kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Phần I: Địa lý (Chương VII)

Phần I: Địa lý (Chương VII)

Là một khu vực thuộc đồng bằng Bắc Bộ, có một phần diện tích là vùng núi tiếp giáp với hệ thống núi ở phía tây, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa có mùa đông lạnh, vị trí thuận lợi trên con đường di cư của các khu hệ sinh vật nên thế giới sinh vật ở Hà Nam phong phú, da dạng về loài và sinh cảnh.

Chương VII SINH VẬT

Là một khu vực thuộc đồng bằng Bắc Bộ, có một phần diện tích là vùng núi tiếp giáp với hệ thống núi ở phía tây, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa có mùa đông lạnh, vị trí thuận lợi trên con đường di cư của các khu hệ sinh vật nên thế giới sinh vật ở Hà Nam phong phú, da dạng về loài và sinh cảnh. Tài nguyên sinh vật đã và luôn giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống của người dân và góp phần phát triển kinh tế trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

I. CÁC HỆ SINH THÁI

1.  Hệ sinh thái rừng kín cây lá rộng thường xanh nhiệt đới ẩm trên núi đá vôi

Đây là hệ sinh thái chiếm vị trí quan trọng nhất trong vùng nghiên cứu, với diện tích khoảng 1.100 ha. Hầu hết diện tích hệ sinh thái núi đá vôi tập trung ở vùng Thanh Sơn, được che phủ bởi kiểu rừng kín cây lá rộng thường xanh nhiệt đới ẩm. Rừng được bảo tồn tương đối tốt. Có thể phân ra các tầng như:

1.1.  Tầng trên cùng: (còn gọi là tầng A) gồm những cây gỗ lớn, tán không liên tục, chiều cao trung bình từ 15 - 20m. Có một số cây cao tới 25 - 30m, nhưng không đủ nhiều để hình thành tầng vượt tán. Các cây gỗ lớn có họ Đào lộn hột: xuyên cóc; họ Trám: trám; họ Thị: các loài thị; họ Côm: côm có cuống; họ Thầu dầu: tai tượng Kerr; lây dông, lây dông cuống ngắn; họ Dẻ: sồi Helfer, sồi Kingia, họ Long đởm: trai Tích Lan; họ Long não: rè bông; họ Xoan: Sang ngâu; họ Dâu tằm: sung làng Cốc, đa bắp vè, sung bầu; họ Santa: cương lê Wallich; họ Bồ hòn: trường, trường lá rộng; họ Sếu: sếu hôi, sếu đông, du...

1.2.  Tầng thứ hai gồm những cây gỗ nhỏ, đường kính trung bình từ 20 - 30cm, chiều cao tối đa không vượt quá 10m. Các loài thường gặp: họ Đào lộn hột: bit tát; họ Na: an phong Bon; họ Đinh lăng: chân chim dạng cọ, chân chim Petelot; họ Thầu dầu: cách Petelot, cách hoa Sumatra, mò, sang trắng Biên Hoà, ruối nâu, ruối thon, me Bình; họ Mùng quân: chà ran sếu, chà ran Nam Bộ; họ Dâu tằm: đa chai, sộp, ruối ô rô, teo nông; họ Đơn nem: xay trước đào; họ Sim: trâm Bắc Bộ, trâm; họ Nhài: tân Trung Quốc; họ Lân vĩ: lân vĩ vảy rộng; họ Hoa hồng: sơn trà An; họ Cà phê: trèn Colline; họ Cam chanh: tiểu quát lá tròn, cơm rượu lá chanh; họ cỏ roi ngựa: mắt cáo, họ Cau dừa: đoát hay búng báng, đùng đình một buồng, đùng đình ngứa, mật cật, cau Hoà Lý...

1.3.   Tầng thứ ba là tầng cây bụi gồm một số loài thường gặp họ Quăng: quăng râu; họ Na: cách thư tái, mật hương Việt Nam, mại liễu, tháp bình Bắc Bộ, giả bồ hoa nhỏ; họ Trúc đào: lồng mức tái, lồng mức lông; họ Cà mà: cà mà, cà mà vòi to; họ Cáp: cáp, cáp chân vịt; họ Chân danh: chân danh ngao; họ Bứa: rù rì; họ Nhót: nhót; họ Thầu dầu: cù đèn lá dày, mặt quỷ, diệp hạ châu lưỡi; họ Mua: sầm Scutell; họ Dâu tằm: vàng lô, vú bò, gừa, sung đầu tên; họ Đơn nem: cơm nguội Cămbôt, cơm nguội năm cạnh; họ Dương đầu: hồng trục; họ Nhài: lài đài dài, lài; họ Lân vĩ: lân vĩ rừng; họ Hắc châu: hắc châu; họ Mao lương: Vàng mầu; họ Táo ta: táo Nêpal, táo rừng, táo cong, chanh châu, đồng; họ Cà phê: găng hai hột, khuẩn quả Trung Quốc, xà căn máu, xà căn sậm, găng; họ Cam chanh: giổi lõm, cơm rượu Craib, nguyệt quý nhẵn, hoàng mộc cánh bầu, hoàng mộc leo; họ Trầm hương: gió niệt; họ Đay: cò ke hai phiến, họ cỏ roi ngựa: bội tinh; họ Cau dừa: mây Bắc Sơn, song châu Bắc Bộ, mật cật rẻ; họ Phất dù: phất dù.

1.4.   Cuối cùng là tầng cỏ quyết gồm một số loài thuộc họ Hoà thảo (Poaceae) như Đót (Thysanolaena maxima), Lau (Saccharumarundinaceum), Lách (Saccharum spontaneum). Một số thực vật khuyết như Pteris vittata, Cyclosorus baviensis. Ngoài ra, còn có Chuối rừng (Musa coccinea), một số loài thuộc họ Gừng (Zingiberaceae), họ Thu hải đường (Begoniaceae), họ Bóng nước (Balsaminaceae)...

Các loài cỏ: Gai chuông, xuân tiết bò, xuân hoa, kiến cò móc, cỏ xước, ngưu tất, cước đài, sơn địch, đơn buốt, móng tay, móng tay Tàu, móng tay có mụt, thu hải đường Bon, bê ca sét, ri ta Poilanei, song quả Bon, bán bế hoa đầu, tía tô, gié lá tròn dài, hàm ếch rừng, địa háo bò, an điền hai hoa, gai, mán Thorel, mán tím, ông lão, thuốc vòi, cung nữ, chèo bẻo đen, ngọc nữ, a han, hoa tím nhọn, hoa tím móng ngắn, lâm trai, thài lài, kiết riêng biệt, kiết thanh, kiết trường thư, các loài địa lan: cầu diệp, hoàng thảo, nhẫn diệp cách, nhẫn diệp Man, hạc đính, lụi, móng rùa, vân hài, các cây cỏ thuộc họ Hoà thảo: cầu dĩnh, sặt, bách bộ...

Các loài dương xỉ có: loã tùng trần, quyển bá hai dạng, quyển bá nhật, tóc Vệ nữ, song quần lá to, yểm dực xẻ năm, can xỉ bầu dục, can xỉ Belanger, can xỉ Colani, can xỉ hình phăng, can xỉ thường, can xỉ ở đất, đà hoa, đà hoa xẻ, cổ lý cánh ẩn, cổ lý elip, cổ lý Henry, hoà mạc, chân xỉ, chân xỉ hình gươm, chân xỉ Henry, sẹo gà, chân xỉ có sọc, thư dực, lưỡi heo dai.

Các loài dây leo có: bòng bong hợp, gắm cọng, ngôn Trung Quốc, giom Tournier; ẩn lân Buchaman, tiểu quả Wight, cáp Thượng Hải, cáp Bắc Bộ; gối chồi, thảo bạc đầu, bìm, bìm Thalis, hồ Hương Linh Giava, móng bò tản phòng, móng bò diện, vấu diều, cóc kèn Bắc Bộ, cát căn, liên đằng hoa nhỏ, liên dằng hoa đỏ, dùi đục Bon, mạng nhện, hồ câu Bà Rịa, Hoằng đằng, sung dây, duối leo, lạc tiên Adeni, tiêu thất, bích nữ lông, cát đằng hoa to, vác bao phấn đen, chìa vôi, tứ thư hồng, tứ thư thân đẹp, tứ thư trên đá, ráy Ấn Độ, khoai trời, rạng, từ Poilan. Các loài sống phụ sinh có: thạch tùng sóng, đuôi phượng Bon, mã đào nhọn, sơn nữ.

Quần cư động vật gồm các loài thú (30 loài, 88,23% các loài thú); các loài kiếm ăn chủ yếu trên cây như các loài khỉ, voọc mông trắng, các loài sóc, các loài có hang trong các hốc đá, kiếm ăn trên mặt đất như dúi mốc, chuột đất lớn, nhím, đồi, cu li lớn, chồn vàng, các loài cầy, mèo rừng, lợn rừng, nai, hoẵng, sơn dương, tê tê vàng, các loài thú sống trong hang, động lớn như các loài dơi. Loài voọc mông trắng là loài duy nhất chỉ sống trên vùng núi đá vôi, còn các loài khác đều có sự phân bố rộng hơn.

Có đến 114 loài chim (75% số loài chim) có mặt trong hệ sinh thái này. Trong số này có một số loài cò, diều, ưng, cắt, gà rừng, cun cút, các loài cu, bìm bịp, cú, yến, trảu, thầy chùa, gõ kiến, nhạn, chìa vôi, phường chèo, chào mào, bông lau, cành cạch, nghệ, bách thanh, chích choè, khướu, chích, đớp ruồi, rẻ quạt, chim sâu, hút mật, sáo, chèo bẻo... Các loài chỉ sống trong hệ sinh thái này thì chỉ có diều núi, diều đầu trắng, gà lôi trắng, cu luông, cu xanh mỏ nhọn, khát nước, cú mèo Latusơ, nuốc bụng đỏ, yểng quạ, đầu rìu, cao cát bụng trắng, cu rốc tai đen, gõ kiến nhỏ đầu xám, thiên đường đuôi phướn, sáo đá Trung Quốc.

So với thú và chim thì số loài bò sát và ếch nhái sống ở khu vực núi đá vôi ít hơn nhiều chỉ có 8 loài (33,33% số loài) như tắc kè, nhông xanh, ô rô vảy, trăn đất, rắn roi thường, rắn hổ mang, rắn lục, ngoé. Các loài ếch nhái rất hiếm ở núi đá vôi. Các loài chỉ sống ở núi đá vôi có tắc kè, trăn đất, rắn lục.

Ngoài ra còn có rất nhiều động vật, thực vật bậc thấp, côn trùng sống trong hệ sinh thái này. Thực vật tự dưỡng là thảm cây rừng nhiều tầng, đây cũng là nguồn thức ăn của các động vật, các loài nấm, vi khuẩn giữ vai trò phân huỷ ở cuối của chu trình thức ăn.

2.    Hệ sinh thái rừng kín cây lá rộng thường xanh nhiệt đới ẩm trên đồi núi đất

Chiếm diện tích không lớn, phân bố rải rác, nhưng cũng có vai trò khá quan trọng vì tạo được sinh cảnh thuận lợi cho một số động vật sinh sống. Tại một khu vực rừng còn được bảo vệ tốt, có thể nhận thấy hiện đang tồn tại kiểu rừng kín cây lá rộng thường xanh nhiệt đới ẩm. Thành phần loài của rừng khác hẳn so với kiểu thảm trên núi đá vôi. Cấu trúc cũng có 4 tầng như:

2.1.  Tầng A gồm một số loài cây gỗ lớn, đường kính tới 70 - 80cm, cao 25-30m, nhưng đều là cây gỗ có tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh, ít giá trị kinh tế. Tầng A tạo thành tán liên tục. Các loài thường gặp có các cây gỗ trong các họ Quăng: quăng Trung Quốc, tré, quăng Bắc Bộ; họ Đào lộn hột: sơn cóc, chây lớn, chây láng, chây lá rộng, xuyên cóc; họ Bùi: bùi tía, bùi Nam Bộ, bùi Wight; họ Quao: có 3 loài gỗ đinh; họ Bứa: thành ngạnh nam, đỏ ngọn, bứa xẻ, bứa lá tròn dài, bứa Planchon; họ Thị: thị Arian, thị Dasyphy; họ Côm: Côm Griffth và 3 loài khác; họ Thầu dầu: nhội tía, dâu ta; họ Đậu: trạch quạch, sóng rắn Trung Quốc, cứt ngựa, doi Chevalier, mán đỉa, doi Eberhardtii, giác, doi Phú Quốc, dái heo, hằn học, doi hữu ích, trắc Balansalim sóng có lông, vàng anh (ven suối); họ Dẻ: kha thụ Trung Bộ, kha thụ dữ, kha thụ Ấn Độ, Sồi; họ Mùng quân: bê rết, 2 loài chà ran, lọ nồi Trung Bộ, lọ nồi Hải Nam; họ Chẹo: chẹo Roxburghii; họ Long não: chập chại Bắc Bộ, mạy phong, rè bông, quế Bắc Bộ, cà đuối Bắc Bộ, liên đàn Balansa, mò giáy, mò long, bời lời mọc vòng, kháo thơm, kháo trái đẹp; họ Bằng lăng: bằng lăng; họ Ngọc lan: dạ hợp bông, giổi Balansa; họ Xoan: gội, gội nước, quếch, huỳnh đàn dài, sang ngâu; họ Dâu tằm: sui, sung có vông, sung làng Cốc, đa bóng, họ Máu chó: xăng máu, máu chó; họ Mật sạ: mật sạ Henry; họ Bồ hòn: nhãn rừng, xơ, nây Sunda, chôm chôm Hậu Giang, chôm chôm mật, trường Lecomte, trường; họ Hồng xiêm: bà ra vàng; họ Khổ mộc: bút; họ Côi: côi Trung Bộ; họ Trôm: thung; lòng mán lá thon, lòng máng dị diệp, trôm dài màng, trôm thon, trôm quý, trôm quạt; họ Cò ke: chông; họ Du: ki, ki gân bằng...

2.2.   Tầng B gồm một số cây gỗ nhỏ, đường kính từ 15 - 20cm, chiều cao tối đa không quá 15m, phân cành sớm, thường gặp là các loài trong các họ Đào lộn hột: sơn Phú Thọ, dâu gia xoan, sơn; họ Na: Bán thư, quần đầu, bồ quả men; họ Trúc đào: lồng mức lông; họ Đinh lăng: đại đinh hai hột, chân chim tám lá chét, thôi hoang; họ Cúc: Bông bạc; họ Giác mộc: giác mộc; họ Sổ: sổ, sổ ngũ thư; họ Cùm rụm: cùm rụm nhọn, doat lá dài; họ Thầu dầu: bọ nẹt, long đồng Đồng Châu, đỏm, đỏm thon, lộc mại sóc Dalton, sóc Tích Lan, mã rạng tai, bông bẹt, ba chỉa, sòi, dầu sơn; họ Đậu: sóng rắn sừng nhỏ, keo dậu, khê núi, mát đánh cá, ràng ràng; họ Sau sau: chan thư; họ Thụ đào: mao hùng mềm; họ Xoan: ngâu Roxburghii, ngâu Vân Nam, cà muối; họ Dâu tằm: sung, dâu chùm dài; họ Sim: trâm chụm, sắn thuyền; họ Nhài: tráng luân sinh, lọ nghẹ; họ Kích nhũ: săng ớt Trung Bộ, săng ớt xanh; họ Hoa hồng: sô xoay, vàng nương; họ Cam chanh: giổi Harmand, dấu dầu, hoàng mộc dài; họ Mật sạ: thanh phong Diels; họ Bồ hòn: ngoại mộc chân dài; họ Trôm: trứng cua rừng, màng kiêng, trôm hoa nhỏ; họ Bồ đề: ô rếp; họ Chè: trà hoa đuôi, trà hoa Gaudichaud; họ Cỏ roi ngựa: cách phát hoa ngắn; các cây thân cột họ Cau dừa: kè, cau chuột Bà Nà, cau chuột Duperre, cau Hoà Lý Trung Quốc...

2.3.   Tầng C gồm một số cây bụi, phân cành sớm, chiều cao tối đa không quá 8m, đại diện là các loài dương xỉ khổng lồ có tọa tiên bẩn, tọa tiên có cuống; cây ngành Hạt trần có tuế, họ ô rô: ô rô núi; họ Dương đào: sổ đả Roxburghii; họ Na: an phong Gaudichaud, mạo quả có mỏ, hoa dẻ Trung Quốc, cách thư nhọ; họ Trúc đào: ba gạc Cămbôt, râu chim; họ Đinh lăng: than, mô biến thiên, chân chim hoa trắng; họ Cáp: cáp Assam, cáp Vân Nam; họ Gối: gối chùm tự tán, chân danh không rõ; họ Bàng: chưng bầu chụm ba; họ Dây khế: trường khế, lốp bốp; họ Thầu dầu: chòi mòi Collet, chòi mòi Ford, tai nghe, cấm tử núi, dé Đông Dương, bã đậu, bổ ngót rừng; họ Đậu: lăng yên tro, dực thuỳ lá nhỏ; họ Dâu tằm: ngái vàng, ngái khỉ, ngái đơn; họ Đơn nem: cơm nguội tản phòng, cơm nguội nhăn, cơm nguội rừng, rè tròn dài, đồng rất nhọn, đồng đơn, đơn nem; họ Dương đầu: dương đầu kết lợp; họ Nhài: lài leo, ram lỗ bì, ram, mộc, mộc cọng; họ Chanh ốc: chanh ốc; họ Táo ta: rút rễ; họ Hoa hồng: dum đào Moduc, dum nhọn; họ Cà phê: mẫu đơn Balansa, mẫu đơn Henry, xú hương Trung Quốc, xú hương Eberharrd, lẩu đỏ, căng răng nhọn; họ Cam chanh: tứ chẻ ba, lá méo; họ Bồ hòn: ngoại mộc Petelôt, gió khơi; họ Chè: linh; họ Cò ke: trầm mai; họ Gai: vũ tiễn, cung nữ, nai bìa nguyên, nai Petelôt; họ cỏ roi ngựa: tử châu trắng, nàng nàng, tử châu Nhật, bọ mẩy, bạch đồng nam, các cây họ Cau dừa như mây bốn cạnh, mây Bắc Bộ, họ Phất dù: phất dù; họ Dứa dại: dứa dại bụi nhỏ, dứa Bắc Bộ; một số loài tre, nứa cũng tham gia vào cấu trúc của tầng này.

2.4.   Tầng cỏ quyết thường cao không quá 2m với các cây trong ngành Dương xỉ như có quyển bá yếu, quyển bá lá dày, rớn đen, nguyệt xỉ Philippin, thần mô lá mảnh, thù xỉ Trung Quốc, hùng dực như có tơ, song quần thô, song quần Mallaca, song quần Petelôt, bán tự, mộc (dực nam, mộc dực bao chân, yểm dực cánh, yểm dực Leuse, yểm dực Simon, yểm dực thay đổi, can xỉ một bên, dừa đông, vi lân, mạc diệp, đàn biết tai, bích xỉ, bích xỉ dạng lạ, hiển dực có hàng, cổ lý ngón, bạch thiệt, vi quần, vi quần Stere, hoà mạc, cỏ lương, chân xỉ Faury, chân xỉ Finôt, chân xỉ Greville, chân xỉ Henry, chân xỉ nhiều khía, chân xỉ lược, chân xỉ có sọc, thư dực, lưỡi beo hẹp...

Các loài cỏ trong các họ khác có họ Ô rô: chàm mèo, hoa trong, gai kim dày, gai chuông, lưỡng thiệt, lá diễn, hạ mái phù, đình lịch, xuân tiết tiền, hoả rô, xuân hoa; họ Rau dền: dền cảnh, dền, dền nhọn, dền đuôi ngắn, dền đuôi chồn, cước đài đầu; họ Rau má: rau má Giava; họ Cúc: cúc vàng, kim đầu thon, cẩu nhi thái, cải đồng bạch đầu, bạch đầu liễu; họ Thu hải đường: thu hải đường Bon, thu hải đường rìa; họ Hoa chuông: ngân đằng, ngân đằng Giava; họ Đậu: hầu vĩ tóc; họ Cựa ri: cải cần; họ Thượng tiễn: bê ca, ri ta, xuyên thư, mõ bao; họ Bạc hà: mồng gà rừng, ích mẫu, vi hàng; họ Lỗ bình: lỗ bình Tích lan; họ Bông: ké đồng tiền; họ Mua: bo rừng, mua Xingapor, mua bà, an bích; họ Anh thảo: anh thảo; họ Hoa hồng: dâu đất; họ Cà phê: an điền, bạc cách, xà căn; họ Rấp cá: rấp cá, hàm ếch; họ Gai: gai toàn tơ, gai lá to, đề gia, phu lệ, vũ tiễn; họ Ráy: thạch xương bồ, minh ty Xiêm, ráy Ấn Độ, nưa gián đoạn, thăng mộc lá rộng, ráy bò, trâm đài Bon, vạn niên thanh (4 loài này leo bám các cây gỗ), chóc gai, ráy to, ráy Ker; họ Thài lài: đầu riều, bôn; họ Mía dò; mía dò; họ Cói: kiết Balansa, cương; họ Hoàng tinh: dong gân lông, dong bánh; họ Chuối rừng: chuối rừng, các loài địa lan: tản lan, ni lan kín, móng rùa kiếm, bướm bầu, tài lan lá rộng; họ Hương bài: xương quạt; họ Hoà thảo: cát vĩ lông vàng, kê núi; họ Bách bộ: bách bộ củ; họ Râu hùm: râu hùm, râu hùm Việt Nam, họ Gừng: lương khương...

Các loài dây leo phong phú, nhiều loài có kích thước lớn và leo cao các loài thường thấy có: trung quân, công chúa chân ngắn, công chúa trung gian, cách thư Poilan, cách thư có lông, mật hương, bù liêu Cửu Long, quặn hoa vòi lông, mần trây, mật sang, mộc tiểu nhọn, hàm liên nhuộm, dây cám, chưng bầu Sonda, thảo bạc đầu, bìm, cứt quạ, thư tràng, thư tràng năm lá, Neoal; họ Đậu: keo Kerr, quạch, mấu, làu máu, dây dan, sua ca, trắc Pierre, trắc dây, bàm bàm, mát thuỳ dây, mắc mèo Hải Nam, dực thuỳ lá nhỏ; thiên đằng, bích nữ, song nho Quảng Đông, vác Nhật, vác bao phấn đen, tứ thư xấu, khoai mài, từ Scortechin...

Các loài phụ sinh nhiều, đại diện là các loài lan quế, mật khẩu đầu bò, đoản kiếm lô hội, mao tử...

Các loài ký sinh có tơ hồng Nhật, tầm gửi, đại cán Việt Nam...

2.5.  Quần cư động vật tương tự như trên núi đá vôi chỉ khác biệt về một số loài

Về thú: có đến 33 loài (97% số thú) sống trên núi đất. Các loài thú tương tự trên núi đá vôi nhưng không có các loài chỉ sống trên núi đá vôi và một số loài sống hoàn toàn trên núi đất như chuột chù, chuột nhắt nhà, chuột nhà, chuột nhắt đồng.

Về chim: có 113 loài (74% số loài chim). Các loài tương tự như ở núi đá vôi, ngoài các loài chỉ sống trên núi đá vôi và các loài chỉ sống trên núi đất hay nương, ruộng, ao, đầm, khu dân cư như cò trắng, cò bợ, cò lửa, vạc, te mào, te vịt, rẽ giun, cu ngói, tu hú, bồng chanh, trẩu họng xanh, chích chòe lửa, chiền chiện đầu nâu, sẻ, chèo bẻo.

Về ếch nhái, bò sát: có 13 loài (54,17% số loài). Thành phần loài ở núi đất tương tự như thành phần loài ở nương, ruộng, khu dân cư, đầm, ao. Đó là các loài thằn lằn đuôi bóng dài, rắn ráo thường, rắn hoa cỏ nhỏ, rắn sọc dưa, rắn cạp nong, rắn cạp nia, rắn hổ chúa, ếch cây mép trắng. Các loài có mặt ở cả núi đất và núi đá chỉ có nhông xanh, còn các loài rắn roi thường, rắn hổ mang, ngoé là các loài phân bố rộng.

Hệ sinh thái rừng kín cây lá rộng là hệ sinh thái có số lượng các loài sinh vật tham gia nhiều nhất. Với tầng đất sâu dày, khí hậu đủ nhiệt và ẩm, thảm thực vật cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho động vật. Ngoài các loài động thực vật bậc cao đã nêu trên còn có rất nhiều loài động thực vật tham gia vào hệ sinh thái.

3.  Hệ sinh thái trảng cây bụi trên đồi, núi đất

Có diện tích tương đối lớn. Trảng cây bụi, cỏ thứ sinh được tái sinh trên các đất canh tác bỏ hoang. Thành phần loài của trảng cây bụi gồm các cây gỗ, cây bụi ưa sáng, mọc nhanh, chịu được lửa đốt hàng năm, các loài cỏ cao. Các loài cây bụi của hệ sinh thái này thường phân cành sớm, thân có vỏ dày, tái sinh bằng chồi rất tốt. Nơi có tầng đất còn tương đối dày, hàm lượng dinh dưỡng khá, hệ sinh thái cây bụi có thể phục hồi để hình thành rừng thứ sinh. Dây leo khá phong phú làm cho cấu trúc của trảng cây bụi thêm lộn xộn, phân tầng không rõ. Dưới tán các cây bụi còn có một số loài cỏ thấp ưa ẩm, chịu bóng.

Các cây bụi thường có chiều cao từ 2 - 6m, đôi khi có một số cây gỗ nhỏ, có thể cao hơn, nhưng nói chung ít khi cao quá 8m.

Các loài cây gỗ nhỏ thường gặp là sổ đả Roxburghii, sau sau, sơn Phú Thọ, lồng mức lông, bùi Nam Bộ, đơn châu chấu, cuông Trung Quốc, Bông bạc, đầu heo, thành ngạnh, đỏ ngọn, cùm rụm nhọn, long đầu, tai nghé biệt chu, tai nghe hột tròn, dé Đông Dương, sóc Dalton, sóc Tích lan, bông bẹt, thuốc sán, me rừng, sóng rắn Trung Quốc, mán đỉa, ràng ràng, lim sóng có lông, kha thụ Trung Bộ, kha thụ Lecomte, mùng quân, dự, bời lời Ba Vì, bời lời chanh, kháo thơm, thuốc bắn, dướng, sung có vông, ngái vàng, sung làng Cốc, ngái đơn, sung bầu, trâm chụm, sắn thuyền, sô xoay, xăng mã thon, huân lang chùm tự tán, găng căng, tiểu quất...

Các loài cây bụi có thiên tuế Rumphii, quăng râu, hoa dẻ Trung Quốc, bốt hoa thưa, cáp lá nhọn, trường khế, đóc chó, phèn đen, kim độc mộc, tóp mỡ lá to, chàm bụi, bóm Trung Quốc, ké hoa đào, bo rừng, mua bà (trên đất ẩm), ruối nhám, sim, lài Hạ Long, mộc, mộc cọng, ngấy hương, ngũ gia bông, dum hoa trắng, mẫu đơn, xà căn lá rộng, lẩu đỏ, trèn lá rộng, gạc hươu...

Các loài cỏ gồm các loài Dương xỉ như quyển bá yếu, quyển bá lá dày, thàm mô lá mảnh, yểm dực thân nâu, cẩu tích, guột (vọt, cỏ tế), liên sơn, tứ uyển, song nha song tam, kim đầu thon, chân voi nhám, ngổ, thượng lão, yên bạch Trung Quốc, cỏ Lào (đôi khi mọc thành các đám thuần loại cao 1-2m trên đất còn giàu dinh dưỡng), rồng cúc mũi ngắn, bạch đầu Anderson, vòi voi, cỏ sữa lá lớn, cỏ sữa lá nhỏ, vảy ốc, hàn the, sục sạc sét, tràng quả sông Hằng, tràng quả tam giác, trinh nữ, hầu vĩ tóc, lỗ bình Trung Quốc, cối xay, bái trắng, lá lốt, nghể râu.

Các loài dây leo: bòng bong dẻo, bòng bong Nhật, bòng bong gié nhỏ, bòng bong nhiều khía, ẩn lân Buchanan, mộc tiểu nhọn, hà thủ ô nam, tiểu quả lông dày, tỳ dực năm thuỳ, dây giung, thư tràng năm lá, làu máu, dây gan, vấu diều, đậu cộ đất, mát thuỳ dày, liên đằng hoa nhỏ, đại cán Việt Nam (ký sinh), mạng nhện, dây sâm hai sóng, nhãn lồng Wilson, mơ leo.

Quần cư động vật tương tự như trên núi đất nhưng vắng mặt các loài thú lớn kiếm ăn trên cây thuộc họ Khỉ, Vượn hay các loại Sóc. Các loài chim cũng vắng mặt rất nhiều loài so với hệ sinh thái rừng trên núi đất. Các loài bò sát và ếch nhái thì không thay đổi lắm so với trên núi đất.

4.    Hệ sinh thái trảng tre nứa

Tre nứa rải rác trong các thung núi đá vôi, dọc theo các khe suối tạm thời và trên sườn đồi núi đất. Nứa chủ yếu là Nứa tép (Neohouzeaua dulloa), cao từ 5-7m. Do điều kiện tầng đất mỏng ít dinh dưỡng nên cây nứa đường kính nhỏ, thường chỉ khoảng 2 - 3cm, vì vậy gọi là nứa tép. Ngoài nứa, còn gặp tre (Bambusa sp.). Một số cây thân gỗ như Thầu táu (Aporosa dioica), Bồ cu vẽ (Breynia angustifolia), Me rừng (Phyllanthus emblica)... Dây leo có Hoya macrophylla, Quisqualis indica, Gymnostemma lexum, Trichosanthes rubiflos, Dioscorea bullifera, D. glabra...

Nhờ khả năng tái sinh rất khoẻ bằng thân ngầm nên mặc dù bị chặt phá, đốt hàng năm, hệ sinh thái tre nứa vẫn tồn tại được, tạo nên môi trường sống cho một số loài thú nhỏ như sóc, chồn, chuột, một số loài chim, bò sát, ếch nhái.

5.    Hệ sinh thái trảng cỏ, đất trồng trọt

Trảng cỏ, đất trồng trọt trong khu vực nghiên cứu không nhiều. Trảng cỏ được hình thành trên đất canh tác bỏ hoang. Đất nghèo dinh dưỡng, tầng mỏng, chặt. Xen kẽ với các trảng cỏ là những nương sắn, ngô, đậu, rau màu, chè và vườn cây ăn quả của một số hộ dân sinh sống trong khu vực.

Trảng cỏ cao dưới 2m che phủ tương đối kín. Các loài cỏ chính: Imperara cylindrica, Apluda mutica, Microsteqium vagans, Panicum montanum, Saccharum arundinaceum, Themda caudata, Thysanolaena maxima...

Nét đặc trưng của động vật ở hệ sinh thái này là hoàn toàn vắng mặt các loài thú lớn, các loài chim, các loài bò sát, ếch nhái có cuộc sống phụ thuộc chặt vào môi trường rừng: nguồn thức ăn là quả, hạt, củ của cây rừng, theo đấy là sự vắng mặt các loài động vật có nguồn thức ăn là các động vật nhỏ. Mặt khác, nơi cư trú, sinh đẻ khó khăn cũng hạn chế số lượng các thể động vật ở hệ sinh thái này.

Về thú: có 17 loài (50% loài), gồm các loài phân bố rộng như Dơi, Chồn vàng, các loài Cầy, Nhím, phổ biến hơn cả là các loài Chuột, Thạch sùng.

Về chim: có 70 loài (46% số loài) như Ó cá, Diều hâu, Diều mướp, cắt nhỏ bụng trắng, Cun cút lưng nâu, Rẽ giun, Cu gáy, Tu hú, Bìm bịp lớn; các loài chim sống nhờ cá ở đầm, ao như Bồng chanh, Sả, Bói cá; các loài chim Trẩu, Nhạn, Chìa vôi, các loài chim ăn côn trùng trong họ Chào mào, họ Chim chích, Chim sâu, Sáo; các loài sống gần người như Sẻ, Di cam...

Có 13 loài ếch nhái, bò sát (79,17% số loài) sống trong hệ sinh thái này. Các loài sống phụ thuộc vào môi trường núi đá như Tắc kè, Nhông xanh, Ô rô vảy, Trăn đất, Rắn lục vắng mặt hoàn toàn.

6.  Hệ sinh thái các thủy vực

Một số thuỷ vực có mức ngập nông đều sử dụng thả sen, đại đa số các nơi có độ sâu lớn được nuôi cá. Một số thuỷ vực nhỏ, sát chân núi đá vôi hiện bỏ hoang, chỉ có Sậy (Phragmites karka, các loài Lác (Cyperus spp.), Rau mác (Sagittaria sagittifolia), Rau ngổ (Enhydra fluctuans)... Nơi nước sâu có các quần xã thuỷ sinh.

Động vật ở các thuỷ vực khá phong phú về loài và số cá thể của loài. Cá và các động thực vật thuỷ sinh khác là nguồn thức ăn của nhiều loài động vật.

Các loài thú thường thấy có Chồn vàng, Cầy giông, Cầy hương, Cầy móc cua, Dúi mốc, các loài Chuột. Các loài chim đặc trưng là các loài chim nước như Chim lặn, Cốc đen, các loại Cò, Vạc, các loài Vịt, Cuốc, các loài Choắt, Choi. Các loài chim di cư về trú đông khá phổ biến như Cò, Vạc, Sếu, Giang... Vào thời kỳ cao điểm trước đây, đàn chim có đến hàng vạn con. Ngày nay số lượng chim di cư đã giảm xuống.

7.    Hệ sinh thái đất canh tác nông nghiệp

Hệ sinh thái bao gồm đất phù sa thuộc các vàn cao, vàn thấp được cải tạo, tưới tiêu trở thành đất canh tác thường xuyên. Các quần cư nông thôn cũng có thể ghép vào hệ sinh thái này. Hệ sinh thái này thường xuyên chịu sự tác động của con người với một cường độ mạnh mẽ.

Đặc điểm chính của hệ sinh thái này đó là các quần xã cây trồng và một số động vật phân bố rộng, các loài gần người.

Các vàn đất cao, đất thấp trước đây thuộc vùng đất ngập nước nay trở thành đất canh tác nhờ hệ thống thuỷ lợi. Phần lớn diện tích đất vàn được sử dụng trồng lúa. Đất ngập nước định kỳ trong năm, thời gian ngập tuỳ theo địa thế. Những vạt đất cao gần làng xóm không thuận lợi tưới thường được sử dụng trồng màu như ngô, khoai, các loại đậu, các loại rau.

Các xóm, làng được hình thành trên các doi đất cao trong đồng bằng trước kia. Ngoài nhà ở trong các làng có hệ thống vườn với các loài cây cho gỗ, vật liệu xây dựng như tre, xoan, muồng; các cây ăn quả cam, chanh, táo, nhãn, roi...; các loại rau, cây bóng mát, cây cảnh, cây thuốc... và các ao, hồ nhỏ. Ngày nay, hình thái các làng biến đổi rất nhanh, cấu trúc nhà chuyển dần sang kiên cố, đường đi được bê tông hoá, vườn, ao hồ dần bị thu hẹp, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp cỡ nhỏ dần xuất hiện. Sự thay đổi này cũng dần kéo theo sự thay đổi cấu trúc của các quần xã đặc trưng cho nông thôn kéo theo sự thay đổi của các quần cư động vật vì sự thay đổi nơi cư trú, nguồn thức ăn và nguy cơ bị săn bắt.

Quần cư động vật của hệ sinh thái này không ổn định vì các điều kiện sống, nơi cư trú, nơi kiếm ăn luôn thay đổi và sự tác động mạnh mẽ thường xuyên của con người. Trong các ao hồ và ruộng mùa ngập nước có các loài phân bố rộng như cá quả, cá rô, cá trê, cá chép... các loài tôm, cua, ốc, nhưng không còn các động vật như các loài chồn, rái cá sinh sống bằng nguồn thức ăn này. Các loài chim thấy phổ biến nhất là sẻ một loài sống gần người và các loài sống bằng bắt côn trùng trên các đất canh tác như chim sâu, chích bông vàng, cu gáy, choắt, rẽ giun... các loài sống bằng thức ăn cá như bói cá... Vào mùa nước xuất hiện các loài chim nước đến kiếm ăn như cò, vạc, diệc... Các loài thú có các loài chuột, dơi; lưỡng cư bò sát có các loài ếch nhái và các loài rắn, thạch sùng...

II. TÀI NGUYÊN SINH VẬT: HIỆN TRẠNG, SỬ DỤNG VÀ BẢO VỆ

Tài nguyên sinh vật của Hà Nam khá phong phú, đa dạng và đã đóng góp rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình sử dụng, con người cũng đã làm phong phú hơn nguồn tài nguyên này bằng con đường du nhập, nuôi trồng các giống loài có giá trị kinh tế.

1.    Tài nguyên thực vật

Dựa trên điều tra sơ bộ hệ thực vật Hà Nam có khoảng 1.271 loài thuộc 178 họ trong 6 ngành thực vật bậc cao có mạch và khoảng 200 loài cây trồng. Số lượng các cấp đơn vị phân loại (taxon) cũng như số lượng cá thể các loài tự nhiên tập trung ở vùng đồi núi. Vùng đồng bằng tập trung các cây trồng.

Hệ thực vật chủ yếu là các loài thuộc ngành Hạt kín (trên 90% tổng số loài), ngành, ngành Thực vật khuyết (trên 8% tổng số loài), các cây thuộc ngành Hạt trần có số lượng không nhiều. Hệ thực vật Hà Nam có tính đa dạng sinh học khá cao, chiếm khoảng 12% tổng số loài, 32% tổng số chi và 58% tổng số họ của hệ thực vật Việt Nam. Các họ giàu loài nhất của hệ thực vật là họ Đậu (76 loài), Hoà thảo (72), Thầu dầu (65), Cúc (53), Dâu tằm (39), Lan (33)... cũng là những họ giàu loài của hệ thực vật Việt Nam. Hệ thực vật Hà Nam có 13 yếu tố địa lý thực vật: 1. Yếu tố đặc hữu Bắc Bộ, 2. Yếu tố đặc hữu Việt Nam, 3. Yếu tố Đông Dương, 4. Yếu tố Ấn Độ, 5. Yếu tố Malaixia, 6. Yếu tố châu Á nhiệt đới, 7. Yếu tố cổ nhiệt đới, 8. Yếu tố tân nhiệt đới và liên nhiệt đới, 9. Yếu tố Đông Á, 10. Yếu tố châu Á, 11. Yếu tố ôn đới Bắc, 12. Yếu tố phân bố rộng, 13. Yếu tố nhập nội và di cư hiện đại. Trong đó yếu tố đặc hữu Bắc Bộ và Việt Nam chiếm khoảng 12,5%. Hệ thực vật Hà Nam có 5 loài thực vật quý hiếm là khuyết lá thông (Psilotum nudum (L.) Griseb., cấp độ quý hiếm: biết không chính xác), cẩu tích (Cibotium barometz (L.) J.Smith, cấp độ quý hiếm: biết không chính xác), đinh (Markhamia stipulata (Roxb.) Seem., cấp độ quý hiếm: có thể bị đe doạ diệt chủng), đẳng sâm (Codonopsis javanica (Blume) Hook.f., cấp độ quý hiếm: có thể bị đe doạ diệt chủng), bách bộ đứng (Stemona saxorum Gagnep., cấp độ quý hiếm: đang bị đe doạ tuyệt chủng). Khuyết lá thông là loài cổ còn sót lại có số cá thể rất ít. Khuyết lá thông cũng được dùng làm cảnh, làm dược liệu. Bách bộ đứng theo Sách đỏ chỉ mới phát hiện được ở Hoa Lư (Ninh Bình), Đông Sơn (Thanh Hoá). Thanh Sơn là địa điểm thứ ba trong cả nước phát hiện được loài này.

Thực vật Hà Nam có khoảng 600 loài có giá trị sử dụng (38% số loài). Trong đó có 197 loài cho gỗ (192 loài tự nhiên, 6 loài cây trồng); 260 loài cho thuốc (254 loài tự nhiên, 6 loài cây trồng); 138 loài làm thức ăn gia súc (123 loài tự nhiên, 15 loài cây trồng); 133 loài làm thức ăn cho người (73 loài tự nhiên, 62 loài cây trồng ); 98 loài có thể sử dụng làm cây cảnh, cây che bóng (48 loài tự nhiên, 50 loài cây trồng và du nhập); 12 loài cho nguyên liệu giấy sợi (6 loài tự nhiên, 6 loài cây trồng); 10 loài cho tanin, chất nhuộm (6 loài tự nhiên, 4 loài cây trồng); 14 cho tinh dầu, dầu béo, nhựa (5 loài tự nhiên, 9 loài cây trồng), 24 loài làm vật liệu xây dựng, dụng cụ trong gia đình (22 loài tự nhiên, 2 loài cây trồng) và khoảng 26 loài có các giá trị sử dụng khác như làm đệm, dây buộc, đánh cá, làm men rượu, giá thể nuôi nấm, mộc nhĩ...

Các loài cây gỗ tự nhiên tập trung ở khu vực đồi núi Thanh Sơn và Kim Bảng. Các loài gỗ lớn, tốt có giá trị trong xây dựng có chây lớn, chây láng, chây lá rộng, bùi tía, bùi Wight, bùi Nam Bộ, thiết đinh lá bẹ, đinh Ấn Độ, đinh, trám, các loại bứa, lôi, các loại thị, các loại côm, mò, sóc, sóc đỏ, sòi, sóng rắn Trung Quốc, cứt ngựa, doi Chevallier, mán đỉa, doi Eberhard, giác, doi Phú Quốc, hầm học, trắc Balansa, lim sóng có lông, kha thụ Trung Bộ, kha thụ, kha thụ Lecomte, dẻ, sổi Helfer, sồi King, bê rết, mộc hương, trai tích lan, đại phong tử Trung Bộ (nhọ lồi), đại phong tử Hải Nam, chập chại Bắc Bộ, mạy phỏng, rè bông, quế Ấn Độ, quế Bắc Bộ, cà đuối Bắc Bộ, kháo thơm, kháo trái đẹp, kháo, giổi Balansa, quếch, huỳnh đàn dài, trường nát, các loại trâm, tân Trung Quốc, tráng luân sinh, lọ nghẹ, săng ớt Trung Bộ, săng ớt xanh, quắn hoa Hải Nam, xăng mã thon, mật sạ Henry, ngoại mộc chân dài, trường, nhãn rừng, xơ, côi Trung Bộ, lòng mán dị diệp, lòng mán lá thon, trôm dài màng, trôm thon, trôm quý, trôm hoa nhỏ, dung Nam Bộ, trà hoa đuôi, cách... Việc quản lý tốt cũng như có một cách thức khai thác hợp lý rừng Hà Nam chắc chắn sẽ là nguồn cung cấp phong phú, đầy đủ gỗ xây dựng, làm đồ đạc cho nhân dân đem lại nguồn lợi lớn về kinh tế rừng. Các cây gỗ trồng tập trung có thông, bạch đàn, các loại keo, tông dù... Các cây trồng lấy gỗ trong các khu dân cư có xoan, muồng đen, muồng Xiêm, nhãn, vải, mít, bạch đàn, phi lao... Mặc dù không tập trung, nhưng đây là nguồn gỗ rất lớn cung cấp cho việc làm nhà ở nông thôn nhiều đời nay.

Các cây thuốc quý tự nhiên có bình vôi (3 loài: Radix Stephaniac, Stephaniac sinica, S. fierrei ), bách bộ (bách bộ thân cuốn - Stemona tuberosa, bách bộ thân đứng – S. saxorum và bách bộ Pierre – S. pierei), ba chẽ, hoài sơn hy thiêm, lan gấm, một lá một hoa, sơn chi tử... các loài này đã được khai thác, một số đang được thuần hoá ở các vườn thuốc, các loài thuốc trồng thì có nhiều trong đó có hoàng kỳ, cam thảo, địa liền, các loài cây dùng theo các bài thuốc địa phương thì rất nhiều, các loài thuốc quý hiện đang bị khai thác không có tổ chức, chúng có nguy cơ bị diệt chủng vì cách thức khai thác bừa bãi, tuỳ tiện. Việc tổ chức quản lý rừng tốt, ngoài phục hồi nguồn tài nguyên gỗ còn là phục hồi nguồn tài nguyên thuốc đem lại những giá trị to lớn về kinh tế.

Các cây tự nhiên làm thức ăn cho người không nhiều, gồm một số loài cho rau, quả và nước uống rải rác trong rừng và trảng cây bụi. Nguồn thức ăn cho người chủ yếu là các cây trồng truyền thống cho năng suất cao, thu hoạch tập trung. Các cây lương thực có lúa, ngô, khoai, sắn, các loại dong riềng; các cây cho thực phẩm gồm các loại hoa màu như lạc, các loại đậu, vừng..., các loại rau mùa đông như các loại cải, su hào, cải bắp, cà rốt, xúp lơ, xà lách, các loại rau mùa hè như rau muống, rau rút, rau ngót, các loại mướp, bầu, bí, mướp đắng.., các loại cây gia vị như hành tỏi, các loại húng, răm, mùi, ngò..., các loại cây ăn quả như cam, hồng, thị, táo, na, nhãn, vải, hồng xiêm, đu đủ, dứa..., các loại cây là bánh mang hương vị làng quê có rau khúc, lá gai. Nói chung, các cây phục vụ nhu cầu lương thực, thực phẩm của Hà Nam phong phú, đa dạng không những đủ phục vụ nhu cầu của nhân dân còn có khả năng phát triển tạo nguồn nguyên liệu chế biến các món ăn, thức uống phục vụ công nghiệp chế biến thực phẩm, nhu cầu của khách du lịch.

Các cây làm thức ăn cho gia súc thì nhiều bao gồm các cây cỏ trong họ Hoà thảo, Đậu, Cói và các họ khác trong rừng và trảng cây bụi, các bờ ruộng, bờ đê, bãi chăn thả, ven mương nước... Đây là nguồn thức ăn cho trâu, bò, lợn. Các cây trong họ Dâu tằm và một số cây khác là nguồn thức ăn dồi dào cho dê, hươu. Ngoài ra, các sản phẩm phụ của các cây lương thực, rau, quả như rơm, cám, thân ngô, lạc, đậu cũng cung cấp một lượng lớn thức ăn cho gia súc.

Các cây cho nguồn nguyên liệu giấy sợi ngoài một số cây tự nhiên như tre, sặt, nứa tép, ba soi, bồ đề... còn có các cây trồng tập trung có năng suất cao như thông, các loại keo, luồng.

Các cây cho tanin và chất nhuộm không nhiều nhưng có khả năng phát triển để thay thế các chất nhuộm thực phẩm tổng hợp. Các cây cho màu vàng có hoa hiên, dành dành, màu đỏ có gấc. Nhuộm áo có cây chàm mèo cho màu tím than.

Các cây cho nhựa, tinh dầu, dầu béo có móng heo (cho nhựa thơm), các cây trong họ Bạc hà, các loài bạch đàn, các loài hoa hồng, một số loài trong họ Long não (cho tinh dầu), các loài cho dầu béo có lạc, vừng,...

Các loài cho vật liệu xây dựng giữ vai trò quan trọng với đời sống nhân dân vùng nông thôn. Đó là các loài tre, nứa, giang, luồng, hóp dùng làm nhà, các loài làm dây buộc như các loại các loài trong họ thiên lý, đậu, các cây lợp nhà trong họ cau dừa như kè, cọ, búng báng, đùng đình...

2.    Tài nguyên động vật: thú, chim, bò sát, ếch nhái

Hà Nam có khoảng 214 loài động vật có xương sống trên cạn và lưỡng cư: 34 loài thú, 153 loài chim, 22 loài bò sát và 6 loài ếch nhái. Các loài quý hiếm và cần bảo vệ: thú có tới 10 loài thuộc diện quý hiếm và 5 loài cần bảo vệ theo Nghị định 48/2002/NĐ-CP của Chính phủ ký ngày 22/4/2002; chim có 2 loài; bò sát có 9 loài được ghi trong Sách Đỏ và 2 có trong Nghị định 48/2002/NĐ- CP. Như vậy có 21 loài thuộc diện quý hiếm và 7 loài không có trong Sách Đỏ, nhưng phải bảo vệ theo Nghị định 48/2002/NĐ-CP.

2.1.    Tài nguyên thú

Có 34 loài thuộc 18 họ, 8 bộ. Có 9 loài thú quý hiếm, ở mức độ quý hiếm E (loài đang bị đe doạ tuyệt chủng) có 3 loài: voọc mông trắng, vượn đen bạc má, gấu ngựa; mức V (loài có thể bị đe doạ tuyệt chủng) có 6 loài: cu li lớn, khỉ mặt đỏ, báo gấm, sơn dương, tê tê vàng và cầy vằn Bắc. Dựa vào Sách Đỏ thế giới (IUCN, 2000) thì các mức CR (cực kỳ nguy cấp) có 1 loài đó là voọc mông trắng; mức VU (sẽ nguy cấp) có 5 loài: khỉ mặt đỏ, gấu ngựa, cầy vằn bắc, báo gấm và sơn dương; mức LR (ít nguy cấp) có 2 loài: khỉ vàng và tê tê vàng; mức DD: (thiếu dữ liệu) có 1 loài vượn đen bạc má (Nomascus leucogenys). Loài voọc mông trắng là loài đặc hữu của miền Bắc Việt Nam.

Thú rừng đa dạng, có nhiều loài thú quý hiếm, điển hình cho tỉnh Hà Nam có ý nghĩa khoa học lớn cho việc bảo tồn nguồn “gien” và là một trong những đối tượng nghiên cứu của hệ sinh thái núi đá vôi. Nhiều loài thú là đối tượng của nghiên cứu y học, sinh học, nông nghiệp và môi trường. Có 21 loài (chiếm 61,76%) là những loài có ý nghĩa khoa học.

Thú cho thịt: 18 loài, gồm các loài thú nhỏ như dúi, sóc bụng xám, sóc bụng đỏ, chuột đất lớn. Số lượng của chúng tương đối phong phú có thể đánh bắt quanh năm, chúng cung cấp số lượng thịt đáng kể hàng năm. Các loài thú lớn, chất lượng thịt cao như lợn rừng, hoẵng, nai... hiện không còn nhiều.

Thú cho da lông và làm cảnh: 23 loài. Sử dụng ở dạng da tấm, nhồi mẫu trưng bày, nuôi làm cảnh hoặc trưng bày ở các vườn thú. . .

Thú cho dược liệu: 17 loài. Phương thức sử dụng: xương của một số loài như khỉ, gấu ngựa, báo gấm, hoẵng, sơn dương, lợn rừng được sử dụng để nấu cao, làm thuốc bồi dưỡng cơ thể; lấy hương ở tuyến xạ của các loài cầy giông, cầy hương, cầy vòi mốc; lấy vảy của tê tê, dạ dày của nhím, don.

Thú có ích cho nông nghiệp và lâm nghiệp: 8 loài. Thú có giá trị thương mại: 24 loài.

2.2.    Tài nguyên chim

Hà Nam có 153 loài chim thuộc 44 họ trong 17 bộ. Có 2 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam là gà lôi trằn (Lophura nychthemera), bậc T (bị đe doạ tuyệt chủng) và bói cá lớn (Ceryle lugubris), bậc T.

Thành phần loài chim ở Hà Nam khá phong phú đặc trưng cho một khu hệ chim của một vùng chuyển tiếp từ vùng núi xuống vùng đồng bằng, một vùng đa dạng về hệ sinh thái: núi đất, núi đá vôi và đồng bằng.

Nhiều loài chim được khai thác với mục đích sử dụng làm thực phẩm, một số loài làm thuốc như bìm bịp; thương mại hay làm cảnh như các loài chim biết hót: vành khuyên, khướu, yểng, sáo... Nhiều loài chim có ích cho nông - lâm nghiệp.

2.3.    Tài nguyên bò sát, ếch nhái

Hà Nam có 24 loài bò sát, ếch nhái thuộc 11 họ, 2 bộ, 2 lớp; trong đó có 18 loài bò sát thuộc 8 họ, 1 bộ và 6 loài ếch nhái thuộc 3 họ, 1 bộ.

Có 8 loài quý hiếm: rắn hổ chúa Ophiophaqus hannah) ở bậc E (Endangered - Đang nguy cấp), 2 loài ở bậc V (Vulnerable - Sẽ nguy cấp): kỳ đà hoa (Varanus Salvator) và trăn đất (Python molurus); 5 loài ở bậc T (Threatened – Bị đe doạ): tắc kè (Gekko gecko), ô rô vảy (Ancanthosaura lepi- dogasster), rắn ráo thường (Ptyas korros), rắn cạp nong (Bungarus fasciatus) và rắn hổ mang (Naja naja). Đây là các nguồn gen quý của khu hệ bò sát, ếch nhái núi đá vôi Thanh Sơn cần được báo vệ và phát triển. Rắn hổ chúa (Ophiophagus hannah), ghi ở nhóm IB Nghị định 18/HĐBT - Nhóm nghiêm cấm khai thác, sử dụng.

Có 8 loài dùng làm thuốc: tắc kè, kỳ đà, trăn đất, rắn ráo thường, rắn cạp nong, rắn cạp nia Bắc, rắn hổ mang và rắn hổ chúa. 9 loài dùng làm thực phẩm: kỳ đà hoa, trăn đất, rắn sọc dưa, rắn ráo thường, rắn bồng chì, rắn hổ mang, rắn hổ chúa, chẫu và ếch đồng. 11 loài có giá trị thương mại: tắc kè, kỳ đà hoa, trăn đất, rắn sọc dưa, rắn ráo thường, rắn bồng chì, rắn cạp nong, rắn cạp nia Bắc, rắn hổ mang, rắn hổ chúa và ếch đồng. Nhồi làm vật trang trí trong nhà có 2 loài kỳ đà hoa và trăn đất.

2.4.    Các động vật nuôi

Các động vật hoang dã cung cấp một nguồn thực phẩm, thuốc quý giá cho nhân dân trong nhiều năm qua. Do khai thác bừa bãi, ngày nay, số lượng của chúng không còn nhiều. Thay thế vào đấy, một số lượng lớn động vật được nuôi nhằm cung cấp thực phẩm, sức kéo, cung cấp da. Hà Nam đến năm 2000 có 5.200 con trâu, 27.500 con bò, 278.400 con lợn và số lượng lớn gia cầm như gà, vịt, ngan, chim bồ câu...

3.    Tài nguyên thuỷ sản

Cũng như động vật hoang dã tài nguyên thuỷ sản đã đóng góp một vai trò quan trọng đời sống nhân dân và phát triển kinh tế. Nhưng qua khai thác quá mức trong nhiều năm qua cũng như diện tích các thuỷ vực bị giảm dần đã làm nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên bị giảm sút. Năm 2000, sản lượng thuỷ sản của tỉnh là 4.509 tấn thì thuỷ sản nuôi trồng chiếm 3.973 tấn trong đó là 3.900 tấn cá, 18,3 tấn tôm. Sản lượng khai thác tự nhiên chỉ khoảng 538 tấn chủ yếu là cá, tôm và một lượng nhỏ lươn, chạch, ba ba, ếch... Trong thời gian tới, nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên sẽ giảm dần và sản lượng nuôi trồng sẽ tăng lên.

4.    Phương hướng sử dụng tài nguyên sinh vật

Tài nguyên sinh vật luôn giữ vai trò quan trọng trong đời sống con người trong cuộc sống hàng ngày. Việc khai thác, sản xuất để sử dụng hợp lý còn là những thách thức. Ngay cả việc sử dụng các tiến bộ khoa học trong việc nâng cao năng suất cây trồng vật nuôi để thay thế các nguồn lợi tự nhiên cũng không đạt được những mong muốn mỹ mãn như mong đợi.

Việc giữ gìn tài nguyên rừng là vô cùng cấp thiết. Ngoài giá trị môi trường không thể thay thế được thì đây là nguồn tài nguyên gỗ, vật liệu xây, củi cung cấp cho phần lớn nhân dân. Ngoài ra đây cũng là môi trường bảo vệ các nguồn gen động thực vật quý hiếm có giá trị khoa học và nhiều giá trị khác con người chưa biết. Rừng còn là nguồn cung cấp thuốc, lâm sản phụ, nguồn thực phẩm động, thực vật quý giá... Bảo vệ được rừng và biết tổ chức khai thác hợp lý sẽ đem lại cho lợi ích to lớn lâu dài.

Việc trồng rừng tập trung cũng như trồng cây phân tán cần được đẩy mạnh để tăng nguồn nguyên liệu gỗ, giấy, củi.

Các loài cây thuốc quý trong tự nhiên cho năng suất thấp và bị khai thác bừa bãi không đủ đáp ứng nhu cầu cần có các vườn thuốc thuần hoá, trồng và thu hoạch. Đây cũng là một nguồn lợi lớn nếu tổ chức tốt.

Việc nuôi các loài thú có giá trị kinh tế cao như nhím, don, rắn, hươu... cần khuyến khích và có tổ chức, hướng dẫn kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và năng suất.

Trong nuôi thuỷ sản cần chú trọng thêm nuôi các loài có giá trị như ba ba, rùa, đây là những loài đã từng có mặt với số lượng lớn ở địa phương trước kia. Chúng có giá trị kinh tế cao.

Một số đầm, hồ gần vùng núi ngoài nuôi thuỷ sản cần hướng tới làm thành các khu bảo tồn đất ngập nước để tạo một môi trường bảo vệ một số động vật, một cảnh quan đẹp, hấp dẫn khách du lịch.

(Còn nữa)

Điện tử

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy