Phần I: Địa lý (Chương XIV)

CHƯƠNG XIV:

HÀ NAM TRONG THỜI KỲ XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ THỰC HIỆN CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI (1975 ĐẾN NAY)

I. VƯỢT QUA KHÓ KHĂN, THỬ THÁCH, ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ, VĂN HOÁ - XÃ HỘI (1975 - 1985)

1. Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai, góp phần bảo vệ biên giới Tổ quốc (1975 - 1980)

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta. Từ đây, đất nước ta bước sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, thống nhất và vững bước tiến lên theo con đường chủ nghĩa xã hội.

Chuyển sang thời kỳ mới, cùng với việc sắp xếp lại tổ chức hành chính các địa phương, ngày 20/9/1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 245-NQ/TW về việc hợp nhất hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh. Ngày 27/12/1975, tại kỳ họp thứ 2 khoá V, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra Nghị quyết hợp nhất tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình thành một tỉnh mới lấy tên là tỉnh Hà Nam Ninh.

Việc thành lập một tỉnh Hà Nam Ninh đất rộng, người đông, nhiều tiềm năng là một trong những điều kiện thuận lợi cho việc tập trung phát triển kinh tế, văn hoá và khả năng tăng cường an ninh quốc phòng ở địa phương. Nhưng cũng như các địa phương khác, Hà Nam Ninh vẫn còn nhiều khó khăn, đó là cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ khoa học kỹ thuật và quản lý kinh tế còn thấp, hậu quả chiến tranh nặng nề, thiên tai liên tiếp xảy ra, đời sống nhân dân còn chưa được cải thiện.

Xuất phát từ những đặc điểm đó, Nghị quyết của Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh chỉ rõ: Hoàn thành quan hệ sản xuất theo hướng tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý từ cơ sở, tổ chức và phân bổ sức lao động. Tiến hành cơ giới hoá nông nghiệp, đưa sản xuất nông nghiệp và công nghiệp địa phương phát triển mạnh mẽ theo hướng đi lên hiện đại hoá. Đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu. Tăng cường khả năng đóng góp, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, giữ gìn trật tự trị an. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, tạo điều kiện thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ II.

Quán triệt Nghị quyết 24 của Trung ương và thực hiện nhiệm vụ trọng tâm mà Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nam Ninh đã đề ra, Hà Nam Ninh tập trung sức mạnh phấn đấu giành thắng lợi cao nhất trong “Chiến dịch Hà Nam Ninh” trên mọi lĩnh vực.

 

Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp với trọng tâm là giải quyết tốt vấn đề lương thực, thực phẩm, Hà Nam Ninh phát động phong trào thi đua tiến kịp và vượt Hợp tác xã Hải Quang (1). Phong trào “Học tập và làm theo Hợp tác xã Hải Quang” được dấy lên mạnh mẽ trong các hợp tác xã nông nghiệp ở Hà Nam. Các hợp tác xã nông nghiệp ở các huyện Bình Lục, Lý Nhân, Duy Tiên, Kim Bảng, Thanh Liêm và thị xã Phủ Lý... đã tập trung lực lượng hoàn chỉnh thuỷ nông, xây dựng lại trạm trại, tổ chức lại các hợp tác xã, mở rộng diện tích trồng hoa màu, phát triển chăn nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất thâm canh, tăng vụ.

Do cấu tạo của địa hình, đất trồng trọt của Hà Nam luôn bị ảnh hưởng nặng nề của thời tiết. Vùng trũng mới mưa đã ngập, vùng bán sơn địa chưa nắng đã hạn, vì vậy đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Để khắc phục tình trạng trên, các huyện của Hà Nam đã xác định công tác thuỷ lợi là hàng đầu. Trong đó việc tổ chức các đội thủy lợi (đội 201, 202) được kiện toàn và hoạt động có hiệu quả cao. Năm 1977, huyện Lý Nhân đã đào đắp được 212.626m3 nạo vét 41.110m3, xây dựng 9 cầu, 10 cống..., tưới tiêu cho 6.384ha; huyện Kim Bảng sửa chữa nạo vét 68 công trình tưới tiêu, đào đắp 20.233m3..; huyện Bình Lục hoàn thành kế hoạch thuỷ lợi, thuỷ nông 3 năm và được công nhận là một trong những huyện thực hiện tốt công tác thuỷ lợi - thuỷ nông của tỉnh. Huyện Duy Tiên đào đắp được 43.000m3, tu sửa 180 máy bơm, đưa diện tích tưới tiêu lên 15.500 mẫu (2). Các huyện đã kết hợp thuỷ lợi với giao thông nông thôn, hàng chục cầu mới phục vụ cho sản xuất, đời sống được xây dựng, góp phần tạo nên bộ mặt nông thôn mới.

Trong thời gian này, đồng thời với việc tổ chức sắp xếp lao động tại chỗ, từ đầu năm 1977 đến năm 1979, các huyện trong tỉnh còn tích cực vận động trăm nghìn vạn lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới và tham gia các công trình xây dựng của cả nước. Riêng năm 1977, huyện Lý Nhân đã có 199 hộ (447 lao động), huyện Bình Lục có 850 khẩu đi xây dựng vùng kinh tế mới.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV thành công, đầu năm 1978, đồng chí Lê Duẩn - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá IV đã về thăm tỉnh Hà Nam Ninh. Sự kiện này đã tạo thêm nguồn sinh lực mới để Đảng bộ và nhân dân Hà Nam Ninh nói chung và Hà Nam nói riêng thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I, II. Cùng với nhân dân toàn tỉnh, đảng bộ, nhân dân các huyện Bình Lục, Lý Nhân, Kim Thanh, Duy Tiên và thị xã Phủ Lý... đã tích cực lao động sản xuất, giành được nhiều thành tích đáng kể. Trong sản xuất nông nghiệp, năng suất, diện tích và sản lượng đều tăng. Năm 1979, năng suất lúa của các huyện đều cao. Thấp nhất là huyện Kim Thanh đạt 21,5 tạ/ha, cao nhất là huyện Lý Nhân, Duy Tiên đạt trên 26 tạ/ha, sản lượng đạt gần 170.000 tấn, vượt từ 25 - 35% so với cùng kỳ năm 1978. Hàng trăm hợp tác xã đã đạt mục tiêu 5 tấn/ha. Các huyện đã cung cấp cho Nhà nước hàng chục nghìn tấn lương thực.

Thực hiện Nghị quyết 19/CP và 134/CP của Hội đồng Chính phủ, các huyện trong tỉnh đều đẩy mạnh công tác điều tra năng lực sản xuất, quản lý lao động, vật tư, tài chính, bố trí nâng dây chuyền sản xuất... làm cho công nghiệp địa phương không ngừng tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm. Giá trị tổng sản lượng tiểu thủ công nghiệp của các huyện hàng năm đều cao và vượt kế hoạch. Năm 1976, sản lượng tiếu thủ công nghiệp của huyện Bình Lục đạt giá trị 5,2 triệu đồng, huyện Thanh Liêm đạt 4,4 triệu đồng; đến năm 1979 Duy Tiên đạt 5,5 triệu đồng và ba huyện Lý Nhân, Bình Lục, Kim Thanh đạt giá trị sản lượng từ 10 đến 19 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhiều hợp tác xã nông nghiệp phát triển tiểu thủ công nghiệp, đạt giá trị kinh tế từ 1,5 - 3 triệu đồng. Các ngành nghề truyền thống của nhân dân được phát huy, góp phần sản xuất nhiều hàng tiêu dùng và xuất khẩu.

Sự nghiệp giáo dục luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, nhân dân nhiệt tình tham gia nên phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến năm 1979, ngành giáo dục mầm non đã thu hút được trên 50% số cháu trong độ tuổi vào nhà trẻ, 60% đến lớp mẫu giáo. Giáo dục phổ thông phát triển nhanh và đồng đều. Các huyện đã phổ cập cấp I, có huyện phổ cập cấp II, thu hút hầu hết các cháu lớp 4 vào lớp 5 và trên 30% lớp 7 vào lớp 8, trên 50% cán bộ chủ chốt xã, đảng viên và thanh niên tốt nghiệp văn hoá cấp II. Truyền thống hiếu học và phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” thường xuyên được duy trì và phát triển.

Trong lúc nhân dân ta đang hăng hái lao động sản xuất nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, thì ngày 17/2/1979 chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, của tỉnh Hà Nam nói riêng. Một lần nữa nhân dân các huyện của Hà Nam lại hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, dấy lên phong trào “Tòng quân đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc”.

Tại địa phương, để chủ động phòng, đánh địch, các lực lượng vũ trang của các huyện nhất là khu vực trọng điểm giao thông đường sắt, đường bộ đã tiến hành xây dựng các cứ điểm bố phòng. Thực hiện nếp sống quân sự hoá, các lực lượng dân quân, tự vệ, thanh niên trong các trường học tăng cường luyện tập quân sự, sẵn sàng tham gia sư đoàn quân dự nhiệm của tỉnh, tạo thành một thế trận nhân dân vững chắc. Các đợt tuyển quân đều vượt mức kế hoạch, tăng gấp 2 lần so với năm cao nhất thời kỳ chống Mỹ. Các lực lượng vũ trang địa phương được bổ sung kế hoạch, phương án an ninh quốc phòng, phù hợp với tình hình mới, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đẩy mạnh. Các huyện tăng cường giáo dục ý thức cảnh giác cách mạng trong nhân dân và lực lượng an ninh, sẵn sàng đập tan các âm mưu phá hoại của bọn phản động. Hàng nghìn tổ chức an ninh nhân dân, hàng trăm tổ bảo vệ cơ quan xí nghiệp được xây dựng, huấn luyện. Các lực lượng an ninh đã chủ động tiến công, kiềm chế nhiều hoạt động của bọn phản động lợi dụng đạo thiên chúa, lợi dụng vấn đề người Hoa... để gây rối. Tất cả đã tạo thành thế trận an ninh toàn dân, góp phần giữ gìn đoàn kết nội bộ, bảo vệ trật tự an toàn xã hội, đẩy lùi những diễn biến tiêu cực trong các lĩnh vực kinh tế, đời sống, tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng quê hương.

Các huyện đã tổ chức tốt các đợt bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp. Thực hiện Nghị quyết 228 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 159 của Thủ tướng Chính phủ, tất cả các huyện đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, học tập về dự thảo bản Hiến pháp mới, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân.

Hoạt động của các tổ chức, đoàn thể trong giai đoạn này khá sôi nổi, phát huy được vai trò nòng cốt trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, tiết kiệm, văn hoá, đời sống, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đoàn Thanh niên chú trọng giáo dục lý tưởng cộng sản cho đoàn viên thanh niên với nội dung “Tuổi trẻ đất nước”, dấy lên khí thế cách mạng trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, phong trào “Ba xung kích làm chủ tập thể” đã nêu cao ý thức làm chủ của những người đoàn viên thanh niên trên mặt trận sản xuất. Hội Phụ nữ các cấp đã tích cực động viên chị em phát huy tinh thần “Ba đảm đang”, hăng hái thi đua trong phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Hội Nông dân tuy mới được thành lập nhưng cũng đã nhanh chóng ổn định tổ chức, xác định nội dung hoạt động của các cấp hội theo hướng tập trung động viên tinh thần lao động sản xuất, cấy hết diện tích, chăm sóc lúa tốt và thu hoạch nhanh gọn, tích cực trồng màu và chăn nuôi tăng thêm thu nhập cho mỗi gia đình.

Mặt trận Tổ quốc được củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động. Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về “Tôn trọng tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng”, Mặt trận các cấp đã tích cực hoạt động, góp phần tăng cường sự đoàn kết, xây dựng tình làng nghĩa xóm tốt đẹp trong vùng có đồng bào theo đạo Thiên Chúa.

2. Từng bước tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội (1981 - 1985)

Những năm đầu thập niên 1980, các huyện của Hà Nam triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 3, trong tình hình kinh tế đất nước cũng như của Hà Nam Ninh có nhiều biến động, diễn biến phức tạp. Đó là những thiếu thốn về vật tư, nguyên liệu, thực phẩm; sự bất ổn định trong giá cả, lộn xộn trong quản lý hàng hoá, tài chính, tiền tệ; kinh doanh bị rối loạn, lạm phát phi mã. Thêm vào đó là những khó khăn do thiên tai liên tục gây ra. Chỉ tính riêng năm 1984 hàng nghìn hecta lúa mùa của ba huyện Bình Lục, Kim Bảng, Duy Tiên đang chín bị ngập úng. Cơ sở vật chất của các ngành kinh tế - xã hội như nghề muối, đê điều, giao thông, thuỷ lợi... bị thiệt hại nặng nề.

Những hậu quả nghiêm trọng của thiên tai và những khó khăn gay gắt về điều kiện vật chất kỹ thuật trong sản xuất, xây dựng cũng như đời sống nhân dân đặt ra cho các cấp uỷ Đảng và nhân dân các huyện những nhiệm vụ nặng nề. Nhưng với truyền thống yêu nước, ý thức tự lập tự cường, đoàn kết nhất trí, đảng bộ và nhân dân các huyện đã ra sức đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, giải quyết những khó khăn trước mắt, bảo đảm đời sống của nhân dân lao động.

Thực hiện Thông báo số 22 ngày 21/10/1980 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đảng bộ và chính quyền các huyện đã chỉ đạo cơ sở làm thử khoán sản phẩm đối với cây lúa. Nhiều hợp tác xã của các huyện Duy Tiên, Bình Lục, Lý Nhân, Kim Bảng, Thanh Liêm đã tiến hành tốt việc khoán sản phẩm. Đặc biệt, sau khi có Chỉ thị 100 CT/TW ngày 13/1/1981 “Về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã”, đảng bộ và chính quyền các huyện đã nhanh chóng tuyên truyền và tổ chức thực hiện. Xã viên các hợp tác xã vô cùng phấn khởi, coi đây là một phương thức hữu hiệu để thúc đẩy tính chủ động sáng tạo trong sản xuất và phân phối đưa nông nghiệp phát triển lên một bước mới thoát khỏi sự trì trệ, yếu kém. Đến hết quý I năm 1981, tất cả các hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh đã cơ bản thực hiện xong việc khoán sản phẩm cây lúa đến người lao động. Đồng thời tiến tới khoán sản phẩm cây màu và một số ngành nghề khác trong nông nghiệp. Từ đó, tinh thần làm chủ, khí thế lao động sản xuất ứng dụng kỹ thuật canh tác và sự đầu tư vào sản xuất của các hộ xã viên được tăng lên. Công tác quản lý được cải tiến một bước, các huyện và các cơ sở đã chủ động vươn lên trong chỉ đạo sản xuất và kinh doanh.

Do thực hiện chính sách khoán sản phẩm từ năm 1981 đến 1985, diện tích cây lương thực ngày càng tăng do hệ số sử dụng đất tăng từ 1,5 lên 1,76 lần. Sản lượng lương thực quy thóc năm sau cao hơn năm trước. Riêng huyện Kim Bảng tổng sản lượng lương thực trong những năm 1981-1985 tăng hơn thời kỳ 1975 - 1980 đến 50%. Nhiều huyện có năng suất bình quân trên 5 tấn/ha như các huyện Thanh Liêm, Duy Tiên. Bình quân lương thực theo đầu người đạt hơn 300kg.

Tuy nhiên, bước sang giai đoạn này sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Vật tư, nguyên liệu, năng lượng... thiếu trầm trọng, nguồn cung ứng từ Trung ương về ngày càng giảm. Để đảm bảo kế hoạch sản xuất, nhiều xí nghiệp và hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp đã thực hiện Quyết định 25 và 26 của Hội đồng Chính phủ tiến hành chấn chỉnh bộ máy, cải tiến quản lý, chủ động khai thác nguyên vật liệu, tận dụng phế liệu, chuyển đổi mặt hàng sản xuất... Vì vậy, về cơ bản đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Để từng bước tháo gỡ, đưa nền kinh tế đi lên, các huyện rất chú trọng công tác xuất nhập khẩu. Với các mặt hàng chủ lực là đay, lạc, tỏi, vừng, các huyện Kim Bảng, Lý Nhân, Duy Tiên... luôn hoàn thành vượt kế hoạch được giao. Hàng năm đem về giá trị xuất khẩu từ 10 đến 15 triệu đồng.

Mặc dù còn có nhiều khó khăn về đời sống vật chất, song với truyền thống của tỉnh “biết lo cái lo chung của cả nước”, nhân dân các huyện luôn luôn làm tròn các nghĩa vụ được Trung ương giao. Những năm 1980 - 1982, bình quân lương thực nhà nước huy động của tỉnh tăng 36,1%; trọng lượng thịt lợn hơi tăng 3,5% so với 3 năm trước. Trong những năm 1983 - 1985 giá trị vật tư, hàng hoá địa phương điều về Trung ương tăng 16,2% so với 3 năm 1980 - 1982. Huyện Lý Nhân và thị xã Hà Nam dẫn đầu cả tỉnh Hà Nam Ninh về thực hiện thu ngân sách. Trong 5 năm (1980 - 1985), tỉnh đã tổ chức cho hàng nghìn người đi xây dựng các vùng kinh tế mới, vừa góp phần giải quyết vấn đề dân số trong tỉnh, vừa góp phần khai thác tiềm năng của đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sự nghiệp giáo dục được duy trì và có chuyển hướng tích cực theo mục tiêu cải cách giáo dục cơ bản. Đến năm 1985, tỉnh Hà Nam đã hoàn thành phổ cập văn hoá cấp II cho cán bộ chủ chốt xã. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên được quan tâm, việc nâng cao trình độ đại học bằng hình thức tại chức được mở rộng. Đặc biệt, với những thành tích đã đạt được trong sự nghiệp giáo dục, năm 1988 Trường cấp II Bắc Lý được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động lần thứ nhất. Đây không chỉ là niềm vinh dự và tự hào của riêng nhà trường mà còn là niềm vinh dự của ngành giáo dục, của Đảng bộ và nhân dân Hà Nam.

Ngành y tế của tỉnh duy trì và đẩy mạnh, cuộc vận động thực hiện phong trào “5 dứt điểm” về y tế. Hai huyện Bình Lục, Duy Tiên được Bộ Y tế công nhận là địa phương hoàn thành “5 dứt điểm”. Toàn tỉnh đã thực hiện việc “Đông Tây y kết hợp” có hiệu quả trong công tác khám và chữa bệnh. Huyện Lý Nhân đạt doanh thu trên 6 triệu đồng về sản xuất chế biến dược liệu phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân.

Các hoạt động văn hoá, thông tin, văn học nghệ thuật, phát thanh, truyền thanh, sáng tác, xuất bản báo chí đã có bước tiến bộ trong việc hướng về cơ sở, phục vụ cơ sở, nhạy bén với cái mới, đáp ứng nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Năm 1983, Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ III. Đại hội vạch ra phương hướng nhiệm vụ chính trị nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội V của Đảng, đồng thời kiện toàn tổ chức đảm bảo năng lực lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ đặt ra. Chất lượng đội ngũ đảng viên được nâng cao. Số đảng viên có trình độ văn hoá cấp 3 tăng từ 23,8% (1982) lên 29,5% (1985), trình độ sơ cấp lý luận chính trị tăng từ 31,4% lên 37,7%; trung cao cấp chính trị chiếm 5,62%. Số đảng bộ, chi bộ cơ sở đạt tiêu chuẩn vững mạnh, trong sạch từ 23,51% năm 1982 đã tăng lên 49,64% năm 1985. Đó là những nhân tố cơ bản đảm bảo sự phát triển của địa phương trong giai đoạn mới.

Khu Di tích lịch sử, văn hóa Cát Tường, xã An Mỹ (Bình Lục). Ảnh: ĐT

II. HÀ NAM TRONG 15 NĂM ĐẦU THỰC HIỆN CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC (1986 - 2000)

1. Bước đầu thực hiện đường lối đổi mới (1986 - 1990)

Mười năm (1975 - 1985) là một chặng đường đầy thử thách đối với nhân dân cả nước nói chung và với nhân dân Hà Nam nói riêng. Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế diễn biến phức tạp, kinh tế xã hội gặp những khó khăn gay gắt, sản xuất tăng chậm, hiệu quả sản xuất chưa cao, phân phối lưu thông còn nhiều lúng túng, đời sống nhân dân còn nghèo, các hiện tượng tiêu cực xảy ra nhiều nơi, nhưng nhân dân Hà Nam đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, từng bước khắc phục khó khăn, phát huy thế mạnh, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Tháng 10 năm 1986, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ IV đã tập trung trí tuệ, thảo luận đánh giá đúng thực trạng của địa phương, đề ra phương hướng và nhiệm vụ cơ bản của tỉnh trong giai đoạn 1986 - 1990 là:

“-Từng bước ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên cơ sở ổn định và phát triển sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, đồng thời chú trọng phát triển sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Nâng cao năng suất, hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng nhanh xuất nhập khẩu, mở rộng liên kết, hợp tác và triệt để thực hiện tiết kiệm. Hình thành cơ cấu kinh tế và xác định cơ cấu đầu tư hợp lý từ tỉnh đến cơ sở.

- Tiếp tục hoàn chỉnh, xây dựng, tăng cường quản lý, khai thác và đưa vào sử dụng có hiệu quả các cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho sản xuất và đời sống, nhất là cho thâm canh nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hàng hoá xuất khẩu. Biện pháp quan trọng là phải đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cùng với việc củng cố, hoàn thiện quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa cần hình thành và thực hiện cơ chế quản lý mới. Tập trung cố gắng giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, ổn định đời sống nhân dân”(l).

Đường lối phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội lần thứ IV Đảng bộ Hà Nam Ninh đề ra trong giai đoạn 1986 - 1990 được tăng thêm nguồn sức mạnh bởi sự thành công của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI.

Tháng 12 năm 1986, Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI đã làm việc với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nghiêm khắc chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm. Đại hội VI đã vạch ra đường lối đổi mới quyết tâm đưa đất nước tiến lên.

Những nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI và Đại hội tỉnh Đảng bộ Hà Nam Ninh lần thứ IV thực sự là kim chỉ nam, nguồn động lực to lớn để nhân dân Hà Nam vượt qua nhiều thử thách gay go quyết liệt, từng bước đưa công cuộc đổi mới vào cuộc sống.

Trong thực hiện kế hoạch 5 năm (1986 - 1990) trên lĩnh vực kinh tế, do xác định “nông nghiệp là mặt trận hàng đầu”, nên tất cả các huyện thị của Hà Nam đều chú trọng đầu tư mọi nguồn lực cho nông nghiệp nhằm tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ về cơ chế quản lý và tổ chức lao động. Nền nông nghiệp nước ta thực sự chuyển biến từ khi thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VI (tháng 10-1988) “Về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp”. Năng lực sản xuất nông nghiệp từng bước được giải phóng, tạo ra những động lực mới cho sản xuất. Cùng với kinh tế tập thể là trụ cột, kinh tế hộ xã viên được khẳng định, đã góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển và xây dựng nông thôn mới. Với đường lối chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh, chuyên canh và toàn diện, tập trung vào thâm canh lúa - nhất là vụ lúa chiêm xuân, các huyện, xã của Hà Nam tiếp tục củng cố, mở rộng vùng thâm canh. Đặc biệt, các hợp tác xã đã chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, được khuyến khích nhất là đổi mới cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, kết hợp với việc áp dụng các biện pháp thâm canh, xen canh, đa dạng hoá các loại cây trồng, vật nuôi.

Trong những năm 1986 - 1990, tuy thời tiết không thuận, thiên tai thường xảy ra, sâu bệnh phát triển, nhưng nhờ có nhiều chủ trương, chính sách điều chỉnh sát hợp với tình hình thực tế, nên đã tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân nâng cao năng suất, hiệu quả lao động và tính làm chủ của mình trên diện tích được giao. Do vậy, sản xuất nông nghiệp của địa phương đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào.

Trong sản xuất lương thực, cây lúa được coi là quan trọng nhất đối với các huyện, thị. Diện tích gieo trồng ngày càng được mở rộng. Huyện Duy Tiên nếu trong năm 1985, diện tích canh tác là 12.702 ha thì đến 1988 là 12.850 ha; huyện Bình Lục năm 1985 là 24.298 ha đến 1990 là 24.930 ha. Năm 1988, thị xã Hà Nam có 773 ha; huyện Kim Bảng 16.676 ha... Do việc mở rộng diện tích, sản lượng lương thực tăng lên đáng kể. Đến cuối năm 1989, sản lượng lương thực của huyện Bình Lục là 71.055 tấn, huyện Duy Tiên: 53.91 tấn, huyện Kim Bảng: 39.000 tấn, huyện Lý Nhân: 43.600 tấn, thị xã Hà Nam: 1.800 tấn, huyện Thanh Liêm: 47.675 tấn. Năng suất trồng trọt ngày càng cao đã góp phần đưa sản lượng lương thực của cả tỉnh Hà Nam Ninh vượt con số 1 triệu tấn trong năm 1989.

Bên cạnh cây lúa là chủ đạo, các cây lương thực khác như ngô, khoai cũng không ngừng được coi trọng phát triển, tăng cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Huyện Kim Bảng có diện tích ngô là 1.300 ha, huyện Duy Tiên có 4.100 ha, đạt sản lượng 8.660 tấn (ngô 3660 ha, sản lượng 1.400 tấn; khoai tây 800 ha, sản lượng 2.600 tấn...). Vì vậy, mặc dù dân số tăng nhưng lương thực bình quân đầu người huyện Bình Lục vẫn đạt mức cao là 403kg/người.

Đi đôi với việc trồng cây lương thực, các cây công nghiệp cũng được phát triển, tạo ra những nét mới trong thay đổi cơ cấu cây trồng: huyện Duy Tiên có diện tích 200 ha trổng mía, 600 ha đay, 113 ha lạc, 55 ha đậu tương. Huyện Lý Nhân có 523 ha mía, thị xã Hà Nam có 80 ha lạc v.v... Năng suất và sản lượng cây công nghiệp đều tăng, góp phần tăng thêm nguồn hàng xuất khẩu để từ đó tăng nguồn thu ngân sách xây dựng địa phương và tăng thu nhập cho người lao động.

Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, các cấp uỷ Đảng và chính quyền các huyện đã chỉ đạo cơ sở không chỉ chuyển dịch cơ cấu cây trồng mà còn khuyến khích phát triển vật nuôi, đưa chăn nuôi trở thành một ngành sản xuất chính phù hợp với nền kinh tế hàng hoá. Năm 1988, huyện Duy Tiên có tổng đàn lợn 32.000 con (trong đó lợn thịt là 26.640 con), đàn trâu có 3.500 con, đàn bò có 2.600 con; huyện Bình Lục năm 1990 có tổng đàn lợn là 54.734 con, 4.150 con trâu, 4.924 con bò; huyện Kim Bảng năm 1989 có 29.000 con lợn, 2.500 con trâu, 2.500 con bò; thị xã Hà Nam có 3.802 con lợn, 301 con trâu, bò; huyện Lý Nhân có 40.000 con lợn v.v...(1) Ngoài ra chăn nuôi gà, vịt... nuôi cá cũng đạt nhiều hiệu quả. Năng suất, chất lượng các loài gia súc, gia cầm ngày càng cao và ổn định, góp phần làm thay đổi cơ cấu vật nuôi trong chăn nuôi ở vùng nông thôn.

Trong quá trình chuyển đổi cơ chế từ quan liêu bao cấp sang hạch toán kinh doanh, sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp có nhiều bỡ ngỡ nhưng cũng đã có được những chuyển biến tích cực. Từ năm 1988, các xí nghiệp quốc doanh, hợp tác xã thủ công nghiệp đều tiến hành sắp xếp lại sản xuất, đổi mới quản lý, công nghệ, hướng mục tiêu sản xuất vào phục vụ 4 chương trình kinh tế là lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Một số mặt hàng mới như đay xe, thịt đông lạnh, bia, may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ... chiếm lĩnh dần dần thị trường, từng bước làm thay đổi mặt hàng công nghiệp. Bên cạnh đó, các hình thức liên doanh, hợp tác liên kết trong sản xuất giữa công nghiệp trung ương, công nghiệp địa phương và hợp tác xã thủ công nghiệp đã có nhiều chuyển biến tốt, giải quyết việc làm, góp phần làm tăng sản phẩm cho xã hội, ổn định đời sống người lao động.

Kinh tế ngoài quốc doanh đã có bước phát triển ban đầu, thu hút được nhiều lao động, sản xuất được nhiều mặt hàng phục vụ sản xuất và đời sống, góp phần làm tăng sản lượng công nghiệp và thủ công nghiệp địa phương. Năm 1987, giá trị tổng sản lượng tiểu thủ công nghiệp của các huyện đều đạt và vượt mức kế hoạch, thấp nhất là huyện Kim Bảng cũng đạt 108,23%, cao nhất là huyện Duy Tiên đạt 138,44%. Năm 1988 giá trị tổng sản lượng tiểu thủ công nghiệp của các huyện, thị đạt 376.983.000 đồng, đến 1989 đã lên tới 593.715.000 đồng. Có được thành tựu đó là do các cơ sở đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát huy sáng kiến, tiết kiệm vật tư, nguyên liệu sản xuất, đa dạng hoá các mặt hàng như: phương pháp cải tiến sàng rung rửa đá granito của Hợp tác xã Trường Thành, cắt ống sợi khô của Hợp tác xã Hồng Thái..., các mặt hàng mới như xẻ gỗ ván sàn, kẹo vừng xốp, rượu xuất khẩu, bia Phủ Lý.... đã có chỗ đứng trên thị trường. Trong thời gian này đã xuất hiện một mô hình liên kết sản xuất mới là sự kết hợp chặt chẽ giữa nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp mà nòng cốt là các hợp tác xã thủ công nghiệp song mây Thống Nhất, hợp tác xã Dệt thảm Đồng Tâm (huyện Duy Tiên), hợp tác xã cơ khí dũa An Đổ (huyện Bình Lục). Do có trình độ kỹ thuật cao, Hợp tác xã song mây Thống Nhất đã được tín nhiệm giao tái tạo, phục chế toàn bộ trang trí nội thất bằng mây ở nhà sàn của Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch.

Chương trình hàng xuất khẩu trong điều kiện thị trường có nhiều biến động phức tạp, nhất là thị trường truyền thống tại các nước xã hội chủ nghĩa bị thu hẹp, nhưng hoạt động ngoại thương đã vượt qua những khó khăn, cố gắng tìm kiếm, mở rộng thị trường để đẩy mạnh kinh doanh xuất nhập khẩu. Một số sản phẩm tăng khá như áo dệt kim, hàng thêu, khăn tắm, khoai tây, lạc. Nhưng một số mặt hàng truyền thống lại bị giảm như long nhãn, đay tơ. Hàng nhập khẩu đã góp phần quan trọng vào việc cân đối một số vật tư, hàng hoá phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân. Năm 1988, giá trị hàng xuất khẩu của huyện Bình Lục chẳng hạn, đạt hơn 132 triệu đồng.

Từ năm 1988 trở về trước, thương nghiệp quốc doanh đã góp phần đáp ứng yêu cầu hàng hoá của xã hội. Thực hiện đổi mới cơ chế kinh tế, từ năm 1987, Tỉnh uỷ Hà Nam Ninh đã ra nghị quyết về chuyển hoạt động thương nghiệp quốc doanh sang hạch toán kinh doanh theo cơ chế thị trường, gắn với việc sắp xếp lại tổ chức thương nghiệp. Nhưng do chịu ảnh hưởng sâu nặng của thời kỳ bao cấp, thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán vẫn chưa thích nghi được với cơ chế kinh tế nhiều thành phần, nhiều đơn vị bị thua lỗ kéo dài, không còn đủ khả năng hoạt động đã phải giải thể.

Trong khi đó, thương nghiệp tư nhân phát triển, chiếm lĩnh phần lớn khâu bán lẻ và cả một phần khâu bán buôn, do vậy mà tỷ trọng thương nghiệp ngoài quốc doanh trong tổng mức bán lẻ xã hội từ 52% năm 1985 đã tăng lên 68,3% năm 1991.

Hoạt động tài chính, ngân hàng bước đầu đã chuyển theo cơ chế mới, cố gắng tạo thêm nguồn thu cho ngân sách và huy động các nguồn vốn, nhất là vốn tiết kiệm trong dân cư, để đầu tư cho mục tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo các yêu cầu chi thiết thực cần thiết, góp phần khống chế lạm phát chung.

Đầu tư xây dựng cơ bản được tập trung cho 4 chương trình kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng đầu tư cho những công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp như xây dựng các trạm bơm và tăng cường thiết bị cho hệ thống các trạm bơm lớn. Đồng thời, tỉnh cũng tập trung đầu tư khai thác khu kinh tế mới, mở rộng mạng lưới điện, xây dựng các xí nghiệp ươm tơ, se đay, may mặc... Đầu tư củng cố, xây dựng kết cấu hạ tầng về giao thông và các công trình phúc lợi cũng được tỉnh đặc biệt chú ý. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong năm 1988, các huyện Thanh Liêm, Kim Bảng, Bình Lục, thị xã Hà Nam và một số xã của các huyện Lý Nhân và Duy Tiên được ngành Giao thông Vận tải Hà Nam Ninh công nhận và khen ngợi đã làm tốt giao thông nông thôn (1).

Công tác an ninh và quốc phòng được giữ vững, tạo ra sức mạnh tổng hợp để giữ gìn an ninh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN. Thực hiện Chỉ thị 135 của Hội đồng Bộ trưởng, Hà Nam đã liên tục mở nhiều đợt phát động phong trào quần chúng phòng ngừa, tấn công tội phạm, lấy lực lượng công an, bộ đội làm nòng cốt nên trật tự an toàn xã hội có bước chuyển biến; xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, nhiều gương chiến đấu dũng cảm trong lực lượng công an và nhân dân.

Về công tác quốc phòng, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và của Quân khu III, đảng bộ và chính quyền đã xây dựng và triển khai kế hoạch “Xây dựng tỉnh Hà Nam Ninh thành khu vực phòng thủ vững chắc”. Các cuộc diễn tập quân sự hàng năm của lực lượng vũ trang đều đạt kết quả tốt. Qua thực tế hoạt động, đảng bộ có thêm nhiều kinh nghiệm trong xây dựng và chống phá chiến tranh nhiều mặt của các thế lực thù địch. Nhờ đó, thế trận chiến tranh nhân dân ở địa phương được củng cố và giữ vững.

Những thành tựu bước đầu trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng đã đem lại sự khởi sắc mới trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội ở địa phương. Cơ chế tập trung quan liêu bao cấp từng bước bị xóa bỏ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Cơ cấu kinh tế và cơ cấu đầu tư có sự chuyển biến theo hướng tập trung vào 4 chương trình kinh tế - xã hội mà Đảng và Chính phủ đề ra. Các hoạt động khoa học kỹ thuật, văn hoá, xã hội, y tế được đẩy mạnh. Đời sống nhân dân ổn định và từng bước được cải thiện. Những thành tựu đạt được, tạo tiền đề hết sức quan trọng cho nhân dân trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo.

2. Phát huy thắng lợi bước đầu, hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội (1991 - 1996)

Sau 5 năm (1986 - 1990), thực hiện đường lối đổi mới do Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra, Đảng bộ và nhân dân Hà Nam Ninh nói chung và Hà Nam nói riêng đã giành được những thành tựu đáng tự hào và cũng rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trên con đường đưa sự nghiệp đổi mới vào cuộc sống.

Năm 1991 - năm mở đầu kế hoạch 5 năm (1991 - 1995), chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII cũng là năm Quốc hội quyết định chia tách tỉnh Hà Nam Ninh thành hai tỉnh: Nam Hà và Ninh Bình.

Ngày 26/12/1991, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII đã phê chuẩn Nghị quyết tách tỉnh Hà Nam Ninh thành hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình. Sau 16 năm sap nhập, đến đây, ngày 1/4/1992, tỉnh Nam Hà bao gồm Hà Nam và Nam Định lại trở về nguyên trạng như trước năm 1976.

Sau khi hoàn thành việc chia tách tỉnh, mọi hoạt động đi dần vào ổn định, từ ngày 10 đến ngày 12/8/1992, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Hà lần thứ VIII được tổ chức tại thành phố Nam Định.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Hà lần thứ VIII đã thông qua báo cáo chính trị và những mục tiêu kinh tế - xã hội trong thời gian tới và đã định ra phương hướng, nhiệm vụ như sau: “Tiếp tục thực hiện đổi mới toàn diện các hoạt động kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VII nhằm phát huy cao độ truyền thống cách mạng đoàn kết, phấn đấu, tập trung khai thác tiềm năng của tỉnh, giải phóng triệt để mọi năng lực sản xuất, đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, lấy phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện gắn với công nghiệp chê biến là nhiệm vụ hàng đầu làm cơ sở cho phát triển công nghiệp và xuất khẩu” (1).

Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Hà lần thứ VIII, từ 1992 đến năm 1996, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân Hà Nam đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, vươn lên giành những thắng lợi mới trong thời kỳ mới.

Do nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò sản xuất nông nghiệp của địa phương có gần 90% dân số là nông dân và quyết tâm đẩy mạnh công cuộc đổi mới của Đảng, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tập trung lãnh đạo và tổ chức phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, kiên quyết chỉ đạo đổi mới quản lý nông nghiệp. Từ 1992, khi Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam Ninh ra Quyết định số 115/QĐ-UB thực hiện giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho nông dân đã tạo ra một động lực mới trong sản xuất nông nghiệp. Do có chủ trương và biện pháp đúng đắn, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của người nông dân cho nên trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Hà Nam luôn đạt mức tăng trưởng khá và tương đối toàn diện. Đặc biệt là sản xuất lương thực có tốc độ tăng nhanh cả về diện tích, năng suất và sản lượng.

Năm 1991, toàn tỉnh Nam Hà có tổng diện tích lúa là 223.867 ha, năng suất đạt 64 tạ/ha, sản lượng đạt 721.282 tấn, trong đó vùng Hà Nam có 38.065 ha chiếm hơn 17% diện tích toàn tỉnh; năng suất đạt 46,16 tạ/ha, sản lượng đạt 172.702 tấn (chiếm hơn 23%).

Về chăn nuôi, chỉ tính riêng đàn lợn, tỉnh Nam Hà có 548.400 con, trong đó vùng Hà Nam có 188.800 con, chiếm 34,4%(l).

 

 

Thành tích của các huyện, thị trên lĩnh vực nông nghiệp như bảng sau đây:

Số

TT Huyện thị Diện tích trồng lúa Năng suất (tạ/ha) Sản lượng (tấn) Chăn nuôi lợn (con)

1 TX. Hà Nam 251 46,02 994 4.000

2 Bình Lục 10.974 47,84 52.676 50.900

3 Duy Tiên 6.559 53,56 34.865 28.800

4 Kim Bảng 6.180 41,30 25.678 33.000

5 Lý Nhân 6.910 41,48 28.791 29.400

6 Thanh Liêm 6.561 46,76 29.698 44.600

Trong năm 1992 là năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Hà lần thứ VIII, sản xuất lương thực và chăn nuôi của Hà Nam đã có chuyển biến vượt bậc.

Toàn tỉnh đã gieo trồng 228.961 ha lúa, năng suất đạt 8,2 tấn/ha, sản lượng đạt 943.950 tấn; trong đó vùng Hà Nam có sản lượng 248.648 tấn (chiếm gần 26,5%), năng suất đạt 6,389 tạ/ha. Vượt kế hoạch thấp nhất là thị xã Hà Nam cũng đạt 136,6%, cao nhất là huyện Duy Tiên đạt 150%. Đàn lợn cả năm của Nam Hà có 572.500 con, trong đó vùng Hà Nam có 198.600 con, chiếm 24,7%(1).

Cụ thể như sau:

STT Huyện thị Năng suất (tạ/ha) Sản lượng

(tấn) Chăn nuôi lợn

(con)

1 TX. Hà Nam 63,36 1.378 4.300

2 Bình Lục 68,00 75.973 52.100

3 Duy Tiên 69,82 52.617 28.600

4 Kim Bảng 58,88 36.428 33.300

5 Lý Nhân 64,68 41.335 45.100

6 Thanh Liêm 58,60 40.917 35.200

Trong các năm tiếp theo, sản xuất nông nghiệp luôn có mức tăng trưởng cao: huyện Lý Nhân năm 1994 tuy vụ mùa bị thiên tai, 100% diện tích lúa bị úng, 56,5% bị ngập trắng, nhưng sản lượng lúa cả năm vẫn đạt 45.202 tấn, đàn lợn có 50.300 con; huyện Thanh Liêm đạt sản lượng 36.960 tấn, đàn lợn có 36.000 con; riêng huyện Bình Lục từ 1991 đến 1995 bình quân sản lượng hàng năm đều đạt 84.909 tấn (78.522 tấn lúa). Năm 1995, sản lượng lương thực huyện Bình Lục đạt 111.609 tấn, vượt 24% kế hoạch tỉnh giao; chăn nuôi lợn đạt 69.160 con; 657 con trâu, bò. Sản lượng lương thực năm 1995 của thị xã Hà Nam là 2.285 tấn (1.794,5 tấn lúa) (2).

Đến cuối năm 1996, trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Hà Nam đạt giá trị tổng sản lượng là 960,84 tỷ đồng. Trong đó sản xuất lương thực đạt kết quả rất đáng tự hào. Tổng diện tích gieo trồng là 70.908,5 ha, năng suất đạt 76 tạ/ha, sản lượng quy ra thóc là 319.435 tấn. Bình quân lương thực đạt 402 kg/người. Ngoài lúa là chủ đạo, các cây trồng khác như ngô, đậu, lạc... đều tăng trưởng: Năm 1994, huyện Lý Nhân trồng được 1.200 ha ngô; khoai lang và khoai tây 800 ha; huyện Bình Lục trồng ngô đông được 850 ha, khoai lang 900 ha...(1). Diện tích năng suất và chủng loại cây hoa màu, nhất là cây vụ đông của tất cả các huyện thị đều năm sau cao hơn năm trước. Cùng với trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng từng bước chuyển dịch sang sản xuất hàng hóa. Đàn lợn hàng năm tăng từ 3 - 5%, đàn trâu bò được giữ vững. Các diện tích ao, hồ đều được tận dụng tốt để nuôi trồng thủy sản.

Công tác thủy lợi, phòng chống lụt, bão được quan tâm. Hàng nghìn cây tre được trồng bảo vệ các tuyến đê, các công trình thủy lợi. Hàng triệu mét khối đất được đào đắp, nạo vét, hàng chục nghìn mét khối đá được dùng để kè kênh mương, bờ đê,... Chỉ tính riêng huyện Lý Nhàn năm 1995 đã đào đắp, nạo vét được 16.900m3 đất, 19.284m3 đá kè kênh mương; huyện Thanh Liêm 187.000m3. Trong năm 1996, một công trình thủy lợi lớn của Hà Nam được đưa vào sử dụng là công trình trạm bơm Đinh Xá phục vụ tưới tiêu cho vùng trọng điểm lúa Bình Lục(2).

Trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp từ 1991 đến 1996, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu, vật tư..., nhưng một số sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vẫn được giữ vững; một vài cơ sở có bước phát triển tốt. Một số mặt hàng thủ công truyền thống nổi tiếng như thêu Thanh Hà, đá Kiện Khê (huyện Thanh Liêm), dũa An Đổ (huyện Bình Lục), hàng tre đan Ngọc Động, dệt sợi Đại Thành có sản phẩm nổi tiếng cả trong và ngoài tỉnh.

Giá trị sản xuất công nghiệp năm 1996 đạt 286,75 tỷ đồng. Trong đó công nghiệp trung ương đạt 19 tỷ 110 triệu, công nghiệp địa phương đạt 267,64 tỷ đồng (Công nghiệp quốc doanh cả trung ương và địa phương đạt 71,6 tỷ đồng, công nghiệp ngoài quốc doanh đạt 215,15 tỷ). Một số huyện, thị có giá trị công nghiệp, tiểu công nghiệp như sau: huyện Bình Lục năm 1995 là 1.800 triệu, chiếm 20% tổng giá trị; huyện Thanh Liêm đạt 6.090 triệu; huyện Lý Nhân đạt 12.000 triệu đồng.

Trong thời gian này, xuất hiện các doanh nghiệp tư nhân (bao gồm 9 cơ sở thu hút gần 400 lao động), trong đó có một số doanh nghiệp do đảng viên đứng ra tổ chức sản xuất kinh doanh các ngành nghề thủ công, xây dựng cơ bản, vật liệu...

Do vị trí quan trọng của giao thông trong việc thúc đẩy nền kinh tế hàng hóa phát triển, trong những năm 1991-1996 ở Nam Hà đã dấy lên phong trào làm đường giao thông nông thôn. Phong trào được sự đồng tình và ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân, do vậy chỉ trong một thời gian ngắn, các trục đường liên thôn, liên xã được cải tạo, mở rộng, nâng cấp. Năm 1995, Nam Hà được công nhận là đơn vị điển hình của toàn quốc trên lĩnh vực này: 100% số xã có đường ôtô đến trung tâm xã; 1,5% số hộ có điện thoại. Năm 1995 thị xã Hà Nam đã cải tạo, nâng cấp nhựa hóa 6 đoạn đường chính trong nội thị, nâng cấp đường đá, ngõ nội phường, nội xã với một diện tích lên đến 21.372 m2; huyện Thanh Liêm rải đá cấp phối đường liên xã được 16.900m, đường thôn xóm được 39.700m... với tổng vốn đầu tư (năm 1995) là 2,5 tỷ đồng; huyện Lý Nhân 9 tháng đầu năm 1994 đã rải đá được 27km đường giao thông; huyện Bình Lục có 258/315 thôn, xóm đã hoàn chỉnh đường giao thông nông thôn. (Trong phong trào này, các tầng lớp nhân dân của huyện đã tích cực đóng góp được 17.920 triệu đồng, chiếm 91,8% tổng kinh phí đầu tư làm đường giao thông nông thôn của huyện) (1).

Các hoạt động thương mại, dịch vụ, xây dựng cơ bản, tài chính, ngân hàng cũng có những tiến bộ đáng kể. Trong năm 1996 đã đầu tư 365 tỷ đồng xây dựng cơ bản. Huy động vốn đạt 95 tỷ, đầu tư tín dụng đạt 388 tỷ. Do đó, các công trình trọng điểm, kết cấu hạ tầng được xây dựng đã và đang phát huy tác dụng tạo đà cho những bước phát triển tiếp theo.

Sự nghiệp giáo dục - đào tạo có bước phát triển mới cả về quy mô và chất lượng. Hà Nam luôn giữ vững và phát huy được truyền thống hiếu học, “dạy tốt và học tốt”. Năm 1994 - 1995, sự nghiệp giáo dục - đào tạo ở Hà Nam đã góp phần đáng kể vào thành tích chung của tỉnh, đưa ngành giáo dục - đào tạo của Nam Hà trở thành đơn vị dẫn đầu toàn quốc về các chỉ tiêu thi đua, là lá cờ đầu toàn ngành, nhiều năm liền là đơn vị dẫn đầu ngành giáo dục toàn quốc. Số người đi học bình quân mỗi năm tăng 4,6%, đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học. Việc xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường và công tác xã hội hóa giáo dục được cấp ủy, chính quyền và nhân dân quan tâm, đồng tình thực hiện, ở Hà Nam, huyện Thanh Liêm có 60% số xã có trường cao tầng; xây dựng mới trường Phổ thông trung học Lý Nhân; thị xã Phủ Lý đầu tư 300 triệu đồng xây dựng thêm 8 phòng học cao tầng... (1).

Công tác quốc phòng, an ninh được các cấp ủy Đảng, chính quyền chú trọng. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân được đẩy mạnh. Các mô hình tự quản được xây đựng như: phong trào tự quản ở các cơ quan, xí nghiệp; phong trào “thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận” ở nông thôn, “xứ họ đạo và gia đình giáo dân tiên tiến” (ở vùng công giáo) được xây dựng và phát triển. Với tất cả những cố gắng trong lĩnh vực quốc phòng an ninh nên trong những năm qua, mặc dù các thế lực thù địch và các phần tử xấu tăng cường hoạt động, cùng với tác động mặt trái của cơ chế thị trường làm nảy sinh nhiều phức tạp, nhưng an ninh chính trị vẫn được giữ vững, trật tự an toàn xã hội có chuyển biến tiến bộ, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bốn năm liên tục xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội theo đường lối đổi mới của Đảng đã tạo ra những thuận lợi cơ bản để Hà Nam tiếp tục tiến lên. Nhưng trên con đường đó cũng bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập... Tiềm năng của tỉnh chưa được khơi dậy, thiếu sự năng động để thúc đẩy kinh tế phát triển, tình hình kinh tế nhìn chung vẫn còn sức ỳ lớn, đặc biệt là chưa tạo được những ngành công nghiệp mũi nhọn cho địa phương.

Cơ cấu kinh tế chuyển biến chậm, công nghiệp và xây dựng mới chiếm 19% GDP, ngành nghề thủ công truyền thống đứng trước khó khăn gay gắt. Trong nông nghiệp, tỷ trọng chăn nuôi mới đạt xấp xỉ 30% giá trị, tỷ suất hàng hóa thấp. Thương mại quốc doanh trong sự cạnh tranh của cơ chế thị trường đã bộc lộ rõ sự yếu kém, tốc độ tăng trưởng GDP chậm, chưa ổn định...

Tuy vậy, với tinh thần kiên trì, tự lực phấn đấu, quyết tâm đưa đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước vào cuộc sống, Đảng bộ và nhân dân Hà Nam đã tạo bước chuyển biến quan trọng về kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân được cải thiện, nâng cao. Cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng, nông thôn Hà Nam đang khởi sắc... Những thành tựu đạt được trong 4 năm qua đã tạo ra thế và lực để quân và dân Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng trong những năm cuối của thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI

3. Tỉnh Hà Nam được tái lập và tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1997 - 2000)

Qua hơn 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, cùng với cả nước, Hà Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Nền kinh tế của tỉnh đã thoát khỏi khủng hoảng, đi vào ổn định và có hướng phát triển tốt. Quan hệ sản xuất được củng cố, lực lượng sản xuất phát triển. Đặc biệt sản xuất nông nghiệp có bước tiến nhảy vọt về năng suất, tổng sản lượng... Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Những kết quả đó khẳng định đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng chính là sức mạnh để các cấp bộ Đảng, quân dân Hà Nam vững bước vào thời kỳ cách mạng mới: Thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đã đề ra.

Để thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã tiến hành cải cách nền hành chính, phát huy dân chủ, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương. Tại kỳ họp thứ 10 ngày 6/11/1996, Quốc hội khóa IX đã ra Nghị quyết phê chuẩn tách tỉnh Nam Hà thành 2 tỉnh Nam Định và Hà Nam. Như vậy là sau 32 năm hợp nhất, ngày 1/1/1997, tỉnh Hà Nam được tái lập. Đây là một sự kiện quan trọng đối với Đảng bộ và quân dân trong tỉnh, mở ra một thời kỳ phát triển mới với nhiều thuận lợi và cũng không ít khó khăn.

Thuận lợi: Hà Nam nằm ở phía Nam thủ đô Hà Nội, có trục đường giao thông Bắc - Nam chạy qua, mở rộng giao lưu, hợp tác với các vùng, các trung tâm kinh tế lớn của đất nước, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Đất đai của tỉnh đa dạng, có đồng bằng, bãi bồi, đồi núi thuận tiện cho phát triển sản xuất nông nghiệp với nhiều loại sản phẩm. Tài nguyên tương đối phong phú đặc biệt là đá vôi và đất sét với trữ lượng hàng tỷ mét khối. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Trải qua ngót 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân từng bước được nâng cao, tình hình an ninh chính trị được giữ vững. Đó là động lực quan trọng để xây dựng Hà Nam thành một tỉnh giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Khó khăn: Hà Nam là tỉnh thuần nông thuộc địa bàn vùng chiêm trũng, công nghiệp địa phương còn nhỏ bé; thương mại, xuất khẩu, dịch vụ du lịch chưa phát triển. Xuất phát điểm về kinh tế rất thấp. Kết cấu hạ tầng bị chiến tranh tàn phá nhiều lần, chỉ mới được đầu tư xây dựng. Trong khi đó nguồn thu chủ lực chưa có, nguồn thu ngân sách rất nhỏ bé. Khi tách tỉnh, lực lượng cán bộ từ tỉnh Hà Nam chuyển về vừa thiếu về số lượng, vừa mất cân đối về cơ cấu, nhiều cơ quan, ban, ngành, đoàn thể không có cán bộ chủ chốt; trong các ngành kinh tế - kỹ thuật thiếu cán bộ khoa học, cán bộ quản lý có kinh nghiệm.

Trước những khó khăn và thuận lợi đó, kế thừa và phát huy thành quả 32 năm hợp nhất với Nam Định, Ninh Bình, đảng bộ và nhân dân Hà Nam phát huy truyền thống cách mạng, niềm tự hào quê hương đã nêu cao tinh thần làm chủ, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh, khắc phục khó khăn vươn lên hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

Sau Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành lâm thời đảng bộ tỉnh, ngày 3/7/1998 Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XV được tổ chức tại thị xã Phủ Lý. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 39 đồng chí. Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ của tỉnh trong giai đoạn đến năm 2000 là: “Tiếp tục tập trung đẩy mạnh và phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng thâm canh, tăng vụ, tăng nhanh nông sản hàng hóa. Đảm bảo vững chắc về lương thực cho người và các nhu cầu khác. Khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là nguồn tài nguyên đá vôi và đất sét được tập trung liên hoàn ở phía tây của tỉnh.

Tăng cường đầu tư phát triển mạnh công nghiệp sản xuất và chế biến vật liệu xây dựng, vì đây là ngành công nghiệp chủ lực, có tính chất mũi nhọn trước mắt cũng như lâu dài. Đồng thời phát triển công nghiệp dệt, may, chế biến nông sản xuất khẩu, công nghiệp cơ khí, tiểu thủ công nghiệp, mở rộng làng nghề. Tích cực thu hút đầu tư từ các nguồn liên doanh, liên kết, hợp tác trong và ngoài nước. Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch, xuất nhập khẩu có hiệu quả. Thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng: Tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp trong GDP. Phát triển lực lượng sản xuất, đi đôi với củng cố và tăng cường quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước. Cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc, của quê hương. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân và khu vực phòng thủ vững chắc. Phấn đấu đưa Hà Nam thành một tỉnh giầu mạnh văn minh(1).

Đại hội đã xác định một số mục tiêu cơ bản cần phấn đấu đến năm 2000 như sau:

- Tăng trưởng kinh tế GDP bình quân đạt 14%/năm.

- Thu nhập bình quân GDP đầu người năm 2000 đạt 3,3 triệu đồng.

- Giá trị sản lượng nông nghiệp tăng bình quân 4,5%/năm.

- Bình quân lương thực ổn định 450 kg/người.

- Giá trị sản lượng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng 29%/năm.

- Doanh số thương mại, dịch vụ tăng bình quân 15%/năm.

- Giá trị hàng xuất khẩu tăng 30%/năm...(1)

          Trong lĩnh vực kinh tế, nhất là sản xuất lương thực, Hà Nam luôn giành được những thành tựu đặc biệt. Từ năm 1997 đến 2000, Hà Nam luôn được mùa lớn, năm sau cao hơn năm trước. Năng suất năm cao nhất bình quân cả tỉnh đạt 10,2 tấn/ha; sản lượng lương thực quy ra thóc đạt 424 ngàn tấn; bình quân lương thực đầu người đạt 530 kg/năm. Từ một tỉnh thiếu lương thực đến nay Hà Nam đã đủ lương thực tiêu dùng, có dự trữ, đảm bảo an ninh lương thực, có sản phẩm hàng hóa và tham gia xuất khẩu. Chương trình sản xuất giống lúa lai thay thế nhập ngoại đã góp phần chuyển đổi mạnh cơ cấu giống và tăng năng suất.

Một số thành tựu trong nông nghiệp từ 1997 đến 2000:

 

Phân loại 1997 1998 1999 2000

Tổng diện tích gieo trồng (ha) 73.633,00 74.332,00 99.325,00 99.900,00

Sản lượng lương thực quy thóc (tấn) 371.436,00 399.743,00 424.300,100 413.000,00

Năng suất (tạ/ha) 93,32 97,84 102,00 102,31

Bình quân lương thực, kg/người/năm),

- Lợn (con)

- Bò (con) 451,00

 

246.850,00 480,80

 

251.628,00 505,00

 

268.000, 000

21.934,00 530,00

 

278.000,00

27.500,00

 

Trên lĩnh vực sản xuất lương thực, các huyện trong tỉnh thể hiện rõ vai trò chủ động và sáng tạo của mình, tận dụng tối đa nguồn đất trồng trọt, huy động và phát huy quyền làm chủ của người lao động trong sản xuất... Vì thế đã tạo nên những buớc phát triển vững chắc và những thành quả quan trọng.

Từ năm 1996 đến 2000, tất cả các huyện đều hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao, trong đó 3 huyện Bình Lục, Lý Nhân, Duy Tiên là những huyện tiêu biểu của Hà Nam trên lĩnh vực sản xuất lương thực (tính bình quân từ 1996 đến 2000)(1):

Phân loại Bình Lục Duy Tiên Lý Nhân

Sản lượng lương thực (tấn) 94.073 81.356 75.215

Năng suất (tạ/ha) 106,30 103,32 105,0

Bình quân (kg/người/năm) 670,00 592 405

 

Ngoài cây lúa là chủ đạo, các huyện đều đẩy mạnh trồng các loại hoa mầu khác như ngô, khoai lang, đậu, lạc, đỗ tương, khoai tây... Các loại cây trồng này không chỉ tăng thêm nguồn lương thực cho người, thức ăn cho gia súc mà còn là một nguồn hàng hóa quan trọng để trao đổi và xuất khẩu, góp phần làm cho nông nghiệp phát triển vững chắc và toàn diện. Năm 1998, huyện Bình Lục trồng được 2.350 ha cây vụ đông; huyện Kim Bảng thu hoạch được số màu quy ra thóc: 13.346 tấn, lạc vỏ: 819 tấn, đậu tương: 549 tấn...

 

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi cũng có bước tăng trưởng khá. Ngoài đàn lợn là chủ lực, chăn nuôi trâu, bò, nuôi cá... được các huyện xác định là một mũi nhọn phát triển kinh tế. Đặc biệt là các giống mới cùng kỹ thuật chăn nuôi mới đã xâm nhập và đứng vững trên lĩnh vực này, góp phần tạo nên năng suất, chất lượng ngày càng cao. Năm 1998, đàn lợn của huyện Bình Lục có 61.141 con, đến năm 2000 tăng thêm 35%; đàn bò 4.528 con - tăng 35%; gia cầm tăng 76,6%. Huyện Kim Bảng có diện tích 632 ha nuôi cá, thu hoạch 850 tấn; trong 5 năm (1996 - 2000), huyện Lý Nhân có sản lượng 4.742 tấn lợn hơi, Duy Tiên: 5.994 tấn... (1).

Phong trào trồng cây, công tác quản lý và bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn. Việc trồng cây không chỉ có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái mà còn là một mũi nhọn kinh tế. Huyện Kim Bảng năm 1998 trồng được 102.800 cây, trong đó có 70.000 cây ăn quả các loại. Hầu hết các vùng đất trắng, đồi trọc của các huyện đều được phủ xanh. Toàn tỉnh đã trồng mới được 730 ha rừng, trên 3 triệu cây các loại trong đó 80% là cây ăn quả, có nhiều vườn cây đặc sản có giá trị kinh tế cao như các vườn vải, nhãn thôn Thanh Bồng (xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm)(2).

Trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, một số sản phẩm công nghiệp truyền thống như khai thác đá, sản xuất xi măng, gạch, vôi... đều tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp được giữ vững. Một vài cơ sở sản xuất và địa phương có bước phát triển tốt như Công ty xi măng Bút Sơn và 4 nhà máy xi măng khác; Công ty dệt Hà Nam; Công ty bia, nước giải khát Phủ Lý và các cơ sở sản xuất ở các huyện Kim Bảng, thị xã Phủ Lý, Bình Lục, Duy Tiên(3).

Năm 1998, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện Kim Bảng đạt 71.500 triệu đồng - tăng 8,5% so với 1997. Trong đó quốc doanh đạt 7.540 triệu, ngoài quốc doanh đạt 63.960 triệu đồng. Huyện Lý Nhân bình quân trong 5 năm đạt giá trị 80,409 tỷ, huyện Bình Lục đạt 18,640 tỷ. Đặc biệt, huyện Duy Tiên là địa phương duy nhất trong cả nước được chọn để sản xuất hàng nghìn chiếc trống cung cấp cho Lễ hội Thăng Long. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Yên Bắc (huyện Duy Tiên) được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lao động” trong thời kỳ đổi mới"(1).

Trong 3 năm, từ 1998 đến 2000, giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của Hà Nam đã tăng 45,9%, chiếm 28,5% trong tổng sản phẩm xã hội (GDP), trong đó giá trị của các ngành công nghiệp được phân bố như sau:

                                  Năm

 

Tổng số (tỷ đồng) 1996 1997 1998 1999 2000

Giá trị sản xuất công nghiệp Công nghiệp Trung ương Công nghiệp địa phương 286,750

19,152

267,500 315.8

22.8

293,0 422,175

98,974

323,198 817.0

471.0

346.0 1057,897

687,679

370,200

 

Trên lĩnh vực xây dựng cơ bản, trong thời gian từ 1997 đến 2000, hàng loạt công trình xây dựng được triển khai và hoàn thành. Đó là các công trình trọng điểm như trạm bơm Đinh Xá, Triệu Xá, trạm bơm Yên Lệnh, nâng cấp Nhà máy nước Phủ Lý, xi măng Kiện Khê... Đặc biệt, Hà Nam đã tiến hành quy hoạch tổng thể thị xã Phủ Lý - Trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh và quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp Đồng Văn. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm đều tăng và tổ chức thực hiện ngày càng có hiệu quả. Năm 1996, triển khai thực hiện 339,251 tỷ thì năm 1997 là 609 tỷ; từ năm 1998 đến 2000 bình quân mỗi năm là 860,3 tỷ đồng. Các huyện cũng tập trung nguồn vốn vào xây dựng như Bình Lục đầu tư trong 5 năm là 300 tỷ đồng, huyện Lý Nhân bình quân một năm 20 tỷ, huyện Kim Bảng 26,7 tỷ...(2).

Trong xây dựng cơ bản, phong trào nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn tiếp tục được đẩy mạnh. Cả tỉnh đã huy động 163,2 tỷ đồng để sửa chữa nâng cấp xây dựng 2.612km đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa 150km kênh mương. Trong đó huyện Lý Nhân làm được 782,2km (có 39 km đường nhựa, 200,3km đường bê tông), huyện Duy Tiên 80% đường liên xã, thôn xóm được rải nhựa, bê tông, đá cấp phối, lát gạch; 100% đường huyện là đường rải nhựa; huyện Bình Lục đầu tư gần 100 tỷ đồng làm 258km đường bê tông và lát gạch nghiêng, 94km đường ra đồng được rải đá; Kim Bảng làm 79,5km... Trong đó, huyện Bình Lục đã huy động nhân dân đóng góp tới 80% tổng số kinh phí(1).

Ngoài ra, các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, tài chính, ngân hàng, điện lực... đều có tốc độ tăng trưởng khá, đáp ứng kịp thời các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Riêng xuất khẩu đã tăng lừ 7,39 triệu USD năm 1997 lên 20 triệu USD năm 2000. Mặt hàng chủ yếu là long nhãn, lạc nhân, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng dệt may mặc, trong đó một số mặt hàng mới là dưa chuột của các huyện Duy Tiên, Bình Lục, Lý Nhân đã được thị trường yêu thích. Bưu điện đã phát triển nhanh về số lượng, chất lượng. Chỉ tính riêng số máy điện thoại trong địa bàn đến năm 2000 là 12.500 máy, bình quân 1,5 máy/100 dân.

Công tác giáo dục - đào tạo, xã hội hóa giáo dục, khuyến học được chú ý đẩy mạnh, do đó hệ thống giáo dục - đào tạo của tỉnh phát triển cả về quy mô và chất lượng. Đến năm 2000, Hà Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, 100% số xã, phường, thị trấn của tỉnh hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Chất lượng giáo dục toàn diện được coi trọng. Số học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia năm sau cao hơn năm trước. Phong trào thi đua “Hai tốt” tiếp tục được phát huy. Trường Trung học cơ sở Bắc Lý, huyện Lý Nhân đã vinh dự được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lao động lần thứ hai.

Năm học 1999 - 2000, Hà Nam có 13 trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là trường chuẩn quốc gia cấp tiểu học. Tỉnh đã thành lập mới được 3 trường trung học phổ thông là các trường Phủ Lý B, Bình Lục C, Kim Bảng C. Số học sinh thi học sinh giỏi cấp quốc gia lớp 12 tăng cả về số lượng và cơ cấu giải; số học sinh giỏi cấp tỉnh cũng đạt kết quả cao hơn năm trước(1).

Sự nghiệp y tế của tỉnh trong 4 năm qua có nhiều tiến bộ. Hầu hết các bệnh viện, trung tâm y tế cấp huyện đều được cải tạo, xây dựng mới, trang thiết bị y tế ngày một đầy đủ hơn, có nhiều thiết bị hiện đại. Đội ngũ cán bộ y tế được nâng cao trình độ văn hóa, nghiệp vụ chuyên môn. Đến năm 2000, toàn tỉnh đã có 63% số trạm y tế có bác sĩ. Công tác phòng, chống dịch bệnh đảm bảo tốt, hạn chế không để xẩy ra có dịch bệnh lớn. Do đó chỉ số sức khỏe của nhân dân trong tỉnh được nâng lên, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng; giảm từ 36% năm 1995 xuống còn 32% năm 2000. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 1,3% năm 1997 xuống còn 1,11% năm 2000 (1).

Các hoạt động văn hóa, thông tin, nghệ thuật mang truyền thống dân tộc, quê hương được duy trì phát triển. Phong trào xây dựng làng văn hóa được đẩy mạnh. Các huyện Lý Nhân, Duy Tiên, Bình Lục, Kim Bảng có 100% làng đăng ký xây dựng làng văn hóa, trong đó đã có trên 74 làng được công nhận là làng văn hóa. Hệ thống truyền thanh phủ kín 100% số xã, có 85% số hộ trong tỉnh được xem truyền hình. Phong trào thể dục thể thao phát triển sâu rộng. Nhiều xã, phường có phong trào tốt, tổ chức được nhiều giải thể thao quần chúng từ cơ sở đến tỉnh, góp phần tăng cường rèn luyện, nâng cao sức khỏe cho nhân dân.

Quán triệt sâu sắc hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Tỉnh ủy và chính quyền Hà Nam thường xuyên tuyên truyền và đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, đảm bảo sẵn sàng chiến đấu. Lực lượng thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên được củng cố về chất lượng, số lượng. Hàng năm, tỉnh đều hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu gọi thanh niên nhập ngũ. Năm 2000, Hà Nam đã giao 1.270 thanh niên nhập ngũ đạt 100% kế hoạch, vượt thời gian quy định.

Công tác an ninh quốc gia trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến, tập trung vào các địa bàn trọng điểm như các tuyến giao thông và vùng giáo dân. An ninh nông thôn được tăng cường. Ở những nơi phức tạp, “điểm nóng”, tỉnh đã chỉ đạo giải quyết từ cơ sở, kiềm chế và ổn định được tình hình. Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và phong trào quần chúng phòng ngừa, tấn công tội phạm đạt kết quả tốt. Các ngành Công an, Kiểm sát, Thanh tra, Tòa án, Tư pháp... đã phối hợp hoạt động, từng bước nâng cao chất lượng công tác đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, phát hiện tội phạm, xét xử, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân.

Trong điều kiện tình hình quốc tế, khu vực có nhiều biến động phức tạp, sự nghiệp đổi mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa có nhiều vấn đề mới nảy sinh, thì công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh là một đòi hỏi cấp thiết. Tỉnh ủy Hà Nam đã chú trọng tuyên truyền, giáo dục bồi dưỡng nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, thông qua việc triển khai quán triệt các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6. Để nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, Tỉnh ủy đã mở 100 lớp sơ, trung cấp chính trị cho 6.500 học viên. Các hoạt động tuyên truyền miệng, tổ chức thi báo cáo viên từ đảng bộ cơ sở đến tỉnh thường xuyên được tổ chức. Công tác phát triển đảng viên mới đạt kết quả tốt, trong các năm 1998 - 2000 toàn tỉnh kết nạp 3.000 đảng viên, nâng tổng số đảng viên toàn đảng bộ lên 35.858 đồng chí. Chất lượng tổ chức cơ sở đảng được nâng cao. Qua phân loại hàng năm, số tổ chức cơ sở đảng đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh chiếm 77 - 81%, cơ sở yếu kém chỉ có 3,0% trong tổng số cơ sở đảng toàn tỉnh(l).

Hoạt động của các cấp chính quyền từng bước được nâng cao. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội các cấp đã có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức hoạt động. Các tổ chức hướng về cơ sở; coi trọng việc tổng kết thực tiễn, bồi dưỡng huấn luyện cán bộ, phát triển đoàn viên, hội viên... Một số hoạt động đã đi vào chiều sâu, thiết thực, tập hợp được đông đảo hội viên, đoàn viên tham gia các phong trào của địa phương.

III. Hà Nam trên đường đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Bước sang thế kỷ thứ XXI, tỉnh Hà Nam đứng trước nhiệm vụ lịch sử là tiếp tục sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn mình.

Từ ngày 15 đến 17/12/2000, tại thị xã Phủ Lý, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XVI đã tiến hành. Đại hội đã bầu 41 đồng chí vào Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2001 - 2005. Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng được bầu lại làm Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Tăng Văn Phả, Đinh Văn Cương làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Căn cứ đặc điểm tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ trong những năm tới, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra mục tiêu tổng quát giai đoạn 2001 - 2005 như sau:

“Tiếp tục quán triệt tư tưởng chỉ đạo chiến lược và xuyên suốt của Đảng ta, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Ra sức phát huy nội lực, đi đôi với tranh thủ thu hút, khai thác tốt các nguồn lực bên ngoài để đầu tư phát triển, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, vững chắc; phấn đấu tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh. Tận dụng mọi cơ hội khai thác thị trường Hà Nội và hòa nhập vào quá trình phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng; vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ của cả nước. Kết hợp hài hòa mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, cải thiện và nâng cao mức sống của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tiếp tục mở rộng và phát huy dân chủ trong Đảng và trong dân; tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với dân. Tiếp tục thực hiện thật tốt cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh” (1).

Đại hội Đảng bộ Hà Nam lần thứ XVI đã xác định rõ phương hướng, mục tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nam trong giai đoạn 2001 - 2005.

Phương hướng phát triển của tỉnh trong 5 năm 2001 - 2005 được xác định là: đẩy mạnh sản xuất, tăng trưởng kinh tế với nhịp độ cao, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và đa dạng sản phẩm hàng hóa; tranh thủ các điều kiện có thể khai thác được để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ phát triển công nghiệp, xây dựng, xuất khẩu, thúc đẩy hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả; đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; chủ động từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất; chú trọng nâng cao năng lực khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, đặc biệt coi trọng phát huy nguồn lực con người, về các vấn đề xã hội, toàn tỉnh tích cực giải quyết các vấn đề bức xúc về việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo trật tự kỷ cương, đẩy lùi các tệ nạn xã hội; đồng thời giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh vững chắc.

Về mục tiêu, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra các chỉ tiêu chủ yếu sau:

1. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng bình quân 9%/năm.

2. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2005 đạt 4,5 - 5 triệu đồng/năm.

3. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến năm 2005 có tỷ trọng:

- Nông nghiệp: 32%

- Công nghiệp, xây dựng: 34%

- Dịch vụ: 34%

4. Giá trị sản xuất nông nghiệp (bao gồm cả nông, lâm nghiệp, thủy sản) tăng bình quân 3,5%/năm.

5. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 13

- 14%/năm.

6. Doanh số thương mại và dịch vụ tăng bình quân 12%/năm.

7. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân trên 10%/năm.

8. Tăng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh bình quân 8%/năm (tương ứng 6 - 7% GDP).

9. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên đến năm 2005 đạt 1,1 - 1,2%.

10. Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2005 còn dưới 7%.

11. Trong 5 năm giải quyết 35 - 40 ngàn chỗ làm việc mới và tạo thêm việc làm cho người lao động.

12. Tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh hàng năm đạt 75 - 80%(l).

Phấn khởi tự hào trước thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI Đảng bộ và nhân dân Hà Nam quyết tâm đưa các Nghị quyết của Đảng trở thành hiện thực trong cuộc sống.

Nông nghiệp vẫn được xác định là mặt trận hàng đầu. Trong thời gian từ 2001-2003 Hà Nam đã đẩy nhanh tốc độ phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng nâng cao chất lượng, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa mở rộng sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Tuy thời tiết có những diễn biến không thuận lợi cho sản xuất nhưng sản xuất nông nghiệp cả năm vẫn đạt kết quả khá toàn diện. Năm 2003, tuy sản lượng lương thực chỉ đạt 97% kế hoạch nhưng năng suất và sản lượng lượng thực cả năm vẫn cao hơn các năm trước. Nếu năm 2002 năng suất đạt 10,14 tấn/ha thì năm 2003 đạt 10,39 tấn/ha. Trong năm 2003, Hà Nam đã sử dụng đất nông nghiệp theo hướng quy hoạch vùng sản xuất vụ đông và vùng sản xuất hàng hóa, sản xuất giống lúa, trồng cây đặc sản có giá trị kinh tế cao để xuất khẩu, chuyển một phần diện tích trồng lúa năng suất thấp sang trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản. Đồng thời mở rộng các hình thức khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chủ động tiếp nhận, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, quy trình công nghệ mới vào sản xuất. Do đó bước đầu đã có hiệu quả kinh tế cao, giá trị sản xuất bình quân đạt 33,1 triệu đồng/ha. Trong 3 năm (2001 - 2003), Hà Nam đã chuyển đổi được 1.718 ha (riêng năm 2003 chuyển đổi được 734 ha) vùng trũng sang sản xuất đa canh. Các ngành chăn nuôi, thuỷ sản cũng có tốc độ tăng trưởng khá. Năm 2002, tổng giá trị của các ngành này chiếm 28,7% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, năm 2003 chiếm 30,8%.

Công nghiệp được xác định là khâu đột phá để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hà Nam ưu tiên phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực công nghiệp có nhiều lợi thế như sản xuất vật liệu xây dựng, các ngành nghề thu hút nhiều lao động, làm vệ tinh cho thủ đô Hà Nội và các trung tâm công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đồng thời chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với chế biến nông sản, thực phẩm, củng cố và mở rộng các làng nghề truyền thống sản xuất hàng xuất khẩu. Năm 2003, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 19,45% so với năm 2002. Trong đó công nghiệp trung ương tăng 16,6%, công nghiệp địa phương tăng 24,8%. Công nghiệp ngoài quốc doanh vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng cao hơn năm trước. Các sản phẩm chủ yếu đều tăng và được tiêu thụ tốt.

Đặc biệt thực hiện Nghị quyết 08 của Tỉnh uỷ và kế hoặch 373 của Ủy ban nhân dân tỉnh, năm 2003 Hà Nam đã ban hành các cơ chế chính sách để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và quy hoạch 5 Khu công nghiệp tập trung, hoàn thiện thủ tục để phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng hai khu công nghiệp Đồng Văn, Châu Sơn. Đến hết năm 2003, Hà Nam đã hoàn thành về cơ bản việc giải phóng mặt bằng, thu hồi 285 ha đất ở 3 khu công nghiệp Đồng Văn, Châu Sơn, Hoàng Đông; đã giao trên 83 ha đất cho 33 doanh nghiệp thuê đất xây dựng cơ sở sản xuất tại 2 khu công nghiệp Đồng Văn, Châu Sơn.

Về thương  mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế đối ngoại

Hà Nam chú ý phát huy lợi thế của tỉnh về giao thông đường bộ, đường sông, đường sắt Bắc - Nam, vị trí gần thủ đô Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Trong năm 2003 các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và cung ứng vật tư, hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng của Hà Nam đều phát triển. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội cả năm đạt 1.900 tỷ đồng, tăng 10,1% so với năm 2002. Giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt 30,5 triệu USD, tăng 10%.

Về du lịch, tỉnh triển khai vận động thu hút đầu tư vào khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao và xây dựng hạ tầng các dự án du lịch Bến Thuỷ, Ngũ Động Sơn...

Ngành ngân hàng tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng phục vụ. Năm 2003, tổng nguồn vốn huy động đạt 1.020 tỷ đồng, tăng 19,3%.

Các hoạt động vận tải, bưu chính viễn thông, cấp điện đều có bước chuyển biến đáng kể so với năm 2002. Hà Nam đã chủ động mở rộng quy mô và đa dạng hóa thành phần kinh tế vận tải, khai thác tiềm năng vận tải thủy, tăng khối lượng vận tải hành khách, hàng hóa. Năm 2003, khối lượng hành khách và hàng hoá luân chuyển tăng 15% về tấn/km, 20% về lượt người/km so với năm 2002.

Về đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội

Năm 2003, tỉnh tiếp tục triển khai nhiều công trình trọng điểm. Giá trị khối lượng xây dựng cơ bản cả năm đạt 380 tỷ đồng. Các công trình như trường học, trụ sở làm việc của xã, trạm y tế, đường giao thông nông thôn...tiếp tục được đầu tư và đưa vào sử dụng đạt hiệu quả tốt. Năm 2003, cả tỉnh đã huy động trên 20 tỷ đồng, nâng cấp 166km đường giao thông các loại, đạt 110% kế hoạch.

Về giáo dục - đào tạo, y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (Khóa VIII) về giáo dục - đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, Hà Nam tiếp tục đa dạng hóa các loại hình trường, lớp công lập, bán công, dân lập. Tỉnh đã thành lập thêm một số trường trung học phổ thông để thu hút học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học và đẩy mạnh việc dạy nghề cho học sinh. Ngành giáo dục và đào tạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt”, khuyến học khuyến tài, nâng cao chất lượng dạy học và học ở tất cả các cấp học ngành học. Trong năm 2003 cả tỉnh có thêm 27 trường đạt trường chuẩn quốc gia. Trung tâm học tập cộng đồng xã, phường - một mô hình hoạt động giáo dục mới bắt đầu phát huy tác dụng. 96/116 xã, phường hoạt động theo hình thức này đã có tác dụng thiết thực. Năm 2003, Hà Nam đã đầu tư 31 tỷ đồng cho sự nghiệp giáo dục để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy và học. Hiện nay số trường học kiên cố trong toàn tỉnh đã chiếm 55% tổng số các trường học của tỉnh.

Trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, năm 2003 đã nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tăng cường công tác y tế dự phòng, quản lý bệnh xã hội, thanh toán có hiệu quả một số bệnh xã hội và bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nâng cao sức khỏe, thể lực và tuổi thọ trung bình của nhân dân. Toàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra. Năm 2003 có 73/116 xã, phường có bác sĩ, giảm tỷ lệ sinh xuống còn 0,45%o, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống còn 26%.

Về văn hóa, báo chí, thể dục - thể thao

Trong năm 2003, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục phát huy tác dụng tích cực, góp phần quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nam. Do đó tỷ lệ gia đình, cơ quan, làng xóm đạt tiêu chuẩn văn hóa, thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, tang và lễ hội đều tăng so với năm trước. Đồng thời Hà Nam tăng cường đầu tư nghiên cứu, sáng tác văn học - nghệ thuật; tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Các hoạt động thể dục, thể thao cũng được đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia luyện tập để nâng cao sức khỏe.

Về giải quyết các vấn đề xã hội

Nhằm giảm tỷ lệ người lao động thiếu và không có việc làm, Hà Nam tích cực huy động các nguồn lực phát triển kinh tế; có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích mọi thành phần kinh tế cùng phát triển và thực hiện di, giãn dân và đẩy mạnh xuất khẩu lao động, thực hiện tốt chương trình xóa đói, giảm nghèo và các chính sách bảo trợ xã hội, mở rộng các loại hình bảo hiểm, tranh thủ viện trợ của các tổ chức nhân đạo quốc tế cho các chương trình xã hội. Năm 2003 đã có 111/116 xã phường được công nhận là xã thực hiện tốt công tác thương binh liệt sĩ. Quỹ đền ơn đáp nghĩa có gần 900 triệu đồng và triển khai xây dựng nhà bia ghi tên liệt sĩ quê ở Hà Nam tại nghĩa trang Trường Sơn. Trong năm 2003, Hà Nam đã giải quyết việc làm mới cho 13.105 người, vượt 9,2% kế hoạch; xuất khẩu lao động được 1.930 người, vượt 37% kế hoạch. Tỷ lệ người nghèo giảm xuống còn 13%.

Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nội chính

Để đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, năm 2003 Hà Nam tiếp tục tiến hành xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên từng địa bàn, lĩnh vực. Các lực lượng vũ trang trong tỉnh được tổ chức và xây dựng theo hướng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, sẵn sàng chiến đấu cao, chủ động giải quyết các tình huống xảy ra trên địa bàn.

Các lực lượng quân đội, công an và cơ quan bảo vệ pháp luật trong tỉnh tăng cường phối hợp, thống nhất để làm tốt công tác bảo vệ an ninh nội bộ, an ninh tư tưởng văn hóa, an ninh kinh tế, an ninh tại các vùng nông thôn; thực hiện tốt chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy; đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại, không để các tệ nạn xã hội lây lan và phát triển; chú ý phát hiện, giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, khiếu kiện từ cơ sở. Trong năm 2003, có 2.784 lượt người đến khiếu nại tố cáo, giảm 7,5%; tiếp nhận 432 đơn, giảm 7,1%; giải quyết được 372 đơn đạt 86,1%. Đồng thời tiếp tục phát triển phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc với những nội dung, hình thức phong phú, thiết thực như phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, kết hợp với phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng phường, xã, cơ quan, doanh nghiệp, trường học an toàn.

Về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân

Quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, năm 2003 Hà Nam tiếp tục thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn.

Đảng bộ Hà Nam coi trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thực hiện nghiêm túc Quy định 54 của Bộ Chính trị (Khóa VIII) về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng, năm 2003 trường Chính trị tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, thị xã đã mở 150 lớp đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ... cho gần 21 nghìn lượt cán bộ, đảng viên và quần chúng ưu tú. Mở 1 lớp lý luận chính trị cao cấp hệ tại chức cho 101 học viên là cán bộ chủ chốt đương chức và cán bộ dự nguồn trong quy hoạch. Trong công tác tổ chức, cán bộ, năm 2003 toàn tỉnh có 365/365 đảng bộ, chi bộ cơ sở đã tổ chức tốt đại hôị nhiệm kỳ 2003 - 2005. Toàn đảng bộ kết nạp được 1.065 đảng viên mới (trong đó đoàn viên thanh niên chiếm 63,2%). Thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về quy hoạch, đào tạo và luân chuyển cán bộ, năm 2003 Hà Nam đã luân chuyển và điều động 158 cán bộ.

Với định hướng xây dựng chính quyền Nhà nước trong sạch, vững mạnh, là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, trong năm 2003 các cấp ủy Đảng đã tăng cường sự lãnh đạo đối với chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp. Để thực hiện tốt chủ trương đó, các cấp chính quyền trong tỉnh đã kịp thời thể chế hóa, tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; làm tốt công tác giám sát, kiểm tra những vấn đề bức xúc về quản lý đất đai, tài chính, tài sản, điều tra, truy tố, xét xử, chống tham nhũng, buôn lậu; ngăn ngừa lạm dụng chức, quyền, cố ý làm trái chính sách, pháp luật, gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân.

Năm 2003, Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, gắn với sắp xếp tinh gọn bộ máy cơ quan chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo hoạt động thống nhất, đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và phát huy hiệu lực, hiệu quả của chính quyền các cấp.

Đảng bộ Hà Nam trong năm 2003 tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng và trách nhiệm của chính quyền các cấp đối với công tác dân vận, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương: “Mọi cán bộ, đảng  viên phải làm công tác dân vận theo chức trách của mình; mọi cấp bộ Đảng chăm lo công tác dân vận, đổi mới phương thức lãnh đạo đối với Mặt trận Tổ quốc  và các đoàn thể nhân dân, các hội quần chúng”. Do đó các cấp bộ Đảng, Chính quyền từ tỉnh đến cơ sở thực hiện tốt quy chế, mối quan hệ làm việc giữa chính quyền, mặt trận và các đoàn thể nhân dân; khắc phục bệnh hành chính, quan liêu; kiện toàn, nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy làm công tác dân vận từ tỉnh đến cơ sở; chú trọng củng cố hệ thống khối dân vận ở xã, phường, thị trấn và ban công tác mặt trận, chi đoàn, chi hội thôn, xóm; tăng cường bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận.

*

* *

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, "Năm 2003 tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có bước phát triển khá: Nhịp độ tăng trưởng kinh tế được duy trì đạt mức kế hoạch đề ra; cơ câu kinh tế, cơ cấu sản  xuất trong nội bộ ngành nông nqhiệp trong bước chuyển dịch theo hướng tích cực; những khởi động trong "Năm công nghiệp” có nhiều thuận lợi, đạt được kết quả bước đầu, là cơ sở tạo đà cho ngành công  nghiệp có bước đột phá mới trong những năm sau; các lĩnh vực dịch vụ, văn hoá - xã hội đều có chuyển biến tiến bộ; chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; đời sống nhân dân được cải thiện”(1). Đó là những tiền đề hết sức quan trọng để Hà Nam thực hiện thắng lợi phương hướng nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2004, đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI trở thành hiện thực sinh động trong cuộc sống trên mảnh đất Hà Nam, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

IV. CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI HÀ NAM

Là người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta, dù bận trăm công nghìn việc, lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến mọi tầng lớp nhân dân và mọi miền đất nước. Đảng bộ và nhân dân Hà Nam vinh dự nhận được sự quan tâm sâu sắc từ rất sớm của Người.

Biểu dương phong trào nông dân, trong đó có nông dân Hà Nam, trong thư ký tên Nguyễn Ái Quốc ngày 5/11/1930 gửi Quốc tế nông dân về phong trào nông dân toàn quốc và phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh có đoạn: “Mặc dù bị đàn áp dã man, phong trào vẫn tiếp tục phát triển, chứng cớ là nông dân ở Bắc Kỳ từ trước vẫn im lặng nay cũng bắt đầu đấu tranh (tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Kiến An)”. Sau năm đó, ngày 20/4/1931, trong bức thư gửi Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Bác viết: “Lực lượng cách mạng và các tổ chức quần chúng của Đảng bộ Nam Định, Phủ Lý - Hà Nam qua thực tế cách mạng từng bước phát triển về nhiều mặt” và thống kê lực lượng đảng viên và các tổ chức quần chúng của nhân dân Hà Nam.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, vận mệnh Tổ quốc đứng trước những thử thách nặng nề. Sau nạn đói năm 1945, đoạn đê bắc sông Châu thuộc địa bàn huyện Duy Tiên bị vỡ, gây mất mùa, làm cho cuộc sống nhân dân thêm khó khăn. Biết tin này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư thăm hỏi, động viên đảng bộ và nhân dân Hà Nam. Cuối tháng 10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh điều một bộ phận chiến sĩ bảo vệ Bắc Bộ phủ do đồng chí Vi Dân chỉ huy về Chi Nê (châu Lạc Thủy, tỉnh Hà Nam) để giấu lực lượng và xây dựng căn cứ địa dự phòng. Từ đầu năm 1946, theo đề nghị của Ban cán sự Đảng tỉnh Hà Nam, đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư mời cụ Đặng Quốc Kiều nhân sĩ nổi tiếng giữ trọng trách Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Hà Nam. Tiếp đó, sau bầu cử Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuống động viên, thăm hỏi nhân dân, kiểm tra công tác của chính quyền hai tỉnh Hà Nam, Nam Định.

Chiều ngày 11/1/1946 từ thành phố Nam Định, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thị xã Phủ Lý (tỉnh Hà Nam). Vừa xuống xe, Bác đi tắt vào nơi làm việc của Ủy ban Hành chính tỉnh, nhà ăn tập thể và các công trình sinh hoạt công cộng, thăm nơi làm việc của cán bộ công nhân viên. Lúc đó các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Nam và thị xã Phủ Lý cùng đông đảo nhân dân đã tập hợp trước phòng thông tin để đón Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh thân mật nói chuyện với đồng bào, chiến sĩ và cán bộ. Hàng nghìn người chăm chú lắng nghe và đồng thanh hô vang “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Bác vui vẻ đáp lại “Đồng bào Hà Nam muôn năm”. Tại cuộc nói chuyện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Giành được chính quyền đã khó nhưng giữ được chính quyền còn khó hơn, do vậy nhiệm vụ cấp bách của địa phương lúc này là giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng và xây dựng cuộc sống mới. Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân vừa đấu tranh chống giặc ngoại xâm, đối phó và trấn áp bọn phản động địa phương vừa thúc đẩy tăng gia sản xuất, chống đói, chống nạn mù chữ, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân”.

Đất nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm theo dõi tình hình Hà Nam. Ngày 21 tháng 2 năm 1947, Người từ Thanh Hoá về Chi Nê (châu Lạc Thuỷ lúc này thuộc tỉnh Hà Nam) đã vào thăm xưởng in giấy bạc của Bộ Tài chính và thăm đồng bào khu vực chợ Đầm Đa. Bác khuyên các cháu thiếu niên phải ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành; biết một số thanh niên chưa biết chữ, Bác căn dặn: “Ngày Bác trở lại, các cháu phải biết chữ đấy”.

Những năm 1949 - 1950, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược đi vào giai đoạn gay go quyết liệt, thực dân Pháp chuẩn bị đánh chiếm Hà Nam, hưởng ứng lời kêu gọi động viên của Chính phủ và Hồ Chủ tịch, chi họ Lại xã Phù Vân (khi đó thuộc huyện Kim Bảng, nay thuộc thị xã Phủ Lý) có 19 người đi tòng quân. Biết tin này, mùa xuân năm Canh Dần (1950), Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi, biểu dương “tinh thần yêu nước rất cao của chi họ Lại xã Phù Vân”. Trong thư Bác viết: “Tôi mong rằng các họ trong cả nước Việt Nam, họ nào cũng như họ Lại Phù Vân thì ta không cần đánh mà giặc Mỹ cũng phải lui”.

Sau khi được nghe chuyện về các cụ già thôn Đức Bản (xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân) hiên ngang anh dũng trước kẻ thù, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết một bài báo nhan đề: “Không biết” đăng trên báo Cứu quốc số ra ngày 2/7/1954. Nội dung bài báo đó như sau:

“Nhân dân ta, mỗi người tùy theo năng lực của mình mà ai cũng tham gia kháng chiến. Người thì cầm súng giết giặc. Người thì đi dân công. Người thì lo tăng gia sản xuất để cung cấp cho bộ đội. Người thì làm việc cổ động tuyên truyền, v.v... Việc làm khác nhau nhưng đều phụng sự Tổ quốc, phụng sự kháng chiến.

Cũng có người chỉ nói hai tiếng “không biết” mà cũng có công như tham gia đánh giặc, có công với nước, với dân.

Cuối năm ngoái, giặc càn quét ở Hà Nam. Khi chúng đến làng A, nhân dân đã tản cư, bộ đội đã mai phục hết. Chỉ còn các cụ già ở lại.

Giặc bắt các cụ ra hỏi: “Việt Minh ở đâu?”. Cụ nào cũng lắc đầu “không biết”.

Giặc tra tấn. Các cụ cũng cứ nói “không biết”.

Để khủng bố tinh thần, giặc chọc tiết một cụ rồi lại hỏi. Các cụ vẫn cứ nói “không biết”. Giặc giết mấy cụ nữa. Những cụ kia vẫn bình tĩnh nói “không biết”.

Giặc giết hết 25 cụ. Một cụ còn lại hét lên “Tao không biết”, rồi chửi vào mặt chúng.

Tuy rất vắn tắt, hai tiếng “không biết” ấy đã tỏ rõ tấm lòng nồng nàn yêu nước và gan vàng dạ sắt của các cụ. Nó lại đại biểu cho tinh thần quật cường bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Hai tiếng “không biết” ấy đã làm cho “trời phải kinh, quỷ thần phải khóc”. Nó đã cứu sống nhiều chiến sĩ ta và đưa nhiều giặc đến chỗ chết.

Liền sau đó giặc bị đánh úp và thất bại to.

Hai tiếng “không biết” ấy còn nêu cao cái gương hy sinh anh dũng để giữ bí mật cho cán bộ và bộ đội ta - Cái gương giữ bí mật mà mọi người Việt Nam yêu mến phải noi theo” (1).

Để lưu truyền tinh thần bất khuất của các cụ già Đức Bản, sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã truy tặng Huân chương kháng chiến và phong liệt sĩ cho các cụ.

Ngày 3/7/1954, tỉnh Hà Nam được hoàn toàn giải phóng. Đảng bộ và nhân dân Hà Nam ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, nhất là công tác thủy lợi. Ngay từ đầu năm 1955, Tỉnh uỷ Hà Nam đã có kế hoạch chỉ đạo công tác đắp đê, phòng chống bão lụt. Tỉnh đã thành lập 4 công trường trên các tuyến đê sông Hồng, sông Đáy, sông Đào và sông Châu; tập trung tới 2 vạn dân công, đào đắp 390 nghìn mét khối đất. Bên cạnh đó, các hệ thống nông giang đều được sửa chữa, khơi vét, đảm bảo nước tưới tiêu cho 5.222 mẫu ruộng. Tất cả các công trình đều xong trước mùa lũ. Vì thành tích đó nên trong hội nghị tổng kết về phong trào phòng chống bão lụt của miền Bắc ngày 25/7/1955, Hà Nam vinh dự được nhận Cờ thi đua luân chuyển của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thành tích dẫn đầu các địa phương trong công tác đắp đê, phòng chống bão lụt.

Cùng với đẩy mạnh sản xuất, tỉnh Hà Nam cũng rất quan tâm đến đối tượng chính sách và sự cố gắng này được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thêm sức mạnh.

Tháng 6/1957, Bác Hồ viết thư gửi thương, bệnh binh Trại an dưỡng Hà Nam: “...Các chú là những chiến sĩ đã được Quân đội nhân dân ta rèn luyện về đạo đức và kỷ luật cách mạng, là những người con đã hy sinh một phần xương máu để bảo vệ nước nhà. Vậy các chú cần phải giữ vững truyền thống tốt đẹp và vẻ vang của quân đội cách mạng là: giữ gìn kỷ luật, đoàn kết chặt chẽ, thật sự đoàn kết, thương yêu giữa anh em thương, bệnh binh với nhau, giữa thương bệnh binh với cán bộ và nhân viên giúp việc ở trại, giữa thương, bệnh binh trong trại với đồng bào xung quanh. Mong các chú làm đúng những lời Bác dặn trên đây và hứa với Bác: Trại thương binh Hà Nam sẽ là một trại gương mẫu...” (2).

Tỉnh Hà Nam nằm trong vùng úng trũng của đồng bằng sông Hồng nên công tác thủy lợi đặc biệt quan trọng. Một sự kiện lớn đối với Đảng bộ và nhân dân Hà Nam là mặt trận thủy lợi của tỉnh đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm sâu sắc. Vụ đông xuân năm 1958 do thời tiết thất thường, Hà Nam cũng như mấy tỉnh thuộc khu III cũ bị hạn nặng. Thiếu nước, nên mặc dù bà con nông dân đã hết sức cố gắng khắc phục, nhưng tiến độ gieo cấy vẫn rất chậm. Nhiệm vụ chống hạn trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Một phương án hết sức táo bạo trên quy mô lớn nhằm giải quyết nước cấy cho Hà Nam và một số huyện của Hà Đông đã được vạch ra. Đó là mở cống lấy nước sông Hồng vào hệ thống nông giang Liên Mạc để từ đó tỏa đi các trọng điểm lúa trong vùng. Phương án này đòi hỏi cả tỉnh phải có sự huy động lớn nhân lực tại hai công trường: Một là tại Lý Nhân - Duy Tiên, đào mương dẫn nước từ đập Đọi Sơn về Vĩnh Trụ và hai là tại công trường đắp đập Cát Tường (xã An Hòa, huyện Bình Lục) để nước dâng cao rồi bắt dòng nước chảy về đồng ruộng của hai huyện Bình Lục, Thanh Liêm.

Những ngày này mặc dù bận nhiều công việc, Bác vẫn luôn theo dõi tình hình sản xuất ở các địa phương. Thực tế nóng bỏng về hạn hán kéo dài ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ khiến Người không yên tâm. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Thủy lợi và Tỉnh ủy Hà Nam về tình hình và phương án khắc phục, Bác rất phấn khởi và đề xuất kế hoạch xuống thực tế ở Hà Nam.

Ngày 14/01/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ trưởng Bộ Thủy lợi là kiến trúc sư Trần Đăng Khoa đã vể dự Hội nghị sơ kết công tác chống hạn của tỉnh Hà Nam. Ra đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thị xã Phủ Lý có cụ Bùi Kỷ - Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cụ Vũ Đình Tụng - Bộ trưởng Bộ Thương binh, đồng chí Hoàng Phương - đại diện Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trong phái đoàn Chính phủ về vận động nhân dân chống hạn và các đồng chí cán bộ khu, tỉnh. Phái đoàn đã báo cáo với Bác về phong trào đắp đập, đào giếng, vét kênh của nhân dân Hà Nam và công tác của phái đoàn trong những ngày vừa qua. Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ lời khen ngợi phái đoàn đã cố gắng đi khắp nơi cùng nhân dân chống hạn, để kịp thời đưa nước về cấy chiêm.

Gần 4.000 cán bộ từ xã đến tỉnh rất phấn khởi được đón Bác và nghe Bác huấn thị. Bác khen ngợi cán bộ, nhân dân Hà Nam trước kia vừa sản xuất vừa chiến đấu anh dũng, mấy năm gần đây có nhiều thành tích chống hạn, sản xuất. Bác căn dặn mọi người phải quyết tâm chống hạn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lá cờ “Chống hạn khá nhất” cho huyện Bình Lục. Cờ này sẽ làm giải thưởng luân chuyển cho huyện nào có nhiều thành tích chống hạn nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh lại trao cho các đơn vị khơi kênh Ben, đắp đập Cát Tường và vét mương Mạc Thượng, mỗi nơi 3 huy hiệu làm phần thưởng cho những cá nhân xuất sắc trong công tác chống hạn. Đại biểu các huyện Bình Lục, Kim Bảng, Duy Tiên và Thanh niên tỉnh lên phát biểu ý kiến hứa sẽ tích cực thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm vận động nhân dân chống hạn và cấy hết diện tích.

Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm công trường đập Cát Tường tại xã An Hòa (nay là xã An Mỹ, huyện Bình Lục) đang khởi công để lấy nước cứu hàng ngàn mẫu lúa chiêm bị khô hạn. Bác đến thăm từng nơi làm việc của các nhóm cán bộ, nhân dân. Trước đông đảo nhân dân, Bác khen ngợi tinh thần cố gắng, động viên gắng sức hoàn thành con đập để kịp đưa nước về cấy hết diện tích. Bác nói:

- Tỉnh giao đắp đập trong 7 ngày, các cô các chú phải cố gắng rút ngắn thời gian để sớm có nước cày cấy.

Mọi người cùng đồng thanh hứa với Bác và quyết tâm đắp đập thật nhanh, cày hết diện tích. Thực hiện lời dạy của Bác, đồng bào đã hoàn thành việc đắp đập Cát Tường trong thời gian chưa đến 5 ngày. Để kỷ niệm sự kiện đáng nhớ này, nhân dân địa phương đã trồng một cây đa, nay tán đã xum xuê tỏa bóng để ghi nhớ ngày Bác Hồ về thăm địa phương.

Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh về dự Hội nghị chống hạn và thăm đập Cát Tường là nguồn động viên cổ vũ rất lớn đối với đảng bộ, nhân dân Hà Nam. Phong trào làm thủy lợi, chống hạn được dấy lên rất sôi nổi. Toàn tỉnh huy động được 434.721 ngày công, đào 486 con ngòi, đắp 57 con đường dài 414.982 mét, hoàn thành những công trình lớn như đập Cát Tường, kênh Ben..., đảm bảo diện tích cấy chiêm năm 1958 đạt 97,35% kế hoạch. Phát huy thành tích, phong trào làm thủy lợi của tỉnh Hà Nam đạt nhiều kết quả to lớn, vì thế năm 1961, Hà Nam một lần nữa vinh dự được nhận Cờ thưởng luân lưu “Làm thủy lợi khá nhất” của Hồ Chủ tịch.

Năm 1959, tại Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chăm chú quan sát tỷ mỷ từng nét hoa văn trên ảnh chụp mặt trống đồng Ngọc Lũ I đã (được phát hiện trên địa bàn tỉnh Hà Nam). Trống đồng Ngọc Lũ I đã được giới nghiên cứu khảo cổ học, sử học đánh giá là trống đồng cổ nhất và đẹp nhất, đỉnh cao của nền văn hóa Đông Sơn. Phiên bản trống đồng Ngọc Lũ I đã được Chủ tịch nước Lê Đức Anh trao tặng Liên Hợp Quốc, là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam nói chung và Hà Nam nói riêng.

Hà Nam là quê hương của phong trào thi đua “hai tốt” trong ngành giáo dục, mở đầu và điển hình là Trường Phổ thông cấp II xã Bắc Lý (huyện Lý Nhân). Bắt đầu từ năm học 1960 - 1961 nhà trường đã có nhiều cố gắng, đạt nhiều thành tích xuất sắc trong việc dạy và học. Vì vậy, tháng 9/1961, Trường Phổ thông cấp II Bắc Lý được Bộ Giáo dục công nhận là đơn vị lá cờ đầu của ngành giáo dục toàn miền Bắc.

Điển hình Bắc Lý đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm. Ngày 7/7/1961, Bác Hồ viết bài báo nhan đề “Một thành tích vẻ vang”, ký tên Trần Lực đăng trên báo Nhân dân, biểu dương trường Bắc Lý và đề nghị phát động phong trào thi đua “hai tốt”: dạy thật tốt, học thật tốt. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, tháng 10 năm 1961, Hội nghị phát động thi đua “Hai tốt” được tổ chức ở thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Phong trào của trường Bắc Lý luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, động viên. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” của ngành giáo dục phổ thông và sư phạm hồi tháng 8/1963, Bác nhấn mạnh: “Những kết quả đó là do có Đảng lãnh đạo, được đông đảo nhân dân nhiệt tình ủng hộ và do tinh thần cố gắng rất nhiều của các chiến sĩ ngành giáo dục mà tiêu biểu là trường Bắc Lý... cần phát triển kiểu dạy, kiểu học của trường Bắc Lý và trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình”.

Năm 1964, trong hai ngày 27 và 28 tháng 3, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Chính trị đặc biệt. Trong hội nghị này, Người đã triệu tập một số điển hình tiên tiến của cả nước trong đó có trường cấp II Bắc Lý (huyện Lý Nhân) lên báo cáo tình hình. Thành phần đoàn Hà Nam có ông Phan Hưng - Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Hà Nam, ông Nguyễn Gia Quý - Hiệu trưởng trường cấp II Bắc Lý, thầy giáo Nguyễn Lê Hòa. Đồng chí Nguyễn Khai - Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng đã dẫn đoàn vào gặp Bác tại phòng khách của Hội trường Ba Đình. Tại cuộc gặp mặt, Bác ân cần hỏi thăm tình hình học tập, lao động của thầy và trò trường cấp II Bắc Lý, nhắc nhở, động viên nhà trường cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua “Hai tốt”. Đồng thời Bác căn dặn tỉnh Hà Nam cần phải phấn đấu để Hà Nam và các nơi khác có nhiều trường tốt như trường Bắc Lý.

Phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” phát triển rộng khắp, góp phần hoàn thành nhiệm vụ giáo dục trên miền Bắc trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Chính vì thế, trong thư gửi cho ngành giáo dục ngày 15/10/1968 Bác Hồ căn dặn: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”.

Không chỉ có thành tích trong công tác giáo dục, đảng bộ, quân và dân Hà Nam còn cố gắng trên nhiều mặt khác. Sự cố gắng đó luôn được Bác Hồ theo dõi, động viên, khen ngợi. Tại Hội nghị cán bộ phát động cuộc vận động “Cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc” tổ chức ngày 7/3/1963, Bác Hồ đã dẫn chứng thực tế ở Hà Nam và biểu dương tinh thần gương mẫu của cán bộ và nhân dân trong tỉnh: “Vừa rồi ở huyện Duy Tiên (Hà Nam) có 10 xã chống hạn kém. Họ kêu thiếu nước, thiếu trâu, thiếu người làm... Tất cả các đồng chí trong Ban thường vụ huyện uỷ đã chia nhau về các xã đó. Đến xã nào, họ mời bí thư chi bộ và chủ tịch xã ấy họp ngay tại ruộng bị hạn để bàn cách giải quyết. Nhờ cách chỉ đạo thiết thực đó chỉ trong 3 ngày, 10 xã ấy đã có đủ nước cấy xong 2.200 mẫu bị hạn. Nhân dân đã nhiệt liệt hoan nghênh các đồng chí huyện uỷ”.

Năm 1963, Hà Nam được nhận cờ thi đua luân lưu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giao thông vận tải nông thôn. Năm đó toàn tỉnh đã đắp và tu sửa 1.610 km đường nông thôn, đóng 2.229 xe thô sơ, trên 2.000 thuyền các loại. Nơi có phong trào khá nhất là xã Khả Phong (huyện Kim Bảng), các xã Nhân Hậu, Nhân Lý (huyện Lý Nhân).

Ngày 21/3/1962, Bác Hồ viết bài đăng Báo Nhân dân nhan đề “Chi bộ tốt thì mọi việc đều tốt, biểu dương chi bộ Hợp tác xã Quyết Tiến thôn Bùi (xã Trịnh Xá, huyện Bình Lục) trong việc xây dựng nhà gửi trẻ.

Ngày 26/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh số 65/LCT tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho nhân dân và cán bộ hai huyện Thanh Liêm, Lý Nhân đã có thành tích xuất sắc trong 2 năm 1964 - 1965 thực hiện chính sách đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.

Nhiều người con của Hà Nam đã vinh dự được gặp Bác, được Bác quan tâm, tin tưởng và giao nhiệm vụ. Đó là đồng chí Trần Tử Bình - tiền bối cách mạng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất (Lệnh số 17-LCT ngày 11/2/1967) vì đã phấn đấu suốt đời cho sự nghiệp cách mạng. Năm 1957 thầy giáo trẻ Phạm Viết Sơn quê ở xã Phù Vân, huyện Kim Bảng (nay thuộc thị xã Phủ Lý) vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và được bầu là Chiến sĩ thi đua của Ty Giáo dục Hà Nam đi dự Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua công nông binh lần thứ hai. Tại Đại hội, thầy Sơn được gặp Bác Hồ và nghe Người căn dặn, được dự buổi chiêu đãi của Bác. Hè năm 1963, cháu Nguyễn Mạnh Đam, học sinh trường cấp II Bắc Lý (huyện Lý Nhân) được Tỉnh đoàn Thanh niên Lao động Hà Nam cử tham gia đoàn học sinh, sinh viên đi dự trại hè Arơtếch do Liên đoàn thanh niên dân chủ thế giới tổ chức bên bờ Hắc Hải nước Cộng hòa Ucraina (Liên Xô). Đoàn gồm 11 người do anh Phạm Gia Thống - Ủy viên Thường vụ Trung ương Đoàn thanh niên lao động Việt Nam dẫn đầu. Trước khi lên đường, vào 7 giờ sáng ngày 2/5/1963, toàn bộ thành viên trong đoàn được gặp Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch. Bác ôm hôn thắm thiết từng người và Bác ân cần giao nhiệm vụ cho đoàn trước khi đi”.

Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Hà Nam thật toàn diện và to lớn. Điều đó luôn được Đảng bộ, quân và dân Hà Nam ghi lòng tạc dạ, quyết tâm phấn đấu để không phụ lòng tin tưởng và sự chỉ bảo của Người.

(Còn nữa)

Điện tử

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy