Ngăn chặn bạo hành trẻ em

Điều đáng nói, rất nhiều vụ bạo lực trẻ em lại xảy ra ngay chính trong ngôi nhà, nơi được coi là mái ấm gia đình và kẻ thủ ác không phải ai xa lạ mà chính là những người cha, người mẹ. 

Đã hơn một tuần trôi qua, nhưng dư luận vẫn chưa hết bức xúc khi theo dõi phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với hai bị cáo trong vụ án bạo hành dẫn đến cái chết thương tâm cho một bé gái mới 3 tuổi. Phiên tòa do Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Hà Nội đưa ra xét xử vào ngày 19/11 vừa qua. Một kẻ là mẹ ruột và một kẻ là cha dượng nhưng thường xuyên có hành vi đánh đập và hành hạ cháu bé. Đỉnh điểm, vào ngày 29/3/2020, hai kẻ thủ ác đã không cho cháu bé ăn, uống mà dùng cán chổi kim loại và chân tay đánh đập cháu. Do vết thương quá nặng, cháu bé đã tử vong trước khi vào viện. 

Sau hơn một ngày xét xử sơ thẩm, TAND thành phố Hà Nội đã tuyên án bị cáo Nguyễn Minh Tuấn với tổng hình phạt tử hình về tội "Giết người" và "Tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý", tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Lan Anh (vợ Tuấn) với tổng hình phạt chung thân về tội "Giết người", "Tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý". 

Hành vi bất nhân tính của hai bị cáo đã bị xã hội lên án và pháp luật nghiêm trị, nhưng nỗi đau của những người yêu thương bé biết bao giờ mới nguôi ngoai, khi một đứa trẻ sinh ra trong một hoàn cảnh đáng thương, vốn đã thiếu tình thương của cha lại bị chính người mẹ ruột và cha dượng của mình hành hạ cho đến chết. Cái ác đã bị trừng trị, nhưng qua vụ án này cũng để lại rất nhiều điều khiến chúng ta phải suy ngẫm. Bởi, đây chỉ là một trong gần 2.000 vụ trẻ em bị xâm hại và bạo hành ở mức độ nghiêm trọng xảy ra hằng năm trên phạm vi cả nước.

Mặc dù, tại Khoản 6 Điều 4 Luật Trẻ em năm 2016 có quy định: “Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em”. Tùy vào tính chất, mức độ, hành vi mà người thực hiện hành vi bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bộ luật Hình sự cũng coi trẻ em là đối tượng đặc biệt cần bảo vệ, hầu hết các tội phạm quy định tại đây đều đề cập tình tiết tăng nặng với kẻ gây tội nếu bị hại là người dưới 16 tuổi. Các văn bản pháp luật về bảo vệ trẻ em đã tương đối đầy đủ, nhưng tại sao các vụ bạo hành trẻ em vẫn xảy ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng và trở thành nỗi đau, nỗi bức xúc đối với tất cả những người có lương tri trong xã hội? Điều đáng nói, rất nhiều vụ bạo lực trẻ em lại xảy ra ngay chính trong ngôi nhà, nơi được coi là mái ấm gia đình và kẻ thủ ác không phải ai xa lạ mà chính là những người cha, người mẹ. 

Vấn đề đạo đức xuống cấp; việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật không hiệu quả hay việc thực thi pháp luật chưa nghiêm? Rất nhiều nguyên nhân đã được đề cập; rất nhiều giải pháp đã được đưa ra tại các hội thảo, diễn đàn và chương trình về công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, nhưng vấn đề cốt yếu vẫn là đạo đức, lối sống và ý thức pháp luật của một bộ phận người dân quá kém; các chương trình bảo vệ và chăm sóc trẻ em còn nặng về hình thức… Vì vậy, muốn ngăn chặn kịp thời tình trạng bạo lực trẻ em, trước hết, cần coi trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống và ý thức thượng tôn pháp luật đối với mỗi người dân, nhất là giới trẻ; đồng thời, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội. 

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy