Phần thứ tư – Văn hóa – Xã hội: Chương IV: Thể dục thể thao; Phát thanh – Truyền hình
I. THỂ DỤC THỂ THAO
Từ bao đời nay, người Bình Lục cùng nhân dân cả nước đã có truyền thống đoàn kết, kiên cường, bất khuất, sáng tạo trong chống giặc ngoại xâm và thiên tai để bảo vệ và xây dựng đất nước, quê hương. Trong hoàn cảnh đó nên việc rèn luyện thân thể, luyện tập võ nghệ đã rất được chú trọng và không ngừng phát triển. Trong các dịp lễ hội, nhiều trò chơi mang tính rèn luyện sức khỏe, đoàn kết cộng đồng được tổ chức ở hầu hết các làng, xã. Phổ biến như: kéo co, bơi chải, bơi thuyền, cướp cầu, vật võ. Nhiều xã ven sông Châu Giang, sông Ninh Giang, sông Mới có hội thi bơi thuyền thúng khá độc đáo. Người thi một mình chèo thuyền và tự đánh đắm thuyền rồi lại lắc thuyền tát nước để tiếp tục chèo thuyền về đích. Môn thi này đòi hỏi phải có sức khỏe, có kỹ thuật điều khiển thuyền, lại phải khéo léo cứu thuyền chìm cho nhanh để về đích sớm.
Tục cướp cầu (vật cù) ở La Sơn, La Cầu, Ngô Khê, Tràng An; múa Rồng, múa Sư tử ở Vũ Bản, An Lão, Mai Động; đánh đu ở Đồng Du, Đồng Dồi, An Thái...
Bình Lục còn là vùng đất có truyền thống thượng võ, xưa có nhiều lò võ, vật nổi tiếng: võ quyền làng Sở, làng Đọ, vật ở Ba Hàng (cùng ở xã Tiêu Động), vật, võ ở La Sơn, Làng Giải (An Đổ), Mai Động, Thượng Đồng (xã Trung Lương), Ngô Khê, Cát Lại, Vũ Bản, Hưng Công, ...
Thôn An Bài xã Đồng Du nổi tiếng là lò võ cổ truyền với thế gậy ngang, gậy dài 7 thước ta (2,25m) làm bằng tre đực già, cỡ tròn tay nắm, võ sinh trước khi nhập môn phái giành thời gian rèn luyện sức khỏe, độ dẻo dai, nhanh nhẹn. Việc học gậy phải qua nhiều bước, nhiều bài, cuối cùng là bài biểu diễn, là bài toàn diện nhất với đầy đủ các thế, miếng.
Hàng năm, vào đầu tháng tám, làng mở hội thi, trong kháng chiến chống Pháp, bộ đội địa phương và dân quân, du kích cũng được học đánh gậy, đao, kiếm, khiên, roi. Các thế, miếng vật võ của người Bình Lục đã được truyền tụng trong ca dao, tục ngữ như: võ quyền Sở Đọ, lờ đó Chảy Chằm; Tiên Lý miếng gồng, Thượng Đồng miếng bốc; vật bế Giải Dằm, vật nằm Ba Chạ...
Truyền thống thượng võ, tinh thần yêu nước, ý chí quật cường đó của người Bình Lục đã được phát huy trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Tiêu biểu như: khởi nghĩa bà Nguyễn Thị Quỳnh Trân, quê xã Tái Kênh, sau hợp binh cùng Hai Bà Trưng chống quân Nam Hán; Phạm Hán, Phạm Phổ quê làng Mai Động xã Trung Lương, thời loạn 12 xứ quân đã dựng cờ tụ nghĩa, chiêu mộ quân binh, tích trữ lương thực, luyện tập võ nghệ, binh pháp, đánh dẹp Ngô Nam, Phạm Phòng, sau theo về cùng Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước. Dưới thời Trần có Hồ Tổ quê làng An Lão, chiêu binh phò tá vua Trần Nhân Tông đánh giặc Nguyên Mông; Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, có Lê Nguyên, Lê Toản, Lê Thuận quê xã Văn Mỹ đầu quân phò tá, lập nhiều công trạng trong kháng chiến chống quân Minh.
Trong cách mạng tháng Tám 1945, nhiều lò võ, vật trong huyện đã cử võ sinh tham gia lực lượng tự vệ, xung kích trong giành chính quyền ở huyện lỵ và các xã. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954), lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh thiếu niên thường được học võ, vật để vận dụng vào chiến đấu.
Năm 1958 phòng thể dục, thể thao huyện được thành lập, qua 2 lần sáp nhập (Với phòng y tế và phòng văn hóa). Đến nay (2019) bộ phận thể dục thể thao nằm trong cơ cấu tổ chức của phòng văn hóa thông tin huyện. Từ ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954) đến nay, phòng thể dục thể thao ở Bình Lục, luôn phát huy truyền thống của các hoạt động dân gian và không ngừng phát triển sâu rộng trong đông đảo nhân dân, nhiều môn thể thao mới được phổ biến, tổ chức luyện tập thường xuyên như cầu lông, bóng chuyền hơi, đi bộ, đi xe đạp, ... thực hiện cuộc vận động “toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phong trào mỗi người tự chọn một môn thể thao phù hợp đã được phát triển sôi nổi rộng khắp trong mọi thành phần, lứa tuổi. Các tổ chức đoàn thể, các trường học, cơ quan, đơn vị đã tổ chức được nhiều câu lạc bộ thể dục thể thao, hoạt động thường xuyên. Toàn huyện có 186 câu lạc bộ; số người tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 23,2% dân số, số gia đình luyện tập thể thao thường xuyên đạt 25%. Hàng năm có từ 5 đến 7 giải thi thể thao cấp huyện, các xã và nhiều ngành tổ chức giải thi đấu các môn thể thao phổ thông hàng năm. Nhiều cá nhân, tổ chức hăng hái tài trợ kinh phí xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao cơ sở và giải thưởng cho các cuộc thi đấu các cấp. Bằng nguồn ngân sách nhà nước và nguồn từ xã hội hóa, hệ thống thiết chế văn hóa thể thao từ huyện đến thôn xóm đã được tu bổ, xây dựng khá đầy đủ. Hiện có 5 nhà thi đấu thể thao đa năng, 7 nhà luyện tập, thi đấu cầu lông, 12 sân tập thể thao phổ thông, 2 sân bóng đá cỏ nhân tạo, 278 sân tập các môn thể thao khác tại thôn xóm, cơ quan, 2 sới vật, 3 bể bơi, nhiều phòng, điểm chơi bóng bàn. Tiêu biểu phong trào thể thao toàn diện vì sức khỏe của nhân dân là xã Bình Nghĩa. Từ năm 2000 đến nay, xã đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng cho xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao. Hiện có 2 sân bóng đá rộng hơn 14.000 m2, 5 sân bóng đá mini, 18 sân bóng chuyền, cầu lông đủ tiêu chuẩn, 1 hồ bơi hơn 3000m2. Hàng năm các thiết chế này đều được tu sửa, nâng cấp. Trong năm, tổ chức từ 2 đến 3 giải thi đấu bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, thể dục dưỡng sinh, câu lạc bộ bóng đá, bóng chuyền hoạt động thường xuyên, câu lạc bộ bơi, lặn có hơn 100 hội viên, có nhiều gia đình cả 3 thế hệ cùng tham gia câu lạc bộ bơi lặn, câu lạc bộ bóng chuyền. Năm 2002, Bình Nghĩa có 12 vận động viên dự bị thi đấu môn bóng đá nữ, bơi lặn, bơi chải giành giải nhất tỉnh Hà Nam, 13 huy chương vàng, 4 huy chương bạc giải bơi lặn các tỉnh vùng duyên hải và giải học sinh, sinh viên toàn quốc tại thành phố Hồ Chí Minh.
Từ năm 1998 đến nay, các vận động viên của Bình Nghĩa đã mang về 71 huy chương các loại, trong đó có 20 vàng, 24 bạc, 27 đồng từ các giải thi đấu quốc gia.
Từ phong trào thể dục thể thao quần chúng, huyện đã chọn tuyển vận động viên dự các giải của tỉnh và đã giành nhiều thành tích cao. Đội tuyển thể thao tuổi thơ giành giải nhất toàn đoàn các năm 2003, 2011, 2014, 2015; Đội tuyển vật giải nhất toàn đoàn các năm 2002, 2008, 2015, 2016, 2017, giải nhất bóng đá nữ các năm 2011, 2013, 2015.
Huyện đã được tỉnh chọn làm điểm Đại hội thể dục thể thao cấp xã, cấp huyện và đăng cai các giải bóng chuyền, giải vật mùa xuân thượng võ, giải bơi lội tuổi thơ. Từ năm 2000 đến nay, thể thao Bình Lục đã giành 794 huy chương trong các giải đấu của tỉnh (trong đó có 182 huy chương vàng, 246 huy chương bạc, 366 huy chương đồng).
Trong thi đấu thể thao thành tích cao, đã có nhiều vận động viên dự giải toàn quốc và giành thứ hạng cao như: Nguyễn Thị Tuyết Dung – cầu thủ xuất sắc nhất Việt Nam năm 2014 môn bóng đá nữ; Kiện tướng môn vật Hoàng Xuân Quyền – xã Vũ Bản, Nguyễn Thị Hà – xã Mỹ Thọ, Nguyễn Thị Thành xã Tiêu động; Kiện tướng bơi lội Lê Thị Thu Hằng, Nguyễn Văn Phúc xã Bình Nghĩa.
II. PHÁT THANH – TRUYỀN HÌNH
Sau ngày giải phóng miền Bắc năm 1954, việc phổ biến, tuyên truyền được thực hiện với hình ảnh các cán bộ thôn xóm, đoàn viên, giáo viên cầm loa sắt đọc những bản tin gồm những bản tin ngắn. Những hoạt động ban đầu này là tiền thân của ngành phát thanh – truyền thanh huyện Bình Lục.
Sau đó huyện thành lập tổ thông tin lưu động; hình thức tuyên truyền đã tiến bộ hơn bằng cả trực quan. Cùng với hoạt động của thông tin loa sắt đã tiến hành tuyên truyền rộng rãi về đường lối, chính sách Hợp tác hóa của Đảng và Nhà nước, về đường lối cải tạo tư bản tư doanh, về chính sách thuế nông nghiệp, cải cách ruộng đất, phong trào thi đua làm thủy lợi, về âm mưu và dã tâm chia cắt đất nước lâu dài của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước Ngô Đình Diệm cùng tội ác của chúng gây ra cho đồng bào miền Nam.
Đến những năm 1960, tổ thông tin lưu động được sáp nhập với ngành Bưu điện, được đầu tư thêm trang bị máy tăng âm, loa phóng thanh. Các đội chiếu phim lưu động cũng đọc các bản tin tuyên truyền trước giờ chiếu phim.
Năm 1965, Đài truyền thanh huyện được thành lập. Nơi làm việc là một gian nhà của Kho lương thực huyện với trang bị ban đầu là tăng âm, đài thu phát của Liên Xô. Từ đây, hàng ngày Đài đã tổ chức chuyển tiếp các chương trình phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam và phát qua các loa phóng thanh đặt tại một số điểm ở trung tâm huyện lỵ. Tin tức trong nước, thế giới và của địa phương đã được truyền tải kịp thời. Tại một vài Hợp tác xã đã có trạm truyền thanh như: Mai Động; có gia đình đã lắp loa galen tại các điểm đặt loa phóng thanh, buổi trưa, buổi tối tại các gia đình có loa galen luôn có nhiều người tập trung lắng nghe đài.
Đến những năm 1968 – 1975, các Hợp tác xã đều có Trạm truyền thanh. Ngoài việc tiếp sóng Đài tiếng nói Việt Nam còn tuyên truyền, thông báo các hoạt động của Hợp tác xã và xã. Đến 1972, Đài Truyền thanh của các Hợp tác xã chuyển về Ủy ban nhân dân xã quản lý. Từ thời gian này, các Đài truyền thanh xã có thêm cán bộ kỹ thuật, đảm nhiệm việc vận hành máy và duy tu, phát triển đường dây tới các loa công cộng. Đồng thời cán bộ phụ trách Đài truyền thanh cũng làm công tác biên tập để hàng tuần có chương trình tin riêng của địa phương.
Thời kỳ 1975-1990, hệ thống truyền thanh từ Đài huyện tới các xã tiếp tục được chú trọng đầu tư cả về nhân lực, trang bị kỹ thuật. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Đài huyện đảm nhiệm việc sửa chữa trang bị máy móc cho đài xã, lắp đặt hệ thống đường dây, lắp máy thu thanh bán dẫn cung cấp cho thị trường. Bộ phận biên tập viên được tăng cường với số lượng từ 3 đến 5 người. Đài cũng mở rộng đội ngũ cộng tác viên, có thời điểm gần 30 người. Đội ngũ cộng tác viên được bồi dưỡng nghiệp vụ định kỳ; Ủy ban nhân dân huyện phân bổ khoản nhuận bút cụ thể cho các tin, bài của cộng tác viên.
Đến năm 2000, Đài truyền thanh các xã đã xây dựng các trạm ăng-ten mới và một số đài đã thực hành phát thanh qua sóng FM tới các cụm loa trong xã (không dùng hệ thống đường dây truyền tải tín hiệu). Đài phát thanh- truyền thanh huyện được trang bị 2 camera để sản xuất các clip.
Năm 2005, Đài phát thanh – truyền thanh huyện được xây dựng nhà làm việc cao tầng với 13 phòng làm việc. Trang thiết bị từ trạm Ăng-ten cao 49m, các máy móc phục vụ việc dựng chương trình phát thanh, in thu phát sóng đài huyện và truyền hình ảnh về Đài phát thanh truyền hình tỉnh. Hàng tuần, Đài có 6 chương trình, 19 đài xã đều có 2 đến 3 chương trình một tuần.
Hoạt động của hệ thống phát thanh - truyền thanh huyện qua các thời kỳ đã có sự phát triển mạnh mẽ.
Địa chí Huyện Bình Lục