Những “hiệp sĩ” vì môi trường

Những người nông dân ở xã miền núi nghèo, xa xôi Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) có sáng kiến thành lập Tổ tự nguyện tuần tra, bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám (tại khu rừng Hòn Dồ, thôn Đồng Cố) xứng đáng được tôn vinh là những “hiệp sĩ” vì môi trường. 

Những “hiệp sĩ” vì môi trường
"Đội tình nguyện nông dân" bảo vệ voọc chà vá chân xám quý hiếm tại Quảng Nam. Ảnh: Dân trí

Điều đáng trân quý ở những “hiệp sĩ” vì môi trường nơi miền núi xa xôi này chính là ở chỗ mặc dù chỉ là người nông dân bình thường, quanh năm bận rộn với đồi nương, mùa vụ nhưng từ nhận thức về giá trị của loài linh trưởng quý hiếm cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới mà họ sẵn sàng bỏ công sức, hy sinh một phần lợi ích cá nhân, gia đình mình để chung tay, góp sức “canh rừng, giữ voọc”, vì lợi ích chung lâu dài, bền vững. Xuất phát từ tình yêu thiên nhiên, yêu những cánh rừng của quê hương, đất nước, nhóm tình nguyện đã sẵn sàng bỏ tiền đổ xăng cho những chiếc xe máy cà tàng để hằng ngày vượt dốc, băng suối, tuần tra trên những nẻo đường khó khăn, nguy hiểm để theo dõi, bảo vệ đàn voọc. Cũng từ tình yêu với thiên nhiên, những “hiệp sĩ” vì môi trường đã tình nguyện bỏ công tuyên truyền, vận động và cùng với hàng chục hộ nông dân cam kết dành một khoảng đất quanh khu vực nương rẫy để làm hành lang bảo vệ đàn voọc; rồi vận động, hướng dẫn hàng chục hộ dân khác cam kết sử dụng các biện pháp canh tác bền vững, không xâm phạm rừng tự nhiên để không gian vùng sinh cảnh thêm rộng, thêm bình yên, an toàn cho loài linh trưởng quý hiếm tồn tại, phát triển. 

Cảm kích trước suy nghĩ và hành động cao đẹp của những “hiệp sĩ” vì môi trường xã Tam Mỹ Tây, một doanh nghiệp (Green Việt) đã tình nguyện tham gia đồng hành bằng cách trích một phần lợi nhuận hằng năm hỗ trợ nhóm mua sắm quần áo đồng phục bảo hộ, trang bị ống nhòm chuyên dụng để quan sát, theo dõi đàn voọc và hỗ trợ một phần tiền để nhóm mua xăng phục vụ cho việc tuần tra “canh rừng, giữ voọc” hằng ngày. Càng vui hơn khi mới đây, cùng với Đề án bảo tồn loài voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định mua lại 30 ha rừng (hiện đang là nương rẫy của một số hộ dân) để bảo đảm diện tích tối thiểu vùng sinh cảnh, giúp cho môi trường sống của loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm này thêm rộng, an toàn bền vững.

Suy nghĩ và hành động cao đẹp của những “hiệp sĩ” vì môi trường nơi vùng rừng Núi Thành, Quảng Nam rất đáng để chúng ta trân trọng, tôn vinh, học tập và tiếp nối, lan tỏa sâu rộng trong đời sống cộng đồng, góp phần thức tỉnh một bộ phận cá nhân trong xã hội hôm nay còn đang vì một lý do nào đó mà ngang nhiên bắn hạ, xẻ thịt muông thú, ngang nhiên hủy hoại môi trường sinh thái.

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.