Sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước trong giải quyết những tồn đọng sau chiến tranh

Sự quan tâm đặc biệt của Đảng Nhà nước trong giải quyết những tồn đọng sau chiến tranh
Các đại biểu là người có công tiêu biểu có mặt tại hội nghị xúc động trước sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Ảnh: baonghean.vn

Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân liệt sĩ được tổ chức tại tỉnh Nghệ An mới đây là sự kiện vô cùng có ý nghĩa, gây xúc động mạnh mẽ với công chúng, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong đời sống xã hội. 387 liệt sĩ ở khắp mọi miền đất nước được công nhận và truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công năm 2022 đúng dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện sự quan tâm đặc biệt, lâu dài của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành chức năng và các tầng lớp nhân dân trong hành trình giải quyết những tồn đọng sau chiến tranh.

Sự kiện thu hút sự quan tâm chú ý của công chúng không chỉ bởi con số 387 gia đình liệt sĩ đón nhận Bằng Tổ quốc ghi công, mà còn bởi những thông tin, thông điệp được nhắc nhớ, trao truyền, lan tỏa tại đây. Đó là thông tin: Cả nước có gần 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 9,2 triệu người có công. Dù chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm và Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đã rất quyết tâm, nỗ lực, song hiện nay vẫn còn hơn 200 nghìn hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy; cùng với đó hơn 300 nghìn hài cốt liệt sĩ đã quy tập về các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính. Đó là thông tin: với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các bậc lão thành cách mạng, cán bộ lãnh đạo, cựu chiến binh nhiều thế hệ… 5 năm gần đây cả nước đã rà soát, xem xét trên 7.000 hồ sơ tồn đọng, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận, cấp Bằng Tổ quốc ghi công trên 2.400 liệt sĩ, trên 2.700 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; giai đoạn 2016 - 2021, quỹ đền ơn đáp nghĩa các cấp đã vận động được hơn 6.024,8 tỷ đồng; cả nước trao tặng hơn 70 nghìn sổ tiết kiệm, sửa chữa, xây mới gần 72.200 nhà tình nghĩa, với tổng trị giá hơn 2.674,5 tỷ đồng.

Sự kiện thu hút sự quan tâm chú ý của công chúng còn bởi những câu chuyện vô cùng đặc biệt trong hành trình nhiều năm Đảng, Nhà nước, nhân dân ta nỗ lực giải quyết những tồn đọng sau chiến tranh. Đó là câu chuyện về trường hợp Liệt sĩ Phạm Khánh (sinh năm 1869, quê Nghệ An) tham gia lực lượng “Tự vệ đỏ”, bị địch bắt giam, tra tấn dã man và anh dũng hy sinh trong nhà lao Buôn Mê Thuột (tháng 9/1931). Kiên trì rà soát, thu thập hồ sơ và vượt lên vô vàn những khó khăn của một đất nước nhiều năm đi qua chiến tranh, đến nay, sau 91 năm hy sinh, Liệt sĩ Phạm Khánh đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân liệt sĩ…

Cùng với những con số, thông tin thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước; sự nỗ lực của các cấp, ngành chức năng và sự đóng góp tích cực của các tầng lớp nhân dân ta trong hành trình giải quyết tồn đọng sau chiến tranh, sự kiện đặc biệt trên đây còn nhắc nhớ một thông điệp vô cùng sâu sắc về giá trị không thể đong đếm của cuộc sống hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc mà mỗi chúng ta đang thụ hưởng hôm nay.

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.