Xử lý truyền thông “bẩn” cần những chế tài mạnh và triệt để

Xử lý truyền thông “bẩn” cần những chế tài mạnh và triệt để
Ảnh minh họa.

Với truyền thống “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, đã từ lâu, các hoạt động nhân đạo từ thiện, tương trợ lẫn nhau đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội của người Việt. Không chỉ lan tỏa những giá trị nhân văn, các hoạt động nhân đạo, từ thiện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đã góp phần tích cực chung tay cùng cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội.

Tuy nhiên, mới đây, ngay sau khi chủ tài khoản TikTok Nờ Ô Nô đăng tải video với nội dung "người nghèo ăn gì Nờ Ô Nô cho ăn đó" đã gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bởi trong video, người này đã thường xuyên sử dụng từ ngữ mang tính miệt thị, chê bai người nghèo khi làm từ thiện; nhất là khi đối tượng nhận từ thiện lại là một người cao tuổi. Hàng loạt người dùng phẫn nộ và đã report (báo cáo) tài khoản và ngày 29/11, chủ tài khoản này đã bị cơ quan chức năng phạt 7,5 triệu đồng vì đăng các video có nội dung miệt thị người khác, vi phạm thuần phong mỹ tục theo điểm b khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020.

Trước đó, tài khoản có hơn 600.000 lượt theo dõi cũng đã bị khóa. Theo như báo chí đưa tin, ngay sau khi vấp phải làn sóng tẩy chay của cộng đồng mạng, chủ tài khoản Nờ Ô Nô (tên thật là Phạm Đức Tuấn, sống tại TP Hồ Chí Minh) đã thừa nhận sai phạm khi có những lời nói bất cẩn đối với người già, neo đơn trong khi làm từ thiện, không phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục, gây phản cảm đối với cộng đồng.

Những hành vi, lời nói phản cảm của  TikToker Phạm Đức Tuấn đã bị lên án và xử lý theo đúng qui định của pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là, tại sao, thời gian qua, đã có rất nhiều trường hợp những người làm nội dung trên Youtube, TikTok, Facebook bị phạt về hành vi tương tự, nhưng những trường hợp lệch chuẩn vẫn tồn tại không ít trên các nền tảng mạng xã hội.

Cụ thể, cuối tháng 8 vừa qua, TikToker Hoàng Minh bị phạt 10 triệu đồng vì nội dung nói xấu người miền Trung. Trước đó, năm 2020, Hưng Vlog phải nộp phạt tổng số tiền 17,5 triệu đồng vì đăng video nấu cháo gà nguyên lông và lấy cắp tiền trong heo đất. Phải chăng chế tài xử phạt còn quá nhẹ chưa đủ sức răn đe nên nhiều trường hợp để tăng lượng tương tác, câu like, câu view… đã cố tình tạo ra những nội dung “bẩn” và trường hợp của TikToker Phạm Đức Tuấn không còn là chuyện “con sâu làm rầu nồi canh”. Với số lượng gần 700 nghìn người theo dõi (chủ yếu là thanh, thiếu niên) thì những phát ngôn phản cảm của Tuấn tất sẽ ảnh hưởng xấu tới cả triệu thanh, thiếu niên đang theo dõi kênh. Về lâu dài, những hành vi lệch chuẩn trong các video có nội dung “bẩn”, “rẻ tiền” còn ảnh hưởng đến đạo đức, nhân cách của một số người sử dụng khiến họ có những việc làm, lời nói lệch lạc đi ngược với thuần phong mỹ tục của cộng đồng.  

Vì vậy, cần kiểm soát chặt chẽ và nhanh chóng loại ra khỏi các nền tảng mạng xã hội đối với những video có nội dung kệch cỡm, thiếu văn hóa, vi phạm đạo đức… Đồng thời, cũng cần có những chế tài đủ mạnh để nghiêm trị những TikToker vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, vi phạm qui định của pháp luật.  Xóa kênh vĩnh viễn cũng được xem là một giải pháp hữu hiệu nhằm loại trừ những TikToker lệch chuẩn.

                                                                                                    

Minh Thu 

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy