Tháng 7 - Mùa tri ân

Tháng 7 về, không chỉ mang theo những cái nắng ong oi, những trận mưa giông ngập lối, tháng 7 về, còn mang theo tiếng vọng của núi, của sông, của những trận chiến bi hùng trong những năm kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Tháng 7 cũng là dịp để chúng ta ngẫm ngợi, chiêm nghiệm về những câu chuyện ngày hôm qua. Để rồi ngày hôm nay, dẫu chiến tranh chỉ còn trong ký ức, nhưng cứ mỗi tháng 7 về, triệu triệu trái tim của người dân Việt lại hướng về, tưởng nhớ những người đã cống hiến, anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc. Những bàn chân lại hối hả trở về những chiến trường xưa, nơi đã từng in đậm dấu chân của lớp lớp những người lính, để tri ân, để nhắc nhở nhau sống tử tế hơn và tiếp tục lan tỏa những giá trị tốt đẹp, để cuộc sống hôm nay và mai sau ý nghĩa hơn, văn minh hơn.

Tháng 7  Mùa tri ân
Ảnh minh họa

Là thế hệ sinh ra sau cuộc chiến, chúng tôi những người trẻ được lớn lên trong hòa bình, dù chỉ biết đến chiến tranh qua những trang sách, những câu chuyện kể của những người lính, nhưng mỗi tháng 7 về trái tim chúng tôi luôn thấy nghẹn ngào mỗi khi chạm vào những nỗi đau hậu chiến. Đó là những vết thương trên thân thể đau nhức mỗi khi trời trở gió; đó là những sinh linh được sinh ra nhưng không được sống trọn một kiếp người; đó là những tiếng hú điên dại của những đứa trẻ “có lớn mà không có khôn” phía sau những song cửa và đó còn là những ánh mắt khao khát chỉ một tiếng gọi “cha” của những người lính trở về sau cuộc chiến… Lần nào, theo chân những người cựu chiến binh đi thăm hỏi, tặng quà tri ân đồng đội nhân Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7), chúng tôi lại thấy thổn thức vô cùng.

Người ta thường nói: Thời gian chính là phương thuốc hiệu nghiệm nhất chữa lành những vết thương, nhưng có những vết thương sẽ chẳng bao giờ được chữa lành trừ khi nó không còn tồn tại. Vì vậy, mỗi người trẻ hôm nay cần phải biết trân quí hơn những giá trị của hòa bình, giá trị của độc lập, để tự soi, tự vấn và sống có trách nhiệm hơn với bản thân, với gia đình, với cộng đồng và với những người đã hy sinh vì hòa bình, độc lập dân tộc.

Những ngày tháng 7 về, khi khắp nơi sôi nổi các hoạt động tri ân các anh hùng, thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, chúng tôi lại trở về ngồi bên những người lính, nghe các anh cùng ngân vang ca khúc “Về đây đồng đội ơi!” của nhạc sỹ, người lính Trương Quý Hải, chợt thấy ấm áp vô cùng. “Về đây đồng đội ơi, người chiến sỹ sư đoàn/Hà Giang đã ngưng chiến trận/Về đây đồng đội ơi, những chiến hữu đơn vị bạn/Đài hương 468 ta hội quân/Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu...”, lời ca và giai điệu tha thiết, như tiếng gọi của người còn sống với những người lính đã hy sinh: "Hãy về đi, đồng đội ơi, chiến trận ngưng rồi, về uống chén nước chè, hút thuốc lào, vui với đàn em thơ"… 

Có lẽ không riêng gì tôi, bất cứ ai nghe câu hát ấy mỗi khi tháng 7 về cũng sẽ không kìm được nước mắt. Bài hát như tiếng gọi “hội quân” của những người còn sống với đồng đội đã hy sinh, là lời người còn sống kể chuyện với những người đã ngã xuống. 

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy