Phần I: Địa lý (Chương XVIII)

Chương XVIII

GIAO THÔNG VẬN TẢl VÀ BƯU ĐIỆN - VIỄN THÔNG

I.   GIAO THÔNG VẬN TẢI

Hà Nam là tỉnh có hệ thống giao thông phát triển từ rất sớm, nhất là giao thông đường thuỷ, do có hệ thống sông ngòi thuận lợi và do phần lớn địa hình của tỉnh là đồng đất trũng thường ngập nước vào mùa mưa. Xưa kia, việc giao thông đi lại trong tỉnh cũng như với bên ngoài chủ yếu là bằng đường thuỷ. Trong thời phong kiến các tuyến sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Châu,... đã trở thành những tuyến giao thông quan trọng. Từ sông Đáy có thể qua sông Nhuệ vào sông Tô Lịch và từ sông Đáy theo sông Châu ra sông Hồng để lên Thăng Long (Hà Nội) và đi các tỉnh trong vùng rất thuận tiện. Năm 987 vua Lê Đại Hành về cày ruộng tịch điền ở chân núi Đọi Sơn (huyện Duy Tiên) đã đi bằng đường thuỷ. Năm 1069 vua Lý Thánh Tông xuất quân chinh phạt Chiêm Thành, đi đường thuỷ từ Thăng Long theo sông Tô Lịch vào sông Nhuệ, sang sông Đáy rồi qua cửa Đại An để ra biển đi vào phía Nam.

Các sông khác như sông Thiên Mạc, Ninh Giang, Long Xuyên cũng rất thuận tiện cho giao thông đường thuỷ nội địa của tỉnh. Phương tiện vận tải chủ yếu là bè, mảng, thuyền thúng, thuyền mộc và về sau có cả các loại thuyền ghép ván gỗ có trọng tải lớn hơn. Do vận tải hàng hoá và giao lưu đi lại chủ yếu bằng đường thuỷ nên phần lớn các chợ, tụ điểm buôn bán và nhiều làng nghề thủ công ở Hà Nam xưa thường tập trung ở ven các con sông, nơi có các bến bãi giao thông thuận tiện.

Quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Phủ Lý.

Dưới thời phong kiến, mạng lưới giao thông đường bộ cũng dần dần hình thành. Từ thế kỷ thứ X, XI ở Hà Nam đã có con đường Thiên Lý (nay là Quốc lộ số 1A) đi qua. Trải qua nhiều thế kỷ, các tuyến giao thông đường bộ được tạo lập, mở rộng cùng với hệ thống đê, bối, bờ bao thuỷ lợi, thuỷ nông. Các nhà nước phong kiến cũng đã cho xây dựng ở Hà Nam một số công trình cầu, đường giao thông khá nổi tiếng và quan trọng. Tháng 8 năm Tân Mão (1471) vua Lê Thánh Tông xuống chiếu cho phép nhân dân các xã Văn Xá, Tế Xuyên và An Triều huyện Nam Xang (nay là huyện Lý Nhân) được khai thác gỗ ở Châu Hoan (nay thuộc Nghệ An) để xây dựng cầu tại thôn Kiều Không xã An Triều, huyện Nam Xang (nên gọi là Cầu Không). Cầu dài 21 gian, có mái che, được xây dựng trên đoạn sông Long Xuyên(1), tiện lợi cho việc giao thông từ Vĩnh Trụ đi các tỉnh Nam Định, Thái Bình,... Cầu Tái ở thôn Tái xã Đinh Xá (huyện Bình Lục) được xây dựng năm 1605, hoàn thành vào năm 1606, dài hơn 30 gian, trên có mái ngói che, tiện lợi cho việc đi lại từ các huyện của phủ Lỵ Nhân sang Phố Hiến (thuộc Hưng Yên ngày nay) và lên kinh thành Thăng Long (Hà Nội) mà không phải đi qua Châu Cầu (tức thị xã Phủ Lý ngày nay)(2). Đến thế kỷ XVIII-XIX hầu hết các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện và đường đến các thôn, xã ở Hà Nam đã được hình thành. Song chủ yếu là đường đất, chất lượng và kỹ thuật rất thấp, nhiều nơi đường sá thường lầy lội hoặc sạt lở vào mùa mưa, việc đi lại và vận tải đường bộ vẫn gặp nhiều khó khăn.

Đến thời Pháp thuộc, từ năm 1884 trở đi, để tăng cường cai trị và khai thác, bóc lột thuộc địa, thực dân Pháp bắt đầu quan tâm đến cải tạo, xây dựng hệ thống giao thông vận tải ở Việt Nam nói chung và ở Hà Nam nói riêng.

Quốc lộ 1 được xây dựng từ năm 1885, còn gọi là “đường cái” hay đường Xuyên Đông Dương. Đoạn qua địa bàn Hà Nam từ thôn Ngọc Thị xã Duy Minh (huyện Duy Tiên) giáp cầu Giẽ đến đầu thị xã Phủ Lý, vòng theo cầu Sắt. Trước đây cây cầu Sắt bắc qua sông Châu, nên con đường xuyên Đông Dương này phải đi vòng qua sông Châu bằng một cống lớn gọi là “cống 12 cửa”. Nay cống 12 cửa đã bị lấp đi cùng với khúc ngoẹo sông Châu tại nơi đặt cống - BT qua sông Châu rồi chạy qua thị xã đến đoạn cầu Đoan Vĩ thuộc xã Thanh Hải (huyện Thanh Liêm) dài 42km, mặt đường 7m, nền từ 10 đến 13m. Đây là tuyến đường giao thông huyết mạch nên Pháp đầu tư xây dựng với chất lượng cao thời bấy giờ.

Từ năm 1904 - 1905, nhiều tuyến giao thông đường bộ quan trọng khác ở Hà Nam cũng được cải tạo, xây dựng như đường 21 từ tỉnh Nam Định qua cầu Họ (huyện Bình Lục), Hồng Phú (thị xã Phủ Lý) đi Chi Nê đến Nhượng Lạo (châu Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình) dài 73km. Con đường này có vị trí quan trọng trong vận chuyển, trao đổi hàng hoá từ các vùng đồng bằng phía Đông - Nam châu thổ sông Hồng đến các vùng rừng núi phía Tây của Hà Nam, Hoà Bình và ngược lại; đường 22 dài 18 km quốc lộ chạy từ chợ Dầu đến thị trấn Quế (huyện Kim Bảng) qua cống Ba Đa nối với quốc lộ 1; đường 60 (nay là đường 38) từ chợ Dầu qua cống Nhật Tựu (huyện Kim Bảng) ra Đồng Văn, qua Hoà Mạc đến bến đò Yên Lệnh xã Chuyên Ngoại (huyện Duy Tiên) dài 26 km, nối vùng hữu ngạn với vùng tả ngạn sông Hồng; đường 62 (nay là đường 971) từ Phủ Lý đi Vĩnh Trụ, Như Trác (huyện Lý Nhân) dài 24,5km; đường 63 từ Điệp Sơn qua cống Điệp Sơn (huyện Duy Tiên) và Đập Phúc đến ngã tư Vĩnh Trụ, xuống Xuân Khê (huyện Lý Nhân) dài 40km; đường 88 (đê hữu ngạn sông Hồng), trên địa bàn Hà Nam dài 40km.

Từ khi tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897), người Pháp đã cho xây dựng ở Hà Nam các công trình thuỷ nông, cầu cống, đắp đập ngăn sông để dẫn nước vào đồng ruộng gây trở ngại trên một số tuyến giao thông thuỷ nội tỉnh cũng như với các tỉnh lân cận. Tuy vậy, song các tuyến giao thông đường thủy chính vẫn được khai thác với mức độ ngày càng tăng. Đặc biệt là trên các tuyến sông như: sông Hồng, sông Đáy, sông Châu...

Các tuyến giao thông đường thuỷ chủ yếu của Hà Nam thời Pháp thuộc

-   Sông Hồng chảy vào địa phận Hà Nam từ thôn Hoàn Dương xã Mộc Bắc (huyện Duy Tiên), qua huyện Lý Nhân để ra cửa Ba Lạt (tỉnh Nam Định); rộng từ 300 đến 600m, sâu từ 9 đến 12m, đảm bảo cho nhiều loại tàu thuyền có trọng tải lớn qua lại dễ dàng. Đoạn qua địa phận tỉnh Hà Nam dài 39km có nhiều bến bãi để vận chuyển hành khách và hàng hoá như các bến Từ Đài, Yên Lạc, Hoàn Dương (huyện Duy Tiên), các bến Phương Trà, Như Trác, Vũ Điện, Nga Khê (huyện Lý Nhân).

-   Sông Đáy chảy vào Hà Nam từ xã Tân Sơn (huyện Kim Bảng) qua huyện Thanh Liêm xuôi xuống tỉnh Ninh Bình rồi đổ ra biển qua cửa Đáy; chiều rộng từ 100 đến 400m, sâu từ 5 - 10m, tàu thuyền 100 tấn qua lại dễ dàng. Trước kia thường có thuyền bè từ trung du xuống xuôi mang lâm thổ sản đến buôn bán, trao đổi và đổ đá, vôi từ các huyện Thanh Liêm, Kim Bảng đi các nơi. Đầu thế kỷ XX, Pháp cho đắp đập Đáy ở thượng nguồn để ngăn lũ, giao thông trên sông Đáy từ tỉnh Hà Nam đi tỉnh Ninh Bình vẫn thuận lợi, nhưng việc giao lưu trao đổi hàng hoá của Hà Nam với các tỉnh trung du phía bắc sông này bị cắt đứt.

-   Sông Châu, bắt nguồn từ sông Hồng ở địa bàn thôn Lỗ Hà xã Chuyên Ngoại (huyện Duy Tiên) đến ngã ba sông Móng thuộc xã Tiên Phong (huyện Duy Tiên) chia làm hai nhánh, một nhánh chảy về huyện Bình lục, một nhánh chảy ra gặp sông Đáy tại ngã ba sông tại thị xã Phủ Lý. Sông Châu sâu từ 4 - 8m, rộng từ 80 - 200m, dài 32,5km, chảy qua các huyện Duy Tiên, Lý Nhân, Bình Lục, Thanh Liêm và thị xã Phủ Lý. Lòng sông có độ sâu tương đối đều (trừ đoạn chảy qua xã An Bài, huyện Bình Lục có 1 - 2 chỗ cạn) nên tàu thuyền vận chuyển được quanh năm. Trước khi đắp đập Tắc Giang, ngăn sông Hồng và sông Châu thì tuyến đường thuỷ trên sông Châu là tuyến rất quan trọng không những trong nội địa tỉnh mà còn giao lưu với các tỉnh khác trong khu vực.

-  Sông Sắt từ xã An Bài (huyện Bình Lục) đến Vĩnh Trụ (huyện Lý Nhân) dài 35km, chiều rộng từ 15 - 30m, sâu từ 1,5 - 2m, tàu thuyền từ 6 - 10 tấn vận chuyển được 4 mùa trong năm.

Từ năm 1905, tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội - Vinh được hoàn thành và đi vào khai thác, sử dụng. Tuyến đường sắt qua địa phận Hà Nam dài 34 km, từ cầu Giẽ (huyện Duy Tiên) qua thị xã Phủ Lý đến huyện Bình Lục (giáp với Nam Định), có các ga Đồng Văn, Phủ Lý, Bình Lục và cầu Họ. Ngoài vận chuyển hành khách, đường sắt còn là tuyến vận tải hàng hoá quan trọng của Hà Nam đi các nơi và ngược lại. Trong đó, ga Phủ Lý là đầu mối giao thương quan trọng nhất trên tuyến đường sắt qua Hà Nam.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Hà Nam cũng như ở nhiều tỉnh lúc bấy giờ đã thành lập Ty Giao thông - Công chính, với nhiệm vụ tổ chức quản lý ngành giao thông vận tải và thông tin liên lạc trên địa bàn, đảm bảo giao thông liên lạc thông suốt để phục vụ cho sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng và chính quyền các cấp, phục vụ tăng gia sản xuất, cải thiện tình hình đời sống của nhân dân; vận chuyển quân lương và đảm bảo liên lạc cho kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong thời gian này Hà Nam đã thành lập tổ vận tải ô tô gồm 5 chiếc lấy được của bọn Quốc dân Đảng đóng ở Đinh Xá (huyện Bình Lục) và ở Hồng Phú (thị xã Phủ Lý) để chuyên chở hành khách, hàng hoá từ Phủ Lý đi Hà Nội, Ninh Bình - Thanh Hoá,... Mặc dầu số lượng ít, chất lượng kém nhưng có thể xem đây là đơn vị vận tải ô tô đầu tiên của Hà Nam hoạt động sau cách mạng tháng 8/1945.

Trong thời kỳ kháng chiến chống quân xâm lược Pháp, từ 12/1946, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến và ngăn cản các cuộc hành quân càn quét, lấn chiếm của Pháp, ngành giao thông và nhân dân trong tỉnh đã chặt hạ cây lớn ven quốc lộ 1A, 21A và trên nhiều tuyến giao thông khác; phá sập cầu Guột, cầu Phủ Lý, cầu Sắt, cầu Họ và phá nhiều đoạn giao thông đường sắt trên địa bàn. Đến thời điểm này các phương tiện cơ giới không còn hoạt động mà chủ yếu là đi bộ theo đường mòn tại chân đường lớn. Năm 1948, Ty Giao thông - Công chính được đổi thành Ty Công chính - Thuỷ nông, ở cấp huyện và cấp tỉnh thành lập một Ban công tác có nhiệm vụ phân loại những tuyến đường cần phải sửa chữa để phục vụ nhu cầu sản xuất và đi lại của nhân dân.

Một số tuyến đường giao thông ở vùng chưa bị chiếm đóng tiếp tục được tu bổ, như: đường từ Phủ Lý đi chợ Quế và Phù Đê (xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng) dài 17 km và từ chợ Quế đi Nhật Tựu (nội huyện Kim Bảng) dài 11km; đường từ Đồng Văn đi Yên Lệnh (nội huyện Duy Tiên) dài 12 km; đường từ thị xã Phủ Lý đến Cầu Không (huyện Lý Nhân) dài 18 km... Nhiều đoạn đường bị đào xẻ đã được bắc cầu bằng tre, gỗ, một số được bắc bằng thanh ray đường sắt chắc chắn hơn, đi lại thuận tiện hơn.

Giao thông thuỷ đến năm 1948 vẫn hoạt động trên tuyến sông Đáy. Năm 1949 huyện Lý Nhân tổ chức lại 3 bến đò và 6 đội thuyền, mỗi đội có từ 6 - 8 thuyền, mỗi thuyền chở được từ 10 - 15 người để phục vụ cho việc đi lại và vận tải hàng hoá trong mùa mưa lũ. Được sự chỉ đạo và giúp đỡ của Ủy ban kháng chiến Hành chính tỉnh và các ngành tài chính, công an... đã giúp đỡ, Ban giao thông tỉnh Hà Nam đã thành lập công trường đan thuyền tại khu rừng Bồng Lạng (xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm) để phục vụ vận tải ở các bến sông Đáy, sông Hồng và nhất là phục vụ chiến dịch Quang Trung (6/1951). (Trong chiến dịch này đã huy động gần 3.000 chiếc thuyền lớn nhỏ chuyên chở hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí, thuốc men phục vụ bộ đội qua sông an toàn).

Sau kháng chiến chống Pháp (7/1954), đường sá, cầu cống, bến bãi và phương tiện giao thông hư hỏng nhiều. Đường bộ bị biến dạng mặt đường, nhiều đoạn lầy lội, cầu cũ nát hoặc bị đánh sập. Đường thuỷ chưa thông thoáng do kè ngầm trong kháng chiến chưa được dỡ bỏ. Đường sắt chưa nối thông với Hà Nội - Nam Định. Hệ thống nhà ga gần như bỏ hoang. Việc đi lại, lưu thông hàng hoá gặp nhiều trở ngại.

Trước tình hình đó, ngành giao thông vận tải Hà Nam đã tích cực thực hiện tu sửa đường sá, san lấp những đoạn bị phá, dỡ bỏ kè ngầm trên sông Đáy, sông Châu, tham gia khôi phục tuyến đường sắt trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tập trung những phương tiện giao thông như xe khách, xe tải, xích lô về các đầu mối như thị xã Phủ Lý, các huyện lỵ để vận chuyển hàng hoá và phục vụ nhân dân đi lại. Nhờ vậy, trong một thời gian ngắn Hà Nam đã khôi phục lại hầu hết các đường ô tô bị phá hoại trong chiến tranh và làm thêm đường mới, kết hợp trung đại tu với duy tu bảo dưỡng, nâng cấp mặt đường. Đến tháng 9/1954, Hà Nam đã sửa chữa phục hồi toàn bộ hệ thống đường bộ, cầu phà các tuyến giao thông liên tỉnh, liên huyện như các đường bộ 21, 22 và quốc lộ 1,... Giao thông vận tải đã hoạt động bình thường trên các tuyến Phủ Lý - Ngọc Hồi, Phủ Lý - Nam Định, Phủ Lý - Ninh Bình. Cùng với việc khôi phục 263 km đường bộ, 10/1955 hoàn thành sửa chữa cầu Phủ Lý - cầu lớn nhất trong tỉnh. Ngày 10-3-1955 tuyến đường sắt Văn Điển - Nam Định được khởi công khôi phục lại và đến tháng 12/1955 đã hoàn thành, đưa vào khai thác. Các ga Đồng Văn, Phủ Lý, Bình Lục, Cầu Họ cũng đã được khôi phục.

Giao thông vận tải thuỷ trên sông Hồng, sông Đào, sông Đáy đã trở lại hoạt động bình thường và có phần tấp nập hơn. Toàn tỉnh đã sửa chữa, đóng mới 24 thuyền có sức chở 4.121 tấn. Đường giao thông nông thôn cũng được sửa chữa, nâng cấp, với chiều dài hơn 220km. Cầu Đoan Vĩ (xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm) là chiếc cầu bằng bê tông cốt thép lắp ghép đầu tiên được xây dựng trên quốc lộ 1. Đường 21A, đường 60, đường 22, đường 63... tiếp tục được tu sửa, nâng cấp.

Thời kỳ 1960 - 1965, công tác giao thông vận tải có nhiều chuyển biến tích cực. Các công trình rải đá, lát đá, kè đá trên các tuyến đường 21, 60, 63, sửa cầu Phủ Lý, xây dựng cống Đồng Văn, đóng phà, ca nô... đều đạt 100% kế hoạch.

Tuy nhiên giao thông nông thôn ở Hà Nam vẫn còn nhỏ hẹp và lầy lội, những cảnh “đường lầy nước đọng”, “đầu đội vai mang” vẫn còn ám ảnh người Hà Nam mỗi khi mùa mưa về. Đầu những năm 1960, với phong trào “giải phóng đôi vai”, Hà Nam đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn gắn với phong trào thuỷ lợi nội đồng, đào đắp kênh mương, lấy đất làm đường. Đây là sáng tạo của ngành giao thông và thuỷ lợi của tỉnh. Kênh mương phát triển song song với đường sá, đường từ nhà ra ruộng. Cuối năm 1963 toàn tỉnh đã đào đắp và tu sửa được 1.422km đường thôn xóm, 188km đường liên xã, làm được 2.229 xe thô sơ và hơn 2.000 thuyền các loại. Tỷ lệ “giải phóng đôi vai” trong toàn tỉnh đạt 50,4%. Duy Tiên là huyện đạt cao nhất 64%. Năm 1963, Hà Nam được nhận Cờ luân lưu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thành tích phát triển giao thông vận tải ở nông thôn.

Trong 6 tháng đầu năm 1964, toàn tỉnh đã đào đắp được 1.754km đường các loại với khối lượng đào đắp là 6.576.000 m3 đất. Xây dựng 44 cầu, 246 cống, đóng mới 1.648 xe thô sơ (như xe cải tiến, xe ba gác, xe trâu, bò kéo) và 6.351 thuyền các loại (thuyền nan và thuyền gỗ). Toàn tỉnh có 34 xã đạt từ 75 - 90% kế hoạch, 7 xã đạt trên 90%. Duy Tiên vẫn là huyện dẫn đầu, đạt 76% kế hoạch năm.

Cuối năm 1964 đã có 3.347km đường được sửa chữa và làm mới, đóng mới thêm 2.728 xe thô sơ và xe cải tiến, 8.450 thuyền các loại. Hà Nam một lần nữa được Chủ tịch nước tặng Cờ luân lưu về phong trào làm đường giao thông nông thôn.

Từ năm 1964, khi Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, giao thông Hà Nam trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt trong chiến tranh phá hoại của Mỹ. Trong 4 năm (1965 - 1968) Mỹ đã huỷ diệt thị xã Phủ Lý, cầu đường bị phá huỷ nặng nề, không phân biệt được đâu là đường đâu là ruộng. Cầu Họ trên đường 21A có ngày bị đánh tới 7 lần. Cầu Đoan Vĩ bị đánh tới 97 lần trong khoảng thời gian này. Khi cầu Đoan Vĩ bị phá hỏng, hệ thống phà vượt sông không đáp ứng được lượng xe qua lại từ 1.000 đến 1.500 chiếc/ngày. Cũng trong thời kỳ chiến tranh phá hoại ác liệt này, nhiều tuyến đường liên tỉnh, liên huyện đã được củng cố và mở rộng, một số đường vòng, đường tránh, cầu, phà được xây dựng thêm. Ngành giao thông vận tải tỉnh đã mạnh dạn làm cầu phao bằng nguyên liệu tại chỗ, bằng tre, bương, bằng gỗ, bằng thuyền nan, thuyền gỗ... Những chiếc thuyền nan (trọng tải 10 tấn) được xếp thành từng đôi lát gỗ lên trên để ô tô vượt sông an toàn.

Đầu 1968, ngành giao thông vận tải của tỉnh đã tranh thủ thời cơ sửa chữa và khôi phục cầu đường như: bắc cầu Hoà Mạc (huyện Duy Tiên), cầu cáp Xuân Khê (huyện Lý Nhân), làm mới và giải đá 17km đường liên huyện, 103km đường liên xã, rải đá nâng cấp 125km mặt đường, rải gạch, xỉ cho 425km; làm mới và tu sửa 807km đường từ xóm ra đồng (kết hợp với thuỷ lợi). Mạng lưới giao thông trong tỉnh đã thông suốt từ xã lên huyện, nối liền và khép kín với các tuyến chính. Năm 1968 mặc dù phương tiện vận chuyển cũ nát, lượng bổ sung không kịp với số hư hỏng nhưng khối lượng hàng hoá luân chuyển vẫn đạt 59.953.128 tấn/km, đạt 101,4% kế hoạch. Năm 1969, hầu hết các cầu đường bị tàn phá trong chiến tranh đã được khôi phục. Phong trào giao thông nông thôn phát triển mạnh, đào đắp thêm 1.790 km đường mới, cải tạo và sửa chữa 788 km đường cũ, xây 689 cầu. Ngành cũng đã đóng mới 4.765 tấn phương tiện, trong đó có 11 xà lan lưới thép trọng tải 1.100 tấn và 3.601 tấn trọng tải thuyền, sửa chữa 3.084 tấn phương tiện vận tải thuỷ, 170 tấn phương tiện ô tô vận chuyển. Tổng khối lượng vận chuyển đạt 1.462.891 tấn.

Trong những năm 1970 - 1971 phong trào giao thông nông thôn tiếp tục củng cố. Năm 1971 có 92 xã khá về giao thông nông thôn. Từ 1969 - 1971, vận tải đạt 107% kế hoạch, trong đó vận tải hàng hoá đạt 101%, hành khách đạt 115%. Ngoài ra còn đưa 1.060 tấn phương tiện vào phục vụ tiền tuyến. Trong 3 năm đã đóng mới 200 tấn thuyền, 33 xà lan vỏ thép loại 150 tấn, 6.690 thuyền nông nghiệp với tổng trọng tải 3.407 tấn; đại tu 205 ô tô, 4.448 xe cải tiến và hơn 300 xe bò bánh lốp.

Tháng 4/1972, Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân lần thứ hai ra miền Bắc. Từ tháng 4 đến tháng 10 năm ấy, Hà Nam bị máy bay Mỹ đã đánh 202 trận, vào 247 điểm với 2.084 bom phá, 712 bom nổ chậm và bom từ trường, 106 bom xuyên và 19 tên lửa, làm thiệt hại 2.340 m đường, phá hỏng 13 cầu, 62 phương tiện giao thông, 2.284 tấn xà lan và thuyền các loại. Một lần nữa cán bộ, công chức ngành giao thông và quân dân Hà Nam lại vượt qua thử thách, đảm bảo cho giao thông thông suốt trên địa bàn tỉnh.

Sau chiến tranh phá hoại ở miền Bắc (cuối năm 1972), Hà Nam bắt tay vào khôi phục hệ thống giao thông, đẩy mạnh vận tải để phát triển kinh tế và chi viện cho chiến trường. Chỉ trong thời gian ngắn, việc san lấp hố bom trên các quốc lộ 1A và 21 đã cơ bản hoàn thành, góp phần đưa lưu lượng xe thông tuyến từ 300 lên 800 xe/ngày. Những năm 1973 - 1974 giao thông vận tải đường thủy có nhiều tiến bộ, song giao thông đường bộ vẫn gặp nhiều khó khăn do phương tiện vận tải hư hỏng nhiều, thiếu vật tư và phụ tùng thay thế (thường xuyên có 20 - 30% phương tiện nằm chờ sửa chữa), cầu đường xuống cấp nhanh trong khi việc tu bổ, sửa chữa lại manh mún, chắp vá. Vận tải hành khách yếu, khách chờ đợi nhiều và lâu.

Từ năm 1975, chiến tranh kết thúc để lại những hậu quả nặng nề cho hoạt động giao thông vận tải ở Hà Nam trên khắp địa bàn. Ở Hà Nam lúc bấy giờ, không một tuyến đường nào đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, phương tiện vận tải nghèo nàn, lạc hậu. Vật tư, nhiên liệu, phụ tùng thay thế thiếu trầm trọng làm cho 2/3 số ô tô và hàng vạn tấn phương tiện thuỷ không hoạt động được. Ngành giao thông đã phải sử dụng cả xe ngựa để chở khách trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ... Trước tình hình đó, toàn ngành đã tập trung mọi nỗ lực, sửa chữa mặt đường có trọng tâm, dứt điểm từng tuyến, dùng biện pháp rải đá mặt đường và kẹp vữa để khắc phục tình trạng thiếu nhựa đường. Chất lượng đường và chất lượng giao thông đã được cải thiện rõ rệt.

Các năm 1976 - 1977, nhiều hạng mục công trình trọng điểm giao thông trên địa bàn đã được đưa vào xây dựng, như tuyến đường sắt Phủ Lý - Kiện Khê và các cầu cống trên đường, công trình đại tu đường 1A từ Hồng Phú đến Đoan Vĩ. Năm 1976 làm mới đường các loại 2.184 km, 300 cầu bê tông, đóng mới 1.732 chiếc xe súc vật kéo, 6.775 chiếc thuyền (loại 5 tấn) và hàng nghìn thuyền con. Nhiều huyện làm giao thông nông thôn khá hơn trước như các huyện Thanh Liêm, Kim Bảng, Bình Lục, Duy Tiên.

Tuy vậy cho đến những năm 1980, tình hình giao thông vận tải ở Hà Nam vẫn còn nhiều yếu kém. Nguồn vốn đầu tư cho giao thông hạn hẹp; vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, phụ tùng sửa chữa và thay thế tiếp tục khan hiếm; thiên tai lại liên tiếp xảy ra, gây thiệt hại đáng kể cho giao thông trên địa bàn. Nhiều công trình cầu đường xuống cấp chưa kịp tu sửa, hoặc chỉ được sửa chữa nhỏ, tạm thời nên chỉ sau một thời gian ngắn đã lại bị hư hại nặng thêm. Năng lực vận chuyển, bốc xếp, giải toả hàng hoá chậm. Công tác tổ chức và quản lý giao thông vận tải ở các huyện còn thiếu chặt chẽ, điều hành thiếu tập trung, do đó khối lượng hàng hoá vận chuyển ở các huyện chỉ đạt 42,6% kế hoạch và hàng hoá luân chuyển chỉ đạt 58,3% kế hoạch hàng năm. Giao thông nông thôn cũng chưa được quan tâm đúng mức, chưa ngăn chặn được hiện tượng phơi rơm rạ trên đường giao thông.

Đến những năm 1984 - 1985 cơ sở vật chất - kỹ thuật của ngành tuy vẫn chưa mấy cải thiện, nhưng hiệu quả của giao thông vận tải phục vụ sản xuất và đời sống đã có những tiến bộ rõ rệt. Việc phân công sắp xếp lại tổ chức vận tải theo từng tuyến bước đầu đi vào nền nếp. Ngành đã đưa hình thức đại lý vận tải vào tham gia vận tải hàng hoá. Công tác quản lý, duy tu bao dưỡng cũng có nhiều tiến bộ do hợp nhất các Đoạn bảo dưỡng đường bộ với các Công ty cầu đường thành Xí nghiệp xây dựng và quản lý đường bộ, nhằm thống nhất về mặt quản lý và tổ chức xây dựng, khai thác giao thông trên địa bàn. Các điểm nút, đầu mối giao thông được giữ vững an toàn, thông suốt kể cả trong mùa mưa lũ. Đường 21A được sửa chữa, bảo dưỡng mặt đường tốt hơn. Cầu phao Hồng Phú bằng phao sắt cặp gỗ đã được thay bằng phao xi măng lưới thép.

Ở cấp huyện, riêng năm 1984 đã huy động 667.200 ngày công và trên 16,39 triệu đồng (trong đó, nhân dân đóng góp 333.000 ngày công và hơn 8,30 triệu đồng) để sửa chữa 732,3 km đường và 74 cầu cống các loại. Tuy nhiên, đến năm 1985 tình trạng chất lượng phương tiện cũ nát, đường hẹp, nhiều ổ gà, nhiều điểm giao cắt khuất tầm nhìn... vẫn còn rất phổ biến, việc vận tải hàng hoá và đi lại của nhân dân trong tỉnh cũng vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại.

Từ năm 1986, ngành giao thông Hà Nam đã tập trung sửa chữa các tuyến đường, nâng cấp mặt đường nhất là các tuyến 21A, 1A, tích cực phát triển giao thông nông thôn phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Vận tải hành khách tập trung chủ yếu vào việc nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm an toàn cho khách hàng. Sở Giao thông của tỉnh đã sắp xếp lại hệ thống đường bộ và uỷ thác cho các huyện, thị quản lý 315km đường tỉnh và đường nội thị.

Trong các năm từ 1986 - 1988, các huyện, thị đầu tư sửa chữa đường sá, gồm đường tỉnh uỷ thác, đường trục huyện, phát động các xã làm đường trục xã, liên thôn, liên xóm. Nhiều điển hình làm giao thông nông thôn xuất hiện như các xã Thanh Hà, Thanh Nguyên, Liêm Tiết, Thanh Nghị (huyện Thanh Liêm); Ngọc Sơn, Nhật Tân, Nhật Tựu (huyện Kim Bảng); Yên Nam, Chuyên Ngoại (huyện Duy Tiên); Nhân Mỹ, Đạo Lý, Hợp Lý (huyện Lý Nhân); xã Liêm Chính, phường Minh Khai (thị xã Phủ Lý)... Năm 1988, phong trào giao thông nông thôn đã làm mới thêm 360km mặt đường, sửa chữa cải tạo 271km mặt đường các loại như nhựa, đá cấp phối, lát gạch, vôi xỉ hay lát bê tông...

Từ năm 1990 hoạt động giao thông vận tải của Hà Nam chuyển sang cơ chế thị trường. Mặc dù gặp nhiều khó khăn khi áp dụng cơ chế mới, song khối lượng vận tải hành khách đã đạt 302.000 lượt người, luân chuyển hành khách đạt 21.300 nghìn người/km; khối lượng vận tải hàng hoá đạt 398.000 tấn và khối lượng hàng hoá luân chuyển là 12.900 nghìn tấn/km. Số xe ca tăng các tuyến vận tải được mở rộng từ 41 tuyến lên hơn 70 tuyến. Thời kỳ này có gần 200 xe tư nhân (chiếm 40% số ghế) tham gia hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và hàng hoá. Giao thông vận tải ở cấp huyện cũng có những tiến bộ rõ rệt. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” và thực hiện khoán duy tu bảo dưỡng cầu đường... nên nhiều tuyến đường không bị xuống cấp, mặt đường tốt hơn trước.

Vận tải ngoài quốc doanh đã được tổ chức theo các hình thức như Nghiệp đoàn, HTX cổ phần, HTX dịch vụ vận tải... Đến năm 1995, toàn tỉnh đã có 8.017 tấn phương tiện vận tải thuỷ; 1.411 ô tô các loại (trong đó có 1.390 xe công nông). Doanh thu của ngành vận tải từ 1991 - 1995 đạt gần 94,84 tỷ đồng. Vận tải hàng hoá đạt 27,2 triệu tấn/km. Tốc độ tăng trưởng luân chuyển hàng hoá bình quân 5 năm là 16,1%/ năm và tăng trưởng luân chuyển hành khách là 12,1%/năm.

Trong 5 năm 1991 - 1995, ngành giao thông vận tải Hà Nam tiếp tục đầu tư xây dựng phát triển nhiều công trình giao thông quan trọng như cầu Quế (huyện Kim Bảng) qua sông Đáy (khởi công ngày 1/4/1992 và hoàn thành 1/1/1996), khởi công xây dựng cầu Hồng Phú vượt sông Đáy từ Châu Sơn sang Phủ Lý; phối hợp với tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương và Hưng Yên) làm bến phà Yên Lệnh. Thi công nút giao thông Phủ Lý giữa quốc lộ 21A và quốc lộ 1A. Mạng lưới đường quốc lộ và tỉnh lộ nhìn chung thay đổi hẳn. Đến hết năm 1995, có 75% đường tỉnh được rải nhựa, chất lượng tốt. Quốc lộ 21A đã được rải nhựa toàn bộ cả tuyến. Giao thông cấp huyện thời kỳ này cơ bản hoàn thành cải tạo và nâng cấp.

Giao thông nông thôn tiếp tục phát triển mạnh, tạo ra bước chuyển biến mới, tích cực, có hiệu quả. Đến cuối năm 1995, toàn tỉnh làm được 495/685 km đạt 72%. Đường xã làm được 2.841km bằng 83%. Đường thôn, xóm làm được 3.276km bằng 81,2%. Bình Lục và Kim Bảng là những huyện điển hình về phát triển giao thông nông thôn. Các xã có phong trào khá là Tượng Lĩnh, Nhật Tân (huyện Kim Bảng); Thanh Hà, Liêm Tuyền (huyện Thanh Liêm); Nhân Mỹ, Nhân Hưng (huyện Lý Nhân); Liêm Chính (Thị xã Phủ Lý)... Năm 1996, tỉnh tiếp tục được đầu tư nâng cấp tuyến đường Kim Bảng - Mỹ Đức, đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Hồng Phú, nâng cấp đường 21A đoạn Phủ Lý - Nam Định. Giao thông nông thôn chú trọng nâng cấp hoàn chỉnh các tuyến. Hết năm 1996, đã hoàn thành 525km đường liên thôn, liên xã trong đó có 170km rải nhựa, 160km lát gạch hoặc đổ bê tông.

Năm 1997, sau khi tái lập tỉnh, Hà         Nam có 118km đường quốc lộ, 312km đường tỉnh lộ đô thị, 4.519km đường giao thông nông thôn. Hệ thống đường trên đã hình thành mạng lưới khá hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Toàn ngành giao thông của tỉnh có 244 cán bộ công nhân viên, 150 xã viên HTX vận tải, 2 doanh nghiệp quốc doanh là Công ty vận tải ô tô Hà Nam và Công ty công trình giao thông Hà Nam. Khối ngoài quốc doanh có 3 HTX vận tải.

Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý giao thông của tỉnh được tăng cường. Ngày 26/1/1997, khánh thành cầu Hồng Phú. Ngày 28/3/1997 khởi công nâng cấp cầu Phù Vân và sau 7 tháng thi công, ngày 28/10/1997 đã đưa công trình này vào sử dụng, phục vụ sự phát triển đô thị sang Phù Vân. Ngày 20/12/1997 đưa vào sử dụng nút giao thông Phủ Lý, tránh điểm giao cắt giữa quốc lộ 1A với đường sắt. Hoàn thành dự án nâng cấp cải tạo đường 62 (971), dự án xây mới đường Hoàng Hanh giai đoạn I, lập quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải giai đoạn 1997 - 2010. Năm 1997, Công ty vận tải ô tô của tỉnh với chưa đầy 30 xe khách, 7 xe tải lại bị cạnh tranh gay gắt với lực lượng vận tải ngoài quốc doanh, song đã đạt được doanh thu 3,1 tỉ đồng, lợi nhuận 42 triệu đồng, nộp ngân sách 120 triệu đồng. Đoạn quản lý Cầu - Đường bộ Hà Nam đã thực hiện khối lượng công việc với giá trị sản lượng là 1,36 tỉ đồng; Công ty công trình giao thông của tỉnh đạt giá trị tổng sản lượng 1,44 tỉ đồng.

Năm 1997 - 1998, tỉnh phát động ra quân làm đường giao thông nông thôn với mục tiêu xoá bỏ đường đất, nhựa hoá đường trục huyện, trục xã, bê tông hoá đường làng, ngõ xóm và đá hoá đường ra đồng. Chỉ sau một thời gian ngắn, 1.463km đường giao thông nông thôn được cải tạo và nâng cấp, trong đó có 136km đường nhựa, 471,5km đường bê tông, gạch nghiêng với số vốn đầu tư hơn 91 tỷ đồng. Năm 1996 - 1997, Hà Nam được Chính phủ tặng Cờ luân lưu cho tỉnh dẫn đầu cả nước về giao thông nông thôn, miền núi.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới, từ năm 1999, ngành giao thông vận tải Hà Nam đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các Bộ ngành ở Trung ương và các cơ quan, ban, ngành của tỉnh xúc tiến khảo sát, nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Hà Nam giai đoạn 1999 - 2010 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm trong những năm đầu thế kỷ XXI là tập trung bảo dưỡng, cải tạo và nâng cấp hệ thống giao thông hiện có; nhựa hoá toàn bộ hệ thống đường bộ do tỉnh quản lý; mở thêm một số đường vành đai, đường nội thị ở thị xã Phủ Lý và một số tuyến mới phục vụ khai thác phát triển vùng kinh tế đồi rừng của các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm và tập trung hỗ trợ xây dựng, phát triển giao thông nông thôn, phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn.

Uỷ ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện kế hoạch 3 năm làm đường giao thông nông thôn (1999 - 2001) và có cơ chế hỗ trợ đầu tư cho các địa phương, các công trình giao thông thôn, xóm theo quy hoạch kết cấu bền vững, hỗ trợ 35% giá trị công trình bằng xi măng cấp đến chân công trình cho đường thôn, liên thôn, 50% giá trị công trình cho đường xã. Kết quả là sau 3 năm toàn tỉnh đã làm được 1.468 km đường giao thông nông thôn (đạt 110% kế hoạch), trong đó đường huyện là 41,8 km, đường xã 226,5 km, đường thôn xóm 836,5 km và đường ra đồng ruộng là 322,9 km. Trong tổng số các loại đường nói trên, có 51,5 km đường nhựa (chiếm 4%); 726,5 km đường bê tông (chiếm 49%) và 690 km đường cấp phối (chiếm 47%). Tổng nguồn vốn đầu tư đạt gần 146,65 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 80,65 tỷ, bình quân 33.400đồng/người/năm. Tỉnh hỗ trợ 38.000 tấn xi măng, bằng 22,8 tỷ đồng và 9,2 tỷ đồng để gia cố mặt đường. Nguồn vốn của Ngân hàng thế giới (WB) đầu tư 30,3 tỷ và 3,5 tỷ từ các nguồn vốn khác.

Đến năm 2000, đã mở rộng và nâng cấp quốc lộ 1A qua thị xã Phủ Lý với quy mô 4 làn xe chạy. Nâng cấp và sửa chữa lớn đường 21A và 21B; đường tỉnh lộ 971 và 972. Khởi công dự án nâng cấp đường 60B đoạn Đồng Văn đi chợ Dầu (nay là quốc lộ 38), đường Hoàng Hanh và cầu Ngòi Ruột (giai đoạn 2); cầu Phủ Lý, cầu Cốc Ngoại, cầu Bằng Khê, cầu An Tập, cầu Sắt, cầu Họ (trên quốc lộ 21A); cầu Ba Đa, cầu Ghéo, cầu Lân Sơn, cầu Thôn Ấp (trên quốc lộ 21B); cầu Nhật Tựu (quốc lộ 38); cầu Đồng Hoá, cầu Tróc, cầu Câu Tử, cầu Khả Phong, cầu Bồng Lạng, cầu Cấm Sơn (trên các đường tỉnh lộ). Nghiên cứu, lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án: tuyến vành đai Tây - Bắc, vành đai Đông-Nam, vành đai chống lũ (thuộc dự án nâng cấp hệ thống giao thông thuộc Quy hoạch nâng cấp kết cấu hạ tầng, phòng chống thiên tai vùng phân lũ sông Đáy-tỉnh Hà Nam). Xây dựng cầu Văn Hoá (nối đường Lê Công Thanh của thị xã Phủ Lý với xã Lam Hạ); cải tạo các nút giao quốc lộ với tỉnh lộ và cải tạo, nâng cấp một số hệ thống công trình giao thông khác.

Phương tiện vận tải đường bộ của tỉnh tăng mạnh cả về số lượng phương tiện lẫn năng lực trọng tải. Năm 2000, phương tiện vận tải hàng hoá đường bộ của tỉnh có 2.367 phương tiện, tổng trọng tải 3.810 tấn; năm 2002 tăng lên 2.769 phương tiện, tổng trọng tải 4.983 tấn. Năm 2000 có 112 xe ô tô khách với 4.024 ghế; năm 2002 tăng lên 152 xe, với 5.183 ghế khách. Khối lượng hàng hoá vận chuyển đường bộ cũng tăng từ 997 nghìn tấn năm 2000 lên 1.457 nghìn tấn năm 2002. Khối lượng hành khách vận chuyển bằng đường bộ năm 2000 là 854 nghìn lượt người, đến năm 2002 đạt trên 1.005 nghìn lượt.

Đến năm 2002, Hà Nam có 198 chủ sở hữu phương tiện vận tải thuỷ với 228 phương tiện, trọng tải 8.406 tấn, 430 ghế khách, chủ yếu là đò ngang. Trong số các phương tiện giao thông vận tải thuỷ, có 2 phương tiện do nhà nước quản lý; 8 phương tiện do tập thể quản lý, còn lại 218 phương tiện của tư nhân (chiếm tới 95,7%). Trọng tải tàu, thuyền đa dạng từ 7 đến 50 tấn gồm tàu thuyền vỏ sắt, vỏ xi măng và gỗ. Đa số là phương tiện tự hành. Mật độ phương tiện cao nhất là trên sông Đáy (tới 55,7%), trên sông Hồng (29,8%) còn lại là trên sông Nhuệ, sông Châu và sông Sắt. Tổng khối lượng hàng hoá vận chuyển đường thuỷ của Hà Nam những năm 2001 - 2002 đạt trên 342 nghìn tấn, chiếm khoảng 23 - 25% tổng khối lượng hàng hoá vận chuyển của tỉnh.

Hà Nam hiện có 3 cảng sông chuyên dùng là cảng Bút Sơn, cảng Xi măng X-77 và cảng Nhà máy xi măng Nội thương đều ở sông Đáy, với tổng công suất 700.000 tấn/năm. Kết cấu hạ tầng của các cảng này tương đối tốt. Ngoài ra, còn có 211 bến bãi khác, trong đó có 177 bến vận chuyển hàng hoá và 34 bến vận chuyển khách. Phần lớn các bến bãi này đều là bến tạm, cơ sở vật chất còn lạc hậu, thô sơ. Tuy vậy, khối lượng hàng hoá bốc xếp của các bến bãi hàng năm cũng khá lớn. Năm 2000, tổng khối lượng bốc xếp của 211 bến đạt tới trên 1.985,3 nghìn tấn. Mặt hàng bốc xếp chủ yếu là các loại vật liệu xây dựng, vật tư nguyên liệu, nhiên liệu cho sản xuất; trong đó than chiếm 11,6%, vật liệu xây dựng 84,1% và 3,8% là các mặt hàng khác. Số lượng hành khách vận chuyển qua các bến năm 2000 là 143.500 lượt người, chủ yếu là khách đò ngang.

Hà Nam hiện chỉ có 4 cơ sở công nghiệp phục vụ cho phát triển giao thông vận tải thuỷ là: Xưởng cơ khí của Cục Hậu cần ở Phủ Lý (do quân khu III quản lý); Xưởng cơ khí thuỷ - HTX vận tải Bắc Hà ở huyện Thanh Liêm do Sở Giao thông vận tải quản lý; một xưởng cơ khí tư nhân ở huyện Lý Nhân và một xưởng cơ khí tư nhân ở huyện Duy Tiên. Các cơ sở này chủ yếu sửa chữa máy móc tàu thuyền, sửa chữa tàu thuyền và đóng mới một số loại phương tiện vận tải thuỷ loại vừa và nhỏ.

Hà Nam đang tiếp tục điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển giao thông vận tải của tỉnh giai đoạn 2003 - 2010 và định hướng phát triển những năm tiếp sau, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ tới.

II.   BƯU ĐIỆN - VIỄN THÔNG VÀ THÔNG TIN LIÊN LẠC

Bưu điện tỉnh Hà Nam được tái lập từ 1 tháng 7 năm 1977, sau hơn 32 năm sáp nhập với bưu điện tỉnh Nam Hà. Từ khi tái lập đến nay, Bưu điện Hà Nam không ngừng vươn lên về mọi mặt, đổi mới hệ thống tổ chức và cơ chế quản lý, chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ nhân viên, từng bước đổi mới và tăng cường trang thiết bị vật chất, công nghệ - kỹ thuật; phát triển mạng lưới và mở rộng các loại hình dịch vụ kinh doanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về dịch vụ bưu chính - viễn thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của nhân dân trong tỉnh.

Đến nay, Bưu điện Hà Nam đã đảm bảo các dịch vụ bưu chính - viễn thông thông suốt, thuận lợi và nhanh chóng trên toàn địa bàn cũng như với các địa phương khác trong cả nước và quốc tế. Mạng lưới bưu cục mở rộng đến tất cả các huyện, thị và nhiều cụm xã, phường, thị trấn. Số máy điện thoại tăng nhanh. Theo số liệu thống kê, đến 31/12/ 2003, toàn tỉnh đã có 34.298 máy điện thoại (trong đó có 27.907 máy điện thoại cố định và 6.391 máy điện thoại di động); gấp 17,5 lần so với năm 1995, đạt mức bình quân 4,19 máy/100 dân(1).

Cũng theo số liệu thống kê năm 2003, giá trị sản xuất của ngành Bưu chính - viễn thông Hà Nam đạt trên 57,57 tỷ đồng (theo giá hiện hành), gấp gần 3,1 lần so với năm 1997. Trong đó, bưu chính đạt trên 18,5 tỷ đồng, gấp 2,4 lần; viễn thông đạt 39,07 tỷ, gấp 3,5 lần so với năm 1997. Năm 2002, doanh thu của Bưu Điện Hà Nam đạt trên 47,14 tỷ đồng, gấp 1,8 lần so với năm 2000 (25,81 tỷ) và 7,75 lần so với năm 1996.

1.   Mạng lưới bưu cục

Đến 31/12/2003, trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã có 48 Bưu cục, gồm: 1 Bưu cục cấp 1 tại trung tâm Bưu điện tỉnh (thị xã Phủ Lý), 6 Bưu cục cấp 2 tại các trung tâm huyện và 41 Bưu cục cấp 3 (Bưu cục khu vực). Các Bưu cục phân bố tập trung chủ yếu ở các khu đông dân cư, thị tứ, thị trấn giao thông thuận lợi. Bán kính phục vụ bình quân là 2,1km/bưu cục, dân số phục vụ bình quân là 17.032 người/bưu cục. Ngoài hệ thống Bưu cục, Bưu điện Hà Nam còn tổ chức hệ thống đại lý bưu điện để phục vụ tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, để góp phần phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần ở các vùng nông thôn và phát triển các dịch vụ bưu chính - viễn thông ở khu vực này, Bưu điện Hà Nam cũng đã xây dựng 95 điểm Bưu điện văn hoá xã tại tất cả các xã trong tỉnh. Do vậy đã rút ngắn bán kính phục vụ bình quân xuống còn 1,5 km/điểm.

Hiện nay các bưu cục đã được trang bị một số máy phục vụ chuyên dùng (như máy in cước, cân điện tử, máy xoá tem, máy Fax, máy vi tính, xe nâng, xe đẩy...) và đang tiếp tục trang bị thêm một số loại máy móc thiết bị mới để từng bước hiện đại hoá mạng bưu chính. Tuy vậy, còn nhiều công đoạn hoạt động bưu chính ở các Bưu cục vẫn làm thủ công là chủ yếu.

2.   Các dịch vụ bưu chính

Bưu điện tỉnh Hà Nam vẫn chủ yếu phục vụ các dịch vụ bưu chính truyền thông được mở rộng đến tất cả các bưu cục, ki ốt và các điểm bưu điện văn hoá xã, như dịch vụ bưu phẩm, bưu kiện, chuyển phát thư, điện, phát hành báo chí, thư chuyển tiền... Các dịch vụ này chiếm tỷ trọng doanh số lớn trong tổng doanh thu bưu chính hàng năm.

Các dịch vụ mới được đưa vào khai thác bao gồm: Dịch vụ chuyển phát nhanh (EMS) (dịch vụ này đã thu hút được sự chú ý đáng kể của khách hàng. Năm 1997 khối lượng dịch vụ chuyển phát nhanh là 2.280, năm 2002 là 19.122, tăng 6,7 lần so với năm 1997), dịch vụ điện hoa, dịch vụ bưu chính uỷ thác, bưu phẩm không địa chỉ, dịch vụ khai giá, dịch vụ phát quà tại nhà và dịch vụ tiết kiệm bưu điện. Các dịch vụ mới này được triển khai phục vụ ở bưu cục trung tâm tỉnh, các bưu cục huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Lý Nhân, Thanh Liêm và một số bưu cục cấp 3. Đây cũng là những dịch vụ bưu chính mới mà nhu cầu của khách hàng và sản lượng dịch vụ của ngành đều đang có xu hướng tăng nhanh.

 

Biểu 36: Sản lượng các dịch vụ bưu chính của Bưu điện Hà Nam

Loại Dịch vụ

Đơn vị

1997

1999

2001

2002

Bưu phẩm thường đi

Cái

1.408.498

1.634.000

1.082.208

958.498

Bưu phẩm ghi số đi trong nước

Cái

28.338

35.713

42.309

40.250

Bưu phẩm ghi số đi quốc tế

Cái

150

196

272

285

Bưu kiện đi trong nước

Cái

1.954

2.699

3.588

4.014

Bưu kiện đi quốc tế

Cái

13

17

30

26

Thư và điện chuyển tiền

Cái

9.062

12.404

16.010

16.722

Phát hành báo chí

1.000 tờ

1.993,6

2.685,2

2.462,48

2.916,3

Chuyển phát nhanh trong nước

Cái

2.782

6.631

10.666

19.122

Chuyển phát nhanh quốc tế

Cái

-

-

32

55

Doanh thu bưu điện

Triệu VNĐ

-

17.927

34.454

47.141

Tiết kiệm bưu điện

Triệu VNĐ

-

-

36.558

54.988

 

Nguồn: - Niên giám thống kê tỉnh Hà Nam năm 2002; Nxb Thống kê, Hà Nội-2003; - Số liệu của Bưu Điện Hà Nam.

 

Mạng vận chuyển cấp 1 do Công ty VPS phụ trách. Mạng vận chuyển cấp 2 bao gồm 5 tuyến:

-  Phủ Lý - Đồng Văn - Duy Tiên.

-  Phủ Lý - Châu Sơn - Kim Bảng - Ba Sao.

-  Phủ Lý - Thanh Liêm - Phố Cà - Đoan Vỹ.

-  Phủ Lý - Phố Động - Bình Lục.

-  Phủ Lý - Đọ Xá - Liêm Chính - Lý Nhân.

Tổng cộng chiều dài vận chuyển là 172 km. Trong đó, có 3/5 tuyến được móc nối với đường thư cấp 1 của Công ty VPS. Còn lại đều được vận chuyển bằng 1 xe ô tô của Bưu điện thị xã Phủ Lý mật độ 1 chuyến/ngày đến các huyện. Mạng vận chuyển cấp 3 vận chuyển từ trung tâm huyện, thị tới các bưu cục cấp 3, điểm bưu điện văn hoá và tới tay khách hàng. Phương thức vận chuyển ở đây có 70% là xe máy, số còn lại là xe đạp cho các vùng nông thôn hẻo lánh, vùng núi của 2 huyện Kim Bảng và Thanh Liêm. Tất cả các loại bưu phẩm, báo chí đều phát đến tay người nhận trong ngày.

3.    Mạng Viễn thông

Tuy tỉnh Hà Nam mới được tái lập, nhưng mạng viễn thông Hà Nam đã được trang bị và nâng cấp cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng được đòi hỏi và nhu cầu thông tin bưu điện trong toàn tỉnh.

Bưu điện tỉnh Hà Nam hiện nay có 20 trạm chuyển mạch với tổng dung lượng lắp đặt là 37.556 line; đã sử dụng 24.821 line, trong đó có 1 trạm HOST tại thị xã Phủ Lý là tổng đài NEAX 61X với dung lượng lắp đặt là 10.752 line và 16 trạm vệ tinh (RLU) của tổng đài NEAX 61E và 3 trạm viễn thông (Ba Hàng, Ba Sao, Phố Cà) sử dụng tổng đài độc lập là tổng đài NEAX 61 xs. Các tổng đài độc lập này sẽ dần được thay bằng tổng đài vệ tinh (RLU) của tổng đài NEAX 61S trước năm 2005.

Bưu điện tỉnh vừa lắp đặt thêm 2 trạm chuyển mạch tại xã Hoà Hậu (huyện Lý Nhân) và xã Mộc Nam (huyện Duy Tiên). Đến hết năm 2005 thiết bị chuyển mạch của Bưu điện tỉnh Hà Nam sẽ nâng lên 29 trạm chuyển mạch, gồm 1 trạm HOST, 26 trạm vệ tinh (RLU) và 2 trạm sử dụng thiết bị tập trung thuê bao V5.2. Khi đó mạng chuyển mạch của Bưu điện Hà Nam sử dụng thiết bị đồng bộ rất thuận tiện cho việc quản lý, vận hành và bảo dưỡng.

Bưu điện tỉnh Hà Nam hiện nay đang sử dụng 2 phương thức truyền dẫn là cáp quang và vi-ba. Có 16/20 trạm viễn thông đã sử dụng truyền dẫn cáp quang 12-24 sợi thiết bị FLX 150/600 của hãng Fujitsu với chiều dài tuyến là 87,7 km cáp quang nội tỉnh và 39 km cáp quang sử dụng của CSC (cáp quang Bắc - Nam dọc quốc lộ 1A từ Đồng Văn tới phố Cà và từ dốc Hoa Sen đi Ba Sao). Do mạng truyền dẫn cáp quang chưa tạo thành vòng RING an toàn mạng, nên mạng truyền dẫn vẫn sử dụng cả 2 phương thức cáp quang và vi-ba.

Hiện tại trên địa bàn tỉnh Hà Nam, tại trung tâm các huyện, thị đều có trạm BTS của cả 2 mạng thông tin di động Vinaphone và Mobiphone phủ sóng trên diện rộng. Đặc biệt 2 mạng này đã được RAOMING nên việc sử dụng dịch vụ điện thoại di động đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng của khách hàng ở cả hai mạng thông tin nói trên.

 

Biểu 37. Hiện trạng và tình hình khai thác mạng cáp ngoại vi ở Hà Nam

Đơn vị

Cáp

Độ dài cống bể

(m)

Tổng chiều dài cáp (m)

Cáp

ngầm

(m)

Cáp treo (m)

Cáp gốc (đôi)

Đã dùng (đôi)

Thị xã Phủ Lý

13.900

7.838

21.806

320.770

135.890

184.790

Huyện Bình Lục

6.090

3.274

10.434

383.735

11.335

363.700

Huyện Duy Tiên

5.800

3.310

8.771

369.300

20.050

349.280

Huyện Kim Bảng

5.500

3.101

8.975

367.110

9.960

357.150

Huyện Lý Nhân

6.100

3.476

12.177

467.924

14.614

453.310

Huyện Thanh Liêm

5.900

3.208

7.436

336.300

14.590

321.710

 

Nguồn: Số liệu của Bưu Điện tỉnh Hà Nam.


 

4.    Các dịch vụ viễn thông

Ngoài các dịch vụ truyền thống như điện thoại, điện báo... Bưu điện Hà Nam đã đưa vào khai thác nhiều loại dịch vụ viễn thông mới như Fax, điện thoại di động, dịch vụ nhắn tin, dịch vụ Internet... Phạm vi dịch vụ được mở rộng và sản lượng, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao.

Biểu 38. Sản lượng dịch vụ điện thoại năm 2001 - 2002

Tiến trình

Điện thoại

Đơn vị

2001

2002

1

Nội hạt

Phút

17.715.936

23.281.692

2

Nội tỉnh

Phút

5.596.776

6.727.944

3

Liên tỉnh

Phút

11.401.956

13.639.536

4

Di động

Phút

2.091.540

3.751.812

5

Quốc tế

Phút

44.364

113.820

 

Nguồn: Số liệu của Bưu Điện tỉnh Hà Nam.


 

Dịch vụ điện báo đã được cải tiến công nghệ, thay đổi thiết bị đầu cuối, đưa Telex thuê bao và Telex công cộng vào hoạt động. Tỷ lệ sai sót giảm, hiện chỉ còn 0,01%. Năm 2002, tổng số thuê bao cố định và di động cả tỉnh là 22.897; trong đó, số thuê bao ở các xã là 11.171, chiếm 48,79%.

Biểu 39. Số lượng thuê bao điện thoại cố định và di động năm 2001 - 2002

TT

Đơn vị

Số xã

2001

2002

Tổng số sô

Ở xã

Tổng số

Ở xã

 

Cả tỉnh

110

20.125

9.318

22.897

11.171

1

TX. Phủ Lý

6

7.675

1.625

9.346

2.241

2

H. Bình Lục

21

2.285

1.435

2.525

1.747

3

H. Duy Tiên

21

2.195

1.180

2.452

1.625

4

H. Kim Bảng

19

2.990

1.825

3.120

1.995

5

H. Lý Nhân

23

2.805

1.616

3.036

1.765

6

H. Thanh Liêm

20

2.175

1.637

2.418

1.798

 

Nguồn: Số liệu của Bưu Điện tỉnh Hà Nam.

 

Các dịch vụ viễn thông của Bưu điện Hà Nam hiện nay gồm có:

-  Điện thoại HCD (Honmecountrydireet).

-  Dịch vụ điện thoại ảo (Virtual telephone).

-  Dịch vụ trả lời cuộc gọi (Call answering).

-  Dịch vụ hộp thư thông tin.

-  Các dịch vụ Internet, như:

+ Dịch vụ thư điện tử (E-Mail).

+ Dịch vụ truyền tệp thông tin dữ liệu.

+ Dịch vụ truy nhập từ xa (Telnet), tìm kiếm thông tin mạng quốc tế.

+ Dịch vụ gọi 171.

+ Các loại dịch vụ đặc biệt của tổng đài Neax 61£ như: Dịch vụ bắt giữ cuộc gọi quấy phá (Malicioous Call Tracing); Dịch vụ quay số tắt; Thông báo vắng nhà; Dịch vụ chuyển cuộc gọi (Subscriber Transfer Service); Dịch vụ điện đàm hội nghị (Conference Call Service); Dịch vụ đường dây nóng (Delayed Hotline Service); Dịch vụ chờ cuộc gọi (Call Waiting Service); hạn chế gọi hiển thị số chủ gọi,...

Trong giai đoạn tới, mục tiêu và hướng phát triển của Bưu điện Hà Nam là tiếp tục đầu tư nâng cấp, hiện đại hoá công nghệ - kỹ thuật, tăng cường đào tạo nhân lực, mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính - viễn thông, đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống văn hoá, xã hội của dân cư trên địa bàn.

(Còn nữa)

Điện tử

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.