kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Khát vọng không biên giới

Khát vọng không biên giới

Dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay thật mừng, thật vui khi đón nhận tin cô giáo dân tộc Mường - Hà Ánh Phượng (Trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ) trở thành giáo viên Việt Nam đầu tiên lọt tốp “10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu”. Mừng, vui không chỉ bởi một công dân Việt Nam được tôn vinh ở tầm quốc tế mà cao rộng, sâu sắc hơn là một cô giáo miền núi, điều kiện giảng dạy còn nhiều khó khăn, trở ngại nhưng luôn bền bỉ theo đuổi một khát vọng lớn lao, cao đẹp - khát vọng không biên giới.   

Khát vọng không biên giới
Cô Hà Ánh Phượng, giáo viên tiếng Anh của Trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ. Nguồn: vietnamnet.vn

Khát vọng không biên giới của cô giáo vùng cao Hà Ánh Phượng thể hiện rất rõ ngay từ lúc cô còn là học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ, khi cô giành giải “Học bổng Hoa Trạng nguyên” năm 2009 (dành cho thủ khoa tốt nghiệp THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức) và năm 2011 cô là một trong 14 sinh viên châu Á đạt học bổng tiềm năng lãnh đạo (do Viện Giáo dục quốc tế Mỹ IIE trao tặng).

Khát vọng không biên giới của cô giáo thế hệ 9X người dân tộc Mường còn thể hiện trong quyết định từ chối làm việc ở những trung tâm giảng dạy ngoại ngữ danh tiếng giữa thủ đô, từ chối làm việc cho một doanh nghiệp nước ngoài với mức lương hấp dẫn để về với mái trường nghèo vùng cao. Để ở đó, cô quyết tâm thực hiện một dự định mà cô hằng ấp ủ, đó là giúp học sinh con em các dân tộc thiểu số vượt qua khó khăn trong việc học môn tiếng Anh. Và ở nơi mái trường vùng cao đầy khó khăn, trở ngại ấy, bằng những sáng kiến (được giới chuyên môn đánh giá là đột phá), cô giáo Hà Ánh Phượng trở thành và luôn là thành viên tích cực của Cộng đồng giáo dục Microsoft. Sáng kiến thể hiện khát vọng không biên giới của cô giáo dân tộc vùng cao về việc lập những hội, nhóm chuyên môn trong dạy và học ngoại ngữ đã tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh đối với đồng nghiệp trong nước cũng như đồng nghiệp quốc tế.
Khát vọng không biên giới của cô giáo vùng đất Tổ thông qua mô hình “Lớp học không biên giới”, không chỉ áp dụng thành công trong dạy, học trực tuyến phòng, chống dịch Covid-19; không chỉ giúp nhiều đồng nghiệp trong nước, quốc tế cùng tham dự những buổi lên lớp miễn phí dành cho học sinh nghèo ở nhiều quốc gia, mà còn giúp lan tỏa sáng kiến “không dùng ống hút nhựa”, kết nối, gửi gắm thông điệp bảo vệ môi trường đến học sinh và người tiêu dùng nhiều châu lục…

Khát vọng không biên giới của cô giáo vùng cao Phú Thọ còn thể hiện sinh động từ câu chuyện giản dị, rất đỗi đời thường “Từ vườn chuối tôi nhìn ra thế giới”, khi “Lớp học không biên giới” của cô gặp sự cố mất điện và cô phải ra vườn chuối, bắt nhờ tín hiệu wifi nhà hàng xóm để không bị gián đoạn buổi lên lớp kết nối với học sinh nhiều châu lục, để thu được nhiều hơn những điều bổ ích, lý thú; để thêm tự tin, thêm vững vàng theo đuổi khát vọng không biên giới của mình.

Khát vọng không biên giới và việc làm có ý nghĩa lớn lao, cao đẹp, vượt qua những giới hạn cụ thể về địa lý, sự khác biệt văn hóa và điều kiện sống của cô giáo thế hệ 9X ở ngôi trường có trên 90% học sinh con em các dân tộc thiểu số là niềm tin, là lời nhắn nhủ, động viên sâu sắc gửi tới nhiều bạn trẻ trong thời đại công nghệ 4.0 hôm nay.

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy