Ngày 12/2 vừa qua, tại chùa Tam Chúc (Ba Sao - Kim Bảng - Hà Nam) đã diễn ra Lễ Khai xuân thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc. Mặc dù, năm nay không tổ chức lễ hội nhưng với các nghi thức rước nước, dâng hương cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu… được tổ chức ngắn gọn, trang nghiêm và mang đậm giá trị văn hóa truyền thống của Phật giáo, Lễ Khai xuân ở chùa Tam Chúc đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Không chỉ mang ý nghĩa cầu nguyện cuộc sống bình an, trường tồn, Lễ Khai xuân tại chùa Tam Chúc còn có ý nghĩa khởi động lại các hoạt động du lịch của tỉnh sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Với chủ trương khôi phục và phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới, các hoạt động chiêm bái, tham quan, du xuân tại chùa Tam Chúc năm nay đều được tổ chức một cách linh hoạt, thích ứng hiệu quả với diễn biến tình hình thực tế chống dịch của địa phương. Vì vậy, mặc dù lượng du khách đến tham quan, chiêm bái chùa lên đến hàng nghìn người nhưng công tác phòng, chống dịch Covid-19 luôn được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc. Nói như vậy để thấy rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành, các doanh nghiệp trong công tác chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 đặc biệt được đề cao và ý thức người dân trong việc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch đã có bước chuyển tích cực.
Không chỉ riêng Chùa Tam Chúc, các điểm đến du lịch tâm linh trên địa bàn Hà Nam cũng đã thực hiện khá tốt công tác phòng, chống dịch. Hầu hết các hoạt động lễ hội chỉ dừng lại ở các nghi lễ tâm linh, không tổ chức phần hội. Với sự quan tâm trùng tu tôn tạo, trên cơ sở khôi phục, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, những điểm du lịch tâm linh của Hà Nam thực sự là điểm đến hấp dẫn với du khách gần xa mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Đó cũng chính là tín hiệu vui cho ngành du lịch Hà Nam nói riêng, cả nước nói chung sau 2 năm nỗ lực vượt khó, “biến thách thức thành cơ hội”.
Thực tế cho thấy, dịch Covid-19 đã khiến cho xu hướng tiêu dùng du lịch có nhiều thay đổi. Theo các chuyên gia dự báo, khách du lịch sẽ sử dụng các kỳ nghỉ ngắn thay cho các kỳ nghỉ dài; đi du lịch gần nhà thay cho xa nhà; nhu cầu biệt lập thay vì đại chúng; hình thành nhu cầu về loại hình du lịch thông minh; đi du lịch theo nhóm nhỏ, gia đình; du lịch chăm sóc sức khỏe sẽ được quan tâm hơn… Điều đó, có nghĩa dù dịch Covid-19 gây tổn thất nặng nề cho cả nền kinh tế; trong đó có kinh tế du lịch, nhưng cũng đồng thời tạo ra những cơ hội để ngành du lịch có sự chuẩn bị tốt nhất khi quay trở lại, thích ứng trong điều kiện bình thường mới. Ngành du lịch Việt Nam cũng vậy, đại dịch đã đặt ra nhiều bài toán trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện các dịch vụ, hạ tầng du lịch, nâng cao hiệu quả quảng bá xúc tiến du lịch, cải cách các thủ tục xuất nhập cảnh... tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Việc xây dựng và thực hiện các hoạt động du lịch trong nước vừa thỏa mãn được các nhu cầu của du khách, vừa phải bảo đảm được sự an toàn trong cộng đồng.
Theo thông tin từ báo chí, ngày 16/2/2022, tại cuộc họp bàn về phương án mở cửa hoạt động du lịch, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đồng ý với đề xuất mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày15/3/2022. Vì vậy, để sớm phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, giai đoạn này, ngành du lịch Hà Nam cũng như cả nước cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tổ chức hoạt động hiệu quả sau đại dịch. Trước hết, cần tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; cải thiện trình độ và kiến thức cho nguồn nhân lực du lịch; tận dụng quảng bá hình ảnh… đáp ứng những yêu cầu mới của thời đại về tính chuyên nghiệp, tính hiện đại, hội nhập và hiệu quả, đồng thời bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, yếu tố truyền thống để phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước.
Minh Thu