Nghiêm trị những hành vi bất nhân

Những ngày đầu tháng 6, dư luận xã hội cũng như người dân cả nước không khỏi bàng hoàng, xót thương đối với trường hợp một em bé sơ sinh bị bỏ rơi ở một hố ga bỏ hoang thuộc khu vực đền Mẫu (xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội). Trong điều kiện thời tiết nắng nóng đến cực điểm, bé được một người dân phát hiện trong tình trạng không quần áo, bị kiến cắn, dòi bò vào ống tai, mũi, miệng và sức khỏe vô cùng nguy kịch. Sau hơn 20 ngày kiên cường, giành giật sự sống, dù được các bác sỹ, các chuyên gia hàng đầu của  Bệnh viện Xanh Pôn và Bệnh viện Nhi Trung ương phối hợp tận tâm cứu chữa nhưng ngày 29/6 vừa qua, bé đã tử vong vì bị sốc nhiễm trùng và nhiễm trùng máu quá nặng.

Thật quá đau xót, bởi từ khi được sinh ra cho đến khi phải rời xa trần thế, cơ thể nhỏ xíu của bé đã phải gồng gánh những nỗi đau chất chồng. Nỗi đau bị chính người mẹ nhẫn tâm “tước đoạt quyền sống” (một trong những hành vi bị nghiêm cấm được qui định tại Điều 6, Luật Trẻ em năm 2016), nỗi đau bệnh tật và ngay cả trong giờ phút về bên kia thế giới, bé cũng thiếu vắng hơi ấm gia đình và người thân. Dù có bao biện bằng hàng ngàn, hàng vạn lý do nhưng hành vi bất nhân, bất nghĩa của người mẹ cũng không thể dung thứ. Sau cái chết của bé, một bản án dù nghiêm khắc đến mức nào được Tòa án phán quyết cũng không đáng sợ bằng một bản án nghiêm khắc từ tòa án lương tâm của người làm mẹ. Suốt quãng đời còn lại, chắc chắn thị sẽ phải sống trong sự dằn vặt, đau khổ, sự sám hối quá muộn màng bởi những tội lỗi mình gây ra cho chính đứa con máu mủ của mình. 

Câu chuyện về số phận cậu bé bị bỏ rơi Nguyễn Văn An (tên các y, bác sỹ Bệnh viện Xanh Pôn đã đặt cho khi bé nhập viện) rồi cũng sẽ khép lại, nhưng có rất nhiều điều khiến chúng ta, không chỉ những người đã, đang và sẽ làm cha, làm mẹ phải nghiêm túc suy ngẫm và hành động. Bởi đây không phải là một trường hợp hy hữu trong xã hội. Cách đây hơn 10 năm, chắc nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ câu chuyện về “chú lính chì” Nguyễn Thiện Nhân cũng bị chính người mẹ ruột từ bỏ ngay khi mới sinh ra, bị thú hoang ăn mất bộ phận sinh dục và một chân đã từng gây xúc động mạnh trong cộng đồng. Chỉ có điều Thiện Nhân vẫn may mắn hơn bé Nguyễn Văn An vì đã giữ lại được mạng sống và được mẹ nuôi - nhà báo Trần Mai Anh hết mực yêu thương, đồng hành trong suốt những năm tháng khó khăn nhất trong cuộc đời cậu bé. 

Những tưởng rằng, khi xã hội phát triển hiện đại hơn, văn minh hơn, những số phận bị bỏ rơi như bé An hay bé Thiện Nhân sẽ chỉ là trường hợp hy hữu, nhưng ngược lại, giờ đây, nó dường như ngày càng nhiều hơn. Chỉ cần một cú click chuột vào từ khóa “trẻ bị bỏ rơi” ta sẽ dễ dàng tìm thấy vô vàn những câu chuyện đẫm nước mắt. Phải chăng vấn đề đạo đức xã hội đang ở mức báo động nghiêm trọng? Sự vô cảm, ích kỷ và nhẫn tâm trong lối hành xử giữa con người với con người, giữa anh chị em trong gia đình, giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ với con cái và ngược lại, cộng với ý thức coi thường pháp luật của một bộ phận người dân đã thực sự trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện đại. Biết bao hệ lụy đã xảy ra, bao nhiêu gia đình tan nát, người chết, kẻ ở tù chỉ vì những ác nhân mang tên “người thân”.

Cái ác nào rồi cũng sẽ phải trả giá, thậm chí có những cái ác phải trả giá bằng cả mạng sống. Nhưng để những cái ác không có cơ hội  “gieo mầm”, mỗi gia đình phải là “một tế bào khỏe mạnh”. 

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy