kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Địa chí huyện Bình Lục: Giáo dục – Đào tạo và Y tế

Địa chí huyện Bình Lục: Giáo dục – Đào tạo và Y tế

Phần thứ tư – Văn hóa – Xã hội: Chương III: Giáo dục – Đào tạo và Y tế

I. GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

1.Truyền thống dạy và học

Ở Bình Lục, đạo nho đã phát triển tương đối sớm. Những tư tưởng của đạo nho đã một thời trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nên truyền thống hiếu học gắn với nghiệp khoa bảng của nhiều thế hệ người Bình Lục từ xưa đến nay. Thời phong kiến trong số 94 vị đỗ đại khoa của tỉnh Hà Nam thì Bình Lục có 31 vụ - nhiều nhất tỉnh (Hà Nam online và Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Nam – 2018), trong đó mở đầu cho truyền thống cử nghiệp của Hà Nam là Lý Công Bình người Đồn Xá – Bình Lục, đỗ thái học sinh thời Lý, được vua ban quốc tính, gả công chúa. Ông vừa có tài văn trị, lại có tài võ công. Trong các dòng họ có nhiều người đỗ đại khoa là dòng họ Trần ở Phù Tải – An Đổ (4 đời có 4 vị đỗ Trạng nguyên, Tiến sĩ, tạo sỹ), dòng họ Nguyễn ở Vị Hạ - Trung Lương (5 đời với 3 vị đỗ Tiến sỹ, Tam Nguyên, Phó Bảng).

Tiêu biểu nhất trong hàng đại khoa thời này là Hoàng giáp Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến; ông tiêu biểu về lòng hiếu học, quyết chí dùi mài đèn sách đến độ khổ học; và rồi trở thành tấm gương tiêu biểu trong đường khoa bảng, ba lần đỗ đầu các khóa thi: thi Hương, thi Hội, thi Đình; ông cũng là nhà thơ lớn của dân tộc, mẫu mực, tài hoa hiếm có.

Sinh ra trong một gia đình nghèo nhưng gốc gác có nhiều đời khoa danh hiển hách. Cụ tổ bốn đời là Tiến sỹ Nguyễn Tông Mại, cha là tú mền ba khoa tú tài làm thầy đồ và làm thuốc cứu người, Nguyễn Khuyến đã sớm lập chí khổ học tu thân. Ông học giỏi, mười bảy tuổi đã cùng cha đi thi hương song do cha bị bạo bệnh mất sớm, mẹ yếu, nhà nghèo nên ông phải xách khăn gói đi dạy trẻ tại gia khắp nơi để nuôi thân, nuôi mẹ. Vừa dạy học, vừa tự học đến năm 1864, ông đậu thủ khoa kỳ thi hương trường Hà, sau đó, dù trượt cả 3 khoa thi Hội, dù phải cầm cố cả mảnh đất vườn cha ông để lại, Nguyễn Khuyến vẫn đêm ngày dùi mài kinh sử, quyết thi tài cho thỏa chí trai. Và rồi đến năm 37 tuổi, trong khoa Tân Mùi (1871) ông đã đỗ đầu bảng cả thi Hội, thi Đình và được lấy đỗ đệ nhị giáp tiến sỹ đệ nhất danh (không có trạng nguyên).

Ba mươi năm học hành, thi cử trong cảnh nhà nghèo khó, đỗ đầu cả ba khoa, đạt đến danh Hoàng giáp đình nguyên thực là kỳ tài, hiếm thấy. Càng đáng trân trọng hơn là khi ra làm quan ông thấm nhuần đạo lý nơi cửa Khổng sân Trình nhưng hồn ông, các tác phẩm văn thơ của ông lại không nói nhiều về ơn vua lộc nước, không ham công danh quyền lực mà luôn hướng về thôn quê, về nhân dân lao động, về đất nước. Vì vậy ông đã bất hợp tác với thực dân Pháp – kẻ xâm lược tổ quốc mình, chán ngán triều đình Nguyễn cam tâm bán nước làm bù nhìn cho kẻ ngoại bang nên quyết rũ áo từ quan khi đang là Tổng đốc Sơn - Hưng- Tuyên, trở về với cố hương (1884). Lòng yêu nước thương dân của ông được gửi trong những bài thơ vịnh sử, ngợi ca các anh hùng, chí sỹ chống ngoại xâm: Phù Đổng Thiên Vương, Hai Bà Trưng đến Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Nguyễn Trãi. Trong khối tác phẩm đồ sộ của Hoàng Giáp Tam nguyên Nguyễn Khuyến thì phần lớn thơ thể thất ngôn bát cú luật đường – thể thơ đòi hỏi vần, chữ, niêm, luật và kết cấu vô cùng chặt chẽ; vậy mà thơ Nguyễn Khuyến cứ tự nhiên, thoải mái, không chút khó khăn, gò gẫm mà như nước chảy, như mây bay, cứ tưởng như lời ăn tiếng nói tự nhiên mà thành thơ, rất sâu sắc, đằm thắm mà cũng da diết nỗi lòng, sự tiêu biểu đặc biệt nữa là tài năng câu đối độc đáo của Tam nguyên Nguyễn Khuyến. Loại câu đối trào phúng, đả kích giành cho kẻ sĩ dởm, những quái thai của một thời đầu thực dân hóa, lũ cường hào ác bá, những thói hư tật xấu trong đời sống. Loại câu đối cảm thán hay dành cho người dân thường đến xin lại chứa chan cảm xúc, đầy ắp hình ảnh, bình dị mộc mạc. Câu đối của ông đã thực sự trở thành một thể loại văn học với ý nghĩa đầy đủ. Nhà thơ Xuân Diệu đánh giá: “Trong làng văn học Việt Nam, Nguyễn Khuyến là người mẫn tiệp nhất về câu đối, làm nhiều câu đối nhất và những câu đối vào loại tài tình nhất” và “trước ông đã không ai bằng, sau ông lại càng thế nữa”.

Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, Bình Lục cũng là vùng đất học, mặc dù chính quyền phong kiến và thực dân Pháp ráo riết thực hành chính sách ngu dân, rất ít quan tâm đến giáo dục cho nhân dân tầng lớp dưới, các trường chủ yếu là do Dân lập.

Đến năm 1931, ở Bình Lục có 2 trường kiêm         bị: một trường ở huyện lỵ và một trường ở xã Ngô Khê, 7 trường thổng sư và 24 trường hương sư. Số học sinh tổng cộng được 1561 người.

CÁC TRƯỜNG HỌC Ở BÌNH LỤC NĂM 1931

Địa chí huyện Bình Lục Giáo dục – Đào tạo và Y tế

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, phong trào xóa nạn mù chữ được đông đảo nhân dân hưởng ứng rầm rộ; tại các ngõ chợ, cổng làng, nơi hội họp đều tiến hành hỏi chữ, các thôn làng đều mở lớp học i tờ. Người người đi học, từ trẻ nhỏ đến các cụ già, sôi nổi nhất là các thanh, thiếu niên. Chỉ đến cuối năm 1946, Bình Lục đã được công nhận xóa nạn mù chữ. 

Phong trào xóa nạn mù chữ và Bình dân học vụ tiếp tục được đẩy mạnh. Tính tới tháng 4 năm 1950, toàn huyện có 40 lớp học, trung học tư thục như ở trường Phùng Sư (Cát Lại), trường Huỳnh Thúc Kháng của hội Liên Việt, trường Lê Quý Đôn ở Phụ Tải và Mỹ Thọ. Bình dân học vụ có 182 lớp sơ cấp với 420 giảng viên và 2033 học viên, 101 lớp dự bị với 1726 học viên. Ban Bình dân học vụ huyện mở 3 lớp bồi dưỡng giảng viên, tổ chức 3 tủ sách bình dân. Công tác giáo dục của Bình Lục được xếp loại khá trong tỉnh.

Tháng 5 năm 1950, địch mở rộng chiến sự ở Bình Lục, nhân dân thực hiện tản cư tránh địch, tập trung nhiệm vụ xây dựng lực lượng, xây dựng, củng cố hệ thống phòng ngự chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến. Do đó, một số lớp Bình dân học vụ và trường học phải tạm ngừng. Song chỉ trong một thời gian ngắn, với sự giúp đỡ của Ty Bình dân học vụ tỉnh nhất là với tinh thần hiếu học của nhân dân, tới cuối năm 1950, nhiều xã đã tổ chức lại việc học các lớp học phổ thông cơ sở, hầu hết các xã tiếp tục mở các lớp Bình dân học vụ (trừ một số thôn tề ác).

Trong thời kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù gặp nhiều hy sinh gian khổ, song phong trào học tập văn hóa vẫn được duy trì. Năm 1952, có 2 trường Tiểu học được thành lập là Vũ Bản và An Lão. Thời kỳ sau chiến thắng Điện Biên Phủ -giải phóng miền Bắc- khôi phục kinh tế, ổn định đời sống, cải tạo xã hội chủ nghĩa (1954-1960), nhờ những kết quả to lớn của công cuộc giảm tô, cải cách ruộng đất, kế hoạch cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp mà kinh tế xã hội của huyện đã có bước phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy phong trào bình dân học vụ tiếp tục phát triển sôi nổi.

Năm 1956, huyện mở 165 lớp sơ cấp, 54 lớp dự bị, thanh toán mù chữ cho 4.825 người đạt 94,5% kế hoạch; dạy bổ túc văn hóa cho 5.153 người, đạt 96,2% kế hoạch. Năm 1957, có 30/31 xã có phong trào bình dân học vụ phát triển triển rộng khắp mọi thôn, xóm. Số người được xóa mù chữ, học bổ túc văn hóa là hơn 10.300 người. Đến năm 1958, thực hiện Chỉ thị số 15 của Huyện ủy về gấp rút thanh toán nạn mù chữ, toàn huyện đã có hơn 10.000 người được xóa nạn mù chữ, 6.977 người được bổ túc trình độ văn hóa cấp I, 717 người đạt trình độ văn hóa cấp II. Huyện được công nhận hoàn thành xóa nạn mù chữ.

Đến năm 1960, công tác Bổ túc văn hóa tập trung cho đối tượng là cán bộ xã, đoàn viên thanh niên với chương trình văn hóa cấp I, cấp II. Giáo dục phổ thông có bước phát triển nhanh, số học sinh cấp I, cấp II đạt hơn 14.000 em, đến cuối năm 1965, Bình Lục đã căn bản phổ cập vỡ lòng và giáo dục cấp I với hơn 90% học sinh trong độ tuổi đến lớp. Đến năm 1962, trường cấp III Bình Lục được thành lập trên cơ sở là toàn bộ trường, lớp học của trường cấp II của huyện; năm học đầu, trường có 2 lớp 8.

Giai đoạn chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ (1965-1972), vượt qua gian khổ, hy sinh, sự nghiệp giáo dục của Bình Lục vẫn rất sôi nổi, phát triển mạnh mẽ; Các phong trào thi đua hai tốt, phấn đấu đạt danh hiệu tổ lao động xã hội chủ nghĩa trong các nhà trường, phấn đấu đạt học sinh giỏi, ... được đông đảo thầy và trò hưởng ứng, đạt nhiều kết quả. Số lớp học, số học sinh đều tăng hàng năm, tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp các cấp đạt hơn 93%. Năm 1973, có thêm trường cấp III B được thành lập.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chính quyền và nhân dân Bình Lục đã tập trung xây dựng, sửa chữa trường, lớp học với sự đóng góp tiền, vật liệu và công sức của nhân dân là chủ yếu. Sự nghiệp giáo dục có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Năm 1976, giáo dục xã Đồng Du dẫn đầu toàn tỉnh về phổ cập cấp I, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 1977, có thêm xã Trịnh Xá hoàn thành phổ cập cấp I. Đến năm 1980, 90% các xã đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục cấp I. Nhiều nhà trẻ được công nhận tiên tiến như nhà trẻ Hưng Công, Cát Tường, Tiêu Viên, Mỹ Thuận, Mỹ Hưng. Một số xã đã xây dựng trường học cao tầng như Trung Lương, Tiêu Động, Mỹ Thắng, Mỹ Hà. Những năm 1980-1990, nhiệm vụ tập trung của sự nghiệp giáo dục Bình Lục có bước chuyển mới nhằm nâng cao chất lượng là: phổ cập văn hóa phổ thông trung học cho cán bộ và thanh niên, học tại các trường cấp 3 và trụ sở xã theo miền, tập trung xây dựng trường cao tầng, quan tâm các hoạt động năng khiếu trong học văn hóa và rèn luyện thể chất, tích cực hướng nghiệp trong trường phổ thông.

Từ năm 1991 đến nay (2019), sự nghiệp giáo dục đào tạo cả nước nói chung, ở Bình Lục nói riêng đã có sự đổi mới căn bản, toàn diện từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện đảm bảo; đổi mới căn bản từ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học theo những chủ trương, định hướng, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được Trung ương Đảng đề ra trong các Nghị quyết 04 (khóa VII-năm 1993, Nghị quyết 02 (khóa VIII), kết luận 14 tại Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 6 (khóa X), Nghị quyết 29-Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 8 (khóa XI) đã có bước phát triển mạnh mẽ.

Kết quả nổi bật nhất là phong trào xã hội hóa giáo dục đã vận động đông đảo nhân dân tham gia phong trào học tập suốt đời, thi đua thực hiện cộng đồng hiếu học, gia đình hiếu học, đóng góp nhân lực, kinh phí xây dựng trường, lớp học theo hướng hiện đại, xanh-sạch-đẹp. Sau 5 năm phấn đấu, đến 1995, toàn huyện đã có 27 xã trong tổng số 28 xã xây dựng trường cao tầng, kiên cố; hàng năm đều có đội tuyển thi học sinh giỏi tỉnh đạt giải cao và học sinh giỏi đạt giải quốc gia 3 năm liền. Chất lượng phổ cập cấp I được nâng lên, 7 xã đạt tiêu chuẩn phổ cập cấp II. Giáo dục hướng nghiệp dạy nghề trong các trường cấp II, cấp III và Trung tâm giáo dục thường xuyên – hướng nghiệp dạy nghề, học tin học, học ngoại ngữ được chú trọng, được công nhận là đơn vị tiên tiến xuất sắc của tỉnh Nam Hà. Đến năm 2000, 100% số xã trong huyện có trường học cao tầng, 11 xã có từ 2-3 trường các bậc học là trường cao tầng; Tỷ lệ tốt nghiệp các cấp đạt trên 99%. Năm học 1999-2000, đạt 179 giải cấp tỉnh và quốc gia trong thi học sinh giỏi, là huyện dẫn đầu tỉnh Hà Nam về hoàn thành phổ cập trung học cơ sở, năm 1998, phong trào xây dựng trường chuẩn quốc gia được tập trung thực hiện. Năm  2002, trường Mầm non An Ninh là 1 trong 5 trường đầu tiên của toàn quốc được công nhận chuẩn quốc gia, tiếp theo là các trường: Tiểu học Hưng Công, Bình Nghĩa A, An Lão A, Ngọc Lũ. Nhiều năm liên tục, ngành giáo dục Bình Lục là lá cờ đầu của tỉnh Hà Nam. Đến năm 2005, toàn huyện có thêm 21 trường đạt chuẩn quốc gia và là huyện đầu tiên có trường chuẩn quốc gia ở cả 3 cấp học từ Mầm non, Tiểu học đến Trung học cơ sở. 19/21 xã có 2 đến 3 trường cao tầng, ngành giáo dục đào tạo Bình Lục được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. 

Giai đoạn từ 2005 đến nay, sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục quán triệt chủ trương, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ mà Trung ương Đảng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp về phát triển giáo dục – đào tạo. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao không ngừng, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học được tăng cường theo yêu cầu hiện đại hóa, đã thành lập thêm 2 trường Trung học phổ thông là: THPT C Bình Lục và THPT Nguyễn Khuyến, từng bước củng cố hệ thống Trung tâm giáo dục cộng đồng, xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh phong trào khuyến học khuyến tài.

Địa chí huyện Bình Lục Giáo dục – Đào tạo và Y tế
Trường THCS Nguyễn Khuyến, trường đào tạo chất lượng cao. Đây là vị trí trường học của phủ huyện được xây dựng năm 1834, năm 1923, trở thành trường kiêm bị của huyện, năm 1955, là trường cấp II đầu tiên của huyện, năm 1962, là trường cấp III của huyện.

2. Hệ thống giáo dục đào tạo hiện nay (2019)

a/Phòng giáo dục đào tạo: Tổng số cán bộ, chuyên viên có 19 người, trong đó có 01 trưởng phòng, 02 phó trưởng phòng. Trụ sở là nhà cao tầng, trang thiết bị đầy đủ cho cán bộ làm việc.

b/Hệ thống trường học các bậc học phổ thông:

- Bậc Mầm non: Có 19 trường với 25 lớp, có 7207 trẻ. Tất cả các trường đều nuôi bán trú. Số cán bộ quản lý có 52 người. Tổng số giáo viên: 266 (trong đó: giáo viên có trình độ Đại học là 70; giáo viên có trình độ Cao đẳng: 184; giáo viên có trình độ trung cấp: 12)

- Bậc Tiểu học: Có 19 trường với 52 cán bộ quản lý đều có trình độ Đại học. Tổng số giáo viên có 440 thầy cô (trong đó: trình độ Đại học: 172 giáo viên; Cao đẳng: 245 giáo viên; trung cấp: 13 giáo viên).

Số lớp học: 363 lớp với 11.282 học sinh

- Bậc THCS: có 20 trường. Số cán bộ quản lý là 43 người; số giáo viên có 382 người (trong đó: trình độ Đại học: 214 giáo viên; trình độ Cao đẳng: 168 giáo viên).

Tổng số lớp: 206; tổng số học sinh: 7.407

-Bậc THPT: có 4 trường; Số cán bộ quản lý: 11 người; Số Giáo viên: 222 giáo viên (trong đó: trình độ trên Đại học: 21 giáo viên; trình độ Đại học: 201 giáo viên)

Tổng số lớp: 99 lớp; Tổng số học sinh: 4199

-Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Hướng nghiệp dạy nghề:

Có 01 trung tâm

Số cán bộ quản lý: 02; tổng số giáo viên: 10 giáo viên (trong đó: trình độ trên Đại học: 01 giáo viên; Đại học: 9 giáo viên)

Số lớp học: 5 lớp; Số học sinh: 160 (trong đó có 127 học sinh học trung cấp nghề).

-Số Trung tâm học tập cộng đồng các xã có 19 trung tâm.

DANH SÁCH CÁC TRƯỜNG HỌC TOÀN HUYỆN (2019)

Địa chí huyện Bình Lục Giáo dục – Đào tạo và Y tế

-Trường Trung học phổ thông A Bình Lục

-Trường Trung học phổ thông B Bình Lục

-Trường Trung học phổ thông C Bình Lục

-Trường Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến

-Trung tâm giáo dục thường xuyên – hướng dẫn dạy nghề Bình Lục

c/Về cơ sở hạ tầng các trường:

Với số lớp là 924, số phòng học gần 1000 phòng (số phòng học dư là do những năm gần đây số học sinh giảm do tỷ lệ sinh thấp và chuyển vòng đi các tỉnh khác). Tất cả các phòng học, phòng bộ môn, nhà hiệu bộ, nhà tập thể thao, ... đều là nhà cao tầng kiên cố, cao tầng được toàn dân, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đặc biệt chú trọng từ những năm 1994 đến năm 2010, tất cả các trường đều có khu lớp học cao tầng.

d/Chất lượng đào tạo: bình quân từ năm 2000 đến năm 2019:

- Tỷ lệ tốt nghiệp Tiểu học đạt 100%; Trung học cơ sở đạt 99,5%; Trung học phổ thông đạt 97,55%. Tỷ lệ học sinh THPT thi đỗ vào Cao đẳng, Đại học đạt 47,2%. Học sinh giỏi quốc gia cấp THPT  có 01 giải nhất, 01 giải khuyến khích.

- Kết quả xây dựng trường chuẩn quốc gia:

Đến tháng 9 năm 2019 đã có 57 trường từ bậc Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở (bằng 100%) được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Trường đạt chuẩn sớm nhất thuộc đợt đầu của cả nước là trường Mầm non An Ninh (năm 2002).

Trong 4 trường THPT, có 3 trường đạt chuẩn quốc gia là: THPT A Bình Lục (năm 2012), THPT B Bình Lục, THPT Nguyễn Khuyến.

Đã có gần 70 ngàn học sinh thuộc các thế hệ người Bình Lục đã tốt nghiệp THPT. Hơn 300 người đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ và chiến tranh biên giới Tây Nam, chống xâm lược Trung Quốc tại biên giới phía Bắc.  Hơn 400 người đạt học tới Thạc sỹ, Tiến sỹ và học hàm giáo sư, phó giáo sư; Gần 17 ngàn người đỗ cử nhân các ngành khoa học và nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp.

II.Truyền thống khoa bảng Bình Lục

1. Các vị đỗ ĐẠI KHOA thời phong kiến (1075-1919):

1. Lý Công Bình – đỗ Thái học sinh thời Lý – quê xã Đồn Xá.

2. Nguyễn Khắc Hiếu (1400-1472) đệ Nhất giáp Tiến sỹ đỗ năm 1429 quê Thanh Khê – Đồn Xá.

3. Phạm Phổ (1438-1491) Tiến sỹ - đỗ năm 1463 quê Mai Động – Trung Lương

4.Trần Thế Vinh – đệ Nhị giáp Tiến sỹ - đỗ năm 1475 quê xã Bồ Đề

5. Trần Văn Bảo (1524-1586) đệ Nhị giáp Tiến sỹ đỗ năm 1550 quê Phù Tải- An Đổ.

6. Trần Ngọc Du (1613-1698) Tiến sỹ - Phù Tải, An Đổ, cháu nội Trần Ngọc Bảo.

7. Trần Ngọc Huy (1649-1698) tạo sỹ (tiến sĩ võ), quê Phù Tải, xã An Đổ con trai Trần Ngọc Du.

8. Trần Ngọc Cáp (1684-1748) tạo sỹ (tiến sĩ võ) quê Phù Tải, xã An Đổ, hậu duệ tiến sĩ Trần Văn Bảo.

9. Nguyễn Tông Mại (1706-1761) Tiến sĩ, đỗ năm 1736 quê Vị Hạ, Trung Lương.

10. Nguyễn Kỳ (1715-1787) Tiến sĩ, đỗ năm 1748- quê An Lão, xã An Lão

11.Trần Huy Côn (1816-           ) Tiến sỹ, đỗ năm 1849; quê xã Vũ Bản

12.Nguyễn Khuyến (1835-1909) Tiến sỹ, đỗ năm 1871 quê Vị Hạ, Trung Lương

13. Nguyễn Hoan (1858-1908) phó bảng, đỗ năm 1889 quê Vị Hạ - Trung Lương, con trai Nguyễn Khuyến

2. Các vị có học vị Tiến sỹ thời kỳ sau cách mạng tháng 8 năm 1945:

Đến nay, người Bình Lục có học vị Tiến sỹ với khoảng hơn 200 vị. Một số vị tiêu biểu, có học hàm Giáo sư, phó Giáo sư gồm:

1. Giáo sư Tiến sỹ y khoa Nguyễn Trọng Nhân – Anh hùng lao động – Bộ trưởng Bộ y tế -quê xã Bình Nghĩa – Bình Lục.

2. Giáo sư - Tiến sỹ y khoa - Thiếu tướng Lê Bách Quang – quê xã Tiêu Động

3. Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Đức Dân – quê Vị Hạ xã Trung Lương

4. Giáo sư – Tiến sỹ khoa học Trần Duy Quý – Quê Nãi Văn – Vũ Bản.

5. Giáo sư – Tiến sỹ Trần Văn Thảo, Tổng cục trưởng tổng cục Cảnh sát Bộ Công an – quê xã Bình Nghĩa.

6. Phó giáo sư – Tiến sỹ Văn Tất Thu – Thứ trưởng Bộ Nội vụ - quê Vĩnh Tứ xã An Lão.

7. Giáo sư – Tiến sỹ Phạm Quốc Long

8. Phó Giáo sư- Tiến sỹ Hà Duy Ngọ, thôn Mỹ Đô, xã An Lão

9. Phó Giáo sư- Tiến sỹ Nguyễn Văn Khương – quê Thanh Nghĩa, Đồn Xá

10. Phó Giáo sư- Tiến sỹ Trần Thị Trâm – quê Duy Dương- Trung Lương

III. PHÁT TRIỂN Y TẾ VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE

1. Khái quát tình hình y tế Bình Lục

Từ xa xưa, do là cư dân nông nghiệp của nền văn minh lúa nước nên người dân Bình Lục đã biết chữa bệnh bằng thuốc nam với các loại cây, lá, củ, quả, hoa, thảo dược sẵn có tại địa phương theo kinh nghiệm dân gian. Việc chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe chủ yếu là tại nhà, dựa vào gia đình, học tộc và sự giúp đỡ của cộng đồng làng xóm. Sau dần có các thầy lang, thầy thuốc làm nghề đông y dược, khám chữa bệnh chuyên nghiệp và các bà mụ đỡ đẻ. Từ thế kỷ XVII ở thôn Nhã Lai, Khả Trang (nay là thôn An Thái, xã An Mỹ, huyện Bình Lục) đã có nghề chuyên chữa bệnh phụ khoa, bệnh vô sinh cho phụ nữ theo phương châm: nam dược trị nam nhân mà Tuệ Tĩnh đã khởi xướng và thực hành từ thế kỷ XVI. Người tạo tập nghề chữa vô sinh này ở thôn An Thái là vợ chồng cụ Thái Văn Lập và Nguyễn Thị Lệ. Cụ đến lập nghiệp tại xã An Mỹ bằng nghề dạy học và làm thuốc chuyên điều trị bệnh phụ khoa, sau lấy cụ Nguyễn thị Lệ quê làng Lương Ý, xã Cổ Trang (nay là thôn Lương Ý, xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục). Cụ bà là bà mụ nổi tiếng trong vùng. Hai cụ đã nghiên cứu điều trị bệnh phụ khoa và làm ra phương thuốc chữa vô sinh cho phụ nữ. Hai cụ không có con trai nên truyền nghề cho con gái. Sau này nghề cũng được truyền cho con gái và gần đây là được truyền cho con dâu.

Đến thời Pháp thuộc, người Pháp đưa phương pháp chữa bệnh theo Tây y vào Việt Nam mà trước hết là để chữa bệnh, chăm lo sức khỏe cho người Pháp, tầng lớp quan lại và những tầng lớp giàu có.

Từ năm 1930 – 1945, cả huyện không có trạm xá, chỉ có 12 khu đỡ đẻ với 24 mụ đỡ, 4 nữ hộ sinh, 6 y tá, 1 y sỹ, 1 phòng khám bệnh phát thuốc, 4 nhà hộ sinh. Đến năm 1935, chỉ còn 8 khu đỡ đẻ là: An Đổ, Mỹ Thọ, Tái Kênh, Cát Lại, Văn Ấp, Ngọc Lũ, Vũ Bản, Tiêu Động. Do lực lượng y tế quá mỏng, chính quyền phong kiến thực dân không chăm lo cho việc vệ sinh phòng bệnh và chữa bệnh cho dân nên môi trường ô nhiễm trầm trọng, nhiều dịch bệnh phát sinh, thường xuyên đe dọa tính mạng người dân.

Từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945, công tác y tế, vệ sinh phòng bệnh được chính quyền nhân dân đặc biệt quan tâm. Nhiều phong trào, cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống mới, cải tạo môi trường, phòng bệnh được thực hành rộng khắp. Tháng 9 năm 1947, Hội Hà Nam y dược được thành lập, đông đảo hội viên đã tập trung trồng cây thuốc nam, bào chế được hơn 140 loại thuốc chuyên trị các bệnh đau mắt, tả lỵ, ghẻ lở, tiêu chảy rất hiệu quả. Nhờ các loại thuốc nam này các đợt dịch bệnh cúm ở Bình Lục, Ý Yên, dịch sởi ở Kim Bảng đã được dập tắt kịp thời.

Thời kỳ 1954-1960, các xã của huyện Bình Lục đã nghiên cứu Chỉ thị của Trung ương về phát động phong trào thể dục vệ sinh, hầu hết các xã đã đắp được đường làng rộng 3 thước. Nhân dân tích cực phá dỡ hố xí cũ để xây lại theo quy cách mới hợp vệ sinh.

Năm 1958, phòng y tế huyện được thành lập với 3 cán bộ và 01 trưởng phòng. Đến năm 1959, huyện đã xây dựng được 15 Trạm y tế xã, 7 Trạm hộ sinh dân lập, 02 xã có cơ sở y tế dân lập. Đội ngũ cán bộ y tế xã có 116 người, trong đó có 65 nữ hộ sinh. Y tế viên thôn xóm có 434 người. Phong trào thi đua sạch làng tốt ruộng, đào giếng khơi, xây hố xí 2 ngăn được thực hiện ở các thôn làng, xã Liên An được biểu dương là điển hình toàn tỉnh.

Năm 1963, Bệnh viện huyện được thành lập với quy mô 70 giường bệnh. Đây là dấu mốc quan trọng để khám, chữa bệnh cho nhân dân và là cơ sở cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trong huyện giai đoạn (1965-1975), y tế Bình Lục tiếp tục được củng cố, tăng cường đội ngũ và thuốc men, nhất là công tác cấp cứu phòng không những năm Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc (1965-1968) và (1971-1972). Đây là thời kỳ công tác y tế được toàn dân tự giác tham gia, mạng lưới y tế cơ sở được phát triển mạnh mẽ, rộng khắp.

Giai đoạn 1980 – 1990, sự nghiệp y tế tiếp tục được củng cố và phát triển. Bình Lục là địa phương trồng cây dược liệu nhiều nhất trong tỉnh, điển hình là xã Bồ Đề có 15 ha cây thanh hao hoa vàng, bạc hà; xã Đồng Du, Bình Nghĩa có vườn thuốc nam hoàn chỉnh. Các công trình vệ sinh, nước sạch được tập trung xây dựng. Công tác vệ sinh phòng dịch điều trị bệnh xã hội được ngành y tế và nhân dân thực hiện tích cực. Năm 1981, Bộ y tế công nhận Bình Lục là huyện đầu tiên trong cả nước hoàn thành 5 dứt điểm và được tặng Huân chương Lao động hạng III.

Năm 1982, Phòng Thể dục thể thao và Ban Bảo vệ Bà mẹ trẻ em sáp nhập với Phòng Y tế thành Phòng -Y -Thể. Năm 1984, Bộ phận Thể dục thể thao tách ra khỏi Phòng Y – Thể. Năm 1988, Phòng Y tế đổi thành Trung tâm y tế, Bệnh viện huyện là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Phòng.

Năm 1986, Bệnh viện huyện được đầu tư xây dựng khu nhà cao tầng gần 1000m2 sàn, bằng tiền đóng góp của nhân dân là chủ yếu, đến nay vẫn đang được sử dụng. Năm 2010, Nhà nước đầu tư xây dựng 4 khu nhà cao tầng và công trình phụ trợ hoàn chỉnh. Hiện nay, hệ thống nhà làm việc của Trung tâm y tế và Bệnh viện huyện khá đồng bộ, đáp ứng đầy đủ yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân theo phân cấp của Bộ Y tế.

Tháng 10 năm 2018, thực hiện Quyết định 1518/QĐ-UB ngày 24 tháng 8 năm 2018 của UBND tỉnh Hà Nam, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa huyện sáp nhập vào Trung tâm Y tế huyện.

Địa chí huyện Bình Lục Giáo dục – Đào tạo và Y tế
Cán bộ y tế xã Bối Cầu, huyện Bình Lục khám sàng lọc cho trẻ trước khi tiêm vaccine phòng Covid-19.

2. Đội ngũ cán bộ y tế hiện nay

*Phòng y tế huyện có 01 trưởng phòng, 01 phó phòng và 03 cán bộ (trong đó có 01 bác sĩ chuyên khoa I, 02 y sỹ, 02 cán bộ có trình độ đại học ngành quản lý xã hội).

*Trung tâm y tế huyện cơ cấu tổ chức bộ máy nhân sự: Ban giám đốc có 01 giám đốc và 03 phó giám đốc (trong đó có 3 Bác sĩ chuyên khoa I, 01 y sỹ đại học luật)

- Phòng chức năng có 5 phòng, gồm:

+ Phòng tổ chức hành chính

+ Phòng tài chính kế toán

+ Phòng kế hoạch nghiệp vụ

+ Phòng dân số

+ Phòng điều dưỡng

*Bệnh viện đa khoa có 13 khoa, gồm:

+ Khoa khám bệnh

+ Khoa hồi sức cấp cứu nội

+ Khoa ngoại – liên chuyên khoa

+ Khoa nhi

+ Khoa y học cổ truyền và phục hồi chức năng

+ Khoa truyền nhiễm

+ Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn

+ Khoa xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh

+ Khoa dược, trang thiết bị vật tư y tế

+ Khoa kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS

+ Khoa y tế công cộng và dinh dưỡng

+ Khoa an toàn thực phẩm

- Đội ngũ cán bộ có 94 biên chế, gồm: 26 bác sĩ, 2 y sỹ, 22 điều dưỡng, 9 dược sỹ, 5 hộ sinh, 3 y tế công cộng, 1 kỹ thuật viên, 26 cán bộ khác.

*Khối các Trạm y tế:

- Có 19 Trạm y tế của 19 xã, thị trấn. Tất cả các Trạm y tế đều đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí của Bộ y tế.

- Đội ngũ cán bộ y tế của 19 Trạm y tế xã: tổng có 114 người (trong đó có 16 bác sĩ, 38 y sỹ, 28 điều dưỡng, 17 hộ sinh, 9 dược sỹ, 6 cán bộ khác). 

- 10% các Trạm y tế có lương y và phòng Y học cổ truyền.

- Tất cả các thôn, khu phố đều có nhân viên y tế với trình độ sơ cấp y trở lên.

3. Cơ sở hạ tầng, trang bị kỹ thuật

*Phòng Y tế: Hiện đặt tại khu nhà làm việc 3 tầng của UBND huyện, có đủ trang thiết bị đáp ứng yêu cầu làm việc trong điều kiện thời kỳ công nghiệp hóa Internet.

*Trung tâm y tế:

- Trước năm 1985, nhà làm việc và bệnh viện đều là nhà cấp 4, đến năm 1986 được xây mới 1 khu nhà cao tầng, hiện nay vẫn sử dụng. Năm 2002 đến 2010 tiếp tục được xây dựng thêm 4 khu nhà cao tầng và kiên cố hóa các công trình phụ trợ.

- Hệ thống nhà làm việc và bệnh viện đảm bảo đầy đủ yêu cầu hoạt động cao, theo yêu cầu chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh của nhân dân.

- Trang thiết bị kỹ thuật: Trang thiết bị đều đảm bảo yêu cầu khám chữa bệnh của các chuyên khoa, có nhiều thiết bị hiện đại như: máy chiếu, chụp X quang kỹ thuật số, máy điện tim, siêu âm màu 4D, nội soi tai mũi họng, đại tràng, máy Hote huyết áp, ...

Có 2 xe cấp cứu, chuyển bệnh nhân hoạt động 24/24

*Các Trạm y tế xã: 

17/19 trạm là nhà cao tầng, 2 trạm là nhà kiên cố, tất cả đều có đủ phòng thực hiện chuyên môn.

Trang thiết bị của các Trạm đều đảm bảo yêu cầu hoạt động chuyên môn tại Trạm và làm công tác tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe nhân dân, một số trạm có trang bị máy siêu âm, máy điện tim, ..

Toàn huyện có 49 cơ sở y học cổ truyền và 77 phòng dược.

4. Công tác y tế dự phòng

Là nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế và toàn xã hội, trong đó việc tuyên truyền giáo dục hướng dẫn toàn dân phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe là việc làm thường xuyên, liên tục.

Các hoạt động tuyên truyền giáo dục được tổ chức bằng những phương thức: trên đài truyền thanh, pano, áp phích, tờ rơi, truyền thông trực tiếp tại trạm y tế thôn xóm.

Chú trọng hướng dẫn phòng ngừa dịch bệnh theo mùa và các bệnh nguy hiểm: cúm AH5N1 ở người, dịch cúm gia cầm, sốt xuất huyết, HIV/AIDS, viêm não Nhật Bản, viêm gan, chuẩn bị đầy đủ hóa chất, phương tiện, nhân lực để chủ động dập dịch.

Thường xuyên tổ chức kiểm tra hướng dẫn thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chương trình tiêm chủng mở rộng được xã hội hóa cao, 99,8% trẻ em và 100% bà mẹ mang thai được tiêm phòng đầy đủ. Tỷ lệ bào thai suy dinh dưỡng dưới 4%, trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn dưới 1%.

Công tác vệ sinh môi trường được toàn dân thực hiện, 100% thôn làng tổ chức thu gom rác thải về điểm tập kết chung; 80,1% hộ gia đình sử dụng nước máy sạch; 77,4% hộ gia đình sử dụng hố xí tự hoại hợp vệ sinh.

Các bệnh xã hội được quản lý chặt chẽ, từ năm 2000 đến nay chỉ xảy ra một trận dịch bệnh H1N1 (năm 2009), đã được dập dịch kịp thời, không có người tử vong.

61 năm qua, y tế Bình Lục không ngừng phát triển về mọi mặt. Được sự quan tâm đầu tư mọi mặt của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân và sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ thầy thuốc và người làm nghề y theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thầy thuốc như mẹ hiền”, hệ thống y tế từ huyện tới cơ sở đã được tăng cường về đội ngũ, trình độ, y đức, trang thiết bị kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh của xã hội, được nhân dân tin yêu.

Với những thành tựu đó, ngành Y tế Bình Lục đã trở thành điển hình phát triển y tế của tỉnh Hà Nam, được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất.

Bác sĩ Nguyễn Lập Quyết – nguyên Giám đốc Trung tâm y tế huyện Bình Lục, giám đốc Sở y tế tỉnh được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân.

Bác sĩ Lý Ngọc Liên – Giám đốc Trung tâm y tế Bình Lục được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú.

Địa chí huyện Bình Lục

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy