Phần I: Địa lý (Chương XX)

Chương XX

TỔ CHỨC KHÔNG GIAN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH HÀ NAM

I.    SỰ PHÂN BỐ CÁC TIỂU VÙNG

Với vị trí địa lý và điều kiện giao lưu thuận lợi, Hà Nam từ lâu đã là một tỉnh có không gian kinh tế - xã hội mở, vừa có sự gắn kết với các tỉnh trong vùng, vừa có sự giao lưu rộng mở với các địa phương khác trong cả nước. Từ thời tiền sử, ở Hà Nam đã có sự giao thoa, tiếp nối của văn hoá Đông Sơn, văn hoá Hoà Bình để rồi hình thành nên ở đây một nền văn minh lúa nước đặc sắc, tiêu biểu của người Việt ở đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, do những đặc điểm, điều kiện đa dạng về địa lý, tự nhiên cũng như về lịch sử, kinh tế, văn hoá và xã hội, nên từ lâu ở Hà Nam cũng đã hình thành các tiểu vùng kinh tế - xã hội với những đặc điểm và điều kiện phát triển vừa có tính tương đồng, gắn kết vừa mang tính đa dạng, đặc thù của mỗi địa phương, mỗi tiểu vùng.

Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ khi tái lập tỉnh (1997), tính đa dạng và đặc thù trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, các tiểu vùng ngày càng được nhìn nhận và thể hiện đầy đủ hơn trong tổ chức không gian kinh tế - xã hội của tỉnh, trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong quy hoạch phát triển của các ngành, các địa phương trong tỉnh. Việc khai thác, phát huy đầy đủ, có hiệu quả các nguồn lực và lợi thế của từng vùng, phân bố hợp lý các nguồn lực, tạo ra sự liên kết và phát triển hài hoà giữa các vùng, các lĩnh vực, sự phát triển toàn diện, bền vững cả về kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường luôn được coi là nhiệm vụ quan trọng đặt ra trong quy hoạch và tổ chức không gian kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Từ năm 1997, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hà Nam đã xây dựng Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam đến năm 2010, có sự phối hợp và dựa trên quy hoạch phát triển của các ngành, các địa phương trong tỉnh, đồng thời có sự gắn kết với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh lân cận trong vùng. Theo quy hoạch tổng thể này, việc tổ chức không gian kinh tế - xã hội của tỉnh được chia thành các tiểu vùng:

1. Tiểu vùng Tây sông Đáy;

2. Tiểu vùng Đông sông Đáy;

3. Tiểu vùng ven sông Hồng.

Vị trí địa lý và không gian kinh tế - xã hội của các tiểu vùng như sau:

-   Tiểu vùng Tây sông Đáy: Bao gồm một phần lãnh thổ các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm ở phía Tây, Tây Nam, Tây Bắc của tỉnh. Tiểu vùng này gồm 6 xã của huyện Kim Bảng và 5 xã của huyện Thanh Liêm. Các xã của huyện Kim Bảng là Khả Phong, Ba Sao, Liên Sơn, Thanh Sơn, Thi Sơn và một phần của xã Tân Sơn. Phần Tây sông Đáy huyện Thanh Liêm gồm các xã Thanh Hải, Thanh Nghị, Thanh Tân, Thanh Thuỷ và thị trấn Kiện Khê.

-   Tiểu vùng Đông sông Đáy: Là vùng lãnh thổ trải rộng, từ tả ngạn sông Đáy đến sông Châu ở phía Đông, giáp với huyện Lý Nhân và giáp với các xã ven sông Hồng của huyện Duy Tiên. Phía Bắc giáp với địa giới tỉnh Hà Tây, phía nam giáp với 2 tỉnh Nam Định và Ninh Bình. Đây là tiểu vùng có không gian kinh tế - xã hội lớn nhất của tỉnh, với 77 xã, phường, thị trấn; bao gồm 12 xã, phường của thị xã Phủ Lý, 12 xã và 1 thị trấn của huyện Kim Bảng, phần lãnh thổ phía Đông sông Đáy thuộc 16 xã của huyện Thanh Liêm, toàn bộ huyện Bình Lục (20 xã và 1 thị trấn) và 14 xã, 1 thị trấn phía Tây của huyện Duy Tiên.

-   Tiểu vùng ven sông Hồng: Bao gồm phần lãnh thổ phía Đông của tỉnh, từ tả ngạn sông Châu đến sông Hồng, giáp với các tỉnh Hưng Yên và Thái Bình về phía Đông (qua sông Hồng), giáp với Nam Định về phía Đông Nam (qua sông Châu ở Hoà Hậu). Tiểu vùng này gồm toàn bộ huyện Lý Nhân và các xã ven sông Hồng của huyện Duy Tiên (gồm các xã Mộc Bắc, Mộc Nam, Chuyên Ngoại, Trác Văn, Châu Giang và thị trấn Hoà Mạc). Như vậy, theo đơn vị hành chính hiện tại thì tiểu vùng này gồm có 26 xã và 2 thị trấn huyện lỵ (là thị trấn Hoà Mạc và thị trấn Vĩnh Trụ). Trong đó có 10 xã tiếp giáp sông Hồng là Mộc Bắc, Mộc Nam, Chuyên Ngoại (huyện Duy Tiên), Nguyên Lý, Đạo Lý, Chân Lý, Nhân Đạo, Nhân Thịnh, Phú Phúc và Hoà Hậu (huyện Lý Nhân).

Thành phố Phủ Lý - thành phố ngã ba sông.

II.    ĐẶC ĐIỂM, TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN kinh tẾ - XÃ HỘI CÁC TIỂU VÙNG

1.                          Tiểu vùng Tây sông Đáy

Là vùng chuyển tiếp giữa miền núi Tây Bắc với đồng bằng sông Hồng, tiểu vùng Tây sông Đáy có địa hình chủ yếu là đồi núi bán sơn địa, với những dẫy núi đá vôi trùng điệp xen lẫn đồi núi đất trải dài từ hai xã Khả Phong - Ba Sao - Bút Sơn - Kiện Khê xuống đến các xã Thanh Nghị - Thanh Hải giáp với Ninh Bình. Đất đai ở vùng này chủ yếu là đất đồi, rừng, đất dốc và xen lẫn đá, thuận lợi cho phát triển rừng, các loại cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả và cây công nghiệp ngắn ngày.

Tuy vậy, ở vùng ven sông Đáy cũng có các dải đất phù sa, bãi bồi tương đối bằng phẳng thích hợp cho canh tác nông nghiệp, nhất là ở khu vực các xã Thanh Sơn, Thi Sơn và một số nơi thuộc các xã Thanh Nghị, Thanh Tân (huyện Thanh Liêm). Điều kiện sinh thái và khí hậu ở tiểu vùng Tây sông Đáy khá thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi ong và cây cảnh. Lượng mưa ở tiểu vùng này thường ở mức trên 2.000 mm/năm, cao hơn so với lượng mưa trung bình trên địa bàn tỉnh và các vùng khác trong tỉnh (khoảng 1.800 mm/năm).

So với các tiểu vùng khác trong tỉnh, tiểu vùng Tây sông Đáy là nơi tập trung nhiều tài nguyên khoáng sản, như đá vôi, đá sản xuất xi măng, đá xây dựng và trang trí, than bùn, sét xi măng, sét làm gốm, làm gạch ngói và các loại nguyên vật liệu xây dựng khác, ở khu vực xã Thanh Tân, thị trấn Kiện Khê (huyện Thanh Liêm), xã Liên Sơn, Bút Sơn, Khả Phong (huyện Kim Bảng) có nhiều mỏ đá vôi, đá xi măng trữ lượng rất lớn, thuận lợi cho việc khai thác, chế biến công nghiệp; ở xã Khả Phong và khu vực Bút Sơn, Kiện Khê có các mỏ sét xi măng chất lượng rất tốt. Còn ở Ba Sao có các mỏ than bùn, mỏ sét có thể làm nguyên liệu cho sản xuất gạch ngói và vật liệu xây dựng không nung...

Phần lớn các mỏ khoáng sản trên đều gần các tuyến giao thông (cả đường bộ lẫn đường thuỷ), thuận lợi cho việc khai thác, chế biến và vận chuyển. Tiểu vùng này cũng có nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên với các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Kẽm Trống, Non Tiên (huyện Thanh Liêm), Núi Cấm - Ngũ Động Sơn, động Khả Phong, hồ Tam Chúc (huyện Kim Bảng)... Kẽm Trống, Non Tiên được xếp vào hàng “cửu đỉnh” của Hà Nam; hồ Tam Chúc (ở Ba Sao), động Khả Phong (ở xã Khả Phong) được xếp vào hàng “Thập bát tôn” (thuộc 18 loại độc đáo, độc tôn của Hà Nam, không nơi nào có).

Về lịch sử và xã hội, tiểu vùng Tây sông Đáy từ xa xưa đã có các cộng đồng dân cư sinh sống và di cư lan tỏa dần xuống các vùng đồng bằng. Họ đã tạo ra ở đây một không gian văn hoá - xã hội khá đặc sắc, góp phần tạo nên bản sắc văn hoá - xã hội của người Hà Nam. Nhiều di tích lịch sử, kiến trúc, văn hoá đã được tạo dựng cùng với những lễ hội truyền thống phản ánh đậm nét quá trình phát triển, mở mang đời sống vật chất, văn hoá, xã hội của các cộng đồng dân cư nơi đây. Trong đó, có các di tích và lễ hội tiêu biểu như đình Trung, đền Trúc và Hội hát dặm Quyển Sơn, Ngũ Động Sơn, kiến trúc đình và hội đình Đoan Vĩ (xã Thanh Hải), lễ hội đình Thượng (xã Thanh Sơn),... Đây cũng là những điểm du lịch văn hoá, lịch sử hấp dẫn của vùng này.

Với các lợi thế, nguồn lực và điều kiện nêu trên, tiểu vùng Tây sông Đáy được quy hoạch, tổ chức phát triển mạnh các ngành công nghiệp khai thác, chế biến đá, xi măng, vật liệu xây dựng và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, phát triển lâm nghiệp, cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm, chăn nuôi đặc sản và phát triển du lịch.

Về công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, hiện nay ở tiểu vùng Tây sông Đáy có nhiều cơ sở công nghiệp quan trọng của Trung ương và địa phương được xây dựng và đang hoạt động, như Công ty xi măng Bút Sơn, Công ty xi măng Kiện Khê, Công ty xi măng X-77, Nhà máy xi măng Nội thương, Xí nghiệp đá Phủ Lý (thị trấn Kiện Khê), Công ty đá vôi Kiện Khê, Công ty vật liệu xây dựng Kim Bảng (xã Thi Sơn) và hàng chục cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp ngoài quốc doanh khác. Phần lớn các sản phẩm công nghiệp của tỉnh như xi măng, đá xây dựng, đá phục vụ cho giao thông, than bùn,... được khai thác, sản xuất ra ở tiểu vùng này. Trong tương lai, nơi đây sẽ hình thành các khu công nghiệp tập trung và trở thành vùng công nghiệp trọng điểm của tỉnh.

Tiểu vùng Tây sông Đáy cũng có các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển ở nhiều nơi, chủ yếu là các nghề khai thác, chế biến đá, nung vôi, sản xuất gạch ngói và vật liệu xây dựng, đan lát,... Các nghề này phát triển khá mạnh, thu hút nhiều lao động trong vùng, chẳng hạn như các cơ sở khai thác, chế biến đá ở Kiện Khê, Khả Phong, Thanh Sơn... Theo số liệu điều tra nông nghiệp, nông thôn năm 2001 của Cục Thống kê Hà Nam, thì ở các xã Thanh Nghị, Thanh Thuỷ (huyện Thanh Liêm), Liên Sơn (huyện Kim Bảng) đã có 9 - 10% số hộ làm các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp.

Theo số liệu thống kê năm 2000(1), đất lâm nghiệp ở tiểu vùng Tây sông Đáy có khoảng 8.639 ha, chiếm 91,5% đất lâm nghiệp của cả tỉnh (9.436,9 ha). Trong đó, các xã Tây sông Đáy thuộc huyện Thanh Liêm có 3.207,1 ha, thuộc Kim Bảng có 5.431,9 ha; nhiều nhất là ở các xã Ba Sao có 2.198,2 ha, Liên Sơn có 1.563,6 ha, Thanh Sơn có 1.444,3 ha. Giá trị sản xuất lâm nghiệp ở tiểu vùng Tây sông Đáy cũng chiếm trên 90% giá trị sản xuất lâm nghiệp hàng năm của cả tỉnh. Tài nguyên rừng và đất rừng ở đây còn khá phong phú, đa dạng.

Sản phẩm lâm nghiệp chủ yếu là gỗ, tre nứa, luồng, song mây,... Sản lượng gỗ tròn khai thác ở tiểu vùng này những năm gần đây khoảng 7.500 m3/năm; tre nứa, luồng khoảng 580 - 620 nghìn cây mỗi năm. Hiện nay, việc trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ tài nguyên rừng kết hợp với phát triển kinh tế vườn đồi đang được đẩy mạnh ở nhiều nơi trong tiểu vùng. Trong khi đó, đất- nông nghiệp ở tiểu vùng Tây sông Đáy chỉ có khoảng 4.288 ha (năm 2001), chiếm chừng 9% trong tổng diện tích đất nông nghiệp của tỉnh. Diện tích trồng lúa và sản xuất nói chung không phải thế mạnh của tiểu vùng này. Chẳng hạn như ở xã Ba Sao, đất trồng lúa năm 2001 chỉ có 127,6 ha, chiếm 3,7% diện tích đất tự nhiên và chiếm 16,5% trong tổng số 773 ha đất nông nghiệp của xã; đất trồng lúa ở xã Liên Sơn có 130,7 ha, chiếm 6% diện tích đất tự nhiên và chiếm 68% đất nông nghiệp; hay ở xã Thanh Sơn diện tích đất lúa có 481 ha nhưng cũng chỉ chiếm 17,2% đất tự nhiên của toàn xã(2).

Song ở các xã tiểu vùng Tây sông Đáy lại có lợi thế về phát triển các loại cây công nghiệp như chè, dứa, dâu tằm, lạc; các loại cây ăn quả như nhãn, na, mận, bưởi, cam, quýt; một số loại cây cảnh, cây dược liệu và chăn nuôi trâu bò, dê, ong,... Dê là vật nuôi đặc sản ở vùng này, hiện đang được nuôi nhiều ở các xã Khả Phong, Ba Sao, Thanh Sơn và các xã vùng núi Tây sông Đáy thuộc huyện Thanh Liêm như Thanh Nghị, Thanh Tân, Thanh Hải,... Hiện nay nhiều hộ nông dân ở vùng này đang phát triển kinh tế đồi rừng kết hợp với chăn nuôi theo hướng phát triển kinh tế nông, lâm trại và chuyển sang sản xuất kinh doanh hàng hoá.

Việc nuôi trồng thuỷ sản ở tiểu vùng Tây sông Đáy tuy không được thuận lợi như ở vùng ven sông Hồng và một số nơi khác trong tỉnh, nhưng ở đây lại có khá nhiều ao, đầm và mặt nước thuận lợi cho phát triển nuôi thả, đánh bắt thuỷ sản, nhất là ở các xã vùng ven hữu ngạn sông Đáy của huyện Thanh Liêm.

Hoạt động thương mại và dịch vụ ở tiểu vùng Tây sông Đáy cũng phát triển mạnh hơn so với trước đây, đặc biệt là từ khi chuyển sang kinh tế thị trường. Sự phát triển của các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các cơ sở du lịch và việc cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông (như quốc lộ 21, các bến bãi trên sông Đáy, đường liên xã và giao thông nông thôn,...) đã làm cho hoạt động thương mại, dịch vụ ở tiểu vùng này trở nên sôi động, tấp nập. Hàng hoá, sản phẩm sản xuất ra ở đây được lưu thông, trao đổi rộng khắp với các nơi trong tỉnh và ngoài tỉnh. Thị trấn Kiện Khê, chợ Ba Sao, các chợ ven sông Đáy ở các xã Khả Phong, Liên Sơn, Thanh Sơn, Thi Sơn là những đầu mối giao lưu thương mại khá sầm uất trong vùng. Việc mở rộng thị xã Phủ Lý về phía Tây và hình thành khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ tập trung ở khu vực Châu Sơn (thị xã Phủ Lý) làm tăng khả năng gắn kết kinh tế của tiểu vùng và có tác động ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tiểu vùng Tây sông Đáy nói chung.

2.                        Tiểu vùng Đông sông Đáy

Đây là tiểu vùng kinh tế - xã hội có tính đặc trưng, tiêu biểu nhất của Hà Nam, đồng thời có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trước đây cũng như hiện nay.

Một trong những đặc điểm đặc thù của tiểu vùng này là địa hình đồng bằng trũng, cốt đất không đều, bị chia cắt bởi sông ngòi, ao, đầm và hệ thống thuỷ lợi, thuỷ nông dầy đặc. Do kiến tạo địa chất của đồng bằng sông Hồng và quá trình dịch chuyển, bồi tụ của các dòng sông nên địa hình vùng này phần lớn là đất trũng, cốt đất thấp thường ngập úng về mùa mưa. Phần nhiều các xã ở huyện Bình Lục, ở phía Nam huyện Thanh Liêm, phía Tây - Tây Nam huyện Duy Tiên và phía Bắc huyện Kim Bảng đều là vùng đất trũng, trước đây chỉ canh tác được 1 vụ trong năm. Trong đó có nhiều nơi địa hình lòng chảo, ít hoặc không được bồi đắp phù sa, thường bị chua và lầy thụt. Song ở một số nơi lại có những gò đất cao và cả những núi đất đá ở giữa vùng đồng bằng, tạo nên cảnh quan khá độc đáo so với các địa phương khác ở đồng bằng sông Hồng.

Nhờ phát triển thuỷ lợi, thuỷ nông nên từ giữa những năm 1970 trở lại đây phần lớn đất nông nghiệp ở các vùng trũng đã được đảm bảo tưới tiêu chủ động, có thể canh tác 2 - 3 vụ mỗi năm. Một số xã ở phía bắc huyện Duy Tiên, ở tả ngạn sông Đáy thuộc hai huyện Kim Bảng, Thanh Liêm, hai bên sông Châu ở thị xã Phủ Lý, huyện Duy Tiên và hữu ngạn sông Châu ở huyện Bình Lục có nhiều vùng đất phù sa màu mỡ, nhiều bãi bồi, cốt đất cao và tương đối bằng phẳng, thích hợp cho việc canh tác các loại cây công nghiệp (như mía, dâu tằm, đậu, lạc, đỗ tương), cây ăn quả (nhãn, chuối, bưởi, táo, hồng...), các loại hoa màu (ngô, khoai) và rau đậu thực phẩm. Gạo nếp cái hoa vàng, gạo hom, dự hương, gạo câu cánh; ngô nếp, mía đỏ, mơ hồng... là những sản phẩm nông nghiệp đặc sản nổi tiếng từ xưa ở tiểu vùng Đông sông Đáy.

So với các tiểu vùng kinh tế - xã hội của tỉnh, tiểu vùng Đông sông Đáy có lợi thế nổi trội về điều kiện giao thông, nhất là đường bộ và đường sắt; có lợi thế về phát triển thương mại, dịch vụ, với các trung tâm đô thị phát triển như thị xã Phủ Lý, thị trấn Đồng Văn, thị trấn Quế, thị trấn Bình Mỹ, hệ thống chợ và nhiều tụ điểm, đầu mối giao lưu kinh tế - xã hội khác. Các lợi thế này tạo ra cho tiểu vùng một không gian kinh tế - xã hội mở, với sự mở rộng giao lưu kinh tế-xã hội với các tiểu vùng trong tỉnh cũng như với các địa phương khác ở đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Tiểu vùng Đông sông Đáy cũng là nơi có truyền thống phát triển tiểu thủ công nghiệp, với nhiều làng nghề và ngành nghề đa dạng. Nhiều loại sản phẩm thủ công nghiệp độc đáo và tinh xảo, trong đó có các sản phẩm thủ công nổi tiếng như mây giang đan ở Ngọc Động - xã Hoàng Đông, trống Đọi Tam - xã Đọi Sơn (huyện Duy Tiên); thêu ren Hoà Ngãi - xã Thanh Hà, đậu Đầm - xã Liêm Tuyền (huyện Thanh Liêm), đồ sừng Đô Hai - xã An Lão, rũa cưa Đại Phu - xã An Đổ, bún Tái - xã Đinh Xá, bánh lá An Thái - xã An Mỹ (huyện Bình Lục), gốm Quyết Thành - thị trấn Quế, xay xát chế biến gạo ở Phương Thượng (huyện Kim Bảng),...

Về mặt xã hội, tiểu vùng Đông sông Đáy là nơi có cư dân sinh sống từ rất sớm, có nền văn hoá phát triển lâu đời. Quá trình phát triển sản xuất, mở mang đời sống của họ đã góp phần tạo ra nền văn minh lúa nước đặc sắc ở đồng bằng sông Hồng và nền “văn minh chiêm trũng” rất đặc thù của Hà Nam. Cũng như các vùng khác của Hà Nam, tiểu vùng Đông sông Đáy cũng là nơi có lịch sử và truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường để bảo vệ quê hương đất nước, có truyền thống hiếu học nổi tiếng từ xưa.

Nhiều di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc và lễ hội truyền thống đặc sắc, độc đáo, cùng với các địa danh, danh nhân nổi tiếng ở vùng này còn truyền lại đến ngày nay. Núi Đọi, Điệp Sơn (huyện Duy Tiên), núi An Lão (huyện Bình Lục),... là những di tích lịch sử và danh thắng nổi tiếng được xếp vào hàng “cửu đỉnh” của Hà Nam. Văn hoá Liễu Đôi mà tiêu biểu nhất là Hội võ vật ở vùng này (huyện Thanh Liêm), lễ hội chùa Đọi Sơn (huyện Duy Tiên), lễ hội đình Công Đồng An Thái (huyện Bình Lục)... là những minh chứng tiêu biểu cho đời sống xã hội và truyền thống lịch sử, văn hoá của nhân dân tiểu vùng này.

Năm 2002 dân số và mật độ dân số ở tiểu vùng này tập trung cao nhất của tỉnh, nhất là ở thị xã Phủ Lý (2.152 người/km2) và ở các thị trấn, huyện lỵ. Mật độ dân số ở huyện Bình Lục là 1.009 người/km2, cao hơn so với mật độ bình quân của tỉnh (955 người/km2)(1). Nhiều xã ở vùng này có mật độ dân số tập trung cao tương đương với ở các thị xã, thị trấn, như ở các xã Nhật Tựu, Nhật Tân (huyện Kim Bảng), các xã Hoàng Đông, Yên Bắc (huyện Duy Tiên)... Đây cũng là vùng có lực lượng lao động và nguồn nhân lực dồi dào, trình độ dân trí, văn hoá của dân cư, lao động và hệ thống cơ sở hạ tầng văn hoá, xã hội phát triển (như y tế, giáo dục - đào tạo, văn hoá, nghệ thuật, thể thao, chăm sóc sức khoẻ, bảo trợ chính sách xã hội...).

Với các lợi thế, nguồn lực và điều kiện phát triển nêu ra trên đây, trong tổ chức không gian kinh tế - xã hội của Hà Nam, tiểu vùng Đông sông Đáy được quy hoạch phát triển theo hướng phát triển mạnh các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, phát triển các ngành công nghiệp chế biến và tiểu thủ công nghiệp gắn với đẩy mạnh đô thị hoá, hình thành các trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển của tỉnh và của vùng đồng bằng sông Hồng. Tiểu vùng Đông sông Đáy cũng được quy hoạch thành vùng trọng điểm nông nghiệp của tỉnh; trong đó, sản xuất lúa đặc sản, cây công nghiệp ngắn ngày, rau quả thực phẩm, chăn nuôi lợn, gia cầm và nuôi trồng thuỷ sản là những lĩnh vực được chú trọng thúc đẩy.

Về công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, trên địa bàn vùng này hiện có hàng nghìn cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế, nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Trong đó có các cơ sở, ngành nghề và sản phẩm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu như sản xuất rượu bia, nước giải khát, gia công cơ khí, lắp ráp, điện tử, in ấn, thêu ren, may mặc, chế biến nông sản, thực phẩm, sản xuất hàng mây giang đan, đồ gỗ gia dụng và đồ gỗ cao cấp, chế biến dược liệu, sản xuất và cấp nước sinh hoạt,...

Năm 2000 chỉ tính riêng thị xã Phủ Lý đã có 1.153 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, với hơn 3.400 lao động; trong đó có 1.146 cơ sở và 2.650 lao động thuộc khu vực dân doanh (ngoài quốc doanh). Năm 2002 có 1.136 cơ sở, trong đó có 1.127 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp dân doanh. Giá trị sản xuất công nghiệp nói chung trên địa bàn thị xã Phủ Lý năm 2002 đạt trên 248,16 tỷ đồng (theo giá hiện hành), chiếm 13,1% giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh(1). Một số ngành và lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở thị xã Phủ Lý chiếm tỷ trọng cao trong giá trị sản xuất công nghiệp nói chung của cả tỉnh. Chẳng hạn, giá trị sản xuất của ngành chế biến thực phẩm và đồ uống trên địa bàn thị xã năm 2000 chiếm 23,6% so với của cả tỉnh, giá trị sản xuất sản phẩm dệt chiếm 30,1%, sản xuất trang phục chiếm 25,4%, in ấn và xuất bản chiếm 61,6%(2)...

Trên địa bàn tiểu vùng Đông sông Đáy cũng hình thành một số cụm, khu công nghiệp tập trung như khu công nghiệp Đồng Văn (thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên), khu công nghiệp Châu Sơn (thị xã Phủ Lý), khu công nghiệp Hoàng Đông (xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên). Một số cơ sở công nghiệp có quy mô sản xuất kinh doanh khá và có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển công nghiệp của tỉnh và các địa phương trong vùng như: Công ty Dệt Hà Nam, Công ty HABITEX, Xưởng in Hà Nam, Nhà máy thiết bị kết cấu thép, Công ty cấp nước Hà Nam, Xí nghiệp may 27/7 Hà Nam, Xí nghiệp gạch ngói Thanh Liêm, Xí nghiệp gạch ngói Bình Lục, Xí nghiệp may 27/7 Duy Tiên, Xí nghiệp thực phẩm xuất khẩu Duy Tiên,...

Các ngành nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp được phát triển ở hầu hết các địa phương trong tiểu vùng. Trong tổng số 25 làng nghề của tỉnh hiện nay (theo số liệu điều tra của Cục Thống kê Hà Nam năm 2001) thì ở tiểu vùng Đông sông Đáy có tới 20 làng nghề, với nhiều ngành nghề nổi tiếng. Bên cạnh sự phục hồi, phát triển của các ngành nghề, làng nghề truyền thống còn có sự hình thành và phát triển đa dạng của nhiều ngành nghề, làng nghề mới. Chẳng hạn như chế biến long nhãn, gia công may mặc, giầy dép, nhựa, sửa chữa cơ khí, đồ điện, điện tử, sản xuất gạch không nung, chạm khắc và sản xuất đồ gỗ cao cấp... Nhiều ngành nghề thủ công nay đã được cải tiến kỹ thuật, sử dụng máy móc cơ khí và năng lượng điện vào sản xuất. Không ít mặt hàng tiểu thủ công nghiệp của các làng nghề ở đây đã được bán rộng rãi ở các thành phố lớn và ở nhiều địa phương trong cả nước, một số mặt hàng được xuất khẩu ra nước ngoài như lụa tơ tằm, hàng thêu ren, may mặc, thảm đay, long nhãn...

Nghề làm hàng xáo, xay xát gạo ở Tiên Tân, Bạch Thượng (huyện Duy Tiên), Phương Thượng (Lê Hồ, huyện Kim Bảng), Đinh Xá (huyện Bình Lục)... phần lớn đã chuyển sang xay xát bằng máy móc cơ khí. Nhiều cơ sở xay xát từ vài chục đến hàng trăm tấn gạo mỗi năm, có đại lý hoặc bạn hàng tiêu thụ ở các tỉnh và thành phố Hà Nội, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên và nhiều nơi khác. Một số chủ buôn mua gạo ở các làng này để xuất khẩu tiểu ngạch hoặc bán cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu của Nhà nước. Việc sử dụng năng lượng điện và công cụ cơ giới, bán cơ giới cũng đã trở nên phổ biến ở các làng nghề truyền thống như Ngọc Động, Bùi Xá, Vũ Xá (huyện Duy Tiên), Đô Hai, An Đổ (huyện Bình Lục)...

Các lĩnh vực thương mại, vận tải, du lịch và dịch vụ phát triển mạnh do có lợi thế về giao thông, mạng lưới chợ và sự phát triển của các thị xã, thị trấn, huyện lỵ, các trung tâm giao lưu kinh tế, văn hoá, du lịch trong vùng.

Thị xã Phủ Lý là đầu mối giao thông và trung tâm thương mại, dịch vụ lớn nhất trong tiểu vùng và trong cả tỉnh. Ở đây có 1 chợ trung tâm và 3 chợ đầu mối khác. Theo số liệu thống kê của Phòng Thống kê thị xã Phủ Lý năm 2000, trên địa bàn thị xã có gần 1.900 cơ sở kinh doanh thương mại, du lịch và khách sạn, nhà hàng; trong đó có 3 doanh nghiệp nhà nước, còn lại là của tư nhân, cá thể. Tổng số người kinh doanh trong các lĩnh vực này có hơn 2.500 người, trong đó các doanh nghiệp nhà nước có khoảng 370 người, tư nhân cá thể có hơn 2.100 người. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ trên địa bàn thị xã năm 2000 đạt tới trên 112,2 tỷ đồng (theo giá hiện hành), gấp 3 lần so với năm 1997 (năm tái lập tỉnh) và xấp xỉ bằng 70% giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nói chung trên địa bàn thị xã (164,3 tỷ đồng), trong cùng năm so sánh.

Các hoạt động vận tải và dịch vụ vận tải ở thị xã Phủ Lý cũng phát triển mạnh và có tác động to lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tiểu vùng và của cả tỉnh. Khối lượng hàng hoá vận chuyển trên địa bàn thị xã những năm gần đây đạt trên 1,5 triệu tấn/năm, khối lượng hàng hoá luân chuyển đạt trên dưới 26 triệu tấn/km, gấp 1,5 lần so với những năm 1996 - 1997. Khối lượng hành khách vận chuyển trên địa bàn thị xã năm 2000 đạt 384 nghìn lượt người/km và khối lượng hành khách luân chuyển đạt tới 38 triệu người/km(1).

Tiểu vùng Đông sông Đáy còn có các thị trấn, huyện lỵ và trung tâm giao lưu thương mại, dịch vụ phát triển như thị trấn Quế (huyện Kim Bảng), thị trấn Đồng Văn (huyện Duy Tiên), thị trấn Bình Mỹ (huyện Bình Lục), Phố Tâng (huyện Thanh Liêm), và hơn 40 chợ huyện, xã, chợ khu vực. Trong đó có các chợ huyện, chợ khu vực khá lớn, buôn bán sầm uất như chợ Quế, chợ Dầu (xã Tượng Lĩnh), chợ Đại (xã Nhật Tựu), chợ Gốm (Thụy Lôi), chợ Tranh (Nguyễn Uý) ở huyện Kim Bảng; chợ Bình Mỹ, chợ Trịnh Xá, chợ Rằm (Tiêu Động), chợ Chủ (Ngọc Lũ), chợ Đô Hai (An Lão) ở huyện Bình Lục; chợ Thanh Tuyền, Thanh Lưu, Liêm Túc, Liêm Cần (huyện Thanh Liêm)...

Mạng lưới thương nghiệp nhà nước có 3 doanh nghiệp thương mại cấp huyện, 1 doanh nghiệp tại Thụy Lôi (huyện Kim Bảng), 1 doanh nghiệp ở thị trấn Bình Mỹ (huyện Bình Lục), 1 doanh nghiệp ở Thanh Tuyền (huyện Thanh Liêm) và hàng chục đại lý thuộc hệ thống thương mại nhà nước ở các nơi trong vùng. Mạng lưới vận tải và dịch vụ vận tải trong tiểu vùng được mở rộng, cả đường thuỷ và đường bộ, vận tải hàng hoá lẫn vận tải hành khách. Hầu hết các thôn, xã ở tiểu vùng Đông sông Đáy đều đã có đường giao thông thuận lợi cho vận tải cơ giới. Nhiều xã có bến xe khách, có bến bãi vận tải đường thuỷ. Chỉ riêng ở tả ngạn sông Đáy thuộc huyện Kim Bảng, từ Tân Sơn về đến Phủ Lý đã có 5 bến đò, bến thuyền phục vụ vận tải hàng hoá và hành khách.

Hoạt động thương mại, dịch vụ ngày càng có vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của các địa phương trong tiểu vùng này. Chẳng hạn như ở huyện Bình Lục, theo báo cáo thực tế của huyện, thì trong cơ cấu kinh tế của huyện năm 2002, tỷ trọng của các ngành thương mại, dịch vụ nói chung hiện đã chiếm 34%, thấp hơn so với tỷ trọng nông nghiệp và thuỷ sản (53%) nhưng cao hơn nhiều so với tỷ trọng của công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng (13%).

Về phát triển nông nghiệp, tiểu vùng Đông sông Đáy hiện vẫn là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất của tỉnh. Mặc dù công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ ở vùng này phát triển nhanh (như đã nói ở trên), song ngoại trừ thị xã Phủ Lý ra thì còn lại, phần nhiều các địa phương trong tiểu vùng vẫn có tỷ trọng nông nghiệp khá cao trong cơ cấu sản xuất cũng như cơ cấu kinh tế - xã hội nói chung của mỗi địa phương. Việc phát triển và hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi, thuỷ nông đã tạo thuận lợi cho thâm canh, tăng vụ, sử dụng các loại giống mới và áp dụng công nghệ, kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp ở vùng này.

Sản xuất lúa vẫn là ngành có ưu thế nổi trội, chiếm tới 80 - 90% diện tích đất canh tác của nhiều huyện, xã trong tiểu vùng. Chẳng hạn như ở huyện Bình Lục và các xã phía Đông sông Đáy của các huyện Thanh Liêm và Duy Tiên, diện tích lúa chiếm tới 90% trong tổng diện tích cây trồng hàng năm. Đa số diện tích lúa đã canh tác được 2 vụ ăn chắc. Năng suất lúa ở nhiều nơi tăng nhanh, từ khoảng trên dưới 30 tạ/ha hồi đầu những năm 1990 lên trên 50 tạ/ha những năm gần đây. Ngay cả ở những xã vùng trũng thường xuyên ngập úng trước đây như Tiên Ngoại, Tiên Hiệp (huyện Duy Tiên), An Mỹ, Mỹ Thọ, An Nội (huyện Bình Lục) hay Thanh Hương, Thanh Tâm (huyện Thanh Liêm) đến nay năng suất lúa cả năm cũng đã đạt tới trên 90 tạ đến trên 100 tạ/ha. Sản lượng lúa cả năm của huyện Bình Lục năm 2002 đạt trên 100.582 tấn, chiếm gần 1/4 sản lượng lúa cả năm của tỉnh; sản lượng lúa bình quân đầu người ở đây đạt 641 kg/người/năm, cao hơn nhiều so với bình quân chung của tỉnh (497 kg/người) cũng như so với nhu cầu tiêu dùng của dân cư trên địa bàn. Do vậy sản lượng lúa hàng hoá cũng ngày một tăng; có nơi sản lượng lúa hàng hoá chiếm trên 40% sản lượng thu hoạch(1).

Những năm gần đây sản xuất lúa ở vùng này đang chuyển mạnh sang sản xuất kinh doanh hàng hoá theo cơ chế thị trường. Các giống lúa đặc sản có chất lượng cao (gạo thơm, ngon), giá trị và hiệu quả kinh tế cao, dễ tiêu thụ trên thị trường;... đang được đưa vào sản xuất rộng rãi, thay thế cho các giống lúa cũ có chất lượng và giá trị kinh tế thấp hơn, bước đầu hình thành các vùng lúa hàng hoá đặc sản có quy mô khá lớn. Nhân dân ở một số nơi cũng đã chuyển một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thả cá, tôm hoặc canh tác các loại cây trồng khác có giá trị hàng hoá cao hơn.

Sản xuất rau đậu thực phẩm, cây công nghiệp và cây ăn quả được phát triển mạnh, nhất là ở các xã vùng bãi, vùng màu ven sông Châu ở các huyện Bình Lục, Duy Tiên, ven sông Nhuệ và hữu ngạn sông Đáy ở huyện Kim Bảng và thị xã Phủ Lý. Theo số liệu thống kê của tỉnh năm 2003, từ năm 1997 đến năm 2002, diện tích các loại cây rau đậu thực phẩm ở thị xã Phủ Lý đã tăng gấp 1,58 lần, từ 322 ha lên 511 ha; diện tích đỗ tương tăng 4,1 lần, từ 53 ha lên 219 ha; diện tích cây ăn quả tăng từ 278,7 ha lên 325 ha. Vùng ven thị xã Phủ Lý và ở các xã phía Bắc huyện Duy Tiên đã hình thành những vùng trồng rau, đậu thực phẩm có khối lượng sản phẩm hàng hoá khá tập trung, cung cấp cho thị trường trong tỉnh và Hà Nội.

Cũng trong thời gian từ 1997 đến 2002, diện tích cây rau đậu thực phẩm ở huyện Bình Lục tăng từ 1.118 ha lên 1.613 ha, diện tích các loại cây ăn quả nói chung trong huyện tăng 13,5 lần, từ 53,5 ha lên 722 ha. Trong đó, diện tích trồng các cây ăn quả như cam, quýt, bưởi tăng từ 8 ha lên 207 ha, sản lượng từ 55 tấn lên 1.211 tấn; diện tích nhãn, vải tăng từ 18 ha lên 280 ha, sản lượng từ 75 tấn lên đến 1.080 tấn. Sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các xã phía Đông sông Đáy của 2 huyện Thanh Liêm, Kim Bảng cũng tương tự như vậy. Ở các xã Tiên Phong, Tiên Ngoại, Yên Nam (huyện Duy Tiên) hay ở Bình Nghĩa, Hưng Công và các xã phía Đông huyện Bình Lục có nhiều hộ chuyển sang trồng dâu tằm. Còn ở các xã Phù Vân, Châu Sơn (thị xã Phủ Lý), Liêm Tuyền, Thanh Hà (huyện Thanh Liêm) có nhiều hộ trồng rau, cây cảnh và trồng hoa, thu nhập hàng năm khá cao.

Chăn nuôi lợn, gia cầm và nuôi trồng thuỷ sản vốn là thế mạnh của tiểu vùng Đông sông Đáy nói chung. Nhiều hộ nông dân ở các huyện Kim Bảng, Bình Lục, Duy Tiên hiện đang chuyển sang nuôi lợn nạc xuất khẩu, nuôi vịt lấy trứng và nuôi gà thịt, gà đẻ trứng theo kiểu công nghiệp với quy mô tới hàng trăm con. Nhiều hộ nông dân ở Yên Bắc, Bạch Thượng, Tiên Nội (huyện Duy Tiên) và một số nơi ở các huyện Bình Lục, Thanh Liêm đang phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế trang trại, kết hợp trồng lúa, nuôi thả cá với chăn nuôi vịt, ấp trứng vịt lộn đạt hiệu quả kinh tế khá cao.

Ở xã Bồ Đề (huyện Bình Lục), xã Hoàng Đông (huyện Duy Tiên) có nhiều hộ phát triển chăn nuôi đặc sản (như rắn, ba ba, kỳ đà,...) mỗi năm lãi tới vài chục triệu đồng. Hiện nay, diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản ở tiểu vùng Đông sông Đáy có trên 2.000 ha và có khả năng quy hoạch mở rộng hơn nữa. Việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản đang là một hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của tiểu vùng này.

3.                      Tiểu vùng ven sông Hồng

Đây là vùng đất cổ được hình thành từ lâu đời do bồi đắp phù sa của sông Hồng, sông Châu và sông Long Xuyên chảy ngang qua địa bàn huyện Lý Nhân, nối sông Hồng từ cống Vũ Xá với sông Châu qua cống Vùa. Sông Châu trước kia còn có một nhánh chảy qua phía bắc huyện Lý Nhân rồi đổ ra sông Hồng ở đoạn thuộc Từ Đài (nay thuộc xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên); đến thời Pháp thì cửa sông này bị đắp lại để tránh lũ lụt từ sông Hồng tràn vào nên đoạn sông này được gọi là Tắc Giang, chỉ còn có tác dụng tiêu úng. Ngoại trừ một số vùng đất trũng lòng chảo ít được bồi đắp phù sa và thường ngập úng vào mùa mưa ở khu vực các xã Mộc Bắc, Mộc Nam, Chuyên Ngoại (huyện Duy Tiên), các xã Chân Lý, Đạo Lý, Bắc Lý, Nhân Hưng (huyện Lý Nhân),... thì còn lại phần lớn đất đai ở vùng này là đất màu mỡ, cốt đất cao, được bồi đắp phù sa của các dòng sông, trong đó có những vùng đất bãi ven sông rất thích hợp cho việc trồng các loại cây rau màu, cây công nghiệp hàng năm, cây ăn quả và nhiều loại cây trồng khác.

Cũng như các vùng khác ở Hà Nam, từ xa xưa, ở tiểu vùng ven sông Hồng đã có dân cư quần tụ, sinh sống. Bên cạnh nghề trồng lúa, trồng rau màu và chăn nuôi lợn, gia cầm,... các nghề khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản và tiểu thủ công nghiệp cũng phát triển từ rất sớm. Đến thời Pháp thuộc, theo Pie Gourou (1936), ở vùng ven sông Hồng của Hà Nam đã có nhiều làng chuyên làm nghề chài lưới, đánh bắt cá, tôm và nguồn lợi thuỷ sản. Đó chẳng hạn như các làng Lỗ Hà, Yên Mỹ, Yên Lệnh, Hàm Dương, Đô Quan, Tường Thuỵ (huyện Duy Tiên) hay ở Nghệ Văn, Thọ ích, Tào Nha, Văn Xá (huyện Lý Nhân)...

Tiểu vùng ven sông Hồng có hàng chục làng nghề, ngành nghề thủ công rất nổi tiếng. Chẳng hạn như nghề làm đường mật ở Vĩnh Trụ, nghề mộc ở Cao Đà, Ngu Nhuế, mây tre đan ở Quang Ốc, chợ Cầu, Mạc Thượng, Vũ Xá, nghề làm bánh đa ở làng Chều (huyện Lý Nhân); các nghề dệt vải, tơ lụa, may mặc nổi tiếng ở Nha Xá, Tư Can, cổ Chân (huyện Duy Tiên), ở Đại Hoàng, Mạc Thượng, Trí Long, Trần Xá, Trần Thương, Như Trác (huyện Lý Nhân),... Hàng vải dệt, tơ lụa ở Nha Xá, Đại Hoàng, hàng may mặc ở Tư Can, đường mật ở Vĩnh Trụ,... từ thời xưa đã được đưa đi khắp nơi trong vùng và cả nước. Làng Tư Can xưa có những thợ may điêu luyện, làm nghề cả ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, sang cả Quảng Châu (Trung Quốc), Phnômpênh (Cămpuchia),...

Ngày nay, tiểu vùng ven sông Hồng là vùng kinh tế - xã hội phát triển vào loại khá của tỉnh. Nhiều ngành và lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực văn hoá, xã hội đạt trình độ phát triển tương đương với các địa phương khác trong tỉnh và trong vùng đồng bằng sông Hồng.

Nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ chốt, có vị trí quan trọng hàng đầu ở tiểu vùng này. Theo số liệu Niên giám thống kê huyện Lý Nhân năm 2000, thì giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện (theo giá hiện hành) bình quân các năm từ 1998 đến 2000 đạt xấp xỉ 300 tỷ đồng mỗi năm, giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt bình quân 1,48 tỷ đồng; giá trị sản xuất thuỷ sản đạt khoảng 8,3 tỷ/năm và giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt bình quân trên 109 tỷ đồng/năm. Trong nông nghiệp, giá trị sản xuất ngành trồng trọt hiện vẫn chiếm khoảng 73%, giá trị sản xuất chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp mới chiếm khoảng 27%(1).

Điều dễ nhận thấy trong phát triển nông nghiệp ở huyện Lý Nhân cũng như ở tiểu vùng ven sông Hồng nói chung những năm gần đây là sự chuyển biến về cơ cấu sản xuất theo hướng phát triển sản xuất kinh doanh hàng hoá, với sự phát triển mạnh của ngành chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, các loại cây ăn quả (cam, quýt, bưởi), một số cây công nghiệp (như lạc, đỗ tương, dâu tằm), cây dược liệu và rau đậu thực phẩm. Một số loại cây được trồng nhiều trước đây (như mía, khoai lang,...) có xu hướng giảm mạnh do nhu cầu tiêu dùng và nhu cầu thị trường giảm sút, hiệu quả thấp hoặc khó khăn về tiêu thụ sản phẩm.

Diện tích cấy lúa chiếm hơn 60% diện tích các loại cây trồng nói chung của tiểu vùng. Song sản xuất lúa ở đây không phải là thế mạnh so với các địa phương, các tiểu vùng khác trong tỉnh. Số liệu thống kê trên địa bàn huyện Lý Nhân cho thấy, từ năm 1990 đến năm 2002 diện tích trồng lúa ở đây tăng thêm 9,05% (từ 12.529 ha lên 13.663 ha), năng suất lúa bình quân cả năm tăng tới 54,9% (từ 34,22 tạ/ha lên trên 53,0 tạ/ha) và sản lượng lúa tăng 65,5% (từ 43.754 tấn lên 72.433 tấn). Mặc dù trình độ thâm canh và năng suất lúa bình quân ở huyện Lý Nhân không thua kém các huyện khác trong tỉnh, song diện tích và sản lượng lúa ở đây đều thấp hơn so với ở các huyện Bình Lục, Thanh Liêm và Duy Tiên. Số liệu thống kê cũng cho thấy, diện tích lúa trên địa bàn huyện Lý Nhân năm 2002 chỉ chiếm 18,2% trong diện tích lúa cả tỉnh, sản lượng chiếm 17,9% và sản lượng lúa bình quân đầu người đạt 384 kg/người, thấp hơn đáng kể (30%) so với bình quân chung của cả tỉnh (497 kg/người) và các địa phương khác (như ở các huyện Bình Lục, Thanh Liêm, Duy Tiên,...). Sản lượng lúa hàng hoá cũng thấp hơn so với các nơi khác trong tỉnh.

            Biểu 51: Diện tích, sản lượng lúa cả năm 2002 của tỉnh Hà Nam

 

Diện tích (ha)

Sản lượng (tấn)

Sản lượng BQ đầu người (kg)

Cả tỉnh

75.107

404.790

497

Thị xã Phủ Lý

2.509

13.089

178

Huyện Bình Lục

18.553

100.582

641

Huyện Duy Tiên

13.819

76.408

584

Huyện Kim Bảng

11.985

64.122

496

Huyện Lý Nhân

13.663

72.433

384

Huyện Thanh Liêm

14.578

78.156

579

 

Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Hà Nam 2003; Cục thống kê Hà Nam, 4-2004.

Cây ngô là cây trồng có thế mạnh của tiểu vùng ven sông Hồng, được trồng nhiều ở hầu hết các xã có đất bãi ven sông Hồng và tả ngạn sông Châu. Vào độ tháng ba, tháng tư hằng năm, đi dọc theo đường từ Hoà Mạc qua Hợp Lý, Công Lý đến Vĩnh Trụ xuống Nhân Bình, Tiến Thắng hay đi dọc vùng bãi sông Hồng từ Chuyên Ngoại, Chân Lý đến Hoà Hậu, người ta thấy có nhiều đồng ngô trải rộng, xanh tốt, rất trù phú. Năm 1995, diện tích ngô ở huyện Lý Nhân có tới trên 3.066 ha, nhiều nhất tỉnh (chiếm tới 34,5% diện tích ngô cả tỉnh), sản lượng đạt 7.459 tấn (chiếm 32,5% sản lượng ngô cả tỉnh). Song những năm gần đây sản xuất ngô ở vùng này đã giảm đi nhiều, cả ở huyện Lý Nhân lẫn ở các xã ven sông Hồng thuộc huyện Duy Tiên. Năm 2002, diện tích ngô ở huyện Lý Nhân chỉ còn 1.767 ha, giảm 42,4% so với năm 1995; sản lượng giảm các huyện còn 6.907 tấn (giảm 7,4%). Gần đây, nhiều hộ nông dân ở các xã tiểu vùng này (cũng như ở Kim Bảng, Duy Tiên,...) đã chuyển sang trồng các giống ngô nếp để bán ngô bắp tươi đi các nơi, giá trị hàng hoá khá cao.

Cây mía trước đây được trồng nhiều ở vùng này, nhưng nay đã giảm mạnh do thiếu cơ sở chế biến và khó khăn về thị trường tiêu thụ. Vào đầu những năm 1990, riêng trên địa bàn huyện Lý Nhân diện tích mía đã có khoảng 360 ha, chiếm gần 60% diện tích mía của cả tỉnh, sản lượng thu hoạch từ 15 - 19 nghìn tấn mỗi năm (chiếm 50 - 60% sản lượng của cả tỉnh); đến năm 1997, diện tích mía chỉ còn khoảng 33 ha, sản lượng giảm còn 1.700 tấn và đến năm 2002, diện tích mía ở Lý Nhân chỉ còn 6 ha (chiếm 8% diện tích mía của tỉnh), sản lượng 321 tấn, chiếm 7,8% sản lượng mía của tỉnh.

Trong khi đó, cây đay và cây đỗ tương vẫn là những cây trồng duy trì được thế mạnh. Mặc dù diện tích đay đã giảm đi ở một số nơi (nhất là ở các xã ven sông Hồng thuộc huyện Duy Tiên), song năng suất và sản lượng đay của tiểu vùng ven sông Hồng nói chung vẫn tăng lên đáng kể so với trước. Năm 2002, diện tích đay ở các xã thuộc huyện Lý Nhân có 725 ha, tăng thêm hơn 150 ha so với năm 1995; sản lượng đạt trên 2.392 tấn, gấp 1,88 lần sản lượng năm 1995 và chiếm tới 98,7% sản lượng đay của cả tỉnh. Cây đỗ tương cũng vậy, được trồng nhiều, đạt diện tích và sản lượng cao nhất tỉnh. Năm 1990, diện tích đỗ tương ở huyện Lý Nhân có 445 ha đến năm 1997 tăng lên 639 ha và năm 2002 lên tới 919 ha, chiếm 34,4% diện tích đỗ tương của cả tỉnh; sản lượng năm 2002 đạt tới 1.620 tấn, gấp 4,7 lần so với sản lượng năm 1990 (343 tấn) và chiếm tới 36,8% sản lượng đỗ tương của tỉnh.

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp ở vùng ven sông Hồng có những chuyển biến mới với sự phục hồi của cây dâu tằm và sự phát triển mạnh các loại cây ăn quả.

Đến năm 2002, diện tích dâu tằm riêng trên địa bàn huyện Lý Nhân đã có trên 106 ha, gấp 2,3 lần so với năm 1990 và chiếm 30% diện tích dâu tằm cả tỉnh. Dâu tằm hiện được trồng nhiều ở các xã như Văn Lý, Hợp Lý, Chân Lý, Chính Lý và cả ở Trác Văn, Chuyên Ngoại (huyện Duy Tiên). Cây ăn quả được trồng ở hầu hết các xã trong tiểu vùng. Năm 2002, diện tích cây ăn quả ở huyện Lý Nhân có trên 1.100 ha, gấp 2,6 lần so với năm 1995 (414,5 ha) và chiếm 22,6% diện tích cây ăn quả nói chung của tỉnh. Trong đó, diện tích vải, nhãn tăng từ 73,5 ha (năm 1995) lên 441 ha (năm 2002); diện tích trồng cam, quýt, bưởi tăng từ 81 ha lên 242 ha trong thời gian nói trên. Chuối ngự Đại Hoàng, hồng Nhân Hậu, quýt Văn Lý là những cây ăn quả đặc sản nổi tiếng từ xưa, nay đang được trồng ở nhiều nơi trong tiểu vùng. Sự phục hồi nghề trồng dâu nuôi tằm và phát triển cây ăn quả ở các xã ven sông Hồng thuộc huyện Duy Tiên cũng tương tự như vậy.

Chăn nuôi lợn, bò, gia cầm và nuôi trồng thuỷ sản tiếp tục phát triển mạnh ở hầu hết các nơi trong tiểu vùng và hiện vẫn là thế mạnh so với các địa phương khác trong tỉnh. Theo số liệu thống kê trên địa bàn huyện Lý Nhân, từ năm 1990 đến năm 2002, đàn lợn ở đây tăng 55,6% (từ 45,7 nghìn con lên 71,1 nghìn con), sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tăng gấp gần 2,1 lần (từ 2.696 tấn lên 5.590 tấn) và là nơi có sản lượng thịt lợn hơi cao nhất, chiếm hơn 22,0% sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2002 của cả tỉnh; đàn bò tăng từ 5.169 con năm 1990 lên 6.713 con năm 2002, và cũng là nơi có số lượng bò nhiều nhất tỉnh. Nhiều hộ ở các xã ven sông Hồng nuôi hàng chục con trâu, bò lấy thịt và trâu, bò sinh sản.

Chăn nuôi gà, vịt và các loại gia cầm khác cũng phát triển mạnh và hướng tới chăn nuôi theo kiểu kinh doanh hàng hoá. Từ năm 1997 đến năm 2000, số lượng gia cầm ở các xã thuộc huyện Lý Nhân đã tăng từ 340 nghìn con lên 518 nghìn con, sản lượng thịt tăng từ 545 tấn lên trên 934 tấn. Ở các xã Chuyên Ngoại, Trác Văn (huyện Duy Tiên) hay ở Đạo Lý, Nhân Hưng, Nhân Mỹ (huyện Lý Nhân)... có nhiều hộ nuôi vịt đẻ trứng quy mô tới vài trăm con, thu nhập hàng năm khá cao(1).

Nuôi trồng thuỷ sản ở vùng ven sông Hồng đang chuyển mạnh sang sản xuất kinh doanh hàng hoá nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo số liệu thống kê, đến năm 2002 diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện Lý Nhân là 1.342 ha, chiếm 30,9% diện tích nuôi trồng thuỷ sản của cả tỉnh. Sản lượng thủy sản nói chung ở huyện này năm 2002 đạt tới 2.076,9 tấn, gấp 2,2 lần so với năm 1997; riêng sản lượng nuôi trồng đạt 2.031 tấn, chiếm 26,6% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng của tỉnh. Việc nuôi trồng thuỷ sản kết hợp với trồng lúa trên ruộng trũng đang phát triển ở nhiều nơi theo hướng kinh tế trang trại. Năm 2001, huyện Lý Nhân có 8 trang trại nông nghiệp kết hợp thuỷ sản, quy mô mỗi trang trại từ 2 ha trở lên, thu nhập mỗi trang trại trên 25 triệu đồng/năm. Nhiều hộ ở các xã ven sông Hồng thuộc huyện Duy Tiên như ở Chuyên Ngoại, Trác Văn, Mộc Nam, Châu Giang,... cũng đang phát triển theo hướng này. Ở xã Châu Giang có nhiều hộ chuyên ươm thả cá giống để cung cấp cho các hộ trong vùng và bán đi nơi khác. Còn ở xã Trác Văn hiện có hơn 50 hộ vạn chài chuyên nghề đánh bắt thuỷ sản trên sông, đầm.

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở tiểu vùng ven sông Hồng phục hồi và phát triển mạnh, với nhiều ngành nghề đa dạng như ươm tơ, dệt vải, lụa, thêu ren, may mặc, sản xuất đồ gỗ, chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất gạch ngói, khai thác cát xây dựng,... Trên địa bàn tiểu vùng này hiện có 2 doanh nghiệp công nghiệp nhà nước là Xí nghiệp cơ khí nông nghiệp Lý Nhân (tại xã Công Lý) và Xí nghiệp cơ khí nông nghiệp Duy Tiên (tại thị trấn Hoà Mạc), hàng chục công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, tổ hợp tư nhân và hàng nghìn cơ sở, hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp cá thể.

Nhà máy đường Vĩnh Trụ trước đây là cơ sở công nghiệp nhà nước lớn nhất trên địa bàn do tỉnh quản lý, có trên 1.000 công nhân, sản xuất mía đường, bánh kẹo, bột giấy. Từ năm 1992 đổi thành Công ty chế biến thực phẩm Vĩnh Hà do Tổng công ty mía đường miền Bắc quản lý. Hiện nay, công ty này đã được cổ phần hoá, chuyển thành doanh nghiệp cổ phần, có khoảng 200 công nhân, mặt hàng sản xuất chủ yếu là bia, chế biến thức ăn gia súc và muối i-ốt. Xí nghiệp gạch ngói Lý Nhân trước đây là doanh nghiệp nhà nước do huyện quản lý, nay cũng đã cổ phần hoá, có hơn 40 công nhân, sản xuất 3,5 - 4 triệu viên gạch ngói mỗi năm.

Những năm gần đây ở tiểu vùng ven sông Hồng đã xuất hiện hàng chục công ty, tổ hợp công nghiệp tư nhân như Công ty dệt may Châu Giang, tổ hợp dệt Đại Thành, dệt Đại Thắng (ở xã Hoà Hậu), tổ hợp mộc Vạn Xuân (xã Xuân Khê), tổ hợp thêu ren Châu Giang (xã Công Lý), doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Đồng Nhân (xã Nhân Đạo),... Trong đó có một số cơ sở đầu tư quy mô khá, như Công ty dệt may Châu Giang tại xã Hoà Hậu được thành lập năm 1999 với số vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng, hiện đang lắp đặt dây chuyền sản xuất công nghiệp với 220 máy dệt, sử dụng khoảng 100 công nhân. Theo số liệu Niên giám thống kê tỉnh Hà Nam năm 2003, chỉ riêng trên địa bàn huyện Lý Nhân đến năm 2002 đã có 6.144 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngoài quốc doanh. Giá trị sản xuất công nghiệp của các cơ sở này năm 2002 (tính theo giá hiện hành) đạt trên 147,7 tỷ đồng, chiếm tới 94% tổng giá trị sản xuất công nghiệp nói chung trên địa bàn huyện (157,1 tỷ đồng).

Theo số liệu điều tra của Cục Thống kê Hà Nam năm 2001, ở tiểu vùng ven sông Hồng có 5 làng nghề (trong tổng số 25 làng nghề) đạt tiêu chí làng nghề của tỉnh, gồm các làng Nha Xá (dệt vải), Từ Đài (ươm tơ), Hoà Lý (làm bánh đa nem), Thọ Chương (làm nghề đan cót) và làng Đại Hoàng (làm nghề dệt vải). Các làng nghề này chủ yếu làm nghề thủ công truyền thống; số hộ làm nghề ở 5 làng nghề này năm 2001 có khoảng 3.880 hộ, số lao động làm nghề có 7.262 người. Ngoài ra, ở tiểu vùng ven sông Hồng còn có hàng chục làng, xã khác có các hoạt động ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thu hút hàng nghìn hộ dân cư và lao động làm nghề.

Làng dệt Nha Xá (xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên) đang phục hồi và phát triển mạnh nghề dệt vải, lụa, đũi tơ tằm truyền thống. Năm 2001 làng này hiện có trên 200 máy dệt, 240 hộ và khoảng 380 - 400 lao động làm nghề. Những năm gần đây, mỗi năm Nha Xá sản xuất 350 - 400 nghìn mét vải, lụa, đũi bán ra cả trên thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Nghề dệt cũng đang được phát triển ở các xã như Chuyên Ngoại, Trác Văn, thị trấn Hoà Mạc và một số làng xã khác của huyện Duy Tiên. Nghề dệt vải, khăn mặt ở làng Đại Hoàng (xã Hoà Hậu) là nghề thủ công truyền thống, trước đây thường dệt gia công cho các cơ sở công nghiệp của nhà nước, hiện nay dệt chủ yếu cho các cơ sở tư nhân, hoặc do các hộ tự mua nguyên liệu về làm để bán ra thị trường. Toàn xã Hoà Hậu hiện có 1.250 khung dệt thủ công, phần lớn đã lắp mô tơ điện và dùng điện trong sản xuất, có hơn 1.200 lao động chuyên làm nghề, mỗi năm sản xuất 5 -7 triệu mét vải và hàng triệu khăn mặt các loại.

Làng Chều xã Nguyên Lý có nghề làm bánh đa, bánh tráng, bánh đa nem nổi tiếng từ xưa, nay phát triển cả ở các thôn khác trong xã như Mão Cầu, Tri Long, Trần Xá. Toàn xã hiện có trên 1.100 bếp tráng bánh, hơn 2.400 lao động làm nghề, sản lượng mỗi năm từ 2.000 đến 2.500 tấn bánh các loại. Bánh đa nem, bánh tráng ở đây được bán đi khắp nơi trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Nghề đan cót ở làng Thọ Chương, làng Sàng (xã Đạo Lý) nay phát triển cả ở các làng An Châu, Đồng Xá. Cả xã hiện có 1.200 hộ làm nghề, mỗi năm sản xuất hơn 1 triệu lá cót bán đi các nơi làm cốt pha xây dựng và làm nguyên liệu cót ép.

Sự phát triển các ngành nghề, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở tiểu vùng ven sông Hồng đang góp phần làm thay đổi diện mạo và cơ cấu kinh tế - xã hội ở tiểu vùng này.

Cùng với phát triển nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, các lĩnh vực vận tải, thương mại và dịch vụ ở tiểu vùng ven sông Hồng cũng có sự phát triển sôi động, tấp nập hơn. Thị trấn Vĩnh Trụ (huyện lỵ của huyện Lý Nhân) và thị trấn Hoà Mạc (huyện lỵ huyện Duy Tiên) là những đầu mối giao thông, thương mại và giao lưu kinh tế, văn hoá quan trọng trong tiểu vùng. Từ Vĩnh Trụ có đường ô tô đi Phủ Lý, đi Hoà Mạc và đến tất cả các xã trong huyện, nối với đê sông Hồng và đi Nam Định. Tại Vĩnh Trụ có 1 chợ thị trấn quy mô chợ loại 2, có công ty bách hoá của huyện và hàng chục cơ sở thương mại, dịch vụ khác. Bến xe khách Vĩnh Trụ có lưu lượng vận chuyển hàng nghìn lượt khách mỗi ngày.

Thị trấn Hoà Mạc có quốc lộ 38 chạy qua, nối quốc lộ 1A ở thị trấn Đồng Văn qua Hoà Mạc, Yên Lệnh đi Hưng Yên, qua quốc lộ 39 đi Hải Dương. Từ Hoà Mạc cũng có đường đi Vĩnh Trụ theo đê tả ngạn sông Châu và đi Phủ Lý theo đê hữu ngạn sông này. Ở Hoà Mạc cũng có 1 chợ thị trấn quy mô chợ loại 2 có công ty bách hoá huyện, một bến xe khách với lưu lượng 50 lượt xe/ngày và nhiều cơ sở thương mại, dịch vụ. Ngoài ra, trên địa bàn tiểu vùng ven sông Hồng còn có 24 chợ xã, chợ khu vực; trong đó có nhiều chợ quy mô khá lớn, hàng hoá buôn bán sầm uất, như chợ Mộc Nam, chợ Cầu Không, chợ Bắc Lý, chợ Bến, chợ Chanh... Tuyến đê hữu ngạn sông Hồng từ Mộc Bắc đến Hoà Hậu (dài 40km) cũng là tuyến giao thông quan trọng, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá và giao lưu kinh tế của các xã trong tiểu vùng.

Vận tải đường thuỷ ở vùng ven sông Hồng cũng thuận lợi hơn nhiều so với các nơi khác trong tỉnh. Sông Hồng là tuyến giao thông đường thuỷ hết sức quan trọng cho việc giao lưu, trao đổi hàng hoá trong tiểu vùng và với bên ngoài. Suốt dọc tuyến hữu ngạn sông Hồng, từ Mộc Bắc đến Hoà Hậu hiện có khoảng 40 bến đò, bến phà và bến bãi vận tải hàng hoá, hành khách. Hầu hết các xã ven sông Hồng đều có các bến, bãi phục vụ vận tải trên sông này. Trong đó có một số cảng, bến khá lớn như ở Hoàn Dương (xã Mộc Bắc), Yên Lệnh, Từ Đài (xã Chuyên Ngoại), cảng Như Trác, bến Phương Trà, Nga Khê (huyện Lý Nhân),...

Sự phát triển thương mại, dịch vụ ở tiểu vùng ven sông Hồng không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế xã hội ở vùng này, mà còn mở rộng và làm tăng sự liên kết, thúc đẩy và tương tác lẫn nhau giữa các địa phương trong tiểu vùng cũng như với các địa phương khác trong tỉnh và với bên ngoài trong quá trình phát triển nền kinh tế - xã hội.

Trong giai đoạn tới, việc tổ chức không gian kinh tế - xã hội ở tiểu vùng ven sông Hồng có thể tiếp tục theo các hướng phát triển hiện nay. Song việc tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện và hiện đại hoá kết cấu hạ tầng, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực có thể sẽ là những vấn đề trọng tâm đối với phát triển kinh tế - xã hội ở tiểu vùng này của Hà Nam.

(Còn nữa)

Điện tử

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy