, điện, bưu điện - viễn thông, hệ thông tín dụng, ngân hàng và các hệ thống cung cấp dịch vụ hạ tầng công cộng khác). Sự thuận tiện về kết cấu hạ tầng và chi phí dịch vụ thấp sẽ là một thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cũng như cho việc thu hút đầu tư và nguồn lực từ bên ngoài của tỉnh.

+ Mở ra khả năng (và xu hướng) chuyển dịch các dòng vốn đầu tư, sự phát triển lan toả của các trung tâm kinh tế, thương mại với sự chuyển dịch của các cơ sở công nghiệp đến các vùng ngoại vi. Đồng thời với xu hướng này là quá trình chuyển giao công nghệ kỹ thuật, thu hút lao động nông nghiệp ở các vùng nông thôn sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và mở rộng khả năng khai thác các tài nguyên, nguồn lực trên toàn vùng.

+ Tạo ra sự giao lưu văn hoá, xã hội thúc đẩy nâng cao dân trí, văn hoá, giáo dục - đào tạo và các lĩnh vực xã hội khác.

Những tác động trên đây sẽ tạo cho Hà Nam khả năng, cơ hội và nguồn lực lớn hơn trong việc khai thác, phát huy các nguồn lực nội tại cũng như khai thác, thu hút các nguồn lực từ bên ngoài để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá và đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế xã hội của tỉnh.

Hai là, trong những năm đổi mới vừa qua và hiện nay, kinh tế - xã hội Hà Nam đã có bước phát triển quan trọng, tạo nền tảng và tạo đà cho Hà Nam phát triển trong giai đoạn tới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Các điều kiện về kết cấu hạ tầng, về giao lưu kinh tế, văn hoá, về thương mại và thị trường... của tỉnh khá phát triển, cho phép Hà Nam có thể tiếp cận và hội nhập mạnh mẽ với sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.

Ba là, các thể chế, chính sách kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục được đổi mới, tăng cường, tạo môi trường thông thoáng và thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đảng bộ, các cấp chính quyền, hệ thống chính trị, đoàn thể xã hội và nhân dân trong tỉnh có những nỗ lực, quyết tâm to lớn trong việc xây dựng và phát triển quê hương Hà Nam ngày một giàu mạnh.

Một góc dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, KCN Đồng Văn II (Duy Tiên). Ảnh: Khương Doanh

2.   Những trở ngại, thách thức

Bên cạnh những lợi thế và cơ hội phát triển trên đây, bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, sự phát triển kinh tế xã hội của Hà Nam cũng đứng trước không ít khó khăn, trở ngại.

Một là, kinh tế xã hội của Hà Nam trong thời kỳ đổi mới tuy đã có bước phát triển, song cơ bản vẫn là một nền kinh tế nặng về nông nghiệp; cơ cấu kinh tế biến đổi chậm; GDP bình quân đầu người thấp hơn so với cả nước và của nhiều tỉnh trong vùng; khả năng tích luỹ, đầu tư từ nội bộ nền kinh tế của tỉnh còn nhiều hạn chế; tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn cao. Điều này cho thấy, điểm xuất phát của nền kinh tế xã hội Hà Nam khi bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH còn nhiều hạn chế so với các tỉnh trong vùng và cả nước.

Hai là, khả năng thu hút đầu tư và nguồn lực từ bên ngoài vẫn còn nhiều hạn chế. Bên cạnh những khó khăn về quảng bá và xúc tiến đầu tư, Hà Nam (cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước) vẫn còn có những trở ngại nhất định về cải cách thể chế hành chính, về liên kết, phối hợp với các tỉnh trong vùng trong lĩnh vực xúc tiến và kêu gọi đầu tư.

Ba là, tỷ lệ đô thị hoá còn thấp; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở một số vùng nông thôn, nhất là ở các xã vùng đồi núi phía Tây, các xã vùng xa trung tâm của tỉnh hiện còn nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất và trang bị kỹ thuật của nhiều cơ sở sản xuất, dịch vụ còn lạc hậu, chậm được đổi mới theo hướng hiện đại hoá.

Bốn là, thu nhập, mức sống và điều kiện sống của một bộ phận dân cư trong tỉnh còn thấp. Khả năng tiết kiệm và đầu tư của dân cư còn hạn chế, nhất là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.

3. Mục tiêu và định hướng phat triển tổng quát

Năm 1997, ngay sau khi tái lập tỉnh, UBND tỉnh Hà Nam đã phối hợp với các Bộ, ngành ở Trung ương, chỉ đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư và các Sở, ngành, địa phương trong tỉnh tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội của tỉnh và xây dựng “Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Nam đến năm 2010”. Quy hoạch này đã được Bộ Kế hoạch - Đầu tư phê duyệt ngày 22 tháng 11 năm 1997 và Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam phê duyệt ngày 6 tháng 12 cùng năm (1997). Quy hoạch đã xác định các mục tiêu, phương hướng chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2010 và những năm tiếp sau.

Năm 2000, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XVI đề ra mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2001 - 2010 là: “Ra sức phát huy nội lực, đi đôi với tranh thủ thu hút, khai thác tốt các nguồn lực bên ngoài để đầu tư phát triển, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, vững chắc; phấn đấu tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh. Tận dụng mọi cơ hội khai thác thị trường Hà Nội và hoà nhập vào quá trình phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Kết hợp hài hoà mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, cải thiện và nâng cao mức sống của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh”. (Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XVI, 12/2000).

Theo đó, các mục tiêu chủ yếu, có tính tổng quát về phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010 được xác định (trong nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ) là:

-  Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 13,3%/ năm;

-  GDP bình quân đầu người đạt khoảng 9.175 nghìn đồng vào năm 2010, tăng hơn 3 lần so với năm 2000;

-  Tỷ lệ huy động ngân sách từ GDP đạt khoảng 17%/năm trong cả giai đoạn;

-  Tỷ lệ tích luỹ đầu tư từ GDP đạt khoảng 18%/năm trong cả giai đoạn.

-  Tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2010 đạt 30%.

-  Đến năm 2010, căn bản không còn hộ nghèo, người nghèo; giảm tối đa số người thiếu và chưa có việc làm; cải thiện một bước quan trọng đời sống vật chất, văn hoá, xã hội của nhân dân; giảm tỷ lệ gia tăng dân số xuống còn khoảng 1,1%/năm trong giai đoạn đến 2010 và cơ bản xoá bỏ các tệ nạn xã hội; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống dưới 15% (vào năm 2010); đảm bảo ổn định chính trị, xã hội và đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh trong tỉnh.

-  Các ngành và lĩnh vực kinh tế phát triển nhanh, vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung phát triển các lĩnh vực kết cấu hạ tầng then chốt, các ngành và vùng kinh tế động lực, mũi nhọn có tác động quan trọng đến phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh.

Để đạt được các mục tiêu nói trên, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng đưa ra các dự báo có tính định hướng về chuyển dịch cơ cấu các ngành và lĩnh vực kinh tế trên địa bàn tỉnh đến năm 2010. Theo đó, đến năm 2010, tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trong GDP sẽ giảm từ 41,3% năm 2000 xuống còn khoảng 16,3%; tỷ trọng công nghiệp và xây dựng tăng nhanh, từ 28,5% năm 2000 lên 42,0% và tỷ trọng các ngành dịch vụ tăng từ 30,2% lên 41,7% vào năm 2010.

Đến năm 2010, nền kinh tế của Hà Nam sẽ cơ bản hình thành cơ cấu: Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp.

Biểu 52. Dự báo chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh Hà Nam đến năm 2010

Đơn vị tính %.

2000

2002

2005

2010

Tổng GDP

- Nông, lâm nghiệp - Thuỷ sản

- Công nghiệp & Xây dựng

- Các ngành dịch vụ

100,0

39,3

28,9

31,8

100,0

36,0

32,4

31,6

100,0

32.0

34.0

34.0

100,0

16,3

42,0

41,7

Nguồn: - Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Nam đến năm 2010;

- Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XVI.

- Niên giám thống kê tỉnh Hà Nam 2002.

 

II.     ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN các ngành và lĩnh vực KINH TẾ - XÃ HỘI CHỦ YÊU

1.    Định hướng phát triển nông - lâm nghiệp và thuỷ sản

Trong giai đoạn đến năm 2010, nông nghiệp (bao gồm cả lâm nghiệp và thuỷ sản) vẫn là lĩnh vực kinh tế quan trọng của tỉnh Hà Nam. Mặc dù tỷ trọng của các ngành này trong cơ cấu GDP nền kinh tế của tỉnh có xu hướng giảm và có thể chỉ còn chiếm khoảng dưới 20%, song đây vẫn là lĩnh vực thu hút lực lượng lao động đông đảo ở nông thôn, tạo ra khối lượng lương thực, thực phẩm và nông sản hàng hoá lớn phục vụ cho nhu cầu của dân cư trong tỉnh, của thị trường trong nước và cho xuất khẩu.

Phương hướng phát triển chung của ngành nông - lâm nghiệp và thuỷ sản Hà Nam trong giai đoạn đến năm 2010 là tiếp tục đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trên địa bàn, đồng thời chuyển mạnh sang sản xuất kinh doanh hàng hoá đáp ứng nhu cầu thị trường. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động và đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sản xuất theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển nền nông nghiệp sinh thái bền vững. Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của sản xuất kinh doanh nông nghiệp và nâng cao sức cạnh tranh của nông sản hàng hoá nói chung của tỉnh trên thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.

Theo đó, tỉnh và các sở ngành chức năng, các địa phương tiếp tục rà soát lại quy hoạch, tăng cường đầu tư nâng cấp hệ thống thuỷ lợi, thuỷ nông; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân tập trung đất đai, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh hàng hoá. Chuyển phần lớn diện tích lúa hiện nay sang sản xuất các loại giống lúa có chất lượng sản phẩm và giá trị thị trường cao, phù hợp với nhu cầu thị trường và xuất khẩu. Đồng thời với chuyển đổi cơ cấu lúa, Hà Nam tiếp tục khuyến khích và thúc đẩy phát triển các loại cây công nghiệp hàng năm, rau đậu thực phẩm, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản để cung cấp cho thị trường tại chỗ, thị trường Hà Nội và các tỉnh thành khác. Khuyến khích phát triển một số loại cây trồng, vật nuôi đặc sản của địa phương (chuối ngự Đại Hoàng, bưởi Hồng Lý, quýt Văn Lý, hồng Nhân Hậu, mơ Kim Bảng, ong mật, dê núi ở các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm,...).

Khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế hộ theo hướng kinh tế trang trại sản xuất kinh doanh hàng hoá (cả trong trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, lẫn nuôi trồng thuỷ sản); khuyến khích và hỗ trợ chuyển giao công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân tiếp cận các nguồn vốn, tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Tiếp tục đổi mới hoạt động của các HTX nông nghiệp theo hướng phát triển HTX dịch vụ kinh doanh tổng hợp theo cơ chế thị trường. Nâng cao năng lực của các HTX trong hoạt động dịch vụ khuyến nông, chuyển giao công nghệ kỹ thuật, dịch vụ thú y, phòng trừ dịch bệnh và các dịch vụ thị trường phục vụ cho sản xuất kinh doanh của các hộ xã viên và hộ sản xuất kinh doanh nói chung ở các địa phương trong tỉnh.

2.   Định hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng

Trong giai đoạn đến 2010 và những năm tiếp theo, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp sẽ là trọng tâm đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trở thành động lực thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo dự báo của các nhà quy hoạch, giai đoạn 2001- 2010 tốc độ tăng trưởng công nghiệp nói chung có thể đạt khoảng 20%/năm và thu hút, sử dụng khoảng 58 - 60 nghìn lao động.

Trong đó, tập trung vào phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế về nguyên liệu, có khả năng thu hút nhiều lao động tại chỗ, với quy mô sản xuất và trình độ công nghệ thích hợp như: sản xuất xi măng, đá, gạch ngói và các loại vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông - lâm sản, thực phẩm,... Đồng thời phát triển mạnh các ngành công nghiệp gia công, lắp ráp cơ khí, điện tử, sản xuất hàng tiêu dùng theo hướng hiện đại phù hợp với nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của thị trường. Định hướng phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp chủ yếu của tỉnh, có thể bao gồm:

Phát triển công nghiệp sản xuất xi măng. Phát huy hết công suất của các cơ sở sản xuất hiện nay (khoảng 1,4 triệu tấn/năm, đến năm 2000 mới sản xuất được 815 nghìn tấn), xây dựng mới và nâng cấp công suất một số nhà máy xi măng trên địa bàn để có thể sản xuất 3,8 - 4 triệu tấn xi măng/năm vào năm 2010 và những năm tiếp sau.

Sản xuất đá xây dựng và bột nhẹ là một thế mạnh của Hà Nam so với các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có hàng chục cơ sở khai thác, chế biến đá xây dựng (của tỉnh, của các ngành ở Trung ương và các cơ sở tư nhân), với sản lượng sản xuất khoảng 1,2 - 1,4 triệu mét khối mỗi năm. Năm 2002, sản lượng đá khai thác đạt 1,43 triệu tấn; sản lượng bột nhẹ đạt trên 27,7 nghìn tấn. Theo tính toán của các nhà quy hoạch, năng lực sản xuất này có thể chỉ mới đáp ứng khoảng 20% nhu cầu đá xây dựng của Hà Nam và các tỉnh trong vùng vào năm 2010. Do đó, triển vọng phát triển của ngành này còn rất lớn. Trong giai đoạn tới, đồng thời với việc mở rộng quy mô, nâng cao công suất và năng lực sản xuất của các cơ sở hiện có, Hà Nam có thể đầu tư xây dựng (dưới nhiều hình thức, quy mô) các cơ sở khai thác, chế biến đá xây dựng cung cấp cho nhu cầu trong tỉnh và trong vùng.

Sản xuất gạch ngói và vật liệu xây lợp. Hiện nay, các cơ sở sản xuất gạch ngói của Hà Nam đã sản xuất hàng trăm triệu viên gạch, ngói mỗi năm. Năm 2002, sản lượng gạch đạt trên 205,8 triệu viên; ngói đạt gần 2,53 triệu viên. Trong giai đoạn đến năm 2010, nhu cầu về ngạch ngói xây dựng là rất lớn. Đây là thuận lợi cho phát triển ngành sản xuất này. Ngoài việc khai thác các năng lực hiện có thì việc tăng cường đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất là hết sức cần thiết để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành và giảm thiểu tác hại môi trường của các cơ sở sản xuất gạch ngói. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư xây dựng các lò tuy-nen công suất nhỏ (5 - 10 triệu viên/năm), đồng thời khuyến khích các cơ sở phát triển sản xuất gạch ngói không nung, theo công nghệ tiên tiến. Đây là hướng phát triển mới mở ra cho ngành sản xuất gạch ngói của Hà Nam, mà theo dự báo đến năm 2010, sản lượng gạch không nung có thể chiếm tới 50% sản lượng gạch được sản xuất ra trên địa bàn tỉnh.

Phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm. Các ngành công nghiệp này hiện mới chiếm khoảng 7% trong cơ cấu GDP công nghiệp nói chung của tỉnh. Năm 2002, xay xát gạo, ngô đã đạt 253 nghìn tấn; chế biến lương thực (miến, bún, bánh các loại) đạt trên 2.931 tấn; sản xuất bia đạt trên 7,25 triệu lít... Trong giai đoạn đến năm 2010, cùng với xu hướng đa dạng hoá và chuyên môn hoá theo hướng sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp thì các ngành chế biến nông sản, thực phẩm cần được phát triển mạnh mẽ hơn cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Trong đó, tập trung phát triển các cơ sở xay xát chế biến gạo, ngô, hoa màu, chế biến hoa quả, thịt lợn, rau quả thực phẩm, mía đường, bánh kẹo và chế biến thức ăn gia súc, gia cầm. Hình thành một số ngành công nghiệp chế biến trọng điểm, mũi nhọn với công nghệ kỹ thuật hiện đại, tạo ra sản phẩm chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu (chẳng hạn như chế biến thịt lợn, dê, chế biến hoa quả, làm bún, bánh đa nem,...).

Phát triển công nghiệp gia công, cơ khí, lắp ráp điện tử. Năm 2000 nhóm ngành công nghiệp này mới chiếm một tỷ trọng nhỏ (khoảng 2%) trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Trong khi đó, nhu cầu về sản xuất, sửa chữa công cụ sản xuất cơ giới cũng như nhu cầu tiêu dùng hàng cơ khí, điện tử, hàng gia công công nghiệp của nhân dân ngày càng có xu hướng tăng cao. Trong khi đó, theo quy hoạch của ngành công nghiệp đến năm 2010 ở vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ sẽ hình thành khoảng 20 khu công nghiệp tập trung. Sự phát triển các cơ sở công nghiệp gia công, cơ khí, lắp ráp ở Hà Nam có thể mở ra theo hướng liên doanh, liên kết, hình thành mạng lưới vệ tinh cho các khu công nghiệp tập trung, các cơ sở công nghiệp ở các thành phố lớn trong vùng. Nhưng để phát triển các ngành công nghiệp này, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị về nguồn nhân lực với việc tăng cường đào tạo nghề và mở rộng các ngành nghề đào tạo cho lao động trong tỉnh.

Phát triển các ngành công nghiệp dệt, da, may mặc. Đây là các ngành công nghiệp thu hút nhiều lao động tại chỗ và hiện đang tạo ra khoảng 10% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Năm 2002, các ngành này đã sản xuất được trên 4,5 triệu mét vải lụa thành phẩm, 29,3 tấn tơ tằm, hơn 1,9 triệu mét vải màn, sợi bông; 511 nghìn khăn mặt, 31,6 nghìn bộ hàng thêu, 14,1 nghìn mét vuông hàng ren và 2,48 triệu sản phẩm may mặc sẵn. Xu hướng phát triển các ngành này là mở rộng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài trong việc gia công sản phẩm, cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Dự báo đến năm 2010, các cơ sở công nghiệp dệt, may mặc ở Hà Nam có thể sản xuất 9-10 triệu mét vải, lụa các loại, 80 tấn tơ tằm và khoảng 2,5 - 3 triệu khăn mặt/năm. Việc phát triển công nghiệp dệt may cũng đòi hỏi phải có sự đầu tư thiết bị công nghệ theo hướng hiện đại và đào tạo lao động có trình độ tay nghề cao.

-    Tiếp tục phát triển mạnh các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ theo hướng sản xuất xuất khẩu, thu hút nhiều lao động và sử dụng nguyên liệu tại chỗ. Khôi phục và phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống theo hướng xây dựng, hình thành các cụm công nghiệp tập trung tại các xã, làng nghề gắn với quy hoạch bảo vệ môi trường và thúc đẩy đô thị hoá. Trong đó, phát triển mạnh các nghề tiểu thủ công nghiệp có triển vọng mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu như dệt lụa, tơ tằm, làm đồ gỗ, mây tre đan ở 2 huyện Duy Tiên, Kim Bảng, thêu ren ở huyện Thanh Liêm, thị xã Phủ Lý, làm đồ sừng ở huyện Bình Lục, chế biến lương thực, thực phẩm ở các huyện Bình Lục, Lý Nhân, Duy Tiên, gốm sứ ở huyện Kim Bảng...

3.  Định hướng phát triển các ngành dịch vụ

Định hướng phát triển chung của các ngành này đến năm 2010 là đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 15%/năm và tăng nhanh tỷ trọng đóng góp trong cơ cấu GDP của tỉnh, từ 31,8% năm 2000 lên 34% vào năm 2005 và chiếm khoảng 41,7% vào năm 2010.

3.1.   Định hướng phát triển thương mại

Để định hướng và tổ chức phát triển thương mại trên địa bàn, từ năm 2001, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, đồng thời căn cứ vào Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Nam đến năm 2010, Sở Thương mại - Du lịch đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Thương mại) và các Sở, ngành của tỉnh nghiên cứu xây dựng Dự án “Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Hà Nam đến năm 2010”.

Theo đó, mục tiêu phát triển thương mại của tỉnh là: đạt tốc độ tăng trưởng GDP thương mại 8,5%/năm trong giai đoạn 2001-2005 và 8,7%/năm trong giai đoạn 2006 - 2010; tổng mức bán lẻ hàng hoá xã hội trên địa bàn tăng tương ứng trong các giai đoạn trên là 18,8% và 15,2%/năm; mức bán lẻ hàng hoá xã hội bình quân đầu người của tỉnh tăng từ 1,6 triệu đồng năm 2000 lên 3,6 triệu đồng năm 2005 và đạt khoảng 6,9 triệu đồng vào năm 2010 (gấp hơn 4,3 lần so với năm 2000). Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng từ 11,8%/năm giai đoạn 2001 - 2005 lên 13,7%/năm giai đoạn 2006 - 2010.

Tập trung khai thác và tiếp cận thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của địa phương để hình thành các kênh thương mại ổn định, lâu dài; tiếp tục đổi mới cơ chế, đa dạng hoá các thành phần và loại hình kinh doanh thương mại; phát triển mạng lưới và tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật của ngành thương mại nói chung trên địa bàn của tỉnh.

Hà Nam sẽ tập trung phát triển các trung tâm thương mại gắn liền với phát triển các khu công nghiệp, thị trấn, thị tứ, huyện lỵ; phát triển mạng lưới chợ và mạng lưới thu mua, bán buôn, bán lẻ rộng khắp trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường khả năng giao lưu thương mại hướng ngoại của các thị trấn, thị tứ, huyện lỵ và các chợ. Trong giai đoạn đến năm 2010 sẽ mở rộng và nâng cấp phần lớn các chợ hiện có; xây dựng mới một chợ đầu mối ở thị xã Phủ Lý và hình thành các trung tâm, cụm thương mại - dịch vụ tổng hợp như:

-  Trung tâm thương mại thị xã Phủ Lý;

-  Cụm thương mại thị trấn Kiện Khê (huyện Thanh Liêm);

-  Cụm thương mại thị trấn Bình Mỹ (huyện Bình Lục);

-  Cụm thương mại thị trấn Hoà Mạc và Cụm thương mại thị trấn Đồng Văn (huyện Duy Tiên);

-  Cụm thương mại thị trấn Vĩnh Trụ (huyện Lý Nhân);

-  Cụm thương mại huyện Kim Bảng, xây dựng tại huyện lỵ.

Tiếp tục đổi mới các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, khuyến khích các cơ sở thương mại tư nhân mở rộng phạm vi và quy mô kinh doanh, hình thành hoặc chuyển sang các loại hình doanh nghiệp (doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty TNHH,...). Khuyến khích và tạo thuận lợi cho các cơ sở, doanh nghiệp thương mại nói chung mở rộng giao lưu trao đổi với bên ngoài, tiếp cận thị trường ngoài nước, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm hàng hoá của tỉnh.

Đối với phát triển thương mại xuất - nhập khẩu, hướng phát triển của Hà Nam là đa dạng hoá các mặt hàng xuất khẩu, đồng thời hướng trọng tâm vào một số nhóm mặt hàng xuất khẩu chính của tỉnh như: hàng nông - lâm, thuỷ sản, hàng thủ công mỹ nghệ, dệt, may mặc,... Tăng nhanh kim ngạch và tỷ trọng xuất khẩu trong GDP của tỉnh (từ khoảng 3% năm 2000 lên khoảng 7% vào năm 2010), với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2001 - 2010 đạt 22 - 25%/ năm. Dự báo cơ cấu giá trị xuất khẩu của tỉnh đến năm 2010 sẽ bao gồm: nhóm hàng nông - lâm, thuỷ sản chế biến chiếm 50% - 60%; nhóm hàng dệt, da, may mặc, tơ tằm chiếm khoảng 30 - 35%; các mặt hàng xuất khẩu khác chiếm 5 - 10%.

3.2.   Định hướng phát triển du lịch

Căn cứ vào tiềm năng và nguồn lực phát triển du lịch của tỉnh, đồng thời căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nam và định hướng chiến lược phát triển tổng thể du lịch Việt Nam thời kỳ 2000 - 2010, ngành Du lịch Hà Nam xây dựng định hướng phát triển của ngành thời kỳ 2000 - 2010 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 thu hút khoảng 120.000 lượt khách mỗi năm; doanh thu toàn ngành đạt khoảng 50 tỷ đồng/năm. Phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng trên địa bàn.

Để đạt được mục tiêu trên, định hướng phát triển của ngành du lịch Hà Nam tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

-  Mở rộng mạng lưới kinh doanh du lịch trên cơ sở xã hội hoá các hoạt động kinh doanh trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế (trong và ngoài tỉnh) tham gia đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực du lịch; từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ và cơ sở vật chất kỹ thuật theo hướng hiện đại.

-  Phát triển một số loại hình du lịch có tiềm năng và lợi thế như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hoá, lễ hội, thể thao, du lịch quá cảnh, du lịch danh thắng và du lịch làng nghề nông thôn,... Đa dạng hoá các sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách.

-  Đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực du lịch, đảm bảo đủ về số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ nhân viên và lực lượng nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch và khả năng cạnh tranh của du lịch Hà Nam trên thị trường khu vực.

-  Tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng ở các điểm, khu du lịch trọng điểm đã được quy hoạch chi tiết theo hướng phát triển du lịch hiện đại và bền vững như: khu du lịch Ngũ Động Sơn, khu du lịch sinh thái hồ Tam Chúc, khu du lịch Bến Thuỷ, điểm du lịch đền Trần Thương, chùa Long Đọi Sơn, đền Lảnh, điểm du lịch làng nghề An Hoà, Hoà Ngãi,...

-  Phát triển tuyến du lịch sông Đáy đi chùa Hương và các điểm du lịch bằng đường thuỷ ở Hà Nam như Kẽm Trống, Non Tiên (xã Thanh Hải), cảnh quan ngã ba sông ở Phủ Lý,... Kết hợp phát triển du lịch đường thuỷ với các loại hình du lịch khác.

-  Mở rộng và tăng cường liên doanh, liên kết, phối hợp với các tỉnh, thành trong vùng (như Hà Nội, Hà Tây, Nam Định, Ninh Bình,...) để phát triển các tuyến, tour du lịch với không gian du lịch rộng mở hơn, sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú và hấp dẫn hơn.

3.3.   Định hướng phát triển giao thông vận tải, bưu điện - viễn thông

Theo quy hoạch của tỉnh, trong giai đoạn 2001 đến 2010 tính phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để tiếp tục nâng cấp và mở rộng tuyến quốc lộ 1A trên địa bàn tỉnh Hà Nam đạt tiêu chuẩn cấp II, đường đối với 4 làn xe chạy 1 chiều (như đoạn từ Hà Nội đến Cầu Giẽ hiện nay). Chuyển đoạn quốc lộ 1A và đường sắt ra ngoài thị xã Phủ Lý về phía đông (từ Ba Đa qua Đình Mễ nối với đường 971 ra đường 21A ở Bằng Khê và theo đường 971 đến nút giao thông giao thông quốc lộ 1A phía dưới thị xã). Xây dựng ga đường sắt mới theo tuyến đường sắt dịch chuyển. Tuyến đường sắt chuyên dụng vào khu công nghiệp Bút Sơn - Kiện Khê sẽ được nối với ga đường sắt mới qua cầu Đọ Xá.

Các tuyến quốc lộ 21A, 21B sẽ được nâng cấp, mở rộng thành đường cấp III đồng bằng (lộ giới rộng 22m). Cùng với việc xây dựng cầu Yên Lệnh, các tuyến đường 38 và 60B nối quốc lộ 1A tại Đồng Văn với quốc lộ 39 (qua Hưng Yên đến quốc lộ 5 đi Hải Phòng) sẽ được cải tạo, nâng cấp thành quốc lộ (lộ giới rộng 22m). Các tuyến tỉnh lộ còn lại sẽ được nhựa hoá toàn bộ, trong đó có 70% đạt tiêu chuẩn đường giao thông cấp III đồng bằng; 30% đường tỉnh lộ còn lại và 100% đường cấp huyện được nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp IV và toàn bộ các đường xã, liên xã sẽ được nhựa hoá, đạt tiêu chuẩn đường cấp V đồng bằng. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn, bê tông hoá toàn bộ đường làng, ngõ xóm và rải lát đá toàn bộ đường ra đồng ruộng.

Về giao thông vận tải thuỷ, sẽ cải tạo, khai thông tất cả các tuyến đường sông nội hạt nối với sông Đáy và sông Hồng, tạo thành mạng lưới giao thông đường thuỷ khép kín, liên hoàn, có thể vận tải lưu thông hàng hoá (nhất là than, đá, xi măng, vật liệu xây dựng, vật tư phân bón, hàng nông sản,...) một cách thuận lợi trong nội tỉnh cũng như với các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh lân cận ở đồng bằng sông Hồng.

Trong giai đoạn 2000 - 2010, dự kiến sẽ xây dựng và kiên cố hoá toàn bộ các cầu, cống giao thông trên các tuyến, cầu vượt đường sắt tại Ba Đa, cầu thay thế đập trên các tuyến đường sông như đập Vĩnh Trụ, đập Trung, đập Phúc, cầu Bồng Lạng, cầu Kiện Khê... Xây dựng các cảng sông lớn tại Như Trác và Đọ Xá (mỗi cảng có công suất bốc dỡ khoảng 800.000 tấn/năm) và một số bến bãi vận tải đường sông khác như bến Vĩnh Trụ, bến Điệp Sơn, An Bài,... Chuyển bến xe khách trung tâm thị xã Phủ Lý ra ngoại vi thị xã, xuống phía nam, dưới ngã ba Hồng Phú và mở rộng quy mô vận chuyển khách của bến xe lên 1 triệu lượt khách/năm), bến xe Vĩnh Trụ, Hoà Mạc (mỗi bến vận chuyển 300.000 lượt khách/năm), bến xe Quế và một số bến tại các huyện lỵ, thị trấn khác.

Đối với lĩnh vực bưu chính, viễn thông, hướng phát triển của tỉnh là tiếp tục mở rộng mạng lưới đi đôi với hiện đại hoá công nghệ kỹ thuật, đảm bảo phục vụ mọi nhu cầu thông tin, liên lạc, bưu điện trong tỉnh, liên tỉnh và quốc tế, với chất lượng dịch vụ ngày càng cao. Đẩy mạnh phát triển mạng lưới dịch vụ bưu chính, viễn thông, thông tin liên lạc đến các vùng nông thôn và kết hợp với các dịch vụ khác như tín dụng, ngân hàng, thông tin kinh tế - xã hội và các dịch vụ văn hoá thông qua mạng lưới bưu điện, viễn thông ở cơ sở. Đến năm 2010, mạng lưới bưu chính - viễn thông của Hà Nam đạt trình độ phát triển chung của cả nước.

3.4.   Phát triển các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và dịch vụ khác

Trong giai đoạn đến năm 2010, hướng phát triển các lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh Hà Nam là hết sức quan trọng, vừa phải đảm bảo được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của ngành đồng thời phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng của tỉnh. Đảm bảo khai thác triệt để các nguồn thu ngân sách và huy động cao nhất các nguồn vốn tín dụng trên địa bàn, quản lý và giám sát chặt chẽ đầu tư ngân sách, đầu tư tín dụng; chống lãng phí, thất thoát vốn đầu tư, tài sản của Nhà nước; đáp ứng nhu cầu tín dụng vốn của mọi tổ chức, cá nhân, mọi thành phần kinh tế xã hội trên địa bàn, đồng thời góp phần ổn định, lành mạnh hoá thị trường tiền tệ, tín dụng và đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục mở rộng mạng lưới và đổi mới cơ chế, phương thức hoạt động của các tổ chức tín dụng, ngân hàng tạo thuận lợi cho các hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh ở khu vực nông nghiệp, nông thôn tiếp cận các nguồn vốn và có cơ hội vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đẩy mạnh phân cấp trong hệ thống quản lý ngân sách; mở rộng quyền chủ động kinh doanh của các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn đồng thời với việc tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, viên chức trong các ngành này ở Hà Nam.

4.   Định hướng phát triển các lĩnh vực xã hội

Định hướng tổng quát phát triển các lĩnh vực xã hội của Hà Nam đến năm 2010 là phát triển toàn diện, hướng tới công bằng, dân chủ, văn minh và hiện đại nhưng vẫn giữ được truyền thống và bản sắc dân tộc. Phát triển giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao dân trí, văn hoá, tạo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Phát triển y tế và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, tăng tuổi thọ của người dân và ngăn chặn, loại trừ các dịch bệnh xã hội; phát triển các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục thể thao để nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân. Đến năm 2010 sẽ cơ bản giải quyết việc làm và xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập của dân cư, đồng thời với phát triển các hệ thống an sinh xã hội, an sinh cộng đồng.

4.1.  Phát triển giáo dục và đào tạo

Phát triển giáo dục và đào tạo là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của Hà Nam trong thập niên đầu thế kỷ XXI. Hướng phát triển của lĩnh vực này là đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục và đào tạo, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, mở rộng hệ thống hướng nghiệp, dạy nghề, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao dân trí và trình độ chuyên môn, kỹ thuật của người lao động.

Mục tiêu của ngành giáo dục - đào tạo Hà Nam đến năm 2010 là 100% trẻ em đến tuổi mẫu giáo đều được đến lớp, 100% trẻ em được phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, 70% học sinh được học cấp phổ thông trung học, 100% học sinh cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông được học nghề, đào tạo nghề. Chuẩn hoá cơ sở trường, lớp và đội ngũ giáo viên. Đến năm 2010 sẽ có 100% giáo viên cao đẳng sư phạm có trình độ đại học trở lên; 100% giáo viên trung học phổ thông có trình độ đại học, trong đó có 20% thạc sĩ trở lên; 100% giáo viên trung học cơ sở có trình độ cao đẳng, 30% có trình độ đại học trở lên; 100% giáo viên tiểu học có trình độ cao đẳng, 10% có trình độ đại học trở lên.

Xây dựng cơ sở trường, lớp học đạt chuẩn hoá quốc gia, tăng cường trang bị theo hướng hiện đại hoá thiết bị dạy học và đào tạo nghề. Có 100% các trường phổ thông trung học và 70% các trường tiểu học, phổ thông cơ sở được xây dựng nhà cao tầng. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, bậc học, đặc biệt là ở các cơ sở hướng nghiệp, dạy nghề; tăng cường đào tạo và đào tạo lại đội ngũ lao động chuyên môn, kỹ thuật, đội ngũ cán bộ quản lý của các cấp, ngành, cơ sở sản xuất kinh doanh. Thực hiện xã hội hoá giáo dục - đào tạo trên cơ sở phát huy truyền thống hiếu học của nhân dân và cộng đồng dân cư trong tỉnh, đa dạng hoá các hình thức giáo dục - đào tạo; mở rộng hệ thống; giáo dục - đào tạo bán công, dân lập và đào tạo nghề tại các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Để đạt được các mục tiêu định hướng nói trên, đòi hỏi phải tăng cường đầu tư ngân sách của tỉnh và hỗ trợ đầu tư của Nhà nước cho giáo dục - đào tạo trên địa bàn, đồng thời huy động các nguồn lực đóng góp của nhân dân, của các tổ chức kinh tế - xã hội trong và ngoài tỉnh dưới nhiều hình thức.

4.2.  Phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Định hướng phát triển lĩnh vực này đến năm 2010 là tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ của nhân dân đồng thời với việc phát triển mạng lưới và từng bước nâng cấp, hiện đại hoá các cơ sở bệnh viện, trung tâm y tế, trạm xá, nhà hộ sinh, cơ sở điều dưỡng và chăm sóc sức khoẻ, đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời nhu cầu về dịch vụ y tế, khám chữa bệnh, kế hoạch hoá gia đình và chăm sóc sức khoẻ của nhân dân trong tỉnh.

4.3.  Giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, mức sống và điều kiện sống của nhân dân

Theo điều tra dân số năm 1999, dân số trung bình của Hà Nam có hơn 799,8 nghìn người; lao động trong độ tuổi có khả năng lao động có khoảng 361 nghìn người. Dự báo đến năm 2010, dân số trung bình của Hà Nam sẽ có khoảng 880 - 890 nghìn người (tăng 80 - 90 nghìn người so với năm 1999); tổng số lao động trong độ tuổi có khả năng lao động và cần có việc làm là khoảng 457 nghìn người (tăng hơn 90 nghìn người so với năm 1999).

Mục tiêu của Hà Nam đến năm 2010 là trên cơ sở thúc đẩy phát triển nhanh nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu ngành và lĩnh vực sản xuất, tạo ra việc làm và cơ hội việc làm cho dân cư, lao động trong tỉnh; giải quyết cơ bản việc làm cho lao động trong độ tuổi có nhu cầu và khả năng làm việc cả ở thành thị và nông thôn, tăng thời gian sử dụng lao động ở nông thôn từ 70% hiện nay lên 80 - 85%. Nâng cao chất lượng lao động trong các ngành kinh tế, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên chiếm khoảng 40%; tăng năng suất lao động xã hội lên 10% mỗi năm. Giải quyết việc làm tại chỗ là chính, đồng thời mở rộng các quan hệ hợp tác đào tạo, xuất khẩu lao động và tạo cơ hội việc làm từ bên ngoài. Việc đa dạng hoá nông nghiệp, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ ở khu vực nông thôn là một trong những phương hướng, giải pháp quan trọng để giải quyết lao động, việc làm.

Đồng thời với phát triển kinh tế và giải quyết việc làm, thì thu nhập, mức sống và điều kiện sống của dân cư trong tỉnh cũng từng bước được cải thiện và nâng cao. Theo dự báo, với tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 13,3%/năm, đến 2010 tổng sản phẩm nội tỉnh (GDP) bình quân đầu người của Hà Nam sẽ đạt khoảng 9-10 triệu đồng/người/năm; gấp 2,5 - 3 lần so với hiện nay; tỷ lệ hộ nghèo, người nghèo sẽ giảm xuống còn dưới 7% vào năm 2005 và tiếp tục giảm trong những năm tiếp sau; đến năm 2010, 80% số hộ dân cư có ti vi và radio cassette, 100% có nước sạch sinh hoạt và có nhà ở kiên cố, bán kiên cố.

Phát triển các công trình văn hoá, phúc lợi công cộng và hệ thống an sinh xã hội trên cơ sở xã hội hoá và phát huy các quan hệ truyền thống của cộng đồng.

III.     ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIểN kinh tế - XÃ HỘI CÁC TlỂU VÙNG

1.  Phát triển kinh tế - xã hội tiểu vùng Tây sông Đáy

Như đã đề cập ở phần trên, tiểu vùng Tây sông Đáy chủ yếu là vùng đồi núi bán sơn địa. Phương hướng phát triển kinh tế của vùng này có thể và cần tập trung vào phát triển các ngành công nghiệp khai thác, chế biến đá, xi măng và vật liệu xây dựng; phát triển các loại cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi các vật nuôi đặc sản và phát triển ngành du lịch và dịch vụ.

-   Tiểu vùng Tây sông Đáy sẽ là vùng có công nghiệp phát triển nhất của tỉnh. Ngoài việc nâng cấp, mở rộng và nâng cao công suất hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp và cơ sở công nghiệp hiện có (như các nhà máy xi măng Bút Sơn, Kiện Khê, X77, xi măng Nội Thương), tỉnh sẽ tiếp tục quy hoạch, đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển công nghiệp khai thác, chế biến đá, sản xuất xi măng, gạch ngói và vật liệu xây dựng. Khuyến khích phát triển các cơ sở sản xuất gạch không nung. Phát triển các cơ sở công nghiệp chế biến hoa quả, nông sản, thực phẩm thích ứng với phát triển nông nghiệp hàng hoá trong vùng.

-   Phát triển mạnh các ngành nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp như làm nón, thêu ren, dệt may, tơ tằm, gốm mỹ nghệ,...

-   Hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, chuyên canh các loại cây ăn quả (như vải, na, hồng, cam, bưởi... cây  nghiệp (cà phê, chè...). Một số nơi có thể phát triển cây được liệu, trồng hoa, cây cảnh. Phát triển mạnh lâm nghiệp theo hướng nông - lâm kết hợp; khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế trang trại (nông trại, lâm trại, trang trại chăn nuôi,...). Khai thác các lợi thế của vùng đồi, núi để phát triển chăn nuôi dê, bò, nuôi ong và các loại vật nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao cung cấp cho thị trường và xuất khẩu.

-   Phát triển du lịch với các cụm, tuyến du lịch ở đền Trúc, Ngũ Động Sơn và các điểm, tuyến du lịch ở vùng núi Thanh Liêm.

-   Phát triển đô thị và kết cấu hạ tầng theo sự mở rộng một phần thị xã Phủ Lý về phía Tây, khoảng hơn 600 ha bên hữu ngạn sông Đáy, thuộc đất huyện Kim Bảng hiện nay, hình thành khu đô thị mới phía Tây với các điều kiện hạ tầng đô thị hiện đại. Đây sẽ là trung tâm dịch vụ du lịch và du lịch sinh thái gắn với làng hoa, cây cảnh ở khu vực xã Phù Vân hiện nay. Các thị trấn, huyện lỵ và trung tâm thương mại, dịch vụ, trung tâm xã, cụm xã ở tiểu vùng này sẽ được mở rộng. Cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện, xây dựng thêm trạm biến áp 110 KV Bút Sơn để cung cấp điện cho cụm công nghiệp Bút Sơn - Kiện Khê. Nâng cấp và nâng công suất các trạm bơm Ngòi Ruột, Thịnh Châu B và tiếp tục hoàn thiện, kiên cố hoá hệ thống thuỷ lợi nội đồng.

Tiếp tục phân bố lại dân cư, lao động, phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng xã hội đáp ứng cho yêu cầu phát triển nhanh kinh tế - xã hội của tiểu vùng.

2.  Phát triển kinh tế - xã hội tiểu vùng Đông sông Đáy

Với vị trí địa lý, giao thông và điều kiện kinh tế thuận lợi, tiểu vùng Đông sông Đáy được xem là tiểu vùng kinh tế động lực phát triển của tỉnh. Hướng phát triển kinh tế - xã hội của tiểu vùng này là hình thành các trung tâm thương mại, dịch vụ, trung tâm giao lưu kinh tế, văn hoá theo hướng đô thị hoá; đồng thời phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, chế tạo hàng tiêu dùng và thủ công mỹ nghệ; thâm canh lúa đặc sản và phát triển sản xuất rau quả thực phẩm, cây cảnh, chăn nuôi lợn, cá và các loại gia cầm.

-   Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: xây dựng các nhà máy, xí nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm có quy mô thích hợp ở thị xã Phủ Lý, thị trấn Đồng Văn; xây dựng khu công nghiệp tập trung Đồng Văn; phát triển công nghiệp cơ khí, lắp ráp điện tử, may mặc ở thị xã Phủ Lý; sản xuất gạch, đá, xi măng và khai thác đôlômit ở khu vực Tân Sơn, Tượng Lĩnh (huyện Kim Bảng). Phát triển các ngành nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp như làm gốm ở thị trấn Quế, mây tre đan ở Ngọc Động, làm đồ sừng Đô Hai, rũa cưa An Đổ và các nghề chế biến lương thực thực phẩm khác.

-   Về nông nghiệp: Thực hiện quy hoạch phát triển các vùng trọng điểm sản xuất lúa đặc sản có năng suất, chất lượng và giá trị hàng hoá cao (ở hai huyện Bình Lục, Duy Tiên và các xã tả ngạn sông Đáy của huyện Thanh Liêm) để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Hình thành các vùng chuyên canh trồng rau quả thực phẩm cung cấp cho thành phố, thị xã, các khu công nghiệp; phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm và nuôi trồng thuỷ sản nội đồng.

-   Phát triển các trung tâm thương mại và dịch vụ, trong đó thị xã Phủ Lý và các thị trấn Quế, Đồng Văn, Bình Mỹ, các tụ điểm giao lưu thương mại trên tuyến quốc lộ 1A, 21A, 21B,... được mở rộng và phát triển thành các trọng điểm kinh tế phát triển của tiểu vùng và của cả tỉnh.

3.  Phát triển kinh tế - xã hội tiểu vùng ven sông Hồng

Đây là vùng trọng điểm nông nghiệp của tỉnh. Hướng phát triển của tiểu vùng này là hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, chuyên canh, phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp - đặc biệt là các nghề truyền thống.

-  Về nông nghiệp, hình thành các vùng trồng lúa đặc sản tập trung, thâm canh cao ở huyện Lý Nhân và các xã ven sông Hồng ở huyện Duy Tiên; các vùng trồng rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày (dâu tằm, lạc, mía...), cây ăn quả (vải, nhãn, cam, chuối,...) ở những vùng đất bãi màu mỡ ven sông Hồng, sông Châu; phát triển chăn nuôi lợn nạc, vịt lấy trứng; nuôi trồng thuỷ sản ở ao, đầm và trên đồng ruộng. Ở các xã phía Bắc của huyện Duy Tiên và một số nơi trũng ở huyện Lý Nhân có thể chuyển một phần diện tích cấy lúa sang nuôi trồng thuỷ sản, hoặc kết hợp cấy lúa với nuôi thả cá, tôm trên đồng ruộng cho hiệu quả kinh tế cao.

-  Phát triển các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như dệt, tơ tằm, may mặc ở khu vực Hoà Mạc, Mộc Nam, Chuyên ngoại (huyện Duy Tiên), ở Hoà Hậu và một số nơi khác của huyện Lý nhân. Phát triển chế biến nông sản, thực phẩm ở Vĩnh Trụ, Nguyên Lý, Đạo Lý và phát triển sản xuất gạch ngói, cát xây dựng ở các xã ven sông Hồng của huyện Lý Nhân.

-  Phát triển các trung tâm giao lưu thương mại, dịch vụ như Vĩnh Trụ, Hoà Mạc, các thị tứ, chợ khu vực, trung tâm xã,... đồng thời nâng cấp các tuyến giao thông đường bộ, cải tạo và xây dựng các bến ô tô (như Hoà Mạc, Vĩnh Trụ,.. cảng sông (Như Trác,...). Xây dựng trạm biến thế điện 110 KV ở Vĩnh Trụ và đường điện cao thế 110 KV Vĩnh Trụ - Nam Định, cải tạo các trạm biến thế điện 35/10, 35/6 KV ở Mai Xá, Nhân Mỹ, Hoà Mạc và toàn bộ mạng lưới chuyển tải, phân phối điện trong vùng.

-  Đối với tiểu vùng ven sông Hồng, việc tiếp tục nâng cấp các tuyến đê sông, nâng cấp và hiện đại hoá các công trình thuỷ lợi, thuỷ nông nội đồng vẫn là hết sức quan trọng. Dự kiến trong giai đoạn tới sẽ hoàn thành xây dựng trạm bơm Yên Lệnh tiêu nước cho các xã phía bắc huyện Duy Tiên, cải tạo các hệ thống thuỷ lợi, thuỷ nông để tăng khả năng tưới nước và lấy phù sa cho đồng ruộng; cải tạo và nâng cao công suất của các trạm bơm tiêu Hữu Bị, Như Trác, Quang Trung và có thể xây dựng thêm một số trạm bơm, công trình tiêu thoát nước ra sông Hồng, sông Châu. Việc nâng cấp, hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi, thuỷ nông ở tiểu vùng này gắn với phát triển giao thông vận tải đường bộ, đường thuỷ và giao thông nông thôn.

(Còn nữa)

Điện tử

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy