Những ngày vừa qua, khi đồng bào miền Trung bị “bão chồng bão, lũ chồng lũ” tàn phá, đã dấy lên những sáng kiến, việc làm sâu nặng nghĩa tình của đồng bào cả nước mong chung tay đùm bọc “khúc ruột miền Trung” trong cơn hoạn nạn. Những sáng kiến, tấm lòng, việc làm sâu nặng nghĩa tình ấy chính là biểu tượng sinh động, giàu sức thuyết phục của lòng yêu nước, yêu đồng bào, của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc - Tài sản vô giá của người Việt Nam.
Biết bao tổ chức, cá nhân từ miền Bắc, miền Nam không quản ngại đường xá xa xôi vượt hàng trăm cây số, chẳng từ nan địa hình hiểm trở, nước cả, gió to, tình nguyện lặn lội mang tiền, nhu yếu phẩm thiết yếu hỗ trợ trao tặng tận tay những hộ dân vùng rốn lũ… Biết bao chuyến xe, chuyến đò miễn phí, những “phòng nghỉ khách sạn 0 đồng”, những “bữa cơm 0 đồng”… của nhiều cá nhân, gia đình tình nguyện ngày đêm phục vụ các đoàn cứu trợ, từ thiện trên khắp các nẻo đường về với miền Trung… Tất cả những tấm lòng, việc làm ấy chỉ có thể gọi tên bằng một cụm từ đẹp, ấm áp, tự hào: lòng yêu nước, yêu đồng bào, tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Vẫn biết đâu đó còn có việc này, việc khác gợn lên đôi chút về cách ứng xử chưa chuẩn, chưa đúng, nhưng bao trùm, tỏa rạng và sáng đẹp hơn hết vẫn là lòng yêu nước, yêu đồng bào, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế hệ con cháu Lạc Hồng cùng có chung nguồn cội sâu xa từ một biểu tượng huyền thoại thấm đẫm tinh thần dân tộc Việt- “Bọc trứng Âu Cơ”.
Nói đến lòng yêu nước, yêu đồng bào, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tôi nhớ đến lời khẳng định đầy tự tin, tự hào của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trong phiên thảo luận tại Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra: “Sự sẻ chia trong bão lũ không phải quốc gia nào cũng có được”. Và hơn hết, khi nhắc về lòng yêu nước, yêu đồng bào, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc - Tài sản vô giá của người Việt Nam, chúng ta càng thấy nhân lên niềm tự hào, tự tin và sức mạnh để có thể vững vàng vượt qua những cam go, thử thách trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Thế Vĩnh