Những ngày tháng Bảy này, trong số hàng loạt hoạt động tôn vinh, tri ân, chăm sóc người có công diễn ra khắp mọi miền đất nước, có một “hoạt động điểm nhấn”, một nghĩa cử đặc biệt, sâu nặng ân tình lần đầu tiên được thực hiện, đó là Hội nghị “Gặp mặt đại biểu Mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc năm 2020” (diễn ra từ 23 đến 25/7 tại Thủ đô Hà Nội) nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Nói là nghĩa cử sâu nặng ân tình bởi đây không chỉ là sự kiện lần đầu tiên tổ chức ở quy mô toàn quốc, không chỉ là sự ghi nhớ, tôn vinh thành kính mà còn là sự tri ân, chăm sóc thiết thực, tận tâm, mong đền đáp một phần những đóng góp, cống hiến, hy sinh vô bờ bến của những Mẹ Việt Nam Anh hùng đối với sự nghiệp cách mạng, với quê hương, đất nước.
Nghĩa cử sâu nặng ân tình ấy càng có ý nghĩa sâu sắc hơn khi chúng ta biết rằng, trong số gần 140 nghìn Mẹ Việt Nam Anh hùng thuộc 63 tỉnh, thành phố của cả nước hiện chỉ còn chưa đến 5 nghìn mẹ còn sống, trong đó phần lớn mẹ đã cao tuổi, như “lá vàng trước gió” và không ít địa phương nhiều năm nay không còn Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống (theo lời Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Đào Ngọc Dung).
Nghĩa cử sâu nặng ân tình ấy tiếp tục là một minh chứng sinh động, giàu sức thuyết phục thể hiện sự nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong quan điểm cũng như cách thức thực hiện chính sách “Đền ơn đáp nghĩa”, trong sự tôn vinh, tri ân và chăm sóc đối với người có công nói chung, Mẹ Việt Nam Anh hùng nói riêng.
Nghĩa cử sâu nặng ân tình ấy là sự nối dài quá trình bền bỉ nỗ lực giải quyết dứt điểm những tồn đọng sau chiến tranh, giải quyết thủ tục, hồ sơ cho hàng trăm nghìn đối tượng chính sách; nỗ lực tìm lại tên tuổi, địa chỉ cho hàng chục nghìn phần mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin và tìm kiếm, xác minh, quy tập hàng chục nghìn hài cốt liệt sĩ trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do cho dân tộc, các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế; nỗ lực hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở đối với người có công và nỗ lực để không còn gia đình có thành viên là người có công thuộc diện hộ nghèo…
Nghĩa cử sâu nặng ân tình ấy cũng là thông điệp rạng ngời tính nhân văn, mãnh liệt sức lan tỏa gửi tới mọi cấp, ngành, tập thể, cá nhân, rằng: Chăm sóc người có công là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là việc làm phải được tiến hành thường xuyên, tận tâm, thiết thực, chu đáo, đúng như lời Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã nói trong hội nghị triển khai các hoạt động kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ mới đây: Không hình thức, không chạy theo thành tích, không có quan niệm “năm chẵn, năm lẻ” trong thực hiện chính sách người có công.
Thế Vĩnh