Không để “con sâu làm rầu nồi canh”

Sự cố chân đập ở hồ Tân Minh (xã Thanh Vận - Chợ Mới, Bắc Kạn) bất ngờ bị vỡ, khiến 13 chiến sỹ thanh niên xung phong (TNXP) của đơn vị C933 đang làm nhiệm vụ hy sinh cách đây hơn 50 năm (ngày 9/8/1968) đã để lại nỗi đau, sự tiếc thương lớn lao đối với người thân, gia đình và đồng đội. Để tri ân những người đã hy sinh và xoa dịu nỗi đau của gia đình thân nhân các liệt sỹ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp thực hiện qui tập hài cốt của 13 chiến sỹ TNXP đưa về nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Bắc Kạn, thế nhưng tất cả đều không xác định được danh tính.

Ngày 23/10/2019, theo đề nghị của thân nhân các liệt sỹ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn đã tiến hành khai quật phần mộ của 13 liệt sỹ TNXP để giám định ADN. Người thân của các liệt sỹ cũng được mời đến lấy mẫu để so sánh. Tuy nhiên, sau khi khai quật phát hiện 13 ngôi mộ không hề có hài cốt mà chỉ toàn đất đá, ngay cả đến tiểu sành, một vật dụng tùy táng bắt buộc phải có khi quy tập hài cốt liệt sỹ, cũng không có. Lý giải vấn đề này, đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn cho rằng: Những túi nylon đất đá được tìm thấy có thể do hài cốt đã hóa thành đất. Tuy nhiên, chính trong buổi khai quật, ngôi mộ thứ 14 của liệt sỹ thuộc một đơn vị khác cũng nằm trong danh sách giám định ADN lại có đầy đủ tiểu sành, hài cốt. Liệt sỹ này cũng hy sinh năm 1968 tại tỉnh Bắc Kạn, chỉ khác đơn vị với 13 liệt sỹ TNXP.

Vậy sau 3 lần qui tập, hài cốt của 13 liệt sỹ TNXP đang ở đâu? Trách nhiệm thuộc về ai? Có hay không sự gian dối ngay từ khâu qui tập mộ liệt sỹ? Khi mà Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn - đơn vị chủ trì cuộc khai quật cũng như quản lý tất cả các chính sách thương binh, liệt sỹ trên địa bàn hiện không còn lưu giữ được bất cứ tài liệu gì liên quan đến việc quy tập hài cốt liệt sỹ của C933 TNXP.     

Nỗi đau tưởng như được xoa dịu hơn 50 năm qua, giờ lại hiện hữu đến nhức nhối trong lòng thân nhân các liệt sỹ. Lòng tin vào những người thực thi chính sách người có công (NCC) ở Bắc Kạn bị tổn thương nghiêm trọng. Nhất là khi thực tế ở nhiều địa phương trong cả nước vẫn còn những “con sâu” lợi dụng chức trách, nhiệm vụ, nhập nhèm chiếm đoạt tiền chế độ, chính sách NCC. Ví như vụ cán bộ Ban chính sách xã hội của xã An Tiến, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng mạo chữ ký chiếm đoạt tiền chế độ, chính sách dành cho NCC trong suốt một thời gian dài và chỉ bị phát hiện khi người dân tìm đến UBND xã để tìm hiểu lý do vì sao nhiều năm nay không nhận được tiền chính sách. Hay vụ lập danh sách 33 thương binh giả để chiếm đoạt tiền chế độ chính sách của Nhà nước mà bà Lê Thị Thu Hương, Phó cơ quan Tổ chức - Nội vụ thành phố Quảng Ngãi thực hiện nhiều năm qua với số tiền lên đến hàng tỷ đồng…

Chính sách, pháp luật ưu đãi NCC với cách mạng không chỉ mang tính chính trị, kinh tế, xã hội mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đây là một trong những chính sách quan trọng nhất của Đảng và Nhà nước. Việc thực hiện tốt những chính sách này chính là những hành động thiết thực nhất, ý nghĩa nhất của các thế hệ hôm nay đối với sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, các thương bệnh binh- những người đã không tiếc máu xương để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Vì vậy, xin đừng để những “con sâu làm rầu nồi canh”!                   

Minh Thu

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy