Sáng 26/5 vừa qua, một cây phượng bị bật gốc đổ xuống sân Trường THCS Bạch Đằng (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) làm một học sinh tử vong, nhiều em khác bị thương.
Sự việc này đã khiến cho các bậc phụ huynh và dư luận vô cùng lo lắng về tình trạng mất an toàn trong trường học.
Đặc biệt, sau sự cố cây phượng có tuổi thọ hơn 20 năm ở Trường THCS Bạch Đằng bị đổ, rất nhiều nhà trường đã chọn giải pháp đồng loạt chặt hạ toàn bộ những cây phượng đang xanh tốt trong sân trường, coi đó là biện pháp để bảo đảm an toàn, tránh những tai nạn do cây đổ. Vẫn biết, việc thắt chặt các biện pháp phòng ngừa tai nạn, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh là việc làm cần thiết và cấp bách nhưng sự việc chặt cây phượng đồng loạt trong các nhà trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác thời gian qua không phải là giải pháp tối ưu cho vấn đề an toàn trường học. Chặt cây thiếu kiểm soát là một giải pháp cực đoan, không giải quyết được tận gốc vấn đề. Phượng vĩ đã đi vào tiềm thức của bao lớp học trò, như kỷ niệm, dấu ấn một thời áo trắng; hơn nữa, phượng vĩ là loại cây có thể trồng tốt trong trường học như thông tin từ Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp.
Tai nạn xảy ra ở Trường THCS Bạch Đằng là rủi ro ngoài ý muốn và hoàn toàn bất ngờ không chỉ đối với nhà trường. Đó là một bài học xương máu cho các nhà trường trong công tác bảo đảm an toàn trường học, đòi hỏi các nhà trường phải làm sao giảm thiểu nguy cơ tai nạn, tạo sự tin tưởng, yên tâm cho phụ huynh, bảo đảm quá trình học tập lâu dài cho học sinh. Bởi thực tế, tai nạn thương tích trong trường học thường tập trung ở các nhóm nguy cơ cao gồm: tai nạn giao thông, té ngã, đuối nước, bỏng/điện giật/cháy nổ, ngộ độc thực phẩm và bạo lực học đường...
Vì vậy, thay vì các trường chặt hạ toàn bộ cây xanh thì nên có biện pháp chống đỡ, kiềng sắt để bảo vệ cây. Trồng một cây xanh cao lớn, tán cây mát rộng sẽ mất từ 5 đến 10 năm trở lên, không phải chuyện một sớm một chiều nói chặt là chặt tất. Hơn nữa, việc bảo đảm an toàn trường học cũng cần huy động sự tham gia của tất cả thành viên trong trường, phụ huynh, học sinh, thậm chí cộng đồng dân cư nhằm phát hiện, kịp thời báo cáo các nguy cơ gây tai nạn, thương tích, thiết lập hệ thống ghi chép, theo dõi, giám sát và báo cáo về xây dựng trường học an toàn; từ đó, sẽ có các biện pháp phòng chống hiệu quả. Có như vậy, mới giải quyết được tận gốc vấn đề an toàn trường học.
Minh Thu