Mới đây, hàng chục hộ dân các thôn Thượng Đại Vượng, Trung Hạ Đại Vượng (Thanh Nguyên, Thanh Liêm) đồng loạt tự nguyện dỡ bỏ cổng nhà, tường rào, công trình phụ, chặt hạ cây lưu niên… hiến hàng trăm mét vuông đất để nắn thẳng, mở rộng đường quê (từ 5m thành 7m). Điều này thể hiện sự đồng thuận, tin tưởng, ủng hộ của người dân với cấp ủy, chính quyền trong nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Hiện nay, ở không ít vùng quê, việc mở rộng đường làng (dẫu đem lại lợi ích thiết thực, nhỡn tiền cho cộng đồng) nhưng vẫn đang là “việc khó” vì “động chạm” trực tiếp đến quyền lợi cá nhân. Vậy mà “việc khó” ấy lại dễ dàng được tháo gỡ ở Đại Vượng, Thanh Nguyên bởi sự đồng thuận, tin tưởng, ủng hộ từ phía người dân.
Khi lòng dân đã đồng thuận, tin tưởng thì dẫu là thước đất thổ cư bao năm, bao đời tôn tạo, vượt lập; dẫu là công trình xây dựng tốn nhiều công sức, tiền của, là cây ăn quả lâu năm mong đợi mới có… cũng được bà con sẵn sàng hiến tặng, hy sinh vì lợi ích chung.
Cũng nhờ lòng dân đồng thuận, tin tưởng nên ở Đại Vượng có hộ hiến hàng trăm mét đất; có hộ hai, ba lần hiến đất; lại có hộ đang làm ăn, công tác nơi xa, dù chỉ nghe cán bộ thôn, xã “tuyên truyền, vận động qua điện thoại” cũng sẵn sàng ủng hộ. Ngày thôn ra quân mở rộng đường, không kịp có mặt, nhiều chủ hộ vẫn tin tưởng ủy thác, nhờ bà con tháo dỡ cổng nhà, tường rào để mở rộng đường, xây dựng hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng, chỉnh trang cảnh quan làng quê. Cũng nhờ lòng dân đồng thuận, tin tưởng nên tính chung toàn xã Thanh Nguyên đã có 213 hộ dân hiến tặng gần 3.700 m2 đất thổ cư để mở rộng đường làng.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao ở Đại Vượng, Thanh Nguyên lại có được sự đồng thuận, tin tưởng, ủng hộ rất cao từ phía người dân trong chủ trương xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu? Câu trả lời tưởng chừng ai cũng đã biết nhưng xin được thêm một lần nhắc lại, đó là: Khi Quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện đầy đủ, đúng nghĩa; khi quyền và trách nhiệm làm chủ của nhân dân được khơi dậy, phát huy; khi mọi công việc, hoạt động thực sự công khai, minh bạch và công tác thông tin, tuyên truyền, “dân vận khéo” được tiến hành đồng bộ, bài bản... đi vào lòng người.
Khi lòng dân đã thuận thì việc gì cũng có thể làm được như lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Thế Vĩnh