Phần I: Địa lý (Chương XII)

Chương XII

HÀ NAM TRONG THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (1945 - 1954)

I. ĐẤU TRANH BẢO VỆ VÀ CỦNG CỐ CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG (9-1945 ĐẾN 12-1946)

Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám đã mở ra một thời kỳ mới - thời kỳ độc lập tự do cho nhân dân Việt Nam. Ngay sau khi chính quyền cách mạng ở tỉnh và các huyện được thành lập (cuối tháng 8-1945), Uỷ ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Hà Nam đã tuyên bố xoá bỏ bộ máy chính quyền thực dân phong kiến ở cơ sở, cử các cán bộ Việt Minh về các thôn, xã cùng với lực lượng nòng cốt ở địa phương giải tán chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng.

Trong khi đó tình hình trong nước vô cùng phức tạp và khó khăn. Nạn đói năm 1945 vẫn còn để lại hậu quả nặng nề, không những vậy, nạn lụt lại liên tiếp xảy ra. Tại Hà Nam, đê bắc sông Châu bị vỡ cùng với nước lụt ở Hà Đông tràn xuống làm ngập nhiều vùng ở hai huyện Duy Tiên và Kim Bảng, nhiều đoạn đê bị đe dọa. Nạn lụt vừa qua, nắng hạn lại diễn ra làm nhiều ruộng đất bị bỏ hoang. Các ngành sản xuất thủ công trong tỉnh cũng bị sa sút.

Trong lúc nạn đói đang đe dọa, thì quân Tưởng tiến vào miền Bắc và theo đó, các thế lực phản động các huyện thân Tưởng nổi dậy chống phá cách mạng. Các lực lượng Đại Việt gây rối ở các huyện Duy Tiên, Bình Lục, Thanh Liêm, định lật đổ chính quyền cách mạng ở châu Lạc Thuỷ. Quân Nhật vẫn chiếm đóng thị xã Phủ Lý và Chi Nê. Ngày 30-9-1945, hơn 500 quân Tưởng cùng lực lượng Quốc dân đảng kéo vào chiếm đóng rải rác ở thị xã Phủ Lý và Chi Nê. Bọn Việt quốc ngang nhiên đặt trụ sở, kéo cờ tại phố Châu Cầu (thị xã Phủ Lý), tiến hành các hoạt động chống phá cách mạng, cướp bóc nhân dân.

Trước tình hình đó, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh đã xây dựng kế hoạch đối phó với quân Tưởng và lực lượng phản cách mạng; xây dựng, củng cố chính quyền; đẩy mạnh tăng gia sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân.

Đối với lực lượng phản cách mạng, một mặt Chính quyền Cách mạng tỉnh tổ chức nhiều cuộc mít tinh, tuần hành, biểu dương lực lượng với các khẩu hiệu “Hoa - Việt thân thiện”, “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh”... Mặt khác bao vây các sào huyệt của chúng, ngăn chặn các hành động gây rối, phá hoại; bắt giữ những tên có hành động chống phá cách mạng. Đối với quân Tưởng, Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh chủ trương tránh xung đột, vận động nhân dân tẩy chay, bất hợp tác với chúng.

Đồng thời với nhiệm vụ trấn áp bọn phản cách mạng, bảo vệ chính quyền, các tổ chức Đảng và chính quyền Cách mạng chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới.

Từ cuối tháng 8 năm 1945, chính quyền địa phương đã lãnh đạo nhân dân, lực lượng vũ trang tích cực chống lụt và khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra. Hàng ngàn thanh niên ở huyện Kim Bảng đã tham gia sửa chữa những quãng đê sạt lở, đắp con trạch trên đường 22, khoanh vùng cứu lúa. Nhân dân ven sông Châu (đoạn thuộc huyện Bình Lục) đã góp hàng ngàn cây tre và hàng ngàn công lao động hỗ trợ đồng bào Duy Tiên sửa chữa nhà cửa hư hỏng do bị vỡ đê. Nhân dân tổ chức đắp đập Môi (Mai Động) để bảo vệ sản xuất ở vùng chiêm trũng. Sau những ngày đêm lao động dũng cảm, khẩn trương, nhân dân trong tỉnh đã căn bản giữ vững các hệ thống đê điều (trừ đê sông Châu đã bị vỡ) bảo vệ hoa màu và cuộc sống.

Tiếp đó, hưởng ứng chiến dịch tăng gia sản xuất do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ phát động ngày 03 tháng 9 năm 1945, Chính quyền Cách mạng đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh thực hiện sôi nổi khẩu hiệu “Tấc đất, tấc vàng”, “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa!” và coi đó là biện pháp tốt nhất để vượt qua nạn đói, ổn định đời sống nhân dân. Thực hiện chủ trương trên của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Hà Nam tích cực khai phá ruộng hoang hoá để cấy cầy và trồng mầu. Một phong trào quần chúng làm theo lời Bác: “Cứ 10 ngày nhịn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn 3 bữa, đem gạo đó để cứu dân nghèo” được phát động rộng khắp trong tỉnh. Khắp các địa phương, nhà nhà đều có “hũ gạo cứu đói”. Mặt trận Việt Minh từ tỉnh xuống huyện, xã đều tổ chức các đoàn quyên góp lương thực cứu đói dân nghèo. Chính quyền ra lệnh cấm nấu rượu bằng gạo, cấm đầu cơ tích trữ lương thực. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, nạn đói ở Hà Nam được đẩy lùi. Đây là một trong những thành tích to lớn đầu tiên của nền dân chủ cộng hoà, thể hiện tính ưu việt của chế độ mới; đồng thời thể hiện rõ truyền thống “Lá lành đùm lá rách” của nhân dân ta.

Trong điều kiện còn hết sức khó khăn, Chính quyền Cách mạng tỉnh Hà Nam đã thực hiện nhiều biện pháp cải cách dân chủ, nhằm từng bước cải thiện đời sống nhân dân. Chính quyền cách mạng đã xoá bỏ thuế thân, một thứ thuế hết sức vô lý đánh vào đàn ông từ 18 tuổi trở lên, phát động phong trào xây dựng đời sống mới theo tinh thần “Cần, kiệm, liêm, chính”. Thực hiện giảm tô 25% cho nông dân nhằm từng bước thực hiện nhiệm vụ phản phong ở địa phương, tịch thu 6 đồn điền lớn của thực dân Pháp rộng hơn 10 nghìn ha với 2.000 con trâu, bò, gần một nghìn con dê, cừu giao cho Ban kinh tế dân sinh tỉnh quản lý; miễn thuế hoàn toàn cho các vùng bị ngập lụt, tịch thu ruộng đất của bọn việt gian bỏ chạy chia cho dân nghèo, tiến hành chia lại công điền, lãnh đạo quần chúng đấu tranh với địa chủ để thực hiện giảm tô 25%.

Đi đôi với diệt giặc đói, ngày 8 tháng 8 năm 1945, Nha bình dân học vụ được thành lập và cũng ngay trong ngày đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh “Bắt buộc học chữ quốc ngữ không mất tiền” đối với toàn dân. Để thực hiện quyết tâm xoá nạn mù chữ trong vòng một năm của Chính phủ, Chính quyền Cách mạng ở Hà Nam đã phát động và thực hiện phong trào “diệt giặc dốt” rất sôi nổi và rộng khắp cả ở nông thôn và thị xã. Hàng ngàn lớp bình dân học vụ được tổ chức, hàng ngàn người biết chữ được huy động và tự nguyện làm giáo viên không hưởng lương, vừa dạy học vừa vận động đồng bào đi học. Chính vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn (từ cuối năm 1945 đến cuối năm 1946), toàn tỉnh đã có 145.443 người đã biết đọc, biết viết. Đây là thành tựu to lớn và có ý nghĩa sâu sắc cả về văn hoá và chính trị của nhân dân Hà Nam sau Cách mạng Tháng Tám.

Để góp phần cùng Nhà nước giải quyết khó khăn về tài chính, nhân dân trong tỉnh tuy còn nghèo, nhưng đã nhiệt liệt hưởng ứng phong trào ủng hộ “Quỹ độc lập”, “Tuần lễ vàng” do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ phát động từ ngày 17 đến ngày 24 tháng 9 năm 1945. Ban tổ chức tuần lễ vàng của tỉnh nhận được nhiều nhẫn vàng, vòng vàng, dây chuyền vàng... của nhân dân đóng góp cho cách mạng.

Đi đôi với việc đấu tranh chống lại âm mưu, hành động phá hoại của các lực lượng đế quốc và bọn phản động trong nước, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, xoá nạn mù chữ, việc xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng các cấp là nhiệm vụ vô cùng quan trọng.

Sau ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền đến cuối năm 1945, Uỷ ban Nhân dân cách mạng lâm thời các cấp đã từng bước được củng cố kiện toàn. Tại uỷ ban Nhân dân các xã, những phần tử xấu và cơ hội đã bị loại bỏ ra khỏi chính quyền, một số trí thức, nhân sĩ tiến bộ đã được mời tham gia, đồng thời lựa chọn những người có năng lực và uy tín vào giữ các vị trí chủ chốt trong chính quyền.

Ngày 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Ngày 6-1-1946, cuộc bầu cử Quốc hội được tiến hành trong phạm vi cả nước. Nhân dân Hà Nam phấn khởi hân hoan đón mừng ngày hội lớn của dân tộc. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, mỗi người dân đã tự mình lựa chọn những người có đủ tài, đức vào cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước. Gần 100% cử tri trong toàn tỉnh đã tham gia bầu cử. Trong số 45 người ứng cử và đề cử ở đơn vị bầu cử tỉnh Hà Nam, cử tri đã chọn được 7 đại biểu Quốc hội là các ông: Nguyễn Trọng Đạt (Lê Thành), Đào Thành Kim (Nguyễn Đức Quỳ), Dương Thế Châu, Phạm Ngọc Điển, Lê Tư Lành, Đinh Gia Trinh và linh mục Phạm Bá Trực.

Trong khí thế vô cùng phấn khởi của ngày bầu Quốc hội thành công, chiều ngày 11-1-1946, nhân dân Hà Nam lại tưng bừng được đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Trước đông đảo nhân dân tập trung trước Phòng Thông tin để đón Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn đồng bào, chiến sỹ và cán bộ phải nêu cao tinh thần đoàn kết, chống giặc ngoại xâm, trừ nạn đói, bảo vệ nền độc lập tự do.

Sau bầu cử Quốc hội, từ trung tuần tháng 1 đến tháng 3 năm 1946, nhân dân Hà Nam tiếp tục tiến hành bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp tỉnh, huyện và xã, để cử ra Uỷ ban Hành chính các cấp, thay thế các Uỷ ban Nhân dân cách mạng lâm thời.

Cuộc bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp đã diễn ra thuận lợi đạt kết quả tốt. Song ở một số nơi do công tác tổ chức lãnh đạo bầu cử còn yếu, bọn địa chủ cường hào, đảng phái phản động, nhất là bọn phản động đội lốt Thiên Chúa giáo đã tìm mọi cách phá hoại bầu cử, đặc biệt là ở cấp xã. Có nơi chúng công khai bỏ tiền ra mua chuộc cử tri, vận động bầu cho chân tay của chúng. Thậm chí bọn phản động còn có nhiều hành động gian lận trong bỏ phiếu, gây khó khăn trong kiểm phiếu như ở xã Xuân Khê (huyện Lý Nhân).

Thắng lợi của cuộc bầu cử đã làm cho quần chúng trong tỉnh thấy rõ được tính ưu việt của chế độ mới, làm tăng thêm niềm tin tưởng, phấn khởi, ý chí quyết tâm làm chủ đất nước của nhân dân.

Đồng thời với việc xây dựng Chính quyền Cách mạng, Đảng bộ Hà Nam đã tăng cường mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố và phát triển Mặt trận Việt Minh, các tổ chức cứu quốc, củng cố quyền lãnh đạo của Đảng trong Mặt trận. Hầu hết các thôn xã trong toàn tỉnh đều xây dựng được tổ chức Thanh niên Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc, Nông dân Cứu quốc, Nhi đồng Cứu vong. Đặc biệt, Công đoàn tỉnh Hà Nam được thành lập bao gồm Công đoàn Hoả xa, Công đoàn Đá Kiện Khê, Công đoàn Vôi Kiện Khê, Công đoàn Gốm Kim Bảng.

Trong thời kỳ này, nhằm tập hợp mọi tầng lớp nhân dân, mọi đảng phái, dân tộc, tôn giáo cùng chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ nền độc lập dân tộc, Đảng và Chính phủ chủ trương tổ chức các Đảng phái, Mặt trận nhằm tranh thủ, lôi kéo mọi tầng lớp nhân dân vào cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung, bảo vệ độc lập dân tộc. Đến thời điểm này, tổ chức Đảng Dân chủ ở Hà Nam cũng đã phát triển ở hầu hết các huyện, thu hút một số trí thức, nhất là trí thức tân học ở nông thôn và một số địa chủ, công thương gia tiến bộ.

Tháng 5-1946 tại Hà Nam, Hội liên hiệp Quốc dân Việt Nam, gọi tắt là Hội Liên Việt bao gồm Mặt trận Việt Minh, các tổ chức đoàn thể, đảng phái và cá nhân sĩ yêu nước đã được thành lập. Ở Hà Nam nhiều thân hào, nhân sĩ, kể cả một số vị khoa bảng đã nhiệt tình tham gia Hội Liên Việt.

Đi đôi với việc xây dựng Chính quyền Cách mạng, phát triển Mặt trận Việt Minh, công tác xây dựng Đảng được coi là nhiệm vụ quan trọng, có tính quyết định nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với các phong trào cách mạng trong tình hình mới. Tháng 2 năm 1946, Trung ương chỉ định 8 đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong đó đồng chí Đỗ Mười được cử làm Bí thư Tỉnh uỷ lâm thời Hà Nam.

Sau bầu cử Quốc hội, Hội đồng Nhân dân tỉnh và các cấp huyện, xã từng bước được kiện toàn. Để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới, Ban Cán sự Đảng tỉnh đã họp bàn phương án xây dựng và kiện toàn bộ máy hành chính cấp tỉnh. Trong điều kiện lịch sử lúc này, Ban Cán sự Đảng tỉnh quyết định mời cụ Đặng Quốc Kiều - một nhân sỹ nổi tiếng và có uy tín đối với nhân dân trong vùng đảm đương trọng trách Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh. Quyết định này của Ban Cán sự Đảng tỉnh đã được Trung ương Đảng đồng ý và đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư mời cụ Đặng Quốc Kiều giữ trọng trách trên.

Để bảo vệ chính quyền và chuẩn bị kháng chiến toàn quốc, Đảng bộ và Chính quyền Cách mạng Hà Nam coi trọng và đẩy mạnh việc xây dựng lực lượng vũ trang, dân quân du kích. Để kiện toàn lực lượng vũ trang, Trung ương đã cử đồng chí Trần Quyết làm Uỷ viên quân sự tỉnh kiêm Chính trị viên, đồng chí Phạm Văn Trường, Chỉ huy trưởng quân sự. Các đại đội, trung đội, được biên chế lại. Lực lượng bảo an binh cũng được tổ chức lại cho phù hợp hơn.

Cuối năm 1945, Chi đội Giải phóng quân gồm 1.200 chiến sĩ được thành lập. Các chiến sĩ được tuyển từ số đội viên các đội tự vệ chiến đấu, đoàn viên Thanh niên cứu quốc cùng một số ít người tiến bộ được chọn lọc trong đơn vị bảo an binh. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức một số đội Cảm tử quân, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.

Tại các huyện đều thành lập một phân đội 45 người làm nhiệm vụ bảo vệ những nơi quan trọng. Ở các xã, các đơn vị tự vệ chiến đấu, tự vệ cứu quốc phát triển nhanh chóng, cuốn hút được nhiều thanh niên nam nữ tham gia. Làng nào cũng có từ một tiểu đội đến một trung đội tự vệ chiến đấu được trang bị chủ yếu là đại đao, giáo mác và các loại vũ khí tự tạo.

Để vũ trang cho toàn dân, tỉnh đã phát động phong trào mua sắm và sản xuất vũ khí. Nhiều tổ lò rèn được tập trung rèn dao kiếm, giáo mác để trang bị cho tự vệ và thanh niên. Phong trào ủng hộ kháng chiến cũng được phát động sôi nổi. Riêng cuộc vận động quyên góp “Ngày Nam bộ” đã thu được 48.375 đồng, 250 kg thóc, 521 kg gạo, một số thuốc men và vũ khí. Hướng về Nam Bộ ruột thịt, với quyết tâm đánh thắng giặc Pháp xâm lược, từ cuối năm 1945 đến 1-9-1946 tiểu đoàn Vệ quốc quân cùng với 50 cán bộ, con em của tỉnh Hà Nam đã xung phong Nam tiến giết giặc. Thời gian này tự vệ cứu quốc, tự vệ chiến đấu và các lực lượng vũ trang địa phương phát triển mạnh. Với 37.000 chiến sĩ được luyện tập và trang bị vũ khí thô sơ cùng 1 tiểu đoàn trong trung đoàn chủ lực của Quân khu, lực lượng vũ trang Hà Nam sẵn sàng cùng nhân dân bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, bảo vệ quê hương.

Sang năm 1946, tình hình trong nước diễn biến phức tạp, nguy cơ của một cuộc chiến tranh ngày càng đến gần. Cuối tháng 2-1946, Tưởng Giới Thạch đã ký với Pháp một Hiệp ước để quân Pháp vào thay thế quân đội Tưởng ở miền Bắc Việt Nam. Trước tình hình đó, ngày 6-3-1946, Chính phủ ta đã ký với đại diện Chính phủ Pháp Hiệp định Sơ bộ và sau đó là Tạm ước 14-9 nhằm đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, tranh thủ hòa hoãn để chuẩn bị kháng chiến.

Sau Hiệp định sơ bộ và Tạm ước 14-9, thực dân Pháp vẫn tiếp tục đánh chiếm nhiều nơi ở Bắc Bộ. Nhận rõ nguy cơ phải chống lại cuộc chiến tranh xâm lược mới ngày càng đến gần, tháng 10-1946, Tỉnh uỷ Hà Nam triệu tập Hội nghị cán bộ toàn tỉnh tại Phù Đê (xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng). Đây là cuộc họp lớn đầu tiên ở Hà Nam có đủ đại diện của các huyện về dự. Hội nghị nhất trí với chủ trương tranh thủ thời gian hoà hoãn, gấp rút xây dựng mọi lực lượng, đề phòng mọi bất trắc; nhấn mạnh công tác Mặt trận, công tác xây dựng lực lượng vũ trang, công tác chuẩn bị cho kháng chiến; hội nghị còn quyết định xây dựng khu căn cứ ở châu Lạc Thuỷ, cử cán bộ cấp uỷ về chăm lo công tác kinh tế ở vùng đồn điền Chi Nê (châu Lạc Thuỷ). Sau hội nghị Phù Đê, các cấp uỷ và chính quyền đã tuyên truyền giáo dục tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, chuẩn bị kế hoạch tản cư, cất giấu lương thực, tổ chức canh gác giữ gìn trật tự trị an, sẵn sàng chiến đấu.

Cuối năm 1946, tình hình chiến sự càng trở nên căng thẳng, ở Nam Bộ, thực dân Pháp mở cuộc tấn công vào các phòng tuyến của ta. Ở Bắc Bộ, ngày 20-11 chúng đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn. Ngày 17-12 chúng khiêu khích tại Hà Nội. Ngày 19-12, tướng Moóclia gửi tối hậu thư buộc Chính phủ ta hạ vũ khí đầu hàng, khả năng hoà hoãn không còn nữa. Trước tình thế nền độc lập và chủ quyền của dân tộc bị đe dọa nghiêm trọng, ngày 19-12-1946, Trung ương Đảng họp hội nghị mở rộng đã quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.

Ngày 19/8/1945, tại Quảng trường Nhà hát Lớn, hàng vạn người dân Thủ đô dự Lễ mít tinh chào mừng Ủy ban Quân quản. Ảnh: Tư liệu TTXVN

II. XÂY DỰNG LÀNG CHIẾN ĐẤU, CỦNG CỐ HẬU PHƯƠNG, ĐẤU TRANH THU HẸP VÙNG ĐỊCH CHIẾM ĐÓNG (12-1946 - 5-1950)

Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “toàn quốc kháng chiến”. Ngày 22-12-1946, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “toàn dân kháng chiến”, nêu rõ mục đích của cuộc kháng chiến là giành độc lập và thống nhất Tổ quốc với phương châm kháng chiến “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh” với tinh thần “Mỗi phố phường là một trận địa", “Mỗi làng là một pháo đài”.

Thực hiện đường lối kháng chiến của Trung ương Đảng, Tỉnh uỷ Hà Nam đã triệu tập Hội nghị cán bộ tại huyện Duy Tiên để triển khai các nhiệm vụ kháng chiến. Hội nghị quyết định phổ biến sâu rộng Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” của Đảng trong nhân dân và chuyển hướng mọi hoạt động thời bình sang thời chiến.

Trước ngày 19-12-1946, Uỷ ban Hành chính tỉnh Hà Nam đã động viên nhân dân thị xã Phủ Lý tản cư về nông thôn, thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Đêm 19-12-1946, hoà cùng tiếng súng chống Pháp của quân dân Hà Nội và thành phố Nam Định, quân dân Hà Nam đã đánh sập cầu Phủ Lý, cầu Guột, cầu Sắt, cầu Họ, cắt đứt con đường huyết mạch số 1 và số 21 chặn bước tiến của quân thù.

Qua hai tháng thực hiện tiêu thổ kháng chiến (12/1946 - 2/1947), nhân dân tỉnh Hà Nam đã đóng góp hàng triệu ngày công, hàng triệu cây tre, gỗ, đào 40 km hào giao thông ven đê sông Hồng - đoạn từ Đức Thông (huyện Lý Nhân) đến Hoàn Dương (huyện Duy Tiên); đào 5 km hào nối liền các khu phố trong thị xã Phủ Lý. Nhân dân đã tự tay phá huỷ một số thị trấn, đánh sập nhiều ngôi nhà lớn, chặt cây, dỡ nhà để cắm kè trên sông như kè Đức Thông trên sông Hồng ở đoạn Lý Nhân, kè Đoan Vĩ trên sông Đáy ở đoạn Thanh Liêm. Nhân dân đã đào hàng chục vạn hố hoả mai trên các đường giao thông lớn (các đường số 1, 21, 60, 62, 64), đắp hàng trăm ụ đất trên đê sông Hồng.

Các cơ quan đầu não của tỉnh đã nhanh chóng chuyển về nông thôn. Tháng 2-1947, Ban tản cư - di cư của tỉnh, huyện được thành lập, tổ chức nhiều trạm đón tiếp đồng bào tản cư. Nhiều trại sản xuất được lập ở Bồng Lạng, Trà Châu (huyện Thanh Liêm); Cốc Thôn, Khuyến Công (huyện Kim Bảng); Ngọc Động (huyện Duy Tiên). Nhân dân ở các địa phương đã hết lòng giúp đỡ đồng bào tản cư về mọi mặt, nhờ đó đời sống của đồng bào tản cư ngày càng được ổn định.

Tiểu đoàn 129 của Hà Nam đã được điều xuống thành phố Nam Định, hợp sức chiến đấu với các lực lượng vũ trang tỉnh bạn. Các ban vận động ủng hộ tiền tuyến, ủng hộ binh sĩ của Hà Nam hoạt động rất tích cực. Nhân dân trong tỉnh đặc biệt là hai huyện Lý Nhân và Bình Lục, đã quyên góp lương thực, quà bánh, thuốc men tiếp tế cho mặt trận.

Để đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất các lực lượng vũ trang trong tỉnh, đầu tháng 3-1947 cơ quan Tỉnh đội Dân quân Hà Nam được thành lập. Các cơ quan huyện đội và xã đội dân quân cũng lần lượt ra đời. Tự vệ chiến đấu ở các xã được tổ chức lại và chuyển thành dân quân du kích, số lượng lúc này lên tới 3.840 đội viên, trong đó có 157 nữ du kích.

Ngày 12-3-1947, đại đội Lê Hồ, đại đội du kích tập trung đầu tiên của tỉnh Hà Nam được thành lập. Đến giữa năm 1947 tỉnh thành lập thêm đại đội 39 (Lương Khánh Thiện) và đại đội 25 (Trần Hưng Đạo). Tỉnh còn chỉ đạo mỗi xã thành lập một trung đội du kích tập trung.

Các trận chiến đấu của lực lượng vũ trang Hà Nam chống Pháp bắt đầu diễn ra từ tháng 3-1947 khi thực dân Pháp tập trung 1.500 quân, 120 xe cơ giới, 4 ca nô từ Hà Nội qua Hà Nam về giải vây cho quân lính của chúng ở Nam Định. Vừa đặt chân lên đất Hà Nam, địch đã vấp phải sức chiến đấu quyết liệt của các lực lượng vũ trang. Một tiểu đội cảm tử của huyện Lý Nhân đã phục kích đánh địch, cản bước tiến của chúng, đại bộ phận các chiến sĩ đã hy sinh rất anh dũng. Phải mất bốn ngày địch mới tới được Tảo Môn (xã Nhân Hoà, huyện Lý Nhân), đến ngày 11-3-1947 chúng mới giải vây được cho quân ở Nam Định.

Sau khi quân Pháp vào được thành phố Nam Định, ngày 21-3-1947 chúng tập trung 2 tiểu đoàn, 300 xe từ Hà Nội, Hưng Yên mở đợt tấn công vào Hà Nam. Chúng đổ quân lên Yên Lệnh và tấn công vào thị xã, đóng quân ở Phủ Lý hai ngày rồi chia hai mũi theo đường 22 về Hà Đông, một mũi theo đường 21 về Chi Nê (châu Lạc Thuỷ) rồi rút về Hà Đông. Các đơn vị tự vệ chiến đấu của tỉnh ở Trì Xá, Mộc Hoàn, Tường Thụy (huyện Duy Tiên); Bích Trì (huyện Thanh Liêm); Quyển Sơn (huyện Kim Bảng) đã đánh trả quyết liệt, gây thiệt hại cho địch. Trận đánh mưu trí của bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương tại Trì Xá (xã Chuyên Nội, huyện Duy Tiên) tiêu diệt gần một đại đội lính Âu - Phi; thu 6 trung liên, 8 tiểu liên, ở Kim Bảng một trung đội chủ lực của ta bị một tiểu đoàn địch vây tại Cốc Nội đã anh dũng chiến đấu, diệt nhiều địch và bắn rơi một máy bay.

Chiến sự ngày càng lan nhanh trên địa bàn Hà Nam. Sau khi chiếm thành phố Nam Định, địch mở nhiều cuộc càn quét uy hiếp các xã cuối tỉnh thuộc hai huyện Lý Nhân và Bình Lục. Chiếm được Bảo Long (xã Mỹ Lộc, thành phố Nam Định), tháng 10-1947 địch thành lập quận hành chính Bình - Lý và phân khu Bảo Long để chỉ đạo việc chuẩn bị chiếm đóng một số xã thuộc hai huyện Bình Lục và Lý Nhân. Tháng 11-1947, địch từ Bảo Long chia hai mũi tiến đánh xã Vũ Bản, lập bốt Đa Côn (Bình Lục), đánh vào Nhân Mỹ, lập bốt ở Vĩnh Đà (thuộc huyện Lý Nhân).

Thực hiện phương châm “kháng chiến, kiến quốc” của Trung ương Đảng, Đảng bộ và nhân dân Hà Nam vừa tổ chức chiến đấu, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế. Về sản xuất nông nghiệp, năm 1947 diện tích cấy lúa của tỉnh đạt 63.000 ha, tổng sản lượng đạt 68.000 tấn, tăng hơn năm 1946; chăn nuôi trâu bò, gia cầm cũng tăng nhanh. Các ngành sản xuất than ở Đồi Hoa (châu Lạc Thuỷ), gạch ngói ở Trung Thứ, đá ở Kiện Khê và 19 ngành nghề thủ công được phục hồi và đi vào sản xuất, trong đó xã An Lão có phong trào trồng bông kéo sợi dệt vải; An Đổ, Ngọc Lũ (huyện Bình Lục) đẩy mạnh phong trào dệt vải bằng khung cửi tay. Nhân dân Bình Lục tích cực tăng gia sản xuất, cấy hết diện tích ven đường giao thông, chống bỏ ruộng hoang. Nhờ vậy, mà hai vụ lúa chiêm năm 1947 - 1948, năng suất thu hoạch khá cao, đạt bình quân từ 70 - 76kg một sào.

Công tác văn hoá - xã hội vẫn được duy trì, phát triển. Tháng 6-1947, Hội văn hoá kháng chiến tỉnh Hà Nam được thành lập. Hội đã xuất bản 2.000 cuốn Đời sống mới, 2.000 cuốn Việt Nam chiến đấu, Thơ ca chiến đấu. Ngoài ra, Hội còn tổ chức một cuộc triển lãm lưu động Một năm kháng chiến nhằm giới thiệu rộng rãi thành tích của các ngành, các giới trong tỉnh. Ngành Bình dân học vụ được đẩy mạnh, năm 1947 có thêm 10 vạn người thoát nạn mù chữ. Công tác y tế, vệ sinh phòng bệnh ngày càng phát triển. Ngày 14-9-1947, Hội Việt Nam Y dược của tỉnh được thành lập. Sau một thời gian hoạt động, Hội có hơn 1.000 hội viên ở khắp các cơ sở trong tỉnh và đã bào chế được 112 loại thuốc bán phục vụ nhân dân với giá phù hợp.

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc kháng chiến, các cấp uỷ đảng từ tỉnh đến huyện không ngừng được củng cố và kiện toàn. Tính đến cuối năm 1947, toàn đảng bộ đã có 1.333 đảng viên. Chi bộ được xây dựng ở hầu hết các xã, làm cho sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở nông thôn thêm vững chắc.

Tháng 11-1947, Uỷ ban Kháng chiến và Uỷ ban Hành chính các cấp tỉnh, huyện, xã hợp nhất thành Uỷ ban Kháng chiến Hành chính để tập trung chỉ đạo công cuộc kháng chiến, kiến quốc trong toàn tỉnh.

Khối đại đoàn kết toàn dân càng được củng cố, mở rộng. Tháng 12-1947, Tỉnh đoàn Thanh niên cứu quốc và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh được thành lập. Tổng số đoàn viên thanh niên toàn tỉnh là 37.612 người (trong đó có 23.942 Thanh niên cứu quốc). Hội Liên hiệp Phụ nữ vận động hội viên tham gia công tác xã hội, giúp đỡ bộ đội, ủng hộ phong trào Mùa đông binh sĩ, luyện tập quân sự, gia nhập dân quân du kích... Liên hiệp Công đoàn tỉnh có 3.819 công đoàn viên. Mặt trận Việt Minh có cơ sở vững chắc từ xã đến tỉnh, ở những xã giáp vùng địch tạm chiếm, cán bộ Việt Minh đã hướng dẫn nhân dân đấu tranh chống địch cướp bóc và khủng bố, lập kế hoạch canh gác bảo vệ trật tự trị an. Hội Liên Việt có 83.343 hội viên, Hội đã vận động nhân dân hưởng ứng Tuần lễ thương binhMùa đông kháng chiến, quyên góp được 470 nghìn đồng.

Bị thất bại nặng nề trong cuộc tiến công quy mô lớn lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt quân chủ lực và cơ quan đầu não kháng chiến của ta, chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp bị phá sản. Từ cuối năm 1947, thực dân Pháp buộc phải thực hiện đánh lâu dài, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, mở nhiều cuộc hành quân quy mô nhỏ nhằm phá cơ sở kháng chiến, củng cố ngụy quyền, mở rộng sự chiếm đóng, thực hiện chiến thuật vết dầu loang.

Để đối phó với âm mưu của địch, ngay từ tháng 11-1947, sau Hội nghị vùng tiền tuyến, Ban chỉ đạo tiền phương của Hà Nam đã được thành lập, do Tỉnh uỷ trực tiếp lãnh đạo. Chủ trương của Tỉnh uỷ là cán bộ, đảng viên phải lãnh đạo nhân dân đấu tranh với địch, không lập tề, không đi phu đi lính, không nộp sưu tre. Đồng thời Tỉnh uỷ ra Chỉ thị thành lập các đội tuyên truyền vũ trang, đưa vào hoạt động trong vùng tạm chiếm, vừa đánh địch, vừa giúp cơ sở gây dựng lại phong trào. Nhờ đó phong trào dần dần được phục hồi. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 1948, hầu hết vùng tạm chiếm đều có cơ sở đảng với 10 chi bộ chính thức, 4 chi bộ dự bị gồm 400 đảng viên. Ban chỉ đạo tiền phương đã hai lần chỉ đạo tổng phá tề, đến cuối năm 1948, ta đã phá và làm tan rã 70% hội tề, bắt gần 300 tên, trong đó có một số tề gian ác.

Để tăng cường sức mạnh của chính quyền cách mạng trong vùng tạm chiếm, Tỉnh uỷ chủ trương thành lập Ban đặc biệt gồm đại biểu Uỷ ban Kháng chiến Hành chính, đại biểu Tỉnh đội Dân quân, Ty Công an, cùng với đại biểu Uỷ ban Kháng chiến Hành chính hai huyện Lý Nhân và Bình Lục, có nhiệm vụ giúp đỡ các xã củng cố chính quyền, trấn áp bọn phản cách mạng, củng cố lực lượng dân quân du kích.

Đầu năm 1948, được sự giúp đỡ của Bộ Tư lệnh Liên khu III, tỉnh đã lãnh đạo nhân dân tổ chức chống càn, xây dựng thêm công binh xưởng để sản xuất vũ khí. Trong năm 1948, xưởng đã sản xuất được 18 súng phóng lựu đạn, 200 quả đạn phóng, 1.235 quả mìn muỗi, 200 súng bắn đạn ghém.

Đến cuối năm 1948, toàn tỉnh đã xây dựng được 14 làng chiến đấu ở Hưng Công, Bối Cầu, Yên Nội (huyện Bình Lục); Yên Từ, Tường Thụy, Trì Xá, Bút Đông (huyện Duy Tiên); Nhật Tựu, Lưu Xá, Đặng Xá (huyện Kim Bảng); Nhân Nghĩa, Chung Lý, Mạc Hạ, Mai Xá (huyện Lý Nhân).

Để đáp ứng yêu cầu ngày một cao của cuộc kháng chiến, tỉnh đã phát động cuộc vận động “Rèn luyện cán bộ, cải tiến công tác”. Tiếp đó, phong trào “Thử lửa” của du kích cũng được phát động, và cùng với phong trào “Thử lửa”, nhân dân và các đoàn thể cứu quốc các huyện, xã thành lập “Hội bảo trợ du kích”, ủng hộ kháng chiến. Đến tháng 12-1948, Hội đã vận động quyên góp được 270.000 đồng, 27 mẫu ruộng, 14 con trâu, 654 con gà, 15 ao thả cá, 4.000 cây ăn quả. Trong “Tuần lễ vũ khí” do Tỉnh uỷ phát động ngày 24-5-1949, nhân dân một mặt tự sắm sửa vũ khí để chiến đấu, mặt khác tích cực ủng hộ tiền bạc cho du kích mua sắm vũ khí. Phong trào mua “Công phiếu kháng chiến” cũng được đẩy mạnh. Tính đến cuối 1948, số tiền nhân dân Hà Nam mua công trái lên tới 1.050.600 đồng.

Nhờ sự chỉ đạo sát sao của tỉnh và sự ủng hộ tích cực của nhân dân, đến quý I năm 1949, số du kích trong toàn tỉnh đã lên tới 16.692 đội viên. Trong đợt tuyển quân tháng 8-1949, Hà Nam đã có 8.000 thanh niên lên đường tòng quân giết giặc. Bộ đội địa phương và du kích đã chiến đấu dũng cảm, đánh bại nhiều cuộc tấn công lấn chiếm của địch. Đầu tháng 12-1948, địch dùng 17 máy bay Đacota có 4 máy bay B26 yểm trợ, thả 400 quân dù xuống xã Bình Cách (huyện Ý Yên), Trà Châu, càn quét vùng Núi Đất (huyện Thanh Liêm), phối hợp với cánh quân đường thuỷ đổ bộ lên bến Khuốt và cánh quân từ Vân Đình (Hà Đông) tiến đánh cơ quan đầu não của tỉnh và các kho tàng của ta ở hai huyện Thanh Liêm, Kim Bảng. Lực lượng vũ trang của hai huyện Thanh Liêm, Kim Bảng đã chiến đấu dũng cảm, diệt 144 tên địch, làm bị thương 99 tên, đập tan cuộc hành quân càn quét của địch, bảo vệ cơ sở kháng chiến.

Đồng thời với việc xây dựng lực lượng vũ trang, chiến đấu chống địch lấn chiếm, phong trào đẩy mạnh tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân được phát động sâu rộng. Tháng 2-1949, tỉnh Hà Nam quyết định thành lập Ban vận động hợp tác xã trong tỉnh. Cuối năm 1949, toàn tỉnh có 54 hợp tác xã nông nghiệp, 3 hợp tác xã thủ công nghiệp, đến tháng 3 năm 1950 toàn tỉnh đã có 76 hợp tác xã.

Trên lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tính đến năm 1950 toàn tỉnh có 150 xí nghiệp và xưởng sản xuất.

Trên mặt trận văn hoá - giáo dục và y tế, đến cuối năm 1949, toàn tỉnh đã thanh toán xong nạn mù chữ trong nhân dân và được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Toàn tỉnh có 277 trường tiểu học, 12 trường trung học và xây dựng được 15 nhà hộ sinh, mỗi huyện có 1 y tá.

Để tăng cường bồi dưỡng sức dân, đẩy mạnh sản xuất đáp ứng nhu cầu kháng chiến và kiến quốc, thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, chính quyền tỉnh đã tạm cấp 983 mẫu ruộng của thực dân Pháp và Việt gian cho 1.063 gia đình. Đồng thời, Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh đã có nhiều biện pháp kiên quyết, buộc địa chủ phải giảm tô cho tá điền. Tuy việc thực hiện chính sách giảm tô đã đạt được nhiều kết quả, nhưng có nơi thi hành chưa triệt để, nên toàn tỉnh mới thực hiện giảm tô được 20%.

Trong thời gian này, công tác trừ gian, diệt phản động, cũng được đẩy mạnh. Tháng 12-1949, Công an Hà Nam đã triệt phá tổ chức Mặt trận dân chúng liên hiệp, một tổ chức phản động đội lốt Thiên chúa giáo do Nguyễn Văn Thuyết ở Vũ Điện (huyện Lý Nhân), Đinh Thành Chung ở Dưỡng Thọ (Duy Tiên) cầm đầu. Toà án nhân dân tỉnh Hà Nam đã kết án tử hình tên Bạch Văn Sam về tội phản quốc.

Thực hiện việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tháng 2-1950, Tỉnh uỷ Hà Nam đã chỉ đạo tiến hành Đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh - Liên Việt. Đại hội đã đề ra phương hướng công tác, chú trọng công tác mặt trận trong các vùng tạm bị chiếm, vùng có đồng bào theo đạo Thiên chúa và vùng dân tộc thiểu số. Sau Đại hội, mặt trận đã kết nạp thêm 5.000 hội viên mới, mở 990 lớp huấn luyện cho 44.700 hội viên, tranh thủ mọi tầng lớp nhân dân như thanh niên, phụ nữ, trí thức, tôn giáo, nhân sĩ tiến bộ, động viên họ tích cực tham gia kháng chiến.

Giữa lúc tình hình trong nước và địa phương có nhiều chuyển biến, Đại hội Đại biểu đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ II khai mạc vào ngày 10-9-1949 tại thôn Văn Lâm (xã Liêm Tiết, huyện Thanh Liêm). Thay mặt cho 15.214 đảng viên trong toàn Đảng bộ, các đại biểu đã thảo luận và tham gia ý kiến vào các đề án của Trung ương Đảng, cử đại biểu đi dự Đại hội Đảng bộ Liên khu III và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành mới gồm 13 ủy viên do đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng (tức Ngô Duy Đông) làm Bí thư.

Trước những thất bại nặng nề của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ ngày càng tăng cường can thiệp vào Đông Dương. Được Mỹ viện trợ, thực dân Pháp tăng quân từ Pháp sang, củng cố và khoá chặt biên giới Việt - Trung, đánh chiếm đồng bằng Bắc Bộ, củng cố ngụy quyền, xây dựng ngụy quân hòng dùng đội quân này làm nhiệm vụ bình định, chiếm đóng để có thể tập trung phần lớn quân viễn chinh thành lập những binh đoàn cơ động ứng chiến.

Thực hiện kế hoạch Rơve, ở Liên khu II, tháng 9-1949 thực dân Pháp đánh chiếm phía nam tỉnh Nam Định, Phát Diệm (tỉnh Ninh Bình). Tháng 2-1949, chúng đánh chiếm tỉnh Hưng Yên và hoạt động ráo riết chuẩn bị đánh chiếm tỉnh Hà Nam, nơi có vị trí giao thông chiến lược và là mục tiêu cuối cùng nằm trong kế hoạch bình định đồng bằng của chúng. Tháng 2-1950, khi đánh chiếm Thái Bình, thực dân Pháp cho một mũi tấn công vào Hà Nam, chiếm đóng hai vị trí Như Trác và Vũ Điện (huyện Lý Nhân), nhằm bảo vệ đường vận chuyển trên sông Hồng và làm bàn đạp đánh sâu vào nội địa của tỉnh sau này.

Nhận rõ âm mưu chiếm đóng đồng bằng của địch, Liên khu uỷ Khu III nhận định, rồi đây địch sẽ đánh chiếm Hà Nam và chỉ thị cho Tỉnh uỷ Hà Nam phải tích cực chuẩn bị chiến đấu. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã họp đề ra nghị quyết về chuẩn bị chống địch đánh chiếm Hà Nam, nêu rõ phải tăng cường công tác phòng gian, tuyên truyền sắc lệnh tổng động viên, vận động nhân dân phá kế hoạch chiếm đóng đồng bằng của địch.

Như vậy là trong khoảng thời gian gần 5 tháng, kể từ ngày cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19-12-1946) đến tháng 5-1950, Đảng bộ, chính quyền cách mạng và nhân dân Hà Nam đã kịp thời chuyển hướng hoạt động từ thời bình sang thời chiến, xây dựng hậu phương trong điều kiện đầy khó khăn, gian khổ; vận dụng linh hoạt chủ trương, đường lối của Trung ương Đảng vào địa phương, xây dựng và phát triển kinh tế, chính trị, quân sự và văn hoá xã hội. Đảng bộ và nhân dân Hà Nam đã vững vàng, chủ động bước vào thời kỳ trực tiếp chiến đấu chống thực dân Pháp, bảo vệ và tiến tới giải phóng quê hương.

III. CHỐNG ĐỊCH MỞ RỘNG VÙNG CHIẾM ĐÓNG, ĐẨY MẠNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN LỰC LƯỢNG, TIẾN TỚI GIẢI PHÓNG QUÊ HƯƠNG (5-1950 - 7-1954)

Thực hiện âm mưu chiến lược đánh chiếm đồng bằng, đế quốc Pháp đã mở cuộc tiến công Tia chớp với cuộc hành quân Đavít 3 đánh chiếm Hà Nam. Ngày 21-5-1950, thực dân Pháp đánh vào Hà Nam từ nhiều hướng.

Trước sức tiến công ồ ạt của địch ngày 22-5-1950, Tỉnh ủy đã họp bất thường đặt kế hoạch đối phó và đề ra nhiệm vụ chung là siết chặt hàng ngũ, giữ vững khối đoàn kết toàn dân, dốc mọi khả năng vào cuộc chiến đấu chống giặc, bảo vệ và giữ vững cơ sở, phá kế hoạch chiếm đóng Hà Nam của địch. Và ra lời kêu gọi cán bộ, đảng viên toàn tỉnh tích cực diệt địch, giữ vững cơ sở, đồng thời cho thành lập cấp tốc các đội tuyên truyền vũ trang.

Mặc dù tương quan lực lượng hết sức chênh lệch, song bộ đội và du kích đã chặn đánh quyết liệt các cánh quân địch từ Hà Đông tiến xuống, dùng bom, mìn diệt địch ở Tiên Nội (huyện Duy Tiên), Hồng Phú (huyện Thanh Liêm), Nhật Tựu (huyện Kim Bảng). Tại xã Tượng Lĩnh (huyện Kim Bảng), tiểu đoàn Lê Lợi đã phục kích diệt gọn 2 trung đội địch. Các mũi tiến công khác của địch đều bị quân dân ta chặn đánh. Đặc biệt, ở Lý Nhân, chớp thời cơ quân địch ở Vĩnh Đà (xã Nhân Mỹ) kéo đi càn quét, chi bộ xã đã kịp thời huy động dân quân, du kích và nhân dân ở đây đã phá tan bốt của giặc, để khi chúng quay về không còn chỗ đóng quân.

Trong cuộc đánh chiếm quy mô lớn, địch đã nhanh chóng chiếm đóng các vị trí then chốt ở thị xã Phủ Lý, dọc đường giao thông lớn ở ven sông Đáy. Với hệ thống đồn bốt và mạng lưới tề, địch đã kiểm soát được các đường giao thông quan trọng, một số cao điểm và tuyến sông Đáy. Toàn bộ châu Lạc Thuỷ, vùng bán sơn địa của hai huyện Thanh Liêm, Kim Bảng và nhiều nơi trong tỉnh còn là khu vực tự do.

Sau khi thiết lập được hệ thống cứ điểm ven sông Đáy vào cuối tháng 6-1950, địch thực hiện kế hoạch bình định Hà Nam. Tháng 7-1950 dựa vào lực lượng quân sự mạnh, địch mở nhiều cuộc càn quét theo kiểu vết dầu loang, đánh phá cơ sở, tìm diệt lực lượng của ta, lùng bắt, tàn sát cán bộ và những người tham gia hoặc có cảm tình với kháng chiến, cướp nguyên vật liệu, bắt phu về xây đồn bốt. Đồng thời chúng dùng chính sách mị dân, đề cao “độc lập” giả hiệu, đề cao bù nhìn Bảo Đại, vực dậy các đảng phái phản động, bọn đội lốt tôn giáo, địa chủ cường hào, để lập ra ngụy quyền, ngụy quân. Chỉ trong vòng 2 tháng, địch đã lập được một hệ thống ngụy quyền từ tỉnh đến xã và một lực lượng ngụy quân bao gồm 251 hội tề - với gần 1.000 tên trong đó có 75 thôn tề ác, 35 thôn tề vũ trang, được trang bị 429 súng trường, 8 tiểu liên, 1 trung liên.

Để phá âm mưu chiếm đóng và bình định của giặc, Liên khu uỷ Khu III đã phát động đợt hoạt động mạnh lấy tên là Lương giáo đoàn kết thi đua giết giặc trong toàn Liên khu. Hà Nam được tăng cường một tiểu đoàn chủ lực cho khu vực hai huyện Bình Lục và Lý Nhân để hỗ trợ cho cuộc phát động.

Thi hành Chỉ thị của Liên khu uỷ, Tỉnh uỷ và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Hà Nam đã phát động Hai tháng lương giáo đoàn kết, thi đua giết giặc (từ 25-7 đến 25-9-1950), nhằm củng cố khối đoàn kết lương giáo; phá ngụy quân, ngụy quyền; đẩy mạnh xây dựng cơ sở. Vào lúc 11 giờ đêm ngày 25-7- 1950, các lực lượng của ta đồng loạt nổ súng, ném lựu đạn, quấy rối các vị trí, các thôn có tề vũ trang trong toàn tỉnh. Đồng thời nhiều thôn, xã khác đã nổi chiêng, trống, mõ, kẻng hỗ trợ. Có nơi dân quân du kích đốt đuốc tuần hành vũ trang, đột nhập vị trí địch treo cờ, rải truyền đơn, dán khẩu hiệu. Bị tấn công đồng loạt và bất ngờ, địch hoang mang lo sợ, cố thủ trong vị trí suốt 3 ngày đêm, không dám ra ngoài.

Bộ đội chủ lực đã cùng với bộ đội địa phương vũ trang tiến công diệt tề, hỗ trợ cho phong trào kháng chiến. Đêm 30-7-1950, tại Khắc Cần (huyện Thanh Liêm) ta đã tấn công diệt tề vũ trang, bắt sống một số vệ sỹ, thu toàn bộ vũ khí. Đêm 2-8-1950, ta diệt 3 vị trí Tâng, Khoái, Văn Quán (huyện Thanh Liêm), bắt sống 80 tên; đêm 6-8-1950, tiêu diệt vị trí Võ Giang (huyện Thanh Liêm), bắt 37 tên. Nhân đà thắng lợi, quân dân huyện Thanh Liêm tiến lên phá 84 ban tề, toàn huyện chỉ còn lại 16 thôn có tề vũ trang. Quân và dân ta mở rộng hoạt động sang hai huyện Lý Nhân và Bình Lục, tấn công đồng loạt 12 vị trí tề vũ trang, nhưng kết quả đạt không cao vì bọn chúng ra sức cố thủ trong các công sự.

Nhân dịp Quốc khánh 2-9-1950, đội Thiết Dũng của Ty Công an Hà Nam, làm nhiệm vụ diệt tề trừ gian, đã hoạt động mạnh mẽ, táo bạo, lập nhiều chiến công vang dội. Đội đã bí mật vào cắm cờ ở xung quanh nhà thờ Kiện Khê, phối hợp với bộ đội xoá tổ chức phản động Sui (huyện Thanh Liêm), chôn mìn ở gần vị trí Ngô Khê (huyện Bình Lục), diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch, đồng thời rải truyền đơn và giải thích chủ trương của Chính phủ.

Qua đợt hoạt động Lương giáo đoàn kết, thi đua giết giặc, ta đã phá được 168 trong số 251 ban tề trong tỉnh, diệt và bức rút 14 trong 36 ban tề vũ trang, diệt 110 tên địch, bắt sống 409 tên, thu nhiều vũ khí. Hơn 100 vệ sỹ, bảo an bỏ ngũ trở về gia đình.

Sau hai tháng chiến đấu liên tục, tình thế ở Hà Nam đã thay đổi. Từ chỗ bị địch tấn công, lấn chiếm, ta chủ động tiến công địch, phá vỡ từng mảng ngụy quân, ngụy quyền, phục hồi cơ sở, tạo nên một khí thế đấu tranh mới cho cán bộ, nhân dân. Bước đầu ta đã làm phá sản âm mưu chia rẽ lương giáo của địch, củng cố thêm một bước khối đoàn kết toàn dân.

Tháng 9-1950, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới nhằm tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực địch, củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc; nối liền nước ta với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa; giải phóng một phần đất đai, tiến tới giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường.

Để phối hợp với chiến dịch, Tỉnh uỷ và Ủy ban Kháng chiến Hành chính chủ trương đẩy mạnh hoạt động quân sự, tích cực phá tề, phục hồi cơ sở, xây dựng các khu du kích liên hoàn phía nam tỉnh. Một trung đoàn chủ lực được điều về mở đầu đợt hoạt động. Ngày 9-10-1950, sau 36 giờ tiến công vây hãm, chặn viện, bộ đội ta đã tiêu diệt căn cứ Hồi Trung (huyện Kim Bảng), diệt 30 tên địch, bắt 44 tên, thu 1 khẩu pháo 37 ly, 3 trung liên, 5 tiểu liên, nhiều súng trường và đạn dược. Thừa thắng, ta đánh liên tiếp nhiều vị trí tề vũ trang ở Bèo, Bài Lễ (Duy Tiên); Mã Não, Quế (huyện Kim Bảng); Trung Lương (huyện Bình Lục). Ở nhiều nơi, cơ sở đảng và cơ sở quần chúng được phục hồi, nhân dân nô nức đi dân công phục vụ chiến dịch, phá đường giao thông, tích cực đào hầm bí mật, rào làng kháng chiến. Ngụy quân, ngụy quyền hoang mang, lo sợ. Có nơi chúng ra đầu thú chính quyền cách mạng (huyện Kim Bảng), có nơi trả súng về nhà làm ăn (xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên).

Quân và dân Hà Nam còn tự hào là đã góp phần xứng đáng vào việc bảo vệ an toàn các cơ quan của Liên khu III, phục vụ đắc lực tuyến giao thông, vận tải từ Việt Bắc vào Khu IV, đặc biệt là giữa tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng. Trong nhiều chiến dịch, dân công Hà Nam đã không sợ gian khổ, không ngại hy sinh, giữ vai trò chủ yếu trong công tác hậu cần, đã bố trí nhân viên và phương tiện đưa đón các đoàn cán bộ, bộ đội bảo đảm an toàn vượt qua sông Hồng, sông Đáy và các đoạn đường địch hay phục kích.

Sau thất bại trong Chiến dịch Biên giới, được Mỹ tăng cường viện trợ, thực dân Pháp lại tiếp tục mở rộng chiến tranh. Tháng 12-1950, Pháp cử Đại tướng Đờ-lát Đờ Tát-xi-nhi sang Đông Dương nắm mọi quyền hành về quân sự và chính trị hòng xoay chuyển tình thế. Thực dân Pháp ra sức tăng viện binh từ Pháp sang, ra sức bắt thanh niên vùng tạm chiếm đi lính, tăng cường càn quét, bình định vùng chiếm đóng, xây dựng hệ thống boong ke, lập vành đai trắng bảo vệ đồng bằng Bắc bộ.

Thực hiện kế hoạch của ĐờTát-xi-nhi, ở Hà Nam, ngày 14-12-1950, quân Pháp tập trung lực lượng mở trận càn vào 5 xã thuộc khu bắc huyện Duy Tiên với chiến thuật bao vây lớn kết hợp với bao vây nhỏ, chia cắt các thôn xã, đánh úp lực lượng kháng chiến, tàn phá làng mạc, cướp của, bắt thanh niên đi lính.

Sau khi đánh chiếm xong khu bắc huyện Duy Tiên, địch lại điều 3.000 quân mở cuộc hành quân càn quét lớn mang tên là Quốc gia kéo dài từ ngày 7 đến ngày 20-4-1951, đánh chiếm vùng tự do còn lại thuộc ba huyện Lý Nhân, Bình Lục, Thanh Liêm nhằm chiếm toàn bộ năm huyện đồng bằng trong tỉnh, lập phòng tuyến sông Hồng, sông Đáy, cắt đứt giao thông giữa tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng, giữa vùng tự do và vùng tạm chiếm Liên khu III. Tính đến thời gian này, ở Hà Nam có 37 vị trí quân Pháp đóng, 47 vị trí tề vũ trang, 332 ban tề, hình thành hệ thống ngụy quyền từ tỉnh xuống xã; kiểm soát 3/4 đất đai và 4/5 dân số. Khu tự do trong tỉnh chỉ còn Lạc Thủy, một số xã thuộc hữu ngạn sông Đáy như Khả Phong, Thanh Sơn, Thi Sơn, Ba Sao, Châu Sơn của huyện Kim Bảng và một số xã thuộc huyện Thanh Liêm.

Từ sau cuộc càn quét mang tên Quốc gia của địch, phong trào kháng chiến trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, không khí bi quan bao trùm khắp các huyện, xã. Có thể nói đây là thời kỳ khó khăn nhất của cách mạng Hà Nam. Ngày 17- 5-1951, Tỉnh uỷ họp Hội nghị mở rộng nhằm đánh giá tình hình, phân tích những thuận lợi, khó khăn, đề ra nhiệm vụ trước mắt cho quân dân trong tỉnh. Hội nghị đã ra Nghị quyết về nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường, vạch kế hoạch phối hợp với chủ lực, đẩy mạnh chiến tranh du kích, phát động nhân dân phá ách kìm kẹp của địch; phục hồi cơ sở, tổ chức tốt việc thu chiêm, làm mùa.

Sau hội nghị, mọi công tác đều được tiến hành khẩn trương, sôi động. Nhân dân các huyện đã huy động được gần 3.000 chiếc thuyền vừa và nhỏ chở gần 300 tấn thóc ra vùng tự do; góp gần 1 vạn cây tre, luồng làm cầu, lán trú quân; hơn 10 vạn ngày công tham gia khai thông đường vận chuyển, đào hầm hố, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh cho bộ đội. Cơ quan quân sự tỉnh cũng khẩn trương vạch kế hoạch tác chiến cho các lực lượng vũ trang bán vũ trang, sẵn sàng phối hợp chiến đấu.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, chiến dịch Quang Trung đã diễn ra từ 28-5 đến 20-6-1951, trên địa bàn ba tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình", nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của địch, làm tan rã ngụy quân, ngụy quyền, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân.

Hà Nam nằm trong hướng phụ của chiến dịch, là địa bàn hoạt động của hai trung đoàn chủ lực. Do có nhiều điều kiện thuận lợi về địa hình châu Lạc Thuỷ - căn cứ địa của Hà Nam và Liên khu III, trở thành nơi tập trung nhiều kho tàng, trú quân và xuất kích của bộ đội tham gia chiến dịch. Nhân dân Hà Nam đã đóng góp một phần đáng kể trong công cuộc xây dựng kho tàng, vận chuyển vũ khí, làm lán trại, bắc cầu, sửa đường, nhiều người đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ.

Hoà cùng chiến dịch Hà - Nam - Ninh, đêm 28-5-1951, một bộ phận của Đại đoàn 320 phối hợp với quân dân Hà Nam, nổ súng tiêu diệt các vị trí Quắn (huyện Bình Lục); Hương Cát, Thần Nữ (huyện Duy Tiên); Võ Giang, Kỷ Cầu (huyện Thanh Liêm), bức địch phải bỏ vị trí Đoan Vĩ, chọc thủng một mảng lớn tuyến phòng thủ sông Đáy, phía nam huyện Thanh Liêm. Cùng một lúc nhiều vị trí địch ven đường 21 như cầu Sắt, An Tập (huyện Bình Lục) cũng bị tiêu diệt. Ngày 29 và 30-5, quân ta giành thắng lợi lớn trong hai trận phục kích địch ở Mai Cầu, Trung Thứ (huyện Thanh Liêm).

Những hoạt động quân sự của ta đã làm cho hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền trong tỉnh hoang mang dao động. Tên đồn trưởng Lạc Tràng (thị xã Phủ Lý) vội vã cho vợ con di tản. Ngụy binh ở bốt Quế (huyện Kim Bảng) và thị xã Phủ Lý, tìm đường thoát thân hoặc đầu hàng. Bọn tề vũ trang ở Ngọc Thị (huyện Duy Tiên), tối đến kéo nhau lên bốt ngủ, sáng sớm mới dám về nhà. Ngụy quyền ở xã không dám hoạt động; nhiều ban tề võ trang bị ta phá. Đặc biệt toàn bộ hội tề ở các xã trong huyện Lý Nhân, 80% số ban tề ở huyện Bình Lục và một số ban tề huyện Thanh Liêm bị giải tán. Chớp thời cơ thuận lợi này, nhiều cán bộ, đảng viên bị bật đất trước đây, nay nhanh chóng trở về xây dựng, củng cố lại phong trào. Cơ sở Đảng, cơ sở kháng chiến phía nam huyện Thanh Liêm và hầu hết ở các huyện Bình Lục, Lý Nhân, Duy Tiên được phục hồi.

Các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh, huyện, cũng phân tán về các xã cùng với du kích đánh địa lôi chống càn, xây dựng khu du kích. Nhiều khu du kích rộng lớn đã được xây dựng ở ba huyện Duy Tiên, Lý Nhân, Bình Lục. Huyện uỷ Lý Nhân đã chỉ đạo xây dựng khu du kích Hoà - Hậu - Thắng, trở thành căn cứ vững nhất tỉnh. Chiến tranh du kích phát triển mạnh ở nhiều nơi như Xuân Khê (huyện Lý Nhân), Hưng Công (huyện Bình Lục), Mộc Bắc (huyện Duy Tiên), Liêm Trực (huyện Thanh Liêm), du kích đã có thể chủ động chống những cuộc càn quét nhỏ của địch, bảo vệ dân thu hoạch vụ chiêm thắng lợi.

Như vậy, sau thắng lợi của chiến dịch Quang Trung, phong trào cách mạng ở Hà Nam đã được khôi phục và tiếp tục phát triển. Đúng như nhận định của Tỉnh ủy trong cuộc họp ngày 18-7-1951: “Thắng lợi của chiến dịch Quang Trung đã làm cho phong trào tỉnh ta hết đà suy sụp, bắt đầu tiến lên và có triển vọng tiến bộ mạnh hơn nữa”(1).

Để giành lại quyền chủ động đã mất trên chiến trường Bắc Bộ, chặn đường vận chuyển tiếp tế của ta giữa Việt Bắc với Trung Bộ, tháng 11-1951, thực dân Pháp tập trung 20 tiểu đoàn bộ binh cơ động chiến lược, có đủ cơ giới, pháo binh, máy bay, mở chiến dịch đánh chiếm Hoà Bình.

Thực hiện chủ trương của Trung ương và Liên khu uỷ III, cơ quan quân sự tỉnh đã khẩn trương củng cố lực lượng vũ trang và bán vũ trang, đề ra phương án phối hợp tác chiến với bộ đội chủ lực. Hội đồng cung cấp của tỉnh cũng đã huy động nhân tài, vật lực, thực hiện đầy đủ kế hoạch được giao.

Đầu tháng 12-1951, Trung đoàn 4 thuộc Đại đoàn 320 được điều về hoạt động trên địa bàn Hà Nam. Sau khi khảo sát, nghiên cứu tình hình, Đảng uỷ mặt trận đã quyết định đánh vị trí Ngô Khê (huyện Bình Lục), mở màn cho các hoạt động quân sự, tiến lên mở rộng các khu du kích. Đây là một cứ điểm trọng yếu của địch ở Hà Nam, kề sát sông Châu, án ngữ các đường giao thông lớn nối liền ba huyện Lý Nhân, Bình Lục, Duy Tiên và nối tỉnh Hà Nam với các tỉnh tả ngạn sông Hồng. Đánh vị trí Ngô Khê sẽ có tác động mạnh đến hệ thống chiếm đóng của địch ở Hà Nam.

Được nhân dân huyện Bình Lục nuôi dưỡng, giúp đỡ, vào lúc 1 giờ 45 phút ngày 11-12-1951, hai tiểu đoàn Hưng Công và Đồng Mít thuộc Trung đoàn 64 đã phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương, bí mật bao vây quân địch và bất ngờ nổ súng tấn công vị trí Ngô Khê. Kết hợp với binh vận, sau 4 giờ chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt vị trí, giết 50 tên địch, bắt 75 tên, thu nhiều súng đạn.

Chiến thắng Ngô Khê đã gây một tiếng vang lớn trong toàn tỉnh, làm rung chuyển hệ thống ngụy quân, ngụy quyền. Tỉnh trưởng Hà Nam hoảng sợ bỏ chạy về Hà Nội. Bọn chỉ huy ở Sái (huyện Bình Lục), Bích Trì (huyện Thanh Liêm) và quân lính ở vị trí Ba Đa chạy về thị xã Phủ Lý. Nhiều ban tề vũ trang phải lánh vào các bốt.

Phát huy thắng lợi, quân dân ta tiếp tục bao vây tiêu diệt vị trí tề vũ trang Bèo (huyện Duy Tiên). Bọn tề vũ trang ở Thượng Vĩ (huyện Lý Nhân) vốn nổi tiếng gian ác lúc này cũng phải rút chạy. Ở huyện Lý Nhân ta tiến đánh Mạc Thượng, uy hiếp một loạt vị trí Mạc Hạ, Phú Đa, Công Xá. Khu du kích bắc Lý Nhân được nối liền với du kích Duy Tiên.

Sang năm 1952, trên đà thắng lợi, quân và dân ta tiến công bao vây buộc địch ở nhiều vị trí như Thượng Vĩ (huyện Lý Nhân); Tiêu Động, cầu Sắt (huyện Bình Lục) phải đầu hàng. Đêm 14-2-1952, quân ta tiêu diệt vị trí Bối Kênh (huyện Bình Lục), mở rộng khu du kích Bình Lục nối liền với khu du kích Thanh Liêm.

Trong lúc địch hoang mang, quân ta tiếp tục tiến công cùng một lúc diệt các vị trí quan trọng của chúng ở Bàng Ba, Phú Cốc (nam Lý Nhân), sau đó chuyển sang dùng địch vận diệt gọn bốt Bảo Long, một ví trí lớn giáp ranh huyện Bình Lục và Mỹ Lộc (tỉnh Nam Định). Như vậy khu du kích nam Lý Nhân đã được mở thông với vùng du kích C Bình Lục.

Ở huyện Thanh Liêm, lực lượng vũ trang tiêu diệt địch ở Lác Nội. Tại huyện Kim Bảng ta đánh địch ở Đức Mộ, Chợ Đại; phá vỡ tề vũ trang ở Lác Nhuế, Thịnh Đại, vây chặt địch ở vị trí Cát Nguyên. Các ban huyện uỷ Bình Lục, Lý Nhân, Thanh Liêm, Kim Bảng đã kịp thời lãnh đạo nhân dân nổi dậy phá hầu hết các ban tề, mở thông các vùng du kích.

Tiếp đó, ngày 7-2-1952, tại Lạc Tràng bằng một trận nội công, ngoại kích, các lực lượng vũ trang của ta diệt gọn đội biệt kích Rútscôni nổi tiếng tàn ác, là một trong những đội quân mạnh nhất, được địch tin cậy nhất ở Hà Nam. Tiếp đó, ta lại tấn công tiêu diệt vị trí Vũ Điện, mở rộng thêm khu du kích huyện Lý Nhân.

Như vậy, chỉ trong vòng hơn một tháng, lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh vừa tấn công, vừa nổi dậy, kết hợp với địch vận đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.000 tên địch, tiêu diệt, bức hàng, bức rút 45 trong số 50 vị trí tề võ trang; phá 342 trong tổng số 380 ban tề, xây dựng được 10 khu du kích ở hầu hết các huyện trong tỉnh, mở thông với khu du kích các tỉnh Hà Đông, Nam Định, hình thành thế liên hoàn giữa các vùng du kích ở Liên khu III.

Song song với các mũi tấn công quân sự, các cuộc nổi dậy và công tác binh vận cũng được đẩy mạnh. Công tác địch vận đã thực sự trở thành một mũi tiến công lợi hại. Trong số 45 ban tề võ trang đã bị ta tiêu diệt, có 41 ban tề do kết hợp giữa tấn công quân sự với công tác địch vận.

Ngày 23-2-1952, địch rút chạy khỏi tỉnh Hoà Bình, âm mưu giành lại quyền chủ động trên chiến trường Bắc Bộ của thực dân Pháp hoàn toàn thất bại. Ở mặt trận sau lưng địch, từng mảng lớn hệ thống đồn bốt bị phá vỡ. Để củng cố lại vùng chiếm đóng, thực dân Pháp đã điều các binh đoàn chủ lực về càn quét đồng bằng, tìm diệt chủ lực ta, khủng bố nhân dân, vơ vét tài sản, bắt thanh niên bổ sung quân, dựng lại ngụy quyền.

Thực hiện chủ trương chống càn của Liên khu uỷ, Tỉnh ủy Hà Nam đã ra chỉ thị Tích cực chống càn, giữ vững khu du kích. Chỉ thị nêu rõ: “Chống càn là nhiệm vụ của toàn dân, không phải chỉ riêng của bộ đội và dân quân du kích. Phải cương quyết chống càn, có kế hoạch cụ thể cho từng trường hợp”.

Ngày 9-3-1952, địch tập trung hơn 5.000 quân phần lớn là lính Âu Phi có xe tăng, xe lội nước, máy bay, pháo binh yểm trợ, mở cuộc càn mang tên Ămphibi, quây quét toàn bộ huyện Lý Nhân, phía nam huyện Bình Lục và một phần huyện Duy Tiên, nhằm đánh phá khu du kích, tiêu diệt chủ lực ta, củng cố tuyến sông Hồng, giải vây các vị trí, bắt thanh niên sung quân số và củng cố tinh thần binh lính đang bị sa sút nghiêm trọng.

Đây là một trận càn lớn nhất từ trước đến nay trên đất Hà Nam. Dựa vào sức mạnh cơ giới, địch mở nhiều mũi tiến công, chiếm các trục giao thông, tiến sâu vào nội địa, bao vây chà đi xát lại từng khu vực. Quân dân các địa phương đã chống trả rất anh dũng. Sáng ngày 9-3, tàu chiến của địch đổ hơn 1.000 quân lên Hữu Bị, vây khu Hoà - Hậu - Thắng (huyện Lý Nhân). Du kích ba xã này đã chặn đánh địch liên tục, loại khỏi vòng chiến đấu một số tên, kìm bước tiến của chúng trong hai ngày, tạo điều kiện cho nhân dân sơ tán, cất giấu tài sản.

Ở phía Nam của tỉnh, hơn 1.000 tên địch, phần lớn là lính Âu Phi hùng hổ kéo vào Ngọc Lũ (huyện Bình Lục) đã bị bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương chặn đánh, giết và làm bị thương gần 200 tên. Sáng ngày 12-3 một cánh quân của địch do đích thân tướng Bécsu chỉ huy tiến vào thôn Vạn Thọ (xã Nhân Bình, huyện Lý Nhân). Suốt từ sáng đến tối, quân ta đã anh dũng chiến đấu, đánh tan nhiều đợt phản công của địch buộc chúng phải rút chạy. Quân ta thắng lớn, loại khỏi vòng chiến đấu 160 tên địch, thu nhiều vũ khí.

Trong một số trận đánh, nhân dân đã dũng cảm tham gia chiến đấu cùng với bộ đội như đuổi địch, tước vũ khí, bắt tù binh. Nhiều tấm gương anh dũng chiến đấu, hy sinh còn sống mãi trong lòng nhân dân Hà Nam như tấm gương kiên cường, bất khuất của 30 cụ già và 2 thiếu niên thôn Đức Bản (xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân) trong cuộc chiến đấu ngày 18-3-1951.

Ngày 23-3-1952, cuộc càn Ămphibi kết thúc. Sau 15 ngày chống càn quyết liệt, quân và dân trong tỉnh đã làm thất bại mọi âm mưu của thực dân Pháp, tiêu diệt 500 tên địch. Các khu du kích không những được giữ vững mà còn mở rộng thêm. Địch không lập lại được ngụy quyền, không gỡ được thế bị bao vây uy hiếp, tinh thần binh lính của chúng càng sa sút nghiêm trọng.

Ngày 28-5-1952, địch lại mở tiếp cuộc càn lớn thứ hai, mang tên Ăngtilốp, vào hai tỉnh Hà Đông và Hà Nam. Ở Hà Nam, địch tập trung càn quét các huyện Duy Tiên, Lý Nhân với lực lượng 3.000 quân, ba tiểu đoàn pháo binh, có xe tăng và tàu chiến phối hợp, nhằm tiếp tục đánh phá khu du kích, tiêu diệt lực lượng ta, gỡ thế bị bao vây cô lập cho một số vị trí đóng quân.

Trong trận chống càn lần này, chỉ có các lực lượng vũ trang địa phương độc lập tác chiến. Suốt sáu ngày đêm, địch đi đến đâu cũng bị quân ta chặn đánh. Tại xã Nguyên Lý (huyện Lý Nhân), 160 tên đa số là lính Âu Phi bị loại khỏi vòng chiến đấu. Ngày 3-6, bộ đội và du kích thôn Đồng Phú (xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân) đã đánh địch liên tục từ 8 giờ sáng đến 1 giờ chiều, diệt 1 đại đội. Khi địch rút chạy, du kích xã Công Lý phục kích ở bến đò Cánh Diễm, diệt thêm 100 tên. Đồng thời, du kích các xã Công Lý, Chính Lý (huyện Lý Nhân); Tiên Nội, Mộc Bắc, Bạch Sam (huyện Duy Tiên), Liêm Trực (huyện Thanh Liêm); Hưng Công, Ngọc Lũ, An Lão (huyện Bình Lục) đã phát huy tinh thần độc lập tác chiến, bẻ gẫy nhiều mũi tiến công của địch.

Bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân, bảo vệ thanh niên không cho địch bắt lính, là nét nổi bật trong cuộc chống càn Ăngtilốp. Tại Phú Thứ (huyện Duy Tiên), ta đã đánh địch, giải thoát hơn 100 người dân. Ở khu Bắc Sơn (huyện Duy Tiên) ta phá vòng vây của địch, đưa hơn 400 thanh niên thoát ra ngoài, phá vỡ âm mưu vét lính tăng cường ngụy quân của địch đã bị thất bại.

Qua các cuộc chiến đấu trên, lực lượng vũ trang của tỉnh ngày càng được củng cố, tăng cường về trang bị cũng như quân số. Tỉnh thành lập thêm được một đại đội, mỗi huyện đều thành lập và kiện toàn ba trung đội mạnh. Đội ngũ dân quân du kích cũng được tăng cường về số lượng và vững vàng trong chiến đấu. Năm 1952, Hà Nam tuyển được 1.400 tân binh bổ sung cho bộ đội chủ lực.

Tháng 9-1952, phát huy thắng lợi của chiến dịch Hoà Bình, với phương châm đánh chỗ yếu, tránh chỗ mạnh, tìm nơi sơ hở của địch mà đánh, quân ta mở cuộc tấn công lên Tây Bắc nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một phần đất đai. Đồng thời ta chủ trương để lại một bộ phận chủ lực đi sâu vào sau lưng địch ở đồng bằng, mở rộng các khu du kích và đẩy mạnh chiến tranh du kích.

Để đối phó với chủ trương của ta, địch vội vã điều hai binh đoàn cơ động về Hà Nam. Đồng thời với việc tăng cường phòng thủ, củng cố tuyến sông Đáy, chắn giữ các tuyến giao thông, chúng còn mở những cuộc nhằm tiêu diệt lực lượng của ta. Dựa vào sức mạnh cơ giới, địch liên tục mở các cuộc hành quân càn quét, cướp phá. Các lực lượng vũ trang của ta tập trung sử dụng lối đánh phục kích bằng địa lôi.

Đội đánh mìn Quang Trung do đồng chí Trần Văn Chuông phụ trách đã liên tiếp đánh địch trên đường số 1 từ Đồng Văn đi Phủ Lý, đường 21 từ Phủ Lý đi Bằng Khê và đường số 10 qua huyện Vụ Bản, làm cho địch thiệt hại nặng nề. (Trong 3 tháng đầu năm 1953, đội đã đánh 72 trận, phá huỷ 55 xe, diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch. Đội còn dìu dắt nhiều đội du kích ở các xã ven đường giao thông lớn, đánh nhiều trận, lập được nhiều chiến công).

Để cứu nguy cho chiến trường Tây Bắc, địch lại vội vã điều hai binh đoàn cơ động đang đóng ở Hà Nam đi ứng cứu. Nắm được ý đồ của địch, một tiểu đoàn chủ lực của ta được lệnh đã cấp tốc về Hà Nam hoạt động, theo phương châm chặn đánh nhỏ, ăn chắc, có điều kiện thì đánh to, đánh liên tục, vây điểm, diệt viện. Sáng ngày 15-11-1952, Tiểu đoàn 738 chủ lực đã cùng với các lực lượng vũ trang địa phương tổ chức đánh một trận vận động chiến xuất sắc ở Mậu Chử (huyện Thanh Liêm), diệt hơn 200 tên địch, thu nhiều vũ khí. Từ đó tiểu đoàn được vinh dự mang tên Tiểu đoàn Mậu Chử.

Trận Mậu Chử làm cho quân địch đang chiếm đóng ở Hà Nam rất hoang mang. Tranh thủ thời cơ, quân ta đánh liên tiếp các vị trí Bằng Khê, Thạch Tổ (huyện Thanh Liêm), Hoàn Dương (huyện Duy Tiên), Ngô Khê (huyện Bình Lục), Vĩnh Trụ (huyện Lý Nhân) gây cho địch nhiều thiệt hại. Chỉ trong một đêm, bằng cách dùng nội ứng, ta đã diệt gọn hai vị trí Cà và Thanh Khê thuộc hệ thống phòng thủ tuyến sông Đáy của địch. Nổi bật nhất là trận nội công ngoại kích vị trí núi Bô, giáp ranh huyện Thanh Liêm và huyện Ý Yên, bắt sống 35 tên, diệt 4 sỹ quan Âu Phi ngoan cố, thu hàng trăm súng các loại.

Trước sự uy hiếp ngày càng tăng của ta, hơn 1.000 lính ngụy ở thị xã đòi giải ngũ. Lính Âu Phi ở Vũ Điện, Đồng Thuỷ (huyện Lý Nhân) cũng đòi hồi hương. Trước tình hình đó, tháng 12-1952 địch buộc phải rút một loạt vị trí lớn nằm giữa các khu du kích như Cát Nguyên, Phú Khê, An Bài, Điệp Sơn, Hòa Mạc, Đa Côn...

Để đảm bảo thuận lợi cho việc chỉ đạo kháng chiến của hai tỉnh Nam Định và Hà Nam, tháng 3-1953, Hội đồng Chính phủ đã quyết định cắt ba huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc, nằm ở phía bắc sông Đào thuộc tỉnh Nam Định sáp nhập vào Hà Nam, làm tăng thêm nguồn nhân lực, vật lực cho tỉnh. Trên địa bàn tỉnh, chiến tranh du kích được phát triển lên một bước mới, dồn địch vào thế bị bao vây uy hiếp, buộc địch phải rút thêm ba vị trí quan trọng ở Cầu Không (1-1953), Chi Long (5-1953) và Ngô Khê (5-1953).

Cuối tháng 3-1953, hoà cùng chiến thắng của chiến dịch Thượng Lào, quân ta tiến công phòng tuyến sông Đáy của địch nằm trong khu vực Hà Đông - Bắc Hà Nam. Trong các trận đánh vào phòng tuyến sông Đáy của địch, trận Vân Chu (xã Phù Vân, huyện Kim Bảng) là trận đánh xuất sắc nhất. Vị trí Vân Chu nằm giáp thị xã Phủ Lý, có hoả lực mạnh, có hệ thống boongke kiên cố và 9 hàng rào thép gai bao bọc. Cuối tháng 3-1953, Tiểu đoàn Thanh Lũng (Trung đoàn 4) của ta đã nổ súng tấn công và tiêu diệt hoàn toàn vị trí này. Sau đó, lực lượng vũ trang của ta chặn đánh quyết liệt lực lượng ứng cứu diệt 2 đại đội Âu Phi, bắt sống 126 tên, thu 8 đại liên, 15 trung liên, gần 100 súng trường và nhiều quân trang quân dụng. Chiến thắng Vân Chu đã làm rung chuyển tuyến phòng thủ sông Đáy của địch trên đất Hà Nam.

Phát huy chiến thắng giòn giã trên phòng tuyến sông Đáy, ngày 30-3-1953 bộ đội chủ lực lại cùng với các lực lượng vũ trang địa phương tập kích tiểu đoàn 6e BNV trú quân ở An Nhân, Ngọc Động (xã Hoàng Đạo, huyện Duy Tiên) diệt 135 tên, bắt sống 118 tên, thu nhiều vũ khí, xoá sổ tiểu đoàn 6e BNV của địch trên đất Hà Nam.

Song song với những cuộc hành quân càn quét, cướp phá, địch đã dùng thủ đoạn vô cùng thâm độc là dụ dỗ, dồn làng tập trung để dễ bề kìm kẹp, kiểm soát. Đầu năm 1953, địch thành lập làng Đại Xá Đồng Văn(1)(huyện Duy Tiên), với luận điệu bịp bợm, tuyên truyền cho cuộc sống phồn vinh trong Đại Xá: Tính đến tháng 5-1953 đã có 6.000 người đã bị dồn vào Đại Xá Đồng Văn, đem theo 400 tấn thóc. Chúng còn bắt thành lập ở một số nơi các tổ chức Ngũ gia liên kết (tổ chức năm gia đình kiểm soát lẫn nhau), để ngăn không cho cán bộ đi sâu vào hoạt động trong nhân dân.

Nhận rõ tính chất nguy hại của Đại Xá Đồng Văn, Tỉnh uỷ Hà Nam đã thành lập một đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Văn Ngọ, tỉnh uỷ viên phụ trách, để cùng với Huyện uỷ Duy Tiên tổ chức vận động nhân dân trở về quê cũ làm ăn. Đến cuối năm 1953, Đại Xá Đồng Văn hoàn toàn tan rã, âm mưu mang tính chiến lược của địch hoàn toàn bị phá sản.

Trước thất bại ngày càng nặng nề, từ giữa năm 1953, Pháp cử tướng Nava sang làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh ở Đông Dương. Nava chủ trương tập trung xây dựng một lực lượng cơ động chiến lược thật mạnh, đủ sức tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta. Đồng thời, phát triển ngụy quân với quy mô rộng lớn, dùng ngụy quân làm lực lượng chiếm đóng, rút các lực lượng Âu Phi để thành lập các binh đoàn cơ động, dự tính trong vòng 18 tháng sẽ giành thắng lợi quyết định.

Để đối phó với kế hoạch Nava, thực hiện chủ trương của Trung ương, Tỉnh uỷ Hà Nam đề ra hai nhiệm vụ trọng tâm trong Đông - Xuân năm 1953- 1954 là: phối hợp với chiến trường chính, phát triển chiến tranh du kích, đẩy mạnh tấn công tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch; đẩy mạnh việc thực hiện chính sách ruộng đất. Tỉnh uỷ còn cho triển khai hai nhiệm vụ lớn trước mắt cho toàn quân, toàn dân trong tỉnh là chống địch bắt đi lính và tập trung lực lượng dân công phục vụ chiến trường.

Bước vào chiến cuộc Đông - Xuân năm 1953 - 1954, toàn tỉnh có 1.167 thôn thì chỉ còn 88 thôn và thị xã Phủ Lý là vùng tạm chiếm, chiến tranh du kích phát triển mạnh mẽ khắp nơi. Các lực lượng vũ trang của ta càng đánh càng mạnh, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Cuối năm 1953, quân ta tập kích binh đoàn số 5 của địch. Bộ đội huyện Duy Tiên đã tiêu diệt 110 tên, du kích các xã Hoàng Đông, Tiên Nội, Trác Văn (huyện Duy Tiên) đã chặn đánh cả một tiểu đoàn Âu Phi, diệt 35 tên, phá huỷ một xe tăng. Ở huyện Thanh Liêm, một binh đoàn địch bị du kích xã Liêm Túc tấn công ba ngày đêm liền, diệt 35 tên; hàng trăm xe địch đã bị bom mìn của du kích lật đổ. Nhiều đoạn đường giao thông quan trọng bị phá huỷ nặng như đoạn Phủ Lý - Ngô Khê, đoạn đường 60 thuộc huyện Duy Tiên. Trên sông Hồng, tàu chiến và ca nô của địch cũng bị quân ta tấn công ở các đoạn sông thuộc Yên Lệnh (huyện Duy Tiên), Như Trác (huyện Lý Nhân). Du kích các xã ven sông Hồng đã làm chủ được nhiều đoạn sông, kiểm soát được tàu, thuyền qua lại.

Được chiến thắng của chiến cuộc Đông - Xuân năm 1953 - 1954 cổ vũ, bộ đội chủ lực và các lực lượng vũ trang địa phương Hà Nam liên tục bao vây, tấn công các vị trí trên phòng tuyến sông Đáy của địch. Ngày 6-2-1954, quân ta tiêu diệt vị trí Hoàng Đan, Kinh Thanh (huyện Ý Yên). Ngày 15-2, ta đón đánh binh đoàn số 4 của địch ở Phù Lão (huyện Kim Bảng), giết và làm bị thương 400 tên. Quân địch ở Thanh Khê, Mai Cầu (huyện Thanh Liêm) hoảng sợ rút chạy. Phòng tuyến sông Đáy dài 30km từ Phủ Lý đi Ninh Bình của địch bị phá vỡ.

Trên tuyến đường thủy sông Hồng, ngày 22-2-1954, đơn vị do đồng chí Trần Văn Chuông chỉ huy ở đoạn ven thôn Từ Đài (xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên) đã lập được chiến công xuất sắc, bắn cháy 1 tàu chiến và 4 ca nô địch(1).

Trên đà thắng lợi, kết hợp nội công ngoại kích, lực lượng vũ trang và du kích tiêu diệt vị trí Đồng Văn (huyện Duy Tiên); bao vây, bức rút vị trí Quế (huyện Kim Bảng); tiêu diệt vị trí Kiện Khê (huyện Thanh Liêm) bắt sống 216 tên. Thị xã Phủ Lý bị cô lập, địch phải điều hai binh đoàn về giữ đường giao thông Phủ Lý - Nam Định. Đêm 27-2, vị trí chùa Ông (huyện Kim Bảng) do lính Âu Phi chiếm giữ, là vị trí cuối cùng của phòng tuyến sông Đáy trên đất Hà Nam bị quân ta tấn công, tiêu diệt. Ta đã mở thông được con đường vận chuyển người và của cải từ đồng bằng Liên khu III lên Tây Bắc, phục vụ đắc lực cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Công tác địch vận chống bắt lính, phong trào đòi chồng con bỏ ngũ trong tỉnh được đẩy mạnh, góp phần làm cho tinh thần binh lính địch suy sụp nghiêm trọng. Đến năm 1954, đã có 6.437 lính ngụy trở về nhà làm ăn, 27 lính Âu Phi ra hàng. Hệ thống ngụy quyền suy sụp, tên tỉnh trưởng Hà Nam xin đổi đi nơi khác không dám ở lại Phủ Lý.

Sau chiến thắng của quân dân ta ở Điện Biên Phủ (7-5-1954), kế hoạch Nava hoàn toàn bị phá sản. Hệ thống chiếm đóng của địch ở phía nam đồng bằng Bắc Bộ bị uy hiếp nghiêm trọng. Nava vội vã cho rút toàn bộ lực lượng ra khỏi đồng bằng.

Ngày 21-6-1954, nhận được điện của Bộ Tư lệnh Liên khu III, cơ quan quân sự tỉnh đã vạch kế hoạch thu hồi các vùng được giải phóng. Trong một ngày du kích các huyện Ý Yên, Duy Tiên bắn tỉa, làm chết và bị thương hàng chục tên địch, du kích huyện Lý Nhân dựng vật cản làm tắc đường xe chạy trong 10 tiếng đồng hồ. Mìn của du kích huyện Mỹ Lộc đã phá hỏng 7 xe địch. Du kích ở đường 10 bắn cháy một máy bay, lật đổ 8 xe. Các lực lượng vũ trang huyện Ý Yên phá huỷ 1 xe tăng, 1 pháo, gọi được 10 lính ra hàng. Du kích huyện Vụ Bản còn bao vây vị trí Gôi, gọi hàng được 42 tên địch.

Đình Lũng Xuyên, xã Yên Bắc (Duy Tiên) - Di tích lịch sử cấp quốc gia. Ảnh: ĐT

Ngày 2-7-1954, khi địch rút khỏi Phủ Lý đã bị các lực lượng vũ trang ba huyện Thanh Liêm, Duy Tiên, Kim Bảng cùng phối hợp chặn đánh. Hơn 1.000 lính ngụy nghe theo lời kêu gọi đã bỏ hàng ngũ địch quay về gia đình, mang nộp nhiều vũ khí cho cách mạng. Vào lúc 21 giờ ngày 3-7-1954, trên đất Hà Nam không còn bóng một tên xâm lược, Hà Nam đã được hoàn toàn giải phóng.

Tiến hành cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện trong gần 7 năm trời, quân và dân Hà Nam đã đánh 10.000 trận lớn nhỏ, diệt hơn 40.000 tên địch. Trong kháng chiến, nhân dân Hà Nam đã tích cực tăng gia sản xuất, xây dựng nền kinh tế tự cấp, tự túc để nuôi quân kháng chiến và đóng góp cho Nhà nước hàng ngàn tấn lương thực để bộ đội ăn no đánh thắng, góp hàng triệu ngày công phục vụ chiến trường, tiễn đưa hàng vạn con em lên đường nhập ngũ.

(Còn nữa)

Điện tử

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy