Những ngày tháng 11 này, hòa chung với những hoạt động mang nhiều ý nghĩa sâu sắc hướng tới kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022), thật vui khi có thêm một câu chuyện cảm động về một cô giáo ở vùng biên giới phía bắc Tổ quốc. Đó là câu chuyện về nghị lực vượt khó, về tâm huyết nghề nghiệp, về tấm lòng và những việc làm nhân văn của cô giáo Nguyễn Thị Thủy (Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Pa Cheo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai)- một câu chuyện đẹp, góp thêm một nét vẽ tô thắm sâu đậm hình ảnh của những nhà giáo chân chính, hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”, vì tiến bộ xã hội.
Hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”, vì tiến bộ xã hội nên mặc dù điểm trường vùng cao Pa Cheo có tiếng là heo hút, khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, đường đi hiểm trở, đồng bào H’Mông nghèo, thất học... nhưng cô giáo Nguyễn Thị Thủy vẫn tình nguyện gắn bó với công việc ươm gieo con chữ nơi miền đất khó này. 14 năm có lẻ, không chỉ làm tròn nhiệm vụ giảng dạy trong giờ chính khóa, cô giáo Nguyễn Thị Thủy còn luôn khao khát muốn góp phần làm thay đổi cuộc sống của những học sinh và người dân vùng cao Pa Cheo đặc biệt khó khăn về điều kiện, lạc hậu về trình độ dân trí bằng việc tình nguyện làm tổng phụ trách đội, đứng ra tổ chức Tết Trung thu, thành lập câu lạc bộ học sinh nữ, tình nguyện làm công tác xã hội để có nguồn quần áo mùa đông giữ ấm cho các em học sinh khi đến trường…
Vượt lên bao khó khăn, trở ngại, cô giáo Thủy tự mày mò biên soạn bài giảng giúp học sinh con em dân tộc H’Mông ở Pa Cheo tiếp cận với những kiến thức cơ bản về bình đẳng giới, về cách tự chăm sóc sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên, về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… Cô cũng mạnh dạn kết hợp giữa trực tiếp tuyên truyền, vận động với tranh thủ sự ủng hộ, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương trong việc giúp đồng bào H’ Mông từng bước loại bỏ những hủ tục lạc hậu trong hôn nhân cũng như quan niệm trọng nam, khinh nữ...
Thật cảm phục khi biết bản thân cô giáo Nguyễn Thị Thủy cũng có hoàn cảnh rất khó khăn. Trước đây cô theo đuổi ước mơ học sư phạm bằng nguồn vốn vay dành cho sinh viên nghèo. Hiện nay, nhà cô cách trường hơn 60 cây số đường rừng, các con cô cũng đang độ tuổi đi học… Vậy nhưng, vượt lên những khó khăn, trở ngại ấy, cô vẫn kiên trì, bền bỉ tình nguyện gắn bó và dành trọn niềm đam mê nghề nghiệp với mảnh đất vùng cao Pa Cheo bộn bề khó khăn này. Hơn cả tấm lòng của một nhà giáo tận tụy vì sự nghiệp “trồng người”, vì đàn em thân yêu, cô giáo Nguyễn Thị Thủy còn mang tấm lòng của một nhà hoạt động xã hội, xứng đáng với danh xưng cao quý “Người giáo viên nhân dân”.
Thế Vĩnh